HẬU TUỒNG - MỘT THÚC ĐẨY TRUYỀN THỐNG TRONG CÁC HÌNH DUNG VỤN

Dưới góc nhìn hậu truyền thống, bài viết phác thảo quá trình biến đổi của sân khấu truyền thống tuồng trong tương lai gần. Qua đó, phân tích, cắt nghĩa những tác động thúc đẩy sự biến đổi của sân khấu truyền thống tuồng.

   Bài viết là những hình dung tương lai gần trong quá trình biến đổi “gen” của sân khấu truyền thống tuồng dưới góc nhìn hậu truyền thống1. Với góc nhìn này, các phép thử “giấy quỳ” lên bộ môn sân khấu truyền thống tuồng được chấp nhận như một chuẩn mực tạm thời, chuyển dịch từ các hệ tư tưởng chính thống sang các hệ tư tưởng quá trình và sự tham gia. Trong đó, sự đứt gãy truyền thống với các giai đoạn khác nhau của hiện đại và hiện đại hoá là nguyên liệu chính cho sự ra đời của những biến thể mang kiểu hình và thậm chí cả những sai khác của ADN truyền thống. Như vậy, các phép thử có thể được đặt để lên các khách thể khác nhau mang các cấu trúc văn hóa đương thời khác nhau.

   Giả định cấu trúc đầu tiên là các nhóm cực hữu mang tư tưởng chính thống thì việc họa chừng tương lai của nó nằm trong các cấu trúc tái hiện, phục dựng, hồi cố. Các quan điểm hồi cố có thể được ứng dụng với kỹ thuật bóc tách, cắt nghĩa văn hóa trong nghệ thuật trình diễn, sân khấu thành các chi tiết đơn bào của ý niệm, văn học tính, âm nhạc, hay chuyển động. Một trào lưu mới trong việc lưu trữ, hay sưu tầm các tác phẩm trình diễn, sân khấu hay múa từ thời hậu hiện đại đến nay là việc quan sát các cấu trúc trình diễn ở góc độ giải phẫu. Khi đó, những thành tố tạo nên cơ thể tác phẩm được phơi bày tuần tự. Điều này cho phép những đơn bào trình diễn tự thân diễn ngôn. Lấy ví dụ bóc tách một phân đoạn ước lệ hành động lên ngựa chiếu lên đặc điểm nhân vật, có thể thấy lịch sử khảo cổ nhân tướng học đã được dịch thuật thành các điệu, các bộ với các trình thức khuếch đại khác nhau. Khi đó, nịnh thần không thể có khảo tướng của trung nhân. Dưới góc độ quan sát nhân tướng học, hình dung cho sự ứng tác hiện đại của các cấu trúc nhân học hiện đại thì việc quan sát lịch sử nhân tướng hiện đại cho phép phóng tác khuếch đại thành các ngẫu hướng khác nhau giúp cho bản chất trình thức là một phản ánh xã hội đương thời.

   Các quan điểm hồi cố tạo ra nhu cầu thúc đẩy những thử nghiệm phòng (studio study) nhằm tạo ra các lý thuyết mới cho ứng dụng ước lệ nói riêng hay các trình thức trình diễn khác nhau nói chung của bộ môn này. Việc nghiên cứu cho phép thử nghiệm các quan điểm triết học mà lý luận cổ điển tuồng mang lại, trong đó có thể hình dung được tương lai phản ứng mà chất xúc tác là những mối quan tâm về căn tính phi thực dân. Khi đó, một thúc đẩy phản vệ về nguồn gốc và các lý thuyết học thuật thuộc địa sẽ định hình nhân dạng (identity) trình diện theo các cấu trúc văn hoá khác nhau của vùng miền, lịch sử nhân học và lịch sử gia đình hạt nhân. Lấy ví dụ bóc tách tốc độ trình diễn của tác phẩm Biết thì nói, không biết thì bói của Trà Nguyễn, các ý tưởng làng xã và những đúc kết trong ca dao, tục ngữ được phục sức đồng nhất với tốc độ di chuyển cực chậm, một mặt làm biến dạng các quy ước sân khấu thông thường, mặt khác lại tạo ra một trình thức ước lệ khuếch đại theo các trường phái hậu kịch nghệ (theo Han-Thies Lehman). “Múa tuồng được các thế hệ diễn viên chắt lọc từ những động tác sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày của con người và tiếp thu tinh hoa của những hình thái múa dân gian, múa tín ngưỡng, tôn giáo, tế lễ, hội hè và võ thuật dân tộc để xây dựng vũ đạo tuồng theo một hệ thống từ đơn giản đến phức tạp. Vũ đạo tuồng về cơ bản là những động tác hình thể của người diễn viên được cách điệu hóa, khoa trương hóa trên sân khấu và biểu diễn nhịp nhàng, cân đối với lời hát, tiết tấu, giai điệu, góp phần biểu hiện tính cách, tác phong nhân vật một cách rõ nét nhất”2.

   Nhóm cấu trúc thứ hai là nhóm đặc trưng chịu sự tác động của sự đứt gãy văn hoá. Quan điểm của Alasdair MacIntyre cho thấy những đứt gãy đe dọa sự tồn tại của các đối tượng văn hóa, cụ thể ở đây là diễn xướng tuồng. Các cá nhân tự chủ của nhóm bị buộc phải lựa chọn giữa những “quan điểm” mang lại cho họ những tiêu chuẩn văn hoá của chính họ nhưng đây lại là những tiêu chuẩn xung đột với tiêu chuẩn của những người khác. Và điều này chỉ ra một đặc điểm quan trọng của hiện tại: vấn đề tồn tại thực sự của các quan điểm đạo đức khác nhau hầu hết bắt nguồn từ các tiểu văn hóa “truyền thống”, cùng tồn tại trong cùng một cộng đồng và phải đối mặt với vấn đề giúp đỡ lẫn nhau. Như vậy, đối diện với các phản tư truyền thống, khi bắt buộc phải bóc dỡ các tư tưởng hồi cố ra khỏi các “bảo tàng” sân khấu, các quan điểm chuyển dịch biến truyền thống trở thành một hậu truyền thống của chính nó. Quan điểm này được hình dung như một thúc đẩy mạnh mẽ cho việc hình thành một nhân cách/ nhân diện tuồng mới trong tương lai. Tương lai đó phụ thuộc vào quá trình khám phá căn tính của bản thân người khai phá, giải cấu trúc diễn xướng truyền thống và thử nghiệm các mô hình sân khấu tương lai.

   Căn tính người khai phá là chủ đề xuyên suốt từ những năm đầu của hậu hiện đại. Khi quan sát lại chuyển động trình diễn, những người thực hành nghệ thuật (art practitioners) khảo cổ lại quá trình hình thành chuyển động từ lịch sử giải phẫu học của cơ thể chính họ, lịch sử của các ý niệm nguyên sinh hay tính nguyên bản (authenticity). Những truy vấn không ngừng khiến những thực hành gia theo hậu hiện đại cho đến đương đại đối thoại không ngừng với các sùng bái sự truyền thống của chủ nghĩa tự do. Các truyền thống khác nhau của tân - tuồng là sự pha trộn giữa các phổ văn hoá thuần khiết đương thời, hướng đến hội nhập với thế giới. Đây được coi là đỉnh cao của tuồng.

   Các quan điểm hậu hiện đại cho phép cắt nghĩa tuồng ra khỏi các bối cảnh cổ trang như trung quân, hiếu quốc, các chủ nghĩa anh hùng, các bi kịch, hào sử… Các gắn kết với các vấn đề đương đại được hình thành dựa trên trình thức trình diễn tuồng. Lấy ví dụ như dưới góc độ khảo cổ của chuyển động, cơ huấn là một phản ánh rõ nét lịch sử nhân học của các thế hệ trình diễn. Các nhân dạng của nhân sinh hiện đại có thể được ứng dụng trong các mô hình phòng thử nghiệm hay ứng dụng trực tiếp lên cơ thể người thực hành trình diễn cụ thể. Trong mô hình phòng thử, việc tái lập một lịch sử cơ huấn của bản thân nhân vật hay trình thức trình diễn được tạo ra bởi các quan sát kỹ lưỡng của hành động và chủ thể của hành động. Ngược lại, với người trình diễn, quá trình cơ huấn có thể là một quá trình tái lập hoặc kiến tạo một lịch sử chuyển đổi, hình thành nên cái mới theo kết cấu giải phẫu học của chính người trình diễn. Hai nhu cầu này tạo ra các phản ứng cắt nghĩa truyền thống theo góc độ tái lập hoặc tạo lập một truyền thống khác ở thời điểm hiện tại của trình diễn. Các thể nghiệm có thể được hình dung theo một ngẫu hướng của chủ nghĩa tự do. Việc cơ huấn cũng là tiềm năng phản biện các quy trình chính thức và phi chính thống của lịch sử di sản hành vi của cộng đồng.

   Sự gián đoạn của các tiếp biến văn hoá thông qua các thế hệ gần một mặt đe dọa sự tồn tại vị lai của bộ môn, mặt khác tạo điều kiện cho các khách thể tiếp cận bộ môn ở góc độ phối giống. Các thể nghiệm liên ngành cho phép lai tạo bộ môn thành những hình dung hiện đại từ thị giác, chuyển động, sân khấu, âm thanh, âm nhạc, tư liệu hoá, video… Hình dung này cho phép bộ môn trình diễn tự thân ở những không gian phi sân khấu khác. Với hình dung hậu kịch nghệ, hậu sân khấu, tuồng có thể là một diễn xướng tự thân phản ánh cấu trúc văn hoá hiện tại và tương lai của các thế hệ cần tiếp biến. Điều này cũng dễ dàng gặp phải hình dung phản văn hoá, phản đa văn hoá và các chủ nghĩa chống hiện đại hoá. Khi đó, cần giải quyết hài hòa giữa truyền thống và những tư tưởng tự do. Giải pháp đề nghị mà Anthony Giddens khuyến nghị đối với vấn đề này là sự tin cậy tích cực. Hình dung quá trình làm việc cùng nhau dựa trên sự tin cậy tích cực giữa các nhóm truyền thống cố hữu và những nhóm chủ nghĩa tự do sẽ tạo ra các “sản phẩm” đa dạng và mạnh mẽ và bền vững vừa mang chất “gen” của truyền thống vừa không bị ràng buộc bởi các quy chuẩn cứng nhắc của nó. Nó cho phép những bản thử vừa có được nhân dạng (identity) rõ rệt vừa có thể hiện diện với vai trò công dân quốc tế.

   Tất cả những hình dung có thể được bỏ ngỏ tiếp theo. Vị lai danh tính tuồng thông qua các bản thử có thể được trao đặt niềm tin vào tiềm năng khai phá của các tập thể quan tâm có xuất xứ nghề nghiệp khác nhau. Những đặt để này tái hình dung một lần nữa các quan điểm hậu truyền thống về một ảo tưởng đối thoại cũng như cảm giác lo lắng biết đâu lại phải quật khơi phế tích.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Arthur J. Balfour (1888), The Religion of Humanity: An Address Delivered at the Church Congress, Manchester, October 1888, Edinburgh: David Douglas.
2. E. A. Burroughs (1927), Bishop of Ripon, ‘Is Scientific Advance Impeding Human Welfare?’, Literary Digest, 95 (1927), 32.
3. Herbert Spencer (1895), The Principles of Ethics, vol. 1, New York: D.Appleton and Company, pp. 477-554.
4. Herbert Spencer(1885), The Man versusthe State: Containing ‘The New Toryism’, ‘The Coming Slavery’, ‘The Sins of Legislators’ and ‘The Great Political Superstition’, London: Williams and Norgate, pp. 800.
5. Karl Pearson (1888), The Ethic of Freethought, London: T. Fisher Unwin, p. 20.
6. Robert Bellah (1970), Beyond Belief: Essays on Religion in a Post-Traditionalist World, Berkeley,CA:UniversityofCaliforniaPress.
7. Stephen Turner(2014), ‘Religion and British Sociology: The Power and Necessity of the Spiritual; Sociology in Britain’, in John Holmwood and J. Scott (eds), The Palgrave Handbook of Sociology in Britain, London: Palgrave, pp. 97-122.

Chú thích:
1 Hậu truyền thống (post-tradition) là một khái niệm biểu thị sự kết thúc hay tiếp biến của các vai trò xã hộitruyền thống và khả năng - hay gánh nặng - của phát kiến, những sự thay đổi mà sức mạnh đầy đủ của nó chỉ mới được cảm nhận gần đây.
2 Nhà hát Tuồng Bình Định.

Bình luận

    Chưa có bình luận