DỊCH VĂN HỌC TRONG BỐI CẢNH TRÍ TUỆ NHÂN TẠO PHÁT TRIỂN

Trên cơ sở phân tích hoạt động dịch văn học trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh chóng và đang có những tác động to lớn lên mọi mặt của đời sống, bài viết khẳng định vai trò quan trọng và không thể thay thế của người dịch văn bản văn học.

   Ở nước ta, dịch thuật nói chung, dịch văn học nói riêng đóng vai trò quan trọng quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa, văn học, góp phần kiến tạo nên diện mạo văn học nước nhà. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo phát triển đã mang đến những thuận lợi và cả những thách thức không nhỏ cho dịch giả trong quá trình dịch thuật. Trong bài viết này, chúng tôi trình bày khái quát về các vấn đề liên quan đến dịch thuật văn bản văn học và chỉ ra vai trò quan trọng, không thể thay thế của người dịch, hoạt động dịch văn học trong bối cảnh công cụ dịch máy ngày một phổ biến.

   1. Dịch văn học và tính đặc thù của văn bản nguồn

   1.1. Quá trình phát triển của lý thuyết dịch

   Dịch thuật (translation) là “quá trình thay đổi từ ngôn ngữ (nói hoặc viết) này sang ngôn ngữ (nói hoặc viết) khác”, việc “biểu đạt ý nghĩa của ngôn ngữ nói hoặc viết sang một ngôn ngữ khác” (dẫn theo Oxford Learner’s Dictionary). Vậy trước tiên, dịch thuật là sự chuyển đổi từ dạng (form) này sang dạng khác bằng nhiều cách thức (method) khác nhau và người dịch đóng vai trò như một người trung gian, “môi giới” nối kết hai dạng thức khác nhau và dẫn truyền một sợi dây gắn văn bản/ bài diễn ngôn gốc với văn bản/ bài diễn ngôn được dịch. Tuy nhiên, dịch thuật không chỉ là một quá trình chuyển ngữ mà còn là sự chuyển dịch văn hóa, bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị, lịch sử… và hơn cả thế, đó còn là sự “xê dịch” đường biên văn hóa của các vùng, miền, quốc gia trên thế giới. Thứ hai, nếu hiểu dịch thuật như sự chuyển dịch những ý niệm, ý tưởng, hình mẫu, cấu trúc hay rộng hơn là trào lưu, trường phái… từ nơi này sang nơi khác và ngược lại, thì hiện tượng này sẽ xảy ra ở tất cả các lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có dịch văn học - tức từ nền văn học này sang nền văn học khác, từ thời kỳ trước sang thời kỳ sau của cùng một nền văn học. Từ một góc nhìn rộng hơn, nó đang góp phần vào việc gắn kết con người, gắn kết thế giới và đặc biệt, dịch cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong các thời kỳ chuyển giao xã hội, thể chế chính trị, tôn giáo… của một hoặc một vài cộng đồng trên thế giới. Khi hoạt động dịch càng ngày càng phát triển, đòi hỏi tất yếu là cần có một lĩnh vực nghiên cứu với hệ thống lý thuyết, phương pháp luận và các công cụ nghiên cứu cụ thể… nhằm nâng cao thực tiễn hoạt động dịch thuật nói chung, dịch văn học nói riêng. Và tiểu luận “The name and nature of translation studies” của James S. Homes (1972) ra đời giống như một bản tuyên bố chính thức sự ra đời của “Translation studies” - ngành Nghiên cứu dịch thuật, trong đó, “Translation theories” (Lý thuyết dịch) là một nhánh của ngành, bên cạnh “Descriptive translation” (Dịch thuật mô tả) - tập trung vào khai thác sản phẩm dịch (product-oriented) và “Applied translation” (Dịch thuật ứng dụng) - gắn với các hoạt động thực tiễn của ngành1.

   Lý thuyết dịch vào thời kỳ đầu coi dịch thuật là một nhánh nhỏ trong nghiên cứu ngôn ngữ học. Từ thực tiễn đến nghiên cứu dịch, ta đều bắt gặp các tranh luận xung quanh giữa “faith” và “freedom” (dịch trung thành - dịch tự do) hoặc giữa “literal” và “oblique” (dịch thẳng - dịch nghiêng). Những quan niệm về dịch thuật ở phương Tây và phương Đông (tín – đạt – nhã)2 đều khởi đầu từ kinh nghiệm dịch văn bản tôn giáo (Kinh Thánh, Kinh Phật) nên có điểm chung là coi sự trung thành/ chữ “tin”/ chữ “đạt” là tiêu chí tiên quyết dể đánh giá dịch thuật, nó đã đè nén mọi khả năng sáng tạo và sự linh hoạt của người dịch. Những tiêu chí nghe có vẻ rõ ràng, cụ thể này thực chất lại khá khó đánh giá khi sự trung thành hay sự trôi chảy không có mức độ đo lường cụ thể. Theo nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học, chúng tôi nhận thấy có hai xu hướng dịch chính là tương đương hình thức” (Nida, Catford) và “tương đương chức năng” (Levy, Reiss). Trước hết, E. Nida đã đề xuất hai loại tương đương là “tương đương hình thức” (formal equivalence) – tập trung vào sự chính xác, sát nghĩa trong quá trình truyền tải thông điệp (message) và “tương đương động” (dynamic equivalence) - hướng đến sự biểu đạt tự nhiên (natural) nhằm tạo ra sự gần gũi, liên kết giữa độc giả và văn hóa của anh ta. Còn “tương đương chức năng” (functional equivalence), giống như tên gọi của nó, nhấn mạnh các phạm trù liên quan đến chức năng hoặc mục đích của dịch thuật, coi đó là “một quá trình giao tiếp” (a process of communication). Người dịch vì thế sẽ đứng trước “một chuỗi những quyết định” (a series of decisions) xuyên suốt thực hành dịch nhằm tạo ra sự kết nối liên văn bản (Levy), đồng thời, mang lại sản phẩm có khả năng “tạo ra thái độ xúc động tương tự với độc giả đích” (Reiss), tức nghĩa tạo ra hiệu ứng tương đương giữa độc giả văn bản gốc và độc giả văn bản đích3.

   Nếu ngôn ngữ học đặt những bước chân đầu tiên vào lĩnh vực nghiên cứu dịch thuật từ những năm 1950 thì tới những năm 1990, chúng ta được chứng kiến một “bước ngoặt văn hóa” (culture turn) khi hướng “dịch chữ” dần chuyển sang “dịch văn hóa” – tức nghĩa đề cập đến sự chuyển dịch có tính chất hai chiều giữa hai quốc gia bởi lẽ mối quan hệ “tương đương” lúc này không còn là khuôn vừa vặn để áp dụng tất cả các yếu tố ngoài ngôn ngữ vào thực hành dịch thuật. Từ đây, chúng ta có hai xu hướng dịch chủ yếu là “nội hóa” (domestication) và “ngoại hóa” (foreignization). Trong đó, “nội hóa” được hiểu là bản địa hóa ngôn ngữ, văn hóa, bối cảnh nước ngoài nhằm mang đến sự gần gũi, đặc biệt là sự dễ hiểu tới người đọc và đây phải là một “quá trình” (process) bao gồm một chuỗi những quyết định, lựa chọn và hành động hướng tới tính “tự nhiên” (naturalness) của một bản dịch còn “ngoại hóa” đòi hỏi dịch giả phải am hiểu sâu sắc, có khả năng lý giải và chú thích cực kỳ chi tiết, chính xác, rõ ràng, qua đó tái hiện cho người đọc hình dung được toàn bộ nền văn hóa, bối cảnh xã hội, không gian thời gian hay vùng miền địa lý… của tác phẩm gốc. Bởi vậy, dịch thuật là cầu nối văn hóa, không chỉ giúp mở rộng sức ảnh hưởng của nền văn hóa gốc mà còn làm phong phú văn hóa đích.

   Đến cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, dịch thuật nhìn từ lý thuyết hậu thực dân là hướng tiếp cận tương đối mới và phổ biến… Theo đó, các nước Âu - Mĩ có xu hướng đàn áp về địa vị văn hóa trước hết bằng sự phổ biến và thông dụng của tiếng Anh, bởi vậy đằng sau những hoạt động dịch đó là “biểu trưng về quyền lực của chủ nghĩa tiêu thụ và sức mạnh mềm của các thế lực bá quyền ở phạm vi toàn cầu… sức mạnh của ý thức hệ Mĩ”4. Tuy nhiên, nếu hoạt động dịch thuật (hay bất cứ hoạt động văn hóa, chính trị, xã hội nào khác) cũng lấy quan điểm Âu tâm luận làm gốc rễ của mọi thực hành văn hóa giữa các nước (cả nước thực dân lẫn nước từng là thuộc địa), đó là điều không thể nào chấp nhận được. Và đứng trước nguy cơ bị xói mòn ngôn ngữ, mai một văn hóa, đứng trước sự phương Tây hóa mọi bối cảnh dịch thuật, các nhà nghiên cứu lên tiếng nhằm kháng cự lại cách dịch “nội hóa” (tức đưa mọi thứ vào khuôn khổ của văn minh phương Tây) từ trước đến nay. Như vậy, khi gắn dịch thuật với lý thuyết hậu thực dân, ta nhận ra nghiên cứu dịch thuật có thể đi xa hơn những tranh luận về dịch thẳng (dịch sát) với dịch nghiêng (dịch tự do), những ý niệm về “người đẹp không chung thủy” (les belles infidèles) hay sự trung thành của người dịch với bản gốc, đồng thời vượt qua cả quan niệm gắn chúng với văn hóa gốc - văn hóa đích mà mở rộng phạm vi đến những sự kiện, hiện tượng trong lịch sử, nhập vào các thể chế văn hóa, chính trị, xã hội.

   1.2. Tính đặc thù của văn bản văn học

   Theo quan niệm của mĩ học tiếp nhận, văn bản là “một tổ chức ký hiệu được sáng tạo ra cho người đọc, tồn tại trước khi có hoạt động đọc của người đọc”, là “một cấu trúc có tính lược đồ, nhiều tầng bậc, chưa xác định” còn văn bản văn học là “một cấu trúc mở… mời gọi” mà độc giả sẽ là người lấp đầy những khoảng trống, khoảng trắng ấy5. Văn bản văn học là tập hợp thống nhất của các từ, cụm từ, câu, đoạn văn và cũng giống như bao văn bản khác, nó là chỉnh thể mang nghĩa. Người viết khi tạo lập ra một văn bản văn học luôn muốn đem đến những ý niệm mới về sự vật, sự việc, con người trong đời sống và chúng chỉ thực sự có ý nghĩa khi người đọc tự mình kiến tạo nên một ý nghĩa riêng. Vì vậy, một trong những đặc điểm nổi bật phân biệt văn bản nghệ thuật nói chung với các văn bản phi văn học khác là ở cấu trúc mở chứa đựng nhiều khoảng trống, khoảng trắng. Chúng không hề đơn nghĩa, không bị bó buộc vào một khung cấu trúc đóng hay phải đáp ứng yêu cầu về sự minh bạch, rõ ràng, sòng phẳng mà ngược lại, chính sự đơn nghĩa sẽ tạo nên cái chết của nghệ thuật. Đặc điểm này xuất phát từ sự hư cấu cao độ ở tất cả thể loại văn học, kể cả ở những thể loại gần với phi hư cấu như nhật ký hay hồi ký... Các văn bản văn học lấy nền tảng là sự hư cấu để dẫn dụ người đọc đến một thế giới khác, dẫu có giống với hiện thực bao nhiêu cũng không bao giờ có thể đồng nhất được với hiện thực. Mặt khác, chúng còn là công cụ để nhà văn, nhà thơ tự do biểu đạt, tự do cất tiếng nói (dẫu họ sẽ không bao giờ có tự do tuyệt đối), làm phong phú thêm chất liệu đời sống nhờ khả năng liên tưởng, tưởng tượng và kiến tạo nhiều cách diễn giải khác nhau về đời sống. Một văn bản văn học còn được kiến tạo từ các tầng ngôn ngữ và tầng hình tượng, nhờ vậy, qua các các tầng nghĩa đó, nó không ngừng khiến người đọc chất vấn lại tính ý nghĩa của đời sống và định vị lại con người trong cuộc sống không ngừng thay đổi này – một cuộc sống có xu hướng số hóa tất cả mọi thứ, biến con người thành những cỗ máy lao động vô hồn… Và một đặc điểm khác nhằm phân biệt văn bản văn học với các loại hình văn bản nghệ thuật khác chính là ở khả năng tạo sinh của ngôn ngữ. Ngôn ngữ là thứ có tính lịch sử, nó mang trong mình dấu ấn của thời đại bởi mỗi một từ ngữ đều có nguồn gốc riêng, trải qua quá trình biến đổi văn hóa, chính trị, xã hội… các thời kỳ. Người viết khi tạo lập văn bản văn học một mặt tiếp tục tạo ra những nghĩa phái sinh so với nghĩa ban đầu của ngôn ngữ, một mặt lại làm giàu thêm vốn từ vựng thông qua việc liên tục kiến tạo những từ ngữ mới, ngữ cảnh mới nhằm phá vỡ và giải phóng lối tư duy bị cố định, máy móc hóa của con người khỏi những quy tắc diễn đạt quen thuộc, thông thường… Với sự cộng hưởng về mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp… văn bản văn học không được tạo lập để truyền đạt thông tin đơn thuần mà nhằm đem đến những xúc động, khoái cảm thẩm mĩ, hướng tới trải nghiệm xúc cảm của người đọc khi tiếp xúc với nghệ thuật sử dụng ngôn từ, xây dựng hình tượng…

   Ứng với những đặc điểm nói trên, một văn bản dịch văn học cũng là một kiểu văn bản văn học và cũng có những đặc điểm tương tự. Điều này sẽ là thách thức không nhỏ đối với cả đối tượng người dịch lẫn công cụ dịch máy trong việc phá vỡ, hợp nhất và tái hiện lại hệ thống ký hiệu ở văn bản văn học dịch. Bên cạnh đó, sáng tác văn học là một hoạt động đòi hỏi sự sáng tạo cao độ, viết nên từ những nếm trải nghệ thuật và cuộc sống trong thế giới tinh thần của tác giả, vậy nên, để biến một văn bản văn học thành một tác phẩm văn học sống động, được chính người dịch tạo sinh ý nghĩa và sau đó lại trở thành một văn bản văn học dịch, đối tượng chịu trách nhiệm xử lý trung gian này cần phải có một cảm quan thẩm mĩ sâu sắc cùng với các kinh nghiệm thể nghiệm về thế giới để diễn giải lại chúng. Văn bản dịch vì thế cũng là một văn bản vừa được giải cấu trúc vừa được kiến tạo thêm những tầng nghĩa mới.

   2. Dịch văn học – đặc trưng và thách thức mới

   2.1. Sự tham gia của trí tuệ nhân tạo trong quá trình dịch văn học

   Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence/ AI) là “lĩnh vực nghiên cứu và sử dụng hệ thống máy móc có một vài đặc điểm não bộ người có, như khả năng diễn giải và tạo ra ngôn ngữ giống con người, nhận biết và sáng tạo ra hình ảnh, giải quyết vấn đề và học được từ dữ liệu đã được cung cấp sẵn” (dẫn theo Cambridge Dictionary). Đây là một ngành nghiên cứu cực kỳ phát triển, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, con người càng ngày càng có nhu cầu tối ưu hóa mọi công đoạn nhằm giảm nhân công cùng sức lao động, vừa tiết kiệm một khoản chi phí khổng lồ vừa đem đến một cuộc sống tiện ích hơn. Và sự can thiệp của trí tuệ nhân tạo vào vấn đề dịch thuật ngôn ngữ (đặc biệt là ngôn ngữ giao tiếp) từ lâu đã là mối quan tâm của các trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới. Từ Microsoft (Microsoft Bing, 2000) đến Google (Google Translate, 2006) hay ứng dụng trở nên thông dụng tại Việt Nam gần đây như Chat GPT (chưa kể các từ điển online)… các công cụ hỗ trợ dịch thuật liên tiếp ra đời nhằm rút ngắn thời gian và công sức hoàn thiện bản dịch, phục vụ nhu cầu giao tiếp hằng ngày trong đời sống sinh hoạt của con người. Google Dịch/ GT ra mắt vào tháng 4/2006 và đã phục vụ 133 ngôn ngữ cho đến hiện nay. Lúc đầu, ứng dụng này sẽ dịch một ngôn ngữ (non-English) sang tiếng Anh rồi cuối cùng mới dịch sang ngôn ngữ đích. Nhưng vào tháng 11/2016, GT đã tạo ra một đột phá khi thông báo chuyển sang một công cụ Google Neural Machine Translation (Dịch máy thần kinh của Google) tức nghĩa hứa hẹn sẽ dịch “toàn bộ câu tại một thời điểm, chứ không phải từng mảnh một… sử dụng ngữ cảnh rộng hơn để giúp nó tìm ra bản dịch phù hợp nhất, sau đó nó sắp xếp lại và điều chỉnh để giống như một người nói với ngữ pháp thích hợp hơn”6. Bắt đầu từ thời điểm này, dịch máy dần dần được công nhận về chất lượng và được sử dụng rộng rãi. Với một số kho dữ liệu như “80.000 cặp câu Kinh tế - Xã hội, 20.000 cặp câu Tin học; 6.000 cặp câu song ngữ Anh - Việt, 100.000 cặp câu song ngữ Anh Việt thuộc miền pháp lý, 880.000 cặp câu song ngữ Anh - Việt…”, các ứng dụng được cung cấp 4 yếu tố chính: “từ điển, cặp mẫu câu, luật ngữ pháp, thống kê ngôn ngữ” để hệ thống “tiếp nhận tri thức, xử lý thông tin, học và ghi nhớ và khởi tạo quy tắc/ luật, mô hình dịch” nhằm đáp ứng yêu cầu đầu ra7. Và quá trình thu thập, xử lý dữ liệu và đưa ra kết quả phù hợp của dịch máy tương đối giống với quá trình học tập, tiếp thu, ứng dụng tri thức của con người.

   Bên cạnh những thuận lợi mà Google dịch đem lại, công cụ này cũng tạo ra những thách thức, khiến vị trí của người dịch trong quá trình dịch và tạo ra sản phẩm đang bị lung lay đáng kể. Dẫu mục đích ban đầu của dịch máy là dịch các văn bản giao tiếp, mang tính chất thông tin thường dụng nhưng kể từ khi một số trang web mạng sử dụng công cụ này để dịch các tác phẩm văn học thì câu hỏi cực kỳ cấp thiết đặt ra là liệu trong tương lai, chúng có thể thay thế con người hay không? Điển hình của hiện tượng này là hoạt động dịch văn học đại chúng với các tác phẩm theo hướng ngôn tình của Trung Quốc, ví dụ tiêu biểu là trường hợp dịch tiểu thuyết mạng - Tình kiếp tam sinh (Cửu Lộ Phi Hương) bằng việc sử dụng thuần công nghệ dịch thuật. Đây không phải bản chính thức (vì bản dịch máy chưa hoàn thiện) nhưng lại là một cách để các trang web khảo sát thị trường, căn cứ vào phản ứng mà rút ra thị hiếu chung của người đọc, nhờ đó tạo ra các bản dịch chính thức bởi người dịch chuyên nghiệp. Hơn nữa, hiện nay, không chỉ các tiểu thuyết mạng mà các tác phẩm văn học kinh điển nước ngoài cũng được dịch thuật tràn lan trên các trang mạng và không có bản quyền, cùng sự tham gia khá lớn của công cụ dịch thuật nhưng có lượng đọc và tương tác khá cao. Điều này đã tạo nên thách thức không chỉ cho người dịch chuyên nghiệp mà còn cho các nhà xuất bản nói chung.

   Hiện nay ở Việt Nam cũng đã có một số nghiên cứu về Google Translate trong quá trình thử nghiệm dịch tác phẩm văn học, kịch bản phim điện ảnh… Với khảo sát dịch tác phẩm văn học, tác giả Trần Thị Ngọc Giàu đã sử dụng ứng dụng GT và kết luận rằng công cụ này “dịch truyện ngắn kém hơn dịch tài liệu kỹ thuật” nếu xét về các phương diện: lỗi hình thức, hình vị, từ vựng, ngữ nghĩa, cú pháp theo khung dịch thuật của Farrús et al8. Còn với khảo sát dịch tiêu đề tác phẩm văn học hoặc phim ảnh thì Trần Thị Thanh Huyền, Lê Nhân Thành trong quá trình khảo sát dịch 130 tiêu đề phim từ tiếng Anh sang tiếng Việt đã thống kê được khoảng 87,7% lỗi phát hiện trong bản dịch sang tiếng Việt, trong đó có 73,7% lỗi ngữ pháp (tức nghĩa 16/130 tên phim được dịch đúng). Trước hết, về sự chính xác yếu tố ngữ âm, từ vựng, cấu trúc ngữ pháp của văn bản, các phần mềm đã thực hiện dịch các văn bản thông tin, hành chính công vụ tương đối tốt bởi các kho dữ liệu đầu vào càng lớn thì chất lượng dịch càng tốt. Nếu chỉ xét trên phương diện ngôn ngữ, chúng tôi cho rằng, dịch máy gặp khó khăn nhất khi dịch các đại từ nhân xưng khi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt do đặc thù về mối liên kết rộng, đa dạng và phức tạp của các quan hệ họ hàng của người Việt làm gia tăng nhu cầu định danh chúng bằng những danh từ hoặc đại từ nhân xưng phù hợp. Nếu chúng ta quay về các tiêu chí ban đầu, dịch thuật hoàn toàn không phải hành động chắp nối từng từ trong từ điển với nhau hay tổng hợp các thông tin, dữ liệu có sẵn (về từ vựng, ngữ pháp, văn cảnh) nhằm đưa ra một bản dịch đích xác cuối cùng mà theo. Trí tuệ nhân tạo vì thế là một công cụ hỗ trợ đắc lực giúp người dịch dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm thông tin, trau dồi vốn tri thức và tìm hiểu về tác giả, tác phẩm trong quá trình dịch thuật; không chỉ cần có những thông tin về bối cảnh về không gian, thời gian hiện thực mà còn cả không gian, thời gian văn hóa diễn ra trong tác phẩm văn học. Tuy nhiên, công nghệ hỗ trợ dịch thuật chỉ đáp ứng được một phần bản dịch khi các thông tin về bối cảnh, văn hóa, chính trị… không phải lúc nào cũng có sẵn trong dữ liệu khổng lồ mà chúng được kết nối. Hơn nữa, bối cảnh không chỉ là những gì được lấy cảm hứng từ con người, xã hội đặc trưng vùng miền đó mà còn bao gồm cả sự sáng tạo, tưởng tượng vô biên, khả năng nhập thân thần kỳ của nhà văn… - đó chính là những điều mà công nghệ dịch chẳng thể có cách nào để tái tạo lại được hay tìm được những bối cảnh tương đương để tạo nên một hệ thống ngôn ngữ mới.

   2.2. Sự tham gia của người dịch văn học với tư cách một người đọc đặc biệt

   Trong quá trình dịch thuật, dịch giả “đóng vai “song trùng thân phận”, anh ta vừa đóng vai trò độc giả (trong quan hệ với nguyên tác), vừa đóng vai trò nhà văn (trong quan hệ với độc giả bản dịch)”9. Trước hết, là một độc giả, người dịch cũng có kiến giải riêng như bao độc giả khác và những kiến giải này được tạo nên từ vốn hiểu biết, kinh nghiệm thẩm mĩ đã được tích lũy trước đó. Nói như vậy, dịch thuật cũng là một cách đọc nhưng người dịch ở đây phải vận dụng tối đa vốn kiến thức và khả năng kiến giải để diễn giải lại tác phẩm. Cần lưu ý ở đây là sự diễn giải chứ không phải diễn dịch, tức nghĩa họ không chỉ “dịch chữ” mà còn “dịch văn hóa”. Quá trình này đòi hỏi dịch giả phải thông thạo cả hai ngôn ngữ, đồng thời nắm rõ cũng như có khả năng giải thích được những quy ước văn hóa ngầm ẩn của cộng đồng xuất hiện trong văn bản gốc được giấu đằng sau lớp ngôn từ, và hơn thế nữa là bối cảnh chính trị, xã hội… được xây dựng trong tác phẩm. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu này không phải lúc nào cũng thuận lợi bởi hầu hết những bản dịch hiện nay đều là từ các tác gia lớn hoặc tác giả sách best-seller… nhưng cũng có một vài tác giả chưa được dịch bao giờ trên thị trường sách dịch Việt Nam hoặc chưa có nhiều tư liệu nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm… để dịch giả có thể bổ sung vốn hiểu biết của mình. Đáng lưu ý, quyền năng của người dịch (và nhà xuất bản) là sự lựa chọn mang tính cá nhân và ý thức hệ – điều mà công cụ dịch máy không thể thay thế con người. Lựa chọn dịch những tác phẩm được giải thường khá dễ bị đánh đồng với dịch theo xu hướng nhưng thực chất, đây là những hướng đi khá khôn ngoan bởi đó đều là những tác phẩm được đánh giá cao bởi hội đồng trao giải. Nhưng mặt khác, những giải thưởng lớn về văn học thế giới hầu như đều diễn ra ở phương Tây, tức nghĩa những đánh giá có vẻ khách quan, minh bạch ấy thực chất lại được nhìn nhận từ góc độ của người phương Tây, vậy nên bản thân giai đoạn lựa chọn bản dịch cũng là câu chuyện gắn với ý thức hệ, chính trị, văn hóa, phong tục tập quán… Mỗi người dịch có một góc nhìn, quan điểm và một kiến giải khác nhau về cùng một tác phẩm. Đây là lý do tại sao thế giới quan là yếu tố quan trọng không thể tránh khỏi khi nhắc đến những nhân tố ảnh hưởng đến quá trình dịch, và “bạn là ai không quan trọng, bạn tin điều gì mới quan trọng”10. Những yếu tố này góp phần làm nên điểm độc đáo của bản dịch, vì trình độ văn hóa, tri thức cùng tầm tiếp nhận cá nhân của dịch giả chưa chắc đã đồng đều nên một tác phẩm văn học nước ngoài được đưa cho bao nhiêu dịch giả, công chúng sẽ nhận được bấy nhiêu bản dịch mà mỗi phiên bản dù có tương đồng với nhau đến đâu thì chắc chắn chúng ta cũng nhận thấy được điểm khác biệt giữa chúng. Bởi vậy, người dịch cần liên tục trau dồi không ngừng vốn hiểu biết nhằm đáp ứng và phục vụ độc giả một cách tốt nhất.

   Song song với quá trình tiếp nhận ấy là quá trình dịch giả hoạt động như một “nhà văn”, một người sáng tạo. Hoạt động sáng tạo nghệ thuật là sản phẩm của sự thể nghiệm đa dạng các tầng bậc trạng thái thẩm mĩ – điều mà trí tuệ nhân tạo không thể lý giải được bởi nó bất lực trong việc giải phổ cảm xúc mang tính cá nhân của con người, chỉ con người – ở đây là người dịch mới có khả năng làm việc đó. Đồng thời, dịch giả được nhìn ở một vị trí xa hơn, ngoài đứng trong quá trình dịch (translation process), họ còn được đặt trong chuỗi liên kết mang tính thương mại hóa và phụ thuộc tương đối cao: tác giả - dịch giả (và nhà xuất bản) - độc giả. Bởi vậy, theo chúng tôi, dịch giả cũng cần xác định đối tượng độc giả của mình là ai, là độc giả đại chúng, độc giả chuyên nghiệp (vừa là nhà phê bình, nghiên cứu văn học, vừa là dịch giả tiếng Anh) hay là cả hai, cùng tầm đón nhận của họ không chỉ trong mà còn trước cả khi bắt đầu dịch. Chỉ có vậy, họ mới xác định được mục đích và cách thức dịch thuật. Người dịch vì thế không chỉ xử lý bản dịch mà còn xử lý cả những trở ngại tâm lý đặtra khi đứng trước tác giả, độc giả gốc và độc giả nơi dịch tác phẩm. Dịch giả xác định được đối tượng độc giả của mình để không chỉ cố gắng tái tạo lại ngôn ngữ, văn phong trong ngôn ngữ gốc mà còn tái hiện lại hiệu ứng tiếp nhận giữa độc giả bản dịch với bản gốc. Tuy nhiên, “hiệu ứng” ấy theo chúng tôi là điều bất khả bởi bản dịch sẽ không bao giờ đồng nhất với bản gốc. Người đọc bản dịch không thể nào có được hiệu ứng tương đương không chỉ bởi sự khác nhau về ngôn ngữ mà còn bởi sự khác biệt về những quy ước văn hóa, xã hội… chúng tạo nên một độ vênh lệnh nhất định mà người dịch không thể khỏa lấp. Nhưng nói như vậy không có nghĩa người dịch thực hành hoạt động dịch thuật không quan tâm đến đối tượng độc giả của mình là ai, mà trong quá trình tái sáng tạo bản gốc, họ cũng cần thực hiện những thao tác với tư cách như một nhà văn: xác định đặc điểm của độc giả, dự đoán tầm tiếp nhận và tái hiện lại với tất cả vốn hiểu biết và cách diễn giải của mình về tác phẩm. Từ đó, mỗi người dịch sẽ xác định được điểm nhìn phù hợp để vừa tôn trọng bản gốc, vừa thể hiện được những diễn giải về tác phẩm, lại vừa cố gắng tạo sự đồng hiện trong quá trình tiếp nhận của đối tượng độc giả mình hướng tới, tức nghĩa cân bằng giữa cách dịch “nội hóa” và “ngoại hóa”. Người dịch với vai trò là một người đọc đặc biệt, cần xóa bỏ tất cả những kinh nghiệm thẩm mĩ trước đó, sẵn sàng đón nhận những khoái cảm thẩm mĩ mới, nhằm hạn chế tối đa định kiến và “tính chủ quan” (subjectivity) mà áp đặt cảm xúc, quan điểm cá nhân lên tác phẩm được dịch. Họ không “vô hình”, không hòa mình làm một với tác giả, nhưng cũng không thể hoàn toàn tách mình ra khỏi bản gốc. Hoạt động dịch thuật vì thế là quá trình hòa giải giữa căn tính và trách nhiệm của dịch giả, giữa cá tính của một độc giả, một người cầm bút với sự tôn trọng giá trị về văn học, nghệ thuật của tác phẩm cũng như tác giả gốc.

   Bản dịch từ AI thì chỉ có một nhưng bản dịch được thực hiện bởi con người thì có rất nhiều, đặc biệt là những tác phẩm nổi tiếng. Càng nhiều bản dịch thì sẽ càng nhiều những góc nhìn được đem đến để khai thác tác phẩm. Và càng là những bản dịch sau, người dịch càng có nhiều thuận lợi trong việc tham khảo những cách xử lý các âm tiết, từ, câu, đoạn… khó dịch trong tác phẩm. Bên cạnh đó, trong Sổ tay dịch giả văn học do Trịnh Lữ dịch năm 1999, Chi hội PEN tại Hoa Kỳ cho rằng dịch giả phải “có trách nhiệm” với dịch phẩm. “Bản dịch có tầm quan trọng tự thân” và “dịch là một nghệ thuật sáng tạo tự thân và dịch giả phải được đãi ngộ như một tác giả”11 . Đây là điều đã được Quốc hội dịch thuật sách Anh-Mĩ ý thức được từ cuối những năm 1999. Vì vậy, người dịch văn học có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc kiến tạo nên nền văn học dịch phong phú, đồng thời, cũng là một bộ phận người sáng tạo cần được đặc biệt quan tâm về quyền lợi, cần ghi nhận sự đóng góp của họ với cộng đồng. Đời sống của bản gốc cũng nhờ vậy mà phong phú hơn bởi chính những kiến giải của người dịch và độc giả của những bản dịch đó. Những yếu tố như bối cảnh văn hóa, thể chế chính trị, hoàn cảnh kinh tế, xã hội… tác động đến quá trình dịch thuật của dịch giả và hoạt động tiếp nhận của độc giả, để lại dấu ấn một phần trên bản dịch, tức nghĩa chúng sẽ tiếp tục lan rộng, bản dịch trở ngược lại tác động đến các văn bản sau đó. Cùng chịu sự tác động của một môi trường văn hoá xã hội ấy, các tác phẩm văn học dịch sẽ có sự tương đồng nhất định về cách lý giải và tái hiện của dịch giả, tạo nên mối quan hệ liên văn bản không chỉ giữa các bản gốc vốn đã sẵn có với nhau mà còn xa hơn thế là sự liên kết giữa các bản dịch. Hoạt động dịch thuật vì thế không bao giờ được đặt trong một môi trường chân không mà luôn có sự tương tác với các yếu tố ngoại cảnh đến từ con người, xã hội khác và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bản dịch.

   Trước hết, quá trình tiếp nhận các bản dịch góp phần kiến tạo nên một đời sống phong phú hơn cho bản gốc. Chúng tôi cho rằng khi lý giải, thái độ của người dịch cũng khá gần với thái độ của một nhà phê bình, nghiên cứu văn học, chỉ khác là hình thức thể hiện của người dịch là văn bản dịch còn hình thức của nhà phê bình, nghiên cứu là một bài báo, công trình nghiên cứu…, đồng thời cả hai đều đứng trước sự đánh giá, phán xét công khai của toàn bộ công chúng. Một bản dịch văn học bất kỳ không bao giờ có thể thỏa mãn tất cả các đối tượng độc giả. Và chắc chắn rằng sẽ không có một bản dịch văn bản văn học nào hoàn hảo đến mức có khả năng thay thế con người, ngay cả khi chúng có thể dịch như một con người bằng xương, bằng thịt, có sự trí tuệ và cảm xúc thì khi độc giả cần một đối tượng để phản biện, chất vấn, chúng ta phản hồi bằng cách nào bởi chúng được lập trình một cách máy móc và không có một quan điểm thống nhất để trình bảy quan điểm của mình với cách diễn giải riêng (bản dịch đó là sự tổng hợp dữ liệu của các tình huống xử lý khác nhau). Thứ hai, khi đặt một chuỗi những bản dịch của cùng một văn bản văn học theo trục thời gian, chúng ta có thể nhìn thấy sự biến đổi ngôn ngữ của một dân tộc. Bởi ngôn ngữ mang tính lịch sử nên “một bản dịch xuất sắc cách mấy cũng chỉ có tuổi thọ tối đa 50 năm… những độc giả thế hệ sau chưa chắc đã đọc hiểu thấu bản dịch ấy dù vẫn là cùng một ngôn ngữ mẹ đẻ của họ”. Chiều dài lịch sử dịch thuật hơn một thế kỷ đã khiến cho tiếng Việt trở nên mềm dẻo và linh hoạt hơn – như chị Nguyễn An Lý đã chia sẻ kinh nghiệm dịch Việt-Anh – còn tiếng Anh có cấu trúc câu khá cứng do hoạt động dịch không mang ý thức kiến tạo ngôn ngữ, văn hóa cho văn học đích.

   2.3. Văn bản văn học dịch – sản phẩm đặc thù

   Văn học dịch ở nước ta có lịch sử phát triển khá lâu đời từ khi nước ta tiếp xúc với chữ Hán cho đến ngày nay. Và những lựa chọn dịch có chủ đích của người dịch ở các thời kỳ dù hướng đến mục đích nào cũng đều phục vụ cho nhu cầu giao lưu văn hóa, mở rộng vốn đọc hoặc phát triển chữ viết… ở Việt Nam. Quan trọng hơn cả, sự lựa chọn các tác phẩm văn học nước ngoài để dịch tại Việt Nam, đặc biệt ở thời kỳ hiện đại thể hiện mong muốn cập nhật và phổ biến các trào lưu, phương thức, mô hình hay kiểu sáng tác… làm phong phú vốn đọc, tạo ra những trải nghiệm thẩm mĩ nền cho người viết. Vì vậy, chúng ta không thể phủ nhận rằng mảng văn học dịch đã góp phần không nhỏ phát triển nền văn học nước nhà. Ví dụ, chữ Hán du nhập vào Việt Nam trong 1000 năm Bắc thuộc và sau này, cùng với sự ra đời của chữ Nôm vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XIV, “phiên dịch từ Hán sang Nôm” được coi là “hiện tượng dịch thuật đầu tiên” và các kiểu dịch như “giải nghĩa, giải âm, giải Nôm, diễn Nôm, diễn âm, diễn ca…” lại “được định danh bởi chính các dịch giả”12. Bên cạnh khởi đầu dịch thuật với các văn bản tôn giáo, chúng ta không thể không kể đến bản diễn Nôm nổi tiếng tác phẩm Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn, khoảng năm 1741) của Đoàn Thị Điểm (hoặc Phan Huy Ích) hay bản dịch Tăng bổ giải âm tập chú “Truyền kỳ mạn lục” (được cho là của Nguyễn Thế Nghi) từ tác phẩm Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ)… Tất cả những văn bản tôn giáo lẫn văn bản văn học đã và đang được tìm kiếm không chỉ đánh dấu những hiện tượng dịch thuật đầu tiên ở Việt Nam mà còn là cơ sở để góp phần phát triển chữ Quốc ngữ sau này.

   Văn học dịch chỉ thực sự phát triển ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, nước ta tiếp xúc và phát triển công nghệ in ấn, hình thành các nhà xuất bản, báo chí cùng tác giả, độc giả chuyên nghiệp. Trên các tờ báo như Gia Định báo, Đông Pháp thời báo, Tiểu thuyết thứ Bảy, Phụ nữ Tân văn… thường xuyên có các chuyên mục dịch tác phẩm văn học nước ngoài… Dịch văn học ra chữ Quốc ngữ ban đầu chỉ diễn ra ở Sài Gòn với một số học giả làm việc cho Pháp như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký… họ chủ yếu dịch tác phẩm Trung Hoa và Pháp… Phong trào dịch thuật ở Miền Nam lan ra Miền Bắc, gắn với “ý thức giới thiệu những yếu tố mới mẻ, những mô hình gợi ý cho giới sáng tác văn học noi theo”13 mở đầu là những tác phẩm văn học phương Tây, đặc biệt là văn học Pháp được các học giả như Nguyễn Văn Vĩnh (dịch Tê lê mạc phiêu lưu ký, Trưởng giả học làm sang…), Phạm Quỳnh (chuyên dịch những bài trích tuyển Pháp văn có tính chất tư tưởng học thuật)… giới thiệu trên Đông Dương tạp chí và rồi kế tiếp là sự nở rộ của phong trào dịch truyện Tàu… Các hoạt động dịch thuật trải khắp từ Nam ra Bắc đã đem đến sự thay đổi cực kỳ sâu sắc của văn học Việt Nam thời kỳ này khi chính những người dịch, họ có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với văn học nước ngoài và trở thành những người mở đường, là tiền đề cho sự xuất hiện của những truyện ngắn, tiểu thuyết đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ của văn học Việt Nam như Truyện thầy Lazaro Phiền (Nguyễn Trọng Quản), Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách) hay sau này là sự nở rộ của phong trào Thơ mới cùng văn xuôi lãng mạn, văn xuôi hiện thực tại Việt Nam.

   Đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ (1945-1975), văn học dịch ở Miền Nam có phần sôi động và đa dạng hơn về đề tài, thể loại tác phẩm, tác giả hay các quốc gia trên thế giới do được tiếp cận với những lý thuyết, tư tưởng, văn hóa, triết học phương Tây cùng các tác phẩm văn học cổ điển và hiện đại phương Tây… Cụ thể, theo Võ Phiến, sách dịch ở Miền Nam vào năm 1970 và 1972 lần lượt chiếm 60% và 80% tổng số sách xuất bản. Sau đó, văn học dịch sau 1975 cũng theo quan tính chung của nền văn học lúc này nên chưa có nhiều tác phẩm văn học nước ngoài được dịch mà phải đến thời kỳ đổi mới – 1986, văn học dịch mới xuất hiện trở lại và đa dạng, phong phú hơn trước từ ngôn ngữ dịch đến các tác giả, thể loại, số lượng tác phẩm… so với các giai đoạn trước. Tại Việt Nam, không thể phủ nhận rằng trong các sách văn học nước ngoài thì tiếng Anh là ngôn ngữ được lựa chọn dịch nhiều nhất. Sau đó là các tác phẩm văn học của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và số lượng ít hơn là của Nga, các nước Mĩ Latinh hay Đông Á, Nam Á, Đông Âu… Được tạo điều kiện thuận lợi nhờ việc có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận bản quyền của các tác giả (hoặc gia đình tác giả, nhà xuất bản…), các nhà xuất bản ở Việt Nam liên tục cập nhật dịch văn học từ cổ điển đến trung đại, hiện đại của các nước trên thế giới.

   Hơn nữa, trí tuệ nhân tạo không chỉ không thay thế được người dịch ở những tác phẩm văn học dịch hiểu theo nghĩa thông thường mà với những hiện tượng dịch thuật khác như vay mượn (borrowing), đổi giọng (modulation) hay chuyển thể/ phóng tác (adaptation)... chúng càng khó có thể tạo tác ra một văn bản dịch không theo bất cứ một quy tắc nào như vậy. Các loại hình dịch này xuất hiện từ văn học trung đại cho đến văn học đương đại với các bản kể trong Việt điện u linh tập hay Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ được cho là “vay mượn” một vài cốt truyện hoặc motif từ Trung Quốc đến sự “vay mượn” của truyện thơ Nôm Truyện Kiều (Nguyễn Du) từ cốt truyện tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm Tài Nhân), hay sau này là Sống chết mặc bay (Phạm Duy Tốn “mô phỏng” motif truyện Ván bi-a - A. Daudet) và một loạt bản phóng tác của Hồ Biểu Chánh như: Chúa tàu Kim Quy phỏng theo Le Conte de Monte Cristo (Bá tước Monte Cristo) - A. Dumas… hay Hoa ngõ hạnh, Trăng tỳ hải của Bùi Giáng dịch từ các vở kịch Othello, Anthony & Cleopatra (W. Shakespeare)14 … Càng ở những loại hình tự do như vậy, bản chất sáng tạo, hư cấu, tưởng tượng của người dịch càng được đề cao và tất yếu, dịch máy khó lòng có thể đạt được đến trình độ này.

   3. Kết luận

   Như vậy, dịch văn học là một hoạt động dịch thuật tương đối đặc thù khi trước hết, nó gắn liền với nhiều quan niệm khác nhau như dịch chữ, dịch văn hóa hay gắn dịch với các lĩnh vực mang tính chất liên ngành khác: chính trị, đạo đức, xã hội… Dựa vào những đặc điểm của văn bản văn học, tác phẩm dịch cũng đòi hỏi việc tái hiện lại sự đa nghĩa, khả năng tưởng tượng, hư cấu cùng với sự tái tạo ngôn ngữ… nhằm đem đến cho người đọc bản dịch những trải nghiệm thẩm mĩ mới. Cuối cùng, khi nhìn nhận người dịch trong sự đối sánh với AI, chúng ta không thể phủ nhận sự hữu ích của các công nghệ dịch máy trong việc dịch các văn bản thông tin nhưng với văn bản văn học, người dịch vẫn khẳng định các ưu thế vượt trội hơn trong khả năng diễn giải các sản phẩm mang tính sáng tạo cao, dựa trên kinh nghiệm thẩm mĩ của tác giả - đây là điều mà AI khó lòng có thể vượt qua được.

 

 

 

Chú thích:
1 James S. Holmes (1972), The name and nature of translation studies, trích trong Lawrence Venuti, The Translation Studies Reader (2000, 2004), The Taylor & Francis e-Library.
2 Nghiêm Phục đề ra - nguyên tắc được đưa ra từ kinh nghiệm dịch kinh Phật của Trung Quốc, theo Hồ Á Mẫn (2006), Giáo trình Văn học so sánh, Lê Huy Tiêu dịch, NXB Giáo dục Việt Nam.
3 Theo Lawrence Venuti (2000, 2004), The Translation Studies Reader, The Taylor & Francis eLibrary.
4 Lê Nguyên Long (2015): “Dịch, chiến tranh và ký ức văn hóa: Tiếp cận thể loại tự thuật về đời sống bị cầm tù trong văn học Mĩ từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII từ điểm nhìn dịch văn hóa”, trong Kỷ yếu khoa học quốc tế Dịch văn học: Một số vấn đề lý thuyết và các bài học kinh nghiệm, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
5 Trần Đình Sử (Chủ biên, 2023), Lý luận văn học (Tập 2: Tác phẩm và thể loại văn học), NXB Đại học Sư phạm, tr. 21-22.
6 Google Dịch, https://www.wikiwand.com/vi/Google_Dịch#googl e_vignette ngày truy cập: 25/4/2024.
7 Theo Nguyễn Văn Bình, Huỳnh Công Pháp (2021): “Đánh giá vai trò của kho ngữ liệu đối với chất lượng dịch tự động tiếng Việt”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Đà Nẵng, vol. 19, no.1.
8 Theo Lê Nhân Thành, Võ Mỹ Thư (2020): “Chất lượng dịch thành ngữ tiếng Anh có yếu tố thời gian sang tiếng Việt của Google Translate”, Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, số 10 (303).
9 Đỗ Văn Hiểu (2012): “Mĩ học tiếp nhận với dịch thuật và giảng dạy văn học dịch”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Cán bộ trẻ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lần thứ 5, NXB Đại học Sư phạm.
10 Nguyễn Tuấn chia sẻ trong cuộc đối thoại với TS Nguyễn Quyên ở Bàn tròn dịch thuật (Zzz Review 2021).
11 Soạn thảo bởi Ủy ban Dịch của Hội Văn bút Quốc tế và Tiểu ban Dịch của Chi hội Văn bút tại Hoa Kỳ, tháng Giêng 1986 (Trịnh Lữ dịch).
12 Trần Trọng Dương (2012): “Nghiên cứu phương pháp giải nghĩa và giải âm qua Khóa hư lục giải nghĩaKhóa hư lục giải âm”, Tạp chí Hán Nôm, số 4 (113), tr. 19-30.
13 Nguyễn Văn Hiệu (2007): “Ý thức văn hóa trong dịch thuật văn chương ở Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1945”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, tháng 1.
14 Trần Ngọc Hiếu (2017): “Dịch là khác: Từ Truyện Kiều của Nguyễn Du đến Shakespeare của Bùi Giáng”, in trong Văn học so sánh: Từ ô cửa đến chân trời, Lê Từ Hiển (Chủ biên), NXB Khoa học xã hội.

Bình luận

    Chưa có bình luận