NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH ĐÀI TƯỞNG NIỆM LIỆT SĨ VIỆT NAM

Bài viết phân tích khái quát về nghệ thuật tạo hình đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam – một cách để thể hiện lòng biết ơn với những người có công với cách mạng giải phóng dân tộc, những anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc. Trên cơ sở đó, vận dụng kinh nghiệm của thế giới đề xuất giải pháp phù hợp cho đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam.

 

   Trải qua hơn 4.000 năm lịch sử thăng trầm dựng nước và giữ nước, mỗi người dân Việt Nam mang trong mình niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc đến với những thế hệ đi trước. Có thể nhận biết qua những châm ngôn “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” và “đời đời ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ”1. Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, làm nghĩa vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu hi sinh. Theo đạo lý truyền thống biết ơn ấy, Đảng và Chính phủ đã lấy ngày 27/7 hằng năm là ngày thương binh - liệt sĩ, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa và chủ trương xây dựng đài tưởng niệm những người đã khuất. Trong điều kiện kinh tế thuận lợi ngày nay, nhiều đài tưởng niệm liệt sĩ được coi trọng và đầu tư, được thiết kế và xây dựng thành công. Nhiều công trình đã trở thành tác phẩm nghệ thuật và biểu tượng đẹp tri ân của đất nước với liệt sĩ, “những người đã khuất, nhưng còn sống mãi trong lòng mọi người. Họ hi sinh để cho dân tộc Việt Nam hồi sinh, phát triển đi lên”2. Công trình có tính biểu tượng nghệ thuật, ghi nhớ, nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau nhận thức đúng về những con người thực hiện “kách mệnh”, với phẩm chất sống cao đẹp.

   Trong bối cảnh đất nước ngày càng ổn định và phát triển hiện nay, đài tưởng niệm trong thời đại mới cần được nâng cao hơn về chất lượng nghệ thuật, chức năng sử dung và văn hóa. Nghiên cứu tìm hiểu về các thủ pháp tạo hình nghệ thuật đài tưởng niệm trong nước và thế giới, đề xuất hướng đi mới cho nghệ thuật tạo hình đương đại đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam.

   1. Hiện thực đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam

   Đài tưởng niệm liệt sĩ là không gian lưu giữ ký ức những người “đã hi sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân”. Hình thức của đài có thể là tác phẩm điêu khắc (monument), công trình kiến trúc (memorial), hoặc sự phối hợp giữa kiến trúc và điêu khắc. Địa điểm xây dựng ở các vị trí nghĩa trang và có sự kiện lịch sử quan trọng, thiêng liêng. Công trình tưởng niệm giữ vị trí chủ đạo trong bố cục tổng bình đồ và hiện thực hóa những tình cảm vô hình của Đảng và Nhà nước với liệt sĩ, cột mốc kỷ niệm được ghi nhớ qua thời gian. Các thành phần của đài bao gồm những câu chuyện, hình ảnh, nhân vật người mẹ, chiến sĩ, vật dụng, vũ khí cách mạng quen thuộc. Đài tưởng niệm liệt sĩ, qua quá trình được hình thành và phát triển, đã có nhiều hình thức và bố cục đa dạng, nhưng tựu trung lại, bao gồm các thủ pháp tạo hình kế thừa truyền thống, nhân cách hóa, hoán dụ hình học và ước lệ lịch sử.


Hình 1. Thủ pháp kế thừa truyền thống Đài tưởng niệm liệt sĩ, Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội, 19563.

   Với tình cảm vinh danh và biết ơn, đài tưởng niệm như một ý chí thống nhất những người con của quê hương trong một ngôi nhà “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”4, thủ pháp tạo hình kế thừa truyền thống (nostalgia tradition) học hỏi lại ngôi đình làng Việt Nam và tháp chùa ở hình thức mái và thân đài. Thân đài có thể một khối đơn giản hoặc khối phức hợp nhấn mạnh theo phương đứng, thân được thu thẳng dần lên cao theo kiểu “thượng thu hạ thách”5, điểm kết là mái dốc cong vuốt nhẹ như mái đình. Chi tiết trang trí gờ chỉ theo phương ngang tô điểm làm nổi khối đài và hàng chữ “Tổ quốc ghi công” trên 1 mặt hoặc 4 mặt đài. Tiêu biểu là Đài tưởng niệm liệt sĩ ở Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội được xây dựng năm 1956. Đài liệt sĩ này đã trở thành mẫu hình tham khảo cho các đài liệt sĩ ở các nghĩa trang liệt sĩ khắp cả nước cho đến ngày nay (Hình 1).

   Từ những năm 90, thủ pháp ước lệ lịch sử với thủ pháp tượng trưng, quay về với những câu chuyện, chủ đề, sự kiện, hình tượng quen thuộc trong lịch sử bằng ngôn ngữ hình học hiện đại. Bố cục phá vỡ đối xứng truyền thống, diễn đạt và truyền tải tình cảm của Đảng và Nhà nước và sự biết ơn của dân tộc với các anh hùng liệt sĩ, theo cách biểu hiện đa nghĩa và những suy tưởng đa diện. Đài tưởng niệm liệt sĩ Bắc Sơn được thể hiện một khối vuông, được khắc âm 4 mặt bằng hình ngôi đình truyền thống, vọng lên ý nghĩa ngôi nhà dân tộc trong bối cảnh hiện đại, ý nghĩa giữa quá khứ và hiện tại, giữa sự hi sinh và sự sống linh thiêng trong tâm thức con người. Hay Đài tưởng niệm liệt sĩ Tuyên Quang đậm chất điêu khắc được tạo hình mềm mại từ ba cây chụm lại thành hình cây đa Tân Trào. Cũng có thể hình tượng như liệt sĩ ba miền đất nước đã hi sinh vì lý tưởng chung. Cũng có thể liên tưởng đài như một bó đuốc thắp sáng bùng lên, ngợi ca vinh quang bất diệt của các liệt sĩ (Hình 2).


Hình 2. Thủ pháp ước lệ lịch sử Đài tưởng niệm lịch sử6.

   Thủ pháp nhân cách hóa (anthropomorphism) miêu tả các câu chuyện nhỏ, sự kiện, tính cách, tinh thần chiến đấu, tính cách sống, liên quan trực tiếp đến sự hi sinh qua hình tượng điêu khắc con người chiến sĩ. Thủ pháp cụ thể hóa nội dung câu chuyện (tiểu tự sự), thể hiện sâu và rõ hình ảnh một hoặc một số nhân vật đại diện kết hợp với các động tác biểu đạt ý chí tiêu biểu để miêu tả. Thủ pháp này có thể nhận thấy điển hình ở Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh với Bà mẹ nâng niu lá cờ Tổ quốc (Hình 3).


Hình 3. Thủ pháp nhân cách hóa Đài tưởng niệm liệt sĩ7.

   Ảnh hưởng văn hóa công nghiệp và các xu hướng nghệ thuật hiện đại nước ngoài từ thập niên 20, không dùng hình tượng và cụ tượng liên quan đến lịch sử, hình học được sử dụng làm chất liệu chính trong sáng tác hình tượng nghệ thuật và nội dung được biểu đạt. Đài tưởng niệm theo với thủ pháp hoán dụ hình học (geometrical metonymy) xuất hiện từ những năm 2010. Một hình học cơ bản thuần túy được sử dụng làm phần đài chính, tôn vinh vẻ đẹp lý tưởng liệt sĩ trong sáng, thuần khiết, trung kiên như vẻ đẹp tự thân hình học.


Hình 4. Thủ pháp hoán dụ hình học Đài tưởng niệm Hàng Dương, Côn Đảo, 20128.

   Thân đài nhấn phương vị đứng như ở thủ pháp tạo hình kế thừa truyền thống, kết hợp với điêu khắc câu chuyện và sự kiện, để biểu hiện và đề cao tính triết lý “Trang nghiêm, vững chãi, dân tộc, hiện đại, phù hợp với các công trình trong khu vực”9. Ở Nghĩa trang Hàng Dương, Đài tưởng niệm được tạo hình với thân đài vút cao tượng trưng cho hình ảnh một ngọn nến đang cháy, xung quanh là các thành phần điêu khắc, trang trí mô tả nội dung.

   2. Đài tưởng niệm anh hùng của thế giới

   2.1. Ý niệm về đài tưởng niệm

   Tinh thần truyền thống của phương Tây, đài tưởng niệm là nơi kỷ niệm những anh hùng chiến thắng đã hi sinh cho đất nước, phục vụ “chức năng trí tuệ, cảm xúc, tinh thần và cộng đồng, nên bao gồm nơi dành cho ký ức, nơi để tang, nơi để suy ngẫm và chữa bệnh, nơi tổ chức nghi lễ và nơi dành cho hành động văn hóa tập thể”10, giúp các cá nhân và xã hội diễn giải lại quá khứ và qua đó xây dựng những định hướng mới cho tương lai. Địa điểm tưởng niệm là không gian của ký ức với nhiều cảm xúc khác nhau, giải thích sự mất mát, thể hiện những khía cạnh không thể diễn tả được của chấn thương cá nhân và tập thể.

   Ngoài chức năng chính của đài tưởng niệm là nhắc nhở về sự mất mát và những cái chết anh dũng do chiến tranh, còn có chức năng chữa lành, liên quan đến chấn thương tâm lý của những người còn sống. Đài tưởng niệm hoạt động như “chất xúc tác cho phép một cựu binh nhìn, chạm, ghi nhớ, giải quyết và làm chủ một mất mát mà lẽ ra anh ta nên tránh hay gặp khó khăn trong việc diễn đạt cảm xúc”11.


Hình 5. Nhấn mạnh phương vị đứng Đài tưởng niệm anh hùng quốc gia12.

   2.2. Nghệ thuật tạo hình

   2.2.1. Phương vị ngang & dọc (The vertical & the horizontal)

   Các đài tưởng niệm nói chung được thiết kế và xây dựng theo chiều dọc và/ hoặc chiều ngang. Đặc điểm tạo hình đài tưởng niệm liệt sĩ phương Tây được phát triển từ văn hóa truyền thống thể hiện Chúa Kitô trên thập tự giá, trong đó trục dọc thể hiện hi vọng về một tương lai tốt đẹp hơn và chiều ngang thể hiện sự mất mát của những người đã nằm xuống. Tương tự như ở Việt Nam, các đài tưởng niệm truyền thống có xu hướng nhấn mạnh vào chiều dọc (trục tung), chẳng hạn như Đài tưởng niệm Washington ở D.C., Thánh giá Thiêng ở Thung lũng của Những người đã hi sinh hay các bức tượng trên bệ lớn đều là những ví dụ điển hình. Với thủ pháp tạo hình này, các đài tưởng niệm có thể được nhìn thấy từ khoảng cách xa (Hình 4).

   Chiến tranh thế giới thứ Nhất đã đưa trục hoành vào kiến trúc đài tưởng niệm liệt sĩ, không phải đối lại tinh thần của đài tưởng niệm, nhưng để đối thoại với trục tung. Do vậy, chiều ngang không phải là đặc điểm đặc quyền của các đài tưởng niệm phản đối sự hi sinh và mất mát do chiến tranh, mà trở thành một trong những đặc điểm nổi bật của đài tưởng niệm tri ân liệt sĩ và gửi gắm ước mơ của người ở lại. Thiết kế nằm ngang mang đến sự gần gũi, tương tác và trải nghiệm trực tiếp của người đến với những suy ngẫm cá nhân sâu sắc về các sự kiện mà đài tưởng niệm đại diện. Một “vết cắt trên đất” giống như một “vết thương liền miệng lành lại” trong thiết kế Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam (Vietnam Veterians Memorial (VVM)) của Maya Lin nằm ngang và dẫn lối người đến đi xuống bên trong bức tường tưởng niệm được khắc đầy tên của người đã mất kết nối trực quan với Đài tưởng niệm Washington. Sự đối thoại giữa các hình thức theo chiều ngang và chiều dọc là sự đối thoại giữa mất mát và hi vọng (Hình 6).

   2.2.2. Ẩn dụ và trừu tượng


Hình 6. Sự đối thoại giữa phương vị đứng và ngang trong Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam, USA, 1982
13.

   Chiến tranh thế giới thứ Hai và các sự kiện nhưAuschwitz, Hiroshima và Nagasaki đã vượt quá ý nghĩa và chức năng của tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ truyền thống, thường dựa trên các biểu tượng thông thường và hình ảnh tượng trưng. Những hình thức và sự kiện mất mát của họ, cá nhân và tập thể, cho đến nay, vẫn được xã hội ghi nhớ đã bị đặt ra nghi vấn, và thủ pháp nhấn mạnh phương vị bằng các tác phẩm tượng điêu khắc trở nên không đủ để tưởng nhớ, không thể diễn tả được và không thể tưởng tượng được14. Sau làn sóng trừu tượng của nhiều thập kỷ trước (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX), đài tưởng niệm được chuyển sang tạo hình phi tượng trưng và phi tượng hình để giải quyết “thái độ ngày càng gây tranh cãi và không chắc chắn đối với lịch sử và sự thể hiện”15. Đài tưởng niệm không phải là những ngôi đền, nơi lịch sử độc thoại, được tôn thờ và tôn kính. Hình thức phản tư tưởng niệm (memorial refelection) trừu tượng và tối giản được thiết kế để cho phép những cách giải thích khác nhau về quá khứ, có khả năng chứa đựng những ký ức, cảm xúc và cách diễn giải khác nhau. Thiết kế trừu tượng và tối giản của các đài tưởng niệm đã tạo điều kiện cho những người tham gia tham gia tích cực hơn, mang lại sự cởi mở hơn cho việc trải nghiệm và hòa nhập.

   Khác với truyền thống truyền tải thẳng thắn một câu chuyện có sẵn, sự vắng mặt cũng là kỹ thuật tạo không gian chiều dọc giàu tưởng tượng và triệu hồi sự tưởng nhớ. Đối với những người thăm đài tưởng niệm, sự trừu tượng đưa ra thách thức vì “Đài tưởng niệm từ chối đưa ra những câu trả lời dễ dàng và an ủi”16. Với kỹ thuật này, cần có yếu tố tượng hình để gợi mở. Chẳng hạn hình tượng ba nhân vật người lính đã được thêm vào ngay đối diện bức tường của Đài tưởng niệm VVM của Maya Lin như là bước chuyển đệm giữa thực và trừu tượng.

   3. Đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam trong thời đại mới

   Sau gần 50 năm giải phóng thống nhất đất nước và các cuộc chiến vệ quốc đã qua đi, để lại nhiều mất mát và nỗi đau về những người lính đã ngã xuống. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa diễn ra, đài tưởng niệm liệt sĩ ngoài sự tưởng nhớ và tri ân của Đảng và Nhà nước, cần phải được nhìn nhận trở lại phù hợp với tinh thần của thời đại. Ngoài hoạt động văn hóa tinh thần, nơi đây còn thu hút nước bạn, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu, hồi niệm.

   Địa điểm xây dựng của đài tưởng niệm có thể là vị trí trung tâm thành phố hay ở kề bên các công trình văn hóa như Đài tưởng niệm liệt sĩ Quảng Nam Đà Nẵng có chức năng kiến tạo nơi chốn, tăng giá trị kết nối giữa thành phố, người sống, người đã khuất và bạn bè quốc tế. Các đài tưởng niệm liệt sĩ có thể được thiết kế theo chiều đứng để có thể nhìn từ bên ngoài (tách biệt) và phát triển theo phương ngang để du khách đắm chìm trong không gian (hòa nhập vào tác phẩm). Các thiết kế trừu tượng ẩn dụ kết hợp với điêu khắc hình tượng tại lối vào sao cho du khách dễ gặp để tạo bầu không khí tình cảm gắn bó với sự hi sinh của liệt sĩ qua cuộc gặp gỡ thực tế.

    Đài tưởng niệm mang lại nhiều chức năng hơn cho du khách khám phá, trải nghiệm, và tương tác, với vai trò diễn viên hơn là khán giả. Họ di chuyển qua đài tưởng niệm thay vì quan sát từ bên ngoài, không còn bị ràng buộc bởi kịch bản hướng dẫn, như Lin đã cho rằng, “đài tưởng niệm được cấu thành không phải như một tượng đài bất biến, mà là một bố cục chuyển động, được hiểu khi chúng ta di chuyển vào và ra khỏi nó” và Wasserman cũng đã thừa nhận, “các lớp [...] hiểu biết có thể mở rộng khi người quan sát/ người tham gia tương tác với đài tưởng niệm”, từ đó cung cấp “nhiều cấp độ khác nhau để suy ngẫm, tiếc thương và hàn gắn”17.

   Đài tưởng niệm mở rộng sự tập trung trải nghiệm đa giác quan, thay vì bằng mắt như với các đài tưởng niệm truyền thống. Tưởng niệm không chỉ nhìn vào, mà qua những trải nghiệm “… xúc giác và âm thanh có khả năng “chạm vào” con người và “cộng hưởng” với những hiểu biết của họ về quá khứ”18. Các yếu tố như nước, vật liệu tráng gương, cấu trúc với kích thước và kết cấu khác nhau, cây với biểu trưng tái sinh… thu hút các giác quan và hiệu triệu tình cảm xa xôi.

   Để có sự thiền định, suy ngẫm nhằm thúc đẩy sự biến đổi, chữa lành cả cá nhân và nhóm của các lễ tưởng niệm liệt sĩ, đài tưởng niệm sử dụng các bề mặt phản chiếu, chẳng hạn như đá đánh bóng hoặc các hồ nước tĩnh lặng “để tạo điều kiện thuận lợi cho việc suy ngẫm, giúp du khách hình dung lại một người hoặc sự kiện”19.

   Xây dựng kết nối cá nhân với cá nhân bằng việc ghi tên liệt sĩ trên các đài tưởng niệm làm thay đổi hoàn toàn tính chất của đài tưởng niệm, vì tên cung cấp một liên kết kết nối với những cá nhân cụ thể đã mất. Những cái tên, về số lượng, truyền tải cảm giác về những con số áp đảo cảm xúc, đồng thời đoàn kết những cá nhân này thành một tổng thể. Một người tham gia vào cuộc tưởng niệm, vô thức, nhìn vào những cái tên xem liệu có ai đó mà họ biết, đang cố gắng tìm kiếm sự kết nối nào đó mà bản thân đài tưởng niệm trừu tượng chưa hé lộ dấu hiệu đại diện.

   Tại đài tưởng niệm liệt sĩ, áp dụng các hành vi nghi lễ giống như đến thăm nghĩa trang, chẳng hạn như để lại hoa, đá và các kỷ vật khác. Điều này có thể giúp du khách cảm thấy được kết nối với địa điểm như đang đối mặt với thảm kịch. Chẳng hạn như tại Đài tưởng niệm Hòa bình Trẻ em trong Công viên Hòa bình tưởng niệm Hiroshima, có một bức tượng dành riêng cho một bé gái chết vì nhiễm độc phóng xạ. Học sinh làm hàng ngàn con hạc giấy origami đặt trên bức tượng như biểu tượng của hòa bình và hi vọng, làm mới lại ký ức và như là lời cam kết của cộng đồng đối với chính nghĩa20. Những cái tên cung cấp một vị trí đặc biệt phù hợp để đặt những đồ vật đó, như vậy, đồ vật lưu lại là những thành phần mạnh mẽ của nghi lễ. Cuối cùng, quang cảnh thiên nhiên là một cái khung mạnh mẽ để đặt một đài tưởng niệm. Môi trường xung quanh củng cố thông điệp “con người phụ thuộc vào thiên nhiên”, do vậy con người là một phần nhỏ trong sơ đồ lớn hơn của vạn vật. Ý thức con người quay về thực tại và phóng chiếu về tương lai trên nền tảng những cái chết anh hùng của liệt sĩ, họ sẽ cam kết với chính mình sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn với chính mình, gia đình, bạn bè và xã hội.

   4. Kết luận

   Qua nhiều thay đổi của thời cuộc, nhiều hình thức khác nhau, đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam vẫn là ngôi nhà quen thuộc thiêng liêng của anh linh liệt sĩ; đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hành tang lễ và tưởng nhớ. Trong khi góp phần tưởng niệm mất mát tập thể, đài tưởng niệm cũng giúp mỗi người hiểu được ý nghĩa của các sự kiện lịch sử và tìm cách kết nối bản thân với quá khứ chung. Đài tưởng niệm có thể tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn, mời gọi nhưng cũng hạn chế một số hành động và thông điệp mà đài tưởng niệm được gửi gắm. Đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam hiện nay được hiểu là ngôi đền tôn kính quá khứ, trừu tượng, đa nghĩa thống nhất những ký ức khác biệt và mâu thuẫn, tăng thêm khả năng chữa lành cho cá nhân và xã hội trong cuộc sống hiện tại. Một nghệ thuật tạo hình hiệu quả không phải theo phong cách cụ thể (mà) theo ngữ cảnh cụ thể. Trải nghiệm về các đài tưởng niệm là kết quả của sự căng thẳng không thể giảm bớt giữa các cá nhân tham gia vào môi trường tưởng niệm dựa trên lịch sử cá nhân của họ cũng như các khả năng và hạn chế mà mỗi địa điểm mang lại.

 

 

 

Chú thích:
1, 2 Nguồn: https://www.bqllang.gov.vn/tulieu/dai-tuong-niem-cac-anh-hung-liet-si.html, truy cập ngày 16/4/2024.
3 Nguồn: https://kienviet.net/2012/7/29/kien-trucdai-tuong-niem-liet-si-bieu-tuong-cua-long-tri-an.
4 Nguồn: https://soxaydung.daklak.gov.vn/lichsu-y-nghia-ngay-thuong-binh-liet-si-277-7254.html, truy cập ngày 16/4/2024.
5, 9 Nguồn: https://kienviet.net/2012/7/29/kien-trucdai-tuong-niem-liet-si-bieu-tuong-cua-long-tri-an, truy cập ngày 16/4/2024.
6 Nguồn:
- https://designs.vn/nhung-xu-huong-chungtrong-kien-truc-dai-tuong-niem-o-viet-nam/
- https://baoxaydung.com.vn/dai-tuong-niemtuyen-quang-su-bung-no-hinh-khoi-va-duong-netkien-truc-157251.html
7 Nguồn:https://vnuhcm.edu.vn/tin-tuc_32343364/danghuong-tai-nghia-trang-liet-si-tp-hcm-nhan-ngay27/7/323839393364.html
8 Nguồn: https://dulichvietphong.com/nghiatrang-hang-duong-con-dao.
10 J. R. Wasserman (1998), “To Trace the Shifting Sands: Community, Ritual, and the Memorial Landscape”, Landscape Journal, vol. 17, pp. 42-61.
11 F. C. S. W. Nicholas Watkins (2010), “The War Memorial as Healing Environment: The Psychological Effect of the Vietnam Veterans Memorial on Vietnam War Combat Veterans’ Posttraumatic Stress Disorder Symptoms”, Environment Behavior, vol. 42, pp. 351-375.
12 Nguồn:
- https://worldstrides.com/blog/2013/02/washington-monument/
- https://www.independent.co.uk/travel/europe/spain/general-franco-grave-valley-fallena7652841.html
13 Nguồn: Bài báo Memorials as Healing Places: A Matrix for Bridging Material Design and Visitor Experience, tr. 5.
14 J. E. Young (2000), At Memory’s Edge: After-Images of the Holocaust in Contemporary Art and Architecture, Connecticut: Yale University Press.
15 K. A. F. Quentin Stevens (2015), Memorials as Spaces of Engagement: Design, Use and Meaning, London, UK: Routledge.
16 Memorials as Spaces of Engagement: Design, Use and Meaning, Lodon: Routledge, 2015, p. 42.
17, 19 J. R. Wasserman (1998), “Memorials as Spaces of Engagement: Design, Use and Meaning”, Landscape Journal, vol. 17, pp. 52-53, 54.
18 K. A. F. Quentin Stevens (2015), Memorials as Spaces of Engagement: Design,Use and Meaning,London: Routledge, p. 146.
20 I. B. Brady Wagoner (2022), “Memorials as Healing Places: A Matrix for Bridging Material Design and Visitor Experience”, International Journal of Environmental Research and Public Health, pp. 1-19.

   

   

   

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận