TÂM TƯỞNG ''ĐÁ'' TRONG TRƯỚC ĐÁ CỦA CAO XUÂN THÁI

Bài viết phân tích cội nguồn tâm tưởng ''đá'' và tâm tưởng 'đá' trong ''Trước đá'' của Cao Xuân Thái. Qua đó khẳng định những giá trị độc đáo, đặc sắc của thơ Cao Xuân Thái viết về vùng cao nguyên đá Hà Giang.

   1. Về cội nguồn mang tâm tưởng “đá” của Cao Xuân Thái

   Nhà thơ Cao Xuân Thái sinh năm 1948 tại Thái Lan. Quê gốc ông ở Hoa Lư - Ninh Bình. Năm 1960, gia đình ông về nước và sinh sống tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Những năm tháng tuổi trẻ của ông gắn với chiến trường, bom đạn. Ông đã tham gia quân ngũ ở chiến trường Miền Trung - Tây Nguyên, từng tham gia chiến đấu 81 ngày đêm đỏ lửa tại thành cổ Quảng Trị. Năm 1991, nhà thơ Cao Xuân Thái lên công tác tại Hà Giang, là Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh, kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Hà Giang.

   Cao Xuân Thái là “cây cổ thụ” trong làng văn Hà Giang. Ở thể loại nào ông cũng gặt hái được nhiều thành công như bút ký, thơ, thơ văn xuôi, kịch bản phim, truyện... Ông đã nhận được nhiều giải thưởng của Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam...; dự Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất với sự tham dự của 48 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thế mạnh của Cao Xuân Thái là bút ký với những tác phẩm như Ngược miền thông reo, Nơi cửa trời (NXB Văn hóa dân tộc, 2008); Tổ quốc lên cao từ Lũng Cú (NXB Hội Nhà văn, 2014)... Ngoài ra, ông xuất bản nhiều tập thơ như Tiếng đêm (NXB Hội Nhà văn Việt Nam 2002), Tổ quốc nơi cực Bắc (NXB Hội Nhà văn 2003), Trước đá (NXB Văn học, 2007), Âm điệu tháng hai (NXB Văn hóa dân tộc, 2009), Thu vàng ở lại (NXB Hội Nhà văn, 2014)... Cao Xuân Thái còn có tác phẩm phim tài liệu Lũng Cú chóp nón Tổ quốc (Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam, 2000).

   Cao Xuân Thái có một tình cảm thiết tha với văn hóa miền núi. Ông yêu cao nguyên đá Hà Giang như người thân của mình. Không chỉ làm thơ về vùng đất này, ông còn viết nhiều bút ký, ghi chép với một tình yêu đá và những liên tưởng đá đặc biệt. Ông là một trong những tác giả viết hay nhất về cao nguyên đá.

   Cao Xuân Thái là người nặng lòng thế sự. Thơ ông giàu chất suy tưởng, giàu triết lý, chiêm nghiệm nhưng không cao ngạo mà điềm đạm, giản dị, đời thường. Ông là nhà thơ của đá. Đá làm nên thơ ông và ông thổi hồn vào đá. Thơ của ông đã gọi tên “đá” như một biểu tượng riêng có của Hà Giang. Trước đá là tập thơ tiêu biểu cho tâm tưởng “đá” của Cao Xuân Thái.

   2. Về tâm tưởng “đá” trong Trước đá của Cao Xuân Thái

   Bài viết sẽ tập trung vào bài thơ tiêu biểu là Trước đá in trong tập thơ cùng tên của Cao Xuân Thái, đồng thời mở rộng đối sánh, liên hệ với các bài thơ khác của nhà thơ.

   Trước đá được viết theo thể loại thơ văn xuôi. Đây là thể thơ không bị ràng buộc bởi các quy tắc về số câu, số chữ, niêm luật, không phân dòng, không dùng hình thức câu thơ làm đơn vị nhịp điệu, không có vần. Thơ văn xuôi rất phù hợp với việc diễn đạt những trăn trở, suy tư, triết lý và suy tưởng về nhân tình, thế sự bởi niêm luật không bị gò bó mà vẫn đáp ứng được yêu cầu giải quyết nhiều vấn đề của thời đại. Nhà thơ Cao Xuân Thái đã sử dụng triệt để những đặc trưng của thể loại này để phản ánh hiện thực của cuộc sống, con người, cảnh vật Hà Giang nơi vùng cao núi đá, đồng thời diễn tả được rõ nhất tư tưởng của nhà thơ.

   Không phải ngẫu nhiên, cũng không khó hiểu khi nhà thơ đặt tên bài thơ là Trước đá. Hà Giang là xứ sở của đá. Phải chăng đá đã trở thành huyền thoại ở vùng đất này, là linh hồn của vùng đất này, là lẽ sống, là duyên nợ với con người?! Phải chăng trước đá, con người trở nên nhỏ bé và dễ choáng ngợp?! Đá là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tạo nghệ thuật. Trong thơ Cao Xuân Thái, đá có mặt hầu hết trong các bài thơ, khi thì “đá xám mênh mông”, khi “đá sắc nhọn”, “đá trập trùng”… Những dãy núi xám ngắt một màu của đá tai mèo nơi đây được ví như “thiên đường xám” của Hà Giang. Có lẽ với nhà thơ, đá là những trải nghiệm thực tế, là chiêm nghiệm cả cuộc đời con người. Vì vậy, nhà thơ Cao Xuân Thái được mệnh danh là “nhà thơ của đá”.

   Bài thơ được in trong tập thơ cùng tên, được đánh giá là một trong những tác phẩm hay về ngôn từ, âm hưởng và có sức gợi. Âm điệu chủ đạo của bài thơ là màn độc thoại với những cảm xúc đột hiện trong dòng suy tưởng của chủ thể trữ tình về quê hương và con người Hà Giang.

   Sau lời giới thiệu mộc mạc, chân thực, quê hương Hà Giang hiện lên với những nét đặc trưng: “Quê hương tôi tự nó đã cao rồi. So với mặt bể cao lên hàng ngàn mét. Gần mặt trời mà thiếu nắng quanh năm, giá rét nhiều hơn và gió nữa quanh năm gào thét. Đá thì lởm chởm nhọn sắc, một vùng mênh mông xám lạnh rợn người”. Một vùng quê đặc biệt. Nơi đây nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của những ngọn núi, thác nước và ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ; là nơi quần tụ, sinh sống của 19 dân tộc anh em, mỗi dân tộc mang những nét đặc trưng riêng biệt, tạo nên sự đa dạng về văn hóa của Hà Giang. Nhưng nơi đây cũng là một miền quê có địa hình, địa vực vô cùng đặc biệt, được coi là “một cuộc dạo chơi non bộ khổng lồ của tạo hóa”. Chỉ có đá và trời, rồi trời và đá giữa mênh mông, giữa thiên lủng đá. Trời sà xuống thung sâu, đá vươn mình lên đỉnh dốc. Nhưng đá là sự sống, từ đá, sự sống vươn mình mạnh mẽ giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Trong bút ký Mùa đông nơi em, nhà thơ Cao Xuân Thái viết: “Trước mặt là những rừng đá tua tủa, nhọn hoắt, miên man hút tầm mắt. Nương đá gần thì hiện ra với trăm hình vạn dạng, nào là người đàn bà hoá đá chờ chồng, con tinh tinh ôm con trước bụng,rồi bầy hải cẩu quấn lấy nhau… Đá cuồn cuộn, đá trập trùng, đá nhiều… như thể trên thế gian này, đá lớn, đá nhỏ… tất cả dồn tụ về đây, mặc sức cho con người nhìn ngắm, tưởng tượng mơ mộng…”. Đá thì nhiều thế nhưng “chẳng có mỏ vàng, mỏ bạc hay Rađi-um đâu… rừng xanh chưa kịp xanh hiếm khan chất đốt”.

   Ai đã từng đến với các huyện núi đá phía Bắc của Hà Giang sẽ thấu hiểu hơn những cảm nhận của nhà thơ. Cao nguyên đá Hà Giang đã được tổ chức UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu nhưng bên cạnh niềm tự hào ấy, người Hà Giang phải đối mặt với bao gian khó, cực nhọc. Hà Giang cao vời vợi, nơi dường như bước qua “cổng trời” là với tới mây xanh, vậy mà vẫn thiếu nắng, thiếu nước. Không chỉ rét buốt và băng giá, mùa đông cao nguyên còn là mùa khô khát triền miên cùng cực. Những địa danh Cán Chu Phìn, Giàng Chu Phìn, Lũng Pù… gió thổi xiết quanh năm, bốn bề sương giăng, khô khát cực điểm trên cao nguyên đá khổng lồ kỳ dị này. Hình ảnh quê hương hiện lên cụ thể, sinh động được liệt kê, đặc biệt là qua lớp từ giàu tính tạo hình là sự trăn trở đến nhức nhối của thi nhân.

   Cuộc sống thừa đá nhưng hiếm hoi từng thước đất gieo trồng đã được tái hiện trên từng trang viết: “Công trình của quê tôi là xếp đá quanh nhà, đá kè ruộng bậc thang để mưa khỏi trôi mất đất… Còn lại là những hốc đá. Niềm vui và hi vọng của đồng bào tôi. Cây đậu, cây ngô lớn lên từ đấy. Mùa màng bát ngát mở ra. Nhiều lúc mất trắng tay và lắm phen cơ cực”. Đất ở đây quý hơn bất cứ thứ gì vì nó nuôi sống con người. Đồng bào phải gùi đất lên cao, đổ vào từng hốc đá cho hạt ngô, hạt đậu có chỗ nảy mầm. Cho nên “Mỗi hốc đá chứa cả ngàn huyền thoại” (Huyền Minh); từ đá, những ngọn bí xanh non, quả sai lúc lỉu treo mình trên đá xám, những bãi ngô, nương cải mỡ màng mọc như xếp nếp trong các lũng hẹp, các hẻm núi sâu.

   Đúng là có một Hà Giang trên đá với cuộc sống đầy khó khăn gian khổ như người ta vẫn ví von một cách hình tượng: “Sống trên đá, chết nằm trong đá”. Từ đá, sự sống vươn mình mạnh mẽ giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Chuyện xưa kể rằng, cảm động trước nghị lực sống mạnh mẽ của con người trên cao nguyên đá nên đêm đêm đá đã nhỏ những giọt mồ hôi của mình tiếp sự sống cho những cây ngô, cây bí... nuôi sống những con người quê đá. Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn đó, nhà thơ Cao Xuân Thái viết: “Quê tôi đá mênh mông ngút ngát, cuộc sống con người chất chồng bao nỗi gian truân nhọc nhằn, cái nương trồng ngô đá nhiều hơn đất, hạt bắp bỏ xuống phải tưới đến chín mươi chín giọt mồ hôi mới nảy mầm ra lá, cây ngô lớn lại phải đủ chín mươi chín giọt mồ hôi mới phun râu trổ cờ, rồi chín mươi chín giọt mồ hôi nữa mới cõng bắp trên lưng, rồi bắp về nhà mồ hôi vẫn không ngừng chảy. Giọt mồ hôi rơi hứng đầy cả bát ăn nhưng đói nghèo vẫn không vơi bớt bao nhiêu” (Bút ký Hoa tím trên vùng đất khát).

   Chính những điều tưởng chừng như bất lợi ấy lại làm nên một vẻ đẹp Hà Giang hoang sơ và mĩ lệ. Đồng bào nơi đây đã hoà mình với thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên, vươn mình trên đá để sống một cuộc đời đầy ý nghĩa – một cuộc đời an nhiên trên một vùng quê bình yên đến lạ: “Hoa bạc hà tím mềm câu hát, rù rì cánh ong cho chiều bớt lạnh lùng... Tiếng gà mỗi ban mai, mỏng tang làn khói bếp. Ríu rít tiếng chim, những tổ ong ứ mật ngang trời”. Họ có một đất trời làm của riêng và họ sống thanh bình trong đó. Từ những dải núi đá im lìm, cuộc sống vẫn một dòng chảy bình yên mơ mộng, bất chấp sự khắc nghiệt của khí hậu, sự chia cắt của núi cao, vực sâu: “Vách đá tai mèo nhìn vào nhức mắt/ Khát màu xanh đến thế mẹ ơi/ Mẹ thầm lặng gùi từng gùi đất/ Quẩy tấu nhấp nhô dưới mặt trời” (Cây ngô dáng mẹ - Cao Xuân Thái). Núi non Hà Giang vẫn trùng điệp và hùng vĩ đến không tưởng; có con đường mang tên Hạnh Phúc với những con đèo, con dốc, khúc cua quanh co và Mã Pí Lèng hùng vĩ; có khí trời mát lành đặc trưng và cái nắng ngọt ngào vương trên xứ cao nguyên; có phố đá cổ kính, trầm mặc… Hà Giang mê hoặc du khách cũng chính bởi sự an yên của vùng đất này.

   Cuộc sống của người dân vùng cao bao đời phải đối diện với cái đói, cái nghèo, cái lạnh nhưng họ đã “bắt đá phải cựa mình” làm cho cuộc sống được thay đổi, tươi đẹp hơn. Dù còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn bền bỉ một sức sống mãnh liệt vươn lên, cần cù trong lao động, vui vẻ trong cuộc sống hằng ngày. Có lẽ vì thế mà trong lao động vất vả, người ta vẫn thấy những điều thật đẹp đẽ. Đó là sự yêu đời, lạc quan hiếm có với tiếng hát và những nụ cười như bừng sáng cùng màu nắng.

   Hà Giang là vùng quê của “đá đứng, đá ngồi, đá cưỡi lưng nhau” đã chứng minh sức sống mãnh liệt của người dân trước thiên nhiên khắc nghiệt. Cuộc sống trên đá đã tạo nên bản tính của người vùng cao hồn nhiên, chất phác và vô cùng mạnh mẽ, kiên trường: “Họ yêu đá/ Sinh ra ở trên đá/ Lớn lên từ ruột đá/ Đi trên con đường núi/ Mọi đỉnh núi/ Đều thấp hơn đầu gối” (Huyền Minh). Người Hà Giang đã khuất phục đá như vậy đấy! Và “Rét buốt, đói nghèo, bệnh hoạn... Ai không chịu được thì khuất bóng, ai còn lại vòi vọi lớn lên rắn đanh như thanh thép nguội”. Câu thơ chỉ rõ một quy luật, một thực tế nghiệt ngã - chiến thắng để tự tồn khi không hề biết đến viên Penicillin hay Tetracyclin, họ chỉ biết tảo tần, lầm lụi với giá rét, đói nghèo, bệnh tật, với “Xôi ngô thì khô khốc, canh bí bầu với muối mẹ khen ngon”. Những con người nơi đây “rắn đanh như thanh thép nguội” và mạnh mẽ như “dáng cây sa mu dẫu dài và vươn thẳng”. Cây sa mu được trồng ở bản làng để ngăn nước, giữ đất sau những trận mưa. Đây là một loại cây chịu được nắng gió, khô hạn,rét buốt, mọc lên từ đá nên vô cùng rắn chắc. Với những phẩm chất của mình, cây sa mu được coi là biểu tượng cho sức sống kiên cường, mạnh mẽ của người vùng cao. Nó có sức sống mãnh liệt trên điều kiện khắc nghiệt của vùng cao núi đá, thuỷ chung, gắn bó, bao bọc con người.

   Với ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị, tác giả miêu tả một cách đầy đủ, chính xác về tính cách con người vùng cao: “Ý nghĩ thẳng ruột ngựa, sống nghĩa tình, vì bè bạn, không thâm trầm ác hiểm để nghĩ tốt về nhau”. Thật vậy, họ là những người dân chất phác, thật thà, chân tình, hiếu khách. Người Hà Giang đãi bạn bằng bát rượu tràn đầy như tấm lòng của con người nơi đây. Đến với Hà Giang, bạn bè không chỉ say men rượu nồng nàn mà còn say trong cái tình người đằm thắm, trong cái bắt tay ấm nồng, nặng tình người. Chính sự tảo tần, chân thành, mộc mạc làm nên vẻ đẹp của người vùng cao. 

   Từ sự đối mặt và những trải nghiệm thực tế, nhà thơ suy ngẫm về hành trình cuộc đời con người qua hình tượng người mẹ vùng cao: “Hơn bảy mươi năm dài cuộc đời mẹ, mẹ ơi! Thời gian, buồn vui, yêu thương lắng lại. Ngọn đèn sáng đêm đêm mong đợi. Bình minh lên cây lá mượt mà. Mẹ là người hay lo, lặng lẽ, âm thầm, trắng lên mái tóc...”. Với giai điệu dồn nén, khắc khoải, hình ảnh người mẹ vùng cao được khắc họa với những nét riêng. Họ là những “con ong” chăm chỉ, chịu thương chịu khó với vẻ đẹp bình dị, chất phác, đôn hậu. Dằng dặc một đời mẹ với những đêm dài “Ngọn đèn sáng đêm đêm mong đợi. Bình minh lên cây lá mượt mà” là ẩn dụ về cuộc đời lam lũ, cực nhọc, âm thầm, lầm lũi, hi sinh của con người nơi đây với những hi vọng mong manh về ngày mai tươi sáng, bớt nghèo, bớt khổ.

   Câu thơ ngắn mà hàm súc, mang sức nặng của tình cảm: “Bao đêm mẹ nói bên bếp lửa: Nếu nên người thì núm ruột hồng vượt lên đá nở thành hoa”. Mượn hình tượng “núm ruột hồng vượt lên đá nở thành hoa”, người mẹ không chỉ thể hiện được tình cảm yêu thương với con mà còn là kỳ vọng với con, muốn con vượt lên hoàn cảnh sống khó khăn, khắc nghiệt để vươn tới tương lai. Mẹ còn dạy “con nhận ra đồng bào mình, dân tộc mình” để tiếp thêm sức mạnh cho con, dạy cho con nhân nghĩa ở đời, truyền thống và lẽ sống của đồng bào mình, dân tộc mình để mà giữ, để mà nêu cao lòng tự tôn dân tộc. Để nuôi con trưởng thành, cả đời mẹ phải đong từng hạt nước, từng nắm đất để ươm những mầm xanh: “Mẹ đã vắt kiệt sức mình dòng sữa nuôi con”; chở che cho con nhưng con vẫn luôn bé nhỏ trong mắt mẹ, chưa đền đáp được công ơn của mẹ: “Thơ con viết chưa hay, chưa thật riêng lấp lánh”. Đúng như suy tư của nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh, cả cuộc đời mẹ tần tảo chắt những giọt sữa ngô trong hốc đá, giọt nước trắng trong khe đá để nuôi con trưởng thành, con lớn lên bằng tình yêu của mẹ, bằng sức mạnh của núi rừng: “Một đời mẹ đong từng hạt nước/ Đong từng nắm đất/ Cho con lớn lên bằng sức vóc nương đồi” (Gửi Đồng Văn).

   Nửa cuộc đời gắn bó với Hà Giang, bằng con mắt tinh tế và sự trải nghiệm của mình, Cao Xuân Thái đã đưa người đọc dạo chơi trên miền đá. Thơ ông giản dị trong cách diễn đạt, sâu sắc trong suy nghiệm và giàu hàm lượng văn hóa từ cảm hứng về những vùng đất, môi sinh mà ông thấu hiểu, tri ân. Ông nhắc đến những biểu tượng về sự vượt khó (đỉnh Chí Sán), huyền thoại đôi mắt rồng trên đỉnh Lũng Cú, những giá trị nhân văn gắn với tên đất: “chợ Khau Vai năm họp một lần để đôi lứa thở than”, tên sông Nho Quế… Nhắc lại ký ức khó quên về một thời tăm tối: “Tiếng cười Thổ Ty đêm đêm man rợ… Dằng dặc kiếp người, dằng dặc thương đau”, để khẳng định hiện tại tươi sáng với “ngọn lửa bất diệt”, với “Đêm nổi trống đồng lên, đêm vũ hội quê nhà”.

   Trong các tác phẩm của Cao Xuân Thái, từ Ký ức con đường, Chuyện lạ trên cao nguyên đá, Thao thức miền địa đầu đến Sức sống trên vùng đá, Thung lũng hoa vàng…, tên các tác phẩm đã cho thấy những dự cảm tốt đẹp về sự đổi thay của quê đá. Những trang viết đau đáu về một miền quê đá mà nhà thơ đã gắn bó cả nửa đời người như chắt ra từ gan ruột. Mỗi tác phẩm của ông đều toát lên ước mơ và niềm tin cháy bỏng rằng trong một ngày không xa, cao nguyên đá Đồng Văn sẽ trở thành niềm hãnh diện và tự hào của Hà Giang, của Việt Nam với bè bạn xa gần; để rồi luôn tâm niệm “mang mơ ước đi xa, đau đáu lắm vùng quê cực Bắc, thiêng liêng lắm phương trời xa đất nước”; để rồi “phấp phỏng buồn vui”, lo lắng, trăn trở về miền quê yêu dấu. Đọc thơ ông, ta hiểu nỗi day dứt khôn nguôi của tác giả về một miền đất hoang sơ, khắc nghiệt nhưng thấm đượm tình người; ta hiểu vì sao ông viết Sao tôi thương về nơi ấy, vì nơi ấy có “Rừng cây ngả vàng vào thu”, có “Dây bí trên nương lúc lỉu/ Cây ngô vẹo lưng bồng con” (Sao tôi thương về nơi ấy). Nơi ấy, nhà thơ đã vấn vương tình người, tình đất. Những tình cảm thiêng liêng đó theo nhà thơ suốt những năm tháng cuộc đời.

   Kết thúc bài thơ, nhà thơ thành kính tri ân mảnh đất yêu thương: “Tôi tìm đến ngọn nguồn Nho Quế, uống ngụm nước trong… nâng hòn đá lên ngang tầm mắt, hiểu những gì đã hóa núi sông”. Mỗi nhành cây, ngọn cỏ, mỗi hòn đá đều mang hình dáng non sông, ngọn nguồn xứ sở, phên dậu cực Bắc Tổ quốc. Câu thơ ngắn gọn mà đa nghĩa.

   Bài thơ Trước đá của Cao Xuân Thái được viết theo thể thơ văn xuôi có kết cấu khá đặc biệt. Cách tách đoạn nhỏ để dễ dàng diễn đạt cảm xúc, dòng suy tưởng của tác giả. Hình tượng thơ tiêu biểu: trống đồng, đá, núi Rồng, cây sa mu... mang đậm dấu ấn vùng miền tạo thành những biểu tượng độc đáo. Bài thơ với tiết tấu mềm mại, ung dung vẫn thể hiện đặc điểm của ngôn ngữ thơ nói chung nhưng có sự gia tăng của tính tạo hình khiến bài thơ gây ấn tượng mạnh, để lại nỗi ám ảnh khôn nguôi về một vùng đất cực Bắc nghèo khó mà thơ mộng.

   3. Kết luận

   Người đọc có cơ hội gặp một Hà Giang “đá” với một tâm tưởng “đá” sâu nặng trong những trang thơ của Cao Xuân Thái. Cao Xuân Thái, người “mài tim ra làm mực” (Lê Na), người “viết hay nhất về cao nguyên đá” (Nhà thơ Cao Xuân Thái: “Như hoa tàn hoa nở để ta tin”, B.N.T), nhìn thấy vẻ đẹp chồi lên từ đá: “Dây bí trên nương lúc lửu/ Cây ngô vẹo lưng bồng con” (Sao tôi thương về nơi ấy), “cây bám rễ trên đất cằn sỏi đá” (Sơn Vĩ ngang trời) để “Mang nỗi nhớ về xuôi bịn rịn/ Bát thắng rền bỏng lưỡi lúc đêm đông” (Nhớ cao nguyên). Đọc thơ Cao Xuân Thái, mong “tìm đến ngọn nguồn Nho Quế, uống ngụm nước trong mát rượi đáy lòng. Nâng hòn đá lên ngang tầm mắt, hiểu những gì đã hóa Núi Sông…” (Trước đá).

   Trong bối cảnh đổi mới của Chương trình Ngữ văn 2018, việc tiếp cận một ngữ liệu mới như Trước đá của Cao Xuân Thái vừa đậm bản sắc văn hóa Đông Bắc Việt Nam vừa nồng nàn tình yêu quê hương đất nước thực sự như một món quà quý.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Chính (2022): “Đặc tính tạo hình của ngôn ngữ thơ văn xuôi”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 494, tháng 4.
2. Ngọc Hảo (2021): “Nhà thơ Cao Xuân Thái: Góp thêm cho vườn hoa văn học nghệ thuật xứ Tuyên khoe sắc”, Báo Điện tử Tuyên Quang, ngày 20/3.
3. Giang Lam (2021): “Cánh chim không mỏi sớm chiều vẫn bay…”, Báo Điện tử Tuyên Quang, ngày 27/8.
4. Thạch Nhi (2017): “Diện mạo Hà Giang qua các tác phẩm ký văn học”, Báo Điện tử Văn học nghệ thuật Hà Giang, ngày 19/01.
5. Cao Xuân Thái (1997), Trước đá (thơ), NXB Văn học.

Bình luận

    Chưa có bình luận