THÚ LÂM TUYỀN CỦA BÁC HỒ

Bài viết phân tích ''thú lâm tuyền'' – niềm vui thú khi được gắn bó với thiên nhiên, được sống với sông suối, núi rừng của Bác Hồ. Qua đó đề cao lối sống hết sức giản dị và thanh cao của một bậc vĩ nhân, hiền triết.

   Đã là con người thì ai cũng có sở thích riêng. Hồ Chủ tịch là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc nhưng trước hết Bác cũng là một con người như bao người. Bác cũng có những sở thích riêng và sở thích ấy lại càng tôn thêm vẻ đẹp của Bác trong tâm thức của nhân dân ta.

   Nói về Bác là nói đến nhiều phẩm chất cao đẹp của “con người Việt Nam” (Lê Duẩn), của hương sen đất Việt:

   “Tháp Mười đẹp nhất bông sen
   Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.

   Nhưng nếu như được ghi lại nét bao trùm, nổi bật nhất đã trở thành ấn tượng sâu đậm về Bác thì đó sẽ là “điều ham muốn tột bậc” và cái “sở thích độc đáo” của Bác. Điều này Người đã nói ra tự đáy lòng mình khi trả lời các nhà báo vào tháng 1/1946, lúc Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời mới được bốn tháng:

   “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng làm, cũng như mọi người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận.

   Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

   Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, để câu cá, trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”1.

   Ham muốn tột bậc của Bác thì là thế, còn sở thích độc đáo của Bác chính là thú lâm tuyền. Sở thích này bắt nguồn sâu xa từ một truyền thống của phương Đông mà không ít bậc hiền giả nước ta cũng có như Bác. Đó là cái thú của Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, Nguyễn Bỉnh Khiêm ở am Bạch Vân - những con người ngay thẳng, trong sạch gặp lúc “dương suy âm thịnh”, bọn gian tà ngang ngược tung hoành, họ bèn lui về ẩn dật nơi lâm tuyền, thôn dã, bạn cùng mây ngàn, hạc nội, vui với phách suối, đàn thông để di dưỡng tính tình. Dĩ nhiên, thú lâm tuyền của các bậc hiền sĩ thời xưa không thể giống thú lâm tuyền của người cộng sản Hồ Chí Minh ngày nay: một bên là lạc đạo, một bên là hành đạo; một bên là ẩn sĩ, một bên là chiến sĩ. Chính cái thú lâm tuyền này đã tôn Bác lên một vẻ đẹp mới: người chiến sĩ cộng sản trong cốt cách của một nhà hiền triết phương Đông.

   Vẻ đẹp cùng thú lâm tuyền ấy khiến chúng ta đều dễ dàng cảm nhận được qua con người Bác, cách sống của Bác, cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác và nhất là qua thơ Bác. Những người có may mắn sống gần Bác đều thấy rấtrõ sở thích độc đáo này của vị cha già dân tộc. Trong trường ca Theo chân Bác, Tố Hữu đã miêu tả rất đúng cái thú lâm tuyền ấy qua nơi ở của Người ở chiến khu Việt Bắc:

   “Nơi Bác ở: sàn mây vách gió
   Sáng nghe chim rừng gáy bên nhà
   Đêm trăng một ngọn đèn khêu nhỏ
   Tiếng suối trong như tiếng hát xa”.

   Và ở cả Nhà sàn Bác Hồ nằm trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, Thủ đô Hà Nội:

   “Anh dắt em vào cõi Bác xưa
   Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa
   Có hồ nước lặng sôi tăm cá
   Có bưởi cam thơm, mát bóng dừa”.

   Cho đến cả núi rừng, khe suối ở vùng đất lịch sử Pác Bó cũng không quên sở thích này của Bác:

   “Hỏi dòng khe ấy, hỏi tre lau
   Những tháng ngày xưa... Bác ở đâu?
   Núi vẫn nghiêng đầu nghe vách đá
   Hát cùng cây lá gió ngàn sâu...”.

   Nhưng đẹp nhất là con người trong thú lâm tuyền ấy. Trong cái dáng ung dung thanh thản: “Bác Hồ khẽ vuốt chòm râu mát/ Gió sớm đưa hương ngát cả rừng”... Khi Điện Biên chiến thắng, có mối liên quan sâu sắc đến thú lâm tuyền của Bác: “Còn non, còn nước, còn trời/ Bác Hồ thêm khỏe, cuộc đời càng vui!” (Việt Bắc); “Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hòa”; “mình về với Bác đường xuôi”; “rừng núi trông theo bóng Người”:

   “Mình về với Bác đường xuôi
   Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người
   Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời
   Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường!
   Nhớ Người những sáng tinh sương
   Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
   Nhớ chân Người bước lên đèo
   Người đi, rừng núi trông theo bóng Người...”.
                                                          (Việt Bắc)

   Thú lâm tuyền được bộc lộ rõ nhất và sâu sắc nhất qua thơ Bác bởi thơ Bác là chính con người Bác. Bác yêu Việt Bắc không chỉ vì nơi đây là quê hương cách mạng mà còn vì “Cảnh rừng Việt Bắc” rất phù hợp với thú lâm tuyền của Bác. Nơi ấy có “non xanh nước biếc tha hồ dạo/ Rượu ngọt chè tươi mặc sức say”, lại có những thú vui nho nhỏ của núi rừng: “Khách đến thì mời ngô nếp nướng/ Săn về thường chén thịt rừng quay”. Nơi ấy có những “Cảnh khuya” đẹp như tranh, lung linh như mộng:

   “Tiếng suối trong như tiếng hát xa
   Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”.

   Nơi ấy có “chim rừng vào cửa đậu”, có “hoa núi ghé nghiên soi”, có “trăng vào cửa sổ đòi thơ”, có “mặt trời hồng trên đầu” và “nhành mai bên suối”... Giữa cảnh sơn thủy hữu tình, con người hiện ra dung dị, đắm say trong thú lâm tuyền, hòa vào núi rừng hùng vĩ nhưng vẫn nổi bật trên cái nền thiên nhiên ấy:

   “Đường non khách tới hoa đầy,
   Rừng sâu quân đến, tung bay chim ngàn.
   Việc quân, việc nước đã bàn,
   Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau”.
                           (Không đề - Bản dịch của Xuân Thủy)

   Bức tranh thơ thật vui và sống động bởi đây là thú lâm tuyền của một chiến sĩ cách mạng đang hành đạo. Lại có bức tranh thật thơ mộng huyền ảo khi người chiến sĩ ấy mang phong thái của một nhà hiền triết trong giấc ngủ tuyệt vời dưới trăng ở chốn lâm tuyền kỳ thú:

   “Ngoài song, trăng rọi cây sân,
   Ánh trăng nhích bóng cây gần trước song.
   Việc quân, việc nước bàn xong,
   Gối khuya ngon giấc bên song trăng nhòm”.
                              (Đối trăng – Bản dịch của Nam Trân)

   Nhưng tiêu biểu nhất và đẹp nhất cho cái thú lâm tuyền của Bác là bài thơ Tức cảnh Pác Bó:

   “Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
   Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng,
   Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
   Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

   Bài thơ bốn câu đều tả thực cảnh Pác Bó. Đằng sau những câu thơ tả thực ấy lại tỏa sáng một nụ cười đùa vui kín đáo của Bác. Trong nụ cười ấy ta nhận ra niềm tự hào của một con người được sống trong thú lâm tuyền thanh đạm nhưng vẫn cảm thấy “cuộc đời cách mạng thật là sang”. Con người ấy yêu cảnh sống lâm tuyền biết bao, không như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm xưa là những ẩn sĩ, mà hiện lên trong bài thơ với tư cách là một chiến sĩ, với tư thế của người làm chủ nên đã trở thành trung tâm của bức tranh Pác Bó.

 

 

 

Chú thích:
1 Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, tập I, NXB Sự thật, 1958, tr. 72.

   

Bình luận

    Chưa có bình luận