NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU VỚI BẢN HÙNG CA ĐIỆN BIÊN PHỦ

Bài viết phân tích một số tác phẩm nghệ thuật sân khấu về Điện Biên Phủ. Qua đó khẳng định giá trị các tác phẩm sân khấu này là những bản hùng ca vừa phản ánh những mất mát hi sinh vừa ca ngợi sức mạnh, vẻ đẹp của quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

   Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 giành thắng lợi, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đã để lại dấu son trong lịch sử nhân loại, thể hiện vẻ đẹp kiêu hãnh của sức mạnh Việt Nam. 70 năm đã trôi qua, chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất Điện Biên huyền thoại thuở nào với những di tích lịch sử, chứng tích chiến công oanh liệt của tháng ngày hào hùng năm xưa vẫn như một suối nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận để các văn nghệ sĩ xây dựng các hình tượng nghệ thuật đầy sức cuốn hút và sức sống lâu bền. Đồng hành trong dòng chảy đó, văn nghệ sĩ lĩnh vực nghệ thuật sân khấu đã có một số tác phẩm nghệ thuật về đề tài Điện Biên Phủ đáp ứng yêu cầu của thời cuộc, đồng hành với lịch sử và được đông đảo công chúng yêu thích.

   Trước hết, cần nhắc đến vở chèo Mối tình Điện Biên của tác giả Lưu Quang Thuận (được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật) được coi là viên ngọc quý của sân khấu chèo, ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt. Năm 1958, lãnh đạo văn nghệ có chủ trương cho anh em nghệ sĩ đi thực tế dài ngày tại các địa phương. Đoàn của tác giả Lưu Quang Thuận gồm có nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, họa sĩ Đông Lương… đến với Điện Biên và ở đây suốt nửa năm trời. Lưu Quang Thuận cùng với các đồng nghiệp làm việc và sinh hoạt với một đơn vị bộ đội có nhiệm vụ làm kinh tế thuộc nông trường Điện Biên. Chuyến đi dài ngày đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó quên và vở Mối tình Điện Biên ra đời (Đoàn Chèo Tổng cục chính trị và Đoàn Chèo Hà Nội dựng năm 1959, NXB Văn học in năm 1960). Tác giả Lưu Quang Thuận từng có những dòng chia sẻ về tác phẩm tâm đắc của ông như sau: “Viết Mối tình Điện Biên, tôi tha thiết muốn diễn tả được một phần nhỏ nào đó mối tình quân dân chan chứa như nước suối cây rừng, nó là sức mạnh của Điện Biên Phủ ngày nay cũng như trước kia. Trong thực tế lớn lao của quân dân Điện Biên Phủ kiến thiết hòa bình, tôi cố gắng đưa vào vở chèo một số sự việc đã làm tôi rung cảm nhất: bộ đội giúp dân làm nhà sau ngày chiến thắng, công binh gỡ mìn cho từng thước sân bay, nhân dân giúp bộ đội có đủ lúa giống kịp gieo vụ thứ nhất của nông trường, tinh thần dũng cảm của công an du kích địa phương… Viết về Điện Biên Phủ 1954-1958 mà bỏ qua những người ấy, việc ấy thì tôi không thể yên lòng. Tây Bắc là quê hương của hoa ban trắng và những bản tình ca; ở đây, nép trong mối tình lớn quân dân, có mối tình nhỏ giữa người con gái Điện Biên và anh chiến sĩ… Cảm ơn đồng bào và bộ đội Điện Biên. Cảm ơn những người thân mến đã tạo điều kiện cho tôi nói lên một chút tâm tình Điện Biên Phủ (Hà Nội, tháng 9/1960)”.

   Mối tình Điện Biên là một bài thơ sân khấu đằm thắm tình người mà ở đây là tình nghĩa cao đẹp của những con người mới được nảy nở, vun đắp trong một hoàn cảnh lịch sử mới, trong một cuộc sống mới. Trước và ngay cả khi đến với sân khấu, Lưu Quang Thuận là một nhà thơ, đó là một thế mạnh khi ông bắt tay viết kịch bản. Chất thơ thấm đẫm trên những trang bản thảo của ông. Có thể tìm thấy trong vở chèo rất nhiều đoạn, câu, lời hát, lời nói đằm thắm, trữ tình, giàu chất thơ và hình tượng văn học khi nói lên sự thay đổi của Điện Biên đang phát triển trong hòa bình: “Ngày chiến thắng dựng nhà trong bản mới/ Đến bây giờ ta trở lại Điện Biên/ Chung sức quân dân, đổ móng làm nền/ Xây thành phố của ngày mai lớn đẹp”… Và Mối tình Điện Biên của tác giả Lưu Quang Thuận đã được nhận Giải A cuộc thi Bình chọn kịch bản văn học về đề tài chiến tranh cách mạng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2019.

   Vào lúc B52 dội bom xuống Thủ đô Hà Nội, lúc Điện Biên Phủ trên không đang diễn ra lại tạo cho tác giả Tất Đạt cảm xúc viết về Điện Biên Phủ - Tây Bắc bất hủ năm xưa. Lửa khói B52, những chiếc pháo đài bay tan xác trên trời đêm Hà Nội, những đêm ấy, ông đã hoàn thành Bài ca Điện Biên. Và ký ức cứ hiện về trong tâm tưởng tác giả khi được tham gia chiến dịch ấy. Ông đọc nhiều hồi ký của các tướng lĩnh và sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam với những kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội; đọc cả các bản điều trần hoặc các tư liệu cơ mật được chính các tướng, tá đối phương công bố; đọc các bản sám hối của tù binh trong các trại. Từ những hiện thực quý giá đó, những chiến công hiển hách, những tài liệu sống và cảm động đã tạo mạch cảm xúc để Bài ca Điện Biên ra đời. Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/1984), Nhà hát Kịch Việt Nam dựng vở Bài ca Điện Biên (kịch bản: Tất Đạt) do nghệ sĩ Doãn Hoàng Giang làm Tổng đạo diễn, với sự tham gia của gần 270 diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam và các đoàn văn hóa nghệ thuật của quân đội, công an, sinh viên trường sân khấu… tái hiện lại thời kỳ chiến đấu gian khổ cho đến chiến thắng hào hùng của quân dân ta.

   Chào mừng Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, vở diễn Thông điệp từ Điện Biên (tác giả: Nguyễn Khắc Phục, Tổng đạo diễn: NSND Lê Hùng, cố vấn nghệ thuật: NSND, TS Đình Quang) vừa hoành tráng vừa chân thật, với sự đầu tư công phu và hiệu quả về nhiều mặt, đã tái hiện một chiến thắng lịch sử vang dội của ý chí và niềm tin. Cùng với vở diễn Thông điệp từ Điện Biên, NSND Lê Hùng còn đạo diễn vở Nhiệm vụ hoàn thành khắc họa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các vở diễn này đều đã đoạt giải thưởng lớn trong những cuộc thi sân khấu về đề tài chiến tranh cách mạng.

   Cũng nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, các nghệ sĩ sân khấu đã nỗ lực trong khát vọng xây dựng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều kịch phẩm, trong đó phải nhắc tới kịch bản Người Thầy của danh tướng của nhà viết kịch Lưu Quang Hà sáng tác năm 2004. Hình tượng Bác Hồ toả ngời suốt 18 cảnh kịch, thời điểm toàn quân, toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Hồ Chủ tịch tiến hành chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”. Tư tưởng Hồ Chí Minh trong vở diễn thể hiện qua chỉ thị của Bác với tướng lĩnh quân đội ta: Phải tâm niệm, mọi nhiệm vụ cách mạng là của dân, mọi khó khăn dân đều có cách vượt qua. Mọi thắng lợi, vinh quang đều thuộc về nhân dân.

   Năm 2011, nhân kỷ niệm 100 năm sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chương trình nghệ thuật lớn kết hợp sân khấu và điện ảnh Bản giao hưởng Điện Biên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tác giả kịch bản kiêm Tổng đạo diễn Nguyễn Quang Vinh cùng hơn 300 diễn viên) đã diễn ra ngay tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình, quê hương Đại tướng và được VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp. Chương trình nghệ thuật kéo dài 210 phút đã mang đến cho người xem một hình dung rõ ràng về chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Đó còn như một bản tình ca da diết, có khi day dứt, có khi khốc liệt nhưng toát lên trên hết là vẻ đẹp của con người, quê hương, đất nước hội tụ trong vẻ đẹp tinh thần của vị Đại tướng.

   Năm 2024, dấu mốc kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, hơn một tháng qua, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã ngày đêm tập luyện để vở diễn Điện Biên vẫy gọi (chuyển thể từ bút ký về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng của PGS Tất Thắng, đạo diễn: NSND Lê Hùng). Đây là tác phẩm mới – một bản hùng ca về tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta, khẳng định giá trị lịch sử vĩ đại và ý nghĩa to lớn, sâu sắc của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, khắc họa rõ nét ý chí của quân và dân ta với những tấm gương sáng ngời của bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong cùng các tầng lớp nhân dân, lực lượng phục vụ chiến dịch đã góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu”. Hòa trong tiếng nhạc cùng tinh thần sục sôi, khí thế quyết tâm của đoàn dân công bước vào chiến dịch... là hình ảnh Điện Biên Phủ – bản hùng ca bất diệt với tình đất, tình người của những con người bình dị dọc dài quãng đường theo hướng Điện Biên vẫy gọi, góp sức lực, niềm tin cho cuộc chiến tranh cứu nước tới ngày thắng lợi. Sau khi ra mắt, công diễn tại Hà Nội, Nhà hát dự kiến sẽ lên kế hoạch đưa vở Điện Biên vẫy gọi đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân ở các đơn vị, cơ sở.

   Qua góc nhìn của nghệ thuật xiếc, chiến dịch Điện Biên Phủ được tái hiện vô cùng sinh động và đầy hào hùng với chương trình đặc biệt mang tên Sống mãi với Điện Biên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam (kịch bản và đạo diễn: NSND Tống Toàn Thắng) được tổ chức dàn dựng, ra mắt khán giả vào dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ xiếc thể hiện tấm lòng, tình cảm, tri ân những người đã hi sinh máu xương vì độc lập, tự do của đất nước, nỗ lực truyền tải lịch sử qua nghệ thuật.

   Cùng làm đậm thêm ký ức về bản anh hùng ca Điện Biên Phủ trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử này sẽ là vở diễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Nhà hát Chèo Quân đội (kịch bản: Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: NSND Thúy Mùi) và vở diễn Mệnh lệnh từ trái tim (từ kịch bản của tác giả Nguyễn Thanh Bình) của Sân khấu Lệ Ngọc. Nếu Mệnh lệnh từ trái tim là lát cắt mô tả quyết định khó khăn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển từ chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” sang chiến thuật “đánh chắc, thắng chắc”, đảm bảo chiến dịch sẽ chắc thắng theo lời dặn của Hồ Chủ tịch thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chân dung vị tướng của nhân dân trong toàn cảnh chiến thắng Điện Biên. Vở Mệnh lệnh từ trái tim được Sân khấu Lệ Ngọc khởi công dàn dựng từ ngày 6/4 và dự kiến công diễn đúng dịp mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Nhà hát Chèo Quân đội khởi công đầu tháng 5 và sẽ hoàn thành cuối tháng 6/2024 để mừng 113 năm sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

   Cùng với những vở diễn về đề tài Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp của các đơn vị nghệ thuật sân khấu, Nhà xuất bản Sân khấu thuộc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã xuất bản một số cuốn sách về bản hùng ca Điện Biên Phủ: cuốn sách Mối tình Điện Biên của tác giả Lưu Quang Thuận được xuất bản năm 2004. Năm 2004, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Điện Biên, cuốn sách Bài ca Điện Biên với kịch bản sân khấu rất công phu của tác giả Tất Đạt được xuất bản như một sự tri ân đối với những người đang sống và những người đã hi sinh vì nghĩa lớn. Năm 2005, xuất bản tuyển tập kịch của tác giả Nguyễn Khắc Phục với kịch bản Con nhím Điện Biên Phủ (Thông điệp từ Điện Biên). Năm 2014, tuyển tập kịch mang tên Bài ca Điện Biên của nhiều tác giả được xuất bản, gồm: Bài ca Điện Biên (tác giả Tất Đạt), Mối tình Điện Biên (tác giả Lưu Quang Thuận), Điện Biên - Đêm huyền thoại (tác giả Lê Đăng Thành) và Bản hùng ca chói sáng (tác giả Phạm Văn Quý). Có thể nói đó là những cuốn sách được xuất bản nhằm giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá những kịch bản sân khấu về đề tài Điện Biên Phủ đã được dàn dựng và biểu diễn phục vụ công chúng, có nội dung tư tưởng nghệ thuật sâu sắc và mang tính giáo dục cao; phản ánh được hiện thực chiến đấu, những hi sinh, tổn thất cùng những chiến thắng hào hùng của dân tộc trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; khắc họa được những hình tượng cao cả, nhân văn, khơi dậy lòng tự hào, ý chí quyết chiến quyết thắng và truyền thống yêu nước vẻ vang của dân tộc.

Bình luận

    Chưa có bình luận