VAI TRÒ KIẾN TRÚC VỚI SỰ TRI ÂN ANH HÙNG LIỆT SĨ VÀ XÂY DỰNG ĐIỆN BIÊN PHỦ TỪ SAU CHIẾN THẮNG CHẤN ĐỘNG ĐỊA CẦU

Bài viết phân tích, làm rõ những đặc điểm, giá trị độc đáo của những công trình kiến trúc ở Điện Biên Phủ từ sau 1954. Qua đó khẳng định tình cảm của giới kiến trúc sư và vai trò của kiến trúc đối với sự tri ân các anh hùng liệt sĩ và xây dựng Điện Biên Phủ.

   Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ năm 1954 đã đưa toàn dân tộc Việt Nam đi đến một chặng đường mới, chặng đường hoàn thành sự nghiệp chống thực dân Pháp xâm lược, tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và kháng chiến chống Mĩ ở Miền Nam. Đồng hành với đất nước từ đó, nền văn hóa Việt Nam đã có những bước tiến diệu kỳ mà lĩnh vực văn học, nghệ thuật chính là một bộ phận đóng vai trò cốt lõi. Kiến trúc với vai trò vốn là trong nhóm ngành nghệ thuật khởi phát của loài người, ngành kỹ thuật nền tảng của nhân loại cũng luôn đi cùng mỗi dòng chảy lịch sử. Ở Việt Nam, kiến trúc đã có được bầu trời rộng mở, tự do để cất cánh phát triển, nhất là thời kỳ từ sau khi đất nước được độc lập. Với Điện Biên Phủ, mảnh đất chiến trường vừa rời đạn bom để đến với thời hòa bình “Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”, những người kiến trúc sư (KTS), bằng năng lực sáng tạo tâm huyết của mình, đã cho ra đời những tác phẩm có giá trị nhân văn cao cả, nghệ thuật thăng hoa nơi đó. Với một tấm lòng tri ân công lao vô hạn của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong chiến dịch, các KTS góp phần xây dựng Điện Biên ngày một đàng hoàng, to đẹp, hòa cùng sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước. Bài viết xin lược điểm một số đóng góp của kiến trúc cho hai sự nghiệp này ở Điện Biên trong 70 năm qua.

   Trước hết, nói về hệ thống công trình tưởng niệm và vinh danh. Cùng những bài ca vang vọng của giới nhạc sĩ, những tác phẩm mĩ thuật hoành tráng của giới họa sĩ, những áng văn thơ bất hủ của các nhà văn, nhà thơ... giới KTS đã lặng lẽ nơi này, để lại những sáng tạo rất kịp thời và ý nghĩa.

   Bắt đầu là từ những quy hoạch tôn tạo các vùng di tích Mường Phăng, những ngọn đồi chiến tích, khu hầm De Castries, các khu nghĩa trang liệt sĩ... Những sáng tạo đó được thực hiện ngay sau lời ca “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về...”, rồi theo suốt hành trình từ đó đến nay, bồi đắp hoàn thiện, rồi bổ sung thêm bao nhiêu tác phẩm mới. Giá trị những tác phẩm này hầu hết đã đáp ứng được tính kịp thời, chất nghệ thuât, vì vậy, cho đến hôm nay vẫn được cộng đồng công nhận, tôn vinh và trân trọng. Chưa có một tác phẩm nào bị đánh giá thấp dẫn đến đã hoặc đang bị tìm hướng thay thế, loại bỏ.

   Đài nghĩa trang liệt sĩ A1 là một tác phẩm kiến trúc tiêu biểu của thời kỳ đầu. Đây chính là nghĩa trang lớn nhất, nơi yên nghỉ của rất nhiều chiến sĩ đã anh dũng hi sinh trong chiến dịch, trong đó có 4 anh hùng liệt sĩ tiêu biểu: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can. Nghĩa trang được xây dựng từ 1958, nâng cấp tôn tạo vào 1993-1994. Tác giả kiến trúc chính là KTS Nguyễn Trực Luyện, Hoàng Phúc Thắng, Nguyễn Tiến Thuận. Nằm ngay dưới chân đồi A1, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, nghĩa trang được thiết kế xuất phát từ ý nghĩa sâu sắc về nhân bản Việt Nam gắn với truyền thống, bản sắc xứ sở. Với cấu trúc tổng thể tường bao quanh gợi nhớ kiểu thành lũy bảo vệ vững chắc và nguyên vẹn. Cổng vào chính giữa được liên tưởng từ thần thái Khuê Văn Các, trên treo chuông đồng để ngân vọng niềm tưởng nhớ thấm từng tâm can mỗi khi có đoàn khách ghé thăm. Đặc biệt là đài tưởng niệm trong nghĩa trang được thiết kế như dạng mái nhà sàn bản địa, tổ hợp thành 3 cạnh vững chãi vươn cao. Các “tấm mái” này ghép tổ hợp từ hàng ngàn hộp đèn, biểu cảm ánh sáng trung liệt của người hi sinh anh dũng vọng tới mai sau. Cùng với những ngôi mộ trang trọng gắn hình ngôi sao, khu quản trang gần gụi với dáng hình xuất ý từ kiểu ngôi nhà dân tộc vùng Tây Bắc... Tất cả làm cho mỗi người đến đó đều có thể có được cảm nhận vừa trọng thể, trang nghiêm vừa thân thương, gần gũi với lòng biết ơn vô bờ bến thế hệ cha ông đã hi sinh xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc.

   Cùng với nghĩa trang A1, tổ chức hình thái và quy hoạch xây dựng những nghĩa trang chính còn lại ở Điện Biên là Độc Lập, Him Lam, rồi cả nghĩa trang Tông Khao... được các KTS Việt Nam nặng lòng tâm trí sáng tạo, làm nên những thiết kế, với những mô thức hợp với nơi chốn và ý nghĩa cần biểu đạt. Những sáng tạo gắn liền với hơi thở cuộc sống đó đã góp phần kịp thời cho đạo lý nhớ nguồn của thế hệ kế tiếp thế hệ trùng trùng như sóng.

   Di tích tượng đài chiến thắng trên đồi D1 được dư luận đánh giá là rất thành công. Tác phẩm này chính là một sự kết nối sáng tạo kiến trúc và mĩ thuật nhuần nhuyễn. Di tích đặt tại ngọn đồi cao nhất ở trung tâm thành phố, từ ý nghĩa tưởng niệm riêng cho chiến thắng cụ thể tại địa điểm đặt, đồng thời mang ý nghĩa đại thể cho bài ca chiến thắng toàn chiến dịch. Cụm tượng đài đã cô đọng, đúc kết tốt với thể hiện thần sắc lẫm liệt, nêu bật không khí chiến thắng oanh liệt của bội đội ta thời “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ chí không mòn”. Toàn thể tổ hợp tượng được đặt trọng thể trong một quy hoạch kiến trúc có tính tầng bậc và nhuyễn kết. Sự thành công chính là đã tạo ra được cho người đến chiêm bái sự cảm nhận và vô cùng xúc động trước sự vĩ đại. Với ý nghĩa đó cùng với tầm vóc nghệ thuật của tác phẩm đã có đóng góp không nhỏ của những người KTS và những người họa sĩ tạo ra tác phẩm.

   Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ được KTS Nguyễn Tiến Thuận phôi thai từ hoài nhớ chiếc mũ lưới của anh vệ quốc quân, mang tinh thần rực lửa ngút trời đi chiến dịch, đã làm nên một sự thành công đáng nể về mặt nghệ thuật sáng tạo. Từ một quy hoạch nghiêm cẩn, kết nối hài hòa cùng trục cảm thức với nghĩa trang liệt sĩ A1 đã tạo ra chỉnh thể khu vực thống nhất. Toàn bộ tổ hợp không gian bảo tàng được đặt “khiêm tốn, chìm âm mặt đất” để thể hiện sức mạnh bắt đầu từ những chiến hào bao vây địch trùng trùng lớp lớp, đồng thời mang ý nghĩa biểu hiện một nghệ thuật chiến tranh độc đáo được vận dụng trong đường lối của quân đội ta: chiến tranh du kích. Đến với bảo tàng, những người dân bình thường nhất, chưa nhiều kiến thức cảm nhận về bảo tàng cũng có thể rất dễ mường tượng về con đường gian khó, hào hùng mà toàn chiến dịch đã đi qua dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ và sự chỉ huy sáng tạo kiệt xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sức mạnh cộng hưởng của nhân dân và quân đội Việt Nam anh hùng. Gần đây, tại bảo tàng có thêm một sự kết nối vô cùng đẹp đẽ giữa hai ngành nghệ thuật: mĩ thuật và kiến trúc. Đó là bức tranh tròn lớn và độc đáo nhất thế giới được tạo dựng tại nơi này. Chính tác phẩm này đã thực sự góp phần mang đến cho bảo tàng một sức sống mới, lan tỏa chủ nghĩa anh hùng cách mạng non sông tới bốn biển năm châu – một cách triển khai phát triển công nghiệp văn hóa theo chủ trương của Đảng, Nhà nước đầy sinh động và hiệu quả.

   Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo Căn cứ chỉ huy Việt Minh ở Mường Phăng cũng là một tác phẩm kiến trúc được triển khai thiết kế kịp thời. Sáng tạo quy hoạch kiến trúc ở đây tuy không lớn nhưng cũng mang nhiều ý nghĩa nghệ thuật kế tục, kết nối từ thực tiễn sâu sắc. Bản thân cách tổ chức ngay từ khi hình thành của căn cứ chỉ huy từ cách đây 70 năm đã là một sáng tạo “tác phẩm kiến trúc sinh thái bậc thầy” từ những người không phải là KTS. Các KTS Việt Nam thời kỳ mới đã nương dựa vào đó, bổ sung, hoàn thiện, hình thành một quy hoạch kiến trúc hoàn chỉnh, tuy rất bình dị, đơn sơ, nguyên thể mà mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc “chí nhân thắng cường bạo” trong mọi hoàn cảnh gian khó, góp phần tạo thêm cảm nhận về tầm vóc vĩ đại, vẻ vang của chiến thắng.

   Gần đây nhất, vào những năm đầu thế kỷ XXI, tác phẩm sáng tạo nghệ thuật kiến trúc Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ đặt trong cụm di tích đồi A1 của nhóm tác giả KTS Phạm Trung Hiếu đã đạt đến độ đầy uy nghi và thẳm sâu, mang ý nghĩa biết ơn, tưởng nhớ của thế hệ sau đối với sự hi sinh xương máu vì độc lập, tự do dân tộc của thế hệ vàng son, đa tôn giáo, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sự ra đời của tác phẩm thực sự là một đóng góp ý nghĩa, trở thành mảnh ghép hoàn hảo cho bức tranh “uống nước nhớ nguồn” về mặt văn học, nghệ thuật trong lĩnh vực kiến trúc. Đền thờ liệt sĩ với tuyến cảm nhận bắt đầu từ những bậc thang nhịp nhàng vọng lên đồi cao suy ngẫm. Rồi tiếp chính, chạm vào không gian dẫn nhập để chuẩn bị cho tinh thần bước vào không gian tưởng niệm đầy bi tráng. Tại không gian tưởng niệm, hạt nhân bố cục “hồ tưởng niệm” hình tròn như con mắt người chiến sĩ trước khi ngã xuống kịp ôm trọn khung cảnh đất trời quê hương xứ sở thật là một cách biểu hiện tinh tế, đằm sâu. Cuối của điểm dừng chân chính là không gian tâm linh (đền thờ chính). Ở nơi này, tâm linh người lính hi sinh được trở về đất mẹ với những không gian đầm ấm, trang trọng: mái đình, mái chùa làng quê thân thuộc. Người hiện tại đến đó như thoảng được gặp người xưa trong một không gian kết nối âm dương, đất trời giao hòa.

   Còn rất nhiều những điều có thể nói về hệ thống công trình kiến trúc đóng góp cho Điện Biên về mặt tưởng niệm và ghi khắc công lao. Chúng ta có thể trở lại đó chiêm ngưỡng nhiều lần, trải rộng sâu theo thời gian những nghĩ suy và khám phá sẽ thấy sự tham dự này của KTS, những người nghệ sĩ - nhà kỹ thuật đã thật sự góp phần kịp thời, xứng đáng với chiến thắng hiển hách.

   Như vậy, cùng với các loại hình văn học, nghệ thuật khác, kiến trúc đã góp phần đậm đà, hiệu quả và tạo được sức lan tỏa trong nước và cả bè bạn năm châu về khắc họa “chân dung” với tầm vóc xứng đáng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngay sau khi giành thắng lợi và theo suốt chặng đường xây dựng đến hôm nay. Kiến trúc đã thể hiện một cách rất đặc biệt để ngợi ca chiến thắng, tưởng nhớ công lao, biết ơn cha ông bằng những hình tượng cụ thể, khối tích cụ thể. Mà qua đó toát lên được ý nghĩa sâu xa, giàu tính tôn vinh, giáo dục. Đồng thời góp phần đưa chiến thắng lan tỏa với bè bạn quốc tế, kể cả những người đã từng ở phía bên kia của cuộc chiến.

   Một mảng mà nghệ thuật kiến trúc đóng góp không nhỏ cho Điện Biên Phủ nữa là góp phần kiến thiết đàng hoàng hơn “cho ngày nay, cho ngày mai và cho muôn đời sau” từ ngày chiến thắng.

   Trước hết đó là tiến hành thiết kế quy hoạch lại thành phố Điện Biên Phủ và các vùng đất ở nơi đây đã bị tàn phá trong chiến tranh. Từ những quy hoạch mang tính chuyên sâu nghệ thuật kiến trúc bài bản này, những đường phố được hình thành, những vùng dân được an cư, những nền tảng văn hóa được tôn tạo, những nhà máy được mọc lên, những trường học, bệnh viện, công viên được dựng hình... Từ đó góp phần cho cuộc sống người dân mỗi ngày thêm được ấm no, hạnh phúc, thêm được bù đắp những mất mát đau thương, tàn tích thời chiến tranh. Hình ảnh thành phố Điện Biên Phủ hôm nay với sự khang trang đủ sức hội nhập hệ thống đô thị quốc gia đã nói lên rõ rệt điều đó.

   Với các thể loại công trình sáng tạo kiến trúc ở đây, có thể bắt đầu từ kiến tạo hệ thống nhà ở tiếp biến truyền thống dành cho đa dân tộc ở khắp vùng làng bản thuộc tỉnh Điện Biên. Để thiết kế được những mẫu nhà ở gắn liền với phong tục, tập quán của đồng bào, các KTS đã đằm mình đi đến những vùng hẻo lánh xa xôi, khảo sát, tìm hiểu, rồi bằng trí tuệ tâm huyết của mình đã sáng tạo ra rất nhiều kiểu dáng ngôi nhà kết hợp chặt chẽ bản sắc và hiện đại. Với cách sử dụng vật liệu tiến bộ, an toàn, sinh thái, các KTS làm nên những bản làng mĩ cảnh, tiện nghi, hòa nhập bền vững với hiện tại và tương lai.

   Một số loại công trình khác, tuy ở loại hình “cũ” mà “mới” về chức năng, là hệ thống nhà cộng đồng, công trình y tế, nhà văn hóa... cũng đã kịp thời được các KTS Việt Nam, nhất là những người làm chuyên môn ở địa phương sáng tạo mẫu gắn với phát huy bản sắc để phục vụ dân sinh. Tác dụng lớn nhất của thể loại công trình này là làm nơi chốn góp phần xây dựng tình đoàn kết cộng đồng, phổ biến giáo dục đường lối của Đảng và Nhà nước kịp thời đến đồng bào. Hơn nữa, đó chính là bằng chứng sinh động, cụ thể cho ấm no, hạnh phúc của nhân dân được bồi đắp, nở hoa nhờ Đảng, Bác Hồ. Những tiếng ca trong trẻo của đàn em thơ cất lên nơi mái nhà cộng đồng yên vui sẽ là âm thanh, hình ảnh đọng mãi trong tâm trí du khách, dù đó là sắc tộc, màu da nào, từ Việt Nam đến năm châu...

   Với lực lượng vũ trang, hệ thống công trình doanh trại, từ quy hoạch đến thiết kế xây dựng, cũng không ngừng được các thế hệ KTS sáng tạo. Sự tiến bộ và cải thiện nơi ăn, chốn ở, huấn luyện của bộ đội, công an trong suốt chặng dài qua đều là thành quả tập thể của người sáng tạo nghệ thuật kiến trúc, của tập thể quân và dân ở vùng đất đó. Đặc biệt, những vùng đất lịch sử nhưng còn nhiều khó khăn như Điện Biên càng được chú trọng. Chính vì thế, những quy hoạch doanh trại và hình thái kiến trúc làm cho lực lượng vũ trang ở đây đều đã được nghiên cứu tính thích dụng rất cao nhưng không kém phần khang trang và đậm chất vùng miền. Đến với doanh trại đơn vị quân đội, sự sáng xanh sạch đẹp ở đó luôn làm ta xúc cảm thăng hoa trong ngỡ ngàng. Rồi những trụ sở công an các cấp có kiến trúc đẹp đẽ, hiện đại nhưng vẫn gần gũi với đại chúng... đều đã góp phần tạo nên tính thiết thực và thẩm mĩ.

   Đặc sắc rõ rệt hơn, sáng tạo khó khăn mà thành công được ghi nhận chính là tác phẩm kiến trúc thể loại công trình, cụm công trình phục vụ công cộng quy mô ở đây. Đó chính là hệ thống trụ sở cấp tỉnh đã xây dựng cả nửa thế kỷ, cho đến hôm nay vẫn thấm đẫm triết lý của việc gắn kết bản sắc vùng miền. Hay hệ thống công trình văn hóa cộng đồng tại thành phố trung tâm tỉnh cũng đã phần nào đạt được điều đó. Những công viên, vườn hoa giữa đô thị gắn kết được cả yếu tố mĩ thuật và kiến trúc hiệu quả... Sự phản ánh truyền thống đặc sắc và tốt đẹp gắn liền với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã hiện diện khắp nẻo đường Tây Bắc, trong đó có Điện Biên chính là nơi đạt được nhiều thành quả đầy đặn, tươi sáng trong suốt 70 năm qua.

   Tôn tạo, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể ở khu vực cũng là một nhiệm vụ mà những người nghệ sĩ KTS luôn tâm niệm. Những di sản vô giá này ở vùng Điện Biên là không ít, một phần chưa lớn cho đến hôm nay đã được phát hiện, triển khai công tác tu bổ, bảo tồn, phát huy. Với những phần đã làm được đó cũng đã tạo nên ở một mức độ những tác phẩm đáng giá, đáp ứng kịp thời cho nhu cầu đời sống. Tuy nhiên, phải nói là ở mảng này, do nhiều điều kiện khác nhau, suốt 70 năm qua, dù là thời gian cũng đã khá dài nhưng thành quả của giới KTS còn ở chừng mực nhất định. Điều đó đang đặt ra nhiệm vụ khẩn thiết cần có những cách làm tiến bộ, kịp thời hơn trong tương lai.

   Và còn nhiều, còn nhiều nữa tác phẩm thành hoa thành quả! Có thể nói với thể loại công trình phục vụ hàng ngày cho sự sống, ăn ở, học tập, làm việc vì dân sinh và phát triển xã hội này, các tác phẩm kiến trúc tại vùng Điện Biên trong 70 năm qua cũng đã có một chỗ đứng vững chắc và cần thiết trong đời sống nhân dân và xã hội. Sự tham dự này cùng với phát triển toàn diện hệ thống chuyên sâu văn học, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, tất cả đã, đang cố gắng xứng danh với sự hi sinh xương máu của thế hệ tiền bối; sự đòi hỏi, khát khao, trăn trở và hi vọng của đồng bào các dân tộc. Hơn nữa, đó còn là sự cụ thể hóa thành công của đường lối lãnh đạo, sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đối với phát triển quốc gia nói chung và từng vùng miền nói riêng, nhất là những vùng còn nhiều khó khăn thử thách như trung du miền núi phía Bắc.

   Với lực lượng vũ trang, cả hai mảng mà nghệ thuật kiến trúc đóng góp như vừa nói ở trên đã hòa quyện làm một. Bởi vì mỗi ngọn núi, lưng đồi, đồng ruộng, nơi anh chị “người chiến sĩ, người dân công, người dân xứ sở... ngã xuống” đều đã “rực cháy lên màu hoa đỏ”, màu hoa thành công của công cuộc dựng xây nền hạnh phúc tươi sáng cho nhân dân và dân tộc đi vào tương lai. Vì nhân dân quên mình, quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu đã trở thành lẽ sống trong mỗi người lính. Những sản phẩm sáng tạo văn học, nghệ thuật hướng về các anh, vì các anh luôn xuất phát từ tấm lòng, nhiệt huyết và trí tuệ chân chính, mong muốn chân chính của người nghệ sĩ sáng tạo. Tuy rằng sự đơm hoa, kết trái của tác phẩm còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá.

   Để kể hết những thành tựu này của giới KTS Việt Nam, kể về những tác phẩm kiến trúc mọc lên từ khắp đô thị, làng quê, núi rừng ở miền đất lịch sử Điện Biên giàu văn hóa, đã nổi tiếng khắp năm châu, sẽ cần những cuộc điều tra, tổng kết với thời gian dài. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin chưa đề cập cụ thể, mong sẽ được trình bày trong những nghiên cứu tiếp theo.

   Điện Biên Phủ -thiên anh hùng ca đã thực sự trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo vô bờ của văn học, nghệ thuật trong suốt 70 năm qua. Hàng vạn, hàng triệu tác phẩm đã thay lời muốn nói cho điều đó, trong đó có không ít thuộc lĩnh vực kiến trúc. Cũng phải nói rằng, do đặc thù ngành nghề, loại hình nghệ thuật kiến trúc không đóng góp được nhiều trong quá trình chiến dịch diễn ra vì mọi cuộc chiến tranh đều gắn với sự tàn phá và hủy hoại công trình kiến trúc như là một nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó, chính sách “tiêu thổ kháng chiến” còn là một chiến lược để giành thắng lợi từ vận hành kiểu chiến tranh du kích theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nhưng từ ngày chiến thắng làm nên thiên sử vàng Điện Biên Phủ, vai trò kiến trúc đã có đất dụng võ. Từđó,thực sựnhững người làm kiến trúc cách mạng ở Việt Nam đã luôn luôn đau đáu, tâm huyết, trí tuệ đóng góp cho mảnh đất này. Và những tác phẩm kiến trúc xứng đáng đã mọc lên ở đó chính là một minh chứng hùng hồn. Hôm nay đã, đang và ngày mai sẽ nhất định ngành nghệ thuật kiến trúc tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa, thành công hơn nữa cho mảnh đất, con người nơi đây. Tất cả để càng xứng đáng với sự hi sinh của ông cha để giành chiến thắng. Chúng ta nguyện mãi đi theo con đường sáng, cùng văn học, nghệ thuật nước nhà, cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng Việt Nam hùng cường, bền vững. Bởi vì từ cội nguồn chiến thắng Điện Biên Phủ đã là “Máu của anh chị, của chúng ta không uổng/ Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam”.

Bình luận

    Chưa có bình luận