SỨ MỆNH HÒA GIẢI, HÒA HỢP DÂN TỘC CỦA VĂN CHƯƠNG – NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN VĂN HÓA

Từ điểm nhìn văn hóa, bài viết phân tích vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc trong văn chương. Trên tinh thần đó, gửi thông điệp về tinh thần đại đoàn kết, lòng dũng cảm, ý chí bất khuất của con người Việt Nam.

   Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng kêu gọi: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Hòa giải, hòa hợp dân tộc cũng chính là xây dựng trên tinh thần đoàn kết của nghĩa “đồng bào”, của tương thân, tương ái cùng con Rồng cháu Tiên có từ ngàn đời nay của người Việt Nam. Nhà văn hóa Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo đã khẳng định truyền thống “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của dân tộc Việt Nam.

   Trong giáo lý của đạo Phật có “Thuyết Tứ đế” (hiểu là luân lý quan xã hội của Phật). Tứ đế là “Bốn chân lý khổ, tập, diệt, đạo. Khổ đế là nói ở trong cuộc sống hiện thực đầy rẫy các hiện tượng đau khổ. Người đem khổ chia thành tám loại, tức là: sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, oán hận hội khổ (tập hợp nỗi khổ đối với những sự vật hoặc những con người mà mình không yêu), nỗi đau khổ của sự ly biệt với những sự vật hoặc những con người mà mình yêu, cầu không được khổ và ngũ thủ uẩn khổ (mọi nỗi đau khổ của thân và tâm)”1. Trong tiến trình văn hóa Việt Nam, có thể nói, giáo lý Phật đã có ảnh hưởng sâu rộng. Theo đó, chúng ta thấy một trong tám nỗi khổ của con người trên thế gian này chính là “oán hận hội khổ”. Oán thù sinh ra căm thù. Oán thù triệt tiêu tình yêu thương. Trong chiến tranh, chúng ta dạy bài học về lòng căm thù - căm thù bọn cướp nước và bán nước gây tội ác dã man với đồng bào, đồng chí. Tất nhiên. Nhưng xét cho cùng, dạy lòng yêu thương, vị tha, giác ngộ con người mới cần thiết và khó khăn. Đây có thể coi là nhiệm vụ chiến lược, có tính bền lâu tạo nên sự phát triển bền vững của xã hội.

   Hiện nay có khoảng 5 triệu người Việt Nam sinh sống ở các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đó là một “thực thể Việt” to lớn, phức tạp về tư tưởng, tình cảm và quan hệ xã hội. Tuy nhiên, không phải đã có một cái nhìn xuyên suốt, nhất quán và thiện chí hoàn toàn về đất nước, dân tộc, chế độ. Hãy còn rất nhiều khúc mắc, đôi khi bằng mặt mà không bằng lòng. Đôi khi vô tình hay hữu ý chưa thấu hiểu nhau. Còn nhiều hố ngăn cách vô hình. Trong bối cảnh đó, văn hóa, đặc biệt văn chương, là một “kênh” thông tin thẩm mĩ quan trọng. Xin nhắc lại truyện ngắn Thương nhớ đồng quê của Nguyễn Huy Thiệp để thấy câu chuyện “trong - ngoài”, “đi - ở”, “bên này - bên kia”, đã nhờ con đường của văn chương mà được hóa giải theo thời gian. Một cô gái (tên Quyên) đến Mĩ từ nhỏ nhưng khi về thăm quê thì câu hỏi đầu tiên với người (tên Nhâm) đi đón mình ở sân ga là: ““Nhà anh cấy bao nhiêu sào? Mỗi sào bao nhiêu thóc?”. Tôi bảo: “Mỗi sào được được hơn ba nồi, khoảng gần tạ, mỗi cân thóc một nghìn tư”. Quyên nhẩm: “Hai mươi triệu tấn thóc cho sáu mươi triệu người””2. Không phải người Việt Nam nào ở nước ngoài về thăm quê hương cũng có cái tâm thế tích cực như cô gái tên Quyên trong câu chuyện đặc sắc này. Có lẽ thế hệ như cô gái tên Quyên này được sinh ra ở nước ngoài trong bối cảnh mới, có thể cô không dính dáng gì đến quá khứ, hoặc giả bố mẹ cô tuy đã trải qua ba chìm bảy nổi nhưng đã thoát ra khỏi cái bóng của quá khứ và tuyệt nhiên không hoài cổ.

   Trong bài Chuyện cũ nói lại, Nguyễn Khải kể một câu chuyện đáng suy ngẫm: “Năm 1975, trước khi đi vào thành phố Sài Gòn mới được giải phóng, một đồng chí cấp trên dặn tôi: “Gặp ai cũng được nhưng gặp văn nghệ sĩ là phải cảnh giác. Họ kiên trì tư tưởng chống cộng lắm đấy!”. Lát sau lại dặn thêm: “Các cậu phải chú ý giúp đỡ lẫn nhau. Đừng có thấy cảnh phồn vinh bề ngoài dưới thời Mĩ Ngụy mà dao động!”. Tôi nghe rất có lý. Anh em văn nghệ sĩ trong đó dứt khoát là chống cộng rồi. Còn anh em tôi nhất định là phải đề phòng sự thâm nhập của tư tưởng tư sản và các bả độc của chủ nghĩa thực dân mới. Nhưng sau này nghĩ lại lời dặn của cấp trên và sự đồng tình quá lanh lẹn của mình cũng phải bật phì cười. Vì nó rất vô lý […]. Rồi lại nghĩ, người ta nói sai đến thế mà mình không biết cãi lại thì sao nhỉ? Nghĩ thế lại không muốn cười nữa”3.

   1. Người tiên phong mở đường

   Đọc Di cảo Nguyễn Minh Châu (NXB Hà Nội, 2009), chúng tôi chú ý đến một câu chuyện nhà văn ghi chép tháng 5/1962 tại Thái Nguyên (được ghi chú là “Nhật ký kháng chiến chống Pháp”). Mẩu chuyện này có nhan đề giản dị Anh Yên và chị Chiều: “Yên và Chiều là hai chiến sĩ du kích. Yên bị bắt. Anh vận động chuẩn bị vượt trại giam trốn thoát nhưng không thành, bị bức anh đi lính. Anh nảy ra một kế: đi lính rồi tìm cách trốn sang hàng ngũ ta. Anh vào lính và đã có thời cơ trốn nhưng rùng rình muốn lôi kéo thêm được một số khác thì mới ra. Trong một trận phục kích, bất ngờ anh bị bắt. Yên trở thành tù binh. Yên rất khó xử. Ai hiểu cho hoàn cảnh của Yên? Anh muốn xung phong vào bộ đội, giết giặc lập công để tỏ rõ tấm lòng của mình, nhưng chính sách của ta chỉ nhận cho vào bộ đội những hàng binh mà không nhận tù binh. Qua một thời gian học tập chính sách khoan hồng của Chính phủ ở trại tù binh, anh được phóng thích trở về làng. Lúc này vợ anh đang làm Xã đội phó. Vợ anh khinh anh ra mặt, tuy ít nhiều vẫn còn tình yêu chồng. Mẹ anh thì vẫn yêu thương nhưng có cái gì khác trước. Trong con mắt mẹ vẫn nhìn anh bằng cái nhìn những kẻ lầm lạc. Gia đình xóm làng cư xử với anh đúng như một tên ngụy binh. Họ không chửi mắng gì nhưng họ e dè, đối xử theo đúng chính sách. Anh sống trong cô quạnh như một kẻ bị cuộc đời bỏ rơi. Một ý nghĩ táo bạo và nguy hiểm đến: ta sẽ vào lính Commanđô và từ trong lòng quân đội địch đầy tội ác ấy ta sẽ làm lại cuộc đời để cho mọi người biết. Thế rồi anh đăng lính Commanđô. Ở tỉnh, tụi địch nhận anh một cách tín nhiệm. Ba tháng sau anh đã gây được một tổ phản chiến tiến tới nhiều tổ. Vào một đêm, Yên lãnh đạo số binh lính giết chết tên chỉ huy cùng mười anh em vác súng trở về. Bên ta đón anh trở về như một người có công lớn. Đơn vị nhận anh vào bộ đội cùng số anh em anh vận động được. Trước khi gia nhập bộ, đội anh được về thăm làng. Lúc trở về, mẹ anh đã chết. Trước lúc chết, mẹ anh nguyền rủa anh ghê gớm và vợ anh đã bỏ đi, không ai biết là chị đi đâu. Có người nói chị đã thoát ly để khỏi mang tiếng xấu với làng nước và đã lấy chồng khác. Thế là tan nát hết. Anh trở về gia nhập bộ đội và chiến đấu rất hăng với một động cơ điên rồ: để chết. Nhưng qua bao nhiêu trận đánh anh vẫn sống. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trên đường hành quân, đơn vị Yên bị máy bay bắn, anh bị thương và được đưa vào Quân y viện. Trong Quân y viện, anh gặp một cán bộ phụ nữ dân công bị trúng bom, bị thương cụt cả hai chân và một mảnh đạn vào ngực, không ngờ người đó là Chiều, người vợ mà anh vẫn yêu và đi tìm. Người vợ cũng nhận ra anh. Nhưng chị vụt nhớ ra, chị ngồi nhổm dậy chỉ vào mặt anh và thét to cho mọi người biết: “Nó là thằng gián điệp chui vào bộ đội, không dè nó báo cho máy bay đấy, bắt lấy nó!”. Chị tắt thở ngay sau đó. Yên lặng đi bên xác vợ, anh bước từng bước như người mất hồn ra ngoài khu rừng. Bên ngoài súng vẫn nổ giòn giã” (Di cảo Nguyễn Minh Châu, tr. 27-28). Thiết nghĩ ghi chép này đã như một tác phẩm trọn vẹn, trong đó nhà văn muốn bằng văn chương “san lấp” cái hố ngăn cách lòng hận thù gây nên bởi hoàn cảnh chiến tranh, muốn đặt một vấn đề về hòa giải, hòa hợp xuất phát từ nhân tâm, từ truyền thống “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.

   Mười một năm sau, trong nhật ký (13/5/1973), Nguyễn Minh Châu vẫn đau đáu viết về chủ đề này: “Cái khổ cái chết giăng bẫy khắp mặt đất, khắp mặt trái đất này, không, nơi khác, người ta không sống thế. Hình như chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Tối qua một cậu bị bò cạp cắn phải cõng tới 52, 6 cậu ở Ái Tử bị một vụ nổ bom bi dứa, 1 cậu 19 tuổi sáng nay phải múc mắt. Sau chiến tranh mà người bị thương vẫn nằm la liệt trong các lán bệnh viện, nhưng xét cho cùng, cái chết chóc thương tật cũng không tác hại người ta ghê gớm bằng cái khổ sở, cái thiếu thốn, cái bệnh tật, cái nhếch nhác, cái buồn tủi, cái chia ly, cái chia lìa mẹ con, vợ chồng, cái mồ hôi và nước mắt vẫn chảy thành đại dương và cái máu chỉ là con sông. Hai bên, ai sẽ dám đứng ra thách thức đối phương một thái độ này: tất cả mọi công việc của mình làm để hướng về việc cho người dân bình thường đỡ bớt đi phần đau khổ. Ai sẽ nghĩ đến con người hơn một chút?” (sđd, tr. 295). Ngay trong chiến tranh, Nguyễn Minh Châu đã nghĩ rất xa, đón đầu vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc khi đặt câu hỏi: “Hai bên, ai sẽ dám đứng ra thách thức đối phương một thái độ này…”. Câu hỏi nhức nhối ấy được các nhà văn tiếp tục trả lời trong sáng tác sau 1975.

   Hai năm sau ngày hòa bình, Nguyễn Minh Châu ra mắt tiểu thuyết Miền cháy (NXB Quân đội nhân dân, 1977). Có thể nói đây là tác phẩm văn chương đầu tiên sau 1975 viết về tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc. Chủ đề của tác phẩm sáng rõ: Bước ra khỏi chiến tranh cũng khó khăn và đòi hỏi chúng ta phải có bản lĩnh như khi bắt đầu bước vào cuộc chiến. Vẫn cần ở mỗi người tinh thần cách mạng triệt để, đồng thời cũng cần ở mỗi người một tinh thần nhân đạo cao cả trong việc giải quyết những vấn đề của đời sống thời hậu chiến. Tư tưởng này được hòa quyện trong một câu chuyện thấm đẫm tinh thần của cái bi kịch (được hiểu như là một phạm trù mĩ học cơ bản). Đại đội trưởng Nghĩa hi sinh vào giờ phút chót của chiến tranh. Đó là những giờ phút tháo chạy của tàn quân địch. Vợ chồng Phu La (là Trung tá biệt động Quân lực Sài Gòn) đã thoát chết nhờ cõng theo đứa con nhỏ trên lưng (chính Đại đội trưởng Nghĩa tử trận vì viên đạn bắn lén của Phu La). Vợ chồng Phu La đã bỏ lại đứa con để dễ bề tháo chạy sau cú vấp ngã trên đường đào tẩu. Trèo lên được một chiếc tàu chở người di tản, chính vợ của Phu La bị tàn quân ngụy bao vây hãm hiếp, còn Phu La thì bị ném lên bờ. Sau nhiều ngày lẩn trốn, Phu La buộc phải ra trình diện trước Ủy ban Quân quản dưới một cái tên khác. Bé Sinh – con trai Phu La được các chiến sĩ đại đội nuôi nấng, dĩ nhiên đã làm xáo trộn sinh hoạt và công tác của đơn vị. Người vợ cả của Phu La biết chuyện, xin được đem Sinh về nuôi nhưng bị đơn vị từ chối. Bà Êm, mẹ đẻ của Nghĩa ở Triệu Phú, Quảng Trị lại chính là người sau đó đơn vị gửi gắm nuôi dưỡng bé Sinh. Ban đầu đơn vị chỉ thông báo với mẹ Êm rằng Sinh là đứa trẻ bị lạc cha mẹ trong chiến tranh. Lúc này bà mẹ Êm vẫn chưa biết Nghĩa - đứa con trai cuối cùng - đã hi sinh (chồng mẹ và 5 đứa con của mẹ lần lượt hi sinh). Sau này khi biết bé Sinh chính là con trai của kẻ đã ra tay bắn chết Nghĩa thì lòng bà mẹ tan nát. Mặc dù dằn vặt, đau khổ nhưng khi đơn vị ngỏ ý mang Sinh đi theo thì mẹ Êm vẫn một mực giữ bé Sinh lại nuôi nấng. Phu La sau khi trình diện đã được đưa vào trại cải tạo, sau đó trốn trại, bị bắt lại. Đầu óc Phu La sau những ngày cải tạo dần sáng ra. Hắn được điều động về vùng Chân Mây san lấp hố bom. Tại đây đã diễn ra cuộc “gặp mặt lịch sử” giữa mẹ Êm và cha con Phu La.

   Một cái kết “có hậu” theo truyền thống tâm lý dân tộc “đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại”. Mẹ Êm là một nhân cách lớn, một giá trị văn hóa của người Việt Nam thời đại cách mạng và chiến tranh. Với mẹ, hi sinh lớn cũng là một hạnh phúc. Mẹ đích thực là một nhịp cầu hòa giải, hòa hợp dân tộc.

   2. Hòa giải, hòa hợp dân tộc như là một truyền thống văn hóa Việt Nam

   Chủ đề hòa giải, hòa hợp dân tộc, xét đến cùng không là “độc quyền” của bất kỳ nhà văn nào. Đó là tiếng gọi của lương tri, tự nó hướng dẫn ngòi bút. Tiểu thuyết Chim én bay (NXB Tác phẩm mới, 1988) của Nguyễn Trí Huân nhận liền hai giải thưởng: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1988-1989) và Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng (1989). Chim én bay là một trong số không nhiều tác phẩm văn chương thời hậu chiến “chạm” được đến một vấn đề nhạy cảm nhất, vừa có tính thời sự vừa có ý nghĩa dài lâu, vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc trong và sau chiến tranh. Bối cảnh của tiểu thuyết là mùa đông năm 1969, một thời điểm khó khăn nhất của cách mạng Miền Nam. Sau Mậu Thân 1968, có thể nói tình thế của cách mạng có nhiều thoái lui cục bộ. Bọn phản động có cơ hội ngóc đầu dậy làm mưa làm gió. Bối cảnh câu chuyện ở vùng nông thôn Bình Định. Trong tình hình mới, đội Chim Én được thành lập - đội gồm những thiếu niên dũng cảm nhận nhiệm vụ diệt ác trừ gian. Đội ở tập trung (nằm hầm bí mật), được trang bị vũ khí. Những hoạt động của đội Chim Én tỏ ra rất hiệu quả. Nhân vật chính là cô bé Quy, lúc này mới 11 tuổi. Cô đã chứng kiến cảnh giám Tuân, vốn là một du kích chiêu hồi, nay thành một tên ác ôn khét tiếng. Hắn đã đem quân đến bắt và giết anh Dương, chị Hảo (đều là du kích) của Quy. Bản thân bố Quy cũng mất vì trận đòn dã man của giám Tuân. Quy được phân công cùng một đội viên khác đi xử giám Tuân. Vợ hắn trước cũng tham gia du kích nên vẫn có tình cảm nhất định với cách mạng. Khi tiếp cận được giám Tuân một cách khó khăn, khi đang định bóp cò thì Quy phải ngừng vì lúc đó giám Tuân đang cõng con nhỏ trên lưng. Lần đó giám Tuân thoát chết và Quy cũng thoát được sự truy đuổi của bọn dân vệ nhờ sự giúp đỡ của vợ giám Tuân. Sau đó Quy bị bắt trong một lần đi trinh sát để chuẩn bị xử tên Linh - Ấp trưởng Ấp 5, một tên ác ôn khét tiếng. Để trả thù, giám Tuân cho chân tay hãm hiếp Quy. Đòn thù thâm hiểm đã gây hậu quả xấu cho cô gái tuổi 14 dậy thì, về sau mất khả năng làm mẹ. Sau đó Quy được giải thoát nhờ một cơ sở trong hàng ngũ dân vệ. Quy lại nhận nhiệm vụ khác tìm diệt tên Hai Đích - một du kích mới chiêu hồi quay ra đàn áp cách mạng. Chiến sĩ du kích (Dũng) cùng đi với Quy hi sinh do bị pháo kích. Một mình Quy diệt Hai Đích và tìm thoát vòng vây của địch. Giám Tuân càng ngày càng lộng hành, tàn ác và quỷ quyệt. Quy lại được giao nhiệm vụ tìm diệt tên này. Cuối cùng chị đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Nhưng lần này thì chị bị bắt và bị đày qua nhiều nhà tù cho đến ngày Miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Trong hòa bình, Quy được học hành, được nhận công tác ở nhiều cơ quan Nhà nước quan trọng. Chị gặp lại anh Cường, người yêu, người đồng chí trong chiến trận, chị nói rõ tình cảnh của mình (mất khả năng làm mẹ) để anh yên tâm đi tìm hạnh phúc mới. Chị tìm mọi cách giúp đỡ vợ con giám Tuân, Hai Đích. Họ chịu đựng sự kỳ thị do chồng gây nên trong quá khứ. Chị thương người vợ, người con của những kẻ ác ôn bị chính chị tiêu diệt năm xưa. Chị cố gắng làm nhiều việc để bù đắp cho những số phận thiệt thòi do chiến tranh gây nên. Chị làm việc hăng say ngày đêm để quên đi nỗi cô đơn và bệnh tật. Nhưng bệnh ung thư đã cướp đi sự sống của chị. Trước lúc lâm chung, chị thác cậy anh Cường về việc chăm nuôi đứa con út của giám Tuân, đứa trẻ mà ngày trước vì nó mà chị không dám nã súng vào bố nó. Đó là bi kịch của nhân vật Quy, của những người tốt. Bi kịch thường có tác dụng thanh lọc tâm hồn. Trong đau thương, mất mát, con người nhận ra chân giá trị đời sống. Tác phẩm không phải không gây ra những khúc mắc trong tiếp nhận. Nhưng nếu đứng trên quan điểm “tính người” thì sẽ thấy tác phẩm đã vượt qua được cái “ba-ri-e” vốn lâu nay khiến chúng ta e dè, băn khoăn, thậm chí không dám thể hiện những góc khuất, gai góc của sự thật tâm hồn con người. Đó là biện chứng tâm hồn mà văn chương cần khám phá.

   Nhà văn Lê Minh Khuê trong nhiều truyện ngắn gần đây đã hướng ngòi bút đến vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc. Chủ đề này xuyên thấm vào những trang viết vừa dữ dội vừa xúc động khi kể các câu chuyện của gia đình Việt Nam đã trải qua cuộc đấu tranh nội tâm dai dẳng và khó khăn để tiến tới xóa bỏ hận thù do hoàn cảnh chiến tranh gây nên. Hai tập truyện ngắn của nhà văn đã chiếm trọn cảm tình của người đọc, Nhiệt đới gió mùa (NXB Hội Nhà văn, 2012) và Làn gió chảy qua (NXB Trẻ, 2016). Cấu tứ chung cho nhiều truyện trong hai tác phẩm này là thù hận làm cuộc đời con người ngắn lại. Tiêu biểu nhất phải kể đến truyện Nhiệt đới gió mùa được dùng đặt tên cho cả tập truyện thứ nhất. Câu chuyện xảy ra trong một gia đình nhưng nhìn rộng ra, nó như một thấu kính, khúc xạ những thăng trầm của đời người trong một thế gian biến đổi, trong những cuộc chiến không ai muốn nhưng vẫn cứ phải diễn ra như một tất yếu lịch sử. Hiếu và Phong là hai anh em cùng cha khác mẹ, cùng chung một gia đình mà do nhiều nguyên nhân dẫn đến tan đàn xẻ nghé suốt mấy chục năm (từ trước 1954 đến đầu những năm tám mươi thế kỷ trước). Hiếu là con vợ cả (bà Hân), Phong là con vợ lẽ (bà Việt). Thế đã là phức tạp nếu chỉ sống trong yên hàn. Nhưng thời cuộc đã chi phối họ đến tận chân tơ kẽ tóc. Vì một tai nạn hi hữu mà một mắt mẹ của Phong phải bỏ đi trong khi mẹ của Hiếu có phần can gián nhưng là vô tình. Mẹ con Phong sau đó vào Sài Gòn mang theo “mối thù tận xương tủy”. Trước khi đi, bà Việt còn kịp cho ông Cơ, người tình bội bạc, phải vào trại giam vì nhà chức trách phát hiện trong nhà ông có truyền đơn (!?). Lớn lên, Hiếu gia nhập quân đội và làm công tác đặc biệt (an ninh nội bộ). Vào Sài Gòn, Phong học giỏi và đăng lính, thành sĩ quan làm việc trong Phủ Đặc ủy Tình báo Trung ương Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Hiếu và Phong diễn ra ở chiến trường Quảng Trị khét lẹt thuốc súng, khi Hiếu trong “vai” là tù binh của Phong. Mẹ Phong làm ăn buôn bán có đủ tiền cho Phong ra nước ngoài để tránh cuộc chiến nhưng bà cũng muốn con trai ở lại vì: “Biết đâu tiến về Hà Nội được mà trả thù cho mẹ” (!?). Còn Phong thì hứa: “Con sẽ đòi nợ cho mẹ”. Tên Pát, cố vấn Mĩ, nói với Phong: “Hai miền của chúng mày nội chiến triền miên anh em ruột thịt choảng nhau như thế hận thù phải hàng trăm năm chưa trả hết”. Giáp mặt Hiếu, Phong lại nghĩ đến chuyện cũ: “Giá như con mắt mẹ Việt bị khoét đi mà vết thương lành được thì mối thù không ghê gớm thế”. Dĩ nhiên Phong không ra tay trả thù trực tiếp người anh cùng cha khác mẹ. Đã có thuộc cấp của hắn hành sự. Khi một mắt của Hiếu bị khoét, Phong hể hả: “Thế là huề nhá, anh Hiếu! Tôi xin một mắt của anh đền cho mẹ tôi!”. Và: “Phong nhặt cái cục thịt đẫm máu trong có con mắt của Hiếu cho vào túi ni lông như giữ tang vật”. Người ta nói tạo hóa có những trò đùa trớ trêu là đúng. Sau 30/4/1975 thì Phong lại vào “vai” kẻ phải ra trình diện và cải tạo. Hiếu trở về với một mắt bị hỏng, tiếp tục làm nhiệm vụ Quân quản, sau đó chuyển sang an ninh chuyên phân loại sĩ quan Việt Nam Cộng hòa ra trình diện và tập trung cải tạo. Một lần nữa Hiếu và Phong lại “đụng đầu” trong những “vai” khác trước hoàn toàn. Hiếu phải đấu tranh nội tâm rất quyết liệt để đối xử với Phong trên tư thế người chiến thắng. Trong thời gian Hiếu bị giam giữ trong lao tù trước 1975, Phong đã tìm mọi cách để hành hạ Hiếu. Đã có lúc: “Thù hận trong Hiếu mới nảy sinh mạnh mẽ từ lúc ấy. Tất cả bất hạnh đổ xuống gia đình, đổ xuống đầu Hiếu là do Phong - anh nghĩ vậy. Phong phải chịu trách nhiệm”. Nhưng sau này, khi Phong đã trong tầm kiểm soát của Hiếu thì anh lại nghĩ khác. Đất nước thống nhất. Dân tộc hòa hợp. Con người ngày càng ngộ ra chân lý cần lấy hòa hiếu, hòa giải, hòa hợp để ứng xử, để cùng tồn tại. Không có sự trả thù nào từ phía Hiếu và những người chiến thắng. Sau sáu năm cải tạo, Phong có cơ hội được trở về với mẹ, với đời sống thường nhật. Đó là chủ nghĩa nhân văn của một xã hội với những con người giàu lòng vị tha như Hiếu. Có thể gọi con đường của Hiếu, của Phong và của những ai trải qua lửa đỏ và nước lạnh là con đường đau khổ để tìm chân lý.

   Chủ đề hòa giải, hòa hợp dân tộc vẫn tiếp tục được các nhà văn khai thác và thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Năm 2016, nhà văn Khuất Quang Thụy ra mắt tiểu thuyết Đỉnh cao hoang vắng (NXB Văn hóa dân tộc). Bề ngoài nó là một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh. Tất nhiên, vì chính tác giả chia sẻ: “Cuốn sách này tôi viết để tưởng nhớ đồng đội mình đã hi sinh trong trận đánh ác liệt trên dãy cao điểm phía Tây sông Pô Kô (Kon Tum) vào mùa xuân năm 1972 và để trò chuyện với những người còn sống sau chiến dịch đó. Khi đọc xong cuốn sách này chắc chắn đồng đội của tôi sẽ hiểu rằng tôi không chỉ muốn kể lại trận đánh mà còn muốn đi tìm ý nghĩa sâu xa của cuộc đụng đầu đẫm máu này và cắt nghĩa vì sao chúng tôi lại là người chiến thắng. Hơn thế nữa, cuộc chiến đã lùi rất xa rồi. Ngày hôm nay chúng ta đang tìm cách tạm khép lại những tàn dư của hận thù để hòa hợp dân tộc. Trong khi dọn dẹp đống tro tàn của chiến tranh để lại, ta bỗng hiểu ra rằng, thực ra chúng ta không khác nhau nhiều như vẫn tưởng. Đơn giản vì ngay cả khi cầm súng đối địch với nhau từ hai bên chiến tuyến, chúng ta vẫn là người Việt Nam” (Mấy lời đầu sách). Nói Đỉnh cao hoang vắng vượt ra ngoài cái gọi là “văn học chiến tranh” cũng có cái lý của nó. Vì sao? Câu chuyện được kể lại có cái “đường viền” là cuộc chiến vào thời điểm ác liệt nhất của nó. Nhưng “cái ruột” của nó lại là vấn đề muôn thuở của con người: sống và chết, bạn và thù, được và mất, tốt và xấu, hòa giải và hận thù, hòa hợp và chia cắt… Ba nhân vật chính (Đại úy dù Quân lực Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Lang, Trung sĩ Điết thuộc hạ và Vân, y sĩ Quân giải phóng) đã nương tựa, giúp đỡ nhau để tồn tại trong hơn một năm lạc rừng. Vân là tù binh của hai quân nhân phía bên kia. Nhưng họ đã đối xử với Vân như với một con người. Cuộc đấu tranh của mỗi bên không phải để chết mà là để sống. Đôi khi họ phải thỏa hiệp nhau để cùng tìm lối thoát hợp lý cho mình. Kết cục, khi Đại úy Nguyễn Lang trở về được quân ngũ thì lại tử nạn vì đạn của máy bay Hoa Kỳ trong một cuộc không kích nhầm. Sau chiến tranh, Điết trở về đời thường, làm chân bảo vệ rừng và trông nom ngôi mộ của Nguyễn Lang. Còn y sĩ Vân thì trở về quê hương bản quán. Nhưng bất hạnh thay, hơn một năm chui lủi trong rừng sâu, sinh hoạt bất thường nên chị đã bị tước đi cái thiên chức làm mẹ. Chị sống đơn chiếc, một mình một bóng. Cuối tác phẩm, Vân gặp lại Điết trong một bầu không khí và tâm thế mới của những thường dân đã trải qua cuộc chiến không mong muốn. Họ nhắc nhở về Nguyễn Lang như một con người tử tế (lời của Vân: “Ông ấy là một người tốt… và là người trọng danh dự”). Chính Nguyễn Lang là người chủ động giải thoát cho Vân (lời ông ta: “Tôi muốn một cuộc chia tay trong hòa bình”).

   3. Hòa giải, hòa hợp dân tộc như một “căn cước” hòa nhập vào văn hóa thế giới

   Đây là một chủ đề nhạy cảm, khó khăn, thách thức nhà văn sáng tác. Khi tác giả Lê Lan Anh ra mắt tiểu thuyết Ở đất kẻ thù (NXB Văn học, 2007) tạo nên một hiện tượng văn chương khi kể một câu chuyện xảy ra trong chiến tranh tuy hi hữu nhưng lại “không có gì không thể xảy ra” – đối xử với kẻ thù như thế nào khi họ là tù binh trong tay ta? Trong một cuộc không kích Miền Bắc, máy bay của thiếu tá James Mc-Clean (thường được gọi là Jim) bị bắn hạ và y bị bắt làm tù binh. Y được tạm giam giữ trong nhà ông Bi. Ông và cô con gái (tên Na) đã cứu chữa chăm sóc Jim chu đáo tận tình. Những giờ phút trong tay “Việt Cộng” đã làm cho đầu óc Jim sáng ra, ngộ ra bao điều mà từ trước tới giờ y bị “mù” (lại có lẽ do truyền thông Mĩ!?). Sau đó trên đường dẫn giải Jim lên địa điểm cần thiết theo yêu cầu của cấp trên thì chính Jim và những người du kích trong đó có Na lại bị dính đạn của không lực Hoa Kỳ đến ứng cứu đồng đội. Lần đó, Na đã tử nạn ngay trước mắt Jim. Khi nhìn thấy ông Bi đau đớn ôm xác con gái, Jim bỗng nhiên ứ trào cảm xúc: “Tim Jim nhói lên. Hắn ước ao, một ước ao tột cùng, ngay lúc này đây, được thay thế người cha ấy dù chỉ trong một phút”. Trên đường bị dẫn giải đến nơi giam giữ mới, Jim ngộ ra: “Đối với đất nước này không bao giờ và chưa bao giờ có Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam, chỉ có một đất nước duy nhất mà đường vĩ tuyến 17 phi lý tạm thời chia cắt… Không một ai, một thứ vũ khí nào có thể chống lại sự quyết tâm và lòng tin của cả một dân tộc”. Ai đó nói, cái đẹp cứu rỗi thế giới. Nhưng lúc này, với Jim, có lẽ tình thương mới cứu rỗi được thế giới, trong đó có y. Nhà sử học Dương Trung Quốc trong Lời giới thiệu đã nhấn mạnh: “Khi nghiên cứu về những cuộc chiến tranh mà dân tộc Việt Nam đã từng trải thì có một hiện tượng khá đặc biệt trong quan hệ Việt - Mĩ là sau một cuộc chiến tranh ác liệt và kéo dài, để lại rất nhiều hậu quả nặng nề cho cả hai quốc gia, thì cựu chiến binh của hai nước lại là cái cầu sớm nhất được dựng lên để góp phần tích cực vào quá trình hòa giải một cách có trách nhiệm và hiệu quả cùng với quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và sự hợp tác làm ăn của các nhà kinh doanh” (tr. 195-196). Trong những lời được dùng làm Đề từ cho cuốn sách, chúng tôi chú ý đến ý kiến của ngài Lester Peason (cựu Thủ tướng Canada): “Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên, khi mà các nền văn minh khác nhau phải học cách cùng sống trong hòa bình, học hỏi lẫn nhau, nghiên cứu lịch sử, tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật của nhau; cùng nhau làm phong phú thêm cái vốn của những nền văn minh khác nhau. Đi ngược lại, thế giới nhỏ bé, chật chội này chỉ còn lại sự hiểu lầm, căng thẳng, va chạm và thảm họa… Một trật tự thế giới dựa trên các nền văn minh là một bảo đảm an toàn nhất chống lại chiến tranh thế giới”.

   Sự kiện văn học và xuất bản gần nhất là cuốn tiểu thuyết Hương của Nguyễn Thụy Kha (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành năm 2022, in lần đầu 2.500 bản, dành 1.000 bản để chuyển tới bà con Việt kiều ở nước ngoài, đặc biệt ở Hoa Kỳ). Một cuốn tiểu thuyết đọc hấp dẫn và cảm động về câu chuyện tình tay ba giữa cô gái tên Hương xinh đẹp và hai người lính (một giải phóng quân, một thuộc Quân lực Sài Gòn) trong và sau chiến tranh. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 dành cho tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của Nguyễn Một là một dấu hiệu lạc quan, khẳng định thành công của tác phẩm với chủ đề hòa giải, hòa hợp dân tộc. 

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Tâm Xuyên (Chủ biên, 1999), Mười tôn giáo lớn trên thế giới, NXB Chính trị quốc gia.
2. Kund S. Larsen - Lê Văn Hảo (2015), Tâm lý học xuyên văn hóa, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
3. Nguyễn Bá Thành (2006), Bản sắc Việt Nam qua giao lưu văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Bùi Việt Thắng (2019), Thi pháp tiểu thuyết hiện đại, NXB Thanh niên.

Chú thích:
1 Mười tôn giáo lớn trên thế giới, NXB Chính trị quốc gia, 1999, tr. 298-299.
2 Nguyễn Huy Thiệp (1995), Như những ngọn gió, NXB Văn học, tr. 386.
3 Nguyễn Khải (1999), Chuyện nghề, NXB Hội Nhà văn, tr. 104.

Bình luận

    Chưa có bình luận