VẤN ĐỀ NHÂN VẬT TRUNG TÂM VÀ VĂN HỌC VỚI ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG

Từ việc làm rõ các khái niệm cơ bản, bài viết phân tích, đánh giá vai trò và những đóng góp quan trọng của các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng của văn học Việt Nam, đặc biệt là nhân vật trung tâm của văn học về đề tài này, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm khôi phục vị thế trung tâm cho nhân vật người cầm súng giữ nước trong văn chương nghệ thuật.

   1. Khái niệm nhân vật trung tâm

   Nhân vật trung tâm là khái niệm có ý nghĩa đánh giá, khẳng định một giá trị nghệ thuật để lại khi đã kết thúc một trào lưu hoặc một thời đại văn học. Tính chất “trung tâm” ở đây xác định tính phổ biến và tương đồng của hàng loạt nhân vật trong nhiều tác phẩm, nhiều tác giả khác nhau. Nhân vật trung tâm trong văn học thể hiện rõ mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống vì ý nghĩa tích cực, tính lý tưởng của nhân vật trung tâm thường gắn với nhu cầu thực tiễn đời sống cũng như nhu cầu về một mẫu người cần có của một thời đại. Nhân vật trung tâm có thể kết tinh những giá trị thẩm mĩ để trở thành một biểu tượng, một giá trị văn hóa của dân tộc và thời đại.

   Không phải thời đại văn học, nghệ thuật nào cũng có nhân vật trung tâm. Sự xuất hiện của nó hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của thời đại cùng nhu cầu và điều kiện bên trong của đời sống văn học. Khi M. Gorki nhận định “Thời đại anh hùng đòi hỏi một nền nghệ thuật anh hùng” là khi ông đã dự đoán đúng nhu cầu xuất hiện một nền nghệ thuật mới gắn với kiểu nhân vật trung tâm: nhân vật người chiến sĩ đấu tranh, cải tạo đời sống, “xông lên đoạt trời”. Nhân vật Pavel Korchagin trong Thép đã tôi thế đấy của N. Ostrovsky đã trở thành nhân vật tiêu biểu của kiểu nhân vật trung tâm mang hoài bão “đấu tranh giải phóng loài người” trong văn học cách mạng thế kỷ XX ở nhiều nước khác nhau trên thế giới.

   Kiểu nhân vật trung tâm của văn học cách mạng thế kỷ XX không phải là sản phẩm của nhiệt tình và ý chí chính trị, nằm ngoài nghệ thuật. Cơ sở mĩ học và cảm hứng nghệ thuật cho sự xuất hiện kiểu nhân vật trung tâm này có cội rễ sâu xa từ trong bản chất nhân văn của nghệ thuật: bản chất khám phá và đề cao con người. Có thể thấy bóng dáng tiền thân rất xa xôi của nó trong kiểu nhân vật trung tâm của văn chương cổ Hy Lạp-La Mã với hàng loạt nhân vật anh hùng, bi kịch. Đó là những con người khao khát lập chiến công, chỉ biết hành động vì những niềm say mê lớn, hoài bão lớn, chiến đấu cho lẽ phải, sự công bằng, vì lợi ích của cộng đồng thành bang, dân tộc. Những anh hùng trong thần thoại Hy Lạp-La Mã, những Uylixe, Prometheus, Heraclet,Oedipus,Antigon,Herakles,Orest… lập thành một hệ thống nhân vật trung tâm xuyên suốt một thời văn học Hy-La cổ đại.

   Nhân vật trung tâm là kiểu nhân vật vừa mang tính lý tưởng vừa mang tính hiện thực. Mặt hiện thực của nó nằm ở chỗ: nó ghi nhận những hiện tượng có thật của thời đại, nó gián tiếp phản ánh những nhu cầu được đặt ra từ thực tế thời đại, chứng tỏ sự đặt hàng của xã hội. Tính lý tưởng của nhân vật gắn với ước vọng chủ quan của chủ thể và khoảng cách xã hội của nhân vật giữa hình tượng và hiện thực đời sống. Nhân vật trung tâm về căn bản thuộc phạm trù nghệ thuật lãng mạn mà theo cách tính của Heghen: là nơi nội dung tư tưởng lấn át hình thức – chất liệu.

   Vấn đề nhân vật trung tâm thường được đặt ra trong những nền nghệ thuật chức năng. Tiêu biểu nhất cho kiểu nghệ thuật chức năng là sáng tác của các nhà thơ cung đình Pháp thế kỷ XVII, dưới sự bảo trợ của triều đại Vec xây. Nhân vật trung tâm mà nhà nước quân chủ tập quyền Pháp đặt hàng, chờ đợi ở Corneille, Racille, La Fongten, Molie… là mẫu người quý tộc cao thượng, mực thước, sống hết lòng vì một quốc gia mới thống nhất, cho dù nhân vật đó hiện lên qua những trang phục huyền thoại hoặc cổ sử. Đáng tiếc là không một nhân vật nào trong bi kịch cổ điển Pháp bấy giờ hiện ra như những công dân hoàn hảo, đúng theo ý muốn của giáo chủ Risơliơ và Lui XIV. Một nhân vật tưởng có thể trở thành khuôn mẫu cho kiểu nhân vật trung tâm của nghệ thuật cung đình là Lơ Xítrốt cuộc cũng bị phơi trần các khuyết tật dưới sự mổ xẻ phanh phui của Boileau và giới phê bình thi pháp cổ điển. Chủ nghĩa cổ điển Pháp không đi hết con đường tìm kiếm mô hình nhân vật trung tâm. Những khuyết tật, dở dang của hình tượng nhân vật bi kịch cổ điển phản ánh gián tiếp thế quân bình chính trị và trạng thái hòa hoãn giai cấp tạm thời trong xã hội Pháp khi đó. Những nỗ lực bất thành của văn học, nghệ thuật cung đình Pháp thế kỷ XVII trong việc xây dựng mẫu nhân vật trung tâm đã chứng tỏ một quy luật tự nhiên là: nhân vật trung tâm không thể xuất hiện bằng ý chí hay bằng sự đầu tư trí tuệ. Nó ra đời một cách tự nhiên do sự câu thúc của thực tại lịch sử, khi nhà văn, nghệ sĩ đã nghe rõ và đi theo tiếng gọi của đời sống.

   Nhân vật trung tâm thường được tìm kiếm trong văn xuôi tự sự, chủ yếu ở các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết và sân khấu, và sau nữa là trong phim truyện. Khái niệm này cũng có thể đặt ra trong thơ trữ tình khi độc giả bắt gặp những nhân vật trữ tình và chủ thể trữ tình. Trong văn học Việt Nam hiện đại, nhân vật trung tâm được nhận biết rõ nét nhất là vào thời kỳ từ sau 1945 – văn học qua hai cuộc kháng chiến. Hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ và người chiến sĩ giải phóng quân đã trở thành nhân vật trung tâm của 30 năm chiến tranh và cách mạng: “Hoan hô anh Giải phóng quân/ Kính chào anh, con người đẹp nhất”. Câu thơ đó vang lên trong bài thơ đầu xuân của Tố Hữu theo phong cách tụng ca quen thuộc nhưng vẫn làm nao lòng nhiều thế hệ độc giả thời chiến tranh vì nó như đóng dấu xác nhận một chân giá trị của đời sống và của cả văn chương. Nhân vật người chiến sĩ đã thực sự chiếm lĩnh cấu trúc nội dung và tư tưởng nghệ thuật của văn nghệ kháng chiến. Hình tượng đó còn tiếp tục nối dài qua thời hậu chiến đến cả sau Đổi mới.

   Những thành tựu của văn học, nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng người lính chứng tỏ mối quan hệ gắn bó giữa nghệ thuật và đời sống, giữa nghệ sĩ với dân tộc. Điều đó cũng chứng tỏ rằng nhân vật trung tâm của văn nghệ chỉ xuất hiện và ghi nhận sức sống nghệ thuật của nó khi nó thống nhất với mẫu người cần nhất của thời đại.

   Mấy thập niên gần đây chúng ta đang sống trong tâm trạng khủng hoảng về mô hình con người thời đại và kéo theo đó là mô hình nhân vật trung tâm của văn nghệ. Nhiều nhà nghiên cứu đã băn khoăn rà soát lại sự phát triển nối tiếp của mô hình nhân vật lý tưởng trong lịch sử mà văn học Việt Nam từ cổ trung đại tới hiện đại phản ánh hoặc ý thức được: từ nhân vật người quân tử - nhà nho yêu nước - nghĩa sĩ chống giặc - nhà cách mạng - người chiến sĩ giải phóng cho đến doanh nhân - người biết làm giàu (?). Con người mới, cần thiết nhất, cần được tôn vinh trong thời nay có phải là doanh nhân - người biết làm giàu hay người trí thức? Mẫu người ấy có thể trở thành nguyên mẫu cho nhân vật trung tâm của văn nghệ đương đại? Một câu hỏi không dễ trả lời. Đời sống xã hội hiện tại đang thay đổi nhiều thang giá trị. Sự đứt đoạn, thiếu sự kế thừa tiếp biến đã diễn ra trong chuỗi mô hình nhân vật tích cực và lý tưởng đó. Sự đứt đoạn đó cũng diễn ra trong đời sống văn nghệ theo logic quy chiếu.

   Đời sống văn nghệ thời bình dưới tác động của nền kinh tế thị trường và quá trình giao lưu, hội nhâp quốc tế đã dẫn đến sự giải thiêng và thiếu vắng nhân vật trung tâm quen thuộc – nhân vật người chiến sĩ trong chiến tranh cách mạng vừa qua. Trong quá trình tiếp nhận văn học về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, tính từ đầu sách tái bản, xuất bản, số lượng in tới sự thay đổi nội dung chương trình sách giáo khoa Văn - Tiếng Việt, Ngữ văn, chúng ta nhận thấy rõ sự phân hóa triệt để các thành phần độc giả. Sự đổi mới tư duy, trong đó có đổi mới tư duy nghệ thuật, đã kích thích sự tìm tòi, đổi mới không chỉ trong sáng tác mà cả trong tiếp nhận, thưởng thức. Công chúng độc giả truyền thống của thời chiến tranh cũng có lúc thờ ơ với đề tài chiến trận và hình tượng người lính năm xưa. Đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận một thực tế là: nhân vật trung tâm không thể là một hình tượng nghệ thuật duy nhất và bất biến. Vị thế và tính chất của nó có thể biến đổi theo thời gian. Khái niệm nhân vật trung tâm cũng cần được xem xét, đánh giá cả ở hai mặt: định tính và định lượng. Nhân vật trung tâm của một thời đại nghệ thuật là nhân vật có tính phổ biến, có tần suất hiện hữu lớn, đồng thời còn có ý nghĩa đánh giá như một thước đo trình độ khám phá và thể hiện nghệ thuật. Tính từ “trung tâm” ở đây không có nghĩa là hạt nhân duy nhất, loại bỏ các kiểu nhân vật “ngoại vi”, lân cận. Công chúng độc giả hoàn toàn vui vẻ chấp nhận nhiều nhân vật trung tâm trong thời đại nghệ thuật của mình.

   2. Nhân vật người lính và đề tài chiến tranh cách mạng

   Trước hết phải thừa nhận rằng đề tài người lính và chiến tranh cách mạng rất khó tìm lại được vị thế độc tôn và hiệu ứng thẩm mĩ của nó như trong những năm chiến tranh và sau chiến tranh. Đề tài này hiện tại đang phải chấp nhận sự cạnh tranh bình đẳng với các đề tài khác trong văn học thời bình. Sự thua thiệt của đề tài này xét cho cùng cũng chứa đựng bên trong một hồng phúc của dân tộc: chúng ta không muốn tái diễn một giai đoạn lịch sử bi hùng và thảm khốc đã qua.

   Xung quanh vấn đề này, trước hết cần có sự phân biệt rõ ràng hai khái niệm: “Chiến tranh” và “Chiến tranh cách mạng”. Trong phê bình và định hướng sáng tác, chúng ta thường bắt gặp sự đồng nhất rất vô tư hai khái niệm này.

   Về phương diện đề tài, đề tài chiến tranh đã xuất hiện trong văn học ngay từ thời cổ đại, tiêu biểu nhất là trong thời cổ Hy-La với hai bản anh hùng ca bất hủ của Homer. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu văn học sử phương Tây đều thống nhất cho rằng chiến tranh chỉ được ý thức rõ ràng như một đối tượng nhận thức thực sự của nghệ thuật vào đầu thế kỷ XX, cụ thể là từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Đây là cuộc chiến tranh lần đầu tiên có quy mô thế giới, lay động tận gốc các giá trị tinh thần châu Âu và kéo theo sự thất vọng trong tâm lý toàn nhân loại. Sự khủng hoảng tinh thần sau cuộc chiến đó đã tạo ra một thế hệ các nhà văn châu Âu được gọi là “thế hệ các nhà văn mất hồn” (Lost generation). Cũng từ đây, các trào lưu nghệ thuật và các khuynh hướng văn học hiện đại xuất hiện. Chủ nghĩa Đa đa (Dadaizm) xuất hiện như một sự phản ứng sâu sắc trước sự vô nghĩa của chiến tranh; trào lưu Văn học duy sinh (Vitalizm) xuất hiện như một sự quay lưng lại với thế giới chính trị đổ nát, tìm niềm vui trong sự sống của thế giới điền viên và thiên nhiên cây cỏ; Chủ nghĩa biểu hiện (Expresionizm) ra đời biểu hiện nỗi niềm tuyệt vọng và sự tan nát của tâm hồn con người.

   Đề tài chiến tranh đã xuất hiện như một hệ chủ đề trong sáng tác của nhiều nhà văn lớn. E. M. Remarque viết Phía Tây yên ắng (Phía Tây không có gì lạ); Henri Barbusse có Khói lửa; Romain Roland có Petr và Lucie (câu chuyện đôi trai gái bị cột nhà thờ đè chết trong trận bom đánh vào Pari năm 1918); Ernest Hemingway viết Chuông nguyện hồn ai, Giã từ vũ khí rồi Người lính trở về (mô tả tâm trạng chán chường, mất niềm vui sống của người lính chiến: không thích lao động, không thích phụ nữ, không tin Chúa trời)… Một tiểu thuyết gần đây nhất đã “góp điểm” rất nhiều cho tác giả của nó Svetlana Alexievich nhận giải Nobel năm 2015 cũng là tác phẩm góp phần khẳng định phạm trù “văn học chiến tranh”: tiểu thuyết Chiến tranh không mang gương mặt nữ. Văn học chiến tranh, chủ yếu là khái niệm chỉ dòng văn xuôi với đề tài chiến tranh đều thống nhất, gắn kết với nhau bởi một định hướng tư tưởng nhất quán là Chủ nghĩa hòa bình (Pacifism), là làm cho độc giả ghê sợ chiến tranh, giúp độc giả nhận rõ tính chất phi lý của chiến tranh: bất kỳ một hình thức chiến tranh nào cũng đều là vô nghĩa. Nếu như văn học về đề tài chiến tranh cách mạng xuất phát từ góc nhìn lợi ích cộng đồng, từ số phận dân tộc thì văn học về chiến tranh xuất phát từ góc nhìn số phận cá nhân và thân phận con người.

   Về nội hàm của khái niệm Chiến tranh cách mạng, đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng mà chúng ta nỗ lực khôi phục và hướng tới, theo tôi, chỉ giao thoa một phần rất nhỏ với đề tài chiến tranh trong văn học thế giới nêu trên. Bởi vì tính từ cách mạng ở đây cho phép ta hiểu tính lý tưởng và mục tiêu của cuộc chiến tranh. Đó là cuộc chiến tranh vì mục tiêu độc lập, tự do dân tộc và đổi mới đất nước sau chiến tranh. Tính giai cấp, tính tư tưởng hệ của cuộc chiến tranh kiểu đó có thể còn phải cân nhắc, phân tích thấu đáo nhưng sự đổi mới theo chiều hướng cách mạng xã hội, đổi mới cả chế độ là định hướng quá rõ ràng, gắn với cảm hứng về con đường tương lai của đất nước.

   Viết về người lính bảo vệ Tổ quốc và chiến tranh cách mạng là một nhiệm vụ nặng nề, một khó khăn thử thách đối với nhà văn trong bối cảnh xã hội và nghệ thuật hiện tại. Đây chính là phần không thể hòa tan trong quá trình hội nhập quốc tế. Các cây bút văn xuôi thành danh trong văn học nhiều nước trên thế giới hôm nay đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại. Họ không viết trong tâm trạng hậu hiện đại (sự tan vỡ lòng tin vào lý trí, vào sự tiến bộ lịch sử, sự hoài nghi các chân giá trị…) thì cũng dễ dàng sử dụng những thủ pháp tự sự hậu hiện đại (cấu trúc phân mảnh, kỹ thuật dòng ý thức, sự đa bội điểm nhìn). Thi pháp hậu hiện đại được ứng dụng rộng rãi với tư cách như những công cụ khám phá sáng tạo của nghề văn nhưng đôi khi nổi lên như mốt thẩm mĩ thời thượng. Quan điểm hậu hiện đại gắn với lối viết và thi pháp hậu hiện đại đã và đang hấp dẫn và ảnh hưởng rõ rệt tới các cây bút trẻ. Có điều chắc chắn rằng lối viết ấy hoàn toàn không phù hợp với đề tài người lính và chiến tranh cách mạng.

   Đề tài người lính và chiến tranh cách mạng đã có nhiều thành tựu ngay trong những năm kháng chiến chống Mĩ và thời kỳ trước Đổi mới qua các tiểu thuyết nổi tiếng như Dấu chân người lính, Hòn đất, Chiến sĩ, Mẫn và tôi, Vùng trời… Thành công của tiểu thuyết Mưa đỏ của nhà văn Chu Lai, do NXB Quân đội nhân dân xuất bản hai năm trước đây, đã chứng tỏ sức hấp dẫn chưa hề phai nhạt của đề tài này.

   Có thể nói rằng sự khủng hoảng kinh tế thời đầu hòa bình đã tạo nên nỗi thất vọng sâu xa trong đời sống tinh thần xã hội cả nước. Chính tâm trạng thời đại ấy đã tạo điều kiện rất tự nhiên cho sự xuất hiện và sự tiếp nhận một cách nhìn khác đi, một cách nhìn mới hơn về cuộc chiến tranh chưa tan hết mùi thuốc súng. Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh xuất hiện trong bối cảnh xã hội đó đã dễ dàng gây được tiếng vang trong nước và quốc tế. Cuốn tiểu thuyết này cố nhiên không phải tiểu thuyết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Nó thuần túy là tiểu thuyết viết về chiến tranh – chiến tranh như một hiện tượng phi nhân tính. Sức hấp dẫn và tiếng vang quốc tế của nó xuất phát từ một cách kể chuyện mới và đặc biệt là từ một cách nhìn mới về quá khứ. Thành công của nó còn có nguyên nhân từ thời điểm tiếp nhận và hoàn cảnh đón đợi tác phẩm. Nó ra đời như cơn mưa đúng kỳ đại hạn, thỏa mãn cơn khát đổi mới của toàn xã hội. Nỗi buồn chiến tranh tác động không nhỏ tới cảm hứng sáng tác về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Sự tác động đó diễn ra theo cả hai chiều: lợi, hại. Sự tác động hai chiều đó cũng diễn ra sau tuyên bố của nhà văn Nguyễn Minh Châu về “giai đoạn nghệ thuật minh họa” và nhận định của một nhà nghiên cứu về chủ nghĩa hiện thực “phải đạo”. Công cuộc đổi mới tư duy đã đặt ra cho những cây bút trung thành với đề tài chiến tranh cách mạng những yêu cầu mới khắt khe hơn. Rõ ràng là nhà văn không thể mô tả chiến tranh theo kiểu mô phỏng hiện thực. Nhà văn ở đề tài này hiện tại đang đối mặt với những thế hệ độc giả mới. Bên cạnh lớp độc giả của thời chiến tranh là những lớp độc giả kế tục của thời bình, những lớp thanh niên chưa biết mùi thuốc súng. Vấn đề viết cho ai, về cái gì và viết thế nào lại được đặt ra như một sự lựa chọn đầy thử thách.

   Độc giả hiện đại đang được nhìn nhận như một thành tố “đồng sáng tạo” trong và trước văn bản. Roland Barthes (1915-1980) và nối tiếp là Michel Foucault (1926-1984) đã phát hiện ra “cái chết của tác giả” trên văn bản, đồng thời khẳng định tính chủ động sáng tạo của người đọc. Những phát hiện có tính lý thuyết của các học giả phương Tây nói trên rất lý thú, góp phần cắt nghĩa sự hấp dẫn và sức sống của hình tượng nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật hậu hiện đại. Tuy nhiên, lý thuyết tiếp nhận nghệ thuật kiểu này sẽ là không tương thích trong sáng tác của chúng ta về đề tài chiến tranh cách mạng. Bởi vì chiến tranh cách mạng trong thực tế lịch sử Việt Nam không cho phép một cách hiểu thứ hai. Hình tượng nghệ thuật về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng không thể là hình tượng mang tính đa nghĩa, cho phép nhiều cách hiểu. Thậm chí nó là đơn nghĩa và độc nghĩa. Đây là đề tài không phải về con người thân phận mà là con người có lúc phải tay không, giương ngực kết thành “vòng tròn bất tử” mà giữ gìn biển đảo, biên cương. Không thể không hư cấu, tưởng tượng trong sáng tạo nghệ thuật, nhưng đề tài về chiến tranh cách mạng là câu chuyện rất cụ thể về sự tồn vong dân tộc. Đề tài đó không cho phép người đọc một cách hiểu thứ hai.

   Trên cái logic ấy, chúng tôi cho rằng cảm hứng nghệ thuật về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lối viết hiện thực chủ nghĩa, giàu tính lý tưởng vẫn là cảm hứng và lối viết phù hợp và có hiệu ứng nghệ thuật lâu bền hơn cả. Đề tài chiến tranh cách mạng không phải chỉ là câu chuyện tri ân trong tâm trạng dâng hương, đền ơn đáp nghĩa với những người đã khuất, rồi khuôn lại trong những cuốn sách viết về lịch sử hai cuộc chiến của dân tộc thế kỷ XX mà còn nối dài sang lịch sử bảo vệ chủ quyền quốc gia qua những cuộc chiến tranh biên giới. Chiến tranh cách mạng không phải chỉ dừng lại là câu chuyện của quá khứ mà vẫn là câu chuyện của hiện tại nóng bỏng, câu chuyện lâu dài của tương lai. Những tác phẩm thuộc đề tài này viết không phải để chúng ta “Giã từ vũ khí” mà để chúng ta sẵn sàng lên đường khi “kẻ thù buộc (chúng) ta cầm súng”.

   Văn học về chiến tranh cách mạng là loại hình văn học chiến hào, do vậy không phải là dễ viết trong bối cảnh xã hội chính trị hiện tại. Trên tinh thần ấy, theo tôi, lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng là đề tài “đất nước phải đặt hàng” và những cuốn sách về đề tài này sẽ là những cuốn sách riêng ưu tiên hàng đầu cho những người đang cầm súng hôm nay. Có như vậy chúng ta mới khôi phục lại được vị thế trung tâm cho nhân vật người cầm súng giữ nước trong văn chương nghệ thuật. 

Bình luận

    Chưa có bình luận