NÉT ĐẸP BỘ ĐỘI CỤ HỒ TRONG VẺ ĐẸP TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC VIỆT NAM

Bài viết luận bàn về sự giản dị, chất phác, hiên ngang, anh dũng của người lính bộ đội Cụ Hồ qua các tác phẩm văn học. Từ đó, khẳng định chính những nét đẹp này đã hàm chứa trong mình những đức tính, phẩm cách tiêu biểu của dân tộc và thời đại.

   Đồng hành cùng người chiến sĩ qua các cuộc chiến đấu giành độc lập, thống nhất giang sơn và bảo vệ vẹn toàn biên giới, có thể nói văn học cách mạng Việt Nam suốt thời gian qua đã làm tròn nhiệm vụ và sứ mệnh một cách xuất sắc. Ngoài việc động viên người lính trong chiến đấu, trong huấn luyện, trong lao động, xây dựng và bồi đắp cho nhân cách, phẩm giá quân nhân, các sáng tác văn học còn tập trung khắc họa, định vị một cách vừa chính xác vừa sinh động hình ảnh, diện mạo tâm hồn người chiến sĩ qua các giai đoạn. Nói cách khác, văn học trở thành tấm gương tinh lọc, chỉ giữ lại những nét căn bản nhất nhưng cũng thẳm sâu nhất về hình ảnh của người lính với những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Nếu cần tìm chân dung chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam sát thực nhất, sống động nhất, cô đúc nhất, có lẽ không đâu hơn là tìm ở những sáng tác văn học. Từ hình ảnh chất phác nhưng không kém vẻ hào hoa, lãng mạn của anh lính Vệ quốc đoàn áo trấn thủ với “đầu súng trăng treo” tới hình ảnh uy nghi, lẫm liệt “máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng” của người lính Giải phóng quân Miền Nam, vẻ khoan hòa của anh lính Miền Bắc xã hội chủ nghĩa và bây giờ, trong một thể thống nhất tuyệt đối, của anh bộ đội Cụ Hồ, tất cả đều “hành quân” qua tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ.

   Lịch sử cá nhân một con người không chỉ dừng lại ở tổng số các hoạt động mà còn phải bao gồm cả tổng số các trạng thái tình cảm, suy nghĩ của con người đó mới đầy đủ. Với nhận thức ấy, văn học càng ngày càng tạo ra độ sâu cho nhân vật được phản ánh, và văn học viết về người chiến sĩ cũng không phải là ngoại lệ. Trong các tác phẩm văn học gần đây, hình tượng người lính đã được khắc họa đa diện hơn, sinh động hơn, gần gũi hơn, không bị đẩy lên thành “độc sáng” mà toả sáng trong tương quan với các mối quan hệ khác. Điều này không đồng nghĩa với việc những yếu tố căn cốt của anh bộ đội bị pha loãng đi, mà trái lại, những phẩm chất căn bản như tinh thần quả cảm, ý thức kỷ luật và trí tuệ vẫn là nét chủ đạo đi suốt cùng hình ảnh người chiến sĩ. Tuy nhiên, anh bộ đội Việt Nam thế kỷ XXI đã được đặt trong tương quan nhiều chiều, đối diện với rất nhiều sự lựa chọn. Đó là sự lựa chọn giữa nhận thức cá thể với ý thức tập thể, giữa nhu cầu hạnh phúc riêng với sự nghiệp phát triển chung của dân tộc, giữa mạng sống cá nhân với vận mệnh Tổ quốc nhưng cuối cùng thì lựa chọn cho thế đứng của mình vào phút cuối mới là thứ đáng kể. Và anh bộ đội Cụ Hồ chứng minh cho chúng ta thấy: lòng quả cảm đã chiến thắng tinh thần dao động, cái cao cả đã chiến thắng nỗi đớn hèn, Tổ quốc được đặt cao hơn cá nhân. Bằng trực giác và sự tinh tế, văn học đang từng bước tiến tới mổ xẻ, phân tích và làm sáng lên phẩm chất người lính ở các tương quan này.

   Trong sự phản ánh đa diện ở nhiều chiều kích, nhiều khía cạnh, nổi lên một khía cạnh được các nhà văn tập trung khắc họa, đó là vai trò của tình nghĩa trong hệ ý thức của người lính. Giữa những phẩm chất, đức tính truyền thống quý báu của dân tộc ta như anh dũng, yêu nước, cần cù, đoàn kết… thì có một truyền thống ứng xử cực kỳ quý báu, đó chính là nết ăn ở tình nghĩa. Tình nghĩa, nói một cách cụ thể, là người nọ hết lòng, hết mình vì người kia, là sống có trước có sau và trước sau thì như một, nói theo góc rộng thì đó là tinh thần cảm thông, đùm bọc giữa đồng loại với nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh ra Quân đội nhân dân Việt Nam, chính là người mọi nơi, mọi lúc luôn đề cao tình nghĩa. Ngay cả khi giải thích về cốt lõi của chủ nghĩa Marx-Lenin, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng viện tới tình nghĩa để dân tộc hóa được hệ tư tưởng này cho phù hợp với thực tế đất nước. Hồ Chí Minh nói: “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa… Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà. Hiểu chủ nghĩa Marx-Lenin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Marx-Lenin được”. Trên thực tế, ngay từ những ngày đầu quân đội ta đã tiếp thu tinh thần có tình có nghĩa của Hồ Chủ tịch một cách khéo léo, linh hoạt. Nhìn lại lộ trình ta sẽ thấy: bộ đội là con em nhân dân, từ nhân dân mà ra, kế thừa tinh thần tình làng nghĩa xóm, vào quân ngũ phát triển thành tình quân dân, trên khía cạnh dân vận, và kết tạo thành tình đồng đội trên khía cạnh đoàn kết. Chính tình quân dân và tình đồng đội đã góp phần tạo nên sức mạnh vô song, vô tận cho quân đội. Văn học đã nhìn nhận vấn đề ấy, coi nó như một trong những phẩm chất cao cả của người chiến sĩ và đã thể hiện nó vừa giản dị, vừa thần tình.

   Ở các tác phẩm văn học viết về người lính, tình nghĩa thể hiện ở không chỉ đồng đội tại ngũ với nhau mà cả ở những cựu binh, với ký ức về đồng đội cũ, về người đã hi sinh. Cựu binh là người đã cởi bỏ áo lính nhưng phẩm chất lính, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ thì không chút phai nhạt, trái lại, phẩm chất ấy tiếp tục được phát huy một cách linh hoạt trong đời sống xã hội hàng ngày. Anh bộ đội Cụ Hồ trong tư cách cựu chiến binh cũng phải đối diện những vất vả lam lũ, thậm chí là cả với những nghịch cảnh trớ trêu. Thế nhưng trong tình thế đó, họ cũng không nhụt chí mà biết vượt lên hoàn cảnh, biết cải tạo hoàn cảnh với tinh thần và nghị lực đã được tôi rèn trong thời quân ngũ. Trước cái thực tại “Người về sau cuộc chiến tranh/ Huân chương bỏ túi lại thành nông dân” (Xuân Đam), những cựu binh không hoang mang, dao động mà chấp nhận làm đủ mọi việc để mưu sinh như mọi con người bình thường khác trong xã hội. Ngay cả khi chọn cái nghề có vẻ như tầm thường, xoàng xĩnh là nghề chăn vịt: “Không còn bom đạn chiến tranh/ Sĩ quan nghỉ việc thành anh sĩ điều/ Bãi đê dựng một cái lều/ Lính vài trăm vịt đều đều ra quân” (Phạm Công Liên), thì những cựu binh vẫn chỉ có một tinh thần lạc quan, thanh thản đến se lòng. Cựu binh về giữa lòng dân, làm thường dân thì vẫn lấy dân làm cái đích để cống hiến bằng lối sống, lối hành xử đậm tình đậm nghĩa. Tất cả những điều ấy gói gọn trong hai câu “Trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội” mà bất cứ cựu binh nào cũng thuộc. Tinh thần “vẹn tình đồng đội” thể hiện qua vô vàn cách ứng xử sâu nặng nghĩa tình của người cựu binh, dù chính bản thân họ cũng có thể đang bị lỡ nhịp trong xây dựng cuộc đời cá nhân họ hoặc bị khiếm khuyết, thiệt thòi trên mọi khía cạnh đời sống. Trường ca Tiếng bom và tiếng chuông chùa của Phạm Tiến Duật khắc họa một cách cảm động đến nghẹn lòng vì tình cảm giữa những cựu binh tìm đến nhau trong hoàn cảnh trớ trêu, thiệt thòi nhưng tuyệt không một lời hờn oán quá khứ. Trân trọng quá khứ không chỉ để hiểu thêm giá trị của hiện tại cũng như ý thức thêm về trách nhiệm với thế hệ sau mà còn là để duy trì tinh thần nhân văn thông qua cái tình, cái nghĩa. Trong truyện ngắn Người lính kèn về làng của Trần Quốc Huấn, tình đồng đội thể hiện qua việc người cựu binh chấp nhận chịu dị nghị, hằn gắt để tránh cái án kỷ luật cho một anh lính đang tại ngũ. Tình bạn “con chấy cắn đôi” giữa hai anh lính lái xe Quỳnh và Hải trong truyện ngắn Dô tá dô… tà của Phạm Hoa lại mang đến cái tình ở khía cạnh sẻ chia ngọt bùi cay đắng trên phương diện tình cảm riêng tư. Ở truyện ngắn đặc sắc này, khi anh lính tên Quỳnh nghỉ phép về quê cưới vợ, cả đơn vị đã góp lương khô cho anh mang về quê làm quà. Mấy hôm sau Quỳnh quay lên ngay, báo tin đã cưới xong và chia thuốc lá để anh em trong đơn vị cùng vui. Nhưng buổi chiều thì Quỳnh thú nhận riêng với Hải, bạn thân của mình, rằng anh ta đã bị người yêu ở quê đá để lấy một kỹ sư. Ở góc này, Quỳnh giấu không muốn mọi người phải buồn vì chuyện riêng của mình, nhưng ở góc kia, Quỳnh lại sẻ chia với Hải nỗi đau cá nhân. Xét góc độ nào thì đó cũng là cách hành xử thấm đẫm tình nghĩa của người lính với đồng đội mình. “Vẹn tình đồng đội” không chỉ thể hiện bằng cách trợ giúp nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống mà còn là thực hiện trách nhiệm của lương tri với đồng đội cũ qua việc tìm kiếm, quy tập hài cốt người đã hi sinh. Ở Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, khởi nguồn của tình huống tiểu thuyết là chuyến đi quy tập hài cốt đồng đội. Từ hành động tình nghĩa ấy dẫn tới ký ức sống động về tình đồng đội giữa những người lính thời chiến tranh. Trong các trường hợp như thế này, câu thơ của Nguyễn Thánh Ngã đã diễn đạt một cách khá chính xác: “Cho ta tìm bạn bằng tình/ Thứ tình đồng đội vô hình mà thiêng”. Tình đồng đội “vô hình mà thiêng” ấy lại không hẳn là vô hình, nó luôn hiển hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, dù trong đạn bom chiến trận hay trong xây dựng hoà bình. Tình nghĩa lúc này là sự cao cả giành phần hi sinh về mình, lúc kia là sự bình dị nhường lần về phép, lúc khác là cùng sẻ chia vui buồn cá nhân. Từ Đầu súng trăng treo (tập thơ của Chính Hữu), Xung kích (tiểu thuyết của Nguyễn Đình Thi) đến Miền cỏ cháy (tiểu thuyết của Nguyễn Minh Châu), Đường tới thành phố (trường ca của Hữu Thỉnh), sang tới Ăn mày dĩ vãng (tiểu thuyết của Chu Lai), Suối cọp (tiểu thuyết của Hữu Ước) và Ngang qua bình minh (trường ca của Lữ Mai), Nơi đỉnh rừng nghiêng nắng (tập truyện ngắn của Vũ Ngọc Thư) là những điểm nối ngẫu nhiên cho một nét vẽ thẳng của nghĩa tình đồng đội nhưng lại có nhiều cung bậc đậm nhạt khác nhau. Còn độ dày của nghĩa tình đồng đội thì trải suốt từ tác phẩm của các tác giả thời chống Pháp, chống Mĩ đến đội ngũ tác giả thời chiến đấu bảo vệ biên giới với chủ yếu các tác phẩm phi hư cấu như: Lính Hà (truyện của Nguyễn Ngọc Tiến), Tiếng vọng đèo Khau Chỉa (hồi ức của Nguyễn Thái Long), Từ biên giới Tây Nam đến đất chùa tháp (tiểu thuyết của Trần Ngọc Phú), Rừng khộp mùa thay lá (truyện của Nguyễn Vũ Điền), Mùa chinh chiến ấy (tiểu thuyết của Đoàn Tuấn), Chuyện lính Tây Nam (truyện của Trung Sỹ), Đất K (truyện của Bùi Quang Lâm)… kéo đến hôm nay qua mảng trường ca và thể loại ký văn học của hàng loạt cây bút trưởng thành trong thời bình: Tâm tình lính biển nhắn với chim hải âu (ký văn học của Nguyễn Mạnh Thường), Binh pháp chống dịch (ký văn học của Phạm Vân Anh), Tôi đi Trường Sa (ký văn học của Đinh Phương), Sóng trầm biển dựng (trường ca của Đoàn Văn Mật), Nước non mặt biển (trường ca của Nguyễn Quang Hưng), Trường Sa trong mắt trong (ký văn học của Nguyễn Mạnh Hùng)… Đó là cuộc hành quân không mệt mỏi của tình nghĩa, cụ thể là tình đồng đội với đồng đội, từ tại ngũ sang cựu binh, trong các tác phẩm văn học.

   Có thể khẳng định ở chừng mực nào đó, tình nghĩa, một trong những yếu tố quan trọng của đạo đức ứng xử xã hội, đã chuyển hoá thành phẩm tính của người lính, dù họ đang tại ngũ hay đã xuất ngũ. Nội hàm của tình nghĩa được làm rõ hơn, được bồi đắp sâu sắc thêm để rồi từ đó lan toả ngược trở lại xã hội thông qua tư chất của anh bộ đội Cụ Hồ và của cựu binh, những người đã trải qua sự tôi luyện, trui rèn trong quân ngũ. Điều ấy cũng đồng nghĩa rằng: nét đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ đã góp vào vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung. Đây là bước phát triển mang tính thời đại và nó đã làm giàu thêm cho triết lý văn hoá sống đầy nhân văn của người Việt.

   Hiện nay, với các yêu cầu nhiệm vụ mới, hình ảnh và phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ đã có những biến chuyển, vì thế đòi hỏi một cảm quan nghệ thuật mới phù hợp hơn để khắc họa cho chính xác. Và trên thực tế đang hình thành một diện mạo văn học mới viết về người lính. Qua các sáng tác của dòng văn học đó, có thể thấy hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ dần dần trở lại với vị trí là một trong những nhân vật trung tâm, sóng bước cùng những nhân vật trung tâm khác, nhưng ở ý thức nghệ thuật mới, cởi mở, đa chiều, vì thế cũng sâu sắc, thấm thía, phù hợp với tinh thần mới. Hiện tượng ấy góp phần khẳng định rằng nhân vật anh bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn là nguồn cảm hứng dồi dào, khoáng đạt của các văn nghệ sĩ. Xét cho thấu đáo thì đây là điều hiển nhiên, phù hợp với quy luật vận động, bởi nhân vật anh bộ đội Cụ Hồ hàm chứa trong mình những đức tính, phẩm cách tiêu biểu của dân tộc và thời đại, điều mà văn học, nghệ thuật luôn có sứ mệnh tìm kiếm, soi tỏ và gìn giữ.

Bình luận

    Chưa có bình luận