CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ ĐIỂM NHÌN HẬU CHIẾN

Bài viết chọn điểm nhìn hậu chiến để phân tích cách thể hiện đề tài chiến tranh cách mạng trong văn học Việt Nam, từ đó chỉ ra những đổi thay trong nghệ thuật thể hiện, nghệ thuật xây dựng nhân vật và khẳng định vai trò của mảng văn học này trong sự phát triển của nền văn học Việt nam.

   1. Sự thay đổi hệ quy chiếu thẩm mĩ và cái nhìn nghệ thuật

   Với nhiều người, trong đó có các sử gia, chiến tranh Việt Nam đã chính thức khép lại ngày 30/4/ 1975, khi quân đội cách mạng tiến vào Sài Gòn, cắm cờ lên Dinh Độc Lập và buộc Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Thời điểm thống nhất đất nước (1975) cũng là thời điểm sau 21 năm bị chia cắt và tồn tại dưới hai thể chế chính trị xã hội khác nhau, Việt Nam có một nền văn học thống nhất đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, đó là nhìn về đại cục, còn trong thực tế, Việt Nam vẫn phải đối mặt với hai cuộc chiến tranh biên giới hết sức khốc liệt1. Bởi thế, khi tìm hiểu chiến tranh Việt Nam, bên cạnh việc tìm hiểu diễn ngôn chiến tranh giải phóng dân tộc gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, cần phải chú ý thích đáng đến diễn ngôn về những cuộc chiến tranh tự vệ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ diễn ra cuối thế kỷ XX. Cho dù tính chất, mức độ của các cuộc chiến tranh này khác nhau thì giữa chúng có điểm chung: Việt Nam không chủ động gây hấn, khơi mào chiến tranh. Việt Nam buộc phải cầm súng khi không còn một lựa chọn nào khác. Điều đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định từ năm 1946: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”2. Đây là một sự thật cần phải được tôn trọng khi viết về chiến tranh Việt Nam.

   Về khái niệm “hậu chiến”, có ý kiến cho rằng hậu chiến là quãng thời gian diễn ra liền sau thời điểm chiến tranh kết thúc, tức nằm trong khoảng 1975 đến 1985, trước thời điểm Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới (1986). Tuy nhiên, theo chúng tôi, khái niệm hậu chiến có thể mở rộng hơn, kéo dài đến cuối những năm 90, khi mà những suy tư về chiến tranh và chiến tranh cách mạng vẫn được tiếp tục. Điều này xuất phát từ thực tiễn: thứ nhất, phần lớn những nhà văn viết về chiến tranh là những người lính đã từng bước ra từ cuộc chiến; thứ hai, công chúng bạn đọc là những người đã từng trải nghiệm đời sống chiến tranh ở những mức độ khác nhau. Theo đó, giữa sáng tạo và tiếp nhận văn học có mẫu số chung trong việc tạo nghĩa cho diễn ngôn văn học về đề tài chiến tranh Việt Nam

   So với văn học trước 1975, từ điểm nhìn hậu chiến, các nhà văn viết về chiến tranh Việt Nam đã có độ lùi nhất định. Đó là độ lùi thời gian cần thiết cho phép họ miêu tả chiến tranh một cách đa dạng hơn, số phận dân tộc và số phận con người cũng được khám phá toàn diện hơn. Nếu văn học thời chiến tập trung miêu tả chiến tranh trên nền tảng/ quy định của ý thức hệ và xung đột giai cấp thì trong văn học thời bình, chiến tranh chủ yếu được khắc họa từ góc nhìn nhân bản, nhân văn. Mối quan tâm lớn nhất trong văn học thời chiến là vấn đề chính/ tà, thắng/ thua và số phận dân tộc trước những thử thách sinh tử, mối quan tâm lớn nhất trong văn học thời bình khi viết về chiến tranh là câu chuyện được/ mất và những vấn đề liên quan đến thân phận con người. Vì được viết từ điểm nhìn hậu chiến nên hiện thực chiến tranh trong văn học sau 1975 không còn là hiện thực gần (hiện tại) mà là thứ hiện thực xa (quá khứ), bởi thế, đó là thứ hiện thực được dệt nên từ ký ức của mỗi nhà văn3. Gọn hơn, đó là sự thật-ký ức. Vì thế, mỗi lần viết về chiến tranh là một lần người viết phải tái cấu trúc ký ức và tái cấu trúc đối tượng miêu tả. Do sự quy định của điều kiện lịch sử và phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, việc miêu tả chiến tranh trong văn học cách mạng 1945-1975 nhiều lúc mang tính công thức và thiếu tính bất ngờ. Sau 1975, các nhà văn đều có ý thức mở rộng biên độ miêu tả hiện thực và nỗ lực thoát khỏi tình trạng “bao cấp tư tưởng”. Trong bối cảnh dân chủ xã hội mở rộng, họ muốn biểu đạt những suy tư về chiến tranh theo cách của mình4. Nhiều cây bút đã táo bạo miêu tả những mặt khuất kín của thực tại bằng tinh thần đối thoại và cái nhìn phản tư. Điều đó tạo nên độ mở của diễn ngôn văn học chiến tranh sau 1975 cả về quan niệm và thi pháp nghệ thuật. Trong bối cảnh hậu chiến, quan điểm lịch sử và tinh thần nhân văn hiện đại là những nhân tố quan trọng cho phép nhà văn mở rộng trường suy tưởng và thiết tạo diễn ngôn nghệ thuật mới, làm sâu sắc thêm những tầng vỉa vốn bị khuất lấp/ bỏ qua/ né tránh về đề tài chiến tranh mà vẫn bảo đảm tính sinh động của nghệ thuật trong những trang viết của họ.

   2. Các loại hình diễn ngôn cơ bản

   Quan sát văn học về chiến tranh và chiến tranh cách mạng từ điểm nhìn hậu chiến, có thể nhận thấy một số kiểu diễn ngôn đã được kiến tạo và xác lập ở những tầm mức khác nhau:

   2.1. Diễn ngôn dân tộc trước sự thay đổi của lịch sử

   Sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của loại hình diễn ngôn dân tộc thường gắn liền với số phận của một dân tộc khi bị xâm lăng, bị sỉ nhục hoặc thời điểm dân tộc ấy phải đối mặt với những yêu cầu mới của lịch sử. Bản chất của diễn ngôn này là thức tỉnh chủ nghĩa yêu nước, đề cao sức mạnh, bản lĩnh, lòng tự hào, tự tôn dân tộc để khẳng định vị thế/ giá trị của dân tộc trong tương quan với nhân loại. Chúng ta từng chứng kiến diễn ngôn dân tộc xuất hiện và phát triển mạnh từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX khi Việt Nam phải đối đầu với sự xâm lăng của thực dân Pháp, đặc biệt là phong trào “khai dân trí - chấn dân khí - hậu dân sinh” nhằm nâng cao tố chất dân tộc trước yêu cầu mới của lịch sử. Đến giai đoạn 1945-1975, diễn ngôn dân tộc mà lõi cốt là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng được đẩy tới cao trào. Điều đó thể hiện rất rõ trong ý chí “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Cuộc chiến đấu của dân tộc Việt Nam với những kẻ thù hùng mạnh nhất trong lịch sử không chỉ là cuộc chiến đấu để bảo vệ độc lập dân tộc mà còn là cuộc chiến đấu cho lẽ phải trên đời. Để động viên tối đa sức mạnh toàn dân, văn học, nghệ thuật phải trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng và văn hóa. “Bài ca ra trận” được coi là bài ca đẹp nhất của thời đại. Trong chiến tranh, toàn bộ vẻ đẹp của con người và dân tộc Việt Nam đã được các nhà văn nỗ lực khám phá từ cái nhìn sử thi và cảm hứng lãng mạn. Vị thế của người cầm bút là vị thế người phát ngôn của thời đại. Bằng sức mạnh và sự cảm hóa của nghệ thuật, nghệ sĩ là người nhân danh cộng đồng để phát đi thông điệp về lòng yêu nước và tinh thần quyết thắng của cả một dân tộc. Sức mạnh Việt Nam là sức mạnh tổng hợp, kết hợp truyền thống và thời đại.

   Trong văn học sau 1975, cùng với sự thay đổi thời cuộc, diễn ngôn thế sự ngày càng nổi bật, diễn ngôn dân tộc trong giai đoạn này chủ yếu gắn liền với khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế. Diễn ngôn dân tộc trong văn học về đề tài chiến tranh không còn sôi nổi như trước đây mà được bảo lưu, trở thành một dòng chảy âm thầm, lặng lẽ bên trong. Những suy tư về dân tộc giờ đây được gắn liền với những suy tư về số phận con người trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Cái tráng vẫn được chú ý nhưng cái bi được quan tâm nhiều hơn để tạo thành những tổ khúc bi tráng về số phận dân tộc trong chiến tranh. Điều đó có thể nhìn thấy trong hàng loạt trường ca xuất hiện ngay sau thời điểm chiến tranh khép lại và được tiếp tục vào những năm cuối thế kỷ XX: Những người đi tới biển (Thanh Thảo, 1977), Trường ca sư đoàn (Nguyễn Đức Mậu, 1977-1980), Đường tới thành phố (Hữu Thỉnh, 1979), Đổ bóng xuống mặt trời (Trần Anh Thái, 1999)… Về văn xuôi, những mặt ẩn khuất của cuộc chiến và câu chuyện về những người lính bỡ ngỡ đối mặt với cuộc sống hậu chiến đầy phức tạp đã được miêu tả khá sinh động trong sáng tác của nhiều nhà văn như Nguyễn Minh Châu (Miền cháy - 1977; Những người đi từ trong rừng ra - 1982); Nguyễn Trọng Oánh (Đất trắng, tập 1 - 1979; tập 2 - 1984); Nguyễn Trí Huân (Năm 1975 họ đã sống như thế - 1979; Chim én bay - 1988), Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh, 1990)… Mặc dù diễn ngôn dân tộc không quá nổi bật nhưng trong văn học hậu chiến, số phận dân tộc vẫn hiện lên qua số phận những người lính trở về. Khi cái nhìn sử thi đã dần nhường chỗ cho cái nhìn thế sự - đời tư, diễn ngôn dân tộc sẽ chìm ẩn dưới bề sâu của văn bản văn học, theo đó câu chuyện về lịch sử và số phận dân tộc không còn được miêu tả từ cái nhìn mang tính vĩ mô mà chủ yếu được nhìn từ vi mô qua số phận cá nhân, đặc biệt là số phận người lính và phụ nữ. Riêng trong tiểu thuyết lịch sử, loại hình diễn ngôn dân tộc vẫn được coi trọng. Điều đó có thể nhìn thấy trong những bộ tiểu thuyết miêu tả lịch sử gần như Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh hay Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn…

   Nói thế để thấy rằng diễn ngôn dân tộc chưa bao giờ vắng bóng trong văn học về chiến tranh vì chiến tranh là những bất thường đời sống liên quan đến số phận của toàn thể cộng đồng. Trong văn học sau 1975, văn học về chiến tranh biên giới và chủ quyền biển đảo từ chỗ là bộ phận ngoại vi đã từng bước chiếm được sự quan tâm của nhà văn và độc giả. Mối quan tâm này đã kích hoạt sự kiến tạo diễn ngôn dân tộc của văn học đương đại ở những mức độ khác nhau. Về thơ có thể kể đến sáng tác của Nguyễn Duy, Dương Soái, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thế Kỷ, Nguyễn Phan Quế Mai, Trịnh Công Lộc, Nguyễn Việt Chiến… Về văn xuôi là Nguyễn Trí Huân (Dòng sông của Xô Nét, 1980), Lê Lựu (Đại tá không biết đùa, 1989), Nguyễn Bình Phương (Mình và họ, 2014), Sương Nguyệt Minh (Miền hoang, 2014), Nguyễn Đình Tú (Xác phàm, 2014), Đỗ Quyên (Trung - Việt, Việt - Trung, 2017)… Đáng chú ý về đề tài biển đảo là đóng góp của Trần Đăng Khoa. Năm 2000, tiểu thuyết Đảo chìm và tập thơ Trường Sa của Trần Đăng Khoa đã được Hội Nhà văn trao giải thưởng Văn học biên giới và hải đảo. Riêng Đảo chìm đã được xuất bản tới lần thứ 45 (năm 2024). Do vị trí địa chính trị quan trọng của mình, Việt Nam vẫn phải thường xuyên đối mặt với nhiều xung đột đáng quan ngại trên đất liền và hải đảo. Vì thế, kiến tạo diễn ngôn dân tộc trong văn học là một vấn đề cần được quan tâm đúng mức nhằm khơi thức lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trong bối cảnh lịch sử mới.

   2.2. Diễn ngôn nhân tính trong không gian dân chủ xã hội mở rộng

   Khái niệm diễn ngôn nhân tính mà chúng tôi sử dụng trong bài viết này dùng để nói đến loại diễn ngôn quan tâm đến thân phận con người, bao hàm cả diễn ngôn chấn thương. Đây là loại diễn ngôn nổi bật nhất trong văn học viết về chiến tranh sau 1975. Chiến tranh, nếu không xét ở khía cạnh đạo đức thì bao giờ cũng đề cao “sức mạnh độc tài” bởi logic chiến tranh là logic của sinh/ tử, còn/ mất. Trên chiến trường, nếu anh không bắn vào kẻ thù thì anh sẽ bị kẻ thù sát hại. Tính chất đối kháng trực tiếp của chiến tranh khiến cho những nhu cầu cá nhân hay tình cảm riêng tư bị thu hẹp tối đa. Thậm chí, con người bị biến thành công cụ của bạo lực. Theo nghĩa đó, chiến tranh là hiện thân của sự huỷ diệt. Trong điều kiện ngặt nghèo như thế, nhà văn rất khó để miêu tả con người một cách toàn vẹn. Tuy nhiên, khi chiến tranh đi qua, trong những người trở về, mỗi người sẽ mang theo một cuộc chiến tranh của mình. Ám ảnh lớn nhất với họ là ám ảnh về cái chết. “Đêm nay hồn ai gọi hồn ai. Tiếng hú cất lên từ đâu đó trong rừng thẳm, âm u truyền dọc theo những gờ núi lạnh lẽo của truông Gọi Hồn” (Nỗi buồn chiến tranh- Bảo Ninh). Kẻ thắng trận cũng như kẻ bại trận sẽ nhớ về chiến tranh thông qua những trải nghiệm cá nhân của chính họ. Bởi thế, hình dung của họ về chiến tranh có muôn nghìn cách khác nhau. Đó là nguyên nhân quan trọng góp phần tạo nên sự đa dạng của văn học viết về chiến tranh từ điểm nhìn hậu chiến.

   Quán tính của cái nhìn sử thi vẫn tiếp tục chảy trong văn học về chiến tranh sau 1975 qua cái nhìn bi tráng. Nhưng với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”, nhiều nhà văn đã miêu tả chiến tranh từ mặt trái của tấm huân chương, từ những giọt nước mắt. Trang viết của họ chất chứa nhiều chiêm nghiệm, suy ngẫm về chiến tranh. Họ bắt đầu miêu tả về những nhu cầu nhục thể, những giấc mơ giấu kín, những mơ tưởng lãng mạn mà không còn lo lắng bị phê phán “buồn rớt”, “mộng rớt”. Nhân tính trong diễn ngôn văn học sau 1975 thể hiện qua việc miêu tả những nhu cầu bình thường gắn với quyền con người trong quan niệm của xã hội dân sự. Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (Nguyễn Minh Châu), Họ đã trở thành đàn ông (Phạm Ngọc Tiến), Trại Bảy chú lùn (Bảo Ninh) …là những tác phẩm đề cập đến những ẩn ức nhục thể bị kìm nén và những thiếu thốn, bi kịch trong đời sống tình cảm cá nhân. Thậm chí, sự thiếu thốn là nguyên nhân gây ra tâm bệnh cho người lính, nhất là lính nữ. Chu Văn đã miêu tả rất chân thực những cảnh trạng này trong Sao đổi ngôi: “Các thứ bệnh sốt rét, đau bụng lạnh, ghẻ lở, hắc lào lan tràn. Sự thiếu thốn về vật chất, nỗi tù túng trong sinh hoạt lại đẻ ra một thứ bệnh tinh thần: lo âu, buồn bã, chán nản, oán giận, ghen tị”.

   Nhưng so với chấn thương thể xác, những chấn thương tinh thần do chiến tranh để lại dai dẳng hơn rất nhiều. Văn xuôi của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trí Huân, Thái Bá Lợi, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Sương Nguyệt Minh, Bảo Ninh, Phạm Ngọc Tiến… hay thơ của Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh… đều nói về chấn thương tinh thần và những giọt nước mắt phủ lên số phận của người lính khi họ trở về. Nỗi đau ấy không chỉ hằn lên trong đời sống thể chất, tinh thần của người lính ở tiền phương mà còn để lại những vết thương cho những người hậu phương, trong đó, đáng thương nhất là những người mẹ, người vợ. Họ mòn mỏi vì chờ đợi, ngã quỵ khi nghe tin người thân đã mất, họ thấp thỏm vì nhiều mối nguy hiểm rình rập, và biết bao số phận rơi vào cảnh dở dang, lỡ làng vì cuộc chiến.

   Trong diễn ngôn nhân tính/ chấn thương, “hội chứng chiến tranh” được miêu tả sinh động từ góc nhìn nhân bản. Ám ảnh về sự bi thảm của chiến tranh không chừa một ai. Rất nhiều người lính không hoà nhập được với cuộc sống thời bình bởi họ triền miên trong những cơn mộng du, ám ảnh về cái chết của đồng đội, sự cô đơn trong những cánh rừng già, nỗi đau xót vì tuổi trẻ bị lãng quên trong cô quạnh. Chiến tranh làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống của họ, tạo nỗi bất an: “Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người” (Bảo Ninh). Nhưng những người lính ấy cũng thấu hiểu “vì sao chúng ta bước vào chiến tranh” và chiến tranh là thời khắc họ “vĩnh viễn được sống trong những ngày tháng đau thương huy hoàng”. Trong số những tác phẩm viết về chấn thương chiến tranh Việt Nam, Nỗi buồn chiến tranh là một tiểu thuyết gây được tiếng vang lớn trong nước và quốc tế. Đây không phải là tác phẩm giải thiêng hay xóa nhòa ranh giới giữa chính nghĩa và phi nghĩa mà là khúc ca buồn về chiến tranh từ cái nhìn nhân bản. Viết về chiến tranh để người đọc nhận ra sự tàn bạo của nó, từ đó tránh xa tấn kịch chiến tranh mới là thông điệp sâu xa vang lên trong tác phẩm này.

   2.3. Diễn ngôn sinh thái

   Đây là loại diễn ngôn xuất hiện trong bối cảnh sinh thái môi trường bị khủng hoảng nghiêm trọng do sự ích kỷ của con người. Nhân danh phát triển và sự hào nhoáng của văn minh kỹ trị, sự tăng tốc của đô thị hóa, con người đã hủy hoại môi trường sống một cách không thương tiếc. Sự ảo tưởng về sức mạnh và sự ích kỷ đã khiến cho con người trở nên mù lòa, không nhận ra rằng tiêu diệt môi trường sống chính là một hình thức tự sát. Chiến tranh hiện đại, với hàng loạt vũ khí tối tân như bom napan, chất độc da cam (thậm chí bom nguyên tử mà Mĩ đã thả xuống Nhật Bản trong thế chiến 2) không chỉ sát thương con người mà còn sát thương tự nhiên. Vì thế, chấn thương chiến tranh không chỉ là chấn thương dành cho con người mà còn là chấn thương sinh thái5. Sự hủy diệt môi sinh do chiến tranh có thể nhìn thấy trong hàng loạt tác phẩm hư cấu và phi hư cấu về chiến tranh từ điểm nhìn hậu chiến như Miền cháy (Nguyễn Minh Châu), Lạc rừng (Trung Trung Đỉnh), Nỗi buồn chiến tranh, Gió dại (Bảo Ninh),.. và được tiếp tục trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Thuần (Cơ bản là buồn), Nguyễn Bình Phương (Mình và họ), Sương Nguyệt Minh (Miền hoang) về sau… Trong truyện ngắn Gió dại, Bảo Ninh nhận thấy chiến tranh không chỉ “rùng rợn giết hàng đống người” mà “thiên nhiên cũng như thể bị hóa kiếp”. Tiểu thuyết Miền hoang cũng có nhiều trang viết nói về thiên nhiên, loài vật bị chiến tranh hủy diệt. Trong cái nhìn của nhà văn, chiến tranh đã biến một thế giới tươi xanh trở nên hoang tàn: “Cỏ cây mọc hoang. Lá úa. Lá khô. Tạp nham đủ loại. Xa xa vàng cháy rặt một loại cỏ đuôi trâu đang lụi tàn. Không thấy chút sức sống nào có thể hồi sinh”. Tuy nhiên, diễn ngôn sinh thái vì sự huỷ hoại của chiến tranh trong văn học Việt Nam chưa đậm nét như chủ đề sinh thái liên quan đến đô thị hóa và nhịp sống của xã hội tiêu dùng. Nó chỉ mới là những khúc khởi đầu cho một xu hướng mới để các nhà văn sẽ miêu tả sâu sắc hơn trong tương lai khi viết về chiến tranh và chiến tranh cách mạng.

   2.4. Diễn ngôn hoà giải và ước vọng “nối vòng tay lớn”

   Trong diễn giải về chiến tranh của các nhà văn từ điểm nhìn hậu chiến, đã bắt đầu xuất hiện một loại hình diễn ngôn mới với khát vọng khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Có thể gọi đó là loại hình diễn ngôn hoà giải. Diễn ngôn này xuất phát từ nhận thức sâu sắc về chấn thương chiến tranh và ước vọng chữa lành. Đây cũng là tâm thế của thời đại lấy đối thoại thay thế đối đầu, lấy hợp tác thay vì xung đột. Đây là khát vọng chính đáng của nhân loại sau khi đã trải qua quá nhiều đổ vỡ và bi kịch vì chiến tranh. Thực tiễn chiến tranh Việt Nam trước đây hay những xung đột ở Ucraina, Trung Đông hiện nay cho thấy chiến tranh có thể bùng phát bất cứ lúc nào vì những cái đầu nóng. Phải thấy hết cái giá của chiến tranh mới biết quý giá và trân trọng hòa bình. Trong âm nhạc, có lẽ Văn Cao là người sớm nhất nói lên khát vọng này trong Mùa xuân đầu tiên và cùng với ông là Trịnh Công Sơn trong Nối vòng tay lớn. Trong lĩnh vực văn học, khát vọng hòa bình cũng được nói đến từ sớm trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Lưu Quang Vũ… Sự kiến tạo diễn ngôn hòa giải và khát vọng hòa bình trong văn học sau 1975 đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm cho người đọc với sáng tác của những cây bút nhạy cảm như Nguyễn Minh Châu với Cỏ lau, Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, Nguyễn Bình Phương với Mình và họ, Sương Nguyệt Minh với Miền hoang hay thơ của Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thiều,… Một số nhà văn từng sáng tác trong văn học đô thị miền Nam trước đây như Ngụy Ngữ, Hoàng Ngọc Tuấn cũng có những sáng tác gắn liền với cảm hứng này. Điều đáng nói là nhiều cựu bình Mỹ đã từng trực tiếp tham gia chiến tranh Việt Nam như Kevin Bowen, Bruce Weigl đều nhận thấy sự phi lý của chiến tranh và mong muốn hàn gắn/ chữa lành những vết thương để hướng tới hoà bình. Dĩ nhiên, gác lại quá khứ không đồng nghĩa với lãng quên lịch sử mà là sự ý thức sâu hơn về lịch sử trên tinh thần nhân văn hiện đại. Con đường hoà giải, hoà hợp chưa bao giờ là con đường dễ dàng. Nó đòi hỏi cả hai phía phải nhận thức được sâu sắc bi kịch chiến tranh, dám gạt bỏ thù hận và nghi kỵ lẫn nhau. Và chính các nhà văn, bằng những trang viết sinh động, nhân văn sẽ là những sứ giả mang trong mình sứ mệnh “ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình”, “làm cho người gần người hơn”.

   3. Thay lời kết

   Lịch sử Việt Nam thế kỷ XX đã chứng kiến một thời kỳ đau thương và anh dũng của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Mặc dù chiến tranh đã đi qua nhưng chắc chắn chiến tranh Việt Nam sẽ còn là một đề tài lớn của văn học trong tương lai. Đội ngũ viết về chiến tranh sau này sẽ không còn là những cây bút đã chứng nghiệm và trải nghiệm chiến tranh như thế hệ cha anh họ. Trong bối cảnh lịch sử mới, cái nhìn về chiến tranh của họ sẽ có nhiều thay đổi và diễn ngôn nghệ thuật của họ sẽ được kiến tạo trên vô vàn diễn ngôn trước đó về chiến tranh. Tuy nhiên, dù ở thời đại nào, khi viết về chiến tranh Việt Nam, những nhà văn chân chính đều hiểu đó là cuộc chiến bảo vệ độc lập dân tộc và phẩm giá của một dân tộc. Bởi thế, viết về chiến tranh không phải để cổ vũ cho chiến tranh mà để suy ngẫm sâu hơn về lịch sử và hướng tới hoà bình. Vì chỉ trong hoà bình, con người mới thực sự cảm nhận được hạnh phúc và thấu hiểu nghĩa lý của tồn tại. 

 

 

 

Chú thích:
1 Chiến tranh biên giới phía Bắc tuy chỉ diễn ra ngắn ngủi (17/2/1979 - 16/3/1979) nhưng phải mất tới 10 năm mới thực sự chấm dứt và để hậu quả nặng nề để lại cho hai phía. Chiến tranh biên giới Tây Nam bắt đầu từ tháng 12/1978 nhưng cũng phải đến tận mùa thu 1989, khi quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia mới thực sự chấm dứt. Đây là hai cuộc chiến đấu tự vệ chính đáng của Việt Nam. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trong một thời gian khá dài, hai cuộc chiến tranh biên giới rất ít khi xuất hiện trên các thông tin chính thống và vắng mặt hoàn toàn trong sách giáo khoa. Nghĩa là nó thuộc về “khu vực ngoại vi” của văn học Việt Nam đương đại. Phải đến vụ giàn khoan Hải Dương 1 xâm phạm lãnh hải Việt Nam ngày 1/5/2014 thì việc phản đối “tàu lạ” của “nước lạ” mới thực sự lan rộng trong dân chúng và giành được sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Theo đó, sự thật về Gạc Ma (1988) cũng bắt đầu được làm sáng tỏ.
2 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, 1995, tr 480
3 Thông thường, các sự kiện lịch sử diễn ra khá lâu mới trở thành đối tượng miêu tả của tiểu thuyết lịch sử. Tuy nhiên, gần đây một số nhà văn đã miêu tả những sự kiện lịch sử chưa quá xa thời điểm hiện tại như trường hợp Nguyễn Xuân Khánh, Thiên Sơn…
4 Sớm nhất là có lẽ là Nguyễn Minh Châu. Năm 1978, ông đã có bài “Viết về chiến tranh” trên Văn nghệ Quân đội số tháng 11, đề nghị các nhà văn phải “viết khác đi”, chấm dứt lối viết “tô hồng” về chiến tranh.
5 Xem: Vũ Quang Hiển (2015), Hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) – mấy vấn đề bàn luận, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội, thứ 4, 29/04,16:28

 

Bình luận

    Chưa có bình luận