QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI TRONG TRUYỆN CỔ VÀ TRUYỆN THIẾU NHI

Trên cơ sở các quan niệm nghệ thuật về con người, bài viết đối sánh, phân tích, đánh giá quan niệm con người trong truyện cổ và truyện thiếu nhi, từ đó khẳng định vai trò của nó trong việc xây dựng nhân vật và tổ chức cốt truyện.

   1. Quan niệm nghệ thuật về con người

   Quan niệm nghệ thuật về con người là hình thức trình bày triết lý về con người trong tác phẩm nghệ thuật. Quan niệm nghệ thuật về con người có tính đặc thù riêng, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ cho các hình tượng nhân vật trong đó. Cách hiểu về con người phản ánh đúng bản chất của một nền nghệ thuật, thậm chí có người cho rằng: “Quan niệm con người tạo thành cơ sở, thành nhân tố vận động của nghệ thuật, thành bản chất nội tại của hình tượng nghệ thuật” (V. Secbina).

   Quan niệm nghệ thuật về con người được biểu hiện trong toàn bộ cấu trúc của tác phẩm văn học, trước hết ở các nhân vật, bởi “nhân vật văn học là con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm, bằng phương tiện văn học”. Muốn tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người thì phải xuất phát từ các biểu hiện lặp đi lặp lại của nhiều nhân vật, thông qua các yếu tố bền vững, được tô đậm dùng để tạo nên chúng như: cách xưng hô đối với nhân vật, tên gọi, công thức giới thiệu nhân vật ngay từ đầu và những biến đổi của chúng trong tác phẩm, chân dung nhân vật... Quan niệm nghệ thuật nghệ thuật về con người hướng đến sự khám phá cách cảm thụ và biểu hiện chủ quan sáng tạo của chủ thể, ngay cả khi miêu tả con người giống hay không giống so với đối tượng (chẳng hạn con người trong truyện cổ tích, sử thi, truyền thuyết, truyện đồng thoại...).

   Trong giới thi pháp học chưa có sự thống nhất trong vấn đề nghiên cứu quan niệm nghệ thuật về con người. Có người cho rằng, đây là vấn đề thuộc về nội dung chứ không thuộc hình thức tác phẩm. Có người cho rằng, trong thi pháp nhân vật, việc nghiên cứu quan niệm nghệ thuật về con người là quan trọng nhất. Khi khảo sát quan niệm nghệ thuật về con người, chúng ta thấy có ba cấp độ:

   - Quan niệm về con người thể hiện qua cách đánh giá của tác giả;

   - Quan niệm về con người thể hiện qua nhân vật;

   - Quan niệm về con người thể hiện quakết cấu, cốt truyện, không gian thời gian, điểm nhìn, cách miêu tả nhân vật.

   Chúng ta thấy rõ “chất nghệ thuật” trong cấp độ ba là cao nhất. Tác giả và nhân vật không phát biểu “lộ liễu” nhưng người đọc vẫn hiểu được ẩn ý trên cơ sở liên tưởng, khái quát và giải mã các lớp ý nghĩa của hình tượng. Ta gọi cấp độ thứ ba là điển hình cho triết lý nghệ thuật về con người.

   Quan niệm nghệ thuật về con người không nhằm giải thích nguồn gốc, đặc tính, sự sinh trưởng... của con người, mà đó là quan niệm của người nghệ sĩ về con người trong địa hạt nghệ thuật. Đối với văn học, quan niệm nghệ thuật về con người được thể hiện trong thế giới nghệ thuật cụ thể, là vấn đề nằm trong hình tượng với những mối quan hệ trong toàn bộ thế giới nghệ thuật của tác phẩm đó, được độc giả nhận ra qua tìm hiểu, khám phá thi pháp của tác phẩm.

   Trong việc dạy học và nghiên cứu văn học, khi phân tích nhân vật, hình tượng không nên chỉ quan tâm ở mặt tính cách theo những khung chuẩn của các tiêu chí xã hội, đạo đức theo cách phân tích mổ xẻ, xem xét nhân vật ở các bình diện ngôn ngữ, hành vi..., thông qua việc tìm các chi tiết để chứng minh và khái quát tính cách nhân vật theo các tiêu chí đạo đức như xấu hay tốt, cao thượng hay thấp hèn, chính diện hay phản diện, ý nghĩa giáo dục là gì. Cần thiết và quan trọng là phải tìm ra nhà văn đã xây dựng hình tượng theo quan niệm nào, cái nhìn nào, những điểm nhìn nào, tiêu chí tư tưởng và thẩm mĩ nào, nhằm tới mục tiêu sáng tạo nào.

   Quan niệm nghệ thuật về con người là một phạm trù lịch sử, có thể thay đổi qua từng thời kỳ, từng xu hướng văn học, từng tác giả, tác phẩm và thể loại. Chẳng hạn, chúng ta có thể thấy sự khác nhau trong quan niệm về con người thông qua cách xây dựng nhân vật trong văn chương cách mạng Việt Nam trước và sau 1975:

Trước năm 1975 Sau năm 1975
   - Con người được đánh giá theo tiêu chí giai cấp, chính trị, người nghèo tốt hơn người giàu, phe ta tốt hơn phe địch.
   - Con người được miêu tả một chiều, hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu, thiện ác rạch ròi...
   - Con người thiên về lý trí, hướng ngoại, mang ý thức chung của cộng đồng.
   - Con người được nhìn nhận ở phương diện cá nhân, trong cuộc sống đời thường.
   - Con người được nhìn nhận ở tính nhân loại phổ quát, tiêu chí đánh giá con người đa dạng hơn.
   - Con người thiên về đời sống tình cảm, hướng nội, có đời sống nội tâm phong phú, những nhu cầu tự nhiên, bản năng được chú trọng.
   - Tính cách con người phức tạp, vừa tốt vừa xấu, sự phân chia các loại hình nhân vật không rạch ròi.

   2. Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện cổ và truyện thiếu nhi

   Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện cổ và truyện thiếu nhi có sự tương đồng ở những quan điểm cơ bản, đó là tư tưởng chỉ đạo đối với một hoạt động có tính hệ thống, là một phương thức hiểu, một cách giải thích đối với một đối tượng, hiện tượng, quá trình nào đó.

   2.1. Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện cổ

   Thần thoại lưu giữ những ký ức thời nguyên sơ có ảnh hưởng sâu sắc tới văn nghệ, ở đó có sự đan xen giữa khoa học và hiện thực, giữa văn hóa và văn học, giữa lịch sử và văn chương, giữa tư duy cụ thể và tư duy trừu tượng, giữa yếu tố hoang đường và thực tế. Con người trong thần thoại là thế giới siêu nhiên được đồng nhất với hiện tượng tự nhiên như là thực thể. Con người trong thần thoại thường mang chức năng của một vài hiện tượng tự nhiên như Sơn Tinh - thần núi, Thủy Tinh – thần nước, Thiên Lôi – thần sấm, rồi thần sét, thần gió, thần mưa, thần mặt trời, thần đêm tối, thần núi, thần sông... Các vị thần mang những chức năng tự nhiên, văn hóa và xã hội sáng tạo thế giới, sáng tạo loài người nên thường là những hình tượng kỳ vĩ, có khi được hư cấu, cường điệu quá mức nhằm tạo ấn tượng, khơi dậy trí tưởng tượng, tò mò mạnh mẽ và lôi cuốn người đọc say mê theo câu chuyện ngay từ đầu. Qua hình tượng các vị thần, thần thoại đề cao sức mạnh con người, ước mơ giải phóng con người khỏi sự lệ thuộc vào tự nhiên, tự tin vào chính mình. Qua thần thoại ta hiểu được tư duy chất phác của người xưa từ cách xưng hô, gọi tên nhân vật, miêu tả chân dung nhân vật, những hành động lặp đi lặp lại của nhân vật, tâm lý nhân vật, ý nghĩ, suy tính, trạng thái hoặc quá trình tâm lý, ý thức và vô thức... Những chi tiết ngôn ngữ cũng là phạm vi thể hiện quan niệm con người. Lạc Long Quân và Âu Cơ có tính chất truyền thuyết, thần thoại do đẻ ra bọc 100 trứng mang dòng giống người Việt. Lạc Long Quân tự biến thành chàng trai, lại có tài biến hóa, có thể biến thành rồng, rắn, hổ, voi... Dạng người hóa vật, vật hóa người cũng mang vết tích thần thoại như truyện Hòn Vọng Phu, truyện Trầu cau. Con người thần thoại mang bản chất tự nhiên, hồn nhiên. Đặc điểm đáng chú ý nhất trong con người thần thoại thể hiện ở chỗ họ là những người đầu tiên, vị tổ tiên thứ nhất của tộc người và nhân loại, người đẻ ra loài người, người sáng tạo thế giới người tạo ra đất, trời ngày đêm và muôn vật như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Thánh Gióng...

   Về mặt đề tài và chủ đề, các truyện mang cả tính chất thần thoại và truyền thuyết. Đó là vấn đề tự nhiên, vũ trụ trong quan niệm và cách giải thích của người xưa (truyện thần thoại) và vấn đề lịch sử, thế sự của cuộc sống con người với những cuộc giao đấu của nhân vật lịch sử cùng các lực lượng đối lập để khẳng định bản thân, giống nòi, bộ tộc và cộng đồng trong lịch trình phát triển của xã hội và con người (truyền thuyết, truyện cổ tích).

   Truyện cổ tích Ông lão đánh cá và con cá vàng do nhà văn A. Puskin (1799-1837) kể lại bằng 205 câu thơ từ nguồn gốc truyện cổ tích Nga, Đức. Mở đầu là lời miêu tả hoàn cảnh sống của vợ chồng ông lão đánh cá: “Ngày xưa, có hai vợ chồng ông lão đánh cá ở với nhau trong một túp lều nát trên bờ biển. Ngày ngày người chồng đi thả lưới, vợ ở nhà kéo sợi...”. Đoạn văn ngắn gọn mở đầu chỉ với hai câu văn, nhưng nêu lên được nhiều tình tiết quan trọng. Về thời gian: ngày xưa – motif mở đầu quen thuộc của truyện cổ tích; nhân vật: hai vợ chồng ông lão đánh cá; quan hệ nhân vật: ở với nhau; không gian: trên bờ biển; công việc của mỗi người: chồng đi thả lưới, vợ ở nhà kéo sợi. Những chi tiết đó là những đầu mối không thể thiếu để câu chuyện tiếp tục được triển khai theo chiều hướng của quan niệm nghệ thuật về con người và cái nhìn nghệ thuật thống nhất trong toàn thiên truyện.

   Con người trong truyện cổ tích là sản phẩm của thời đại mà cộng đồng tan rã bị phân hóa thành các mặt đối lập, huyền thoại mất thiêng, nó là tấm gương phản chiếu một cách phong phú và chân thật đời sống dân tộc... chân thật ngay cả những sự tưởng tượng đầy tính chất lãng mạn. Con người trong truyện cổ tích quan tâm tới số phận cá nhân, truyện cổ tích thường mang không khí sinh hoạt đời thường, ít không khí hư ảo, phi hiện thực. Nhân vật trong truyện cổ tích thường được phân theo quan điểm đạo đức và tạo thành hai tuyến đối lập nhau. Truyện Thạch Sanh là một trong những truyện cổ tích tiêu biểu nhất trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Truyện được xây dựng và triển khai ở nhiều tiǹ h huống, phản ánh nhiều phương diện cơ bản trong cuộc sống của người xưa. Về quan hệ xã hội trong cộng đồng và đời sống cá nhân là tình cảm gia đình, bạn bè, vua tôi, tình yêu đôi lứa, vợ chồng; về quan hệ xã hội với nước ngoài là chiến tranh, hôn nhân, ứng xử bang giao; về quan hệ với thiên nhiên và vũ trụ là nguồn gốc con người, số phận con người, chinh phục tự nhiên. Quan niệm nghệ thuật về con người được thể hiện trong cái nhìn nghệ thuật về Thạch Sanh và Lý Thông ở điểm nhìn về các đặc trưng dáng nét của con người như thể xác, tâm hồn, bản lĩnh, hành vi và đạo đức. Tố Hữu ví anh giải phóng quân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ xâm lược là Thạch Sanh: “Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi/ Một dây ná, một cây chông cũng tấn công giặc Mĩ” (Bài ca xuân 68). Quan niệm này có ảnh hưởng đến quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học viết Việt Nam.

   2.2. Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện thiếu nhi

   Trong văn học thiếu nhi từ trung đại đến 1945, nhân vật trẻ em thường là đối tượng của sự răn dạy, giáo huấn, vì thế giọng điệu nghệ thuật chung thường là giọng uy quyền, kẻ cả, bề trên. Trong văn học thiếu nhi từ 1945 đến 1975, trẻ em lại là đối tượng trung tâm để tìm hiểu, nhận thức, khám phá của văn học thiếu nhi. Vì thế giọng điệu thiên về tự hào, ngợi ca. Con người trong văn học thiếu nhi từ 1975 đến nay, văn học thiếu nhi thời kháng chiến, nói như Tô Hoài, là “đã nổi hình các em sự hồn nhiên và cần cù, tươi vui, và nhẫn nại chiến đấu, học tập và lao động. Khung cảnh và con người thiếu nhi Việt Nam thật trong sáng, tràn đầy tinh thần lạc quan, đáng yêu của con em chúng ta”. Trong truyện thiếu nhi của Tô Hoài, người đọc dễ dàng nhận ra quan niệm giàu tính nhân văn của người viết. Con người, nhất là tuổi trẻ sẽ trưởng thành lên từ chính  những sai lầm, vấp ngã của họ. Ông thường sử dụng những mẩu chuyện đồng thoại với lời văn dí dỏm, với ngôn ngữ đối thoại sinh động, với sự việc cụ thể và nhất là với hình ảnh những con vật quen thuộc để khêu gợi những suy nghĩ đơn giản nhưng thấm thía về những vấn đề đặt ra trong sinh hoạt hàng ngày của các em. Trong kịch Con mèo lười, tác giả đã dựng nên cảnh nhộn nhịp của những con vật đang náo nức chuẩn bị theo chủ đi vỡ nương, thông qua đó tác giả phê phán nhẹ nhàng một chú mèo... lười. Trong Võ sĩ bọ ngựa, các em được gặp một chú bọ ngựa có những nét giống với các cậu bé “choai choai” mới lớn, hiếu động và hiếu thắng, không lượng nổi sức mình. Lý tưởng sống tốt đẹp là thước đo chân giá trị của cuộc sống con người. Trong truyện viết cho thiếu nhi, Tô Hoài đã nắm được đặc điểm tâm sinh lý của trẻ ở các lứa tuổi khác nhau. Bài học về sự phấn đấu để đạt được mục đích cao cả, tốt đẹp nhất của cuộc đời vì thế cũng không hoàn toàn giống nhau ở tất cả mọi đối tượng tiếp nhận.

   Đặc biệt từ 1986 đến nay, người viết đã chú trọng đa dạng hóa các mối quan hệ của nhân vật thiếu nhi – trung tâm của sáng tác văn học dành cho trẻ em (gia đình, nhà trường, xã hội, quá khứ, hiện tại, tương lai...). Mỗi nhà văn khi viết cho thiếu nhi thường có một cách nhìn nhận riêng về trẻ em cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với bạn đọc nhỏ tuổi..., điều đó dẫn đến sự phong phú, đa dạng trong quan niệm sáng tác của văn học thiếu nhi Việt Nam. Tuổi thơ bao giờ cũng hồn nhiên, tươi mát như dòng suối trên nguồn, như khí trời ban mai trong trẻo. Yêu mến tuổi thơ, say mê viết cho các em là mong muốn những dòng suối ấy, khí trời ấy mãi mãi trong lành, tươi mát. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng nói: “Với tôi, mỗi em bé là một thế giới lung linh, kỳ lạ. Tôi muốn viết về thế giới đó để được sống lại tuổi thơ trong sáng của mình. Tôi yêu trẻ con, và tôi viết vì các em bằng tất cả tình yêu của tôi”1. Nếu trái đất này chỉ có toàn trẻ con – hoặc những con người mang tâm hồn trẻ thơ thì trái đất là một thiên đường. Khó khăn thay và vinh dự thay cho người cầm bút viết cho tuổi thơ các em hôm nay cũng chính là viết cho chính tuổi thơ của chúng ta đã đi qua. Nhà văn Võ Quảng cho rằng: Văn học phải có tính giáo dục, được thực hiện thông qua cái hay cái đẹp của tác phẩm văn học, phải phù hợp cho lứa tuổi vì ở mỗi lứa tuổi các em tư duy khác nhau, phải luôn giúp cho các em lớn lên về tâm hồn. “Viết cho thiếu nhi là niềm vui cuộc đời tôi. Tôi từ bỏ tất cả để đến với văn học thiếu nhi và khi viết được tác phẩm hay cho các em đọc, nghĩa là tôi đã đi được đến đích của cuộc đời mình”2. Văn học thiếu nhi có mục đích chủ yếu là giúp các em biết sống tốt đẹp, biết cảm thông, biết yêu thương, biết quý trọng cái đẹp, hiểu rõ nghĩa vụ làm người. Nhưng văn học thiếu nhi hiểu theo đúng nghĩa của nó không phải là những lời giảng dạy khô khan, những lời lý giải trừu tượng, những câu chữ giá lạnh...

   Đề tài viết cho các em rất rộng và ở mỗi lứa tuổi tư duy các em phát triển khác nhau. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng bày tỏ: “Khi viết tôi viết với một tâm huyết, viết hết lòng vì các em. Và tôi hiểu, viết cho tuổi nhỏ, tài năng phải lớn”3. Trong sáng tác của Phạm Hổ, những người bạn của thiếu nhi là những con vật ngộ nghĩnh đáng yêu. Truyện Bê và Sáo là bức tranh của xóm làng Việt Nam, bức tranh quen thuộc như theo một đề tài dân gian và chủ đề cũng không mới nhưng truyện vẫn hấp dẫn vì những quan sát tỉ mỉ, vì tình cảm tế nhị và giọng văn giản dị, giàu cảm xúc. Bê và Sáo là đôi bạn thông minh, thân thiết, lo lắng cho nhau đề phòng và chống lại kẻ ác. Những ai từng quen với thú vật, từng nuôi thú vật có thể thấy rõ tâm tính loài vật không giản đơn tí nào. Tác giả đã tâm huyết và bỏ ra nhiều công phu mới viết được những trang giàu quan sát và nhiều tình cảm như thế. Đọc truyện viết cho trẻ em của Phạm Hổ, chúng ta dễ dàng nhận ra hai đặc điểm nổi bật ở con người của tác giả chính là lòng yêu trẻ, yêu con người và cuộc sống đôn hậu, trong sáng, sức làm việc bền bỉ, trí tưởng tượng dồi dào và phong phú.

   3. Kết luận

   Quan niệm nghệ thuật về con người là vấn đề cơ bản, then chốt của tác phẩm, nó chịu sự chi phối bởi cá tính sáng tạo của nhà văn. Khi tư duy nghệ thuật của nhà văn vận động biến đổi cho phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kỳ, từng trào lưu văn học, thì quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn cũng thay đổi, ít nhiều kéo theo sự thay đổi diện mạo của cả nền văn học. Chính vì thế, quan niệm về con người tạo thành nhân tố vận động của nghệ thuật, đổi mới nghệ thuật. Quan niệm nghệ thuật về con người luôn hướng con người vào chiều sâu của nó và tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá giá trị nhân văn của tác phẩm văn học nói riêng và thành tựu của người nghệ sĩ nói chung. Trong truyện thiếu nhi Việt Nam đương đại, quan niệm nghệ thuật về con người sẽ chi phối thi pháp xây dựng nhân vật và tổ chức cốt truyện.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Mai Phương (2011), “Nguyễn Nhật Ánh – Nhà văn được giới trẻ yêu thích”, ninhbinhonline.
2. Phùng Quán (2006), Tuổi thơ dữ dội, NXB Văn học.
3. Nguyễn Quang Sáng (2002), Dòng sông thơ ấu, NXB Kim Đồng.
4. Kao Sơn (2002), Khúc đồng dao lấm láp, NXB Kim Đồng.
5. Trần Đình Sử: “Tự sự học từ kinh điển đến hậu kinh điển”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 10, 2008, tr. 3-15.
6. Trần Đình Sử: “Tuổi thơ im lặng, hoài niệm về một tầng văn hóa làng quê”, Báo Văn nghệ (39), 1986.
7. Nhiều tác giả (1960), Kinh nghiệm viết cho các em, NXB Văn học.
8. Võ Quảng: Đến với các em như thế nào, Tạp chí Văn nghệ, số 449, 1973, tr. 25-27.
9. Vân Thanh (1999), Phác thảo văn học thiếu nhi Việt Nam, NXB Khoa học xã hội.
10. Nguyễn Quốc Tín–Nguyễn Như Mai–Nguyễn Huy Thắng (2011), Những con vật bầu bạn tuổi thơ, NXB Kim Đồng.
11. Bùi Việt Thắng (2000),Truyện ngắn–Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chú thích:
* Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội.
1 Nhiều tác giả (1960), Kinh nghiệm viết cho các em, NXB Văn học.
2 Võ Quảng: Đến với các em như thế nào, Tạp chí Văn nghệ, số 449, 1973, tr. 25-27.
3 Nguyễn Quang Sáng (2002), Dòng sông thơ ấu, NXB Kim Đồng.

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận