GIẢNG DẠY, ĐÀO TẠO, NGHIÊN CỨU VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM GÓP PHẦN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NỀN VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TRONG THỜI KỲ MỚI

Bài viết đánh giá khái quát về công tác giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu về văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam những năm gần đây. Đồng thời, giới thiệu những công trình nghiên cứu, giáo trình tiêu biểu với những hướng tiếp cận mới phục vụ giảng dạy, đào đạo, nghiên cứu văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, góp phần xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới.

    Trong bối cảnh nghiên cứu văn học những năm gần đây, cùng với truyền thống của folklore học Việt Nam, các nhà khoa học đã nỗ lực hình thành những hướng tiếp cận mới, từng bước giới thiệu và ứng dụng những lý thuyết mới đối với bộ phận văn học dân gian Việt Nam nói chung và văn học dân gian các dân tộc thiểu số (VHDGCDTTS) nóiriêng. Điều này đã giúp mở ra nhiều triển vọng cho đội ngũ nghiên cứu, giảng dạy đóng góp thêm nhiều thành quả khoa học cho công cuộc “xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới” theo tinh thần Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X.

    Cho đến nay, văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số vẫn còn được bảo lưu khá nguyên vẹn trong văn học dân gian, nó vẫn là kênh thông tin không chỉ giúp chúng ta tìm hiểu về quá khứ các dân tộc anh em mà còn là thành tố quan trọng để xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

    Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X đã khẳng định: “Lực lượng văn nghệ sĩ và văn nghệ các dân tộc thiểu số có bước phát triển. Công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn học, nghệ thuật của các dân tộc đạt được những kết quả thiết thực”. Thực tế cho thấy, nhìn chung ở tất cả các công trình sưu tập, các chuyên luận khoa học, các bộ giáo trình được công bố những năm gần đây về VHDGCDTTS Việt Nam chính là kết quả của quá trình tiếp cận, tìm hiểu và nghiên cứu lâu dài của các nhà khoa học Việt Nam. Đội ngũ các nhà sưu tập, nghiên cứu, giảng dạy đã đặt vấn đề nâng cao phương pháp giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu hướng tới mục đích có được cách nhìn toàn diện và hệ thống về tiến trình phát triển lịch sử của VHDGCDTTS Việt Nam và ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, giá trị của bộ phận văn học dân gian đặc sắc này trong nền văn học dân tộc.

    Dưới đây là một số tổng kết về vấn đề lý luận và thành tựu nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo đội ngũ nghiên cứu về VHDGCDTTS trong khoảng 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X theo hướng tiếp cận mới:

    1. Công tác giảng dạy, đào tạo về VHDGCDTTS những năm gần đây

    1.1. Về công tác giảng dạy

    Trong công tác giảng dạy về VHDGCDTTS ở bậc đại học cũng đã sớm có các công trình đồng thời là giáo trình để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu của đội ngũ các nhà giáo, các nhà nghiên cứu và sinh viên các trường đại học. PGS, TS Võ Quang Nhơn, từ năm 1983, đã công bố công trình và cũng là bộ giáo trình Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam (NXB Đại học & Trung học chuyên nghiệp). Đây là kết quả của quá trình suốt mấy chục năm ông nghiên cứu và giảng dạy về VHDGCDTTS tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Trong công trình này, Võ Quang Nhơn đã giới thiệu khá đầy đủ diện mạo VHDGCDTTS Việt Nam thông qua việc phân loại các thể loại và ông chủ yếu “căn cứ vào những biểu hiện tương ứng về mặt chủ đề, hình tượng, motif” để phân loại thể loại. Công trình gồm 7 chương, trong đó từ chương 3 đến chương 7 nói về các thể loại. Cụ thể, Chương 3: Thần thoại; Chương 4: Truyện cổ tích; Chương 5: Thơ ca dân gian; Chương 6: Sử thi anh hùng; Chương 7: Truyện thơ – dấu nối giữa văn học truyền miệng và văn học thành văn. Trong khi xem xét các thể loại, ông cũng luôn lưu ý tới các phương diện như yếu tố sáng tạo, hệ thống mẫu đề, loại hình thể loại các tác phẩm, đội ngũ lực lượng sáng tác, ngôn ngữ văn tự và nội dung tác phẩm. Đồng thời ông cũng nhận rõ VHDGCDTTS Việt Nam luôn gắn với các hình thức diễn xướng, với nghi lễ dân gian, ngoài chức năng giải trí còn thực hiện chức năng nghi lễ... Công trình của Võ Quang Nhơn, đến năm 1997, đã là một phần trong nội dung bộ giáo trình Văn học dân gian Việt Nam của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, do Đinh Gia Khánh chủ biên; Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn đồng tác giả (NXB Giáo dục). Đến nay, bộ giáo trình này là bộ giáo trình chính thức được sử dụng trong các trường đại học quốc gia và đã được tái bản nhiều lần bởi giá trị khoa học cũng như sự đáp ứng yêu cầu giảng dạy về văn học dân gian người Việt và VHDGCDTTS Việt Nam.

    Năm 2007, có thể kể đến cuốn giáo trình Văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, do các nhà nghiên cứu và đồng thời cũng là các nhà giáo Nguyễn Việt Hương (Chủ biên), Phan Đăng Nhật, Nguyễn Thị Huế, Phạm Việt Long biên soạn. Giáo trình được biên soạn nhằm phục vụ nhu cầu giảng dạy cho chuyên ngành Văn hóa các dân tộc của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Ở cuốn giáo trình này, một lần nữa các thể loại như thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, tục ngữ, câu đố, dân ca, truyện thơ và sử thi… được các tác giả cụ thể hóa, minh chứng qua thực thể các tác phẩm để làm rõ sự tồn tại, lưu truyền của chúng trong đời sống người dân các dân tộc Việt Nam. Đồng thời công trình cho thấy VHDGCDTTS Việt Nam là một bộ phận gắn bó chặt chẽ, khó có thể tách rời với các mặt sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc, với phong tục tập quán, tín ngưỡng…

    Nhìn chung, tất cả các công trình sưu tập, các chuyên luận khoa học, các bộ giáo trình nêu trên là kết quả của quá trình tiếp cận, tìm hiểu và nghiên cứu tổng quan về VHDGCDTTS Việt Nam. Các nhà sưu tập, nghiên cứu, giảng dạy đã đặt vấn đề phân loại các thể loại, hướng tới mục đích có được cách nhìn toàn diện và hệ thống về VHDGCDTTS Việt Nam và mong muốn đưa ra bảng phân loại chung, mang tính ổn định và phản ánh được tiến trình phát triển lịch sử của bộ phận văn học dân gian đặc sắc này. Đội ngũ các nhà folklore Việt Nam trong nghiên cứu và giảng dạy đã ngày càng tích cực áp dụng các phương pháp nghiên cứu mới để tiếp cận, khai thác và đưa ra những kết quả, những thành tựu mới trong việc nhận diện cũng như đi sâu nghiên cứu các thể loại của VHDGCDTTS Việt Nam. 

    Các công trình, giáo trình nêu trên là kết quả nghiên cứu tổng quan về văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam với quá trình tiếp cận thể loại. Các nhà nghiên cứu, các nhà giáo đã đặt vấn đề phân loại các thể loại, nhằm mục đích có được cách nhìn toàn diện và hệ thống về VHDGCDTTS Việt Nam để đưa vào các bài giảng ở cấp đại học. Đồng thời, họ đều mong muốn đưa ra một bảng phân loại chung, mang tính ổn định và phản ánh được tiến trình phát triển của lịch sử VHDGCDTTS Việt Nam. Nhìn chung, mỗi cách phân loại của các bộ giáo trình đều chỉ ra được tính phổ quát của các thể loại VHDGCDTTS Việt Nam, song cũng có những điểm chưa thống nhất do xuất phát từ cách nhìn khác nhau về vấn đề tiếp cận thể loại. Trong các công trình trên, phần hoặc chỉ chú trọng và căn cứ trên phương diện văn bản ngữ văn, phần hoặc còn dựa vào bảng phân loại truyền thống đối với văn học dân gian dân tộc Kinh để áp dụng vào việc phân loại thể loại của VHDGCDTTS, mà chưa lưu ý đúng mức tới những điều kiện sinh hoạt văn hóa tồn tại trong truyền thống truyền miệng của người dân các dân tộc thiểu số. Song, ở tất cả các công trình nói trên đều đã khẳng định vai trò quan trọng của VHDGCDTTS trong nền văn hóa Việt Nam.

    1.2. Về công tác đào tạo đội ngũ

    Từ những năm thập niên đầu của thế kỷ XXI, công tác đào tạo đội ngũ nghiên cứu về VHDGCDTTS có bằng cấp cao ở các trường đại học cũng như các viện nghiên cứu chuyên ngành đã được đẩy mạnh. Kết quả là đã có những cán bộ trẻ đạt trình độ tiến sĩ qua những đề tài nghiên cứu sâu về các thể loại của VHDGCDTTS Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi thực tế của việc giới thiệu, quảng bá để khẳng định giá trị cho bộ phận văn học dân gian đặc sắc này. Có thể kể tới một số luận án mà chúng tôi có điều kiện tiếp cận sau đây:

    - Luận án nghiên cứu về truyện kể, tục ngữ, đồng dao các dân tộc thiểu số Việt Nam theo phương pháp so sánh loại hình và lý thuyết về type và motif. Đó là các luận án về các đề tài như: Khảo sát đặc điểm truyện cổ dân tộc Chăm (Nguyễn Thị Thu Vân, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2000); Khảo sát truyện kể dân gian Khơ me Nam Bộ (Phạm Tiết Khánh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2007); Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam (Nguyễn Thị Minh Thu, Học viện KHXH, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, 2012); Khảo sát truyện về con vật tinh ranh trong truyện kể dân gian các dân tộc Việt Nam và thế giới (Đặng Quốc Minh Dương, Học viện KHXH, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, 2013); Khảo sát tục ngữ Khơ Me Nam Bộ (Nguyễn Thị Kiều Tiên, Học viện KHXH, Hàn lâm KHXH Việt Nam, 2014); Đồng dao và trò chơi trẻ em các dân tộc thiểu số Việt Nam (Lèng Thị Lan, Học viện KHXH, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, 2014)…

    - Luận án nghiên cứu về thể loại dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam theo hướng dân tộc học/ nhân học văn hóa. Nghiên cứu về dân ca các dân tộc thiểu số với hướng thi pháp học hoặc tiếp cận dân tộc học/ nhân học văn học, đồng thời kết hợp với hướng nghiên cứu bối cảnh diễn xướng... gần đây có thể kể tới một số công trình, luận án, luận văn của các tác giả nghiên cứu trẻ, mở ra hướng đi mới cho việc tìm hiểu kho tàng dân ca nhiều dân tộc khác nhau trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam. Cụ thể như luận án về các đề tài: Dân ca Xường của người Mường ở Thanh Hóa - tiếp cận dưới góc độ văn học dân gian (Mai Thị Hồng Hải, Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003), Dân ca nghi lễ dân tộc H’mông (Hoàng Thị Thủy, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2011); Lễ hội Gầu tào và dân ca giao duyên dân tộc H’mông (Bùi Xuân Tiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2016); Dân ca nghi lễ trong đời sống người Dao Tuyển ở Việt Nam (Bàn Thị Quỳnh Giao, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, 2017); Huyền thoại về nguồn gốc của các tộc người ở Việt Nam tiếp cận từ góc độ nhân học văn hóa (Lư Thị Thanh Lê, Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017)…

    - Luận án về truyện thơ, sử thi các dân tộc theo hướng thi pháp học. Dưới ảnh hưởng của hướng tiếp cận thi pháp học và bối cảnh diễn xướng, có thể kể tới một số luận án, luận văn với đề tài nghiên cứu về truyện thơ, về dân ca các dân tộc Việt Nam như: Những bình diện cấu trúc mo Mường (Bùi Văn Thành, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2008); Khảo sát và nghiên cứu một số truyện thơ tiêu biểu của người Thái ở Việt Nam (Lê Thị Hiền, Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012).

    2. Các công trình nghiên cứu, giới thiệu VHDGCDTTS Việt Nam những năm gần đây theo hướng tiếp cận mới

    2.1. Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số được nghiên cứu, tiếp cận theo hướng ứng dụng phương pháp so sánh loại hình và lý thuyết type và motif

    Từ đầu những năm 2000 đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu, giảng dạy VHDGCDTTS Việt Nam theo hướng ứng dụng phương pháp so sánh loại hình và lý thuyết type và motif. Bộ phận truyện kể trong VHDGCDTTS Việt Nam là một trong những bộ phận độc đáo, đặc sắc chứa đựng nhiều giá trị phản ánh thực tại đời sống người dân các dân tộc thiểu số trong quá khứ. Do vậy, có khá nhiều công trình đã có những đóng góp mới trong việc áp dụng theo phương pháp so sánh loại hình và lý thuyết type và motif nhằm đánh giá, nghiên cứu truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số ở nhiều phương diện khác nhau. Nhiều công trình đã là sự thể nghiệm cho việc áp dụng phương pháp so sánh loại hình và lý thuyết type và motif để chỉ ra tính chất phản ánh lịch sử, dân tộc học, nhân chủng học, phản ánh nhận thức của các tác giả dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam về hiện thực xã hội, đồng thời phản ánh tính sáng tạo nghệ thuật, chất mĩ học sâu sắc chứa đựng trong hình tượng các nhân vật đặc thù trong các tác phẩm sử thi, truyện cổ tích, truyện thơ, dân ca các dân tộc Việt Nam và cũng là phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á và thế giới.

    Ngoài những công trình nghiên cứu, khảo sát cấu trúc về các tác phẩm văn học dân gian của các tộc người cư trú chủ yếu ở vùng núi phía Bắc, nhiều công trình đã cập nhật giới thiệu nghiên cứu các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc Tây Nguyên hoặc đồng bằng Nam Bộ mà trước đây còn ít được khám phá, giới thiệu. Cụ thể như: năm 2006, chuyên luận Tìm hiểu truyện cổ Tây Nguyên - Trường hợp Mạ và K’Ho (NXB Văn học) của Lê Hồng Phong được công bố, vốn phát triển từ luận án tiến sĩ bảo vệ năm 2003 về đề tài Đặc điểm truyện cổ Mạ - K’Ho Lâm Đồng. Nhà nghiên cứu Lê Hồng Phong đồng thời cũng là nhà giáo với nhiều năm giảng dạy tại Trường Đại học Đà Lạt, đã hệ thống bằng phương pháp tiếp cận so sánh loại hình để thống kê các thể loại, các kiểu truyện, tác phẩm và các motif và có sự so sánh tương quan giữa truyện cổ Mạ và K’Ho, giữa truyện kể Mạ, K’Ho với truyện cổ Đông Nam Á, chỉ ra nguyên nhân lịch sử và giá trị, ý nghĩa xã hội to lớn của bộ phận truyện kể này dưới ảnh hưởng của giao lưu văn hóa khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Á. Năm 2007, chuyên luận Truyện kể dân gian các tộc người Nam Đảo ở Việt Nam (NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh,) của nhà nghiên cứu, nhà giáo Phan Xuân Viện (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) được xuất bản và tái bản năm 2010 (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội). Ứng dụng phương pháp so sánh loại hình, tác giả chuyên luận đã nhận diện và phân loại truyện kể dân gian (thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích) của năm tộc người Nam Đảo là Chăm, Raglai, Churu, Ê đê, Giarai. Theo lý thuyết type và motif, các thể loại truyện kể dân gian Nam Đảo đó được tác giả nghiên cứu với các bước khảo sát cụ thể, chi tiết và có sự phân tích, đối sánh qua hệ thống đề tài - cốt truyện ở cả cấp độ liên tộc người và liên văn bản. Chuyên luận của Phan Xuân Viện thực sự đã đóng góp một cách nhìn mới và sâu về văn hóa các tộc người Nam Đảo ở Việt Nam.

    Hướng tiếp cận theo phương pháp loại hình và lý thuyết type và motif, ngoài những công trình kể trên còn được tiếp tục ở nhiều đề tài luận án, luận văn nghiên cứu về truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số. Đồng thời, phương pháp loại hình và lý thuyết type và motif cũng còn được ứng dụng cho nhiều thể loại khác như ca dao, tục ngữ... các dân tộc thiểu số Việt Nam.

    2.2. Truyện thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam được nghiên cứu, giới thiệu theo hướng tiếp cận thi pháp học

    Thi pháp học là khoa nghiên cứu về thi pháp và thi pháp học trong văn học. Việc nghiên cứu, giảng dạy truyện thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam theo hướng thi pháp học là hướng tiếp cận đã được khẳng định từ những năm 80-90 của thế kỷ trước và đến nay đã có một số công trình nghiên cứu, giảng dạy truyện thơ các dân tộc thiểu số theo hướng thi pháp học được đánh giá cao. Trong số các nhà nghiên cứu, nhà giáo chuyên sâu về truyện thơ các dân tộc thiểu số theo hướng thi pháp học, có thể kể tới PGS, TS Lê Trường Phát và GS, TS Vũ Anh Tuấn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) là những người tiên phong trong việc đổi mới tư duy khi tiến hành nghiên cứu, tiếp cận thể loại này và đã đạt những thành công đáng ghi nhận qua các công trình nghiên cứu của mình.

    Cụ thể như: năm 2004, chuyên luận Truyện thơ Tày - Nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại (NXB Đại học Quốc gia) của GS, TS Vũ Anh Tuấn đã có những đóng góp mới trong việc tìm về nguồn gốc, quá trình phát triển, cấu trúc, phong cách nghệ thuật hợp thành thi pháp thể loại truyện thơ Tày. Ông chỉ ra cấu trúc truyện thơ được xem như là sự kết hợp giữa truyện dân gian và thơ dân gian, đó là “truyện ở trong thơ và thơ ở trong truyện”. Theo ông, trong truyện thơ Tày thi pháp nhân vật và thi pháp lời văn nghệ thuật là hai thành tố cơ bản tạo thành phong cách thể loại. Về thi pháp nhân vật, truyện thơ xây dựng chủ yếu vẫn là những kiểu nhân vật chức năng (chính diện, phản diện, các lực lượng phù trợ hoặc gây hại)..., trong đó nổi bật là những nhân vật nữ. Về thi pháp lời văn nghệ thuật thì ngôn ngữ truyện thơ là ngôn ngữ thơ trong truyện và ngôn ngữ truyện trong thơ, là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn nguồn ngôn ngữ dân ca sli – lượn trữ tình và nguồn ngôn ngữ truyện kể dân gian Tày. Công trình mở ra hướng nghiên cứu về truyện thơ Tày nói riêng và truyện thơ các dân tộc thiểu số nói chung với một cách nhìn mới khi đặt tác phẩm trở về trong không gian văn hóa của tộc người.

    2.3. Sử thi các dân tộc thiểu số Việt Nam được nghiên cứu, giảng dạy theo hướng tiếp cận bối cảnh, môi trường diễn xướng

    Nghiên cứu folklore theo hướng tiếp cận bối cảnh diễn xướng là hướng nghiên cứu thịnh hành ở Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ XX và đang được thế giới ứng dụng. Các nhà nghiên cứu theo phương pháp này coi văn bản văn học là một yếu tố tham chiếu mà chủ yếu đặt văn bản vào môi trường, bối cảnh diễn xướng để nghiên cứu. Gần đây, hướng tiếp cận theo bối cảnh, môi trường diễn xướng là xu thế thể hiện ở nhiều công trình, chuyên luận nghiên cứu và giảng dạy về sử thi - một thể loại đặc trưng của VHDGCDTTS Việt Nam - với các nhà nghiên cứu như Phan Đăng Nhật, Võ Quang Nhơn, Đỗ Hồng Kỳ, Phạm Đặng Xuân Hương...

    Năm 2009, GS, TS Phan Đăng Nhật (Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) với công trình Văn hóa các dân tộc thiểu số - Những giá trị đặc sắc là tập hợp các công trình, bài báo từ 1981 đến 2009 của ông, trong đó, về sử thi, ông khẳng định hướng trọng tâm nghiên cứu chính là mối quan hệ giữa đời sống dân gian và sử thi với môi trường diễn xướng. Ông khẳng định: “Sử thi các dân tộc Việt Nam có may mắn cung cấp thêm cho thế giới một khối lượng lớn các hiện tượng “sử thi sống”, bởi cho đến gần đây bà con ở Tây Nguyên vẫn được chứng kiến những buổi trình diễn sử thi và những cuộc thưởng thức sử thi” (tr.184). Cho đến nay, GS, TS Phan Đăng Nhật đã là một trong những người tiên phong và có nhiều đóng góp cho công cuộc nghiên cứu “sử thi sống” ở Việt Nam.

    Năm 2016, chuyên luận Đặc điểm thể loại sử thi chương ở Việt Nam (Trường hợp Chương Han của người Thái Tây Bắc) (NXB Văn hóa dân tộc) của TS Phạm Đặng Xuân Hương (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) được công bố. Tác giả chuyên luận là giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đi sâu giới thiệu, nghiên cứu và chỉ ra đặc điểm thể loại của loại hình sử thi Chương Han của người Thái Tây Bắc. Trong chuyên luận, tác giả đưa ra quan điểm nhận diện tác phẩm theo hướng tiếp cận bối cảnh lưu truyền và diễn xướng: “Cho đến nay, sử thi này đang được biết đến (được tìm thấy) ở cả ba dạng tồn tại đặc trưng cả tác phẩm văn học dân gian: ẩn (tồn tại trong trí nhớ của các tác giả dân gian), lưu (tồn tại bằng văn bản chữ cổ), hiện (tồn tại thông qua diễn xướng). Trong tình hình tư liệu hiện giờ của sử thi Việt Nam, cùng một lúc có cả ba dạng tồn tại như vậy chỉ có sử thi Thái và sử thi Chăm, vốn là hai dân tộc sớm có chữ viết từ lâu đời” (tr.93).

    2.4. Dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam được nghiên cứu, giảng dạy theo hướng tiếp cận dân tộc học/ nhân học văn hóa

    Hướng nghiên cứu dân tộc học/ nhân học văn hóa là hướng nghiên cứu đạt được nhiều thành tựu trong những thập kỷ gần đây ở Hoa Kỳ và một số nước khác. Đối với các công trình, đề tài nghiên cứu về VHDGCDTTS thì hướng nghiên cứu này cũng đã sớm được ứng dụng và đã có được những thành quả ở lĩnh vực nghiên cứu dân ca. Điều đáng chú ý là giới folklore hiện nay và chủ yếu là đội ngũ những nhà nghiên cứu, giảng dạy trẻ đã nhìn nhận đối tượng dân ca các dân tộc không chỉ quan tâm, căn cứ vào phần văn bản đã được sưu tầm mà luôn hướng tới những tư liệu dân ca hiện tồn, đã và đang sống động trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam. Qua một số công trình, đề tài luận án, luận văn được thực hiện gần đây ở nhiều cơ sở đào tạo trong cả nước (thuộc các viện nghiên cứu và các trường đại học) khi nghiên cứu về dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam đã thể hiện hướng tiếp cận này.

    Năm 2014, TS Nguyễn Mạnh Tiến (Viện Văn học) với chuyên luận Những đỉnh núi du ca - một lối tìm về cá tính H’mông (NXB Thế giới) đã nhận diện dân ca H’mông dưới góc nhìn dân tộc học/ nhân học văn hóa. Tác giả, khi tiếp cận để nghiên cứu về dân ca của người H’mông, đã nói rõ “tôi chọn điểm sơn dã (chữ dùng của tác giả) ở Hà Giang với bốn huyện vùng cao nguyên thuộc khối cao nguyên đá làm khu vực tập trung nghiên cứu. Từ đấy mở rộng ra so sánh với các điểm địa lý nhân văn khác của người H’mông ở khắp Việt Nam trong phạm vi có thể” (tr.20). Năm 2015, Nguyễn Mạnh Tiến đã tiếp tục đề tài Phân tích tâm lý người H’mông từ dân ca ở luận án tiến sĩ của mình. Tác giả chỉ ra lý thuyết và phương pháp tiếp cận chính là dân tộc học/ nhân học văn hóa trong văn học và đề cao việc điền dã thực địa bởi “Dân tộc học văn học chủ trương điền dã là hoạt động mang tính sống còn của nghiên cứu”. Ở công trình này, Nguyễn Mạnh Tiến đã tiếp cận dân ca H’mông từ tâm lý tộc người: Vị thế của dân ca H’mông trong văn hóa H’mông (Dân ca H’mông như một sự kiện văn hóa tổng thể, Dân ca H’mông như mô hình tâm lý tộc người); Thế giới quan H’mông nhìn từ dân ca; Vũ trụ quan H’mông nhìn từ dân ca. Công trình đóng góp một cách nhìn khá mới mẻ đối với dân ca của tộc người H’mông ở Việt Nam.

    Hơn bất cứ một bộ phận văn học nào, VHDGCDTTS Việt Nam có sự gắn bó chặt chẽ, lâu bền với truyền thống văn hóa dân gian, do vậy, tiếp cận và nghiên cứu bộ phận văn học này không thể không nghiên cứu những hoạt động sáng tạo, những sinh hoạt văn hóa còn bảo lưu trong đời sống hàng ngày của người dân các dân tộc thiểu số. Chính đây là một nhiệm vụ khó khăn và cũng là điều thu hút, hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu và đòi hỏi ở họ nhiều nỗ lực trong việc mở rộng nhãn quan, đổi mới nhận thức khi tìm về với VHDGCDTTS Việt Nam.

    3. Kết luận

    Tính mới, tính hiệu quả là đặc điểm nổi bật của những phương pháp, những hướng tiếp cận nói trên đã được các nhà foklore Việt Nam vận dụng để phân tích, nghiên cứu đối với nhiều thể loại của văn học dân gian dân tộc Kinh và VHDGCDTTS Việt Nam. Những cách tiếp cận và các phương pháp nghiên cứu trên đều mang tính lan tỏa đang ngày càng được quan tâm và áp dụng trong việc lý giải nhiều vấn đề của văn học Việt Nam và VHDGCDTTS nói riêng. Bài viết đưa ra sự quan sát sơ bộ về quá trình tiếp cận và những hướng nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo mới thể hiện tinh thần khoa học thời đại của đội ngũ các nhà nghiên cứu folklore Việt Nam, đem lại những điểm nhìn cách tân và những phát hiện độc đáo về bộ phận VHDGCDTTS Việt Nam trong thời kỳ mới với tinh thần “xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật” đa dân tộc của nước nhà.

Bình luận

    Chưa có bình luận