ĐÔI ĐIỀU TRAO ĐỔI LẠI

.

    GS, TS Trần Đình Sử, bạn tôi, có gửi tặng công trình Phê bình văn học Việt Nam hiện đại1 vừa xuất bản, trông rất bề thế. Tuổi già sức yếu nhưng tôi cũng cố gắng đọc lướt qua và xin có đôi lời trao đổi, xem như sự chào mừng chân thành, tích cực của một người bạn, một đồng nghiệp lâu năm.

    Phải chăng nên đổi tên sách thành Nghiên cứu văn học Việt Nam hiên đại, vì chữ “Phê bình” ở đây theo nghĩa rộng quá, bao gồm cả công trình lý luận như Văn học khái luận của Đặng Thai Mai, văn học sử như Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam của Kiều Thanh Quế… Tất nhiên, nếu giữ nguyên như cũ, tác giả có lý của mình, nhưng nên nhất quán. Các giai đoạn đầu, có kể đến tác giả và công trình lý luận và văn học sử thì các giai đoạn sau cũng phải như vậy. Quy mô của công trình sẽ được mở rộng, xứng đáng với đối tượng nghiên cứu có độ lâu về thời gian đến hơn mười thập kỷ. Mặt khác, có lẽ cũng nên bổ sung mục chân dung của chính tác giả làm cho khuôn mặt công trình đầy đặn hơn. Có mình có ta, nhìn nhau qua lại vừa giám sát vừa khích lệ động viên nhau và như thế sẽ chặt chẽ hơn.

    Chuyển sang mục chân dung của cá nhân tôi, hiển nhiên có đọc kỹ hơn những mục khác. Có một số lời khen đúng, tôi hoan nghênh, xin cảm ơn bạn. Bài chân dung về tôi mang tên Phương Lựu và dẫn nhập lý thuyết văn chương. Quả thật, các công trình của tôi tập trung nhiều về dẫn nhập lý thuyết văn chương. Người ta cũng dẫn nhập nhiều nhưng chủ yếu để nghiên cứu nhà văn và tác phấm nước nhà. Ban đầu tôi cũng vậy nhưng về sau tôi dẫn nhập lý thuyết văn chương để so sánh phát hiện và phát triển lý luận văn học nước nhà trên nhiều cấp độ rộng hẹp khác nhau. Ở cập độ một thời đại lý luận: vận dụng thi học cổ điển Trung Hoa để nghiên cứu hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam. Ở cấp độ một khuynh hướng lý luận: vận dụng lý luận văn học Xô-viết để nghiên cứu lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Ở cấp độ một nhà lý luận: vận dụng lý luận văn học Liên Xô, Trung Quốc để nghiên cứu di sản lý luận văn học của Trường Chinh. Ở cấp độ một công trình: vận dụng lý luận của Plekhanov để nghiên cứu Văn học khái luận của Đăng Thai Mai. Về cấp độ khái niệm thì có thể lấy ý kiến của Bélinsky để tách đôi khái niệm song trùng tính chất dân tộc ra thuộc tính dân tộc và phẩm chất dân tộc mang ý nghĩa khác nhau… Nhân tâm tiểu vũ trụ, rất khó mà biết hết chỗ hay-dở, đúng-sai, sâu-nông của một nhà lý luận phê bình đích thực. Hai mặt này hầu như là đặc điểm chung của mọi nhà, chỉ nên thông cảm trao đổi với nhau mà thôi.

    Cách đây tròn mười lăm năm, tôi có viết cho Tạp chí Cộng sản số 8/2008 bài mà bạn tôi quên nêu tên Chung quanh vấn đề phương pháp sáng tác hiện nay, sau đó đưa vào tập Vì một nền lý luận văn học dân tộc-hiện đại2. Ngay Lời mở đầu, tôi đã viết: “Hơn hai mươi năm qua trong văn kiện của Đảng ta không hề nhắc đến chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa nữa. Đây không hề là bước lùi, mà trái lại đã tiềm ẩn khả năng của một bước tiến, bởi vì tiến triển không chỉ theo chiều “dương tính”, nghĩa là thêm được nhiều điều mới mẻ, đúng đắn, mà còn theo chiều “âm tính’’, nghĩa là vứt bỏ đi những sai sót cũ”3.Tuyên bố như vậy là xác định lập trường tán thành việc lặng lẽ loại bỏ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Không phải tán thành thụ động, ăn theo, mà bày tỏ sẽ tích cực chủ động trong việc chống và xây này, thể hiện trong nội dung của hai tiểu mục tiếp theo của bài báo: 1) Xét sai lầm cơ bản cuả chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, 2) Một số hình dung bước đầu về phương pháp sáng tác thay thế. Tôi nghĩ bất cứ ai đọc mấy lời mở đầu và các tiểu mục với thái độ kiên quyết nói trên thì khó mà nghĩ rằng tôi đang luyến tiếc chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhưng ông bạn tôi, GS Trần Đình Sử, thì có khác như sau đây:

    1) Ông viết: “Trên Tạp chí Cộng sản số 8/2008, ông (P.L) có bài phàn nàn về việc không tiếp tục sử dụng khái niệm phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa đã gây ra trở ngại cho phê bình văn học rất nhiều”4. Tôi vô cùng ngạc nhiên, đọc đi đọc lại mãi mới thấy một đoạn hành văn có đôi chỗ hơi giống giống, nhưng nội dung tinh thần thì đối lập hẳn, khác nhau hoàn toàn. Đó là đoạn phê bình (và tự phê bình) về công tác lý luận sau thời kỳ hiện thực xã hội chủ nghĩa là: “Chúng ta thường nói chung chung rằng lý luận chúng ta yếu kém…, vậy thì nhân đây phải nêu một điểm cụ thể là, đã hơn 20 năm qua sau khi không tiếp tục sử dụng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa… chúng ta không biết thay thế bằng phương pháp sáng tác nào… Thiếu đi một khá niệm về nguyên tắc tư tưởng nghệ thuật không những thiếu đi ngọn cờ trong sáng tác mà ít nhiều cũng mang lại sự lúng túng trong nghiên cứu, phê bình, giới thiệu, giao lưu…”5. Đây là lời nhận xét cho giới lý luận phê bình đương thời không có khả năng đưa ra một phương pháp sáng tác tương đối thích hợp, dù là tạm thời, để rồi hoàn thiện dần. Còn chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong hơn nửa thế kỷ đã gây trở ngại cho sáng tác; nghiên cứu lý luận phê bình phải đấu tranh lâu dài gian khổ mới loại bỏ được, còn liên quan gì đến đây nữa?

    2) Bạn tôi lại viết: “Và ông đã dự báo một phương pháp sáng tác mới do bản thân ông đưa ra, gọi là “chủ nghĩa chân thực”. Điều đó cho thấy ông rất luyến tiếc khái niệm phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa”6. Tôi lại thấy ngược lại. Mới vừa thấy chủ nghĩa chân thực đã liên hệ ngay với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, chứng tỏ chính bạn tôi mới thật sự bị ám ảnh với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. “Chủ nghĩa chân thực”, đúng là nghe hơi lạ, nhưng không phải tôi bịa ra, mà dịch từ thuật ngữ “Verisme” vốn đã xuất hiện trong lịch sử mĩ học do L.Capuana đề xướng không có giây mơ rễ má gì với lý thuyết Xô-viết, nhưng tôi cho rằng nó diễn đạt trúng vấn đề hơn. Còn chủ nghĩa hiện thực (Réalisme) không phải là sai, tuy nhiên, từ “hiện thực” vốn chỉ đối tượng khách thể cho nên không tránh khỏi xu hướng thiên về việc phản ánh thực tế, bằng dạng thái của chính cuộc sống hiện thực, và như thế cũng tốt, nhưng là đơn thức, đơn dạng, vì hiện thực chỉ tồn tại một cách duy nhất. Còn chân thực, tuy cũng phải phản ảnh đúng hiện thực nhưng nằm trên bình diện nhận thức của chủ thể, mỗi người thậm chí là một người trong những trường hợp khác nhau sẽ có những biểu hiện khác nhau, nghĩa là chan chứa cái khả năng trở nên đa dạng, đa thức hơn.

    Vừa trên là vế đầu “Chủ nghĩa chân thực”, còn vế sau “Dân bản” thì không có chút tơ hào gì có thể liên tưởng đến chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, cho nên không thấy bạn tôi đả động gì đến. Nhưng Dân bản là tinh hoa cổ điển phương Đông lại hồi phục mạnh mẽ trong thời Đổi mới, có thể góp phần làm nên ngọn cờ văn học nghệ thuật chúng ta. Dân bản cổ điển đến thời hiện đại ngày càng được triển khai trên ba nền tảng dân tộc, dân quyền, dân sinh với ba mục tiêu làm thành tiêu ngữ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Nếu tôi không nhầm thì nước ta là duy nhất mà quốc hiệu có kèm theo tiêu ngữ có tính chất “dĩ bất biến ứng đa biến” này. Quốc hiệu có thể thay đổi từ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” thành “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nhưng tiêu ngữ vẫn là Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Màu sắc dân tộc độc đáo này nên được phản ánh vào đường lối văn học, nghệ thuật chúng ta.

    3) Bạn tôi lại viết: “Có thể thấy niềm đam mê các lý thuyết Xô-viết một thời ở ông vẫn còn rất sâu nặng, và cho dù ông đã giới thiệu cả nghìn trang về lý thuyết phương Tây hiện đại, trong tâm khảm ông, những nguyên lý văn học Liên xô một thời vẫn có vị trí vững chãi’’ 7 . Tôi chắc là bạn nói vui thôi, gây ấn tượng trước khi kết thúc, chứ nếu nói thật lòng nghiêm túc, thì không thể quên so sánh giữa hai ta. Bạn hai lần đi Liên xô làm luận án sáu, bảy năm gì đấy thì ấn tượng, kỷ niệm, thu hoạch, mở mang tầm mắt, trí tuệ, chắc không ít, đến nay còn đọng lại được bao nhiêu? Còn tôi học mót được mấy câu tiếng Nga, cũng đi Liên xô hai lần, nhưng tổng cộng chưa đầy một trăm ngày, bây giờ tất yếu quên tiệt mọi việc, làm gì có chuyện “Đam mê… Xô viết… Lý thuyết... Sâu nặng…”! Nói cho vui, nếu phải thành khẩn khai báo thì vét mãi trong tim cũng chỉ còn mấy câu thơ: “Đi hết phương trời ta về đây/ Thôi rồi, vĩnh viễn chín mươi ngày/ Thắm tình thương nhớ hoa dầm lệ/ Tuyết ngậm quanh phòng mái tóc bay”. Chỉ mấy câu thơ thẩn này đủ choán hết tâm khảm rồi, không còn chỗ cho nguyên lý văn học Liên xô hiện thực xã hội chủ nghĩa nữa rồi. Đến chế độ xã hội mà cũng sụp đổ tan tành, còn nói chuyện gì khác.

    Cố nhiên việc tôi từ bỏ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là một quá trình lâu dài và quanh co phức tạp, có cơ sở thời gian thực tế từng bước. Muốn phủ nhận nó phải đối diện với bề dày thời gian của sự việc. Ban đầu thì Liên xô nói gì chúng ta cũng theo (trong phạm vi văn hóa), nhưng cũng có ngoại lệ như trường hợp khái niệm “Hình thức dân tộc” của Stalin. Còn về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, tuy có trong văn kiện của Đảng nhưng thái độ của lãnh tụ không hoàn toàn giống nhau. Bác và đồng chí Lê Duẩn thì không có ý kiến gì. Đồng chí Trường Chinh thì nói: “Đảng tôn trọng quyền lựa chọn phương pháp sáng tác của văn nghệ sĩ”. Đồng chí Phạm Văn Đồng cũng nói: “Còn về phương pháp sáng tác thì đó là vấn đề của các đồng chí”. Như thế thì không có ràng buộc về phương pháp sáng tác với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Song trong văn kiện lại xuất hiện mệnh đề “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác tốt nhất”. Đã không ràng buộc lại tốt nhất thì còn gì bằng! Cứ yên tâm mà quán triệt thôi, nhưng cũng không được bao lâu. Sau khi Stalin mất, Hội Nhà văn Liên xô đã bỏ cái vế sau nói về việc mô tả… kết hợp giáo dục người lao động… trong định nghĩa của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thế là đã bắt đầu chuyển động. Trong thời Khrutxov về sau, Marcov và đồng sự nhiều lần đăng bài kêu gọi phải “mở rộng hệ thống thi pháp hiện thưc xã hội chủ nghĩa” với nhiều cuộc tranh luận sôi nổi. Gần đến thời Đổi mới, Báo Văn nghệ có đề nghị tôi tổng thuật hai lần (1984,1986). Nói chung tranh luận nghiêng dần về phía Marcov. Bản thân tôi cũng còn chút phân vân, thấy phải thử nhìn lại vấn đề này trong tình hình nước ta. Đồng chí Trường Chinh cũng từng nói: “Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa thu hút và bao dung những yếu tố tích cực của những phương pháp khác, chẳng hạn như phương pháp lãng mạn, phương pháp tượng trưng. Chủ trương ấy nhằm khuyến khích văn nghệ sĩ ta sáng tạo, tìm thêm ra những cái mới làm cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa phát triển và phong phú thêm”8. Diễn đạt khác nhưng ý tưởng giống nhau, và đồng chí Trường Chinh đã sớm phát biểu từ năm 1962. Chúng tôi lại còn tìm được ý kiến của một vị mang định kiến nặng nề là Vũ Đức Phúc mà vẫn tràn đầy sự cởi mở, tiên tiến: “Những thi sĩ tượng trưng như Verlaine, Rimbaud không phải là không có chỗ khả thủ như phương pháp gợi cảm sâu sắc trong Con tàu say của Rimbaud cũng là một khám phá… Và với Proust, nhân vật cảm xúc hiện tại mà hồi ức lại một cách rất tự nhiên,rất nhiều tình cảm và cảm xúc trong quá khứ, cũng có thể phần nào giúp chúng ta thể hiện tâm lý nhân vật một cách không đơn giản”9. Như thế, ý kiến cần mở rộng hệ thống thi pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa sang các phương pháp sáng tác khác của Marcov về cơ bản là đúng và trở thành đỉnh cao của lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Liên xô mà lý luận của chúng ta cũng đã đạt tới.

    Nhưng ngay lúc ấy chúng tôi có nghĩ thêm rằng nếu thi pháp là hình thức mang tính nội dung, tính quan niệm, thì muốn mở rộng hệ thống thi pháp cũng phài phát triển, cởi mở về nội dung, kể cả về tính Đảng. Tạp chí Cộng sản, số 10/1987 liền đăng cho tôi bài Cần phát triển nguyên lý tính Đảng trong chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Và đến công trình Nhìn lại nửa thế kỷ lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (1999) thì đã có chuyên mục Đổi mới phát triển trên tất cả thành tố từ nội dung đến thi pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, nghĩa là đã thoát biến trên con đường hình thành một thực thể mới. Trong lúc giao thời giữa hai thế kỷ, lác đác xuất hiện các thuật ngữ Hậu hiện thực xã hội chủ nghĩa, Tân hiện thực xã hội chủ nghĩa… nghe sao nó lưu luyến quá. Tôi suy tư theo hướng cái mới càng bớt màu mè của cái cũ càng tốt. Nói dễ, nhưng nghĩ khó! “Chủ nghĩa chân thực dân bản của tôi, do đó, phải gần 10 năm sau (8/2008) mới xuất hiện là vì vậy. Đôi điều trao đổi và bổ sung cho bạn thêm rõ ngọn ngành, lớp lang trong khi bình luận, viện dẫn các bài viết của tôi.

 

 

 

Chú thích:
1 Trần Đình Sử (2023), Phê bình văn học Việt Nam hiện đại, NXB Đại học Sư phạm.
2 Phương Lựu (2009), Vì một nền lý luận văn học dân tộc hiện đại, NXB Văn học.
3, 5 Phương Lựu (2009), Vì một nền lý luận văn học dân tộc hiện đại, NXB Văn học, tr.96, 99.
4, 6, 7 Trần Đình Sử (2023), Phê bình văn học Việt Nam hiện đại, NXB Đại học Sư phạm, tr. 411, 411, 411-412.
8 Trường Chinh (1976),Về văn hóa văn hóa. H.tr. 304.
9 Phương Lựu (1999), Nhìn lại nửa thế kỷ lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, NXB Giáo dục, tr. 79.

Bình luận

    Chưa có bình luận