ĐỂ CHUẨN HƠN VÀ TỐT HƠN TRONG VIỆC DỊCH ĐƯỜNG THI TRUNG QUỐC

Bài viết giới thiệu khái quát về thơ Đường Trung Quốc, thơ Đường luật Việt Nam và việc dịch Đường thi Trung Quốc ở Việt Nam. Đồng thời, lấy sự cảm nhận, phân tích tác phẩm ''Đường thi - Luận giải và thưởng thức'' của Trần Trọng Sâm là một câu chuyện trao đổi học thuật về việc dịch Đường thi để có những gợi mở cho việc dịch Đường thi được chuẩn hơn, tốt hơn.

Trung Quốc vào thời nhà Đường có Đường thi vừa có nghĩa là thơ đời nhà Đường vừa có nghĩa là thơ có thi luật riêng ở đời nhà Đường, là một thành quả thơ ca sáng giá trong lịch sử thơ ca nhân loại. Theo quy luật tự thân của đời sống văn hoá là sự lan toả ảnh hưởng của một nền văn hoá lớn đối với các nền văn hoá nhỏ hơn trong khu vực, thơ Đường luật đã có mặt ở Việt Nam từ thời Bắc thuộc nhà Đường. Dân tộc ta đã đón nhận thể thơ Đường luật theo quy luật tiếp biến (acculturation) để tạo ra trên đất nước một dòng thơ Đường luật đồ sộ, phong phú, liên tục tuôn chảy. Có tài liệu cho biết, ngay ở thời thuộc Đường đã có người Việt làm thơ Đường luật được thi nhân Trung Quốc thán phục. Chính sứ Nguyên đã nói với đất nước của “Đường Tống bát đại” rằng: “An Nam tuy tiểu văn chương đại/ Vị khả khinh đàm tỉnh đế oa” (Nước An Nam tuy nhỏ nhưng có văn chương đại/ Các ngươi chớ có thể như ếch ngồi đáy giếng mà coi thường)1. Với văn học Việt Nam trung đại, thơ Đường luật trước bằng chữ Hán sau thêm chữ Nôm trở thành thể thơ chủ công phản ánh cuộc sống Việt Nam, con người Việt Nam, thể hiện những triết lý nhân sinh kỳ diệu, những tư tưởng, tình cảm cao đẹp nhất của Việt Nam. Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên Nam quốc sơn hà là Đường luật. Thuật hoài, bài thơ về vận nước gieo neo của Đặng Dung, là Đường luật. Độc Tiểu Thanh ký, bài thơ thể hiện nỗi cô đơn cực độ của thiên tài Nguyễn Du giữa cuộc đời, là Đường luật. Chạy Tây, bài thơ ghi lại khoảnh khắc đầu tiên quê hương bị giặc Pháp đánh chiếm của Nguyễn Đình Chiểu, là Đường luật. Phan Bội Châu có Xuất dương lưu biệt dậy sóng hăm hở lên đường cứu nước. Với Hồ Chí Minh là Ngục trung nhật ký, bông hoa đặc sắc cuối mùa của vườn hoa Đường thi Hán tự Việt Nam “cất lên từ một chân trời mới lạ” (Đặng Thai Mai)… Còn hiện nay, phong trào làm thơ Đường luật lại trỗi dậy. Có tài liệu cho biết đã có khoảng 20 vạn bài. Và cùng với việc sáng tác thơ Đường luật còn là việc nghiên cứu thơ Đường luật. Đã có luận án tiến sĩ Thơ Đường luật Việt Nam thời trung đại và các kỷ yếu Hội thảo khoa học đã in sách: Thơ Đường luật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thơ Đường luật trong dòng văn học yêu nước và cách mạng ở đầu thế kỷ XX, Thơ Đường luật của Tú Xương, Thơ Đường luật với Hải Phòng, Thơ Đường luật thời nhà Lý, Thơ Đường luật thời nhà Trần

    Ở Việt Nam ta, cùng với việc sáng tác Đường thi Việt Nam còn có việc dịch Đường thi ra tiếng Việt mà câu chuyện đang nói ở đây là chuyện dịch Đường thi Trung Quốc. Việc dịch Đường thi Trung Quốc đã có mầm mống từ thời trung đại. Câu thơ Kiều “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” là dịch từ câu “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” của Thôi Hiệu (Trung Quốc). Đến những năm 20 của thế kỷ XX thì việc dịch Đường thi Trung Quốc đã phát triển với các dịch giả như: Tản Đà, Tương Như, Trần Trọng Kim…, sau này là Ngô Văn Phú và nhiều vị khác. Với người Việt Nam có học trước đây không ai không thuộc lòng và thích ngâm nga dịch phẩm Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu với lời dịch kỳ tài của nhà thơ núi Tản sông Đà: “Hạc vàng ai cưỡi đi đâu/ Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ/ Hạc vàng đi mất từ xưa/ Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay/ Hán Dương sông tạnh cây bày/ Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non/ Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”. Dịch phẩm Đường thi đã là một món ăn tinh thần vô giá của nhiều người Việt Nam. Sách Đường thi - Luận giải và thưởng thức của soạn giả Trần Trọng Sâm2 là chuyện trao đổi học thuật về việc dịch Đường thi sao cho chuẩn hơn. Trong học thuật, điều quan trọng nhất là thế bút. Thế bút khác bút lực. Bút lực là chuyện viết nhiều, viết khoẻ nhưng chắc gì đã có chất lượng. Trong khi viết nhiều hay ít mà thế bút cường tráng hơn người thì thành tựu dễ hơn người ít ra là ở mặt này, mặt khác. Tôi rất muốn bạn đọc sách Đường thi - Luận giải và thưởng thức, biết qua một chút về cuộc đời và nghề nghiệp của Trần quân để xem thế bút ở đây là đáng quý nể. Trần quân nay đã ở tuổi cửu tuần, quê Thanh Chương - Nghệ An; sau khi tốt nghiệp trung học, gia nhập đội thanh niên xung phong phục vụ tiền phương; năm 1955, được cử đi học đại học ở Trung Quốc; sau đó làm việc tại các công trường ở Tam Đảo, Nghĩa Lộ; gia đình cư trú tại thị xã Phúc Yên. Ông đã ra sức tự học thêm Hán ngữ và trở thành một nhà Trung Quốc học sáng giá với một khối lượng công trình nghiên cứu dịch thuật có lẽ nhiều hơn ai hết trong khoảng vài chục năm nay; đặc biệt là có quan hệ rất gắn bó với các bạn cũ Trung Quốc về sách vở, học thuật. Tôi vốn không quen biết Trần quân nhưng không ngờ lại có duyên với nhau. Lần đầu, Trần quân nhờ giới thiệu dịch phẩm Danh nhân truyền thế của Trung Quốc do Sở Văn hoá Vĩnh Phúc đặt hàng để phục vụ các đại biểu của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc chuẩn bị Đại hội toàn quốc của Đảng khoá XI. Tiếp đó là nhờ giới thiệu sách Kinh Dịch diễn giải: mưu cầu tồn tại và phát triển mà với tôi đây là một thành tựu mới về dịch học ở nước ta so với những gì đã có do có sự cập nhật tư liệu về tình hình dịch học của thế giới hiện đại từ nguồn tư liệu Trung Quốc. Rồi nữa là nhờ giới thiệu sách Biên dịch từ nguyên bản bộ sách Tứ thư của các soạn giả Trung Quốc là Dương Hồng, Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viện, Lưu Phong và nay là sách Đường thi - Luận giải và thưởng thức. Sách gồm hai phần: Phần I: Luận giải; Phần II: Thưởng thức.

    Phần I. Luận giải, gồm những luận điểm và tiểu mục nhằm trao đổi ý kiến về điểm này, điểm khác cần chính xác hơn hoặc cần có thêm để có dịch phẩm Đường thi tốt hơn gồm:

    - Giới thiệu thơ Đường không thể không giới thiệu xuất xứ bối cảnh của bài thơ.

    - Dịch lại bài thơ Vấn Lưu Thập Cửu của Bạch Cư Dị (722-840), nhà thơ Trung Quốc thời Thịnh Đường.

    - Dịch lại bài thơ Tặc thoái thị quan lại của Nguyễn Kết (679-722), nhà thơ Trung Quốc thời Thịnh Đường.

    - Đọc bài Đăng U Châu đài ca của Trần Tử Ngang, nhà thơ đầu đời nhà Đường, và các bài dịch lâu nay ở nước ta, nghĩ đến phải thay bối cảnh dịch thơ Đường.

    - Không hiểu xuất xứ bài thơ Đường không dịch chuẩn được tứ thơ.

    - Để hiểu bài thơ Tân niên tác của Lưu Trường Khanh (714-790), nhà thơ Trung Quốc thời Thịnh Đường.

    - Cái khó khi dịch thơ Đường, lấy bài Ô Y hạng của Lưu Vũ Tích (766-835) thời Trung Đường.

    - Nhân đọc bài Dã vọng của Vương Tích (585-644), nhà thơ đầu đời Đường, nghĩ đến nên dịch thơ Đương như thế nào mới chuẩn.

    - Ai đúng ai sai trong bài dịch thơ Đường.

    - Điểm qua 7 nhà thơ đã dịch bài Khiển bi hoài kỳ nhất của Nguyên Chấn (779-933), nhà thơ Trung Quốc thời Vãn Đường.

     Ở mỗi luận điểm và tiểu mục, Trần quân đều vận dụng các thao tác: ghi lại thi phẩm vừa theo phồn thể vừa theo giản thể; phiên âm thi phẩm vừa là Hán Việt vừa là Hán; chú thích các từ, dịch xuôi nghĩa của thi phẩm, nêu hoàn cảnh sáng tác. Có trường hợp còn nêu chuyện đời của thi nhân trực tiếp liên quan đến chi tiết nào đó của thi phẩm. Các dịch giả Đường thi khi trình bày dịch phẩm thường chỉ có phiên âm, dịch nghĩa, chú giải một số từ, dịch thơ. Còn Trần quân với vốn hiểu biết của một nhà Trung Quốc học chuyên sâu thì đã thực hành lại các thao tác một cách tỉ mỉ, cặn kẽ để rồi trao đổi với các dịch phẩm đã có ở điểm này điểm khác chưa đúng hoặc cần có mà chưa có trong khi dịch thi phẩm. Đúng ở đây chỉ là chuyện cần hiểu đúng, hiểu sâu hơn thi phẩm để có dịch phẩm chuẩn hơn, dù chưa phải là chuyện cuối cùng là dịch phẩm hay Đường thi. Bởi để có dịch phẩm hay thì còn phải có sự cất cánh thi hứng, thi tài của dịch giả mà Trần quân phải mong đợi ở các vị khác, mong sao nhà thơ của núi Tản sông Đà tái sinh để hậu thế được nhờ.

    Xin lược ghi lại đây vài nội dung luận điểm để bạn đọc sơ bộ biết ông đồ Nghệ chuyên sâu Trung Quốc học Trần Trọng Sâm ở cuốn sách này là thế nào? Riêng tôi xin nói là rất quý nể.

    Luận điểm “Giới thiệu thơ Đường không thể không giới thiệu xuất xứ bối cảnh của thơ”. Đây là trường hợp về bài thơ Hà Mãn Tử của Trương Hộ: “Cố quốc tam thiên lý/ Thâm cung nhị thập niên/ Nhất thành Hà Mãn Tử/ Song lệ lạc quân tiền”, từng được cho là bài thơ hay nhất của thể thơ năm chữ của Trung Quốc mà bản dịch trong sách 300 bài thơ Đường (NXB Văn học) chỉ chú thích một chữ “Quân” là: quân vương hay anh, bác; và dịch nghĩa có mấy ý như sau: “Cố quốc ba ngàn dặm/ Thâm cung hai mươi năm/ Một tiếng Hà Mãn Tử/ Hai hàng lệ rơi trước quân vương”. Theo Trần quân, “Giới thiệu một bài thơ như vậy không thể khiến người đọc hiểu được ý sâu xa của bài thơ mà chỉ như một bài học chữ Hán”. Từ đó, Trần quân đã cho người đọc biết những điều rất cảm động về Hà Mãn Tử là gì?: “Là tên một khúc ca hát lên tha thiết lâm ly, giải được mọi khổ hận trong lòng khiến người thêm lạc quan yêu đời. Trong Nhạc phủ thi tập của Trung Quốc có ghi chép: Nhà thơ Bạch Cư Dị kể rằng: Thời Đường Huyền Tông khai nguyên (713) có một ca sĩ ở Thương Châu (chứ không phải Dương Châu) trước khi bị thụ hình, xin Hoàng đế diễn xướng ca khúc này để Hoàng thượng nghe nhằm xin miễn tội chết nhưng không được. Thời Đường Vũ Tông, trong cung nữ có Mạnh Tài Nhân là người thổi sáo điêu luyện nhất, đồng thời có giọng ca khuynh đảo lòng người, rất được Đường Vũ Tông sủng ái chọn làm phi tần, thậm chí còn muốn cho làm Hoàng hậu, nhưng cuộc sống tươi đẹp đó không được bao lâu thì Đường Vũ Tông đổ bệnh. Mạnh Tài Nhân suốt ngày buồn khóc khi vắng người nhưng trước mặt Đường Vũ Tông vẫn cố vui cười và ca hát để mong Đường Vũ Tông bớt nỗi đau bệnh tật, sống thêm cho hạnh phúc của mình cũng được dài thêm. Đường Vũ Tông hết sức thương cảm và nói với Mạnh Tài Nhân: Trẫm sắp về Tây thiên, khanh sẽ giải quyết cuộc đời mình thế nào đây? Mạnh Tài Nhân chỉ vào dải lụa mà thường ngày nàng nâng sáo thổi, nghẹn ngào nói: Thần thiếp sẽ dùng dải lụa này chết theo Hoàng thượng để đáp lại ân tình Hoàng thượng đã đối với thần thiếp. Hoàng thượng nghe xong, gật đầu rồi lại lắc đầu nhưng cuối cùng cũng đồng tình với Mạnh Tài Nhân. Một lát sau, Mạnh Tài Nhân nói tiếp: Tiện thiếp hi vọng được hiến dâng một bài ca mà tiện thiếp chưa hát bao giờ để xua đuổi những đắng cay của cuộc đời. Hoàng thượng mê ly nhìn Mạnh Tài Nhân và gật đầu trong mệt mỏi. Ai ngờ Mạnh Tài Nhân vừa cất lên được ba tiếng Hà Mãn Tử thì đã hết hơi, lệ tràn hai gò má, ngã gục trong nháy mắt. Đường Vũ Tông cho gọi Thái y. Bắt mạch xong, Thái y nói: Mạch thì còn thoi thóp nhưng ruột nàng thì đã đứt từ lâu. Đường Vũ Tông nghe xong, máu trong cơ thể như chuyển không kịp trong khoảnh khắc cũng ngã đầu gục xuống. Điều ngạc nhiên là quan tài của Đường Vũ Tông quá nặng, không sao khiêng nổi. Bỗng có một đại thần kiến nghị: Có lẽ Hoàng thượng đang đợi Mạnh Tài Nhân. Mọi người nghe vậy không thể không thử một tí là đem quan tài Mạnh Tài Nhân đến bên cạnh. Lúc này mới khiêng nổi quan tài của Đường Vũ Tông. Vì vậy, mọi người quyết định an táng hai quan tài cùng trong một thời gian. Trước tình hình như vậy, Trương Hộ làm bài thơ Hà Mãn Tử”.

    Bạn đọc thấy thế nào sau khi Trần quân cho biết những câu chuyện như trên và hoàn cảnh Trương Hộ sáng tác bài thơ Hà Mãn Tử được cho là hay nhất trong thể thơ năm chữ của Đường thi Trung Quốc?

    Luận điểm về “Cái khó khi dịch Đường thi”. Lấy bài Ô Y hạng của Lưu Vũ Tích làm ví dụ. Bài thơ: “Chu Tước kiều biên dã thảo hoa/ Ô Y hạng khẩu tịch dương tà/ Cựu thời Vương Tạ đương tiền yến/ Phi nhập tầm thường bách tính gia”. Trần quân đã ghi lại 13 bản dịch. Một trong hai bản dịch của học giả Trần Trọng Kim, tác giả của bộ sách Nho giáo để đời, là: “Bên cầu Chu Tước có hoa/ Ô Y ngõ hẻm bóng tà thẩn thơ/ Nhà Vương, Tạ yến bơ vơ/ Bay về lại ở những nhà dân gian”. Bản dịch của nhà thơ Ngô Văn Phú: “Cầu Chu Tước cỏ đang hoa/ Ngõ Ô Y ánh chiều tà xiên ngang/ Én thời họ Tạ, họ Vương/ Lượn bay trên nóc nhà xoàng thứ dân”. Bản dịch của Tản Đà: “Bên cầu Chu Tước có hoa/ Ô Y đầu ngõ bóng tà tịch dương/ Én xưa nhà Tạ, nhà Vương/ Lạc loài đến chốn tầm thương dân gia”. Trần quân nhận xét: “Qua các bản dịch của các dịch giả trên, ta thấy đang dịch theo nghĩa đen từng câu chữ như một bài tả cảnh đơn thuần, chưa giúp bạn đọc hiểu đươc thâm ý của nhà thơ”. Ông đã dịch xuôi lại bài thơ theo cách hiểu của mình và cho rằng: “Vì sao chiều hướng logic của tứ thơ phải như vậy. Nếu là tả cảnh ngày nay ở bên cầu Chu Tước và ánh chiều tà ở đầu ngõ Ô Y chỉ có như vậy thì chả có ý nghĩa gì là thơ cả. Nhưng tại sao bài thơ lại có mặt trong 300 bài Đường thi hay nhất để đời cho đến ngày nay. Nhà thơ nói cảnh ngày nay ở cầu Chu Tước, cảnh chiều tà ở ngõ Ô Y, cảnh chim én đổi chỗ là để gợi cho người đọc tự nhớ lại cảnh ngày trước ở những nơi này nhằm hiểu rõ sự thịnh suy ở đời”. Theo cách hiểu của Trần quân thì đây là bài thơ hoài cổ chứ không phải là tả cảnh. Ý bạn đọc là thế nào nhỉ?

    Phần II. Thưởng thức, gồm các tiểu mục (lược ghi):

    - Đọc bài thơ Khiển bi hoài kỳ nhị của Nguyên Chấn (779-813), nhà thơ Trung Quốc thời Vãn Đường.

    - Đọc bài thơ Khiển bi hoài kỳ tam của Nguyên Chấn (779-813), nhà thơ Trung Quốc thời Vãn Đường.

    - Bài thơ Giang tuyết của Liễu Tôn Nguyên (773-819), nhà thơ Trung Quốc thời Trung Đường.

    - Bài thơ Xuất tái của Vương Chi Hoán (688-742), nhà thơ Trung Quốc thời Thịnh Đường.

    - Bài thơ Tần trung cảm thu ký Viễn thượng nhân của Mạnh Hạo Nhiên (689-740), nhà thơ Trung Quốc thời Thịnh Đường.

    - Bài thơ Tặng nội nhân của Trương Hộ (766-835), nhà thơ Trung Quốc thời Trung Đường.

    - Bài thơ Vọng nhạc của Đỗ Phủ (712-770), nhà thơ Trung Quốc thời Thịnh Đường.

    - Bài thơ Khách chi của Đỗ Phủ (712-770), nhà thơ Trung Quốc thời Thịnh Đường.

    - Bài thơ Hành lộ nan kỳ I của Lý Bạch (701-762), nhà thơ Trung Quốc thời Thịnh Đường.

    - Bài thơ Tống biệt của Vương Duy (701-761), nhà thơ Trung Quốc thời Thịnh Đường.

    Ở Phần II này không còn là chuyện trao đổi học thuật trong việc dịch Đường thi sao cho chuẩn hơn mà là chuyện cùng các dịch giả Đường thi thưởng thức một số bài Đường thi. Mà với Trần quân thì việc thưởng thức vẫn là qua những thao tác như đã làm ở Phần I. Độc giả đọc Phần II này sẽ có thêm cơ hội đối chiếu những dịch phẩm được Trần quân ghi lại để xem các thành quả dịch thuật đó khác nhau thế nào, bản dịch nào, câu dịch nào, từ dịch nào đạt hơn. Với bài Hành lộ nan kỳ I của Lý Bạch chẳng hạn. Ngoài phần việc của Trần quân là 12 dịch phẩm của Lê Nguyễn Lưu, Ngô Văn Phú, Hoàng Tạo, Trần Trọng Kim, Nguyễn Khắc Phi, Phi Minh Tâm, Mai Lang, Nguyễn Minh, Trương Việt Linh, Linh Vũ, Phạm Thanh Cải, Tạ Trung Hậu. Đúng là Trần quân đã cung cấp cho chúng ta một hiện tượng văn bản để thấy rõ thêm sức cuốn hút của Đường thi và độ đam mê Đường thi của người Việt Nam ta là thế nào. Một bài thơ mà có đến 12 bản dịch và một bản phân giải nội dung. Đây còn là cơ hội để người đọc luyện thêm kỹ năng so sánh lựa chọn, bình phẩm trong lao động thẩm mĩ thưởng thức thơ ca.

 

 

 

Chú thích:
1 Đinh Công Vĩ (2021): “Thơ Đường luật đời Trần: Từ cội nguồn đến thời văn chương Việt chói lọi hào khí Đông A”, sách Thơ Đường luật thời nhà Trần, NXB Hội Nhà văn.
2 Soạn giả Trần Trọng Sâm còn được tác giả gọi trang trọng là Trần quân, giống như gọi Trần tiên sinh, ngài Trần, Trần học giả…

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận