MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI) VỚI NHIẾP ẢNH NGHỆ THUẬT

Từ một trường hợp cụ thể trong cuộc thi nhiếp ảnh SWPA 2023, bài viết phân tích bản chất của ảnh nghệ thuật do con người sáng tạo và tác phẩm ảnh do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra. Từ đó chỉ ra mối quan hệ giữa trí tuệ nhân tạo với nhiếp ảnh nghệ thuật và sự cần thiết phân định hai loại sản phẩm này, cũng như cần có cuộc thi riêng cho hai loại ảnh đó: ảnh AI tạo ra và ảnh do con người chụp.

    Câu chuyện liên quan giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và nhiếp ảnh có một dấu mốc đáng để ghi nhớ bắt đầu từ cuộc thi nhiếp ảnh tháng 3/2023 do Sony tổ chức (SWPA 2023). Sau khi Ban Giám khảo công bố danh sách những người chiến thắng ở các hạng mục, tác giả người Đức Boris Eldagsen 52 tuổi đã từ chối giải thưởng hạng mục Sáng tạo trị giá 5.000 USD trao cho ông. Ông thông báo bức chân dung đen trắng chụp hai người phụ nữ của ông thực chất là do công nghệ AI tạo ra. Điều này đã làm Ban Tổ chức thực sự choáng váng (theo Daily Mail). Để tìm hiểu lý do dẫn đến việc Boris Eldagsen từ chối nhận giải thưởng, chúng ta hãy cùng nhau xem xét những vấn đề liên quan giữa AI và nhiếp ảnh sau đây.

    Trước hết, câu hỏi đặt ra: thực chất tác phẩm ảnh do AI tạo ra là gì? Câu trả lời có thể như sau: Đó là một hình ảnh ghép, được tích hợp từ một số ảnh đơn nguyên là những ảnh đã được chụp từ thực tế cấu thành ảnh tích hợp do AI tạo ra bởi câu lệnh theo tư duy nghệ thuật nhiếp ảnh một cách hợp lý và logic nhất, cả về thời gian, không gian, luật ánh sáng, luật xa gần, bố cục, hướng vận động… Câu lệnh được người điều hành đặt ra không chỉ là một mà có thể là hàng loạt câu ra lệnh cho AI tự động chỉnh sửa tác phẩm cho đến khi ngườira lệnh “hài lòng”. Cụ thể như với Boris Eldagsen, con số này là từ 20 đến 40 lần trong quá trình tạo ra tác phẩm nêu trên.

    Nói đến bản quyền tác giả hình ảnh do AI tích hợp tạo ra, nếu toàn bộ những ảnh đơn nguyên đều do một nhiếp ảnh gia chụp và cũng chính người đó ra câu lệnh cho AI thực hiện tạo dựng hình ảnh tích hợp đó thì bản quyền tác ảnh AI thuộc về người đó. Còn nếu người ra câu lệnh cho AI thực hiện tạo dựng hình ảnh nhưng cho phép AI tích hợp cả ảnh đơn nguyên của các tác giả khác thì tác giả hình ảnh tích hợp đã xâm phạm bản quyền của các tác giả có ảnh đơn nguyên bị sử dụng trái phép. Trong trường hợp của Boris Eldagsen, ông tuyên bố tác phẩm của ông được Ban Giám khảo trao giải không phải là ảnh thật mà là ảnh do AI tích hợp từ những ảnh đơn nguyên do người khác chụp, đó là hai người phụ nữ, và những chi tiết khác. Những hình ảnh đơn nguyên này có thể do chính Boris Eldagsen hay AI “lục lọi, tìm kiếm” lấy từ kho tàng lưu trữ ảnh chụp từ những năm 1940 hay chụp sau này nhưng diễn theo phong cách những năm 1940. Cái mốc những năm 1940 được ông chọn có thể để tránh sự tranh cãi khiếu nại vì những người phụ nữ này có lẽ đến nay không còn nữa để khiếu nại ông. Như vậy, sử dụng AI trong nhiếp ảnh rất dễ tạo ra nguy cơ xâm phạm bản quyền. Thật khó cho Ban Giám khảo các cuộc thi thời nay để phát hiện ra đâu là ảnh AI để phát hiện ra những ảnh đơn nguyên do một hay nhiều tác giả chụp được sử dụng trong một hình ảnh do AI tích hợp.

    Chúng ta bày tỏ sự khâm phục khả năng của trí tuệ nhân tạo (AI) – sản phẩm do chính con người tạo ra nhưng đến nay, với nhiếp ảnh, AI đã làm được những việc mà chính con người bình thường cũng không có được những kỹ năng như vậy, đó là: nhận dạng câu lệnh dưới dạng chữ viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt. Từ nhận dạng ngôn ngữ, AI hiểu và đối chiếu với danh mục ảnh đơn nguyên trong kho tàng AI được trao quyền quản lý chọn ra những ảnh có thể sử dụng để tạo ra hình ảnh tích hợp theo câu lệnh. Từ tệp ảnh đơn nguyên, AI sẽ chọn các phương án hình ảnh tích hợp để người điều hành lựa chọn. Quá trình tích hợp ảnh đơn nguyên của AI nhanh hay chậm (cho đến khi đạt được sự hài lòng của người điều hành) phụ thuộc vào cách ra câu lệnh mô tả chi tiết, gọn và rõ ý tưởng về hình ảnh mà AI cần tích hợp. Điều khó nhất mà AI làm được ở đây là từ những ảnh đơn nguyên mô phỏng tạo dựng được hình ảnh “như thật” cần tích hợp. Trên cơ sở đó, người điều hành tiếp tục ra câu lệnh để AI hoàn chỉnh hình ảnh đã được tích hợp. Trong giai đoạn này, AI mang vai trò quyết định trong việc tạo ra hình ảnh chắp ghép nhưng tuân thủ các quy luật ngặt nghèo, khắt khe về ánh sáng, thời gian, không gian… giống như thật mà người xem khó có thể nhận ra đó là ảnh do AI tạo dựng.

    Dù ngạc nhiên hay khâm phục khả năng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiếp ảnh nhưng có một điều chúng ta hiểu rằng ảnh do AI tạo ra và nhiếp ảnh truyền thống do con người chụp là khác nhau hoàn toàn. Chúng không thể cạnh tranh với nhau trong các cuộc thi. Ảnh chụp tự nhiên là hoàn hảo vì theo quy luật tự nhiên, còn hình ảnh do AI tạo nên không bao giờ có thể đạt tới mức độ đó do mục đích của hình ảnh AI chỉ là làm sao giống tự nhiên nhất. Hơn thế nữa, ngườira câu lệnh cho AI thực hiện cũng không thể bao quát hết các chi tiết của ảnh đơn nguyên để ghép cho hợp lý, logic. Trở lại SWPA 2023 với kết luận của Boris Eldagsen: “… chúng là những thực thể khác nhau. AI không phải là nhiếp ảnh, chính vì vậy, tôi không nhận giải thưởng này”. Thêm vào đó, Tổ chức Nhiếp ảnh Thế giới ghi rõ: “Mặc dù các yếu tố thực tiễn của AI có liên quan đến bối cảnh nghệ thuật tạo hình ảnh nhưng giải thưởng luôn và sẽ tiếp tục là nền tảng để tôn vinh sự xuất sắc, kỹ năng của các nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ làm việc trong lĩnh vực này”.

    Tuy nhiên tiềm năng sáng tác ảnh nghệ thuật của AI rất lớn và chúng ta cũng kỳ vọng sẽ có những cuộc thi riêng cho mảng này, thay vì để ảnh AI lẫn trong các sự kiện thi ảnh do con người chụp./.

Bình luận

    Chưa có bình luận