50 NĂM LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT VIỆT NAM ĐỒNG HÀNH VỚI CÔNG CUỘC TÁI THIẾT, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC: NHỮNG PHÁC THẢO GỢI MỞ *

* Trích nội dung chính phát biểu khai mạc của PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tại Hội thảo khoa học toàn quốc ''Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: Thực trạng và định hướng phát triển'', tổ chức tại Hà Nội, ngày 12/12/2023.

    Thực hiện nhiệm vụ do Ban Bí thư Trung ương Đảng giao, mỗi năm, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức một số hội nghị tập huấn, các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia, nhất là cán bộ trẻ, làm công tác tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản, truyền thông và cơ sở đào tạo cấp đại học, học viện trong cả nước. Hội đồng cũng tiến hành trao Tặng thưởng hằng năm của Ban Bí thư cho các tác giả có công trình, tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chất lượng cao; xét và hỗ trợ các bản thảo lý luận, phê bình có nội dung và phương pháp nghiên cứu mang tính mới, cần yếu để xuất bản và ra mắt công chúng. Và một nhiệm vụ đã trở thành sự kiện lớn, rất nổi bật, nhiều kỳ vọng trong năm, là tổ chức Hội thảo cấp quốc gia về văn hóa, 11 NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI văn nghệ. Năm 2023 này, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức thành công 05 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học với các chủ đề: Đề cương về văn hoá Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa, văn nghệ 80 năm qua (tổ chức vào tháng 3/2023); Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay: Thực trạng và định hướng phát triển (5/2023); 80 năm “Nhật ký trong tù” - những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng (8/2023); Đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong các trường đại học đa ngành - những vấn đề lý luận và thực tiễn (10/2023). Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao, Hội đồng phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức rất thành công Hội thảo khoa học Thế giới Nhạc, họa, thơ của Văn Cao. Cũng trong năm 2023, Hội đồng đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội đồng tại Nhà hát Lớn Hà Nội và ra mắt Tạp chí điện tử Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Ngày 6/12 vừa qua, Lễ trao tặng thưởng của Hội đồng dành cho 19 công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2022 được tổ chức một cách trang trọng tại Nhà hát Tuổi trẻ và truyền trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam. Các hoạt động của Hội đồng ngày càng có tác động tích cực, sức hội tụ và lan tỏa sâu rộng, được giới lý luận, phê bình và những người hoạt động văn học, nghệ thuật trong nước ghi nhận và đánh giá cao.

    Tiếp nối thành công của các hoạt động đã nêu, hôm nay, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: Thực trạng và định hướng phát triển.

    Thường trực Hội đồng và Ban Tổ chức Hội thảo xin nồng nhiệt chào đón và trân trọng cảm ơn Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đến dự và chỉ đạo Hội thảo. Nồng liệt chào đón và trân trọng cảm ơn các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan văn hóa, văn nghệ trung ương và địa phương; các nhà khoa học, các nhà quản lý, nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ trong cả nước đã về dự cuộc Hội thảo quan trọng này. Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 103 tham luận của các nhà quản lý văn hóa, văn nghệ; các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật công tác ở các cơ quan trung ương, địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu; các chuyên gia, văn n ghệ sĩ, có cả chuyên gia nước ngoài gửi tham luận đến Hội thảo (PGS, TS Anatoly Sokolov, Chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Moscow).

    Lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ là lĩnh vực đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống văn học, nghệ thuật nói riêng, sự phát triển của văn hóa, xã hội nói chung. Với vai trò là cầu nối giữa sáng tạo và tiếp nhận, lý luận, phê bình là người bạn đồng hành, đồng cảm, hỗ trợ, điều chỉnh, định hướng hoạt động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ và quá trình tiếp nhận thẩm mĩ của công chúng.

    Nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của lý luận, phê bình, từ khi thành lập đến nay, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới và phát triển, Đảng ta luôn quan tâm, chỉ đạo phát triển lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ, coi đây là một trong những trụ cột quan trọng cho sự phát triển nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

    Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, đổi mới và phát triển, đồng thời cũng mở ra cho văn hóa, văn nghệ nước nhà một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển và từng bước hoàn thiện theo xu hướng hoà hợp dân tộc, chủ nghĩa xã hội. Đó là những tiền đề hết sức quan trọng tạo điều kiện cho văn hóa, văn nghệ nước nhà phát triển mạnh mẽ trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng, bắt nhịp, cổ vũ, đồng hành với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”. Trong nửa thế kỷ đó, nền văn hóa, văn nghệ nước nhà được xây dựng, vun đắp trong không khí hòa bình, thống nhất, dân chủ, đổi mới, phát triển và hội nhập. Tất nhiên, để có sự thăng hoa trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, chúng ta vừa phải biết tiếp nhận, kế thừa, sáng tạo những giá trị văn hóa, văn nghệ ưu việt, nhân văn, vừa phải hòa hợp, hóa giải những trở ngại, thách thức, có mặt phức tạp, do quan niệm, quan điểm chưa gặp nhau; những tác động từ mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; những biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc của hệ giá trị truyền thống và cả sự xâm lấn, ảnh hưởng của những trào lưu tư tưởng văn hóa từ bên ngoài. 50 năm cũng là khoảng thời gian cho phép chúng ta nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về những ưu điểm, kết quả, thành tựu và những hạn chế, bất cập, non kém của đời sống văn hóa, văn nghệ nước nhà, trong đó có công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá khách quan 50 năm văn hóa, văn nghệ Việt Nam từ sau 1975 đến nay, thêm một lần nữa chúng ta nhận thức rõ hơn sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước; sự đổi mới, kiên trì, linh hoạt của các cơ quan văn hóa, văn nghệ từ trung ương đến địa phương; sự nỗ lực của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ trong nước và cả ở nước ngoài. Đồng thời, từ việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, chúng ta cũng đúc rút được những bài học quý giá về việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ; thái độ ứng xử đúng đắn, có lý có tình đối với văn nghệ sĩ và tác phẩm của họ, nhất là những vấn đề mới, khó, có tính lịch sử cụ thể, tính cách tân tạo ra sự phân hóa và thách thức mĩ cảm của công chúng tiếp nhận; bài học về giải quyết các hiện tượng, sự việc xảy ra trong quá trình tìm tòi, sáng tạo và đánh giá nghệ thuật...

    Đây là những vấn đề vừa mang tính thời sự, vừa có tính trầm tích qua thời gian của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên quan tâm, tìm hiểu sâu, kỹ về đối tượng để nắm bắt kịp thời và có biện pháp xử lý linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

    Để bám sát chủ đề Hội thảo và đánh giá đầy đủ, khoa học, khách quan, toàn diện về thực trạng lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới và định hướng phát triển, chú trọng nhiều hơn đến công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, Ban Tổ chức Hội thảo mong muốn và đề nghị các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, các quý vị đại biểu tập trung trao đổi, bàn thảo trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, khoa học, khách quan về mấy nhóm vấn đề sau:

    Thứ nhất, đánh giá, khẳng định đường lối, chính sách văn hóa, văn nghệ đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước ta trong tiến trình xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ, nhất là công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nước ta qua 50 năm đất nước thống nhất, hòa bình, đổi mới, phát triển.

    Thứ hai, phân tích, đánh giá quá trình hòa hợp, hòa giải, thống nhất, tiếp biến, phát triển của nền văn học, nghệ thuật cách mạng, đồng thời đánh giá một cách khách quan, chính xác, thỏa đáng những đóng góp của bộ phận văn học yêu nước, tiến bộ ở các đô thị Miền Nam 1954-1975; văn học yêu nước, tiến bộ của của người Việt Nam ở nước ngoài; quá trình giao lưu, tiếp thu, tiếp biến các trào lưu tư tưởng, lý luận văn nghệ nước ngoài ở Việt Nam; những vấn đề đặt ra trong quá trình hòa hợp, giao lưu, tiếp nhận, tiếp biến văn hóa, văn nghệ đã, đang và cần được giải quyết.

    Thứ ba, đánh giá quá trình kế thừa và cách tân lý luận, phê bình văn nghệ dân tộc trong tiến trình xây dựng lý luận văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, phát triển, hội nhập.

    Thứ tư, khẳng định những ưu điểm, thành tựu; chỉ rõ những hạn chế, bất cập của văn hóa, văn nghệ nước ta, trong đó có lĩnh vực lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, văn nghệ, nhất là công tác lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam giàu tính dân tộc, khoa học, tiên tiến, dân chủ, nhân văn.

    Tổ chức cuộc Hội thảo khoa học tầm vóc quốc gia, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương mong muốn huy động được tâm sức, trí tuệ, trách nhiệm và sự đóng góp của giới nghiên cứu, phê bình văn hóa, văn nghệ nhằm bổ sung hệ thống luận cứ khoa học và thực tiễn, từ đó, tư vấn Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển nền văn hóa, văn nghệ nước nhà; phát huy vai trò định hướng của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong hoạt động thực tiễn.

    Chủ đề của Hội thảo là sự tập hợp, tiếp thu ý kiến của các đồng chí Lãnh đạo và Ủy viên Hội đồng qua các thời kỳ; của các nhà quản lý, các nhà khoa học; được Ban Bí thư và Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đồng tình và khích lệ. Con số 103 tham luận, trong đó có cả tham luận của nhà khoa học từ nước ngoài, mà Ban Tổ chức nhận được là một con số rất có ý nghĩa, chứng tỏ chủ đề Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các nhà khoa học và văn nghệ sĩ trong nước, ngoài nước.

    Hội thảo khoa học toàn quốc lần này được tổ chức vào thời điểm rất có ý nghĩa, khi Đảng ta đã và đang tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

    Vào dịp cuối năm, dù bận rộn rất nhiều công việc quan trọng nhưng Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương cùng các nhà quản lý, các nhà lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ và các văn nghệ sĩ đã đến với Hội thảo. Một lần nữa, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và Ban chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu khách quý, các đồng chí, đồng nghiệp đã tham dự, góp phần vào thành công quan trọng của Hội thảo.

Bình luận

    Chưa có bình luận