NHÌN LẠI NỬA THẾ KỶ LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, VĂN NGHỆ VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ MỚI *

* Phát biểu của GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tại Hội thảo khoa học ''Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: thực trạng và định hướng phát triển'' do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức ngày 12 tháng 12 năm 2023 – bản đã được tác giả chỉnh sửa.

    Kế thừa truyền thống vẻ vang, hào hùng của dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước, hơn hai mươi năm đấu tranh bền bỉ, anh dũng, kiên cường, bất khuất, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được thắng lợi vĩ đại trong mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc-Nam sum họp một nhà. Sau đại thắng mùa Xuân lịch sử ấy, với truyền thống cao cả - yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, khoan dung - toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu vừa khôi phục, tái thiết đất nước sau chiến tranh vừa xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Trong đó, chúng ta có quyền tự hào và trân trọng về những thành tựu rất quan trọng của lĩnh vực văn hoá, văn nghệ nói chung, công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng.

    Hội thảo của chúng ta bàn về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nhưng tôi muốn chia sẻ với các đồng chí về một phạm vi rộng hơn là văn hoá, văn nghệ, trong đó có công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

    Trước hết, cần khẳng định rằng từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; coi văn hóa, văn nghệ là một mặt trận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận ấy. Tư tưởng đó được thể hiện rất sớm, nổi bật trong Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 với những quan điểm lý luận, tầm nhìn xa về văn hoá, văn nghệ mang tầm Cương lĩnh của một đảng cách mạng khi mới chỉ hơn 13 năm tuổi. Kế thừa những tư tưởng còn nguyên giá trị về văn hoá, văn nghệ trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Đảng ta đã đổi mới tư duy, nhận thức, bổ sung lý luận, không ngừng hoàn thiện các chủ trương, đường lối về phát triển văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ mới.

    Ngay sau ngày đất nước thống nhất, Đảng ta đã đề ra đường lối xây dựng nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam mới, thống nhất quốc gia, hoà hợp dân tộc, vừa phát huy được tinh hoa văn hóa, văn nghệ của 54 dân tộc trên mọi miền đất nước, vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá, văn nghệ thế giới. Những quan điểm, đường lối đúng đắn đó được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), trong Nghị quyết số 03-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cùng với nhiều văn kiện của Đảng và tiếp tục được phát triển mới trong nhiệm kỳ Đại hội XIII với nhận thức sâu sắc rằng: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực nội sinh, động lực to lớn để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Điều đó cho thấy văn hóa càng có vai trò cực kỳ quan trọng trong bối cảnh phát triển hiện nay, đúng như lời khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24 tháng 11 năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn…”.

    Gần năm mươi năm qua, dưới ánh sáng đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn của Đảng, những khó khăn, vướng mắc, rào cản đối với văn học, nghệ thuật từng bước được tháo gỡ; môi trường hoạt động sáng tác, sáng tạo, nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật không ngừng được đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho văn học, nghệ thuật Việt Nam tiếp biến, hội nhập với văn học, nghệ thuật thế giới. Đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà ngày càng sôi động, có nhiều chuyển biến tích cực, đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại và sâu sắc hơn về phương thức thể hiện. Đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, đề tài về công cuộc đổi mới đất nước, nhất là các vấn đề lớn, phức tạp, nóng bỏng của đời sống xã hội được phản ánh chân thực, sinh động hơn trong các loại hình văn học, nghệ thuật. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao, có sức lan tỏa sâu rộng trong nước và trên thế giới đã ra đời, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, góp phần hình thành nên nguồn lực và động lực nội sinh để phát triển đất nước.

    Cùng với sáng tác văn nghệ, lý luận văn hóa, văn nghệ nước ta đã có những bước phát triển mới theo hướng dân tộc, dân chủ, khoa học, hiện đại và hội nhập. Nhiều công trình lý luận văn nghệ cả cổ điển và hiện đại của nhân loại đã được dịch và giới thiệu; những vấn đề về đặc trưng, bản chất, giá trị, vai trò, chức năng và các mối quan hệ của văn nghệ được nghiên cứu, kiến giải một cách khách quan, khoa học và có luận cứ thuyết phục hơn. Phê bình văn học, nghệ thuật đã góp phần phát hiện, giới thiệu với công chúng nhiều tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật hay; phát hiện cái hay, cái đẹp về nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật; hướng dẫn công chúng thưởng thức nghệ thuật; tạo cầu nối giữa văn nghệ sĩ với công chúng; động viên, cổ vũ và khích lệ những tìm tòi, sáng tạo.

    Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng trong thời gian qua, hoạt động văn nghệ chưa tương xứng với vị thế, tầm vóc và những đổi thay nhanh chóng của đất nước. Số lượng các tác phẩm lớn, có giá trị cao còn khiêm tốn; lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa bắt kịp với yêu cầu định hướng sáng tác, sáng tạo phục vụ nâng cao chất lượng của đời sống tinh thần và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Những hạn chế, bất cập này cần phải được nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác, từ đó đề ra những quyết sách phù hợp, hiệu quả để khắc phục, điều chỉnh kịp thời. Đây cũng là yêu cầu, nhiệm vụ được Đảng ta đề ra trong văn kiện tại các kỳ Đại hội Đảng, được nhấn mạnh trong các nghị quyết chuyên đề về văn hóa, văn học, nghệ thuật, như: Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới và Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

    Tôi đánh giá cao Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương về việc tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc hôm nay để nhìn nhận, đánh giá chặng đường phát triển của văn hoá, văn nghệ Việt Nam nói chung, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng trong nửa thế kỷ qua; từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp để chấn hưng, phát triển văn hoá, văn nghệ đất nước và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong thời gian tới. Tại Hội thảo này, tôi xin chia sẻ cùng các đồng chí một số nội dung sau đây:

    Thứ nhất, văn hóa, văn nghệ nước ta luôn lấy chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, kế thừa văn hoá, văn nghệ truyền thống dân tộc và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá, văn nghệ thế giới.

    Từ trong cội nguồn sâu thẳm, được hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, văn hoá đã trở thành hồn cốt, là điểm tựa, dệt kết nên sức mạnh vĩ đại và trường tồn của nhân dân Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giành, giữ và bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào thực tiễn cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng cả giá trị truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, từ đó hình thành một hệ thống quan điểm, tư tưởng lý luận toàn diện về văn hóa, văn nghệ Việt Nam. Với lập trường khoa học marxist về văn hóa, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã khẳng định rằng: Sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị vừa là một tất yếu khách quan. Việc xây dựng nền văn hóa mới phải gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, với xây dựng nền văn hoá xã hội chủ nghĩa, để văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”, văn hoá “lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.

    Văn nghệ là một hình thái tư tưởng, chuyển tải tư tưởng qua tình cảm, con người cảm thụ tư tưởng qua sự thăng hoa vào thế giới nghệ thuật. Không có hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn nghệ trong việc khắc hoạ, cổ suý và truyền bá cái đẹp, giáo dục tư tưởng và tình cảm con người. Chúng ta cần có phương thức truyền bá sâu rộng những tác phẩm sáng tạo văn học, nghệ thuật và những công trình phê bình, nghiên cứu về văn học, nghệ thuật đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng trong đời sống tinh thần xã hội. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, học và làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh về văn hoá, văn nghệ để vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong quá trình xây dựng nền văn hóa, văn nghệ mới.

    Thứ hai, văn hóa, văn nghệ có vai trò và sứ mệnh to lớn trong xây dựng con người mới.

    Khởi nguồn từ tư tưởng “nghệ thuật vị nhân sinh”, Đảng ta luôn nhất quán chủ trương phát triển con người phải được đặt vào vị trí trung tâm và là mục tiêu của quá trình phát triển văn hóa, văn nghệ. Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật mới lại càng phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm: nền văn hóa, văn nghệ mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa, văn nghệ của nhân dân, nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo, trao truyền, đồng thời cũng là chủ thể thụ hưởng những giá trị của nền văn hóa, văn nghệ ấy.

    Trong thời kỳ đổi mới, vấn đề xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước đang được đặt ra một cách cấp bách và rốt ráo hơn. Chúng ta cần phát huy hơn nữa vai trò của văn nghệ trong việc xây dựng, phát triển toàn diện con người Việt Nam với nhân cách cao đẹp và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhân ái để “mỗi người vì mọi người và mọi người vì mỗi người”, để mỗi người đều phát huy cao nhất bản chất tốt đẹp, có đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật phải làm nền tảng cho những sáng tác văn nghệ để văn nghệ không chỉ là vũ khí đấu tranh chống cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, mà còn là suối nguồn trong mát nuôi dưỡng tâm hồn con người bằng chân, thiện, mĩ; để chúng ta có nhiều hơn những tác phẩm văn học, nghệ thuật ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc, những tác phẩm chân thực, sinh động về con người Việt Nam có khát vọng, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ trong thời kỳ đổi mới, góp phần xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

    Thứ ba, luôn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.

    Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, văn nghệ, chúng ta trước hết phải bảo tồn và khai thác hiệu quả vốn văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc. Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật phải vừa bảo vệ, tôn vinh, vừa nâng tầm, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc; làm sao để văn hóa dân tộc phải là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa tính dân tộc và quốc tế, giữa cái phổ biến và đặc thù, giữa văn hoá đại chúng và văn hoá tinh hoa, bác học, giữa sự thống nhất và tính đa dạng của văn hoá, văn nghệ. Tôi muốn nói rằng nếu đánh mất bản sắc độc đáo và những giá trị quý giá của văn hóa, văn nghệ dân tộc thì chúng ta không còn là mình, không thể khẳng định tiếng nói và vị thế của mình trong cộng đồng quốc tế.

    Đi đôi với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, chúng ta cần kế thừa và cách tân vốn văn hóa dân tộc, cần giới thiệu, quảng bá những giá trị, sản phẩm văn hoá, văn nghệ Việt Nam ra thế giới. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước, phải tận dụng mọi hình thức khác nhau để thâm nhập, giao thoa, tiếp biến văn hoá sâu rộng vào cộng đồng quốc tế, như: lưu diễn ở nước ngoài; biểu diễn ở các điểm du lịch trong nước, trong lễ hội truyền thống; xuất khẩu sản phẩm nghệ thuật qua hợp tác văn hóa du lịch; quảng bá văn học, nghệ thuật qua phát thanh, truyền hình và các hình thức truyền thông đa phương tiện, mạng internet… Có như vậy, chúng ta mới phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho văn hóa, văn nghệ nước nhà ngày càng phong phú, hiện đại, góp phần nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

    Thứ tư, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật phải là một bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa, văn nghệ; hơn nữa còn là một bộ phận trong công tác lý luận chính trị của Đảng.

    Lý luận văn nghệ được đúc kết từ lịch sử văn nghệ của dân tộc và nhân loại. Khi lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật được chưng cất, đúc kết từ thực tiễn sáng tạo văn học, nghệ thuật, lý luận, phê bình đó càng có ý nghĩa quan trọng trong định hướng hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hoá, văn nghệ phong phú, sôi động.

    Tổng kết thực tiễn và đúc kết lý luận là nhiệm vụ thường xuyên của những người làm công tác lý luận của Đảng nói chung, của các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng. Chúng ta cần nghiên cứu một cách công phu, có hệ thống di sản tri thức lý luận văn nghệ của dân tộc và nhân loại; tiếp nhận, tiếp thu có sự chọn lọc phù hợp các trường phái, trào lưu, lý thuyết văn hóa, văn nghệ hiện đại để hiện đại hóa nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cần thấy rõ được những ưu thế, tính khả dụng của các lý thuyết và cả giới hạn lịch sử của chúng để lựa chọn, vận dụng một cách hiệu quả, tránh áp đặt, khiên cưỡng. Nhân đây, tôi đề nghị Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương sớm hoàn thành việc xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam vừa mang tính phổ cập nhân loại vừa mang bản sắc dân tộc để phát huy vai trò của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong việc đề ra tiêu chí thẩm định là thước đo giá trị để đồng hành cùng sáng tạo và tiếp nhận những giá trị nhân văn, tiến bộ; cổ vũ nỗ lực tìm tòi, sáng tạo nghiêm túc; đồng thời nghiêm khắc phê phán những biểu hiện thị hiếu tầm thường, dung tục, các quan điểm sai trái trong hoạt động sáng tạo và tiếp nhận văn nghệ.

    Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cũng cần góp phần tích cực hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá, văn nghệ đối với phát triển đất nước; đặt văn hóa, văn nghệ đúng vị trí, thật sự xứng tầm trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá và thị trường văn hoá phát triển; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, văn nghệ, con người.

    Tại Hội thảo hôm nay, tôi rất mong các nhà văn hoá, văn nghệ, các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trao đổi thẳng thắn để làm rõ những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm về phát triển văn hoá, văn nghệ, về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật qua gần 50 năm thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện đường lối Đổi mới; phân tích, dự báo được bối cảnh mới, cơ chế tác động, yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển của văn hoá, văn nghệ và công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; từ đó, đề xuất tầm nhìn, định hướng các nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá để chấn hưng và phát triển văn hoá, văn nghệ; nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà văn hoá, văn nghệ, các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của đất nước trong giai đoạn mới.

Bình luận

    Chưa có bình luận