QUAN NIỆM VÀ THỰC HÀNH NỮ QUYỀN CỦA NỮ SĨ HUỲNH THỊ BẢO HÒA

Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896-1982) là một trong không nhiều phụ nữ Việt Nam tiên phong viết báo, viết văn, dùng trường văn trận bút cùng các hoạt động xã hội khác như diễn thuyết, lập hội đoàn để phổ biến và tranh đấu cho quyền phụ nữ, nam nữ bình quyền và nữ quyền ở Việt Nam. Bài viết tái dựng hành trạng và sự nghiệp của Huỳnh Thị Bảo Hòa, từ đó, thảo luận về quan niệm và các thực hành nữ quyền của bà trong bối cảnh khởi đầu phong trào nữ quyền mang gương mặt phụ nữ ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.

 

   Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896-1982) là một nữ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Bà tên thật là Huỳnh Thị Thái, sinh tại làng Đa Phước, xã Hòa Minh, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc Thành phố Đà Nẵng). Năm 18 tuổi, bà kết hôn với ông Vương Khả Lãm và chuyển về sống ở trung tâm thành phố Tourane, trên phố Marc Pourpe (nay là đường Phan Châu Trinh, thuộc quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng), một con phố sầm uất đương thời, với nhiều rạp hát, nhà hội quán, các công trình văn hóa, tôn giáo, lịch sử. Trưởng thành nhờ không khí duy tân sôi nổi của cả vùng Quảng Đà và không gian thị dân cởi mở của nhượng địa Tourane, Huỳnh Thị Bảo Hòa sớm trở thành một biểu tượng cải cách cho phụ nữ Đà thành. Từ giữa những năm 1920, bà tích cực viết văn, làm báo, tham gia các hoạt động xã hội, tổ chức hội đoàn cho phụ nữ Đà thành, hô hào và thúc giục họ đấu tranh cho quyền phụ nữ, nam nữ bình quyền và nữ quyền.


 
 Chân dung bà Huỳnh Thị Bảo Hòa và ông Vương Khả Lãm (Ảnh: Thy Hảo Trương Duy Hy sưu tầm)

    Huỳnh Thị Bảo Hòa bắt đầu có bài viết đăng báo khoảng mùa Thu năm 1926, trên An Nam tạp chí của Tản Đà, Đông Pháp thời báo của Nguyễn Kim Đính (lúc Bùi Thế Mỹ làm chủ bút). Khi nhật báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng ra mắt ở Trung Kỳ vào tháng 8/1927, Huỳnh Thị Bảo Hòa cũng hăng hái cộng tác, góp phần làm nên cuộc thảo luận sôi nổi về vấn đề phụ nữ giữa đất thần kinh1. Ở giai đoạt hoạt động báo chí năng nổ nhất vào những năm 1926-1929, Huỳnh Thị Bảo Hòa còn làm thông tín viên tại Tourane cho tờ Thực nghiệp dân báo do Nguyễn Hữu Thu và Bùi Huy Tín sáng lập, Mai Du Lân chủ nhiệm (tờ nhật báo lớn nhất Bắc Kỳ bên cạnh Trung Bắc tân văn, do Nguyễn Văn Vĩnh sáng lập, sau chuyển giao cho Nguyễn Văn Luận). Sang đầu những năm 1930, tuy hoạt động báo chí của Huỳnh Thị Bảo Hòa có thưa vắng hơn, song thảng hoặc vẫn thấy bài vở của bà đăng trên Nam phong tạp chí của Phạm Quỳnh, Phụ nữ tân văn của ông bà Nguyễn Đức Nhuận. Bên cạnh bút hiệu Huỳnh Thị Bảo Hòa, bà còn ký dưới các bài báo, các sáng tác các tên khác, như theo tên chồng - Mme Vương Khả Lãm, Huỳnh Bảo Hòa, Bảo Hòa, hoặc các tên viết tắt H.B.H, B.H trong nhiều tin bài2.

    Cùng với việc viết báo, Huỳnh Thị Bảo Hòa còn sáng tác văn chương. Bà có thơ, hài đàm, hoạt kê, và một số đoản thiên tiểu thuyết đăng trên Đông Pháp thời báo, Thực nghiệp dân báo. Tuy nhiên, cuốn sách sớm nhất làm nên tên tuổi của Huỳnh Thị Bảo Hòa là tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn, được xuất bản bởi nhà in Bảo Tồn tại Sài Gòn năm 19273 . Sách được in làm 2 cuốn, cuốn thứ nhất gồm “Bài tựa” của Huỳnh Thúc Kháng, “Mấy lời tặng Tây phương mỹ nhân” của Tản Đà, “Tiểu dẫn” của Huỳnh Thị Bảo Hòa, “Bài tựa cuối cùng” của Bùi Thế Mỹ và 8 hồi đầu; cuốn thứ hai gồm 7 hồi còn lại. Không chỉ có được lời giới thiệu trước của các tên tuổi lẫy lừng làng báo làng văn Bắc Trung Nam đương thời (Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Thế Mỹ trong các bài tựa in đầu quyển thứ nhất), khi được phát hành, sách còn nhận được lời khen ngợi từ Diệp Văn Kỳ4 và Đạm Phương nữ sử5.


(Bìa sách “Tây phương mỹ nhơn” – bản tiếng Việt, 1927; và bản tiếng Pháp, 2020; Ảnh: ĐAD)

    Giữa những năm 1930, Huỳnh Thị Bảo Hòa còn xuất bản hai cuốn sách đặc sắc khác. Thứ nhất là vở “tuồng cải lương”6 Huyền Trân công chúa (1934), có lẽ là một kết quả ưng ý nhất của việc bà tham gia chấn chỉnh và cải cách nghề diễn tuồng ở Đà Nẵng trong các năm 1931-19327 . Thứ hai là biên khảo Chiêm Thành lược khảo (1936), giới thiệu bước đầu “những dấu tích của người Chàm (Champa)” về các phương diện nhân chủng, tôn giáo, quốc hiệu, văn học, kiến trúc, âm nhạc, mĩ thuật, lịch sử, danh nhân. Ngoàira, sách còn có lời “Tựa” của Thượng thư Bộ Học Phạm Quỳnh, cùng một số tranh ảnh minh họa in phụ bản màu8.


Bìa sách “Huyền Trân công chúa”, 1934 và “Chiêm Thành lược khảo”, 1936 (Ảnh: ĐAD)

    Bên cạnh việc viết văn, viết báo, Huỳnh Thị Bảo Hòa chủ động tham dự các hoạt động xã hội, ủng hộ và lĩnh xướng các phong trào phụ nữ. Như trên đã nhắc đến, bà tham dự vào hoạt động tưởng niệm một năm ngày mất Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng, một phong trào được khởi xướng rầm rộ khắp Nam Trung Bắc. Bà ủng hộ và thường xuyên hô hào cho việc dùng hàng nội hóa như một cách kích thích sự phát triển của tư bản dân tộc và kích động chủ nghĩa quốc gia trong các bài viết gửi đăng Thực nghiệp dân báo, Đông Pháp thời báo, vốn là những diễn đàn cổ động cho kinh tế nội thương, trong một phong trào rộng khắp của nhân sĩ trí thức cả nước, xem chuộng nội hóa như một biểu hiện của lòng yêu nước, một phương cách để tự lực tự cường, xây dựng và phát triển quốc gia. Bà lên tiếng về các sự việc nổi cộm đương thời, như bày tỏ thái độ bất bình với tờ Thông tư số 1445 ngày 29/11/1926 của quan Khâm sứ Trung Kỳ hạn chế quyền của Viện Nhân dân đại biểu Trung Kỳ; phản bác và phủ chính thông tin của ông Bùi Diệm trong thư ông gửi cho ông Bùi Quang Chiêu tự “chưng công” trong việc phát triển nghề trồng thuốc lá ở Trung Kỳ; lên án hành vi vô đạo của tên Nguyễn Pho, khi hắn ngang nhiên đánh cụ Phan Văn Trường giữa thanh thiên bạch nhật trước cửa tòa án Sài Gòn9… Bên cạnh đó, các tin tức về thiên tai địch họa, tai nạn bất thường, cường quyền ác bá, trộm cướp hại người, đến việc nghĩa quyên, việc buôn bán, việc lập hội đoàn, các phong tục lễ tiết… được Huỳnh Thị Bảo Hòa đăng trên Thực nghiệp dân báo cũng cho thấy sự chú tâm quan sát, sự quan tâm lo lắng tới hiện tình xã hội và đời sống thường dân. Tuy nhiên, vấn đề Huỳnh Thị Bảo Hòa quan tâm hơn hết là vấn đề phụ nữ. Khi bà Đạm Phương tổ chức Nữ công học hội ở Huế (6/1926), Huỳnh Thị Bảo Hòa tham gia với tư cách hội viên. Lấy Nữ công học hội Huế làm hình mẫu, vượt qua những dị nghị và e dè10, Huỳnh Thị Bảo Hòa sáng lập Đà thành Nữ công học hội và được bầu làm Chánh Hội trưởng (7/1928). Song có lẽ những kỳ vọng lớn lao về hoạt động của hội không thành đã khiến bà sớm từ chức Hội trưởng Đà thành Nữ công học hội (4/1929)11. Dẫu vậy mặc lòng, không lúc nào bà không canh cánh một lòng với phong trào phụ nữ, với việc chăm lo và đào luyện phụ nữ. Phải chăng đó là lý do để sau đó, nhân dịp chợ phiên mở ở Tourane ngày 31/12/1933 giúp nạn nhân Bình Phú, người phụ nữ thứ nhất của Đà thành diễn thuyết trước công chúng đã chọn chủ đề “nhân cách phụ nữ” cho bài diễn thuyết của mình12.

    Các bài nghị luận đăng báo của Huỳnh Thị Bảo Hòa thường tập trung vào vấn đề phụ nữ. Trong đó, việc giáo dục phụ nữ, lập hội đoàn phụ nữ, ra báo chí dành cho phụ nữ, thậm chí giáo dục phụ nữ thông qua hoạt động hội đoàn và báo chí để “tăng cao địa vị phụ nữ” như tên một bài viết của bà trên Đông Pháp thời báo, số 583 (23/5/1927), là hạt nhân chủ đạo trong quan niệm của Huỳnh Thị Bảo Hòa về vấn đề phụ nữ.

    Truy tìm căn nguyên dẫn tới sự yếu thế của phụ nữ, Huỳnh Thị Bảo Hòa cho rằng trong xã hội Á Đông mà Việt Nam thuộc về, “người đàn bà đứng vào địa vị hèn kém, do bởi không có tư cách tự lập mà sinh ra”13. Điều này xuất phát từ phong tục tập quán, khi mọi công việc, từ giao tế cho tới kỹ nghệ công thương, đều do đàn ông đảm nhiệm, đàn bà chỉ chủ có việc trong nhà nên “xao lãng bề thiệt nghiệp”. Nó còn xuất phát bởi tâm lý phụ nữ – tính “vong kỷ” – khiến cho họ “trọn đời cứ nương náu ở cha mẹ, trông cậy vào chồng con, quá ư phục tùng mà quên mất sự tự lập”. Chính vì không có tự lập, sống đời “ỷ lại”, chịu tiếng “ký sanh trùng”, nên phụ nữ mất quyền tự chủ, theo đó mà mất tiếng nói, mất cơ hội hiện diện và khẳng định bản thân. Vì thế, theo Huỳnh Thị Bảo Hòa, trong buổi đời mới, “muốn cho khỏi cảnh khổ thống ấy”, “trong công ngôn dung hạnh, ngoài cầm kỳ thi họa”, phụ nữ “cũng nên học lấy một nghề gì cho khéo léo để mà đỡ thân”, mà nghề ấy, “cũng phải tùy ý mỗi người mà lựa chọn lấy cho thích hiệp”, “hoặc học chữ nghĩa để làm cô giáo, cô mụ, hoặc học vá may, thêu thùa, bánh mứt, nem chả, nấu nướng, cho tinh; hoặc chăn tằm, ươm tơ, canh cửi, buôn bán, tính toán cho thông. Mỗi người bất kỳ giàu nghèo, cũng phải học lấy một nghề cho thành tài, có thể nhờ nghề đó mà nuôi được thân, giúp được nhà thì mới được”. Thực nghiệp không chỉ giúp cho phụ nữ có được tư cách tự lập, “con khỏi ỷ lại cha, vợ khỏi ỷ lại chồng”, mà hơn thế còn là nền tảng cho bình quyền nam nữ. Theo Huỳnh Thị Bảo Hòa, chỉ khi nào mà “gánh giang sơn cùng nhau san sẻ, bầu sự nghiệp gắng sức tô bồi” thì cơ hồ khi ấy mới mong “gia đình ngày một phát đạt, xã hội ngày một mở mang, nước nhà ngày một giàu mạnh”14.

    Giáo dục thực nghiệp là việc cần, nhưng chưa đủ, nếu muốn phát triển vẹn toàn nhân cách và phát huy được đầy đủ năng lực cá nhân người phụ nữ. Vì thế, dù không dành cho số đông nhưng Huỳnh Thị Bảo Hòa cũng khuyến khích “nữ học sanh nên xuất dương du học” để cho đường học vấn được hoàn toàn, như trong một bài viết đăng Đông Pháp thời báo số 650 (24/11/1927). Trong hoàn cảnh “nước ta bề giáo dục vạn phần thiếu thốn” thì “du học nước ngoài” càng trở nên cần thiết. Bởi sự du học “gồm được hai điều bổ ích là học vấn và lịch duyệt”, nó giúp cho đàn bà con gái tiệm cận với trình độ đàn ông con trai, từ đó “mới mong thành tài đạt đức làm nên công kia việc nọ như đàn ông được”. Vì lẽ đó, với sự du học, theo Huỳnh Thị Bảo Hòa, “các nhà có trách nhiệm nên quan tâm, mà các cô thiếu nữ cũng nên đem lòng hâm mộ, nếu ai có thể du học được cũng nên hết sức theo đòi”. Ngoái sang các nước láng giềng, nơi mà sự du học đã trở nên phổ biến và có tác động đến đời sống xã hội trong nước, Huỳnh Thị Bảo Hòa hô hào “các bực thanh niên nữ tú ta lại không bắt chước xuất dương du học cho nên người hữu ích với quốc gia, giúp một phần trong sự văn minh phú cường cho tổ quốc”; đồng thời nhắn nhủ riêng với nữ lưu, hãy xem du học như một con đường bổ ích mà nhờ đó “nữ giới ta cũng dự một phần vẻ vang về sau nầy”15.

    Về phương châm và mục tiêu giáo dục là như vậy, ở cả bề thực nghiệp và học vấn, từ phương diện đại chúng đến phương diện tinh hoa của nền giáo dục, song trước mắt, theo Huỳnh Thị Bảo Hòa, cần nhất vẫn là việc phổ cập giáo dục, xây dựng chương trình và tìm các giải pháp để có thể “đào tạo tư cách, phổ thông tri thức, mở mang thực nghiệp” cho nữ giới, theo một lời bàn của bà đăng trên Đông Pháp thời báo số 509 (15/11/1926). Quan sát phong trào phụ nữ trên thế giới và các nước lân bang lúc đương thời, Huỳnh Thị Bảo Hòa nhận thấy vai trò hết sức quan trọng của phổ thông giáo dục đối với sự tiến bộ của phụ nữ. “Trông người lại ngắm vào ta”, bà cho rằng “phụ nữ nước ta thì tư cách thấp thỏi, trí thức hèn kém, chưa có thể sánh với phụ nữ các nước được, vì sự giáo dục ít ỏi đó thôi”. Vì thế, bà đề nghị “sửa sang nền nữ học” bằng cách “trước hết phải đào tạo tư cách, phổ thông tri thức, mở mang đường thực nghiệp, cho mỗi người có một cái tư cách xứng đáng đối với gia đình với xã hội”16.

    Soi lại hiện tình phụ nữ trong nước, Huỳnh Thị Bảo Hòa cho rằng việc giáo dục nữ lưu ở Việt Nam bấy giờ tuy đã có nhưng chưa đầy đủ và hiệu quả. Bởi trong hình dung của bà, “hiện nay sự giáo dục nữ lưu mở rộng, như lập trường nữ học và có nhiều nữ học sinh đỗ đạt, nhưng sự học đó là cốt để kiếm gạo, và hỡi còn dở dang chưa phải học “để làm người”, chưa có thể gọi là đủ, vả lại cách giáo dục đó chỉ tiện cho người còn ít tuổi, mà không tiện cho kẻ có gia thất”. Vì thế, theo bà, “ngoài những cách dạy dỗ kia, lại nên lập nhiều hội cho phụ nữ, như Nữ công học hội, Phụ nữ liên hiệp hội, vì không có cách nào mở mang cho tiện cho mau bằng lập hội, nghĩa là hội họp nhiều người lại tức là góp được nhiều nết hay đức tốt để làm gương lẫn cho nhau”. Bà lấy ngay Nữ công học hội Huế ra làm ví dụ, và hô hào “các chị em trong ba kỳ nên hoan nghinh mục đích của hội, và đem tài đem lực lập thành mỗi tỉnh một hội, cho có chỗ học tập nữ công, mở mang tri thức, cho xứng đáng một bực tề gia nội trợ, và tránh khỏi những sự chơi nhảm có hại cho danh giá tiền của, việc phận sự đã xong, việc xã hội chắc cũng được dự”. Bà cũng trông mong “các bực tu mi kiến thức chẳng hẹp gì mà giữ cái thói áp chế, không để rộng quyền cho vợ con em cháu mau tiến bộ về đường tinh thần, không những rộng quyền mà thôi, mà lại nên tán thành thúc giục thêm nữa”. Chỉ khi nữ thế nam vậy thì nước Việt Nam “mới hòng mở mang cho kịp người và hơn 20 triệu dân Nam Việt khỏi vì phụ nữ đê hèn mà thiệt mất một nửa dân vậy”17.

    Tin tưởng vào hiệu quả của đoàn hội và báo chí đối với sự nghiệp giáo dục phụ nữ, Huỳnh Thị Bảo Hòa luôn chú ý tới việc khuếch trương đường hướng này. Nhân ý kiến bà Trịnh Đình Rư muốn lập một “đoàn thể tăng cao địa vị phụ nữ trong việc hôn thú”, Huỳnh Thị Bảo Hòa cho rằng đó là việc “chánh đáng” “bổ ích cho xã hội” song “địa vị phụ nữ không thể nhờ đó mà tăng lên được phần nào”18. Về phần mình, Huỳnh Thị Bảo Hòa cho rằng muốn “tăng cao địa vị phụ nữ”, “thời trước hết chị em ta lên lập một “Phụ nữ liên hiệp hội”, cho liên lạc dây đoàn thể tất cả chị em trong ba kỳ lại, rồi thi hành những việc mở mang tri thức, và đào tạo cho chị em có tư cách nữ quốc dân; rồi bất cứ việc gì, có tổn hại đến danh dự và quyền lợi phụ nữ, thì hội phải hết sức bênh vực, và lần lần trừ bỏ hết các điều “bất bình đẳng”“. Khi mà Phụ nữ liên hiệp hội, cùng với Nữ công học hội, được mở mang, và thêm nữa “xuất bản một tờ “Phụ nữ tạp chí” để làm cơ quan truyền bá tư tưởng” thì phụ nữ mới “ngày thêm tiến bộ, rồi mới có thể thoát ly những điều ức chế”, từ đó mà “địa vị đàn bà mới tăng lên được” và xã hội phải công nhận “nam nữ bình quyền”19.

    Trong một dịp khác, tranh thủ kỳ hội đồng Nữ công học hội Huế (7/1927), Huỳnh Thị Bảo Hòa đã viết bài nêu ý tưởng về sự cần thiết của việc xuất bản một tờ “Phụ nữ tạp chí” đem trình bày ở hội đồng để lắng nghe ý kiến của chị em. Bài viết cũng được đăng trên Đông Pháp thời báo (số 613, 5/8/1927; số 614, 7/8/1927) và Tiếng dân (số 3, 17/8/1927), thu hút được nhiều ý kiến thảo luận20. Trông ra thế giới, Huỳnh Thị Bảo Hòa nhận thấy “ở các nước văn minh tiên tiến, suốt trong nước họ, từ đàn ông đàn bà, không có mấy người là vô nghệ nghiệp, không có mấy người là ngu dốt vô học, cả đến quyền chánh trị không những là bọn tu mi nam tử cầm quyền, mà khách thoa quần nhi nữ cũng đua tài ganh trí. Các nước sở dĩ được như thế, là nhờ có học thức, tư tưởng, sách vở, báo chí phổ thông, cho nên rộng đường học vấn; lại còn phái nhiều nữ học sanh đi du học ngoại quốc nữa”; trong khi ngoái lại nước ta, “từ khi ngọn đuốc văn minh soi khắp, tiếng chuông cảnh tỉnh kêu vang, trong nữ giới ta cũng có nhiều người theo đòi tân học, nên cũng có kẻ đỗ đạt nọ kia, nhưng kể thật ra thì cách giáo dục cũng chưa được hoàn toàn, về đức dục thể dục cũng chưa được phổ thông, tư cách phụ nữ còn vạn phần khiếm khuyết, thậm chí một tờ báo cho phụ nữ đọc cũng chưa có nữa”. Thực tế đó cùng với ý thức về tầm quan trọng của báo chí – “cơ quan truyền bá văn minh, tư tưởng, học thuật”, về hiệu quả của báo chí – “ngồi một chỗ cũng có thể biết được việc năm châu, cầm một tờ giấy cũng am tường mọi việc trong hoàn hải”, Huỳnh Thị Bảo Hòa kêu gọi “đồng tâm hiệp lực mà tổ chức lấy một tờ “Phụ nữ tập chí” để mở mang về đường trí thức và khuyến khích về đức dục, thể dục, vệ sanh, luân lý, nữ hạnh, nữ công, và liên lạc cái tình đoàn thể của các chị em trong nước lại mà gây dựng cho nữ lưu được nhiều điều tấn ích sau nầy”21 . Trong một bài viết khác, đòi hỏi phụ nữ phải phấn đấu trở thành người có danh vọng trong xã hội, Huỳnh Thị Bảo Hòa cũng tìm thấy sự dẫn dắt và tài bồi của báo chí: “Nay trong các vấn đề phụ nữ không gì cần thiết cho bằng có một cơ quan ngôn luận, nghĩa là phải có báo chí để giúp thêm sự giáo dục, mở mang tri thức và giảng giáo nghĩa vụ, cho nên một tư cách hoàn toàn; hai là đối với xã hội thì quyền ngôn luận là một cái đặc quyền đặc biệt tự mình lại ủy cho mình, không phải nhờ ai trao cho hay là bàn cho mới được […]. Khi chị em đã hiểu rõ quyền lợi của báo chí rồi thì cái nghĩa vụ đàn bà đối với quốc gia ngày nay phải yêu cầu bình đẳng về đường tinh thần, mà muốn đạt được mục đích ấy không những là phải nhờ có nam giới sẵn lòng tán thành, vì đàn bà Việt Nam ta xưa nay chưa có quyền tự chủ, chưa có tư cách tự lập, người có học thức có hiểu biết thì nên hiệp tác cùng nhau cho tờ “Phụ nữ tạp chí” chóng ra đời, thì tiền đồ nữ giới mới có phần hi vọng, mà con đường tương lai còn rực rỡ vẻ vang”22.

    Trở đi trở lại với vấn đề phụ nữ, Huỳnh Thị Bảo Hòa luôn luôn nhấn mạnh rằng “trong các vấn đề phụ nữ ngày nay, không có điều gì cần thiết và quan hệ cho bằng sự học của đàn bà con gái nước ta, thiết tưởng nên bàn đi nói lại nhiều lần cũng chưa đủ”23. Có điều đó là bởi đàn bà so với đàn ông, tuy thiên tính có khác nhau, song phần nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi là bình đẳng, nên đều phải học thông biếtrộng như nhau. Hơn thế, phụ nữ càng cần phải học để tự giải phóng bản thân, gây dựng tư cách tự lập, địa vị tự cường, từ đó mà giúp ích cho bản thân, gia đình, xã hội, quốc gia, không thẹn hổ với chị em trong hoàn hải. Vì thế, theo Huỳnh Thị Bảo Hòa: “Nay muốn bổ cứu lại và làm cho tăng cao địa vị phụ nữ lên thì không có điều gì cần thiết cho bằng đàn bà con gái phải có học để cho biết “bổn phận làm người” […] Kìa hãy xem đàn bà các nước văn minh ngày nay, tung mây hứng gió, ganh đua với bọn nam nhi trên đài chánh trị. Họ sở dĩ được cao quý như thế là vì đàn bà họ có học vấn rộng; và các nước bên Âu Mỹ được cường thạnh là nhờ toàn thể quốc dân đàn ông đàn bà đều hiệp lực mới nên được vậy”24.

    Có một điều đáng chú ý là, trong bối cảnh dâng cao của các phong trào và tình cảm dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam nửa sau những năm 1920, Huỳnh Thị Bảo Hòa luôn đặt phụ nữ bên cạnh dân tộc, đặt vấn đề phụ nữ tự lập bên cạnh quốc gia tự cường, đặt sự nghiệp giải phóng phụ nữ bên cạnh sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho đất nước. Nó lý giải cho sự xuất hiện của hàng loạt các khái niệm chính trị như trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi, bổn phận trong các diễn ngôn về giới và nữ quyền. Nó cũng đồng thời cắt nghĩa cho những gắn nối vấn đề giới với chủ nghĩa dân tộc, qua đó khích động và trao truyền những tình tự dân tộc trong các hoạt động dân sự mới manh nha: “Hỡi bạn nữ lưu ta ơi! Có học mới nên người trí thức, có học mới lên địa vị cao sang, có học mới biết hết nghĩa vụ đối với nước với nhà. Nói tóm lại sự học của đàn bà con gái ngày nay là một việc tối cao tối thiết vậy”25.

    Khác với những nghị luận về vấn đề phụ nữ mang màu sắc chính trị rõ rệt trên báo chí, Huỳnh Thị Bảo Hòa có cách tiếp cận nữ quyền độc đáo trong tiểu thuyết thời danh Tây phương mỹ nhơn. Câu chuyện có thật về chuyện tình của một người lính mộ Việt Nam tòng chinh bên Pháp với người vợ Tây phương một dạ thủy chung tiết nghĩa xảy ra ở tỉnh Quảng Nam được Huỳnh Thị Bảo Hòa lấy làm chất liệu cho tiểu thuyết của bà tự nó đã đưa ra một nan đề đầy thách thức. Ở đây, việc một phụ nữ da vàng nhược tiểu ở thuộc địa viết về một phụ nữ da trắng cao sang ở chính quốc, cùng với đó là câu chuyện tình yêu son sắt của tiểu thư quyền quý dành cho người chồng lính mộ thấp hèn, trở thành một điển cứu thú vị khi sáng tạo/ tiếp cận/ văn bản văn chương tương tác và chất vấn diễn ngôn thực dân và chủ nghĩa nữ quyền, dù chủ ý của tác giả chỉ muốn tạo ra một cuốn “luân lý tiểu thuyết”, mượn tiếng mua vui để giáo hóa nhân quần, như được nói rõ trong “Tiểu dẫn”: “Lấy lẽ công bình mà phán đoán, thì một người có đức hạnh, có tài hoa hơn người, dầu cho ở nước nào, ở phương nào, cũng đáng quý trọng, vì là một cái gương chung cho hậu thế. Nên chi tôi không quản tài sơ trí mọn, góp nhặt nên lời, tô điểm nên văn, viết ra quyển truyện “Tây phương mỹ nhơn” nầy và biểu dương cái gương tiết nghĩa ra để cống hiến chị em bạn quần thoa mua vui trong khi phòng thêu rảnh việc, gác gấm thư nhàn, cũng được vài hồi tiêu khiển, dầu cho ai khen cũng cám ai cười xin vâng”26.

    Đương thời, tiểu thuyết cũng sớm phân hóa người đọc trong giới tinh hoa, như được ghi nhận trong các lời giới thiệu in đầu cuốn sách. Bậc túc nho chí sĩ như Huỳnh Thúc Kháng quan tâm đến “lợi khí truyền bá tư tưởng trong xã hội” của tiểu thuyết thì đánh giá cao “cái công vỡ núi mở đường” của Huỳnh Thị Bảo Hòa. Nhà nho tài tử Tản Đà lại quan tâm đến câu chuyện người đàn bà phương Tây “bách niên giai lão” với người đàn ôngAn Nam, biết “trọng điều tiết nghĩa cũng như người Á Đông khi xưa”. Từ góc nhìn luân lý, việc Huỳnh Thị Bảo Hòa xiển dương tiết nghĩa của một người Tây với người ta trong bối cảnh phong hóa nước nhà suy đồi, với Tản Đà, đó là “trọng giá nhất” của tiểu thuyết. Nhà báo Bùi Thế Mỹ thì lấy cớ “sự tiền định đã muốn cho câu chuyện tiết nghĩa của người mỹ nhân Tây phương kia lại được có cái văn tài của một vị nữ sĩ Nam phương điểm xuyết” để nhấn mạnh vào phương diện giới của nhà văn và nhân vật. Diệp Văn Kỳ thì chia sẻ quan điểm với cả Bùi Thế Mỹ và Tản Đà. Chọn Tây phương mỹ nhơn làm tác phẩm mở đầu cho mục “Bình phẩm sách mới” vào mỗi thứ Ba hằng tuần trên Phụ trương Văn chương của Đông Pháp thời báo, một mặt, ông cho rằng: “Chuyện một nàng mỹ nhơn phương Tây của một tay nữ sĩ Việt Nam chép thành. Nội hai lẽ ấy cũng đủ làm cho ra đem vào mục phẩm bình nầy”. Mặt khác, ông nhấn mạnh: “Huống chi người mỹ nhơn trong truyện, chẳng những là một người mỹ nhơn đáng yêu vì tình mà lại là một người đáng trọng về đức, hẳn là một người hiếm có trong phường mỹ nhơn phương Tây. Nếu phương Tây đủ có người mỹ nhơn như thế, mà bên Nam lại thiếu một người mỹ nhơn đặng chép lấy chuyện, điền lấy tích, thì khuyết điểm biết bao nhiêu. Nay may mà đã có cả hai bên, thì nhà bình phẩm nên để ra trước hết, tưởng là phải”27. Tuy nhiên, quan trọng hơn, ông phân tích thêm: “Sự tích Tây phương mỹ nhơn là một sự tích quả có, đã xảy ra ở tỉnh Quảng Nam. Chuyện một người đàn bà Pháp, chồng làm lính mộ (lính chào mào); giặc rồi, bị chính phủ đem về nước. Vợ nhớ qua thăm. Sự tích như vậy, có gì đâu mà làm ra một bộ tiểu thuyết. Thành ra có Tây phương mỹ nhơn là chỉ vì vợ trắng chồng vàng. Than ôi! Cái mầu da có lẽ là cái gốc tai hại của nhơn loại cận thời! Phải chi chú ấy mà mầu bột như ai, thì làm sao có Tây phương mỹ nhơn? Làm sao có tiểu thuyết của bà Huỳnh Thị Bảo Hòa? Thế thì màu da có lẽ làm lợi khí cho nhà văn sĩ”28.

    Trong khi nam giới quan tâm đến các vấn đề giới tính và chủng tộc, luân lý và cốt chuyện, thì người đọc nữ giới như Đạm Phương nữ sử dù cũng nảy sinh các sắc mắc đó, song quan tâm nhiều hơn đến khả năng miêu tả xã hội và thể hiện tâm lý con người. Mới đọc hết tiểu thuyết, Đạm Phương “sinh ra vô hạn cảm tình, mừng thay mà lại buồn thay! Mừng là mừng chung cho trong nữ giới có những người tiết hạnh trinh thục đáng làm gương tốt cho bọn quần thoa. Còn buồn là buồn cho riêng mình: Ôi! Kìa người tốt ấy là người phương Tây”. Song đấy chỉ là những cảm xúc nhất thời. Điều khiến Đạm Phương “phấn khởi tinh thần, quên mình cô lậu”, muốn “cầm bút viết ra” để chia sẻ và giới thiệu với bạn đọc về người mỹ nhơn Tây phương, về cuốn tiểu thuyết và tác giả Huỳnh Thị Bảo Hòa, “thực vì tác giả đã khéo dụng tâm mô tả một bức tranh truyền thần đạo đạt được cái tâm lý của xã hội nhơn tình lãnh hoặc, thế thái đảo điên, lời lẽ tao nhã, ý tứ thâm trầm, có một lối văn tiểu thuyết đặc sắc trong làng văn chương nữ giới nước ta ngày nay vậy”29.

    Viết lại một câu chuyện có thực nhưng xảy ra trong một tình thế ngặt nghèo, chuyện tình của tiểu thư da trắng tôn quý chính quốc với chàng lính da vàng nghèo hèn thuộc quốc, Tây phương mỹ nhơn gợi ra nhiều sắc mắc trong lòng người đọc. Nàng Bạch Lan tiết hạnh trung trinh khiến người đọc dễ mến, dễ cảm. Việc nàng lặn lội tìm chồng khiến người đọc dễ phục, dễ thương. Vì có chung luân lý, tiết nghĩa nên dù khác biệt màu da, độc giả vẫn thấy nàng gần gũi. Trong khi, nàng lại có khoảng cách với những người đồng chủng của mình (ngài chủ tỉnh, viên cảnh sát trưởng, vợ chồng chủ hàng…) những người vì định kiến hay ti tiện, đều ngăn trở nàng tìm chồng vì sợ thất thể diện người mẫu quốc. Việc Huỳnh Thị Bảo Hòa xoáy sâu miêu tả những trắc trở mà Bạch Lan phải vượt qua làm phân rã cái nhìn của người bản địa với người chính quốc: trong cùng một quốc tịch một màu da, ở một phía người ta thêm cảm thông trân trọng Bạch Lan, và một phía người ta thêm căm ghét khinh khi thực dân, kiều dân. Việc để cho các nhân vật phụ và người đọc dễ dàng bày tỏ sự thương cảm, yêu mến Bạch Lan vừa phá vỡ thế nhìn đế quốc vừa tạo lập vị thế bình quyền giữa người nữ da trắng với người nữ da màu, giữa dân bản xứ và thực dân. Trong một số bài báo, việc Huỳnh Thị Bảo Hòa hay so sánh chị em Nam Việt với chị em các nước văn minh, chị em trong hoàn hải, có lẽ cũng xuất phát từ quan niệm “bình quyền” độc đáo được thể hiện như ở trong tiểu thuyết này.

    Có thể nói, cùng với Đạm Phương nữ sử, Phan Thị Bạch Vân, Huỳnh Thị Bảo Hòa là một trong những lá cờ đầu của phong trào phụ nữ Việt Nam những năm 1920. Điểm chung của phong trào nữ quyền mang gương mặt phụ nữ thế hệ đầu tiên này là họ luôn chú trọng đến báo chí và văn chương, dùng trước tác và các diễn đàn ngôn luận để phổ biến kiến thức và cổ động nữ học, giúp phụ nữ hoàn thiện nhân cách, bồi dưỡng nhân tài, trau dồi thực nghiệp, để từ đó, vừa thực hiện tốt chức trách bổn phận của mình vừa cùng nam giới tham gia vào các công việc có ích lợi chung cho xã hội, cho đất nước. Họ cũng đứng ra sáng lập và tập hợp đội ngũ để hình thành nên các tổ chức phụ nữ tiên phong, vừa thúc đẩy phong trào đấu tranh vì quyền phụ nữ, nam nữ bình quyền và nữ quyền vừa đấu tranh vì quyền lợi dân tộc, vì độc lập tự do của nước nhà. Chia sẻ tầm nhìn chung nhưng mỗi người đem đến một giọng nói, một quan điểm, một cách thức thực hành riêng dựa trên những trải nghiệm cá nhân riêng khác. Chính ở chỗ này mà Huỳnh Thị Bảo Hòa xác lập được vị thế quan trọng của bà, trong việc nhấn mạnh vai trò của báo chí và hội đoàn đối với việc giáo dục phụ nữ như là chủ điểm then chốt của vấn đề phụ nữ ở Việt Nam lúc đương thời; đồng thời giải lãnh thổ chính vấn đề phụ nữ mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa ấy bằng việc đem “Tây phương mỹ nhơn” đến trú xứ ở ngay khởi đầu của văn học phụ nữ Việt Nam và văn học Việt Nam hiện đại.

 

 

 

Chú thích:
1 , 20 Xem thêm Lại Nguyên Ân, Nguyễn Kim Hiền (sưu tầm và biên soạn, 2022), Dư luận nữ quyền tại Huế (1926-1929) trên sách báo đương thời, Phụ nữ tùng thư – Tủ sách Giới và Phát triển, NXB Phụ nữ Việt Nam.
2 Ngoài ra, còn thấy các tên như Hoàng Thị Bảo Hòa, Hoàng Bửu Hòa, song đây có lẽ chỉ là cách ghi âm khác biệt ở các vùng miền mà thôi (Huỳnh = Hoàng; Bảo = Bửu). Bên cạnh đó, trên Đông Pháp thời báo năm 1927 còn có một số bài ký tên là Huỳnh Nương, song vì chưa có sở cứ chắc chắn, nên chỉ có thể để ở dạng tồn nghi.
3 Lại Nguyên Ân, Trương Duy Hy về sau này đều xem Huỳnh Thị Bảo Hòa là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết, dựa trên dữ liệu tiểu thuyết được xuất bản thành sách (xem Lại Nguyên Ân (2001), “Tây phương mỹ nhơn – Cuốn truyện bị lãng quên 70 năm qua”, Tạp chí Văn học, số 6, tr. 81-86; Thy Hảo Trương Duy Hy (sưu tầm và biên soạn, 2003), Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa. Người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên, Tủ sách Đất Quảng, NXB Văn học). Do tính chất độc đáo về nhiều phương diện của tiểu thuyết này, gần đây nhà nghiên cứu dịch giả Nguyễn Phương Ngọc cũng đã dịch tiểu thuyết sang tiếng Pháp (xem Huỳnh Thị Bảo Hòa (2020), La belle d’Occident, (traduit du vietnamien par Nguyen Phuong Ngoc), Decrescenzo éditeurs, Aix-Marseille, CH Pháp).
4, 27, 28 Diệp Văn Kỳ: “Bình phẩm sách mới [kỳ mở đầu mỗi thứ Ba hằng tuần trên Phụ trương Văn chương]”, Đông Pháp thời báo, số 635 (14/10/1927).
5, 29 Đạm Phương nữ sử: “Mấy lời phẩm bình về quyển ‘Tây phương mỹ nhơn’ của bà Huỳnh Thị Bảo Hòa”, Thực nghiệp dân báo, số 2231 (3/5/1928).
6 Tác giả tự xác định tác phẩm là “tuồng cải lương”, hiểu theo nghĩa lối tuồng cũ được cải cách, hay “tân diễn” theo cách nói khác lúc đương thời.
7 Trong lời “Tựa”, Huỳnh Thị Bảo Hòa cho biết bà từng “tạm đem các tiểu thuyết trứ danh ra sắp thành tuồng hát như là: Mạnh Lệ Quân, Chung Vô Diệm, Hồng môn bội ẩm, Song mỹ lương duyên… Các tuồng đó tuy rằng thiếu câu hát, khi đem ra diễn, con hát chỉ hát cương, mà cũng được khán giả hoan nghinh lắm”. Tuy vậy, ngoại trừ Huyền Trân công chúa – nhờ tích sử Nam và liên quan đến vấn đề phụ nữ mà Huỳnh Thị Bảo Hòa quan thiết, các vở tuồng trên đều không được ấn bản (xem thêm Huỳnh Thị Bảo Hòa (1934), Huyền Trân công chúa, Imprimerie Tiếng Dân, tr. 2-4).
8 Huỳnh Thị Bảo Hòa (1936), Chiêm Thành lược khảo, Nhà in Đông Tây.
9 Xem thêm xem thêm Đông Pháp thời báo, các số 538 (26/1/1927); số 546 (21/2/1927); số 553 (9/3/1927); số 558 (21/3/1927).
10 Huỳnh Thị Bảo Hòa đã chỉ ra một số khó khăn của việc lập hội phụ nữ nói chung và ở Đà Nẵng nói riêng, chẳng hạn như trong bài viết “Bàn góp về việc lập Nữ công học hội Hải Phòng” trên Đông Pháp thời báo số 571 (25/4/1927).
11 Do khuôn khổ của bài báo và tính chất độc đáo của Đà Thành nữ công học hội, tôi sẽ còn trở lại với tổ chức này trong một bài viết khác.
12 Xem Huỳnh Thị Bảo Hòa: “Nhân cách phụ nữ”, Nam phong tạp chí, quyển 33, số 191, (12/1933), tr. 545-552.
13, 14 Huỳnh Thị Bảo Hòa: “Người đàn bà nên học nghề nghiệp”, Đông Pháp thời báo, số 556 (16/3/1927).
15 Huỳnh Thị Bảo Hòa: “Nữ học sanh nên xuất dương du học”, Đông Pháp thời báo, số 650 (24/11/1927).
16, 17 Huỳnh Thị Bảo Hòa: “Bàn về cách mở mang trí thức cho nữ lưu”, Đông Pháp thời báo, số 509 (15/11/1926).
18, 19 Huỳnh Thị Bảo Hòa: “Vấn đề tăng cao địa vị phụ nữ”, Đông Pháp thời báo, số 583 (23/5/1927).
21 Huỳnh Thị Bảo Hòa: “Chị em ta nên có ‘Phụ nữ tập chí’”, Đông Pháp thời báo, số 614 (7/8/1927).
22 Huỳnh Thị Bảo Hòa: “Nữ lưu ta nên có tai mắt trong xã hội”, Đông Pháp thời báo, số 640 (27/10/1927).
23, 24, 25 Huỳnh Thị Bảo Hòa: “Vấn đề giáo dục nữ lưu”, Thực nghiệp dân báo, số 2155 (3/2/1928).
26 Huỳnh Thị Bảo Hòa (1927), Tây phương mỹ nhơn, Quyển thứ nhứt, Imprimerie Bảo Tồn, tr. iv.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận