TRUYỆN VIỆT NAM TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG TỪ GÓC NHÌN NỮ QUYỀN LUẬN

Bài viết tổng quan về đội ngũ những tác giả nữ tiêu biểu thế hệ 7X, 8X, 9X để từ đó thấy rằng, sang thế kỷ XXI, nữ giới càng tự khẳng định mình trên nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội, đặc biệt là hoạt động sáng tác văn chương. Từ góc nhìn nữ quyền luận, bài viết tập trung vào những sáng tác trên không gian mạng qua việc phân tích ba vấn đề: ý thức nữ quyền trong tình yêu, hôn nhân; số phận của người phụ nữ nhìn từ nữ giới; giới tính và đồng tính luyến ái.

    “Truyện” là một thuật ngữ chỉ các tác phẩm văn xuôi tự sự. Từ đầu thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu phân loại truyện thành: “truyện ngắn”, “truyện vừa” và “tiểu thuyết”. Sự phân loại này có tính chất tương đối, nhất là giữa truyện vừa và tiểu thuyết. Xu hướng hiện nay, các nhà lý luận và các nhà văn ít dùng thuật ngữ “truyện vừa” mà chủ yếu dùng hai thuật ngữ “truyện ngắn” và “tiểu thuyết”. Xuất phát từ nội hàm khái niệm truyện như trên, đối tượng truyện mà chúng tôi khảo sát bao gồm truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam trên không gian mạng từ góc nhìn nữ quyền luận.

    1. Tiếng nói nữ giới ngày càng chiếm ưu thế trên không gian mạng

    Việc khẳng định những ưu việt của người phụ nữ Việt Nam đã từng xuất hiện từ lâu trong lịch sử văn học Việt Nam. Dân tộc ta có tục thờ Mẫu, một di sản văn hóa quý giá, giàu giá trị nhân văn, đề cao vai trò của người mẹ nói riêng và phụ nữ nói chung. Ý thức nữ quyền trong văn học đương đại càng góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp đó. Tuy nhiên, việc đả phá trật tự nam quyền không có nghĩa để cho nữ quyền lên ngôi mà nhằm để nam nữ bình quyền, biết tôn trọng, yêu thương và chia sẻ. 

    Văn học mạng chủ yếu là tiếng nói của lớp trẻ, những người thế hệ 7X, 8X, 9X và cũng là tiếng nói của nữ giới trong thời đại công nghệ thông tin. Chưa bao giờ trong lịch sử văn học Việt Nam có sự xuất hiện nhiều phụ nữ viết văn đến thế. Thử điểm danh các tác giả viết truyện trên mạng, từ thế hệ 7X đến 9X được bạn đọc yêu thích, chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước cuộc đổi ngôi ngoạn mục. Xin dẫn danh sách hai chục cây bút nữ tạo được nhiều ấn tượng trên không gian mạng: Trang Hạ, Trần Thu Trang, Cấn Vân Khánh, Di Li (Nguyễn Diệu Linh), Hà Kin (Vũ Thu Hà), Keng (Đỗ Thị Thùy Linh), Gào (Vũ Phương Thanh), Tờ Pi (Trang Hà Trang), Ploy Ngọc Bích (Lê Ngọc Bích), Hân Như (Nguyễn Thị Minh Ngọc), Phan Ý Yên, Tuệ Nghi, Quỳnh Thy (Phùng Thị Như Quỳnh), Kawi Hồng Phương (Lê Thị Hồng Phương), Born, Iris Cao (Thủy Cao), Huyền Trang Bất Hối (Trịnh Huyền Trang), Hiên (Đỗ Thảo Ly), Lê Nguyễn Nhật Linh, Quỳnh Phạm (Phạm Thị Thúy Quỳnh)… Còn đội ngũ tác giả nam giới thưa thớt hơn nhiều: Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đặng Thiều Quang, Hamlet Trương (Lê Văn Trương), Anh Khang (Quách Lê Anh Khang), Minh Nhật (Nguyễn Minh Nhật), Nguyễn Ngọc Thạch (tự nhận là giới tính thứ ba), Đặng Thân… Nếu trong thế kỷ XX, người viết văn chủ yếu là nam giới thì từ sau Đổi mới và sang đầu thế kỷ XXI, nữ giới càng tự khẳng định mình trên nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội, đặc biệt trong văn chương, tinh thần nữ quyền đang dâng cao hơn bao giờ hết.

    Ý thức nữ quyền khởi nguồn từ khi quyền của phụ nữ bị tước đoạt. Đó là khi chế độ phụ quyền xuất hiện cùng với sự thống trị gia đình và xã hội của đàn ông. Từ triết học đến tôn giáo, từ đạo đức đến văn chương đều khẳng định vai trò, vị trí thượng đẳng của đàn ông trong đời sống gia đình và xã hội. Sự bất bình đẳng giới đã tạo nên những làn sóng nữ quyền thể hiện mạnh mẽ trong các sáng tác văn chương. Ở Việt Nam, tiếng nói nữ quyền đã từng xuất hiện trong sáng tác của Hồ Xuân Hương, Sương Nguyệt Anh, Manh Manh nữ sĩ… Từ Đổi mới (1986), diễn ngôn nữ quyền ngày càng có vị thế với tiếng nói văn chương của Dạ Ngân, Đoàn Lê, Y Ban, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Đoàn Minh Phượng, Lý Lan, Nguyễn Ngọc Tư, Vi Thùy Linh, Đỗ Bích Thúy… Đặc biệt, khi Việt Nam hội nhập sâu sắc và toàn diện với các quốc gia, dân tộc trên thế giới thì ý thức nữ quyền cũng được khơi dậy và phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin từ đầu thế kỷ XXI đã tạo ra một kênh giao tiếp thuận lợi cho phụ nữ tương tác với xã hội một cách công khai, bình đẳng. Xu hướng tự tôn thiên tính nữ và thái độ đả phá trật tự nam quyền khá rõ nét trong truyện của các cây bút nữ trên không gian mạng trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Họ được thành thật bày tỏ những suy nghĩ của mình về những điều “khó nói” trong tình yêu, tình dục và phái tính.

    2. Ý thức nữ quyền trong tình yêu, hôn nhân

    Nữ giới, nhất là thời thiếu nữ, mối bận tâm thường trực nhất vẫn là tình yêu. Chỉ cần điểm qua một số tên tác phẩm, chúng ta đã biết được mối quan tâm của họ: Sợi dây tình yêu, Tình nhân không bao giờ đòi cưới (Trang Hạ), Nhật ký tình yêu TIO, Cocktail cho tình yêu, Phải lấy người như anh (Trần Thu Trang), Cho em gần anh thêm chút nữa, Anh sẽ yêu em mãi chứ (Gào), Chuyện tình New York (Hà Kin), Em là để yêu (Phan Ý Yên), Chỉ có thể là yêu, Yêu không hối tiếc (Hân Như), Shock tình (Kawi Hồng Phương), Người yêu cũ có người yêu mới (Iris Cao), Đàn bà, cứ yêu đi, đừng ngại (Huyền Trang Bất Hối)…

    Trang Hạ là một trong những người tiên phong trong văn học mạng của Việt Nam. Các tác phẩm của chị tập trung vào hai mảng đề tài quen thuộc là tình yêu lứa đôi, nỗi niềm và thân phận của người phụ nữ. Chị viết về phụ nữ với tình cảm yêu thương trân trọng; đề cao bản lĩnh, nhân cách, quyền bình đẳng của phụ nữ, đồng thời cảm thông chia sẻ sâu sắc với những người chịu nhiều bất hạnh trong cuộc đời. Trang Hạ là một trong những nhà văn thể hiện mạnh mẽ nhất tinh thần nữ quyền trong văn học mạng Việt Nam đương đại.

    Trang Hạ có hai tập truyện ngắn được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, thu hút hàng triệu lượt người đọc: Những đống lửa trên vịnh Tây Tử và Sợi dây tình yêu. Nhìn chung, truyện ngắn của chị thường rất ngắn, giản đơn về cốt truyện, nghiêng về bộc lộ tâm trạng, cảm nghĩ và triết lý về đời sống. Nhân vật người kể chuyện trong các truyện ngắn của Trang Hạ thường có nhiều giấc mơ. Giấc mơ và cũng là mơ ước của người ấy là những giây phút ngọt ngào bên người yêu khi bình minh mở cửa, mơ về người đàn ông mạnh mẽ, bao dung biết chăm lo và che chở cho người mình yêu. Là người thích những giấc mơ tình yêu đẹp và người đàn ông đậm chất “men” như thế, hiển nhiên Trang Hạ rất khinh bỉ loại “Người đàn ông quỳ cuối giường”. Đó là loại đàn ông yếu đuối, ủy mị, thiếu lòng tự trọng, sẵn sàng quỳ gối cầu xin. Bởi trong tình yêu không có chỗ cho sự quỵ lụy mà là nơi của cảm xúc chân thành, là sự thổn thức của trái tim, là sự hấp dẫn của những nguồn sáng. Viết truyện Đom đóm, Trang Hạ gửi một thông điệp khá sâu sắc về tình yêu và tình dục. Trước cảnh tượng đom đóm tìm nhau trong đêm, Trang Hạ đã lý giải: “Vì sao đóm sáng, vì hấp dẫn giới tính, tìm bạn giao phối trong mùa, vì ánh sáng giống như lời mời, giống như một lời tỏ tình. Giống như là nói, anh yêu em”. Khi cặp đom đóm tìm được nhau, chúng lăn lộn giao hoan và nguồn sáng cũng tắt. Khi mục đích giao phối đã đạt được thì không cần nữa ánh sáng/ lời tỏ tình với đối phương! Đối với loài sinh vật, tình yêu không có mục đích tự thân, nó chỉ là hình thức dẫn dụ để đạt được mục đích giao phối. Còn loài người? Sẽ buồn biết bao nếu sau khi làm tình, con người cũng tắt mất nguồn sáng tình yêu. Có lẽ đó là câu hỏi đặt ra với bạn đọc trước vấn đề quan hệ giữa tình yêu và tình dục.

    Sau Những đống lửa trên vịnh Tây Tử, dù đã bước sang tuổi ba mươi, Trang Hạ vẫn viết truyện ngắn tình yêu trên blog của mình và thu hút hàng triệu lượt truy cập và hàng chục vạn lượt like. Sau mấy năm cư trú trên không gian mạng, năm 2012, Nhà xuất bản Thời đại đã in các truyện ngắn Sợi dây tình yêu, Bài bút kí đầy nước mắt, Tình yêu không thể đủ, Đầu gối tay ấp, Bạn không có lỗi, Tiếng kêu của Châu Ngư, Đôi vợ chồng chung sống trong kho chứa đồ, Thuốc lá, Tâm sự tuổi già… trong tập Sợi dây tình yêu. Vẫn là những cảm xúc ngọt ngào, vẫn những nhìn nhận tinh tế nhưng giờ đây Trang Hạ đã đằm thắm hơn trong những trải nghiệm tình yêu và hôn nhân. Tình yêu không chỉ là giấc mơ ngọt ngào mà còn là nỗi đau, sự day dứt, là hành trình rút ngắn khoảng cách, là sự cố gắng gìn giữ. Tính triết lý được thể hiện tập trung nhất ở truyện ngắn Sợi dây tình yêu. Những mối tình đã qua, dù đẹp cũng không thể níu giữ, hãy biết trân quý cái hạnh phúc hiện tại của mình và giữ gìn nó, hãy biết nắm giữ và điều chỉnh sợi dây tình yêu để không để nó đứt đi giữa những cuộc tình.

    Trần Thu Trang thu hút được mấy chục vạn độc giả ngay từ khi chị viết tự truyện dưới hình thức Nhật ký tình yêu HN đăng tải trên trang Trái tim Việt Nam online dưới nickname Thieu_iot, sau đó đăng lại trên Hanoicorner từ năm 2003. Mấy năm sau, Nhật ký tình yêu HN được biên tập lại và đổi thành Nhật ký tình yêu TIO và được NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2006. Qua thể nghiệm ban đầu, năm 2005, Trần Thu Trang tự tin và say mê viết các tiểu thuyết Cocktail cho tình yêu, Phải lấy người như anh, đưa lên forum tathy.com và sau đó tiếp tục cư trú trên website sachcuatrang.com từ đầu năm 2006. Năm 2007, hai cuốn tiểu thuyết ngôn tình gây nhiều tranh cãi này được in thành sách với số lượng lớn, bán rất chạy, tạo dấu ấn đậm nét của Trần Thu Trang trên diễn đàn văn học mạng Việt Nam đương đại. Các tác phẩm của Trần Thu Trang đề cập đến nhiều mảng đời sống hiện thực nhưng xuyên suốt thế giới nghệ thuật của Thu Trang vẫn là chuyện tình ái nhiều trắc trở, lắm đắng cay và không thiếu ngọt ngào của tuổi trẻ. Những mối tình ấy giống như những cocktail đa màu, nhiều vị, làm say đắm và thương tổn không biết bao nhiêu trái tim yêu.

    Mối quan hệ giữa tình yêu và tình dục cũng được đề cập khá nhiều trong truyện ngắn và tiểu thuyết mạng. Vấn đề mà chúng tôi muốn nói ở đây là ý thức nữ quyền được biểu hiện như thế nào trong quan hệ tình yêu và tình dục. Các nhà văn nữ viết về tình dục như là hành trình cởi bỏ những quan niệm khắt khe, lỗi thời, bất công với phụ nữ vẫn tồn tại trong đời sống xã hội. Trong văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, hàng ngàn năm tồn tại văn hóa Nho giáo với việc đề cao trinh tiết, tiết phụ, liệt nữ. Sang thế kỷ XX, qua giao lưu văn hóa Đông - Tây, những quan niệm cũ dần được cởi bỏ nhưng vẫn tồn tại âm ỉ, dai dẳng trong đời sống. Thực chất việc đề cao trinh tiết, tiết phụ, liệt nữ là hệ quả của chế độ phụ quyền mà ở đó đàn ông thường đưa ra những thiết chế để bảo vệ quyền lợi ích kỷ của mình. Sang thế kỷ XXI, sự ích kỷ của đàn ông vẫn biểu hiện trong những ám ảnh về trinh tiết, trong hành vi chiếm hữu đàn bà về tâm hồn và thể xác. Thông qua những câu chuyện tình, các tác giả văn học mạng đã lên án mạnh mẽ những bà mẹ chồng săm soi trinh tiết của con dâu, phê phán những chàng trai khi yêu chỉ nhăm nhe tình dục. Có những câu hỏi luôn xoáy sâu vào tâm trí phụ nữ khi thấy đàn ông coi trọng tình dục hơn tình yêu. Liệu có phải họ bị biến thành công cụ tình dục của bạn tình? Ý thức nữ quyền được thể hiện ngày càng mạnh mẽ khi người phụ nữ cần sự bình đẳng và tôn trọng trong cả tình yêu và tình dục. Những vấn đề đó được đặt ra có lúc quyết liệt, gay gắt có lúc kín đáo trong những truyện ngắn, tiểu thuyết của nhiều nhà văn nữ trên không gian mạng như Trang Hạ, Trần Thu Trang, Gào, Hân Như…

    Nhà văn Gào, tên thật là Vũ Phương Thanh, sinh năm 1988 tại Hà Nội, đến với diễn đàn văn học mạng với truyện ngắn, tiểu thuyết viết về tình yêu đầy trắc trở, tình yêu với nhiều ký ức buồn, với nhiều vấp ngã, đau đớn, thất vọng. Đọc tác phẩm của Gào, người ta thường gặp gỡ một người kể chuyện đa cảm, triền miên trong những cảm xúc, suy ngẫm về đời sống, đặc biệt là những suy ngẫm về tình yêu và những người đàn ông – một nửa bí ẩn của đàn bà. Có lẽ vì thế mà tác phẩm của Gào tìm được sự đồng cảm của nhiều cô gái tuổi hai mươi đang muốn tìm kiếm, khám phá một thế giới hấp dẫn mà khó hiểu nhất…

    Phần lớn là những mối tình buồn mà Vũ Phương Thanh viết là sự vấp ngã đớn đau của những cô gái thơ ngây ôm nhiều mộng ước. Tác giả viết những câu chuyện ấy trong cảm xúc đối nghịch vừa ngọt ngào vừa cay đắng, vừa yêu thương vừa phẫn nộ. Người kể chuyện đang trải nghiệm những giây phút hạnh phúc của lứa đôi lại phải gào lên phẫn uất trước bi kịch bị phụ tình, trước những cái chết oan khiên, trước những kẻ đàn ông bội bạc. Những cảm xúc đối nghịch trong tác phẩm của Gào cũng tạo nên những phản ứng đối nghịch của bạn đọc. Nhiều người đồng cảm với thái độ của nhà văn nhưng không ít người cảm thấy bức xúc, khó chịu trước cách viết đanh đá, ngỗ ngược của cô. Vấn đề tình yêu và tình dục đặt ra một cách riết róng trong nhiều truyện của Gào. Phải chăng câu nói “đàn ông tình dục, đàn bà tình yêu” có phần chân xác? Trong truyện Anh sẽ yêu em mãi chứ, cô gái ba lần yêu tha thiết chân thành, cả ba lần đều vỡ mộng. Thật trớ trêu! Câu hỏi: “Anh yêu em mãi chứ?” và câu trả lời: “Anh sẽ yêu em mãi” lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc đời, thế mà bao bi kịch tình yêu vẫn thường xuyên diễn ra, bao nhiêu cô gái vẫn không thôi bị phụ bạc. Vẫn biết rằng trên đời này vẫn có nhiều người đàn ông tốt nhưng nỗi buồn, nỗi đau mà các cô gái phải chịu do họ gây ra vẫn còn nhiều. Gào viết ra nỗi đau của phụ nữ để cảnh báo, cảnh tỉnh những cô gái thơ ngây bồng bột, giúp họ tránh được bước đi lầm lỗi ở tuổi hai mươi.

    Qua những truyện ngắn hay truyện dài của Gào, qua những tâm tình của người kể chuyện tràn đầy cảm xúc và rất nhiều tâm trạng, qua những cuộc đời của bao chàng trai cô gái trong tình yêu, người đọc gặp gỡ một cách nhìn, một tính cách, một quan niệm nhất quán của Vũ Phương Thanh. Những mối tình mà chị kể hầu hết đều buồn, đều đau, nhưng chị vẫn không từ bỏ được niềm tin vào tình yêu cao đẹp. Con người vẫn cần đến tình yêu như một tín ngưỡng. Đàn ông và đàn bà đến với nhau chỉ vì họ thấy cần nhau. Tạo hóa đã sinh ra tình yêu để mang lại hạnh phúc cho con người và cũng đày đọa con người trong khổ đau tuyệt vọng. Vẫn biết yêu là đau khổ nhưng con người dường như không cưỡng được “ý chí thế giới” và lại lao vào thế giới bí ẩn đó để nhận về không ít những vết thương trong trái tim mình. Tình yêu trong cảm nhận của đàn bà không thể tách rời hành trình khám phá thế giới đàn ông. Đối với đàn bà, đàn ông là một thế giới khác, là cái khác mình, không thể hiểu hết đàn ông. Vì không hiểu được tính đa tình vô độ của đàn ông mà nhiều đàn bà đã bị phụ bạc, vì không hiểu sự tham lam ích kỉ và tham vọng sở hữu của đàn ông mà không ít đàn bà bị biến thành kẻ nô lệ tình dục. Viết về đàn ông một cách thẳng thừng, quyết liệt, Gào thể hiện ý thức nữ quyền đậm nét. Cách nhìn của Gào có phần cực đoan khiến chị nhiều lần bị ném đá. Nhưng phải quyết liệt như Gào mới hi vọng phần nào thay đổi được bản tính xấu của một bộ phận không nhỏ đàn ông.

    Những cây bút nữ viết truyện trước hết là để nói lên niềm mơ ước của mình về một tình yêu đẹp, về một người đàn ông mạnh mẽ, bao dung mà họ có thể tin cậy, chia sẻ mọi nỗi niềm trong cuộc sống. Nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết trên không gian mạng đã kể về những mối tình ngọt ngào thơ mộng trong niềm mơ ước của nữ giới. Nhưng truyện viết về tình yêu của nữ tác giả Việt Nam khác với các truyện ngôn tình của Trung Quốc, không bay bổng, lãng mạn thái quá. Các nhân vật gần gũi với cuộc đời thực, các câu chuyện được viết từ sự trải nghiệm của tác giả. Kiểu nhân vật nam “soái ca” ít xuất hiện; thi thoảng có những nhân vật chàng trai doanh nhân thành đạt, có bản lĩnh (Cocktail cho tình yêu), hoặc những chàng trai nhân hậu biết chia sẻ cảm thông (Phải lấy người như anh). Phần lớn các nhân vật nam trong các câu chuyện tình đều là những kẻ bạc tình, ham hố tình dục, nhu nhược, gây ra biết bao đau khổ, tổn thương cho các cô gái mới bước vào đời (một số nhân vật trong Em là để yêu của Phan Ý Yên, Chỉ có thể là yêu của Hân Như, tập truyện ngắn Anh sẽ yêu em mãi chứ của Gào…). Trong lúc đó, hầu hết các nhân vật nữ đều là những cô gái xinh đẹp, hiền lành hoặc cá tính, có ước mơ trong sáng về tình yêu, khát khao một bờ vai tin cậy nhưng gặp phải những gã đàn ông không ra gì! Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân làm nên số phận hẩm hiu của không ít phụ nữ.

    3. Số phận của người phụ nữ nhìn từ nữ giới

    Trong những năm tháng học và làm việc ở Đài Loan, Trang Hạ đã gặp nhiều người phụ nữ Việt bất hạnh khi lấy chồng xứ lạ. Tiểu thuyết Chuyện kể dưới ngọn đèn đường được viết từ những cảnh đời đắng cay tủi nhục, bị bạo hành thể xác, bị xúc phạm tinh thần mà Trang Hạ đã chứng kiến. Trong Chuyện kể dưới ngọn đèn đường, chỉ đọc qua tên một số chương của tác phẩm cũng hình dung được phần nào những sóng gió mà các nhân vật phải đương đầu: Đứa con không mong đợi; Chuyện nhặt đau lòng; Giông gió cuộc đời; Lại sa chân lỡ bước; Giằng xé đi, ở; Ngõ cụt; Ánh sáng cuối đường hầm…

    Nhân vật chính của tiểu thuyết là Ngọc, một sinh viên tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đã nhận việc ở Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Cô có một mối tình trong sáng thơ mộng với một anh chàng thợ xây miền Tây, tên Đàn. Mặc dù bố mẹ phản đối nhưng Ngọc vẫn yêu say đắm và quyết tâm cùng Đàn xây dựng tổ ấm tương lai. Trớ trêu thay, tình yêu và sự thành thật của Ngọc đã bị trả giá bằng sự rẻ rúng của gia đình người yêu và sự nhu nhược, nửa vời của chàng trai. Trong những ngày tháng buồn bã và tuyệt vọng đó, Ngọc gặp một người đàn ông 44 tuổi, đã có vợ và 3 con ở Đài Loan làm nghề phong thủy. Khi chủ động hỏi ngày sinh của cô, ông lý giải tử vi của cô và tự tin khẳng định: “Tin không, chỉ một tuần lễ nữa tôi cưới được cô về làm vợ!”. Và đám cưới của cô và người đàn ông người Đài Loan, tên là Thán đã diễn ra chóng vánh. Sau này, với độ lùi của thời gian, Ngọc đã tự thừa nhận, vì “đã lụy quá khứ” mà cô đã “hành động thua cả kẻ thất học”. Mấy tháng đầu sống trên đất Đài Loan, Ngọc cũng được chồng chiều chuộng. Nhưng khi biết cô mang thai con trai, ông ta như phátrồ, đòi cô phải phá thai; bởi vì ông ta chỉ muốn cô sinh con gái để ông đổi vận. Vì không đạt được mục đích của mình, ông ta đối xử vũ phu, tệ bạc với Ngọc. Cô phải tự sinh con và sống nhờ vào sự cưu mang của các cô dâu Việt, rồi đưa con về quê nhờ bố mẹ nuôi. Như một con thiêu thân, Ngọc quay lại Đài Loan với hi vọng kiếm tiền để nuôi con và tìm được công việc tốt để sau này đưa con sang định cư ở bên đó. Nhưng con đường mà Ngọc đã chọn đầy những chông gai, cô phiêu bạt nhiều nơi, làm đủ nghề để kiếm sống, từ rửa bát ở quán, ăn mặc hở hang để bán trầu cau ở chợ, làm tiếp viên ở quán karaoke, làm mát xa, làm gái bao để có nơi trú ngụ. Ngọc đã gặp những người đàn ông xứ Đài, có người hiền lành nhưng bất lực vì nghèo khó, có kẻ vũ phu tàn bạo đánh đập cô không nương tay, có người tử tế sòng phẳng nhưng đã có vợ con, có kẻ bỉ ổi lưu manh hãm hiếp cô đến phải nằm viện suốt tháng trời… Ngọc chịu đựng bao ê chề, nhục nhã, thương tổn cả tâm hồn lẫn thể xác trong suốt mấy năm trời. Cuối cùng nhờ sự giúp đỡ của ông khách họ Lưu mà Ngọc đã mở được một hiệu làm đẹp và có thu nhập ổn định. Niềm hi vọng có đủ tiền để đưa con sang sống cùng mẹ ở Đài Bắc được thắp lên trong tâm hồn Ngọc. Trải bao sóng gió cuộc đời, lúc nhìn lại, Ngọc đau xót nhận ra: “Tôi đã quá xa với tôi ngày xưa”.

    Cảnh ngộ và thân phận của cô dâu người Việt ở xứ Đài còn được thể hiện qua các nhân vật Thúy, Vân, Lan, Loan... Những cô gái này đến Đài Loan cũng không phải theo tiếng gọi của tình yêu và họ cũng chịu nhiều bất hạnh. Có người thì bất hạnh vì xung đột văn hóa; người thì gặp phải người chồng ghen tuông quá quắt; người thì phải sống trong sợ hãi vì nhà chồng làm nghề hỏa táng, trong nhà đầy lọ đựng xương cốt người; người vì sự thôi thúc kiếm tiền về chữa bệnh cho em trai ở Việt Nam mà liều lĩnh trốn chồng vào làm quán mát xa; người thì “nhàn cư vi bất thiện”, ham hố ăn thua, cờ bạc khiến cho chồng con mất hết nhà cửa. Những gia đình ấy không được xây dựng trên cơ sở quan trọng nhất là tình yêu và sự cảm thông, chia sẻ mà những người phụ nữ kia lấy chồng như một sự mưu sinh nên hạnh phúc đích thực chỉ là chuyện xa vời.

    Nếu Trang Hạ viết về số phận của phụ nữ lấy chồng xa xứ thì Trần Thu Trang viết về số phận những người phụ nữ độc thân. Những tác phẩm đó được tập hợp trong tập truyện Độc thân cần yêu. Độc thân có thể là một sự lựa chọn nhưng cũng có thể là hoàn cảnh đưa đẩy. Trong tập truyện ngắn của Trần Thu Trang, độc thân là cảnh huống của nhân vật thời hiện tại, còn thời quá khứ họ có thể đã từng có lứa đôi và tương lai có thể họ không còn độc thân nữa. Chọn lát cắt đời sống thời điểm độc thân để miêu tả và biểu hiện trạng thái nhân sinh của con người cũng là cách tiếp cận hiện thực độc đáo của Trần Thu Trang.

    Trong hơn hai mươi cảnh huống độc thân trong tập truyện Độc thân cần yêu được tác giả xây dựng thường xuất phát từ các tình huống: tình yêu đơn phương (Những dấu chấm hết màu xanh, Lần đỡ tráp đột xuất, Cái nắm tay ở đền Srimaha –Mariamman), sự ngăn cản của bố mẹ chàng trai (Quà, Nợ), cái chết chia cắt lứa đôi (Ngày ngọt, Một vòng nguôi ngoai), sự thiếu hòa hợp dẫn đến chia tay (Hai người không quên nhau, Nợ, Những ngày cuối cuộc tình, Vẫn cần cưới gấp), và những lý do khác như sống xa cách, bận rộn công việc, vì lo toan mưu sinh mà chưa tìm thấy nửa của mình (Bốn mùa 1881, Tiệc độc thân cho hai người, Cuộc hẹn café và Crepe, Khách cuối…). Khi sống trong cảnh độc thân, các nhân vật trong truyện ngắn của Thu Trang phải trải qua những ngày tháng cô đơn, buồn vắng nhưng không hề bi quan, tuyệt vọng. Độc thân chỉ là một khoảng lặng trong cuộc đời để họ nhìn nhận lại quá khứ và nghĩ tới tương lai. Những người phụ nữ độc thân ấy có bản lĩnh và nhận thức được cái gì là thuộc về mình, cái gì không thể có. Họ biết chấp nhận và buông bỏ khi cuộc tình thiếu một tình yêu đích thực.

    Nguyễn Ngọc Thạch, một người lưỡng giới viết nhiều truyện ngắn, truyện dài về phụ nữ. Anh như sinh ra để nói hộ cho những người phụ nữ bất hạnh, bị dồn đẩy đến bước đường cùng. Viết về đàn bà là sở trường, sở thích, là tình yêu, là nỗi ám ảnh của Nguyễn Ngọc Thạch: “Tôi viết về đàn bà, bởi một lẽ, tôi hiểu đàn bà, tôi yêu đàn bà và có một phần trong tôi là đàn bà” (Lòng dạ đàn bà). Tiểu thuyết Lòng dạ đàn bà (2013) và tập truyện ngắn Một giọt đàn bà (2014) đã thể hiện tập trung những nỗi niềm trăn trở của tác giả về thân phận khổ đau của người phụ nữ.

    Tiểu thuyết Lòng dạ đàn bà là bi kịch của sự tuyệt vọng. Lấy bối cảnh của những thập niên giữa thế kỷ XX ở Sài Gòn và vùng lân cận, chọn hình thức lắp ghép mười lăm mảnh đời trong một câu chuyện phức tạp với những tình tiết ma mị, Nguyễn Ngọc Thạch đã khắc họa sinh động những số phận đau đớn, tuyệt vọng của người phụ nữ. Thân phận người phụ nữ trong xã hội luôn luôn là vấn đề luôn được các thế hệ nhà văn quan tâm. Đặc biệt trong xã hội cũ, khi mà người phụ nữ ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến, có lúc bị coi là công cụ, trò mua vui; là hàng hóa trao đổi thì cuộc đời của họ khó tránh khỏi tha hóa, bế tắc, tuyệt vọng. Viết tiểu thuyết này, Nguyễn Ngọc Thạch muốn nói rằng: “Lòng dạ đàn bà vốn thơ ngây, trắng ngần như tờ giấy mới. Nhưng khi người đàn bà bị đẩy đến tận cùng nỗi đau và sự tuyệt vọng, đó là lúc bi kịch bắt đầu” (Lòng dạ đàn bà).

    Một giọt đàn bà - tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Thạch kể lại những câu chuyện về phận đàn bà đầy bi kịch, ám ảnh, nhưng thấm đẫm chất nhân văn. Nguyễn Ngọc Thạch viết: “Tôi bị ám ảnh bởi đàn bà, nhất là những người đàn bà cá tính, mạnh mẽ. Thỉnh thoảng cũng nhận ra trong mình có một phần đàn bà ẩn dật, lâu lâu vẫy vùng đòi thoát ra ngoài” (Một giọt đàn bà). Các truyện ngắn trong tập Một giọt đàn bà đều có nhân vật chính là phụ nữ. Họ tuy tuổi đời và thân phận khác nhau; ở những địa vị, không gian khác biệt… song đều là những người mạnh mẽ và đều gặp bi kịch của phận đàn bà. Bi kịch lớn nhất là bị đày đọa trong kiếp phải bán mình. Một giọt đàn bà gồm 16 truyện ngắn thì có đến 6 truyện viết về kiếp sống khổ đau của kẻ bán hoa. Phần lớn họ đều là những cô gái xinh đẹp, cá tính, vị tha, có ý thức về nhân phẩm, có ước mơ về tình yêu hạnh phúc. Nhưng từ những cảnh ngộ éo le mà họ bị đẩy vào con đường khổ đau, nhục nhã và phần nhiều kết thúc cuộc đời trong cái chết thảm thương. Tuy bị đọa đày trong kiếp bán hoa nhưng niềm khát vọng hoàn lương luôn cháy bỏng trong tâm hồn họ.

    4. Vấn đề giới tính và đồng tính luyến ái

    Lưỡng tính, đồng tính luyến ái không chỉ là mối quan tâm của sinh học, y học, tâm lý học, luật học… mà còn thu hút sự chú ý của giới văn chương. Trên thế giới, văn học viết về lưỡng tính không còn mới mẻ, xa lạ bởi có nhiều tác phẩm hấp dẫn như tiểu thuyết Annie on my mind (Annietrong trái tim tôi) của nữ văn sĩ người Mĩ Nacy Garden ra mắt bạn đọc vào tháng 7/1982, tiểu thuyết RainBow High (Cầu vồng ở trên cao) của Alex Sancher – nhà văn Mĩ gốc Mexico; tiểu thuyết Common sons (Những chàng trai vùng thị trấn Common) của nhà văn Ronald Donaghe (người Mexico)... Còn ở Việt Nam, lưỡng tính, đồng tính luyến ái là một vấn đề nhạy cảm, mới nổi lên và thu hút sự chú ý của dư luận. Trong quá khứ, vì nhiều nguyên nhân xã hội khác nhau như đất nước có chiến tranh, cơ sở khoa học và pháp lý về người lưỡng giới chưa rõ ràng, quan niệm khắt khe về chuẩn mực đạo đức nên rất nhiều người lưỡng tính không dám công khai thân phận thật của mình. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế, sự giao lưu với văn hóa phương Tây, những cuộc đấu tranh về quyền con người, về bình đẳng giới và đặc biệt là nhận thức của con người ngày càng được nâng cao thì cuộc sống của người lưỡng tính và văn học viết về đề tài đồng tính luyến ái đã được đề cập đến khá nhiều. Trên thực tế, nhiều website dành riêng cho người lưỡng tính đã xuất hiện để họ tâm sự, chia sẻ, trao đổi thông tin, cất lên tiếng nói bảo vệ mình và mong muốn được xã hội thừa nhận. Trên phương diện pháp lý, ngày 5/8/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88 về xác định lại giới tính, trong đó công nhận các dạng lưỡng giới như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ, lưỡng giới thật. Năm 2015, Điều 37 của Luật Dân sự đã ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính của người lưỡng giới. Trong lĩnh vực văn chương, số lượng các tác phẩm viết về đề tài lưỡng giới, đồng tính luyến ái phong phú hơn bao giờ hết với những sáng tác của Bùi Anh Tấn, Vũ Đình Giang, Thuỷ Anna, Phạm Thành Trung, Nguyễn Đình Tú, Trần Thuỳ Mai, Nguyễn Thơ Sinh, Nguyễn Quỳnh Trang, Trang Hạ, Nguyễn Ngọc Thạch... Những tác phẩm này đã thực sự đem đến cho độc giả cái nhìn toàn diện hơn, nghiêm túc hơn, sâu sắc hơn và nhân văn hơn về những con người thuộc giới tính thứ ba.

    Từ năm 2003, trên trang cá nhân trangha blog, Trang Hạ đã post truyện ngắn Những đống lửa trên vịnh Tây Tử đề cập đến đồng tính luyến ái. Thời điểm đó, ở Đài Loan, những cặp đôi đồng tính vẫn chưa dám công khai tình yêu của mình, họ phải lén lút gặp nhau ở bãi biển vắng và họ mơ ước có ngày được ngồi bên nhau trong quán café như cặp tình nhân. Trang Hạ, qua những trang viết của mình đã có tiếng nói cảm thông với những con người ấy. Họ là thế giới thứ ba nhưng tình cảm của họ, những rung cảm tình yêu của họ cũng giống như những người bình thường, cũng cần được tôn trọng như tình yêu của những người dị giới. Chính vì truyện ngắn này mà các nhà xuất bản ban đầu hơi e ngại khi in thành sách nhưng gần chục năm sau, vấn đề này được chấp nhận dễ dàng hơn.

    Người viết nhiều nhất về đề tài này là nhà văn lưỡng giới Nguyễn Ngọc Thạch. Tác giả viết với tư cách là người trong cuộc, đồng thời viết hộ cho những người bạn cùng cảnh ngộ. Các tác phẩm Đời Callboy, Chuyển giới, Trái tim sư tử, Mẹ ơi, con đồng tính… đều viết về lưỡng tính, đồng tính luyến ái. Xuyên suốt trong các truyện nói trên là niềm khát khao trở lại chính mình. Đó là hành trình tìm về bản thể nữ của những người lưỡng giới nữ giả nam. Dù bề ngoài họ có hình dáng của nam nhưng trong cơ thể của họ mang giới tính nữ, vì vậy các nhân vật này luôn muốn “được làm đàn bà” và chuyển giới là một con đường để họ trở về bản thể nữ. Đây cũng là một vấn đề của ý thức nữ quyền mà các nhà văn nữ lên tiếng để xã hội cảm thông hơn đối với chuyển giới, lưỡng giới.

    Đời Callboy không chỉ là câu chuyện kiếm sống của những người lưỡng giới làm nghề callboy mà là những câu chuyện tình của họ với sự cảm thông chia sẻ ngọt ngào và với bao chua xót, bế tắc, tuyệt vọng. Những trang viết của Nguyễn Ngọc Thạch về đồng tính luyến ái với nhiều cảm xúc chân thành đã lay động bao trái tim bạn đọc. Thông qua cách nhìn, cách nghĩ, cách sống của các nhân vật, Nguyễn Ngọc Thạch muốn giúp người đọc hiểu rằng những người lưỡng tính cũng có cuộc sống, có tình yêu, có hi vọng như tất cả những người khác. Tuy nhiên, với những người lưỡng tính, việc tìm được người yêu, tìm một bến bờ bình yên thật quá khó khăn và trắc trở. Nguyễn Ngọc Thạch viết về cuộc sống của người lưỡng tính như một nhu cầu tự nhiên, như là một giải tỏa. Là một người lưỡng tính, anh có thuận lợi hơn trong việc viết về đề tài nhạy cảm này.

    Sau thành công với Đời Callboy, Nguyễn Ngọc Thạch chấp bút viết Chuyển giới - cuốn tự truyện đầu tiên tại Việt Nam về người chuyển giới. Chuyển giới là một tác phẩm tự truyện giàu chất trữ tình, mở ra cả một thế giới nội tâm phong phú. Nhân vật trung tâm của tác phẩm đóng vai trò người kể chuyện ngôi thứ nhất. Ở vai kể này, tác phẩm vừa tạo được ấn tượng chân thực của câu chuyện vừa có điều kiện cho nhân vật bộc lộ thế giới nội tâm sâu sắc. Xuyên suốt toàn bộ tác phẩm Chuyển giới là hành trình tự khám phá bản thân, là sự lắng nghe tiếng nói âm thầm mà mãnh liệt của tâm hồn và thể xác. Ban đầu là những cảm xúc luyến ái mơ hồ về những bạn trai học cùng trường, cùng lớp đến mơ ước muốn làm nữ ca sĩ với bộ kim sa lấp lánh trên người. Từ đó luôn song hành trong tâm hồn của Minh Ngọc hai khát vọng mãnh liệt, cháy bỏng: khát vọng tình yêu và khát vọng làm đàn bà. Trong một “khoảng lặng” của tâm hồn, Minh Ngọc đã thành thật bày tỏ: “Chúng tôi muốn làm đàn bà”. Khát vọng làm đàn bà của những người đàn ông lưỡng giới mạnh mẽ đến mức có lúc họ bất chấp tất cả, chịu bao đau đớn, hiểm nguy, dám liều lĩnh đem sinh mệnh ra đánh cược cùng tử thần... Khát vọng làm đàn bà của họ là khát vọng được sống thật với bản ngã của mình. Từ trái tim họ là đàn bà nhưng thật trớ trêu, tạo hóa lại cho họ một thân thể đàn ông. Vì thế giấc mơ đàn bà theo suốt cuộc đời của họ. Việc chuyển giới trong hành vi sống hay chuyển giới theo con đường phẫu thuật đều là hành trình trở về bản ngã giới. Nhưng khát vọng chính đáng, được sống thật với mình, được trở về bản ngã của họ vấp phảirất nhiều trở ngại lớn như sự áp đặt của gia đình, sự kỳ thị của xã hội, những rào cản pháp lý; cho nên những người lưỡng giới thường rơi vào nỗi cô đơn khủng khiếp và nỗi dày vò thường xuyên mà không dễ dàng chia sẻ. Những người giới tính bình thường, trong cuộc đời cũng không tránh khỏi nỗi khổ đau, đối với người lưỡng giới, nỗi khổ đau còn nhân lên gấp bội. Những nỗi niềm của họ rất cần được văn chương lên tiếng để xã hội thấu hiểu, cảm thông, có cái nhìn bao dung hơn. Tác phẩm Chuyển giới của Nguyễn Ngọc Thạch đã bước đầu thực hiện chức năng cao đẹp đó. Với đề tài gai góc, Nguyễn Ngọc Thạch một lần nữa để độc giả và xã hội bước đến thế giới thứ ba gần hơn! Tác phẩm của Ngọc Thạch đã khiến người đọc, nhất là những người đồng cảnh ngộ, không thể nào cầm được nước mắt. Để rồi qua những câu chuyện ấy, người đọc sẽ cảm thông chia sẻ và có cái nhìn nhân văn hơn đối với những người trong cộng đồng lưỡng giới.

    Đọc truyện Việt Nam trên không gian mạng từ góc nhìn nữ quyền luận là cách tiếp cận tự sự học hậu kinh điển. Khi chọn hướng tiếp cận này, chúng tôi không những thấy được ý thức nữ quyền mà còn hướng về cắt nghĩa thân phận phụ nữ trong môi trường bất bình đẳng giới, khắc phục đối lập nhị nguyên về giới. Những cách tân, đổi mới trong ngôi kể, điểm nhìn, giọng điệu trần thuật đã góp phần quan trọng thể hiện những đề tài, chủ đề mới mẻ về nữ giới, về sự hiện diện của họ trong văn chương cũng như sức mạnh sáng tạo của họ trong thời đại kỹ thuật số.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Âu Dương Hữu Quyền: “Đi tìm bản thể và nhận thức về ý nghĩa của văn học mạng”, Tạp chí Nghiên cứu lý luận văn nghệ, Trung Quốc, Trần Quỳnh Hương dịch, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 10/2007.
2. Thomas L. Friedman (2016), Thế giới phẳng, Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Quang A… dịch, tái bản lần thứ 18, NXB Trẻ.
3. Trần Lê Hoa Tranh: “Tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc tại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa đại chúng”, http://khoavanhue.húc.edu.vn
4. Hayles N. Katherine (2008), Electronic literature, New horizons for the literary, Notre: University of Notre Dame Press.
5. Hongshan Liu (2006), From Print to Cyberspace: New Đevelopments in Chinese Literature in the Age of internet, M.A thesis, Universty of Alberta (Canada).

    

Bình luận

    Chưa có bình luận