NGÔ TẤT TỐ MỘT CHÂN DUNG LỚN, MỘT SỰ NGHIỆP LỚN

Bài viết góp một cách nhìn mới về những đóng góp nhiều mặt của Ngô Tất Tố ở nhiều thể loại, nhiều phương diện. Nhìn nhận, đánh giá về những thấu hiểu sâu sắc của ông về cuộc sống và con người, về xã hội và thời cuộc, về tri thức và văn hoá, về văn chương và học thuật... tác giả đã góp thêm tiếng nói khẳng định về vai trò, vị trí của Ngô Tất Tố trên văn đàn.

    Sinh năm 1893, mất năm 1954, toàn bộ sự nghiệp viết của Ngô Tất Tố nghiêng về phía trước 1945. Trong chưa đầy ba chục năm, tính từ khi vào nghiệp văn, ông đã để lại một khối lượng trang in không mỏng, gồm các sáng tác trên rất nhiều mặt hoạt động mà một cây bút nếu không đủ vốn, đủ hành trang, đủ nhiệt tâm và bản lĩnh thì hẳn khó mà vươn tới được.

    Nghiệp văn của Ngô Tất Tố là nằm trọn nửa đầu thế kỷ XX, thế nhưng người đọc vẫn không một chút e dè khi đặt Ngô Tất Tố vào hàng những văn gia lớn của cả thế kỷ. Bởi ông luôn luôn là con người của thời sự, của hiện tại. Bởi ánh sáng trong tác phẩm của ông luôn luôn có sức rọi sâu và xa. Bởi sự nghiệp của ông là dự cảm, là phát ngôn, là hiện thân những vấn đề của đất nước, của nhân dân, của thế kỷ – một thế kỷ dày đặc các sự kiện, các biến động, các đổi thay, các bước ngoặt trong đời sống vật chất và tinh thần, trong văn hoá, văn học, nghệ thuật... mà phần xuyên suốt, liền mạch, không ngắt quãng của nó là hai nhu cầu lớn và khẩn thiết: công cuộc canh tân đất nước và cách mạng dân tộc dân chủ mà chúng ta đã hoàn thành; công cuộc đổi mới và cách mạng theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang theo đuổi. Đó là hai nhu cầu xen cài vào nhau, chuẩn bị cho nhau, làm tiền đề cho nhau, cùng điều chỉnh, cùng phát triển. Ở mỗi nhà văn lớn như Ngô Tất Tố, phần giá trị tác phẩm của họ là nhằm đạt được một mặt, hoặc gắn được một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, gần hoặc xa hai nhu cầu ấy. Đưa văn chương vào quỹ đạo các vấn đề xã hội, trong đó nổi lên cực kỳ gay gắt vấn đề áp bức và bóc lột, vấn đề quyền sống và sự an toàn của con người, vấn đề sống còn của dân tộc – đó là vấn đề bức xúc, dồn tụ suốt nửa đầu thế kỷ XX và đạt đỉnh điểm, để đi tới giải pháp ở thời điểm 1945. Đưa văn chương vào con đường hiện đại hoá, vào một quá trình hoà nhập với thế giới để cho nền văn chương ấy thoát ra khỏi tình thế phong bế, lạc hậu; góp phần cải tạo dân trí, khơi gợi các khát vọng dân chủ ở con người – đó cũng là một nhu cầu lịch sử cấp bức đặt ra vào đầu thế kỷ. Nhu cầu đó tìm được cách giải quyết trong sự tiếp sức của mấy thế hệ Nho học và Tây học, trong cả một phong trào liên tục nhằm truyền bá chữ quốc ngữ, phát triển các loại hình báo chí, hình thành các thể văn mới, giao lưu và hoà nhập từng phần vào nền văn hoá thế giới hiện đại...

    Ở thời điểm hôm nay, trong công cuộc đổi mới và hội nhập, việc nhìn nhận lại các giá trị văn chương, nghệ thuật, học thuật trên yêu cầu bao quát của thế kỷ XX cho ta mở rộng nhiều giá trị mới, tránh được những nhận thức và đánh giá có mặt chật hẹp trước đây do hoàn cảnh cách mạng và chiến tranh, do sự phân cách hai miền và thế đối lập hai phe, do sự bắt buộc phải lựa chọn một trong hai con đường: tư bản chủ nghĩa hoặc xã hội chủ nghĩa... Từ cách nhìn mới đó, trong nhiều tên tuổi thì Ngô Tất Tố xứng đáng là một chân dung lớn và tiêu biểu, là người phát ngôn và thúc đẩy cho cả hai nhu cầu cách mạng và canh tân, người đáp ứng cả hai phương diện nội dung và hình thức của văn chương theo hướng cách mạng và hiện đại.

    Cũng cần lưu ý đây là nhà văn hiện đại có năm sinh 1893, thuộc lớp tiền bối của số lớn nhà văn làm nên gương mặt văn học thời kỳ 1930-1945 có tuổi đời thua ông trên dưới 20 năm. Với năm sinh đó, xem ra Ngô Tất Tố là người có quãng cách với chúng ta hôm nay xa hơn nhiều người tưởng là cùng thế hệ. Ông đã xích gần với Tản Đà, Trần Tuấn Khải... Thế nhưng trong ý tưởng của nhiều tầng lớp bạn đọc, ông vẫn là người của thế hệ mới, người của thời hiện đại. Đi suốt chiều dài thế kỷ XX, ông không phải là người gối đầu, người chuyển tiếp, người của buổi giao thời, mà vẫn cứ là người hiện đại. Nhà Nho đầu xứ tinh thông Nho học, am hiểu Đông phương học ấy lại là người rất tân thời, rất cùng thời với chúng ta trong toàn bộ trước tác của ông với tư cách nhà văn, nhà báo, nhà phóng sự, nhà tiểu thuyết, nhà tiểu phẩm, và bao trùm là một nhà văn hoá, nhà học giả... Toàn bộ trước tác của ông chứa đựng nhiều mặt giá trị. Không riêng Tắt đèn, Việc làng, Tập án cái đình nói với ta bao điều nhức nhối trong sinh hoạt người nông dân và nông thôn Việt Nam. Không riêng tiểu phẩm, báo chí nói với ta một đời sống với bao điều bức bối của một xã hội đã chuyển hẳn vào guồng quay của chế độ thuộc địa. Không riêng Lều chõng và các công trình nghiên cứu về sử, văn học sử và tiểu thuyết lịch sử cho ta hiểu Ngô Tất Tố như một nhà văn hoá sử. Quả là vậy, Ngô Tất Tố luôn luôn làm ta kinh ngạc vì cách đặt các vấn đề xã hội từ các tầng tiềm ẩn sâu xa của sự sống và của cả nền văn hoá, và vì sự nhạy cảm, thức thời, cập nhật của thời sự, của hiện tại. Tách riêng ra, ở mỗi lĩnh vực, Ngô Tất Tố là người viết sâu sắc và bộc lộ hết mình. Tổng hợp lại, ông càng lớn trong những thấu hiểu sâu xa về cuộc sống và con người, về xã hội và thời cuộc, về tri thức và văn hoá, về văn chương và học thuật...

    85 năm đã qua, tên tuổi Ngô Tất Tố trước hết và gần như bao quát là gắn liền với Tắt đèn (1938), “một tiểu thuyết có luận đề xã hội hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác, tùng lai chưa từng thấy”, theo cách nói của tác giả Giông tố, Số đỏ. Nhà văn hoàn thành tác phẩm ngay chính trên làng quê của mình, đã đào xới vào tận các tầng sâu nỗi khổ của người nông dân như trên các luống cày của đất quê, trên số phận của những người thân kẻ sơ một vùng quê không xa ánh sáng thành thị là mấy mà cứ như hun hút ngập vào đêm đen trung cổ. Tắt đèn có tất cả mọi cung bậc một tiếng nói tố khổ quyết liệt cho số phận người nông dân trong xã hội cũ, dường như bất dịch không thay đổi hàng nghìn năm, cho đến khi có “ông Tây”; và đến lúc có “ông Tây” rồi, tình cảnh người nông dân vẫn chẳng có bao nhiêu thay đổi. Một xã hội nối dài từ các “việc làng”, chung quanh một cái đình làng cho đến một tư thất hoặc công đường nơi huyện sở, rồi một cảnh cụ cố-vú em ở phố tỉnh; hoàn cảnh thì có mở rộng nhưng số phận con người thì vẫn cứ là bị thắt buộc trong tối tăm và oan khổ. Tắt đèn ánh lên cái nhan sắc của người phụ nữ nông thôn, lầm lụi trong một sự sống bị giày vò, đày đoạ trăm bề, nhưng sự trong sáng và trinh trắng thì cứ ngời lên trên cái tối tăm của đêm sâu, của nửa đêm tối đen như mực. Dồn ép con người đến mực tận cùng như Tắt đèn, và đưa con người lên đỉnh cao những giá trị tinh thần và hình thể của con người như chị Dậu1 , tác phẩm của Ngô Tất Tố, trong bất cứ tên gọi nào vẫn là tác phẩm vào loại hiếm hoi gắn nối được cả hai mặt tối-sáng, phê phán-khẳng định, căm giận-yêu thương trong gia tài văn chương hơn một thế kỷ.

      Tắt đèn ra đời vào cuối những năm 1930 như một báo hiệu tức nước vỡ bờ. Chỉ dăm năm sau khi Tắt đèn ra mắt và bị cấm đã diễn ra một cuộc cách mạng làm thay đổi tận gốc số phận người dân Việt Nam. Nhưng nếu sự vùng dậy là quyết liệt, làm đổi đời hai mươi lăm triệu con người thì cái giá phải trả cho sự đổi đời đó là hai triệu người gục xuống trong một cơn đói khủng khiếp, nối dài những cơn đói triền miên của lịch sử. Tôi muốn nói đến vấn đề của người nông dân Việt Nam, của nông thôn Việt Nam, của dân tộc Việt Nam trong hàng nghìn năm phong kiến và nông nghiệp là vấn đề đói, vấn đề con người sống và tồn tại trên những đồng bãi màu mỡ phù sa mà vẫn thiếu cái ăn và không có miếng ăn.

    Nếu Tắt đèn là cuốn sách có một không hai về một chân dung phụ nữ Việt Nam giữa trùng điệp những tên cướp đêm và cướp ngày thì tiểu phẩm Làm no, hay cái ăn trong những ngày nước ngập cũng đã và sẽ là một tiểu phẩm có một không hai về cái đói và tình cảnh người nông dân Việt Nam, đời này qua đời khác, chống chọi và chịu đựng một cái đói lưu niên của lịch sử. Người đói ăn rau má, củ chuối, cám bã, khô dầu, bã đậu... Người đói ăn tất cả những gì có thể ăn, và cả những gì “không ăn được”, miễn là không gây chết người. Cái “nghệ thuật làm no” bằng cách ăn đất sét và cách pha chế nó sao cho có vị để nuốt trôi được của một người làng Ngô Tất Tố trong một chuyến nhà văn về thăm quê giữa mênh mông ngập lụt quả là một cách chống đỡ đã nâng lên trình độ nghệ thuật để đánh lừa cả dạ dày và khẩu vị. Ở đây là nghệ thuật làm no chứ không phải no thật. Chuyện no thật sẽ có những trang khác, như: Một bữa no của Nam Cao – nói là no nhưng nó vẫn cứ là một biến dạng thê thảm của cái đói, và chết vì no là một cực khác của đói khổ và tủi hổ.

       Gần như số đông các nhà viết văn Việt Nam chúng ta, theo tôi, ai cũng có vốn hiểu biết, vốn sống, vốn chia sẻ, cảm thông với người nông dân. Nhưng tôi nghĩ có lẽ chưa ai đạt đến độ của Ngô Tất Tố: hiểu và thương yêu đến trân trọng; hiểu và lo lắng đến đau đớn; và hiểu với bao khổ sở và thất vọng như trong Việc làng. Những “việc làng”, tôi tin là chưa ai biết cặn kẽ và chi ly đến như Ngô Tất Tố trên tất cả mọi khía cạnh của nhiêu khê, tù đọng, nhục nhằn, bức bối, bất công qua bao nếp nghĩ, phong tục, lối sống, sinh hoạt, hội hè, đình đám, lễ tết, khao vọng, ma chay, giỗ chạp... Có lẽ cũng phải sau ba cuộc chiến tranh kéo dài những hơn 40 năm và sau hơn nửa thế kỷ phấn đấu xây dựng một bộ mặt nông thôn mới theo tiến trình và mô hình kết hợp ba cuộc cách mạng với kết quả chưa thật nhiều lắm thì ta mới thấy trở lại thật hết giá trị của bức tranh phong tục ấy, và đồng thời để thấy những kết quả cải tạo của cách mạng, không phải trên bề mặt mà ở các tầng sâu tâm lý, tâm linh và quan hệ giữa con người là không dễ dàng, càng không là dễ dãi.

   Số phận người nông dân Việt Nam, tình cảnh cái làng quê Việt Nam, con đường đưa đất nước và dân tộc Việt Nam đi tìm sự ấm no và thoát cảnh đói nghèo như thế nào trong một nền canh tác thô sơ, trong sự bó chặt và dồn nén nhiều tầng quan hệ gia tộc và làng xã, trong sự kìm hãm của bao nền nếp tâm lý, phong tục cổ hủ... đó là các vấn đề lưu niên của nhiều thế kỷ và vẫn còn là vấn đề của thế kỷ mới này. Những cuộc chiến tranh và cách mạng đã diễn ra rồi qua đi nhưng những vấn đề của đời sống con người, của nhu cầu phát triển con người trên tất cả các mặt của vật chất và tinh thần, của thể chất và tâm hồn thì vẫn còn đó. Cái gì làm điểm tựa cho dân tộc vượt mọi thử thách để không tàn lụi mà vẫn vươn lên và phát triển, để không chìm trong “trời tối” hoặc “tắt đèn” mà tìm thấy ánh sáng, đó là vấn đề Ngô Tất Tố chưa thể nhìn thấy trên các trang viết trước 1945 của mình. Ông chỉ có thể mơ ước hình ảnh một “Suối hoa đào” tựa như chuyện Từ Thức vào động tiên. Nhưng nó là cả một ám ảnh và khắc khoải không nguôi trong suốt cuộc đời nhà văn. Đọc Ngô Tất Tố, và cả Nam Cao, dẫu bị ám ảnh bởi bao tối tăm, bi kịch, tôi vẫn thấy le lói một ánh nến thắp sáng cho nhận thức trong đêm đen nửa đầu thế kỷ XX. Để rồi cuối thế kỷ, ta lại vẫn thấy le lói ánh sáng của ngọn nến đó tiếp tục soi rọi và hửng dần lên trong các sáng tác vào đầu thời kỳ đổi mới, viết về nông thôn và người nông dân Việt Nam, với gia tộc và dòng họ, với đất đai và làng quê, với quê hương và cách mạng, sau một thời gian dài có bị khuất chìm đi trong các vấn đề của giống má, phân tro, ba sôi hai lạnh, bờ vùng bờ thửa, thâm canh tăng vụ, định canh định cư, cao thấp-vào ra, khoán chui hoặc kinh tế vườn...

    Hoá thân vào người nông dân nhưng Ngô Tất Tố vẫn là một nhà Nho, một trí thức Tây học, một kẻ sĩ của nhân dân. Ông nhìn nhân dân với cái nhìn của người trí thức và đau nỗi đau của người trí thức, không phải cái nhìn và nỗi đau của người đứng ngoài. Người trí thức ấy có một trục đi-về quen thuộc là nông thôn và thành thị, là Từ Sơn và Hà Nội (nay là Đông AnhHà Nội). Gắn với đất quê, ông cũng đồng thời tách ra khỏi đất quê để nhìn nông thôn chìm trong tối tăm từ phía ánh sáng thành thị, và nhìn rộng ra những vấn đề của một xã hội đang chuyển động giữa ngổn ngang những bất công và đói khổ, của sự phân cực giàu-nghèo, của những nhố nhăng và thối ruỗng được che đậy hoặc không cần che đậy. Tất cả đều có cách vào văn Ngô Tất Tố với những chạm khắc thật sắc sảo qua hàng trăm phóng sự, hàng nghìn bài bút chiến, tiểu phẩm, trên nhiều mặt báo, qua hàng chục bút danh.

   Nghề báo, đó cũng chính là lĩnh vực Ngô Tất Tố chiếm lĩnh ở vị trí cao, và tác giả Ngô Tất Tố – vẫn qua nhận xét của Vũ Trọng Phụng – là “một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà Nho”. Ở đây bộc lộ sự quyết liệt, sâu sắc trong phê phán, phanh phui, lật trở các vấn đề của xã hội thuộc địa. Ở đây vừa tiếp tục các vấn đề của bóc lột, tước đoạt, vừa bổ sung các vấn đề về phong tục, lối sống, ứng xử của văn hoá làng xã và đô thị vào một buổi giao thời Đông-Tây, giao thoa mới-cũ. Ở đây không hiếm các chân dung phản diện trong bộ máy chức dịch nhà nước từ thấp lên cao, được mở ra trên một biên độ khá rộng, từ Toàn quyền, Thống sứ, Khâm sứ đến Tổng đốc, nghị viên, dân biểu,rồi các loại nha lại, chức dịch, cường hào... Cũng ở đây hiện lên thấp thoáng chân dung nhà văn – người không hoà hợp được với hiện thực nhưng vẫn phải tồn tại và gắn bó với nó trong một khát khao cải tạo và thay đổi; nếu chưa phải là cách mạng, nếu đôi lúc có sa vào ảnh hưởng cải lương thì cũng là điều khó tránh; bởi lẽ trên cái gốc cơ bản là nhập cuộc, là yêu nước và thương dân, ông không một chút thoát ly, trốn lánh, hoặc sa vào những tìm kiếm siêu hình.

    Quả không dễ hình dung di sản báo chí đặc sắc gồm nhiều nghìn bài của Ngô Tất Tố nếu không thấy ở người trí thức yêu nước, yêu dân này một sự căm ghét mọi tội ác đến từ nhiều phía, sự vô nhân và những điều phi nghĩa trong quan hệ giữa người giàu, kẻ nghèo. Ở kho tiểu phẩm đồ sộ hơn tất cả mọi người viết đương thời nào của Ngô Tất Tố có thể cho ta một sự hình dung một bên là đời sống xã hội phong kiến-thuộc địa ở những mặt tối tăm, nhố nhăng và bi đát của nó; và bên kia là đời sống văn chương báo chí trong thế nương tựa vào nhau, làm nên đặc thù đời sống văn hoá những năm 1930 thế kỷ XX. Báo chí đã trở thành cái nôi sinh thành nền học quốc ngữ và văn chương quốc ngữ; và văn học đã đưa báo chí vào một trường lực hấp dẫn, sống động cho đời sống tinh thần, góp phần thúc đẩy nhu cầu dân trí và khát vọng dân chủ của con người và xã hội.

   Bên người viết văn về nông thôn, nhà văn của dân quê đằm thắm tình người, Ngô Tất Tố còn là nhà báo sắc sảo của đời sống thành thị. Nông thôn và thành thị, biểu trưng cho đời sống dân tộc trong một cơn chuyển động lớn lao của lịch sử, của thế kỷ, biểu trưng cho sự giao thoa cũ và mới, của phương Đông và phương Tây, trong tự nguyện và bắt buộc, trong giao lưu và cách bức, trong riêng rẽ và gắn nối, trong bổ sung và tương phản, trong hoà hợp và đối nghịch... trên chặng cuối một thời kỳ chuyển động để hướng tới một giải pháp cách mạng ở thời điểm 1945, đã tìm được một cách phát ngôn, một kiểu đại diện ở Ngô Tất Tố.

    Tư cách nhà văn hoá, học giả, người nghiên cứu dày dặn và sâu sắc về văn hoá dân tộc nói riêng và văn hoá phương Đông cổ truyền nói chung có thể được xem là phần cơ bản tạo nên cốt cách riêng của Ngô Tất Tố so với nhiều đồng nghiệp cùng thời. Ông làm sách Lão Tử, Mặc Tử, dịch Kinh Dịch, Đường thi, nghiên cứu văn học Lý-Trần, viết sách Phê bình “Nho giáo” Trần Trọng Kim... Những năm 1930 và trước đó, các vấn đề của dân tộc và văn hoá dân tộc đã được đặt ra với nhiều động cơ, mục tiêu khác nhau. Có cái là nằm trong ý đồ của chính quyền thuộc địa nhằm phục vụ cho các âm mưu của giai cấp thống trị. Có cái là cách tìm một lối thoát ly, độc lập với chính trị để có một khu vực riêng, độc lập cho văn chương, học thuật. Thời gian rồi sẽ dần dần giúp cho sự nhìn nhận một cách công bằng các giá trị trên một sự phân tích khách quan hơn mối quan hệ giữa các động cơ và hiệu quả.

   Vấn đề dân tộc và văn hoá dân tộc trong chế độ phong kiến-thuộc địa, ở đỉnh cao, nó là vấn đề cách mạng, vấn đề thay đổi thể chế chính trị - như được nêu trong Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943) của Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhưng ở mặt bằng chung, nó là vấn đề thanh lọc những yếu tố phản động, bảo thủ, lạc hậu trong di sản, trên một lập trường khoa học và dân chủ. Nghiên cứu Lão Tử và Mặc Tử trong quan hệ với Nho giáo và trong bối cảnh Trung Hoa cổ đại, Ngô Tất Tố hướng tới các giá trị duy vật-biện chứng, đồng thời với tinh thần phê phán, không nệ cổ. Đặc biệt và trước hết ông là nhà trí thức sớm và hiếm hoi đứng trên lập trường phê phán Nho giáo ở các mặt bảo thủ, lạc hậu, trói buộc của nó. Nhất quán với nhận thức đó, và như để minh chứng một cách sinh động cho nhận thức đó, ông viết tiểu thuyết Lều chõng theo một xu hướng khác với các sáng tác cùng thời như Bút nghiên, Nhà Nho của Chu Thiên và Thanh đạm của Nguyễn Công Hoan; mặc dầu trên chủ trương phục cổ của chính quyền thống trị, cuốn Lều chõng cũng được nhận giải Alexandre de Rhodes cùng với Nho giáo của Trần Trọng Kim và Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Lều chõng cho ta một bức tranh vừa lịch sử vừa hiện thực, không chút tô điểm, thi vị thế giới sĩ tử, khoa hoạn đầy tính cách bi thảm và khôi hài của cả một thời xưa, cả một nền học vấn xưa, mà chính Ngô Tất Tố là người từng dấn thân vào, với những gương mặt đại diện của kẻ sĩ, đứng ở đầu bảng “sĩ-công-nông thương” trong sự phân tầng của xã hội.

   Hơn hai phần ba thế kỷ qua chúng ta đặt Ngô Tất Tố đứng hàng đầu dòng văn học hiện thực trước 1945, căn cứ vào giá trị của Tắt đèn. Sự sắp xếp đó đến hôm nay vẫn không thay đổi, và giá trị Tắt đèn, theo tôi, vẫn là vững chãi và ổn định. Vào những năm đầu thế kỷ mới, thế kỷ XXI, chúng ta nhận ra một di sản còn đồ sộ hơn ở ông, bao gồm nhiều lĩnh vực hoạt động, có ý nghĩa là điểm tựa cho các giá trị văn chương, vượt ra khỏi đóng góp xuất sắc của một nhà văn hiện thực hoặc của trào lưu hiện thực chủ nghĩa.

    Xứng đáng ở nhiều tư cách nhưng với Ngô Tất Tố, tôi muốn trở lại, nhấn mạnh lại tư cách nhà văn hoá như một tư thế bao trùm và là điểm tựa cho mọi lĩnh vực sáng tạo ngôn từ và bồi đắp cho tư duy hình tượng, luôn luôn đạt được độ cao sâu và các giá trị bền vững.

    Ngô Tất Tố đứng cùng vị trí vinh quang của nhiều đồng nghiệp như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài... Đồng thời, ông có một vị thế riêng ở giai đoạn 1930-1945 và cho đến hôm nay. Những đỉnh cao văn chương như ông có người đạt được nhưng ông còn có thêm những giá trị mà nhiều người không có. Từ thời điểm hôm nay mà nhìn lại, một chân dung lớn, một sự nghiệp lớn như Ngô Tất Tố, tôi nghĩ, vẫn còn là hiếm.

 

 

Chú thích:
1 Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này của Ngô Tất Tố có ba tên gọi: Nghị Quế, Chị Dậu, Tắt đèn.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận