Tác phẩm về nghệ nhân bóng rỗi đoạt giải A Liên hoan nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng 2024

Liên hoan nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng lần VIII - năm 2024 vừa chính thức khép lại bằng đêm công diễn và trao giải diễn ra vào tối 21.10, tại Nhà hát Quân đội TP.HCM. Liên hoan năm nay trao 42 giải thưởng, với 13 giải dành cho tác phẩm và 29 giải diễn viên. Tổng trị giá giải thưởng hơn 600 triệu đồng.

 

Tác phẩm “Phận ngọc” nhận “cú đúp” cho giải A tác phẩm và giải A diễn viên

Liên hoan nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng lần VIII - năm 2024 do Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM tổ chức, diễn ra từ ngày 18.10. Liên hoan thi diễn trong ba ngày (18-20.10), với sự góp mặt 36 tác phẩm thuộc các đơn vị, nhóm vũ đoàn và các cá nhân trên địa bàn TP.HCM.

Liên hoan năm 2024 là sự tiếp nối thành công của 7 lần Liên hoan trước được tổ chức vào các năm 2007, 2009, 2011, 2013, 2017, 2020 và 2022. 

Đánh giá về chất lượng Liên hoan, TS.NSND Hà Thế Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan cho biết, các tác phẩm tham dự lần này không tăng về số lượng so với những kỳ liên hoan trước đó, nhưng chất lượng của nhiều tác phẩm đã đem đến cho liên hoan một diện mạo mới.

Tác phẩm “Khúc tráng ca vườn cau đỏ”

Không gian khán phòng Nhà hát Quân đội nóng dần lên trong từng đêm diễn. Tác phẩm dự thi được sự ủng hộ và đón nhận bằng những tràng pháo tay từ khán giả, công chúng yêu nghệ thuật.

Đội ngũ sáng tạo được quy tụ, lực lượng diễn viên tham gia chuyên nghiệp, tác phẩm dự thi đều có chủ đề thiết thực, màu sắc vùng miền khá rõ nét.

Bên cạnh đó, bố cục, thiết kế sân khấu, trang phục phù hợp, có sự đầu tư ý tưởng nội dung chặt chẽ, kết cấu bài bám sát chủ đề, bám ý cùng với việc lựa chọn âm nhạc khéo léo đã mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Múa Duo “Keomoni” (Biên đạo: Sreyroth - Minh Nhật) với chất liệu Dân gian dân tộc Khmer

Theo Hội đồng giám khảo, thể loại múa đương đại vẫn được các tác giả vận dụng nhiều. Ngoài ra, thể loại múa dân gian dân tộc và truyền thống có số lượng tác phẩm dự thi không nhiều nhưng tiêu biểu và có chọn lọc đầu tư.

“Hình thức múa ít người (solo, duo, múa nhỏ) chiếm tỷ lệ cao. Nhiều đề tài mới, góc nhìn mới, được đầu tư dàn dựng cho thấy rõ nét tính tích cực của đội ngũ biên đạo trẻ ngành múa TP.HCM hôm nay”, NSND Hà Thế Dũng đánh giá.

Múa hiện đại “Mảnh ghép” (Biên đạo: Đặng Luật; âm nhạc: Hào Hồ) với thông điệp lan tỏa văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng

Theo Hội đồng giám khảo, bên cạnh những điểm sáng, Liên hoan Nghệ thuật Múa TP.HCM Mở rộng lần thứ VIII năm 2024 cũng cần lưu ý rút kinh nghiệm.

Còn nhiều các nhóm, cá nhân biên đạo chưa đánh giá đúng giá trị thực tiễn của Liên hoan cũng như bám sát quy chế. Đồng thời, một số tác phẩm chưa có sự đầu tư tương xứng.

Đội ngũ sáng tạo còn biểu hiện thiếu kỹ năng nghề trong thủ pháp sân khấu; kết nối nội dung, điều tuyến múa theo ý tưởng. Nhiều tác phẩm còn thể hiện theo lối mòn, chưa mạnh dạn xóa bỏ suy nghĩ, tính an toàn...

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM Nguyễn Trường Lưu trao giải A cho biên đạo Hà Thanh Hậu - tác phẩm “Phận ngọc”

“Với vốn sống và kinh nghiệm nghề nghiệp từ bản thân mỗi thành viên Hội đồng cùng trải nghiệm qua những ngày thi vừa qua, chúng tôi nhận thấy sự tự hào vì nghệ thuật múa Thành phố đang ngày một lớn mạnh, tạo nên một sức sống mới trẻ trung, năng động, sáng tạo chung tay góp phần xây dựng không gian văn hóa Thành phố hoàn thiện hơn”, Chủ tịch Hội đồng giám khảo bày tỏ.

Theo BTC, với chủ đề “TP.HCM - 50 năm tự hào bản anh hùng ca”, Liên hoan lần VIII này cũng là dịp để các nghệ sĩ Hội Nghệ sĩ Múa Thành phố hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2025) và thực hiện việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI (2020-2025) đã đề ra.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM Nguyễn Trường Lưu và Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM Lê Nguyên Hiều trao giải A cho 4 diễn viên

Liên hoan còn hướng tới việc tạo môi trường bộc lộ và phát triển tài năng cho các diễn viên, biên đạo múa; cơ hội để trao đổi học tập, nâng cao tay nghề, nâng cao chất lượng phục vụ nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng.

Đồng thời, Liên hoan cũng là dịp để đánh giá hoạt động nghệ thuật của ngành Múa tại TP.HCM và các tỉnh, thành bạn, từ đó có định hướng cho công tác đào tạo…

Kết quả Liên hoan, BTC trao 42 giải thưởng, bao gồm với 13 giải dành cho tác phẩm và 29 giải diễn viên. Tổng trị giá giải thưởng hơn 600 triệu đồng.

NSND Hà Thế Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng giám khảo và NSƯT Lương Xuân Thành, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM trao giải B cho các diễn viên

Đối với giải Tác phẩm: 1 giải A (trị giá 40 triệu đồng) thuộc về tác phẩm Phận ngọc (Biên đạo: Hà Thanh Hậu; âm nhạc: Bùi Trường Giang), 1 giải B (30 triệu đồng) được trao cho Khúc tráng ca vườn cau đỏ (Biên đạo: Hoàng Đào Vương An, Nguyễn Thị Thảo; âm nhạc: Nguyễn Tiến Thành - đơn vị Đoàn Văn công Quân khu 7).

Ngoài ra, ở hạng mục Tác phẩm, BTC còn trao 2 giải C (20 triệu đồng/giải) và 9 giải khuyến khích (10 triệu đồng/giải).

Đối với giải Diễn viên: 4 giải A (30 triệu đồng/giải) thuộc về: Nguyễn Hà Lộc với tác phẩm Phận ngọc; Nguyễn Viết Huy Phong - tác phẩm Dấu thời gian (Biên đạo: Lê Văn Hải; âm nhạc: Trương Anh Khoa); Nông Thị Thuận Hà - tác phẩm Khúc tráng ca vườn cau đỏ; và Thạch Hiểu Lăng với tác phẩm Thuốc (Âm nhạc: Lý quạ kêu, dân gian Nam bộ; biên đạo: Mai Minh Anh Khoa, Thạch Hiểu Lăng).

Cùng với đó, BTC trao 10 giải B (20 triệu đồng/giải), 10 giải C (10 triệu đồng/giải) và 5 giải khuyến khích (5 triệu đồng/giải).

BTC, Hội đồng giám khảo và các nghệ sĩ, diễn viên chụp ảnh lưu niệm

(Theo: baovanhoa.vn)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận