Người mang dĩ vãng vào những bức tranh

Sau 6 lần ông triển lãm tranh và được biết ông 20 năm có lẻ, tôi mới tìm được từ – ngữ đúng nghĩa với hội họa của ông, bởi trước một người luôn chỉn chu với câu chữ như ông thì chắc phải cần ngần ấy thời gian tôi mới đủ thấm và có thể tìm được cách để diễn đạt về những bức tranh ấy.

 

“Vẽ là nhu cầu không thể chối bỏ, vẽ là “thiền” đối với tôi. Suốt đời, đi đâu cũng tìm nhìn, cũng nhận ra dĩ vãng của cha ông đâu đây. Nay thêm vào, nhìn mọi vật, nhìn xung quanh, đâu đâu cũng là màu sắc chan hòa, ngập tràn trong ánh sáng và tình đời.
Vẽ là thoát, vẽ là cho!…”

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính

1. GS.KTS Hoàng Đạo Kính thuộc thế hệ cha ông của tôi, ông hơn tôi những 40 tuổi. Nhiều thế hệ KTS gọi ông là Thầy. Hầu hết các KTS, ai cũng biết GS là một “hiệp sĩ” trong việc bảo vệ các di tích và di sản của Việt Nam, có thể nói là người tiên phong cho ngành bảo tồn di sản tại Việt Nam. Ông đã cùng KTS Kazik, người Ba Lan, nhiều năm cùng nghiên cứu, trùng tu, bảo tồn di sản Huế, Mỹ Sơn và Hội An, nay đã trở thành di sản không chỉ của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những đam mê về kiến trúc, GS còn có niềm đam mê với những bức vẽ về Hội An, Mỹ Sơn… bằng màu nước như cuốn người xem vào với khung cảnh ấy. Ông đã từng triển lãm tranh tại Ba Lan.

Đó là những chuyện mà thế hệ chúng tôi chỉ được nghe kể lại và nhìn ngắm những bức tranh còn lại trong khung kính treo trên tường nhà Thầy.

2. Không biết có phải do duyên hay bởi những cảm xúc được chất – nén trong tâm hồn nghệ sĩ của Thầy mà khoảng năm 2010 Thầy bắt đầu quay lại với màu nước, Thầy bắt đầu cầm lại cây cọ, từng bước, từng bước một, chậm rãi và từ tốn. May mắn thay, tôi thường hay tới khi thầy vẽ, lúc thì tới xem thầy vẽ bức mới, lúc thì tới ngắm nhìn những bức tranh thầy còn đang vẽ dang dở trên mặt bàn làm việc, được sắp xếp một cách ngăn nắp dưới ánh nắng xiên xiên bên khung cửa căn chung cư tầng 14 nơi thầy đang sinh sống. Có lần Thầy bảo, ở đây nhìn xa xa thấy ngon núi Ba Vì gợi cho mình bao cảm xúc… Tâm hồn của người nghệ sĩ luôn là như vậy, thi thoảng lại thả ra phía xa như hướng về dĩ vãng, nơi những di tích đã từng gắn với Thầy.

Ở vào tuổi ngoài 70 mà Thầy mới bắt đầu cầm lại cây cọ để vẽ, tôi vẫn nghĩ “Thầy chỉ vẽ cho vui” – Nhưng không, đó có lẽ là nơi để thầy gửi gắm bao tâm sự cũng như tình cảm của mình, nó cứ dao động dần dần để rồi tạo nên những “cảm xúc thăng hoa”.

    

3. Giai đoạn đầu tiên, tôi thấy những gam màu chứa đậm hơi thở của những di tích, những nét màu của thời gian khi ông diễn đạt hoa sen, đâu đó trong hội họa của ông có pha chút màu sắc dân gian, nó lạ lắm. Nét vẽ như buông bỏ, gợi mở, không cụ thể nhưng đầy những ẩn ý, chất chứa câu chuyện của dĩ vãng ùa về. Lúc ấy, bức tranh của ông như những lời tự sự, gặp tranh như gặp lại Hoàng Đạo Kính thủa còn “đeo bám” với Huế, với Mỹ Sơn, cái thời mà tôi còn chưa sinh ra nhưng có thể cảm nhận được nó khi đối diện với những bức họa ấy… Những gam màu của thời gian.

    

4.Chủ đề hoa cứ thế lần lượt ra đời trong niềm hạnh phúc đầy hứng khởi của ông. Có lẽ với tình yêu di sản, làng quê Việt đã ăn sâu trong tiềm thức, nên Thầy không chỉ vẽ có hoa, mà một chủ đề đặc biệt nữa chính là cổng làng và làng. Khi vẽ về làng, tư liệu duy nhất mà Thầy có được đó chính là kí ức, những bức tranh như được trực họa bằng kí ức về làng quê nông thôn Việt, đâu đó có đụn rơm, đâu đó có gốc đa lòa xòa, le lói sắc đỏ trong cái miếu và vài dáng người liêu xiêu, vẹo vọ dịch chuyển. Rồi những cây gạo đỏ bừng sáng khoe sắc, sừng sững mà thanh thoát….

    

  

    

  

Tuy vậy, hoa vẫn là chủ đề mà ông vẽ nhiều nhất, niềm cảm hứng cứ tuôn trào sau mỗi triển lãm của mình. Và lần này, chỉ trong vòng hơn 2 tháng, thầy đã hoàn thành xong 30 bức tranh cho triển lãm đầu năm 2024. Những sắc màu lần này khác hẳn những lần trước, nó tươi mới như nét mực vừa mới vẽ ngày hôm qua trong sự chìm đắm của ông.

5. Lần này, Hoa đã nở thực sự!

Nguồn: www.tapchikientruc.com.vn

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận