Hội Liên hiệp Văn học, nghệ thuật Nghệ An tập huấn ''Xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới''

Sáng ngày 26/9, tại thành phố Vinh, Hội Liên hiệp Văn học, nghệ thuật Nghệ An tổ chức hội nghị tập huấn công tác văn học nghệ thuật với chủ đề: ''Nội dung, quan điểm đổi mới của Đảng về văn hóa, văn nghệ và những vấn đề cơ bản đặt ra đối với văn học, nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay''.

 

    Tham dự buổi tập huấn, có PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; ông Võ Văn Dũng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học, nghệ thuật Nghệ An cùng 100 văn nghệ sĩ thuộc 4 chuyên ngành: Văn, Thơ, Lý luận phê bình, Sân khấu.

    Hội nghị đã được nghe PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trình bày nội dung "Xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới".

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trình bày nội dung “Xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới” (Ảnh: Võ Khánh)

     Theo PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tháng 11/2021, trước bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến đổi nhanh chóng, một số vấn đề đặt ra được xác định là quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay mà văn học, nghệ thuật (VHNT) có nhiệm vụ đặc biệt lưu tâm là: Xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và hội nhập quốc tế; Phòng, chống dịch COVID-19, gắn với phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước; Bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo; quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài; Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch,…

    Qua việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới (năm 2008), đã thấy nhiều kết quả đạt được và những khó khăn trong quá trình thực hiện… Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 với nhận thức vị thế quan trọng của văn nghệ sĩ trong đời sống văn hóa Đảng ta đã tiếp tục bổ sung công tác xây dựng văn hóa và con người Việt Nam thời kỳ mới trong các nghị quyết, hội nghị, hội thảo quan trọng. Theo đó, văn nghệ sĩ được xác định là một thành phần quan trọng trong đội ngũ trí thức. Đặc biệt, các hội văn học nghệ thuật địa phương được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cần bám sát nội dung Thông báo Kết luận số 158-TB/TW ngày 2/1/2020 của Ban Bí thư để điều chỉnh hoạt động, tổ chức cho phù hợp chức năng nhiệm vụ.

    Những vấn đề văn hóa hết sức quan trọng này đã có lúc không được chú ý nhìn nhận một cách thấu đáo, vì thế tạo nên sự hư hỏng của một bộ phận cán bộ và trong xã hội, gây tổn thất rất đau đớn trong thời gian qua. Nhìn từ góc độ văn hóa, đó chính là sự không nhìn nhận động lực của những khía cạnh văn hóa trong mọi hoạt động và hành vi của cuộc sống. Đối với bộ phận cán bộ tha hóa, một khía cạnh văn hóa tiêu cực kiểu “một người làm quan, cả họ được nhờ” vẫn diễn ra, trong chừng mực nào đó lại còn mạnh hơn bởi việc trao quyền lực cho những người lãnh đạo ngày nay nhiều hơn. Nhất là giai đoạn sau đổi mới, các cơ quan, xí nghiệp nhà nước vẫn chiếm vai trò chủ đạo, nên cơ hội đưa người thân, họ hàng vào các vị trí cơ quan nhà nước một cách dễ dàng hơn. Đến giai đoạn cổ phần hóa các tài sản nhà nước thì những kẽ hở luật lệ trong hoạt động cổ phần bị khai thác để một bộ phận chiếm đoạt lợi ích của Nhà nước. Cùng với sự hội nhập quốc tế, nền kinh tế thị trường và các công ty nước ngoài vào làm ăn ở nước ta, khi luật pháp chưa chặt chẽ, khung pháp lý chưa được đáp ứng đầy đủ, thì những kẽ hở ấy càng được khai thác nhiều hơn. Từ đây tạo ra các nhóm lợi ích từ kinh tế… mà cao nhất là sự tha hóa về quyền lực dẫn đến sự kéo bè, kéo cánh, mua bán quyền lực, làm hư hỏng một bộ phận cán bộ, những vụ án gần đây đã chứng minh điều đó. Điều đau đớn nhất, như Tổng Bí thư đã từng nói, đó là chúng ta không chỉ mất cán bộ, mà còn mất niềm tin trong Nhân dân.

      Đứng trước những hiện tượng suy thoái về đạo đức, văn hóa của một số bộ phận trong xã hội hiện nay như trên thì có thể đặt ra sự so sánh với bối cảnh trước đây qua các thời kỳ lịch sử để thấy văn học, nghệ thuật đã từng làm gì nhằm góp sức trong xây dựng văn hóa, con người. Các thế hệ đã trải qua thời kỳ kháng chiến và giai đoạn đầu đổi mới của đất nước cảm nhận thấy rõ sức mạnh của văn học, nghệ thuật của thời kỳ đó. Giữa lúc đời sống còn đang gặp muôn vàn khó khăn, văn nghệ sĩ cùng Nhân dân vẫn hát vang bài ca hy vọng. Hàng loạt tác phẩm văn học và nghệ thuật đặc biệt xuất sắc đã ra đời. Người dân đọc sách dưới ngọn đèn dầu, biểu diễn văn nghệ trên sân kho dưới ánh đuốc/ đèn, các đội chiếu phim lưu động phục vụ khắp các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Từ kinh nghiệm của thời kỳ kháng chiến và đổi mới, rất cần giải pháp thiết thực để thúc đẩy hoạt động văn học, nghệ thuật ở mỗi hội nghề nghiệp trung ương và địa phương, góp sức tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ở giai đoạn hiện nay.

     Ngày hôm nay, điều quan trọng nhất với đội ngũ văn nghệ sĩ, cũng chưa hẳn là vấn đề vật chất. Có lẽ đối với văn nghệ sĩ quan trọng vẫn là tinh thần. Nếu được khích lệ đúng lúc, đúng thời điểm, đúng nội dung thì tài năng sẽ bộc phát và tạo nên những sự góp sức to lớn và hiệu quả. Trong công tác phòng, chống và đấu tranh quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, trong nhiều bài viết lý luận sắc bén nhưng cũng rất cần quan tâm đến tư tưởng, tâm lý, ứng xử với văn nghệ sĩ trước sau ân tình. Cần đưa ra những nhiệm vụ cụ thể qua các phong trào sáng tác, đặc biệt là các chủ đề sáng tác hiện nay. Đứng trước những vụ việc đang làm nóng dư luận như về chuyến bay giải cứu, như lợi dụng tín nhiệm để thao túng thị trường cổ phiếu, bất động sản bị thao túng bởi một bộ phận có tiền, được giao quyền lực, hoặc cả những vấn đề quy hoạch đất đai, tài nguyên, môi trường…, rất cần có một phong trào sáng tác văn học, nghệ thuật, để từ đó tìm ra những nhân vật điển hình trong cuộc đấu tranh thiện-ác… Luật pháp là đường biên lề để xử lý, điều chỉnh hành vi con người, nhưng văn hóa sẽ là nền tảng xây dựng vững chắc một xã hội văn minh. Khi các tác phẩm văn học, nghệ thuật khai thác mạnh mẽ và giàu chất văn hóa thì hẳn sẽ tác động đến đạo đức, tình cảm và dẫn tới thay đổi hành động con người. Văn học, nghệ thuật từ trong mỗi giai tầng xã hội, lịch sử xã hội sẽ xuất hiện những tư tưởng riêng để thể hiện vấn đề lịch sử của thời đại đó. Mỗi giai đoạn, mỗi chặng đường phát triển lại có những yêu cầu đổi mới của thời đại. Có thể nói, đối với văn nghệ sĩ thì việc sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh một cách chân thực lịch sử, quê hương, vùng đất, con người, văn hóa dân tộc… để từ đó vun đắp cho đất nước, xây dựng con người mới là niềm hạnh phúc lớn lao nhất.

    Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng đã xuất hiện những thách thức đòi hỏi VHNT không ngừng phát triển, thích ứng, đổi mới. Giải pháp để VHNT đáp ứng vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hiện nay: Trước hết, cần tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước; đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước; từng bước xây dựng hệ thống lý luận VHNT Việt Nam…

     Tại Hội nghị tập huấn này, văn nghệ sĩ còn được nghe PGS, TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trình bày nội dung "Văn hóa, văn nghệ Việt Nam – Thực trạng và định hướng phát triển".


PGS, TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trình bày nội dung "Văn hóa, văn nghệ Việt Nam  Thực trạng và định hướng phát triển". (Ảnh: Võ Khánh)

     PGS, TS Trần Khánh Thành nêu rõ: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới vai trò của văn hóa, văn nghệ qua NQ 23 NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng (1/2011), Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII (1/2021). Vai trò quan trọng của văn hóa được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24 tháng 11 năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn''.

       Trong những năm gần đây, văn hóa nghệ thuật đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực như lý luận phê bình văn nghệ, sáng tác văn học và sáng tác của một số loại hình nghệ thuật khác. Tuy nhiên chưa có những chính sách đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lý luận, phê bình văn nghệ. Số lượng những người làm công tác lý luận phê bình văn hóa, văn nghệ khá đông nhưng phân bố không hợp lý về thế hệ, lĩnh vực chuyên môn, ít liên quan đến văn hóa, văn nghệ; không hiểu đặc trưng của hoạt động văn nghệ nên gặp khó khăn trong việc nắm bắt các hiện tượng văn hóa, văn nghệ cũng như định hướng phát triển văn hóa, văn nghệ. Hoạt động phê bình trầm lắng, thiếu những tranh luận đối thoại trước các hiện tượng văn học nghệ thuật đương đại. Nhiều bài phê bình mang tính quảng bá, điểm sách, chưa có khả năng định hướng thẩm mĩ của công chúng. Một số phương pháp phê bình mới của nước ngoài được giới thiệu nhưng ứng dụng còn có lúc khiên cưỡng, áp đặt, thiếu thuyết phục. Chưa có nhiều tác phẩm thành công viết về hiện thực cuộc sống đương đại. Nhân vật trung tâm tích cực trong tác phẩm nghệ thuật ngày càng vắng bóng. Văn học mạng phát triển phong phú nhưng chưa đi vào những vấn đề trung tâm của cuộc sống, phần nhiều là truyện ngôn tình, trinh thám và kinh dị, phục vụ nhu cầu giải trí. Vấn đề tiền kiểm và hậu kiểm tác phẩm văn nghệ còn nhiều lúng túng, những tác phẩm bị coi là “có vấn đề” nhưng chưa được đưa ra tranh luận mà lặng lẽ cấm phát hành. Đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa, nghệ thuật chưa được thể chế hóa, cụ thể hóa trong hoạt động của Nhà nước, của các hiệp hội, của chính quyền địa phương. Chính sách đầu tư công cho văn hóa, văn nghệ chậm đổi mới, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển văn hóa nghệ thuật ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Công tác quản lý hoạt động của văn nghệ trên mạng xã hội chưa được quan tâm đúng mức và chưa tìm ra biện pháp quản lý hiệu quả. Tình trạng nhạc phẩm, phim ảnh, tranh truyện, văn học mạng truyền đi lan tràn, chưa có phương thức quản lý hữu hiệu.

      Về định hướng phát triển văn hóa, văn nghệ trong thời gian tới, PGS, TS Trần Khánh Thành khẳng định: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, thể chế hóa đường lối bằng chính sách, pháp luật và đầu tư của nhà nước vào hoạt động văn học nghệ thuật. Đào tạo đội ngũ lý luận phê bình văn nghệ có chuyên môn cao, các nhà văn có năng lực tài năng và tâm huyết sáng tạo nghệ thuật. Cử những người có uy tín chuyên môn cao, tâm huyết, có lập trường chính trị vững vàng tham gia quản lý văn hóa, văn nghệ. Giới thiệu một cách bài bản hệ thống tinh hoa văn hóa, văn nghệ nhân loại, những trường phái, phương pháp mới, hiện đại. Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật tiên tiến, khoa học, phù hợp với thực tiễn văn nghệ dân tộc và khuynh hướng phát triển của thời đại. Tìm cơ chế quản lý, kiểm soát các sản phẩn văn hóa, văn nghệ trên không gian mạng; lập các diễn đàn văn học, nghệ thuật mạng để thu hút cộng đồng sáng tác và thưởng thức một cách lành mạnh. Tăng cường đối thoại dân chủ giữa những người làm công tác phê bình văn nghệ và đông đảo bạn đọc về các tác phẩm văn nghệ trên không gian mạng. Tăng cường giao lưu văn hóa, văn nghệ, tăng cường quảng bá văn hóa, văn nghệ Việt Nam ở nước ngoài, khuyến khích Việt kiều bảo tồn văn hóa dân tộc, sáng tạo văn nghệ bằng tiếng Việt, coi văn nghệ sáng tác bằng tiếng Việt ở nước ngoài là một bộ phận của văn nghệ dân tộc”.

     
PGS, TS Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch thường trực Hội LHVHNT Nghệ An khai mạc Hội nghị tập huấn (Ảnh: Võ Khánh)

Ông Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội LHVHNT Nghệ An phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh: Võ Khánh)

    Phát biểu khai mạc của PGS, TS Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch thường trực Hội LHVHNT Nghệ An và phát biểu bế mạc Hội nghị của đồng chí Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội LHVHNT Nghệ An đều nhấn mạnh: Nghị quyết số 39 ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra nhiệm vụ đầu tiên là: “Thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển toàn diện, nhanh, mạnh hơn; phát huy truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển”. Trên tinh thần đó, trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, vấn đề khơi dậy khát vọng phát triển, bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa Xứ Nghệ, coi đó là nguồn sức mạnh nội sinh để phát triển văn hóa... là vấn đề quan trọng, được lãnh đạo Liên hiệp VHNT tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm. Việc tổ chức Hội nghị tập huấn "Nội dung, quan điểm đổi mới của Đảng về văn hóa, văn nghệ và những vấn đề cơ bản đặt ra đối với văn học, nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay" là một trong những hoạt động hiện thực hóa mục tiêu quan trọng đó.


Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Võ Khánh)

 

Tin: Hoàng Nguyên
Ảnh: Võ Khánh

    

 

Bình luận

    Chưa có bình luận