GIÁO DỤC THẨM MĨ CHO SINH VIÊN QUA ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG*

Bài viết phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn, đánh giá chương trình và các hoạt động giáo dục nghệ thuật âm nhạc truyền thống ở Phân hiệu Trường Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó khẳng định tính cần thiết, tính thiết thực và tính hiệu quả của chương trình này trong mục tiêu giáo dục thẩm mĩ qua âm nhạc truyền thống cho sinh viên.

   Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khoá XI Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế nêu rõ mục tiêu “Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mĩ…”, chú trọng việc đào tạo con người “phát triển toàn diện năng lực, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Trên tinh thần đó, trong Quyết định Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ (2021) đã xác định nội dung “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện” với bốn nội dung và nội dung thứ hai là “Tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ nghệ thuật cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ thông qua các chương trình giáo dục trong nhà trường, các hoạt động xã hội và trên các phương tiện truyền thông”.

   Theo tác giả Trần Ngọc Thêm1, với nghĩa hẹp, văn hoá là tinh hoa thể hiện tính giá trị - tính người cao và “thường được đồng nhất với các loại hình nghệ thuật”. Khi nói đến nghệ thuật, ai cũng hiểu đó là những hoạt động hay những sản phẩm hướng đến (thể hiện) cái đẹp, cái thẩm mĩ, nói lên khát vọng và nhu cầu chỉ có ở con người. Về nhu cầu nghệ thuật, Franz Boas2 cho rằng nghệ thuật là một nhu cầu tất yếu của tất cả mọi người, cho dù họ là người giàu có, sống trong điều kiện thuận lợi hay những bộ lạc nghèo nhất đều tạo ra những tác phẩm mang lại cho họ cảm xúc thẩm mĩ riêng. Khẳng định thêm giá trị của nghệ thuật, tác giả Phan Thu Hiền cũng đã phát biểu: “Nghệ thuật là một phần quan trọng của đời sống. Nghệ thuật thể hiện những giá trị chân - thiện - mĩ, bồi đắp những giá trị ấy trong mỗi con người, mỗi dân tộc”3.

   Bàn về nội dung giáo dục nghệ thuật, tác giả Phạm Bích Huyền4 cho rằng nghệ thuật đóng vai trò đặc biệt trong giáo dục thẩm mĩ. Tiếp xúc với nghệ thuật, từng ngày con người sẽ được bồi dưỡng và hoàn thiện năng lực thẩm mĩ. Tác giả khẳng định: “Chức năng giáo dục, thẩm mĩ và nhận thức của văn hóa, nghệ thuật có mối quan hệ qua lại chặt chẽ, kết hợp với nhau để giáo hóa con người”. Theo quan điểm của tác giả Lê Ngọc Trà và Lâm Vinh, giáo dục thẩm mĩ (aesthetic education) là giáo dục nâng cao trình độ văn hoá thẩm mĩ, cả về mặt ý thức và hoạt động… “nhằm hình thành nhân cách hài hoà của con người tự giác và sáng tạo”5. Tác giả Huỳnh Quốc Thắng nhận diện văn hoá thẩm mĩ là “khả năng cảm thụ và thái độ của con người đối với cái đẹp”, đồng thời tác giả cũng cho rằng giáo dục thẩm mĩ chính là nền tảng của giáo dục nghệ thuật và là khoa học dựa trên hướng tiếp cận liên ngành giữa mĩ học kết hợp với nghệ thuật học, giáo dục học, tâm lý học…

   Âm nhạc truyền thống là một thành tố của nghệ thuật, thường gắn liền với quốc gia - dân tộc, mang bản sắc và giá trị văn hoá của dân tộc. Theo Nguyễn Bình Định: “Âm nhạc truyền thống Việt Nam là âm nhạc mang bản sắc của người Việt Nam, phản ánh tư tưởng, tình cảm của người Việt Nam, do người Việt Nam (gồm 54 dân tộc ở Việt Nam) sáng tạo ra và được lưu truyền sau đó trong suốt quá trình lịch sử...”6.

   Giáo dục âm nhạc truyền thống là giáo dục con người hướng đến cái đẹp của nghệ thuật đã được sàng lọc và đúc kết, nó là tâm thức thẫm mĩ chung của dân tộc nhưng qua đó thể hiện bản sắc riêng khi so sánh với dân tộc khác. Theo Feng Hou7, giáo dục thẩm mĩ thông qua giáo dục âm nhạc truyền thống có thể hướng con người định hình tâm hồn theo quy luật cái đẹp bằng cách nuôi dưỡng quan điểm thẩm mĩ đúng đắn. Việc giáo dục âm nhạc truyền thống vừa mang đủ ý nghĩa của việc giáo dục thẩm mĩ thông qua giáo dục nghệ thuật âm nhạc vừa mang trong nó giá trị về văn hoá dân tộc ở nhiều phương diện. Cùng với quan điểm trên, tác giả Nguyễn Thị Mỹ Liêm cũng đã khẳng định: “Âm nhạc có chức năng giáo dục con người và việc xây dựng nhân cách bằng giáo dục âm nhạc đã được con người “nghiên cứu” và thực hiện với “lịch sử” hàng ngàn năm”8.

   Từ những cơ sở lý luận trên, bài viết này hướng đến khảo sát, nghiên cứu các hoạt động đào tạo âm nhạc truyền thống của Trường Đại học FPT để thấy đây là một quá trình giáo dục hướng sinh viên đến với những giá trị thẩm mĩ qua nghệ thuật âm nhạc truyền thống, bồi đắp kiến thức và nhận thức thẩm mĩ thông qua âm nhạc truyền thống để toàn diện năng lực bản thân.

   1. Thực tiễn tổ chức giáo dục âm nhạc truyền thống tại Trường Đại học FPT

   Là một trường đại học không chuyên về nghệ thuật nhưng “từ năm 2014, Trường Đại học FPT là đơn vị tiên phong đưa nhạc cụ dân tộc vào giảng dạy và được công nhận là một bộ môn chính thức trong chương trình đào tạo”9. Dù việc giảng dạy nhạc cụ dân tộc cho 100% sinh viên thể hiện hướng đi riêng trong giáo dục của Trường Đại học FPT nhưng đây là con đường theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc “đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mĩ…”. Lấy môn học nhạc cụ dân tộc làm nền tảng, rất nhiều dự án được tổ chức để sinh viên thực hành và trải nghiệm các loại hình âm nhạc truyền thống. “Trải nghiệm nhạc cụ dân tộc nằm trong những trải nghiệm thuộc nhóm văn hóa Việt Nam và văn hóa Á Đông”10 là một trong sáu nhóm nội dung trải nghiệm mà Trường Đại học FPT hướng đến cho sinh viên. Có hai giai đoạn chính trong tổ chức đào tạo âm nhạc truyền thống tại Trường Đại học FPT:

   Giai đoạn 1, từ năm thứ nhất sinh viên có thể lựa chọn một trong các loại nhạc cụ mình yêu thích để theo học như: sáo trúc, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, trống. Mỗi lớp học có tối đa 15 sinh viên, thời gian học gồm 60 tiết chia làm 30 đơn vị thời gian theo khung chương trình của trường. Sau khi hoàn thành khoá học, sinh viên sẽ có kiến thức cơ bản về nhạc cụ và âm nhạc truyền thống. Chương trình đào tạo được thiết kế cho những bạn chưa từng học nhạc cụ, nhạc lý nên việc học tập không gây khó khăn và áp lực cho sinh viên. Kết thúc học phần, sinh viên phải đàn được ba thể loại âm nhạc là dân ca, ca khúc và nhạc nước ngoài, bên cạnh đó phải nắm kiến thức về các loại hình âm nhạc truyền thống Việt Nam thông qua các bài thi lý thuyết hoặc thuyết trình. Thông qua môn học, ngoài kỹ năng và kiến thức sinh viên học được, trường còn muốn nhắc nhở sinh viên hãy chú trọng bản sắc văn hóa dân tộc, nhớ và tự hào về những điều thuộc về cội nguồn. Không chỉ dừng lại ở kiến thức, “nhạc cụ dân tộc trở thành đam mê của nhiều sinh viên của trường dù các bạn học công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh hay ngôn ngữ”11.

   Giai đoạn 2 là giai đoạn học theo dự án thực tế (project base learning). Từ kết quả của giai đoạn 1, trường có nguồn nhân lực lớn là sinh viên chơi nhạc cụ dân tộc, là nền tảng để Trường Đại học FPT xây dựng và thực hiện nhiều dự án liên quan đến biểu diễn. Ban đầu chỉ biểu diễn trong nội bộ, sau đó dần lan toả đến cộng đồng với hàng loạt chương trình được thực hiện như chương trình lễ hội văn hoá, giao lưu văn hoá của Thành phố Hồ Chí Minh, các dự án tiêu biểu sau:

   - Dự án Mang nhạc cụ dân tộc đến trường học với mật độ biểu diễn khá dày, mỗi tuần một vài suất diễn, lan toả kiến thức và ý thức bảo vệ âm nhạc truyền thống đến học sinh phổ thông. Từ tháng 3/2022, Trường Đại học FPT bắt đầu thực hiện dự án cộng đồng “Đưa bộ môn Nhạc cụ dân tộc đến các trường trung học phổ thông hưởng ứng theo đề án Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”12. Trong năm học 2022-2023, trường liên kết với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thuộc Sở Văn hoá, Thể thao để tiếp tục thực hiện dự án Mang nhạc cụ dân tộc đến trường học với cả ba cấp học là tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, với 70 suất diễn được đề nghị hợp tác. Nhà trường kỳ vọng “chương trình này sẽ thiết thực giúp nâng cao nhận thức trong giới học sinh, sinh viên về văn hóa dân tộc nói chung và nhạc cụ dân tộc nói riêng”13. Cũng trong chuỗi hoạt động, “Sáng 11-12, tại Bưu Điện Thành phố Hồ Chí Minh, đông đảo khán giả, trong đó có du khách đã cổ vũ nồng nhiệt chương trình Giới thiệu nhạc cụ dân tộc và sân khấu cải lương do Trường Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà hát Trần Hữu Trang phối hợp tổ chức”14.

   - Cuộc thi độc tấu hoà tấu nhạc cụ dân tộc online mỗi tháng một lần mang tên F-Sound - Thanh âm FPTU tạo sân chơi khuyến khích sinh viên trau dồi để dần hoàn thiện hơn kỹ năng, kỹ thuật biểu diễn, đã thực hiện được hai mùa (hai năm) và hiện nay đang qua mùa ba. Chương trình đã huấn luyện cho nhiều sinh viên có khả năng đứng trên sân khấu biểu diễn như nghệ sĩ chuyên nghiệp. Phát biểu tại đêm chung kết mùa 2, TS. NSƯT. Hải Phượng đã bày tỏ: “Đây là một sân chơi rất tuyệt vời để rèn giũa ra những tài năng mới cho nền âm nhạc dân tộc nước nhà”15.

   - Triển lãm nhạc cụ dân tộc Cung đàn đất nước mỗi năm một lần là không gian học tập rất sống động để sinh viên có cơ hội tìm hiểu và tiếp cận hàng trăm nhạc cụ được sưu tầm từ nhiều vùng văn hoá Việt Nam. Thông qua các giờ học thực tế ở triển lãm, sinh viên hiểu về nguồn gốc ra đời của các loại nhạc cụ, về sự tinh tế và giá trị thẫm mĩ được gửi gắm trong chế tác nhạc cụ16.

   - Dự án MV Thiên Âm xác lập kỷ lục MV hoà tấu nhạc cụ truyền thống có số người đông nhất Việt Nam đến thời điểm hiện tại với 1.350 sinh viên và giảng viên tham gia thực hiện MV. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tại Việt Nam có một sản phẩm về nhạc cụ dân tộc được đầu tư nghiêm túc về cả nội dung lẫn hình thức, cả về chi phí đầu tư và về số lượng người tham gia, sử dụng sáng tạo và hiệu quả việc kết hợp những làn điệu dân gian với cách hòa âm phối khí hiện đại17.

   2. Những thay đổi của sinh viên qua quá trình giáo dục âm nhạc truyền thống

   Dù chưa thực hiện khảo sát cụ thể nhưng qua quan sát ban đầu cũng dễ dàng nhận diện có ba cấp độ nhận thức khác nhau về âm nhạc truyền thống trong nội bộ sinh viên Trường Đại học FPT:

   Ở cấp độ thứ nhất, sau khi kết thúc học phần bắt buộc của chương trình đào tạo chính thức, toàn bộ sinh viên sẽ học được kỹ năng chơi nhạc cụ, hiểu và biết về các thể loại âm nhạc truyền thống Việt Nam, đặc biệt là các di sản văn hoá âm nhạc, những kiến thức nền tảng của nhận thức thẩm mĩ âm nhạc truyền thống. Toàn bộ sinh viên đều trải qua học phần nên 100% sinh viên sẽ đạt được cấp độ này.

   Đến cấp độ thứ hai, một bộ phận sinh viên sẽ chọn lựa việc tiếp tục gắn kết với nhạc cụ dân tộc. Họ sẽ tiếp tục được giảng viên hỗ trợ nâng cao kỹ năng biểu diễn, đây là quá trình tự nguyện của người học. Lúc này người học trải nghiệm cảm xúc thẩm mĩ qua thể hiện của chính mình. Bằng việc tập luyện chuyên cần, người học sẽ tự rút ra được các nguyên lý và nguyên tắc để thể hiện được những âm thanh âm nhạc đẹp, cảm xúc và tạo rung động cho chính bản thân và người khác. Sự rung động này chính là quá trình “con người được bồi dưỡng và hoàn thiện năng lực thẩm mĩ” mà tác giả Phạm Bích Huyền18 đã đề cập. Quá trình này thường được gắn kết với dự án F-Sound được đề cập ở trên, sân chơi này là một chất xúc tác giúp sinh viên luyện tập hăng say hơn, chuẩn bị cho sự thay đổi của bản thân cả về kỹ năng lẫn nhận thức thẩm mĩ.

   Cấp độ thứ ba, sau một thời gian luyện tập, sinh viên bắt đầu tự tin hơn trong thể hiện cảm xúc thông qua biểu diễn nhạc cụ, dần mong muốn thể hiện cái đẹp qua thực hành âm nhạc và truyền tải cái đẹp đến người khác. Họ sẽ bắt đầu đăng ký để được huấn luyện thêm một số kỹ năng sân khấu, tập các bài nhạc của chương trình biểu diễn, sau đó sẽ chính thức bước lên sân khấu biểu diễn. Có thể thấy kết quả của cấp độ này thông qua các chương trình biểu diễn của dự án Mang nhạc cụ dân tộc đến trường học đề cập ở trên hay một số chương trình biểu diễn khác.

   Từ cấp độ một đến cấp độ ba của quá trình học tập, biến đổi từ trạng thái bắt buộc đến tự nguyện là một quá trình thay đổi trong nhận thức của người học. Về kỹ năng, ở cấp độ một, sinh viên mới chỉ chơi được một số bài nhạc có kỹ thuật vỡ lòng như những bài bản dân ca ngắn có tiết tấu đơn giản; nhưng đến cấp độ ba, sinh viên đã có thể chơi các bài bản tác phẩm dài hơi, có kỹ thuật biểu diễn phức tạp, đòi hỏi người chơi phải trau dồi tập luyện và đặc biệt là cảm nhận sâu sắc về cảm xúc thẩm mĩ âm nhạc truyền thống thì mới có thể thực hiện được các tác phẩm. Cũng cần phải nhắc lại, Trường Đại học FPT không phải là ngôi trường đào tạo nghệ thuật âm nhạc truyền thống như một chuyên ngành, mà là một môn học để phát triển năng lực con người. Dù vậy, chương trình đào tạo này đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ tiếp cận và gắn bó với âm nhạc truyền thống, trong đó nhiều bạn có khả năng trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp như TS. NSƯT. Hải Phượng đã nói: “Đây là một sân chơi rất tuyệt vời để rèn giũa ra những tài năng mới cho nền âm nhạc dân tộc nước nhà”.

   3. Kết luận

   Quá trình dạy và học một loại hình nghệ thuật là một quá trình thay đổi kỹ năng và nhận thức thẩm mĩ của người học. Thông qua môn học âm nhạc truyền thống (như một môn học kỹ năng) tại Trường Đại học FPT, sinh viên đã được trải nghiệm quá trình thay đổi của bản thân trong kỹ năng chơi đàn, trong sự kiên nhẫn và tinh tế để tạo ra những nốt nhạc có chứa đựng cảm xúc, trong việc hiểu quy định âm luật của âm nhạc các vùng miền (thường gọi là màu sắc âm nhạc), trong cảm nhận và phân biệt được cái hay và chưa hay khi thưởng thức một tác phẩm âm nhạc nói chung (cảm nhận và phân biệt trên cơ sở hiểu biết kiến thức)… Không dừng lại ở mong muốn giáo dục nhận thức thẩm mĩ cho sinh viên, với âm nhạc truyền thống, Trường Đại học FPT còn hướng sinh viên đến với ý thức và trách nhiệm trong việc giữ gìn cội nguồn văn hoá dân tộc. Từ nguồn nhân lực đào tạo được, Trường Đại học FPT đang làm tăng số lượng người trẻ có kiến thức âm nhạc truyền thống trong xã hội Việt Nam, nguồn nhân lực này cũng đã và đang trở thành thế hệ tiếp nối truyền lửa cho những người trẻ hơn mình. Các dự án âm nhạc truyền thống của Trường Đại học FPT luôn hướng đến mục tiêu vì cộng đồng, góp phần cùng xã hội lan toả ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam đến nhiều đối tượng xã hội. Từ những kết quả đạt được đã nêu trên, chúng tôi thấy mô hình đào tạo này cần được nhân rộng hơn trong giáo dục.

 

 

 

Chú thích:
* Khảo sát ở Trường Đại học FPT, Phân hiệu Thành phố Hồ Chí Minh.
1 Trần Ngọc Thêm (2014), Những vấn đề văn hoá học lý luận và ứng dụng, NXB. Văn hoá - Văn nghệ, tr. 28.
2 Franz Boas (1927), Primitive art, New York: Dover publications, inc, P.2.
3 Phan Thu Hiền (2006): “Văn hóa học nghệ thuật như một chuyên ngành của văn hóa học”, Tạp chí Văn hoá - Nghệ thuật, số 10-2006.
4, 18 Phạm Bích Huyền (2013): “Giáo dục nghệ thuật và đơn vị nghệ thuật biểu diễn”, Tạp chí Nghiên cứu văn hoá - nghệ thuật, số 3, tháng 3/2013, truy cập: 23/3/2024.
5 Huỳnh Quốc Thắng (2016), Dân tộc học văn hoá nghệ thuật, NXB. Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
6 Nguyễn Bình Định (Chủ biên, 2019), Những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Đề tài khoa học cấp quốc gia, Viện Âm nhạc, tr. 57.
7 Feng Hou (2020), Research on the Importance of Chinese Traditional Music Education in the Process of Higher Vocational Aesthetic Education Based on Computer-aided, Phys.: Conf. Ser. 1648 02205.
8 Nguyễn Thị Mỹ Liêm (2015): “Âm nhạc giáo dục nhân cách và nhân cách trong âm nhạc”, Tham luận Hội thảo khoa học toàn quốc Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
9, 12 Khánh Tâm (2022): “Đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh khởi động dự án cộng đồng Đưa bộ môn Nhạc cụ dân tộc đến các trường THPT”,https://hcmuni.fpt.edu.vn/dai-hoc-fpt-khoi-dongdu-an-cong-dong-dua-bo-mon-nhac-cu-dan-tocden-cac-truong-thpt,truycập27/3/2024.
10, 11 Gia Anh (2022): “Nhạc cụ dân tộc trở thành môn học bắt buộc ở trường đại học FPT”, https:// nguoidothi.net.vn/nhac-cu-dan-toc-tro-thanhmon-hoc-bat-buoc-o-truong-dai-hoc-fpt-34585. html, truy cập 27/3/2024.
13 Thanh Hiệp (30/3/2022): “Đưa nghệ thuật dân tộc đến gần công chúng”, https://nld.com.vn/vannghe/dua-nghe-thuat-dan-toc-den-gan-cong-chung20220329211402319.htm, truy cập ngày 15/3/2024.
14 Thanh Hiệp (2022): “Du khách thích thú khám phá đàn bầu tại không gian Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh, https://nld.com.vn/van-nghe/du-khachthich-thu-kham-pha-dan-bau-tai-khong-gian-buudien-tp-hcm-20221211113724897.htm, truy cập ngày 15/3/2024. 15 Ngọc Thoa (2023): “Chung kết F-Sound II: Nơi hội tụ những tài năng và đam mê âm nhạc truyền thống”, https://university.fpt.edu.vn/chung-ket-f-soundii-noi-hoi-tu-nhung-tai-nang-va-dam-me-am-nhactruyen-thong/, truy cập ngày 30/3/2024.
16 Ngọc Thoa (2023): “Triển lãm nhạc cụ Cung đàn đất nước mùa 3 - Mang nhạc cụ dân tộc đến với giới trẻ”, https://ngaymoionline.com.vn/trie-n-la-m-nha-ccu-cung-da-n-da-t-nuo-c-mu-a-3-mang-nha-c-cudan-to-c-de-n-vo-i-gio-i-tre-42408.html.
17 Thiên Âm (2023): “Kỷ lục Guiness Việt Nam 2023: MV nhạc cụ dân tộc có số lượng nghệ sĩ tham gia đông nhất”, https://www.youtube.com/watch? v=nFWxUogkLvo, truy cập 23/3/2024.

Bình luận

    Chưa có bình luận