Trong quá trình phục vụ khách du lịch, một khía cạnh của sự thích ứng có thể cần lưu ý và theo một số nhà nghiên cứu đó là sự “thị trường hóa” hay “mất bản sắc”. Các nhà sản xuất sẽ tập trung vào lợi nhuận và giá trị sử dụng hơn là tính độc đáo và bản sắc văn hóa, “các ngành thủ công có xu hướng sao chép các sản phẩm bán chạy nhất trên thị trường hiện tại, thay vì khám phá tính xác thực hoặc độc đáo”1; “việc sản xuất hàng loạt sẽ chiếm ưu thế và những niềm tin cũng như câu chuyện địa phương sẽ bị lãng quên”2.
Nghề dệt thủ công cũng giống như các nghề truyền thống khác trên thế giới thường được dán nhãn là “mang tính truyền thống” bởi các nhà nghiên cứu và khách du lịch phương Tây. Việc được “dán nhãn” như vậy gắn với niềm tin rằng nghề thủ công không thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, “truyền thống” là một phức hợp các tập quán văn hóa và tín ngưỡng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thường bằng truyền miệng và những thói quen ứng xử (behavioural modeling) và sẽ biến đổi như là tiến trình không thể thiếu trong quá trình xã hội hóa, điều đó thể hiện sự ổn định và liên tục của xã hội hoặc văn hóa. “Khả năng thích ứng và đổi mới là cách tồn tại của truyền thống và bởi truyền thống không chỉ gắn liền với quá khứ mà còn gắn liền với hiện tại và tương lai”3.
Ngoài ra, các quan điểm về tính xác thực đã thay đổi trong bối cảnh thích ứng, phục hồi (sản xuất), quan điểm này là sự cân bằng giữa bảo tồn và kinh tế4, có thể coi là giải pháp cho vấn đề giữa giá trị “thương mại hóa” của văn hóa và những gì cần được “bảo tồn” cho tương lai5. Hay nói cách khác, những gì gắn liền với “truyền thống” là chủ đạo nhưng “sáng tạo mới” dần dần được coi là “xác thực”. Những quan điểm mới này của trường phái tự do đã tạo tiền đề cho đổi mới, sáng tạo trong nghề dệt thủ công truyền thống.
1. Xu hướng thích ứng theo hướng nới lỏng tính xác thực với các hình thức truyền thống
Quan điểm về tính xác thực là một chủ đề tranh luận dài giữa hai trường phái, quan điểm: bảo thủ và tự do. Theo quan điểm bảo thủ (trường phái chủ thể), tính xác thực gắn liền với sự tương đồng của những sáng tạo hàng lưu niệm với các hình thức truyền thống của nó, như cần phải gắn với nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là sự tồn tại cụ thể của đối tượng, nguyên liệu thô được sử dụng phải là tự nhiên hoặc sử dụng nguyên liệu địa phương, luôn gắn liền với yếu tố thủ công và do người dân địa phương, nghệ nhân địa phương làm ra6. Quan điểm của trường phái này về cơ bản vẫn coi giá trị hữu hình (khách quan) là phần cơ bản hiển nhiên của tính xác thực (như chất liệu, tính nguyên bản).

Hình 1: Minh họa về vải được dệt bằng kỹ thuật sao chép sát với bản gốc.

Hình 2: Minh họa về vải được dệt bằng kỹ thuật dệt theo phương pháp, hoa văn đặc trưng của dân tộc nhưng với chất liệu, kỹ thuật của thời đại. (Ảnh: Nguyễn Thị Thanh Thủy)
Trong lĩnh vực sản xuất hàng lưu niệm thủ công truyền thống và nghề dệt thủ công, trường phái tự do cho rằng tính xác thực có thể được xác lập bằng cách tập trung vào quá trình sản xuất thay vì tập trung vào các yếu tố bên ngoài của sự sáng tạo7, đặc biệt khi người tạo ra sản phẩm là nghệ sĩ8, hay tính xác thực được xây dựng dựa trên mức độ mà sản phẩm “trông có vẻ truyền thống” và “cách sản xuất” (tương đồng với quan điểm của McCannel thời kỳ hiện đại). Các yếu tố dễ nhận biết bên ngoài như kiểu dáng, họa tiết góp phần tạo nên “diện mạo truyền thống” đều được coi là cấu trúc của tính xác thực. Bên cạnh đó, hình thức “trực quan” bằng cách sử dụng hình ảnh văn hóa địa phương đích thực trên sản phẩm có tác dụng rất lớn trong việc thu hút khách hàng9. Do đó, sự linh hoạt trong việc xem xét nguồn gốc của sản phẩm như một phần tạo nên tính xác thực của món quà lưu niệm du lịch. Đây cũng là sự phát triển tất yếu của truyền thống để nó có thể tiếp tục tồn tại trong xã hội đương đại10.
Cũng tương tự như một số trường hợp khác ở Đông Nam Á, đối với nghề dệt của người Thái Mai Châu, đổi mới về chất liệu và thiết kế là một trong những cách sản xuất thích ứng với thị trường khi bán vải thủ công như một sản phẩm văn hóa. Sự đổi mới về kỹ thuật được thực hiện thông qua việc điều chỉnh chất liệu, kỹ thuật dệt để tạo thiết kế đa dạng, phong phú, sáng tạo, kết hợp yếu tố truyền thống với xu hướng hiện đại.
Trong sự thích ứng đối với nghề dệt của người Thái ở Mai Châu, chúng ta có thể thấy một nỗ lực bảo tồn văn hóa, truyền thống thông qua việc dệt những hoa văn mang tính biểu tượng, trồng cây để lấy màu nhuộm tự nhiên để xem như một sự hồi đáp lại xu hướng “bền vững, xanh” hay “bảo tồn truyền thống” (mặc dù theo yêu cầu của cuộc sống, họ phải pha trộn các loại sợi khác như cotton, polyester với lụa để đảm bảo độ bền hoặc giá cả), sự thích ứng của nghề dệt truyền thống với nhu cầu thời trang hiện đại trong khi vẫn duy trì tính toàn vẹn của thiết kế và thủ công. Ví dụ những món quà lưu niệm dành cho khách du lịch được sao chép sát với bản gốc (Hình 1) hay vải được dệt theo phương pháp, hoa văn đặc trưng của dân tộc nhưng với chất liệu, kỹ thuật của thời đại (Hình 2).

Hình 3: Minh họa về những màu sắc mới trên những sản phẩm dệt của nghệ nhân dệt. (Ảnh: Nguyễn Thị Thanh Thủy)
Kỹ thuật đổi mới trong việc chế tác các sản phẩm quà lưu niệm dựa trên hiện vật bảo tàng11 để hài hòa với đời sống mới và nghệ thuật đương đại cũng là tiền đề cho sự thích ứng với khả năng thay đổi, đa dạng của các mặt hàng lưu niệm văn hóa. Những kỹ thuật thường được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất vải thủ công truyền thống là: đơn giản hóa bằng các trích xuất rồi phóng đại hoặc lặp lại. Đây được coi là một kỹ thuật được phép và là một cách chuyển họa tiết truyền thống sang sản phẩm12. Việc đơn giản hóa các mẫu và thiết kế này là một hình thức đổi mới giúp nghệ nhân tạo ra các sản phẩm mới nhìn bắt mắt hơn, một cách để “tái sử dụng” các họa tiết truyền thống trong bối cảnh đương thời và là một trong những cách để cắt giảm chi phí.
Đối với kỹ thuật dệt của người Thái Mai Châu, một trong những phương pháp được các nhà thiết kế hoặc nhà sản xuất sử dụng là “trích xuất mẫu” và phóng đại rồi áp dụng vào sản phẩm. Ví dụ như hoa văn gai cọ (Nam Hiềng) được trích xuất và lập lại trên vải dệt đương thời thay vì dệt theo kiểu truyền thống của người Thái là mỗi mảng hoa văn chứa nhiều họa tiết, thường có họa tiết chính và họa tiết phụ làm đường viền hoặc điểm ở những khoảng trống để làm nổi bật họa tiết chính.
2. Xu hướng thích ứng theo hướng “sáng tạo mới”
Khi tính xác thực lại được khách du lịch định nghĩa là tính thẩm mĩ13 hoặc tính độc đáo14 đã mang đến một không gian rộng lớn hơn cho nghệ nhân, nghệ sĩ thể hiện và thay đổi về đặc tính của sản phẩm. Các nghệ nhân dệt người Thái ở Mai Châu đã sử dụng những gam màu nhạt (pastel) bên cạnh những màu nóng nhiệt đới truyền thống hay những màu đặc trưng của sợi nhuộm thực vật có thể thấy trên các vải cổ của người Thái.
Những sáng tạo mới này về màu sắc hay kỹ thuật lại phù hợp với thị hiếu của khách du lịch khiến sản phẩm được các nghệ nhân dệt “bắt chước nhau” và bày bán rộng rãi, tạo nên một sự nhận diện mới về các loại sản phẩm dệt của người Thái Mai Châu (Hình 3). Trường hợp này có thể nói là các sản phẩm mới được tạo ra với một số đặc điểm nhất định gắn với văn hóa bản địa (hoa văn đặc trưng, màu sắc hay chỉ đơn giản là được người Thái dệt tại bản Thái) và được chấp nhận trở thành một phần của tính xác thực khi nói đến nghề dệt của người Thái.

Hình 4: Minh họa về tính xác thực qua việc du khách tự trải nghiệm.

Hình 5: Minh họa về tính xác thực thông qua chứng thực về nguồn gốc sản phẩm với việc xem nghệ nhân dệt. (Ảnh: Nguyễn Thị Thanh Thủy)
3. Xu hướng thích ứng theo hướng tự chứng thực với những trải nghiệm độc đáo
Bên cạnh xu hướng thích ứng “làm mới” đi kèm với việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc thì sự thích ứng của nghề dệt gắn với du lịch của người Thái Mai Châu cũng đã bắt kịp xu hướng về tính xác thực qua tự chứng thực bằng những trải nghiệm độc đáo. Những sự chứng thực đó có thể được thực hiện thông qua việc khách du lịch tự bản thân làm sản phẩm (Hình 4) hay đó là sự chứng thực về tính xác thực khi chính mắt nhìn thấy nơi sản phẩm được làm ra bởi những người nghệ nhân bản địa thông qua trực tiếp xem nghệ nhân thực hiện công đoạn (Hình 5) hay đích thân nhìn thấy được các nguyên liệu truyền thống đã từng được sử dụng.
Việc tạo ra sự độc đáo để mang lại cảm giác xác thực có thể được thực hiện bằng nhiều cách nhưng các nghệ nhân dệt người Thái ở Mai Châu đã sử dụng những cách như nhấn mạnh mối liên hệ với nguồn gốc văn hóa (hoa văn người Thái), sự tốn nhiều công sức và đòi hỏi khéo léo của nghệ nhân. Họ tạo ra các chủ đề và câu chuyện liên quan đến điểm đến nhằm tạo thêm cảm giác khác biệt, trải nghiệm đặc biệt và ý nghĩa cho khách du lịch.
Một xu hướng thích ứng rất đáng chú ý trong nghề dệt thủ công truyền thống gắn với du lịch đó là tạo ra sự khác biệt, độc đáo bằng chính yếu tố truyền thống, bí quyết cổ truyền. Việc sử dụng yếu tố truyền thống là một cách để tạo ra giá trị độc đáo thu hút du khách. Các nghệ nhân đã nỗ lực đưa các yếu tố truyền thống vào trong những sáng tạo hay cố gắng phục hồi lại chất liệu, quy trình sản xuất truyền thống và truyền thông nó. Người Thái Mai Châu đã chú ý đến những giá trị văn hóa cốt lõi của nghề dệt như nghề trồng dâu, nuôi tằm, kỹ thuật nhuộm thủ công hay những bản sắc, tính biểu tượng và thông điệp của vải thủ công truyền thống. Họ xem yếu tố cốt lõi của di sản văn hóa nghề dệt truyền thống cần được duy trì và nhận thức được giá trị của việc giới thiệu nỗ lực bảo tồn đó đối với du khách.
4. Kết luận
Các sản phẩm lưu niệm làm từ vải dệt thủ công là kết quả của quá trình thích ứng, đáp ứng nhu cầu xã hội và là nỗ lực đổi mới, sáng tạo của các nghệ nhân, cộng đồng địa phương. Trong bối cảnh phục vụ khách du lịch với sự đa dạng về nhu cầu và kinh nghiệm trải nghiệm ngày càng cao, nghề dệt truyền thống đã thích ứng bằng nhiều cách, trong đó tiêu biểu là việc đổi mới trong thiết kế và kỹ thuật để tạo sản phẩm phù hợp với nhu cầu, sở thích của du khách và ứng dụng trong cuộc sống hiện đại. Bên cạnh những phát triển về khoa học công nghệ, sự cởi mở hơn của quan điểm về tính xác thực trong lĩnh vực thủ công mĩ nghệ (đặc biệt khi những nghệ nhân sáng tạo như những nghệ sĩ) đã tạo thuận lợi cho sự sáng tạo, đổi mới.
Theo Tran, Y. (2010)15, sản xuất hàng thủ công mĩ nghệ, đồ lưu niệm có thể coi là một nghề dựa trên sự sáng tạo khi thực hiện đổi mới và giá trị của sản phẩm khi tạo ra được đặc trưng bởi giá trị biểu tượng, những khái niệm được tạo nên trong quá trình tương tác và đồng sáng tạo (ý nghĩa của chúng phụ thuộc vào thị hiếu người mua) và cần phải hợp thời. Chính đặc điểm “theo thời gian” hay hợp thời là yếu tố khiến các nghệ nhân, nhà sản xuất cần điều chỉnh, giảm bớt mật độ bản sắc để dễ tiếp thu hơn. Bên cạnh đó, sự bất biến của truyền thống là một điều phi thực tế bởi truyền thống luôn thích ứng với nhu cầu và mong muốn của con người làm ra nó16 nhưng giới hạn nào của sự thích ứng, thay đổi cần được nhận thức và tìm ra giải pháp phù hợp trong quá trình thích ứng với biến đổi văn hóa.
Chú thích:
1 Zulaikha, E., & Brereton, M. (2011), “Innovation strategies for developing the traditional souvenir craft industry”, in Proceedings of the First International Conference on Engineering, Designing and Developing the Built Environment for Sustainable Wellbeing (p. 58-53), Queensland University of Technology.
2 Sae-Wang, R. (2015): “Spirit of the loom: the conservation and commodification of Surin’s textile cultural heritage”, International Journal of Intangible Heritage, 10 (1), p. 85-100.
3, 10, 16 Glassie, H. (1995): “Tradition”, The Journal of American Folklore, 108 (430), p. 395-412.
4 Trinh, T. T., Ryan, C., & Cave, J. (2014): “Souvenir sellers and perceptions of authenticity–The retailers of Hội An, Vietnam”, Tourism Management, 45, p. 275-283.
5 Di Giovine, M. A. (2009): “Revitalization and counter‐revitalization: tourism, heritage, and the Lantern Festival as catalysts for regeneration in Hội An, Việt Nam”, Journal of Policy Research in Tourism, Leisure and Events, 1 (3), p. 208-230.
6 Cohen, E. (1993): “The heterogeneization of a tourist art”, Annals of Tourism Research, 20 (1), p. 138-163; Torabian, P., & Arai, S. M. (2016): “Tourist perceptions of souvenir authenticity: An exploration of selective tourist blogs”, Current Issues in Tourism, 19 (7), p. 697-712.
7 Cohen, E. (1993): “The heterogeneization of a tourist art”, Annals of Tourism Research, 20 (1), p. 138-163.
8 Popelka, C. A., & Littrell, M. A. (1991): “Influence of tourism on handcraft evolution”, Annals of tourism research, 18 (3), p. 392-413; Maruyama, N. U., Yen, T. H., & Stronza, A. (2008): “Perception of authenticity of tourist art among Native American artists in Santa Fe, New Mexico”, International Journal of Tourism Research, 10 (5), p. 453-466.
9 Lee, Y., Kim, S., Seock, Y. K., & Cho, Y. (2009): “Tourists’ attitudes towards textiles and apparel-related cultural products: A cross-cultural marketing study”, Tourism Management, 30 (5), p. 724-732.
11, 12 Kaya, Ç., & Yağız, B. Y. (2015): “Appropriation in souvenir design and production: A study in museum shops”, A| Z ITU Journal of the Faculty of Architecture,12 (1), p. 127-146. 13 Littrell, M. A., Anderson, L. F., & Brown, P. J. (1993): “What makes a craft souvenir authentic?”, Annals of tourism research, 20 (1), p. 197-215.
14 Steiner, C. J., & Reisinger, Y. (2006): “Understanding existential authenticity”, Annals of tourism research, 33 (2), p. 299-318; Kim, S., & Littrell, M. A. (2001): “Souvenir buying intentions for self versus others”, Annals of tourism research, 28 (3), p. 638-657.
15 Tran, Y. (2010): “Generating stylistic innovation: a process perspective”, Industry and Innovation, 17 (2), p. 131-161.