''MẶT NƯỚC - HỒN QUÊ'' TRONG LÒNG PHỐ CỔ

Bài viết chỉ ra những đặc điểm của chương trình biểu diễn rối nước tại Nhà hát Múa rối Thăng Long như: kịch mục phong phú, phản ánh đa dạng những nét sinh hoạt của cư dân vùng Châu thổ sông Hồng, những giá trị tốt đẹp được chuyển tải… Qua đó khẳng định Nhà hát Múa rối Thăng Long là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Hà Nội, nơi giúp khán giả trong và ngoài nước được thưởng thức và trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của Việt Nam.

   Rối nước là nghệ thuật độc đáo, mang đậm dấu ấn của cư dân nông nghiệp. Nhiều nghiên cứu đi trước cho rằng rối nước đã xuất hiện ở nước ta từ thế kỷ XI - XII ở Châu thổ Bắc Bộ. Không chỉ biểu diễn trong các dịp lễ, tết, hội mùa, rối nước còn được biểu diễn trong cung đình để mừng thọ nhà vua (qua những dòng chữ Hán được khắc trên tấm bia đá cổ có từ triều đại nhà Lý, hiện đang được đặt tại chùa Long Đọi, xã Đội Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Từ loại hình nghệ thuật dân gian, rối nước đã nhanh chóng trở thành nghệ thuật truyền thống, bên cạnh các thể loại sân khấu được coi là kinh điển của dân tộc như tuồng, chèo. Với ngôn ngữ nghệ thuật độc, lạ, lấy mặt nước, quân rối (nhân vật thay cho người) được chế tác tinh xảo bằng gỗ làm phương tiện biểu hiện tích trò, rối nước thực sự thu hút, có sức lan tỏa mạnh mẽ, được các tầng lớp khán giả, nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đặc biệt yêu thích.

   Tọa lạc giữa lòng Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, nơi có những hàng cây đại thụ trầm mặc, xa xa là cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn bốn mùa soi bóng trên mặt hồ Lục Thủy, Nhà hát Múa rối Thăng Long luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn ở Hà Nội, là địa chỉ vàng cho những ai có sở thích khám phá, thưởng thức và trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của Việt Nam. Với bề dày hoạt động biểu diễn, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã xây dựng chương trình kịch mục vô cùng phong phú gồm 16 tiết mục rối nước cổ, nhiều tiết mục, vở diễn rối nước, rối cạn hiện đại… tạo dựng thương hiệu hàng đầu của nghệ thuật múa rối Việt Nam, đồng thời là nhà hát nghệ thuật duy nhất ở Việt Nam giữ kỷ lục châu Á với những vở diễn chuyên nghiệp, chuyên biểu diễn rối nước trong năm. Để có được dàn kịch mục phong phú, sáng tạo từ các trò rối nước cổ, các vở diễn rối nước mang hơi thở hiện đại của Nhà hát Múa rối Thăng Long hôm nay, không thể quên những tháng năm vô cùng khó khăn, chật vật, đầy gian nan, thách thức cùng với lòng quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo và các nghệ sĩ tài năng, tâm huyết trên con đường tìm hướng đi mới cho nghệ thuật rối nước trước khởi đầu của công cuộc Đổi mới. Ấy là khi họ tìm về làng rối nước Đào Thục, một trong những làng nghề rối nước có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam, nơi có nhiều nghệ nhân rối nước tài ba đồng thời cũng là nơi gìn giữ giá trị tinh hoa nghệ thuật rối nước truyền thống để được cùng ăn ngủ, lội nước diễn trò với các nghệ nhân như anh em, như con cháu. Để rồi từ đó các nghệ sĩ đã nắm bắt thành thục nghệ thuật điều khiển quân rối trên mặt nước…

   Mỗi trò diễn rối nước cổ đều mang đậm bản sắc, giá trị văn hóa được dung dưỡng bởi hồn quê Việt. Không đậm chất giáo huấn đạo đức sâu xa, không phản ánh lễ giáo phong kiến như thường thấy trong các tích trò của nghệ thuật chèo cổ truyền, cũng không bị chi phối bởi bất cứ tư tưởng tôn giáo, chính trị nào và chẳng hề tập trung vào tinh thần “trung quân ái quốc” như tuồng, rối nước đơn giản chỉ là kể lại những câu chuyện bình dị, giản đơn, sinh động, chân thực về cuộc sống của người nông dân trong đời sống, sinh hoạt thường nhật. Rối nước chuyển tải thông điệp mang giá trị về đạo đức, nhân văn. Vì thế mà nghệ thuật rối nước vượt qua rào cản ngôn ngữ, dễ hòa cảm, tiếp cận đối tượng từ trẻ đến già, không phân biệt giới tính, quốc gia, không phân biệt giàu, nghèo. Rối nước mang tính nhân loại.

   Mở đầu cho chương trình biểu diễn rối nước tại Nhà hát Múa rối Thăng Long là sự xuất hiện của nhân vật chú Tễu (Tễu giáo trò - Bật cờ hội) – hiện thân của một thanh niên nông dân khỏe mạnh, hiền lành, chất phác, có vai trò như người dẫn chuyện trong các dịp lễ hội làng quê. Tễu có nhiệm vụ khai mạc lễ hội, giới thiệu chương trình và thông báo các sự kiện đang diễn ra trong làng. Nhân vật hài này có quyền tự do nói kháy về bất cứ sự việc nào hoặc bất cứ ai. Sự xuất hiện thường xuyên của chú Tễu làm cho chú trở thành nhân vật trung gian, tạo nên sự cảm thông giữa khán giả và các nhân vật rối. Ta hãy xem cách chú Tễu tự giới thiệu mình:

   “Tễu tôi vốn dòng trên thiên thượng
    Bởi hái đào bị trích xuống trần gian
   Thấy sự đời bối rối đa đoan
   Nên tôi phải lặn lội để lo toan sự “Rối” đấy bà con ạ”

   Để nhắc nhở con cháu về nòi giống Cha rồng, Mẹ tiên, rối nước có các trò Múa rồng, Múa tiên. Truyền thuyết cha Lạc Long Quân lấy mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, sau nở thành một trăm người con. Năm mươi người con theo mẹ lên rừng và năm mươi con theo cha xuống bể. Lạc Long Quân sau đó nhường ngôi cho người con cả và đặt tên nước là Văn Lang. Vua mới lấy tên là Hùng Vương và trở thành vua tổ của các triều đại Việt Nam. Rồng được xem là tổ tiên, đồng thời là linh vật có vị trí quan trọng trong tín ngưỡng văn hóa dân gian của người Việt. Rồng tượng trưng cho sự oai nghi, trù phú và sức mạnh, vì vậy rồng được tin rằng sẽ mang tới cuộc sống đủ đầy, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

   Các trò rối nước như Chăn trâu thổi sáo, Nông nghiệp cấy cày, Câu ếch, Đánh cáo bắt vịt, Nhi đồng hí thủy, Đua thuyền như những bức tranh sinh động mô phỏng cuộc sống thanh bình của làng quê Việt, về cuộc sống của những người nông dân chất phác. Những tri thức dân gian trong lao động sản xuất như chăn trâu, cấy lúa, cày bừa, đánh cá, nuôi vịt, câu ếch, bơi lội, tổ chức đua thuyền được thể hiện trong các trò rối nước một cách sinh động. Tất cả được tái hiện trên mặt nước trong xanh, qua “diễn xuất” của những quân rối được chế tác khéo léo bằng gỗ dưới sự điều khiển tài tình của các diễn viên ngâm mình trong nước, ẩn sau tấm mành tre, qua tiếng hát, tiếng nhạc phụ họa đem lại cảm giác thật thư thái, yên bình.

   Rối nước không chỉ miêu tả sinh động công việc của người nông dân như cày cấy, thu hoạch, xay thóc, giã gạo, tính kế mưu sinh, đánh đuổi loài thú hoang bảo vệ tài sản, hưởng thụ thành quả lao động mà đã biến nó trở thành trò tiêu khiển, dí dỏm, không kém phần hài hước, khắc họa tinh thần lạc quan, hăng say lao động, chiến thắng thiên nhiên của người nông dân Việt Nam. Qua đó giáo dục cho con người về tình yêu quê hương, đất nước, đề cao tinh thần đoàn kết và lòng tự hào dân tộc, “hướng tới cái đẹp “tình làng nghĩa xóm” trong văn hóa làng vùng Châu thổ sông Hồng”.

   Bên cạnh đó, trò rối còn có các trò diễn về những linh vật trong tín ngưỡng dân gian. Múa phượng gợi nhớ đến hình ảnh chim phượng vốn là một linh vật trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, thường sống theo cặp, con trống là phượng, con cái là loan. Điệu múa đôi loan - phượng chính là biểu tượng cho tình yêu vợ chồng thủy chung, son sắt.

   Lê Lợi du thuyền là trò rối liên quan đến truyền thuyết về sự tích Hồ Gươm. Theo sử sách Việt Nam, người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trong 10 năm (1418-1427) để giành lại độc lập dân tộc. Cuộc kháng chiến diễn ra cực kỳ gian khổ nhưng nhờ sự trợ giúp của thần linh, cuối cùng đã giành được thắng lợi. Lê Lợi lên ngôi vua vào năm 1428. Một lần đang du thuyền trên hồ, có rùa vàng là thần Kim Quy nổi lên và đòi nhà vua trả lại gươm thần. Nhà vua làm theo lời thần Kim Quy. Tên gọi Hồ Hoàn Kiếm hoặc Hồ Gươm cũng bắt nguồn từ đấy.

   “Ba thước gươm thần giúp trước khi
   Muôn quân xâm lược hết ra uy
   Thái bình thần kiếm về nguyên chú
   Hoàn Kiếm hồ này dấu khắc ghi”.

   Múa lân chính là lời cầu chúc cho người nông dân về một cuộc sống thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc, hanh thông. Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, lân là linh vật mang lại phước lành, may mắn cho con người.

   Trò rối Tứ linh bao gồm long, lân, quy, phượng vốn là những linh vật thần thánh trong tín ngưỡng dân gian, biểu thị cho sự vận hành của vũ trụ, tôn vinh sự vĩnh cửu của thiên nhiên, đất trời, qua đó gửi gắm ước mơ về cuộc sống sung túc, giàu sang, may mắn, sự thủy chung và trường thọ.

   Để nâng cao chất lượng nghệ thuật, các nghệ sĩ còn sáng tạo mới trong tạo hình quân rối, đầu tư trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, âm nhạc làm sinh sắc hơn 16 tiết mục rối nước cổ truyền. Bên cạnh đó, những thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Thăng Long đã đầu tư, dàn dựng thành công một số tiết mục, vở diễn rối nước hoặc kết hợp giữa ngôn ngữ rối nước và rối cạn, được khán giả trong nước và quốc tế vô cùng thán phục, nồng nhiệt hưởng ứng. Những tiết mục, vở diễn tiêu biểu được tặng giải thưởng cao trong các liên hoan múa rối quốc tế và liên hoan múa rối toàn quốc phải kể đến như: Huyền thoại tiên rồng (rối nước kết hợp rối cạn, Huy chương Bạc tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ I năm 2008, tác giả: NSUT Đăng Tiến, đạo diễn: NSƯT Hoàng Tuấn); Linh thiêng hai tiếng đồng bào (rối nước, Huy chương Vàng tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ III năm 2012, đạo diễn: Hoàng Tuấn); Bay lên từ mặt nước (rối nước, Huy chương Bạc tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ IV năm 2015, NSƯT Hoàng Tuấn và Chu Lượng dàn dựng); Nàng công chúa tóc mây (Huy chương Bạc tại Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ V năm 2018) và gần đây nhất là vở Hoàng đế cờ lau (rối nước kết hợp rối cạn, Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024, tác giả: Đăng Chương, đạo diễn: NSND Hoàng Tuấn).

   Là một đơn vị nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội – nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc – Nhà hát Múa rối Thăng Long càng nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong việc cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Nói như Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông: “Với định hướng đầy tính sáng tạo, những chương trình biểu diễn của Nhà hát Múa rối Thăng Long đã trở thành một trong những sản phẩm văn hóa trụ cột hỗ trợ phát triển du lịch Thủ đô. Trong bối cảnh Hà Nội còn thiếu vắng các sản phẩm nghe - nhìn hấp dẫn phục vụ du khách, mỗi suất diễn chỉ kéo dài 50 phút của Nhà hát Múa rối Thăng Long thực sự là một “đại tiệc” tuyệt diệu (đặc biệt là đối với du khách quốc tế) giới thiệu về lịch sử, văn hóa Việt Nam theo một phương thức độc đáo, vui nhộn, cuốn hút và dễ tiếp nhận nhất, nâng tầm rối nước lên một vị thế mới”.

   Có thể nói những trò rối nước cổ xưa, những vở rối mới mang hơi thở thời đại đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng hiện nay đang tỏa sáng trong không gian văn hóa Thủy Đình của Nhà hát Múa rối Thăng Long. “Mặt nước - hồn quê” giữa lòng Hà Nội đã khẳng định những giá trị tốt đẹp mà rối nước chuyển tải. Đó là sự nhận thức về đạo đức, nhân văn; về tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần cố kết cộng đồng, tính giáo dục, tính giải trí, tính thẩm mĩ, hướng con người trở nên vui vẻ, nhân ái, cởi mở và thân thiện hơn trong cuộc sống.

Bình luận

    Chưa có bình luận