Việt Nam vốn có truyền thống lâu đời về nghề gốm, từ những bình gốm Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun cho đến những chiếc bình gốm hoa nâu, men ngọc thời Lý - Trần, gốm hoa lam thời Lê sơ. Những chiếc bình gốm là đại diện cho văn hóa, văn minh mỗi thời đại. Truyền thống gốm đáng tự hào của dân tộc là nền tảng để ngành gốm Mỹ thuật công nghiệp hình thành và phát triển.
Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp hiện là một trong số rất ít trường đào tạo mĩ thuật ứng dụng ở Việt Nam còn duy trì ngành gốm. Hơn thế nữa, phong trào sáng tác gốm trong trường đã thành một nét riêng từ khi thành lập đến nay, không chỉ những người dạy gốm, học gốm mà nhiều giảng viên trong trường ở các ngành khác cũng nhiệt tình tham gia. Nhìn suốt quá trình phát triển của ngành có thể thấy các họa sĩ, giảng viên gốm của trường đã đưa nghệ thuật dân gian vào đời sống qua những thiết kế hiện đại.
Các giảng viên và họa sĩ đào tạo tại trường đã đưa gốm truyền thống trở thành gốm nghệ thuật, giải phóng đồ gốm khỏi sự bắt buộc phải có công năng thành một tác phẩm nghệ thuật trọn vẹn. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa điêu khắc, hội họa, đồ họa… sự sáng tạo với các kỹ thuật khắc chìm, đắp nổi, vẽ bằng bút lông, tạo dáng bình, lọ, tượng… đã xóa nhòa các ranh giới. Chỉ với đất qua lửa và chất men đã tạo ra những biến ảo với rất nhiều kỹ thuật được chinh phục.
Nhìn lại một quá trình, quả thật thấy đáng tự hào và cũng đặt ra nhiều vấn đề cho việc đào tạo trong hiện tại khi môi trường xã hội có nhiều thay đổi, cần có những cải tiến gì để ngành gốm của trường đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng khắt khe của xã hội.
1. Ngành gốm từ năm 1959 đến 1986
Năm 1959, trường đổi tên từ Trường Sơ cấp Mỹ nghệ Việt Nam thành Trường Trung cấp Mỹ nghệ, do họa sĩ Nguyễn Văn Y làm Hiệu trưởng. Bên cạnh bốn ngành trước đó là Sơn, Mộc, Khảm, Kim hoàn, Trường đã có thêm Ban Gốm với Ban Chủ nhiệm đầu tiên gồm nhà điêu khắc Nguyễn Minh Trí, họa sĩ Nguyễn Trọng Niết, họa sĩ Đinh Khu, đốt lò và dạy về xương đất; cùng sự góp sức quan trọng từ các nghệ nhân nổi tiếng như Đào Văn Can, Vũ Văn Hào, Nguyễn Văn Thu, Lê Văn Vấn, Nguyễn Thị Tỵ…, họ là những người thầy dạy những khóa đầu tiên của Ban Gốm. Thời kỳ đầu này có thể nói đã đào tạo ra những người thầy giỏi của ngành gốm, những người đầu tiên đưa gốm từ mĩ nghệ sang gốm công nghiệp và gốm nghệ thuật. Khóa đầu tiên (1959-1963) có tới 34 học sinh, hầu hết lần đầu tiếp xúc với gốm, sau này đã trở thành những tên tuổi đáng kính trong nghề như họa sĩ Đặng Đình Diệp, nghệ sĩ gốm Nguyễn Trọng Đoan, Lê Ngọc Hân, Phạm Đắc Bảo, Tống Như An, Lê Duy Ngoạn, Nguyễn Phú Hậu, Lê Thị Chinh, Lê Thị Hiển, Nguyễn Tấn Cứ, Cao Trọng Thiềm, Nguyễn Xuân Quảng, Trần Khánh Chương… Các khóa tiếp theo tiếp tục ghi nhận nhiều tài năng như Ngô Doãn Kinh, Vũ Nhâm, Hồng Hạnh, Bạch Tường Vân, Hoàng Tiến Thanh, Nguyễn Bảo Toàn, Đặng Toàn Hưng, Nguyễn Duy Nghiên, Phạm Phùng Tuấn…
Hiệu trưởng cũng là thầy dạy gốm khi đó là Giáo sư, họa sĩ Nguyễn Văn Y, một tài năng đặc biệt của nghệ thuật gốm Việt Nam. Những tác phẩm của ông vừa đậm đà bản sắc dân tộc, gần gũi với đời thường vừa sang trọng, hiện đại bởi nghệ thuật tạo dáng và trang trí thể hiện một thẩm mĩ được đào luyện trong một môi trường chuyên nghiệp. Ông đã vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước, chuyên ngành gốm. Cùng giảng dạy gốm thời kỳ đầu có họa sĩ Nguyễn Trọng Niết, người đã nhiệt tình giảng dạy, truyền nghề và chia sẻ kiến thức về đất, men. Vừa giảng dạy, ông vừa nghiên cứu về men cổ và phương pháp phục chế gốm cổ. Ông cũng là người tiên phong trong những sáng tác kết hợp đậm đà truyền thống với hiện đại, vốn cổ qua tay ông như được tái sinh, mang một hình hài mới mà vẫn thấm đẫm hồn dân tộc.
Họa sĩ Đặng Đình Diệp đi học ở Học viện Nghệ thuật Bắc Kinh (Trung Quốc), năm 1965, trở về trường tiếp tục công việc giảng dạy và làm Chủ nhiệm Khoa Gốm - Sơn - Thủy tinh, sau đó làm Phó Hiệu trưởng cho đến khi nghỉ hưu.
Họa sĩ Lê Ngọc Hân, sau khi tốt nghiệp, trở thành giảng viên và dìu dắt bao lứa học trò thành danh. Ông là người tiên phong trong sáng tác gốm mĩ thuật suốt nửa thế kỷ qua. Sáng tác của ông phần lớn là gốm mĩ thuật như tượng vườn, điêu khắc trang trí sân vườn. Có thể kể đến nhóm tác phẩm tiêu biểu ở thể loại này như: Tuổi thơ, Trú mưa tại Trung Quốc, tác phẩm Hữu nghị Việt - Lào tại Học viện Mỹ thuật quốc gia Lào. Họa sĩ Lê Ngọc Hân là đồng tác giả cùng họa sĩ Mai Văn Kế với bức phù điêu hoành tráng Ngày hội non sông trên đất Tổ tại sân Trung tâm Lễ hội, thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Bức tranh khánh thành năm 2011, được thi công bằng bê tông cốt thép bao bọc với 1.400 bức vẽ gốm kết hợp đắp nổi sản xuất từ làng gốm cổ truyền Bát Tràng. Bên cạnh các tác phẩm gốm kích thước lớn, họa sĩ Lê Ngọc Hân còn sáng tác và bay bổng với sản phẩm gốm nghệ thuật như: đĩa treo tường, lọ, bình… đều có dấu ấn nghệ thuật hết sức độc đáo và riêng biệt. Nhiều tác phẩm của ông hiện được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập và trưng bày trong chuyên đề gốm nghệ thuật đương đại. Gần đây, tuy tuổi đã cao, ông vẫn tham gia sáng tác và thực hiện nhiều triển lãm trong nước và quốc tế.
Nhà giáo ưu tú Phạm Đắc Bảo quê ở Nam Sách (Hải Dương) – quê hương của gốm Chu Đậu. Sau khi tốt nghiệp, ông ở lại giảng dạy và vẫn tham gia sáng tạo theo hướng đi riêng của mình. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc triển lãm gốm nghệ thuật cũng như thiết kế mẫu và đóng góp những nghiên cứu cho nghề như: Khuôn in tay trong nghề gốm thủ công Việt Nam, Khoa học ước lệ trong gốm truyền thống và Giáo trình kỹ thuật gốm. Ông sáng tác ở nhiều thể loại như phù điêu, tượng tròn, chân đèn, đĩa, tượng gốm, chạm đắp nổi, các tác phẩm thường có men một màu như men ngọc, men nâu hoặc gốm táp lửa.
Họa sĩ Cao Trọng Thiềm, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có nhiều năm công tác ở Thông tấn xã Việt Nam trước đó. Ông làm báo, vẽ tranh khắc, tranh sơn mài, tranh lụa; năm 1977, ông được trao Huy chương Vàng sáng tác gốm.
Họa sĩ Nguyễn Tấn Cứ cũng được biết đến với nhiều tác phẩm điêu khắc và đĩa gốm trắng vẽ lam. Ông còn là tác giả nhiều nghiên cứu về gốm cổ, đồng tác giả cuốn Điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Đoan là một trong những sinh viên khóa đầu của ngành gốm; năm 2007, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với những tác phẩm như Đèn vườn, Hạnh phúc, Chim xanh, Tình đất, Ngựa... Những sáng tác của họa sĩ được yêu thích bởi vẻ dung dị rất truyền thống với chất sành, men nâu nhưng lại mang dáng vẻ hiện đại và những nét vẽ hoa văn đầy cá tính. Hình thức tạo khối của họa sĩ Nguyễn Trọng Đoan rất đặc biệt và dễ nhận biết. Tác phẩm của ông luôn thể hiện được sự đè nén, day dứt như muốn thoát khỏi hiện thực đời thường. Trong các sáng tác gốm đất nung, ông ưa thích các hình thức liên kết khối căng, mạch lạc, cô đọng và khúc chiết. Ông là một trong những lớp họa sĩ đầu tiên đã đưa gốm gia dụng lên cung bậc nghệ thuật mới, hiện đại và giàu cảm xúc.
Một gương mặt sinh viên khóa 1 ngành gốm nữa là cố họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam bốn khóa, từ năm 1999 đến 2019; ngoài công tác Hội, ông có nhiều sáng tác gốm và vẽ tranh; năm 2007, ông cũng nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
2. Thời kỳ 1986-2024
Sau năm 1986, đổi mới kinh tế ở Việt Nam cũng đã dẫn đến nhiều thay đổi trong đời sống văn hóa - xã hội, nghệ thuật cũng vì thế mà thay đổi theo. Trong lĩnh vực mĩ thuật, khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa không còn là khuynh hướng chủ đạo duy nhất trong sáng tác nữa, thay vào đó là rất nhiều các khuynh hướng nghệ thuật của thế kỷ XX đang thịnh hành trên thế giới đã tràn vào Việt Nam. Nghệ thuật gốm cũng không nằm ngoài sự chuyển mình đó, các tác phẩm hiện đại và đương đại đều thể hiện tầm quan trọng của gốm như một chất liệu của điêu khắc, hội họa, đồ họa cho thấy nghệ thuật gốm ngày nay rất phong phú và đa dạng. Các họa sĩ tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp một lần nữa tiên phong trong những trào lưu mới này, tiếp nhận phương tiện theo nhiều hướng, trong tác phẩm của mình, họ thể hiện ý thức văn hóa đại chúng, kế thừa kỹ thuật cổ truyền và không ngừng sáng tạo. Cách tiếp cận mới đã xuất hiện nhiều phong cách, nhiều chủng loại…
Gương mặt tác giả gốm nổi bật sau Đổi mới phải nhắc đến họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn sinh năm 1951 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, là một trong ít những nghệ sĩ thực hành sắp đặt trong không gian lớn có sử dụng các vật liệu dân gian như tre nứa, vàng mã, nến kết hợp với giấy, tranh vẽ, tượng, âm thanh, ánh sáng… Các triển lãm nổi bật của ông như: Đất qua lửa (1994), Rằm tháng bảy (1999), Đồng đội (2000), Mùa vàng (2003), Hội tụ (2004), Thời gian và tri thức (2007), Mạn ngược (2011). Họa sĩ Bảo Toàn đã đưa gốm vượt ra ngoài khuôn khổ trước đây mà trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc lập, tác phẩm của ông là những thực hành nghệ thuật hậu hiện đại mà vẫn mang đậm chất văn hóa dân tộc.
Sau Đổi mới, các họa sĩ, giảng viên ngành gốm Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp tiếp tục là những người tiên phong trong sáng tác gốm. Hầu hết họ trưởng thành từ thực tiễn công tác tại xưởng để trở thành những người thầy có đầy đủ kinh nghiệm nghề gốm được phát huy trong giảng dạy. Sự khôi phục lại xưởng ở những năm cuối 1990 mà họa sĩ Hoàng Tiến Thanh làm Giám đốc đã có sự đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy. Kỹ sư Silicat Nguyễn Phương Loan, bên cạnh công tác giảng dạy hóa - lý men và xương đất, công nghệ chế tác và tổ chức sản xuất còn phục hồi lại những bài men quý làm nên cái đặc trưng riêng biệt cho gốm Mỹ thuật công nghiệp. Họa sĩ Đặng Toàn Hưng với kỹ năng tạo hình điêu luyện, đặc biệt là những tác phẩm vẽ lam biến ảo, là nguồn động lực mạnh mẽ, nguồn động viên cho nhiều thế hệ sinh viên vượt qua được những giới hạn của bản thân để trưởng thành cùng nghề gốm. Họa sĩ, nhà giáo Nguyễn Duy Nghiên nhiều năm là Trưởng khoa, Trưởng ngành gốm. Bên cạnh công tác đào tạo, ông còn được giới mĩ thuật biết đến với các sản phẩm gốm treo tường, gốm kiến trúc, gốm trang trí không gian nội thất với sự sáng tạo và đa dạng trong ngôn ngữ biểu hiện. Các họa sĩ, giảng viên ngành gốm cùng giai đoạn này như: Nguyễn Tiến Thắng, Phạm Phùng Tuấn với nhiều sáng tác tượng, phù điêu, tượng sân vườn chất liệu đất nung và gốm theo ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình mang lại vị thế mới cho gốm trang trí kiến trúc.
Họa sĩ, giảng viên ngành gốm Phan Thanh Sơn, khi mới tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp đã chọn Bát Tràng là nơi làm việc đầu tiên với nhiều thắc mắc mà kiến thức chuyên ngành được trang bị không đủ để giải đáp. Tiếp đó là khoảng thời gian 10 năm tự làm lò nghiên cứu và tham gia các dự án để đi học lại nghề ở các trung tâm gốm trong cả nước. Năm 2007, Phan Thanh Sơn làm triển lãm cá nhân đầu tiên báo cáo kết quả làm việc của 10 năm với đủ mọi chất liệu của gốm: Phù Lãng, Bát Tràng, Hương Canh, Cậy…; năm 2018, tham gia Hội ngộ gốm sông Hồng tại Thành phố Đà Nẵng, tham gia triển lãm tại Bress Festival (Pháp), để rồi tiếp đó là các triển lãm cá nhân Chơi đất II năm 2013, Chơi đất III năm 2015, Chơi đất IV năm 2019. Sáng tác và kỹ năng làm việc với gốm của Phan Thanh Sơn là sự tổng hợp của tất cả các kỹ thuật tạo hình gốm ở các làng nghề gốm: Phù Lãng, Cậy, Hương Canh, Bát Tràng, Ninh Thuận (Chăm), Đồng Nai, Biên Hòa, Mường Chanh (Sơn La), Phước Tích (Huế)…, tất cả đã tạo nên một “Gốm Sơn” đặc sắc không thể nào nhầm lẫn trong vô vàn các sáng tác gốm.
Bên cạnh những họa sĩ, giảng viên Khoa Gốm, sáng tác gốm nghệ thuật, đam mê sáng tác gốm đã lan tỏa sang các khoa khác và trở thành một phong trào ngày càng lớn mạnh của trường.
Họa sĩ Vũ Hữu Nhung sau khi tốt nghiệp ngành Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp đã ở lại trường, là giảng viên ngành Điêu khắc Khoa Thiết kế nội-ngoại thất. Vốn sinh ra và lớn lên ở làng Phù Lãng, một trong những làng nghề gốm đặc sắc của Bắc Bộ, ngoài công việc giảng dạy, anh đã sáng tác gốm, tham gia các cuộc triển lãm và giành nhiều giải thưởng. Những tác phẩm của Vũ Hữu Nhung khá đặc biệt trong những sáng tác gốm Hà Nội, khai thác tối đa chất sành nâu Phù Lãng, họa sĩ đưa ra những tác phẩm đậm chất dân gian - đương đại.
Tuy không học chuyên ngành gốm, họa sĩ Hồ Nam tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Stroganov - Moscow, về nước, anh trở thành giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Bắt đầu từ sở thích vẽ trên đĩa gốm và bình, lọ, những tác phẩm của anh là những thử nghiệm về đường nét, màu sắc với bút pháp trừu tượng, toát lên vẻ đẹp thuần túy đầy bất ngờ của ngôn ngữ hội họa, sự sáng tạo bởi người đã nắm chắc quy luật của ngôn ngữ hội họa, của chất liệu gốm. Gần đây, những sáng tác của họa sĩ đi xa hơn nữa với những thử nghiệm về ngôn ngữ điêu khắc hiện đại trên chất liệu gốm. Tác phẩm của anh được lưu giữ trong bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam và sưu tập của các cá nhân trong và ngoài nước.
Lê Văn Khuy tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp ngành Hội họa hoành tráng, say mê sáng tác gốm phù điêu và tượng trong bằng gốm sa mốt gam màu vàng nâu đầm ấm đậm chất nông thôn Việt Nam. Họa sĩ đã tham gia nhiều triển lãm và mới đây, tác phẩm Trời tròn đất vuông của anh đã đoạt giải Nhì, không có giải Nhất, trong Triển lãm điêu khắc toàn quốc.
3. Hướng phát triển trong tương lai
Với những gì đã có, gốm Mỹ thuật công nghiệp đã trở thành một “thương hiệu” đáng tự hào, điều đó cũng đã thu hút được nhiều bạn trẻ chọn ngành gốm để học tập. Làn sóng công nghệ đang làm ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề mĩ thuật ứng dụng khác thì dường như vẫn ngập ngừng, ngần ngại trước gốm. Đó là một lợi thế nhưng cũng sẽ là một thử thách mới, bởi nếu không tự đổi mới để hòa nhập vào xã hội hiện đại thì các sản phẩm gốm trong tương lai có thể sẽ bị bỏ quên.
Họa sĩ, giảng viên - Trưởng khoa Mỹ thuật truyền thống Nguyễn Mạnh Thẩm, người trực tiếp giảng dạy ngành gốm và cũng thường xuyên sáng tác, tham gia triển lãm gốm, gặt hái được nhiều các giải thưởng. Là người nhiệt tâm với công tác giảng dạy, anh đã có những chia sẻ: “Ngành gốm từ khi thành lập cho đến nay là cả một quá trình phát triển song hành cùng với lịch sử nhà trường, mỗi giai đoạn khác nhau luôn cần đổi mới đào tạo. Bổ sung chương trình đào tạo cho phù hợp cân đối giữa các môn học, rà soát các môn học thiết kế gốm có trong chương trình khung để điều chỉnh lựa chọn các môn mang tính chất cơ bản, tạo điều kiện cho sinh viên nắm vững tổng quan các kiến thức về gốm, tránh các môn học chỉ khác tên song thực chất nội dung bài tập gần như giống nhau, lãng phí thời gian. Công tác giáo dục đào tạo hiện nay đang phải nâng cao về mọi mặt, đòi hỏi lực lượng cán bộ giảng dạy không những ngày càng phải có đủ về số lượng mà phải đủ về trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đặt ra. Do đó chiến lược nguồn nhân lực có trình độ thực sự là cần thiết, hiện chỉ có 2 giảng viên cơ hữu và 1 giảng viên thỉnh giảng, chưa thực sự tương xứng với một ngành chính của nhà trường”.
Có thể thấy, để ngành gốm phát triển hơn nữa thì đội ngũ giảng viên là quan trọng nhất, hơn thế, cũng cần có sự phối hợp giữa các khoa, ngành như ngành Gốm với Thiết kế nội-ngoại thất, Tạo dáng công nghiệp, để sinh viên ngành gốm có cơ hội tiếp cận với nhiều lĩnh vực có thể ứng dụng chất liệu gốm.
4. Kết luận
Từ 1959 đến nay là một chặng đường dài với rất nhiều đổi thay trong xã hội về nhu cầu khoa học kỹ thuật, thẩm mĩ cũng như văn hóa. Việc tự hào với truyền thống cũng là trách nhiệm của những người đương thời phải cố gắng tìm một hướng đi mới để ngành gốm phát triển hơn nữa, không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn có tính chất định hình thẩm mĩ cho xã hội như cách đây 65 năm, những người thầy đầu tiên của Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp đã làm được.