Xây dựng văn hóa học đường đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 3/10/2018 phê duyệt Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025; Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường…
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành một số văn bản như: Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 về việc ban hành quy định tổ chức các hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT ngày 28/12/2018 về việc hướng dẫn công tác xã hội trong trường học; Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12/4/2019 về quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên…
Nhìn lại quá trình thực hiện chỉ đạo của Nhà nước, có thể thấy ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác xây dựng văn hóa học đường. Trong đó, công tác giáo dục, tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Giáo dục, tuyên truyền về xây dựng văn hóa học đường, văn hóa ứng xử trong trường học được thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó giáo dục, tuyên truyền thông qua hoạt động văn hóa, hoạt động biểu diễn nghệ thuật được đánh giá là hiệu quả, cần tiếp tục nhân rộng quy mô và nâng cao chất lượng.
1. Vai trò của hoạt động biểu diễn nghệ thuật với giáo dục văn hóa ứng xử trong nhà trường
Triết lý giáo dục hiện đại lấy người học làm trung tâm. Vì thế, nhà trường tập trung mọi điều kiện để nâng cao chất lượng học tập và đời sống tinh thần của người học. Hoạt động văn hoá nghệ thuật là nhu cầu của học sinh, sinh viên và cũng là một nhiệm vụ mà nhà trường phải chăm lo tổ chức nhằm tạo ra một không gian văn hoá cho các em giao lưu, trao đổi và thể hiện tài năng cá nhân.
Hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa được xem là một trong các thành tố của môi trường văn hóa trong nhà trường. Thông tư số 26/TT-BGDĐT ngày 18/10/2017 đã quy định rõ: “Hoạt động văn hóa là các hình thức sinh hoạt văn hóa quần chúng phong phú và đa dạng nhằm nâng cao đời sống tinh thần, hướng con người vươn lên theo quy luật của cái đúng, cái đẹp, cái tốt, của chuẩn mực giá trị chân, thiện, mĩ”1. Các hoạt động văn hóa trong nhà trường rất đa dạng, trong đó hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật được đánh giá là hoạt động phổ biến, thu hút được sự quan tâm, yêu thích nhất của học sinh, sinh viên. Cũng vì thế, hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của học sinh, sinh viên, đồng thời góp phần tuyên truyền, giáo dục những giá trị văn hóa tốt đẹp trong nhà trường.
Nghệ thuật ngoài chức năng giải trí còn có 3 chức năng quan trọng là: chức năng nhận thức, chức năng giáo dục và chức năng thẩm mĩ. Giáo dục thông qua nghệ thuật là sử dụng nghệ thuật như một công cụ hay phương pháp để thực hiện các nội dung giáo dục khác. Phương pháp giáo dục phối hợp này mang tính sáng tạo, linh hoạt, thu hút sự chú ý, chủ động của người học, từ đó đem lại hiệu quả học tập cao hơn. Nghệ thuật giúp kích thích tư duy sáng tạo, logic và phản biện của người học, từ đó nâng cao năng lực giải quyết vấn đề. Vì vậy, hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật trong trường học còn có chức năng giáo dục, tuyên truyền.
Sinh hoạt văn hoá nghệ thuật đã giúp cho học sinh, sinh viên trong trường gần gũi nhau hơn và góp phần thúc đẩy phong trào học tập tốt, rèn luyện tốt. Phong trào văn hoá văn nghệ đã thu hút được nhiều em tham gia, tạo ra khí thế sôi nổi trong học tập, đồng thời giúp các em sử dụng thời gian hợp lý hơn, rèn luyện bản thân theo chuẩn mực khoa học hơn, không mất thời giờ vào những sinh hoạt thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý học tập, từng bước trở thành con người toàn diện.
Quá trình tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ là quá trình các chủ thể vừa xây dựng môi trường văn hoá, đồng thời được hưởng thụ những mặt tốt của môi trường văn hoá, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Ý thức được vai trò của nghệ thuật trong giáo dục và hiệu quả của việc giáo dục thông qua nghệ thuật, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp cùng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các tổ chức nghệ thuật biểu diễn để đưa nghệ thuật vào trường học, thông qua nghệ thuật để giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc (trong đó có giá trị của lòng hiếu học, của tình nghĩa thầy trò)… Các hoạt động này diễn ra ở hầu khắp các trường phổ thông trong cả nước, từ quy mô nhỏ, tự phát đến quy mô lớn, có cả sự tham gia của các đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp vào các ngày chào cờ hoặc các cuộc thi do nhà trường tổ chức.
Đặc biệt, nhân dịp 20/11 – Ngày Nhà giáo Việt Nam, các chương trình biểu diễn nghệ thuật (hát, múa, triển lãm tranh, bích báo…) tập trung tôn vinh công lao to lớn của các thầy cô giáo, thể hiện tấm lòng yêu quý, biết ơn của học trò dành cho các thầy cô giáo, đồng thời giáo dục văn hóa ứng xử văn minh, tôn trọng, lễ phép của học sinh, sinh viên trong trường học. Cách giáo dục, tuyên truyền này đạt hiệu quả rõ rệt bởi sự tham gia chủ động của học sinh, sinh viên và thầy cô giáo, với cách chuyển tải nội dung giáo dục nhẹ nhàng mà sâu sắc, hấp dẫn, dễ gây ấn tượng và ghi nhớ đối với những người tham dự.
2. Thực trạng hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật trong nhà trường hiện nay
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật là hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa không thể thiếu trong nhà trường ở tất cả các bậc học. Tùy vào từng cấp học, hoạt động này được triển khai với nhiều hình thức khác nhau. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong nhà trường bao gồm cả các hoạt động cho sinh viên và hoạt động cho giảng viên, cán bộ, nhân viên trong nhà trường.
Các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hoá nói chung, hoạt động biểu diễn nghệ thuật nói riêng trong nhà trường ngày càng đa dạng, thiết thực, gần gũi với học sinh, sinh viên. Quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường đã tạo môi trường thuận lợi kích thích tiềm năng sáng tạo, phát huy tính chủ động, tích cực của con người, đặc biệt là các bạn trẻ. Sự giao lưu, hội nhập về văn hóa cũng đem đến những cách nhìn, tư duy mới mẻ về các hoạt động sáng tạo văn hóa trong nhà trường. Giờ đây, hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa trong các trường học không chỉ rập khuôn, máy móc theo một số chương trình, kế hoạch từ trên xuống dưới mà đã có sự đa dạng, sáng tạo đến từ chính học sinh, sinh viên. Chỉ họ mới thực sự hiểu được nhu cầu văn hóa của chính mình và bạn bè trong nhà trường cũng như chính họ sẽ biết cách truyền đạt những thông điệp giáo dục về văn hóa ứng xử đến các bạn bè cùng nhà trường một cách chân thực, dễ hiểu và dễ đồng cảm nhất. Từ đây, các hoạt động được học sinh, sinh viên chủ động xây dựng, triển khai thực hiện. Trong nhà trường, các hoạt động văn hóa cũng tập trung nhiều cho đối tượng là học sinh, sinh viên; các hoạt động dành cho giáo viên, giảng viên, cán bộ nhà trường còn ít và thiếu đa dạng.
Đa phần các hoạt động văn hóa nghệ thuật đều nằm trong định hướng của nhà trường, Đoàn Thanh niên, được sự cho phép của lãnh đạo nhà trường, các chương trình có kế hoạch cụ thể, thực hiện đúng với nội dung, chủ đề đề ra. Có thể thấy đây cũng là những tiêu chí cơ bản, quan trọng hàng đầu khi tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong nhà trường vì các hoạt động này không chỉ nhằm nâng cao đời sống tinh thần, giải trí trong học sinh, sinh viên, giảng viên mà còn là công cụ để định hướng, giáo dục lý tưởng chính trị.
Kết quả khảo sát của tác giả về hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật trong các cơ sở đào tạo cho thấy đánh giá đạt điểm trung bình trên 4,0 ở cả nhóm cán bộ, giảng viên và sinh viên về các hoạt động biểu diễn nghệ thuật là: tổ chức các sự kiện được sự cho phép của ban giám hiệu, lãnh đạo khoa; tổ chức các sự kiện có chương trình, kế hoạch cụ thể; tổ chức các sự kiện phù hợp với chủ đề, nội dung đề ra2. Có thể thấy, hầu hết các trường đều tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật vào các dịp lễ, ngày kỷ niệm. Nhóm nội dung đánh giá đạt số điểm dưới 4,0 tập trung vào các nội dung: các sự kiện thu hút được đông đảo người tham gia; các sự kiện được nhà trường đầu tư kinh phí đầy đủ; các sự kiện thu hút được nguồn xã hội hóa tốt; các sự kiện có tiếng vang, ảnh hưởng bên ngoài nhà trường3. Vấn đề kinh phí vẫn là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong trường học.
Bên cạnh các hoạt động có hình thức quy định giống nhau trong các trường theo từng cấp học, các nhà trường chú trọng tổ chức các sự kiện phù hợp với chuyên môn đào tạo riêng. Ví dụ, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thường xuyên tổ chức các triển lãm mĩ thuật cho sinh viên, mới đây nhất là Triển lãm mĩ thuật sinh viên 2023 với 209 tác phẩm thuộc nhiều loại hình, chất liệu như sơn mài, sơn dầu, tranh lụa, tranh khắc gỗ, thiết kế đồ hoạ, điêu khắc, book art, sắp đặt, nhiếp ảnh... Đây có thể coi là sân chơi thường niên cho các sinh viên của nhà trường có dịp giao lưu, thể hiện tinh thần sáng tạo dồi dào, đầy nhiệt huyết của mình. Triển lãm mỗi năm được đổi mới nhằm thu hút sự quan tâm của sinh viên và cả công chúng bên ngoài (ví dụ bằng việc tổ chức thêm các giải bình chọn trực tuyến…). Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam lại phát huy thế mạnh chuyên môn của mình với việc tổ chức nhiều chương trình hòa nhạc gây quỹ cho trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa (Concert City of star). Đoàn viên thanh niên Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có chương trình “Giữ gìn và phát huy giá trị di sản tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống” do Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và Phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác thực hiện…
Qua đó cũng có thể nhận thấy các loại hình biểu diễn nghệ thuật trong nhà trường đang ngày càng được thực hiện đa dạng, phong phú hơn. Nếu trước đây các chương trình chủ yếu là chương trình văn nghệ (ca múa nhạc tổng hợp) thì giờ đây, các loại hình nghệ thuật khác như: vẽ, nhảy, kịch… ngày càng nhận được sự quan tâm, tham gia của các bạn trẻ.
Từ thực trạng trên, có thể nhìn nhận những mặt tích cực trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở nhà trường đối với công tác giáo dục văn hóa ứng xử, đó là:
Sự quan tâm và đầu tư từ nhà trường: Càng ngày các nhà trường càng ý thức được vai trò quan trọng của hoạt động văn hóa nói chung, hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật nói riêng trong việc xây dựng môi trường văn hóa, giáo dục văn hóa ứng xử, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học trong nhà trường. Các trường học có sự quan tâm, đầu tư trong chủ trương xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật trong năm học. Theo kế hoạch, các hoạt động này được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, liên quan đến các ngày lễ, các dịp kỷ niệm trong cả năm học. Mỗi nhà trường, tùy theo điều kiện cơ sở vật chất, đều cố gắng đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất để tổ chức các chương trình biểu diễn có quy mô, chất lượng, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của học sinh, sinh viên. Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật của các trường trung học phổ thông, đại học ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… được đánh giá dàn dựng, biểu diễn bài bản, chuyên nghiệp không kém các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhiều chương trình đã làm nên thương hiệu, bản sắc riêng của nhà trường (ví dụ như Ngày hội anh tài của Trường Trung học phổ thông Hà Nội - Amsterdam).
Sự tham gia tích cực của học sinh, sinh viên và thầy cô giáo: Biểu diễn nghệ thuật giờ đây không chỉ còn là hoạt động của một vài cá nhân có năng khiếu nghệ thuật mà đã trở thành hoạt động của cả tập thể. Các nhà trường duy trì các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, phân công cho các lớp, nhóm lớp đứng ra phụ trách vào các buổi chào cờ thứ Hai đầu tuần. Đây là hoạt động huy động được tập thể học sinh, sinh viên tham gia vào các vai trò khác nhau: hát, múa, nhảy, diễn kịch, MC… Các hoạt động này tạo cơ hội cho học sinh phát triển sự tự tin, kỹ năng giao tiếp và tinh thần đồng đội. Các giáo viên, giảng viên cũng có cơ hội thể hiện tài năng, thể hiện hình ảnh vui tươi, sống động hơn so với hình ảnh nghiêm túc, chuẩn mực trên bục giảng. Các hoạt động này cũng góp phần tạo sự kết nối, gần gũi giữa giáo viên với học sinh, sinh viên. Cũng từ đây, các mối quan hệ ứng xử trong nhà trường được giải quyết hài hòa, nhân văn hơn.
Giáo dục văn hóa ứng xử được thể hiện đa dạng, phong phú, dễ tiếp thu và thực hiện. “Trong các nhà trường, giáo dục nghệ thuật sẽ tạo nên một môi trường văn hóa - tinh thần để thông qua đó làm đổi mới nội dung giáo dục và phong phú thêm những hình thức, nội dung hiện đại trong giáo dục lĩnh vực nghệ thuật”4. Thông qua hoạt động biểu diễn nghệ thuật, các nội dung về giáo dục văn hóa ứng xử được truyền đạt đa dạng, sinh động và dễ tiếp nhận hơn.
Bên cạnh các ưu điểm mà hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật trong nhà trường mang lại cũng còn một số hạn chế cần khắc phục. Ở nhiều trường, hoạt động nghệ thuật chưa được tổ chức một cách bài bản, thường mang tính tự phát hoặc chỉ tập trung vào một số dịp lễ lớn. Nhiều trường gặp khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Đội ngũ giáo viên hướng dẫn nghệ thuật chưa được đào tạo bài bản, dẫn đến việc thiếu kỹ năng chuyên môn trong tổ chức và huấn luyện. Bên cạnh đó, học sinh thường bị áp lực bởi lịch học chính khóa và các kỳ thi khiến các hoạt động nghệ thuật không nhận được sự ưu tiên và thời gian cần thiết. Một số hoạt động được xây dựng, tổ chức theo chủ trương, chỉ đạo từ cấp trên mà chưa bám sát nhu cầu thực tiễn từ học sinh, sinh viên nên chưa hấp dẫn, chưa thu hút được học sinh, sinh viên tham gia.
Nhìn chung, hoạt động văn hóa nói chung, hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật nói riêng trong nhà trường hiện nay ghi dấu nhiều khởi sắc chính ở sự tham gia tích cực của các bạn học sinh, sinh viên. Từ chỗ đóng vai trò người thực hiện, hưởng thụ theo sự chỉ đạo, tổ chức của nhà trường, giờ đây các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hoá được học sinh, sinh viên tham gia từ khâu lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch, truyền thông, quảng bá, thực hiện. Chính sự chủ động, tích cực của chủ thể học sinh, sinh viên khiến cho các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong nhà trường ngày càng đa dạng, gần gũi và đạt hiệu quả giáo dục tốt. Tuy nhiên, cũng còn một số hoạt động chạy theo trào lưu lai căng, vượt quá giới hạn khuôn khổ nhà trường, ảnh hưởng đến thuần phong mĩ tục, tác động đến lối sống của các bạn trẻ. Nhà trường cần có định hướng, kiểm duyệt kỹ lưỡng trước khi cho phép tổ chức các hoạt động này.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường các hoạt động có sự tham gia của giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường. Do đặc thù môi trường giảng dạy, các đối tượng này ít có sự gắn kết, sinh hoạt cộng đồng. Vì vậy, cần quan tâm tổ chức các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng để nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, tạo môi trường thân thiện, ứng xử hài hòa giữa các giảng viên với nhau cũng như tạo sự thân thiện, gần gũi giữa học sinh, sinh viên với thầy cô giáo.
3. Giải pháp phát huy hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong giáo dục văn hóa ứng xử của học sinh, sinh viên
3.1. Nâng cao chất lượng nội dung các chương trình biểu diễn nghệ thuật
Nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật là yếu tố then chốt quyết định thành công của hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Đặc biệt, các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật trong nhà trường không chỉ mang ý nghĩa giải trí mà còn có ý nghĩa giáo dục nên để đảm bảo chất lượng nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật, cần có kế hoạch xây dựng chi tiết, bài bản và sự kiểm duyệt, góp ý về nội dung của các chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật, giáo dục. Việc xây dựng kịch bản, lựa chọn các tiết mục biểu diễn, biên đạo trình diễn, trang phục, đạo cụ... đều phải được trình bày chi tiết, xem xét, cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng, đảm bảo các chương trình vừa đa dạng, phong phú, hấp dẫn, vừa có ý nghĩa giáo dục, không vi phạm thuần phong, mĩ tục, gây phản cảm.
Đa dạng hoá các thể loại nghệ thuật trong chương trình, kết hợp các loại hình nghệ thuật như hát, múa, kịch, nhạc cụ truyền thống và hiện đại. Đặc biêt, để thu hút sự tham gia của học sinh, sinh viên, cần cập nhật các loại hình nghệ thuật mới, đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu thưởng thức của giới trẻ.
Với mục đích vừa nâng cao đời sống tinh thần vừa mang ý nghĩa giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học, các chương trình cần lồng ghép nội dung mang ý nghĩa truyền thống và hiện đại, đề cao giá trị truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học…
Kết hợp sự tham gia của khách mời, các nhân vật nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng... trong các hoạt động vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính giáo dục, truyền cảm hứng.
Kết hợp hoạt động biểu diễn nghệ thuật với các hoạt động văn hóa khác trong nhà trường như: hoạt động thể thao, triển lãm, thuyết trình...
3.3. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong nhà trường
Về cơ sở vật chất: Hiện nay, đa số các trường đều có sân khấu hoặc nhà thi đấu thể thao, nơi có thể tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Các trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động biểu diễn nghệ thuật cũng được trang bị ở mức cơ bản. Nhưng với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ngày càng được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, quy mô lớn của học sinh, sinh viên hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất của các trường học không đáp ứng được nhu cầu. Việc mua sắm, đầu tư lớn không thể giải quyết được trong thời gian ngắn nên nhiều trường học chọn phương án thuê trang thiết bị chuyên nghiệp phục vụ cho các buổi biểu diễn. Bên cạnh đó, các trang thiết bị như màn hình led, loa, đài, âm thanh, nhạc cụ... cũng được nhà trường lên kế hoạch đầu tư cũng như kêu gọi nguồn xã hội hóa từ phụ huynh, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp địa phương...
Về kinh phí: Để có thể đầu tư cơ sở vật chất lâu dài hoặc thuê ngắn hạn đều đòi hỏi phải có nguồn kinh phí. Nhà trường cần có chủ trương, kế hoạch trong việc cấp kinh phí cho các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của học sinh, sinh viên. Nguồn kinh phí này trích từ kinh phí hoạt động thường xuyên của nhà trường, nguồn xã hội hóa do nhà trường kêu gọi từ các tổ chức xã hội, phụ huynh học sinh, cộng đồng hay từ các quỹ tài trợ quốc tế, các dự án hợp tác, giao lưu văn hóa nghệ thuật.
Bên cạnh đó, để hoạt động biểu diễn nghệ thuật được đầu tư sâu rộng trong các trường học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Chính phủ cần tính đến tăng đầu tư ngân sách cho giáo dục, trong đó có giáo dục nghệ thuật, đảm bảo các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong nhà trường được đầu tư ổn định. Ngoài ra, nhà nước cần đưa giáo dục nghệ thuật trong trường học vào thành một nội dung trong các chương trình quốc gia về giáo dục và văn hóa.
3.4. Khuyến khích vai trò chủ thể của học sinh, sinh viên trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật
Khuyến khích các hoạt động văn hóa sáng tạo do chính học sinh, sinh viên tổ chức và điều hành, đáp ứng yêu cầu học tập chuyên môn và hoạt động xã hội của học sinh, sinh viên. Bên cạnh các hoạt động văn hóa theo quy định, thường niên, nhà trường nên tăng cường đầu tư cho các câu lạc bộ học sinh, sinh viên. Các câu lạc bộ hiện nay tương đối đa dạng, từ câu lạc bộ theo sở thích đến các câu lạc bộ chuyên môn, nhất là các câu lạc bộ của các trường trung học phổ thông, cao đẳng, đại học. Đây là nơi quy tụ học sinh, sinh viên cùng sở thích, đam mê, cùng tổ chức và điều hành hoạt động của câu lạc bộ. Các câu lạc bộ này hoạt động thường xuyên, định kỳ, thu hút số đông học sinh, sinh viên tham gia, là mô hình tốt để nâng cao văn hóa học đường, giáo dục, rèn luyện lối sống tốt đẹp cho học sinh, sinh viên.
Nhà trường cần có các hình thức khen thưởng đột xuất và thường niên cho các cá nhân có đóng góp, thành tích trong hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa trong nhà trường. Hình thức khen thưởng cũng cần đa dạng, mang giá trị cả về vật chất và tinh thần, không chỉ có ý nghĩa với người được khen thưởng mà còn có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục đối với tập thể học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên.
Phát hiện, bồi dưỡng các hạt nhân trong hoạt động văn hoá nhà trường. Học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong nhà trường phần nhiều còn mang tính tự phát, theo bản năng, theo năng khiếu và sở thích. Nhà trường cần phát hiện, lựa chọn những cá nhân có năng khiếu, tố chất và đạo đức tốt để tạo điều kiện bồi dưỡng, phát triển thành hạt nhân cho các hoạt động của nhà trường. Việc bồi dưỡng, đào tạo các hạt nhân văn hóa nghệ thuật trong học sinh, sinh viên cần chú trọng đến phát huy các kỹ năng mềm, năng lực quy tụ quần chúng, phẩm chất chính trị… Nhà trường cũng cần tạo điều kiện về vật chất, thời gian… để các em yên tâm, nhiệt tình tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong nhà trường. Bên cạnh đó, ở các trường đại học, nhà trường cần có kế hoạch lâu dài để quy hoạch đội ngũ này thành các cán bộ quản lý, cán bộ phong trào của nhà trường trong tương lai. Việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, phát triển hạt nhân cho phong trào sinh viên cũng khiến sinh viên thấy được sự quan tâm của nhà trường, có thêm động lực tích cực tham gia hoạt động văn hóa trong nhà trường.
3.5. Tăng cường nhận thức, vai trò của giáo viên, giảng viên trong việc tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong nhà trường
Sự tham gia của giáo viên, giảng viên trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật khiến cho cho các hoạt động thêm đa dạng, phong phú, đồng thời góp phần giáo dục, tuyên truyền về văn hóa ứng xử giữa giáo viên, giảng viên với học sinh, sinh viên. Qua các hoạt động văn hóa nói chung, hoạt động biểu diễn nghệ thuật nói riêng, tình cảm thầy trò càng thêm gắn bó, yêu thương, hình ảnh các thầy cô trong mắt các em học sinh càng trở nên gần gũi, thân thương.
Nhà trường cần có chỉ đạo thường xuyên, cụ thể, giao nhiệm vụ cho giáo viên, giảng viên trong việc tham gia hoạt động văn hóa của nhà trường. Tùy theo năng lực của các thầy cô giáo, nhà trường có thể tổ chức, sắp xếp để huy động được tối đa sự tham gia, đóng góp tinh thần của các thầy cô trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật của lớp, trường. Nhà trường cung cấp cho giáo viên, giảng viên các khóa đào tạo, huấn luyện về các kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết để giảng dạy, tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Việc tham gia hoạt động văn hóa nói chung, hoạt động biểu diễn nghệ thuật nói riêng trong nhà trường có thể được xem xét như một nội dung đánh giá cán bộ trong công tác đoàn thể, từ đó có chính sách khen thưởng phù hợp.
3.6. Huy động sự tham gia của phụ huynh học sinh, cộng đồng và các tổ chức xã hội
Phụ huynh học sinh, cộng đồng và các tổ chức xã hội góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng, quy mô các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong trường học. Sự hợp tác với phụ huynh, các tổ chức bên ngoài nhà trường giúp gia tăng nguồn lực cho các hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Để làm được điều này, ngay từ khi xây dựng kế hoạch, lên nội dung chương trình, nhà trường cần thông tin đến phụ huynh, các tổ chức bên ngoài nhà trường để nhận được sự ủng hộ, tư vấn về chuyên môn cũng như hỗ trợ về tài chính, nguồn nhân lực.
Khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, tập thể phụ huynh có năng lực về nghệ thuật biểu diễn trong vai trò người biểu diễn, người huấn luyện.
Hợp tác với các đơn vị nghệ thuật biểu diễn, các trung tâm văn hóa nghệ thuật, các thiết chế văn hóa để mời họ tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong nhà trường.
Hợp tác với các doanh nghiệp để tìm kiếm tài trợ về tài chính, trang phục, thiết bị âm thanh, ánh sáng hoặc học bổng nghệ thuật cho học sinh.
Mời nghệ sĩ, chuyên gia nghệ thuật để tổ chức các buổi biểu diễn hoặc workshop truyền cảm hứng cho học sinh.
Tăng cường truyền thông và quảng bá các hoạt động văn hóa nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng thông qua việc xây dựng các kênh truyền thông (website, fanpage Facebook, Zalo hoặc bảng tin trường), chia sẻ thông tin bằng cách đăng tải hình ảnh, video về các buổi biểu diễn để phụ huynh và cộng đồng có thể theo dõi và đồng hành cùng học sinh.
4. Kết luận Trong Nghị quyết 33/NQ-TW, Đảng ta đã khẳng định quan điểm: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật vừa đóng vai trò nâng cao hiểu biết của học sinh, sinh viên về văn hóa nghệ thuật, vừa góp phần thúc đẩy nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa nghệ thuật của học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, vừa đóng vai trò giáo dục hướng đến cảm thụ, lĩnh hội và hoàn thiện tư duy thẩm mĩ, nhân cách, lối sống hướng tới cái đẹp. Vì vậy, phát huy hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên là một giải pháp rất phù hợp và hiệu quả trong công tác xây dựng văn hóa học đường ở Việt Nam hiện nay. Để thực hiện tốt giải pháp này, cần sự đầu tư, tạo điều kiện của các cấp quản lý trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa, sự chủ động, tích cực của tập thể nhà trường, sự ủng hộ của cha mẹ học sinh, các tổ chức xã hội và cộng đồng.
Chú thích:
1 Thông tư 26/2017/TT-BGDĐT ngày 17/10/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định “tổ chức hoạt động văn hóa của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục”.
2, 3 Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ sở đào tạo giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, Đề tài cấp Bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2023.
4 Đặng Mỹ Hạnh (2014), Giáo dục nghệ thuật cho bộ đội hiện nay qua ca khúc về bộ đội Cụ Hồ (sáng tác từ năm 1944 đến năm 1975), Luận án Tiến sĩ, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.