NỖI BUỒN ĐAU, TIẾC NUỐI, DAY DỨT VÀ HI VỌNG... ĐẰNG SAU BÀI HÁT ''HAPPY NEW YEAR!"

Bài viết giới thiệu lịch sử bài hát ''Happy new year!'' gắn với sự nghiệp và tình yêu, hôn nhân của 2 cặp vợ chồng trong ban nhạc 4 người ABBA: Agnettha Fältskog - Björn Ulvaeus và Benny Anderson - Anni-Frid Lyngstad. Đồng thời, thể hiện sự cảm nhận về nỗi buồn đau, tiếc nuối, day dứt và hi vọng trong bài hát; khẳng định những cảm xúc, tâm trạng ấy và chất nhân văn, nhân bản của nhạc phẩm làm lay động trái tim mọi người, làm nên sức sống lâu bền của bài hát

 

   Hơn 40 năm qua, cứ đến mùa Giáng sinh hay đón Tết nghinh xuân, mọi người đều muốn mở, muốn nghe bài hát thân thương, da diết Happy new year! do ban nhạc lừng danh một thời của Thụy Điển ABBA thu âm, biểu diễn. Đặc biệt, ở khoảnh khắc giao thời năm cũ - năm mới, bài hát Happy new year! cất lên khiến trái tim ai nấy đều rưng rưng xúc động, bồi hồi. Giai điệu vừa da diết vừa trầm buồn, sâu lắng này đã hằn sâu trong tâm trí của nhiều người hơn bốn thập niên qua.

   Ca khúc bất hủ Happy new year! do 2 nhạc sĩ, ca sĩ Benny Anderson và Björn Ulvaeus, là 2 thành viên của ban nhạc ABBA (1972-1982) sáng tác. Bài hát được phát hành vào năm 1980, ngay lập tức đã trở thành bản hit, được vang lên vào mỗi dịp Giáng sinh, lễ đón mừng năm mới ở nhiều nước. Như tiêu đề của bài hát, Happy new year! là một câu chúc tốt lành cho ngày cuối năm, đầu năm. Qua bài hát, dường như ABBA muốn chúc mọi người một năm mới tràn đầy hạnh phúc và ước vọng – năm mới đang đến, thế giới này sẽ có nhiều điều tốt đẹp hơn.

   Nhưng có một điều mà rất nhiều người không biết, không hiểu rõ về nội dung chính của bài hát. Ban đầu nó được đặt tên là Daddy don’t get drunk on Christmas day (Bố ơi đừng say xỉn trong ngày Giáng sinh). Vào thời điểm bắt đầu, ban nhạc ABBA thậm chí còn không đánh giá cao bài hát này của mình, dù phát hành vào năm 1980 với đĩa đơn ở Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Brasil nhưng mãi đến năm 1999 mới phát hành đĩa đơn ở Thụy Điển, Đức và một số nước khác.

   Đối với nhiều người Việt Nam, bài hát này vang lên có nghĩa là Tết đến, xuân về. Vào phút Giao thừa, ai nấy đều xúc động, rưng rưng, bồi hồi, tha thiết hát và nghe hát. Như đã nói, thực chất và sâu xa, bài hát này lại mang nội dung đau buồn, tiếc thương, day dứt và cả hi vọng.

   Ban nhạc ABBA gồm có 4 thành viên và từng là 2 cặp vợ chồng một thời: Agnettha Fältskog - Björn Ulvaeus và Benny Anderson - Anni-Frid Lyngstad. Ban nhạc đã nổi tiếng từ năm 1972 với những bản hit ấn tượng. Trong thời kỳ đỉnh cao, những bài hát của họ đã vươn ra các châu lục và có sức sống mãnh liệt cho đến tận bây giờ.



Ban nhạc ABBA gồm 4 thành viên là 2 cặp vợ chồng một thời: Agnettha Fältskog - Björn Ulvaeus và Benny Anderson - Anni-Frid Lyngstad.

   Tuy nhiên, vào năm 1979, cặp đôi Björn và Agnetha tuyên bố ly hôn, dấu hiệu cho sự tan rã khó tránh khỏi của ban nhạc. “Chẳng còn rượu sâm panh/ Và pháo hoa cũng đã tắt rồi/ Nơi đây chỉ còn chúng ta, bạn và tôi/ Cảm thấy mất mát và buồn bã/ Buổi tiệc đã tàn/ Và bình minh dường như thật ảm đạm/ Chẳng giống ngày hôm qua”. Lời bài hát không hề vui tươi và háo hức đón chờ một năm mới. Đó là thời điểm của những bữa tiệc đã tàn, những cuộc vui đã cạn và sáng hôm sau khi tỉnh dậy, người ta chợt thấy buồn bã, tiếc nuối, day dứt biết bao. Bài hát cất lên cũng không phải khoảnh khắc Giao thời, không phải vào lúc mọi người ôm chầm lấy nhau, chúc tụng, hoan hỉ, cũng không phải là lúc rượu vẫn còn và pháo hoa vẫn đang bừng sáng trên bầu trời. Đó là một buổi sáng chỉ còn lại dư âm từ đêm hôm trước, ảm đạm, buồn bã, tiếc nuối, xa xót...

   Chắc hẳn nhiều người tin rằng cuộc chia ly của Björn và Agnetha cũng đã được nhắc đến trong bài hát và báo trước về một sự tan rã trong tương lai khi chẳng còn ai đi cùng với ai nữa. Hai năm sau đó, cặp đôi Benny và Anni cũng tan đàn xẻ nghé. “Đôi khi tôi thấy/ Cái cách mà thế giới dần thay đổi/ Và tôi thấy cách mà nó lớn mạnh/ Trong đống tro tàn của cuộc đời ta”.

   Lời bài hát cũng đã nhắc đến một thập niên trôi qua. Trong khoảng thời gian đó, thế giới có rất nhiều biến động, nhiều nước, nhiều gia đình phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, đói khổ, chia ly, chết chóc: “Với tôi bây giờ/ Những giấc mơ trước đây ta từng có/ Đều đã lụi tàn, chẳng còn lại gì/ Ngoài những cánh hoa giấy trên nền nhà/ Khoảnh khắc cuối cùng của thập kỷ/ Trong khoảng 10 phút nữa/ Ai biết được ta sẽ thấy điều gì/ Điều gì đang chờ đợi chúng ta trong tương lai/ Và cuối năm 1989”. Thập niên bảy mươi thế kỷ XX là một thập niên đen tối của toàn thế giới. Giữa khung cảnh loạn lạc, đói khổ, chiến tranh, chết chóc, người ta tìm đến lời ca tiếng hát để xoa dịu tâm hồn và nuôi niềm hi vọng cho những khởi đầu mới tốt đẹp:

   “Chúc mừng năm mới!

   Chúc mừng năm mới!

   Chúc mọi người có điều kỳ vọng cho hiện tại và tương lai

   Của một thế giới nơi láng giềng đều là bạn bè

   Chúc mừng năm mới!

   Chúc mừng năm mới!

   Chúc mọi người có thêm hi vọng, nỗ lực phấn đấu

   Nếu chẳng có, ta hệt như người bỏ cuộc và chẳng còn tồn tại


   Bạn và tôi”.

   Dù bài hát chứa đựng nhiều nỗi buồn đau, trăn trở, day dứt nhưng chất nhân văn, nhân bản của nó là nơi mọi người tìm đến, vịn vào. Không thể khác, khi Giáng sinh đến, năm mới đến, nhất là khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, lời ca “Happy new year! Happy new year!” vẫn vang lên, ngân lên mãi.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận