Kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ kéo dài đã tác động không nhỏ đến lịch sử văn học Việt Nam, trong đó có văn học thiếu nhi. Chiến tranh là tác nhân tạo ra sự biến động của các giá trị xã hội, từ đó ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của bộ phận văn học này. Trong tương quan với văn học người lớn, số lượng tác phẩm văn học thiếu nhi về đề tài chiến tranh được xuất bản trong và sau kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ khá khiêm tốn. Điều này cho thấy trong kháng chiến, thiếu nhi là bộ phận thiểu số và việc trẻ em không là trung tâm phản ánh cũng bởi văn học thời kỳ này mang tính tuyên truyền. Khi đối tượng cổ vũ và động viên cơ bản là thanh niên thì tất yếu việc sáng tác cho trẻ em không được ưu tiên. Ở một số thời điểm, văn học thiếu nhi phát triển mang tính tự phát, giữ cho mình được một khoảng trời riêng, trở thành những phiên bản đặc biệt về chiến tranh.
Tác phẩm văn học thiếu nhi về đề tài chiến tranh Việt Nam được viết bởi những người trực tiếp tham gia cuộc chiến và những người ở hậu phương, trong đó, hầu hết là nam giới. Thực tế này phù hợp với đặc điểm xã hội của thời kỳ mà phụ nữ trực tiếp ra trận không nhiều, chủ yếu ở tuyến sau, thiếu trải nghiệm về cuộc chiến, trình độ văn hóa của nữ giới đa phần còn thấp. Khi chiến tranh mở rộng trên toàn quốc đã xuất hiện một số cây bút nữ được trang bị về văn hóa, có năng khiếu văn chương như: Nguyễn Thị Như Trang, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Phương Liên... Những tác phẩm văn học thiếu nhi viết về chiến tranh dù sáng tác ở thời điểm nào cũng đều có độ lùi nhất định so với hiện thực. Với độ lùi đó, lựa chọn về thể loại và sự bộc lộ cảm xúc đối với các vấn đề của cuộc chiến có sự thay đổi đáng kể. Trong thời kỳ chiến tranh, thơ là thể loại có nhiều thành tựu xét về đội ngũ lẫn số lượng tác phẩm và tác động xã hội của nó. Thơ ca dù viết trong chiến tranh nhưng tràn đầy nhựa sống. Giai đoạn kháng chiến chống Mĩ còn chứng kiến hiện tượng đặc biệt trong văn học thiếu nhi Việt Nam, đó là hiện tượng các em nhỏ làm thơ, nổi bật là Trần Đăng Khoa, Chu Hồng Quý, Cẩm Thơ, Nguyễn Hồng Kiên, Hoàng Hiếu Nhân, Khánh Chi. Sự bật tách mạnh mẽ của các chồi non văn chương cho thấy không khí chung của thời đại đã tác động đến trẻ em với tư cách là những “nhân chứng sống” của lịch sử. Mai Văn Hoan lý giải “cơn đa chn thơ” thơ này từ việc các em được sống, được nuôi dưỡng trong “bầu khí quyển thi ca”, giữa lúc cả nước đang sục sôi không khí đánh Mĩ. Thời kỳ này không thấy nhiều sự hiện diện của truyện dài, tiểu thuyết hư cấu. Văn xuôi thiếu nhi thời kỳ chiến tranh chủ yếu là truyện ngắn. Trong quan niệm của nhà văn Elizabeth Bowen, truyện ngắn là phương tiện văn xuôi lý tưởng cho việc sáng tác thời chiến, là thể loại duy nhất có khả năng truyền tải trực tiếp những trải nghiệm của nhà văn. Tác giả này cho rằng bản chất rời rạc của trải nghiệm thời chiến khiến người viết truyện ngắn phấn khích. Truyện ngắn phù hợp hơn tiểu thuyết trong việc nắm bắt cuộc sống rời rạc và đột ngột của thời chiến1. Thực tiễn sáng tác văn học thiếu nhi giai đoạn này cho thấy tính hợp lý của quan niệm đó. Những truyện ngắn thiếu nhi viết về đề tài chiến tranh có thể kể đến: Phác Kim Tố (1954) của Nguyễn Xuân Sanh; Vệ Út (1955) của Hồ Phương; Vượt suối nâu (1958), Hai làng Tà Pình và Động Hía (1958) của Bắc Thôn; Em bé bên bờ sông Lai Vu (1960) của Vũ Cao; Chiếc kèn đồng (1961) của Văn Linh; Vừ A Dính (1962) của Tô Hoài; Chuyện xóm tôi (1964), Những đứa con trong gia đình (1966), Mẹ vắng nhà (1966) của Nguyễn Thi; Chiếc lược ngà (1966) của Nguyễn Quang Sáng; Cây cúc tần (1969) của Nguyễn Thị Như Trang; Chiếc áo màu lửa (1970) của Trần Huy Quang... Cùng với truyện ngắn có một vài truyện vừa và tiểu thuyết được “xem là vật thay thế cho những ký ức cụ thể về chiến tranh”2 như: Đội du kích thiếu niên Đình Bảng, Mặt trời quê hương (Xuân Sách), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Khi mùa xuân đến (Lê Phương Liên), Quê nội (Võ Quảng), Từ giã tuổi thơ (Nguyễn Minh Châu)...
Giai đoạn sau kháng chiến chống Mĩ xuất hiện nhiều hơn các truyện dài, tiểu thuyết về đề tài cách mạng, chiến tranh: Tảng sáng (1976) của Võ Quảng; Phía bên kia núi (1977) của Xuân Sách; Hồi đó ở Sa Kỳ (1980) của Bùi Minh Quốc; Những ngày lưu lạc (1981), Đảo đá kỳ lạ (1983) của Nguyễn Minh Châu; Cát cháy (1983) của Thanh Quế... Đặc biệt là sự trỗi dậy mạnh mẽ của tiểu thuyết có yếu tố tự truyện như các tác phẩm Tuổi thơ im lặng của Duy Khán; Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán; Cơn giông tuổi thơ của Thu Bồn; Dòng sông thơ ấu của Nguyễn Quang Sáng; gần đây là Quân khu Nam Đồng của Bình Ca, Mãi mãi một thời thiếu sinh quân của Ma Văn Kháng. Những tác phẩm này không hồi tưởng giản đơn về quá khứ mà là nỗ lực của các tác giả trong việc nhìn nhận trẻ em trong những mối quan hệ đặc biệt nhuốm màu sắc thời đại. Những nguyên mẫu trải nghiệm trẻ em đã xuất hiện trong tác phẩm qua điểm nhìn của những người đàn ông trưởng thành. Với điểm nhìn ấy, những gì xoay quanh chiến tranh trở thành phạm vi hoài niệm.
Văn học thiếu nhi được xem là những diễn giải mang tính cá nhân của các tác giả về chiến tranh, đặc biệt là về cảm xúc của con người trong bối cảnh lịch sử ấy. Sự thể hiện trên những tác phẩm văn học thiếu nhi liên quan đến chiến tranh cho thấy các tác phẩm thuộc về loại hình nghệ thuật ngôn từ cũng đã thể hiện thẩm quyền về chiến tranh, là những tiếng nói hữu hình về cuộc chiến. Chính trẻ em cũng đã thể hiện quyền lực của mình trong cấu trúc các tác phẩm văn học chiến tranh. Chúng không vô hình và càng không thể tránh khỏi sự tác động của biến cố lịch sử lớn lao này. Văn học thiếu nhi không tẩy trắng những tổn thương về thể chất và tinh thần của con người trong cuộc chiến. Sự xuất hiện không gian chiến khu, những trận càn, ném bom của kẻ thù… trong văn học thiếu nhi đã tô đậm khuôn mặt, bản chất của chiến tranh. Trong các tác phẩm, vết đọng bất di bất dịch về kẻ thù của dân tộc vẫn là sự tàn bạo, phi nhân tính. Thiên nhiên và các không gian vật chất thân thuộc bị biến dạng trước sự tàn phá của bom đạn, trở thành những cảnh quan tiềm ẩn mối đe dọa. Bạo lực và cái chết đều có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trên những khung nền vốn dĩ bình yên. Nỗi niềm nghèn nghẹn trước những cái chết tươi xanh đã len vào một số tác phẩm. Trường ca Trẻ con ở Sơn Mỹ của Thanh Thảo viết về vụ thảm sát lớn nhất của đế quốc Mĩ. Tội ác man rợ của đế quốc được phơi bày trên từng trang thơ. Từ việc tiếp xúc tư liệu về vụ thảm sát ở Sơn Mỹ, trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc những gia đình có người thân bị thảm sát và “mục kích cảnh làng quê sau chiến tranh xơ xác tiêu điều, hố bom chi chít”, nhà thơ nghẹn ngào và phẫn nộ phơi bày sự thật kinh hoàng: “Ánh thép trắng lóe lên/ Lựu đạn nổ trong hầm/ Xác người vùi đáy giếng”. Trong tác phẩm Cát cháy, Thanh Quế cũng hoài nghi về tính chất “thanh lọc” của vụ thảm sát mang tính hủy diệt. Lính Mĩ sục sạo vào từng ngôi nhà, căn hầm; dùng súng gắn lưỡi lê, dùi cui, đại liên dồn người vào cồn cát. Chúng xé áo phụ nữ, đánh trẻ em và không tha những cụ già tóc bạc phơ. Lửa cháy tràn lan khắp làng. Qua cuộc “thanh lọc”, mảnh đất thân thuộc bị cày xới, xác nhà trộn với xác dương, xác dừa. Những bờ cát lúp xúp giăng đầy hoa mắc cỡ ngày nào đã biến mất. Giếng làng bị san phẳng. Không còn tiếng dế kêu. Rừng dương ngăn làng với biển cũng không còn, cát theo gió ào ào thổi vào người.
Hiện thực đau thương ấy tràn cả vào thơ. Trong bài Gửi bạn Chi Lê, Trần Đăng Khoa viết: “Giặc Mĩ nó đến nước tôi/ Búp bê nó giết, bao người nó tra/ Nó bắn cả cụ mù lòa/ Nó thiêu cả bé chưa và được cơm/…/ Người bạn nhỏ Việt Nam/ Vắng nụ cười trên môi/ Bạn không có bát cơm/ Để xua cái đói xanh người/ Bạn thiếu cả cốc nước/ Để đuổi cái khát”. Để làm nổi bật những ràng buộc khó chịu, đau đớn của cuộc sống thời chiến, các tác giả khôn ngoan chạm vào khát vọng đoàn tụ, gặp gỡ, nỗi nhớ nhà/ thành phố trong những ngày tản cư, chiến đấu và những hình dung về sự trở về/ tái định cư trên nền cũ nhà xưa. Đây là ước mơ giết thù trong thơ Hoàng Hiếu Nhân: “Con cò trong câu ca dao/ Bay vào giấc ngủ trắng phau giọng bà/ Bà đưa cháu đến đồng xa/ Con cò theo mẹ la đà dòng mương/ Bà đưa cháu đến Trường Sơn/ Con cò theo bố dập dờn ngụy trang/ Bà đưa cháu đến Miền Nam/ Giết thù, chớp đạn sáng choang cánh cò” (Con cò). Và đây là nỗi nhớ nhà trong thơ Phạm Tiến Duật: “Mười năm ta ở rừng/ Mười năm đi tìm giặc/ Mười năm xa con đường xa lắc/ Có nỗi nhớ nào không một bóng trẻ con” (Nhớ về lũ trẻ).
Tứ thơ “Có nỗi nhớ nào không một bóng trẻ con” của Phạm Tiến Duật là nỗi niềm mang tính phổ quát. Hình ảnh quy chiếu của nỗi nhớ chỉ là một nhưng cảm xúc lại ở trạng thái phân cực: phần nhớ mình trong quãng ngày thơ ấu trong trẻo, bình yên; phần với vọng nhớ thương những đứa trẻ đang chông chênh ở hậu phương bởi ở không gian hòa bình ấy, trẻ em vẫn chịu tác động của cuộc chiến. Mối quan hệ giữa trẻ với gia đình, người thân, thầy cô bị cắt đứt, bỏ quên hoặc chuyển hóa sang mối quan hệ rộng lớn và thiêng liêng khác như quan hệ với quê hương, đất nước. Trong lớp học, học trò thảng thốt khi bắt gặp hình ảnh “Thầy ngồi ghế giảng bài/ Xếp cạnh bàn đôi nạng gỗ/ Một bàn chân đâu rồi/ Chúng em không rõ” (Bàn chân thầy giáo - Trần Đăng Khoa). Ở các khu gia binh, những đứa con của lính lớn lên như cỏ dại vì các ông bố quân nhân biền biệt chiến trường xa và các bà mẹ gấp gáp chạy theo nhịp sống bao cấp (Quân khu Nam Đồng - Bình Ca). Nhiều đứa trẻ bị bóc tách ra khỏi không gian sống quen thuộc, xác lập mối quan hệ với nơi sơ tán. Khi mùa xuân đến của Lê Phương Liên tái hiện sinh động thời kỳ những chiếc áo dệt Đông Xuân, những mũ rơm vàng tròn xoe, lúc lắc... là bạn của con người; thời của tiếng kẻng báo động, báo an; thời dân sơ tán thường châu đầu bên đài bán dẫn nghe tin Hà Nội, Miền Nam những ngày đánh Mĩ. Nhân vật Phương, Quang cũng như bao nhiêu người khác đành bỏ lại đằng sau một Hà Nội ăm ắp kỷ niệm, một Hà Nội luôn tươi xanh từng con đường, mảng trời, mảng nắng để đến với những con đường mấp mô gạch vụn, nắng chói rát lưng.
Sống trong bối cảnh nhiều biến động như thế, trẻ em vụt lớn bổng. Trẻ có xu hướng vượt khỏi sự kiểm soát của người lớn, nỗ lực trưởng thành và chịu trách nhiệm từ rất sớm. Chúng đội mũ rơm đến trường, chơi thả diều bên cạnh những hố bom (Gửi bạn Chi Lê, Thả diều - Trần Đăng Khoa). Chúng thích nghi với cuộc sống thiếu vắng bố mẹ (Mùa mưa - Thanh Quế, Mẹ vắng nhà - Nguyễn Thi). Hiện tượng trẻ em vụt lớn nhanh trong đau thương là vệt buồn đối với người lớn và các em. Một nhà văn Bulgaria, khi tận mắt nhìn những đứa trẻ cầm xà beng tự tay đào hầm trú ẩn, đã nói: “Tội lỗi lớn nhất của loài người là khiến các em nhỏ này không còn tuổi thơ nữa”. Quả thực, phải lớn khi chưa đi trọn vòng tuổi nhỏ là mất mát của thế hệ này. Điều đó đồng nghĩa với việc rút ngắn thời thơ ấu, ngày thơ ấu; làm hư hao, thương tổn phần trong sáng, bé bỏng, phần thiên thần của mỗi đứa trẻ. Thậm chí trong sự vượt thoát, lớn bổng, có một số đứa trẻ đã lạc lối (nhân vật Kim điệu trong Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán). Vượt khỏi quy luật sáng tạo chung của văn học thời chiến, một số tác giả thẳng thắn nhận diện mặt trái của chiến tranh, phản ánh điều đó day dứt, ám ảnh trên từng trang viết. Các bài thơ của Lưu Quang Vũ (Tuổi thơ, Những đứa trẻ buồn) là nốt lặng của văn học thiếu nhi với câu chuyện cay đắng, đau thương về tuổi thơ trong thời tao loạn với những câu thơ tê tái từ ngày đó đến tận bây giờ: “Heo may cỏ lạ rừng chiều/ ngàn lau rụng trắng/ những đứa trẻ buồn ướt lạnh/ đường dài mặt trận nối nhau đi”. Chiến tranh tạo ra bối cảnh, phông nền văn hóa đặc biệt cho trẻ em kèm theo những trải nghiệm xót xa, thương cảm. Việc người lớn xuất hiện trên các mặt trận đã là điều khủng khiếp nhưng sự hiện diện của những đứa trẻ không có quyền lực chính trị còn là điều khủng khiếp hơn. Qua các tác phẩm văn học, ta thấy rõ trẻ em phải trải nghiệm cái giá phải trả của con người trong chiến tranh. Đó là nỗi sợ hãi, những ám ảnh về chiến tranh; sự thăng trầm, gián đoạn trong đường đời; nỗi đau vì sự chia cắt, vì bị mất đi người thân. Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng được viết vào năm 1966 tại chiến trường Nam Bộ trong những tháng ngày sôi sục đánh Mĩ. Lúc con gái mới chưa tròn một tuổi, người cha đã “thoát ly” đi kháng chiến. Nằm vùng ở chiến trường Miền Đông ròng rã mấy năm kháng chiến, anh chỉ gặp con qua tấm ảnh nhỏ. Phần đầu tác phẩm, tác giả đã chủ động tách câu chuyện ra khỏi bối cảnh chiến tranh nhưng nỗi đau khổ cá nhân vẫn là nỗi đau khổ nhuốm không khí thời đại. Người đọc rưng rưng với sự nôn nao gặp con của người cha chiến trận sau đằng đẵng xa cách. Tiếng anh gọi con lặp bặp, run run; vết thẹo dài bên má giần giật, đỏ ửng nhưng đổi lại là cái nhìn ngơ ngác, lạ lẫm; là khuôn mặt chuyển tái kèm tiếng kêu thất thanh của đứa trẻ. Phút giây người cha đau đớn nhìn theo con, hai tay buông thõng xuống như bị gãy cho thấy chiến tranh đã hiển hiện với sự tàn bạo, khắc nghiệt. Vết thẹo trên khuôn mặt người cha là chứng tích tàn nhẫn chiến tranh để lại, là tác nhân tạo ra những tổn thương tinh thần cho cha và con. Thời điểm này, cuộc chiến có tiếng súng chưa lấy đi sinh mệnh cha hoặc con nhưng đã tạo ra cuộc chiến tâm lý giữa những con người luôn khao khát tình thân. Ba ngày về thăm nhà ngắn ngủi, người cha ấy đã tìm cách gần gũi, vỗ về con, nhưng càng vỗ về thì con bé càng “đẩy ra”. Người lính ấy khổ tâm đến nỗi không khóc được vì con gái không một lần chịu gọi anh bằng ba. Nhưng kỳ thực, với đứa trẻ, nỗi đau hẳn còn khó chịu và xa xót hơn. Nỗi buồn trên gương mặt thơ ngây, ánh nhìn nghĩ ngợi sâu xa, những xôn xao chực trào trên đôi mắt nó trong ngày người cha trở lại Miền Đông là nỗ lực kiềm giữ những cơn sóng cuộn trong lòng. Phút giây tình cha con trỗi dậy, “vỡ tung” ra, tiếng gọi ba của con bé đã xé ruột xé gan mọi người. Tiếng gọi thân thương ấy bị đè nén bao nhiêu năm trời. Nó ôm chặt người cha, nói trong tiếng nấc: “Ba! Con không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!”. Sau nỗi đau chia ly ấy, tác phẩm tiếp tục cứa vào lòng người vết thương khác, đặc biệt là cái chết của người cha. Lớn lên trong nỗi đau, cô con gái bé bỏng đã trở thành cô giao liên thông minh, gan dạ. Sự chuyển đổi hình tượng nhân vật khẳng định, như lẽ tất yếu, trẻ con là một phần ảnh hưởng của chiến tranh.
Trong từ trường ảnh hưởng đó, chiến tranh đồng thời đặt dấu chấm hết cho những giấc mơ non xanh bình dị. Cái chết của người lính trẻ em vô tội trong văn học thiếu nhi tượng trưng cho cái chết và sự hi sinh của tất cả những người lính. Các tác phẩm Đội du kích thiếu niên Đình Bảng, Mặt trời quê hương (Xuân Sách), Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán) tràn đầy cảm hứng bi tráng khi hàng loạt cái chết được đề cập. Các tác giả đã nhạy cảm chạm vào phần nghiệt ngã của cuộc chiến. Ngay cả khi chiến tranh đã đi qua, trạng thái hồn nhiên của trẻ thơ cũng không thể quay về, không thể hồi phục ở trạng thái ban sơ, nguyên thủy. Xu hướng thăm dò các chấn thương tâm lý của trẻ sau cuộc chiến đã xuất hiện trong văn học thiếu nhi. Xuất hiện trong những tác phẩm ấy là những đứa trẻ già, là những thực thể bị nhiều tổn thương, mất mát trong và sau cuộc chiến (Tiếng vạc sành - Phạm Trung Khâu). Tiếc là văn học thiếu nhi Việt Nam không có nhiều tác phẩm như thế. Sự tự giới hạn để vừa vặn đối tượng tiếp nhận làm cho văn học thiếu nhi chưa giải quyết thấu đáo vấn đề tâm lý của trẻ em với những ám ảnh về bóng tối chiến tranh.
Tuy nhiên, giới hạn ấy cũng đồng thời khẳng định giá trị riêng có của văn học thiếu nhi. Văn học thiếu nhi là phương tiện đặc biệt để kể lại câu chuyện chiến tranh với những tác phẩm trong sáng và thơ mộng. Thành công của văn học thiếu nhi là đã kể một cách mạch lạc về một thế giới bị chia cắt, hỗn độn, rời rạc. Chủ động loại bỏ những điều phức tạp, đa nghĩa nên văn học thiếu nhi dẫu có khai thác ảnh hưởng của chiến tranh đến đời sống thì cũng chứa những khoảng trời trong trẻo, ấm áp. Vượt lên chuyện xóm, chuyện nhà, các nhân vật trong Chuyện xóm tôi, Mẹ vắng nhà của nhà văn Nguyễn Thi trở thành hình ảnh đại diện cho tuổi thơ Miền Nam – những đứa trẻ không chỉ được nuôi dưỡng “bằng hai dòng sữa căm thù và yêu thương” (ý của Trần Cư) mà còn bởi văn hóa Nam Bộ hào sảng, hài hước, đôn hậu. Bằng tiếng gió lẫn tiếng hát từ sông Hậu, bằng những con vồng màu phù sa, những trò chơi trận giả, lớp học trẻ con rộn ràng, tiếng chửi thằng Mĩ ngọng lô ngọng líu..., tác giả đã “giải thích một cách rõ ràng và tài tình về một điều kỳ diệu tưởng như khó hiểu là: ở Việt Nam, và nhất là ở Miền Nam, tại sao trẻ con cũng đánh Mĩ”3. Nhìn chung, văn học thiếu nhi phần nào đơn giản hóa mức độ nguy hiểm, tàn bạo của cuộc chiến, có xu hướng loại bỏ những bóng đen tâm lý của con người trong bối cảnh mang tính lịch sử này. Không ít tác phẩm tiếp cận chiến tranh qua lăng kính trẻ em và đời sống trẻ em – những cá thể mà theo như lời Thanh Thảo là: “Tôi chỉ là trẻ thơ/ Có nỗi nhớ vô tư quên lãng/ Có đôi mắt lọc lại những sắc màu/ Tiếng khóc tiếng cười tan rất mau/ Bao trò chơi dễ ham chóng chán”. Với điểm nhìn ấy, chiến tranh không chiếm phần lớn không gian tác phẩm. Văn học thiếu nhi chỉ chia sẻ một phần nhỏ của cuộc chiến, một phần đời trong cuộc chiến. Lính Mĩ, lính Pháp không phải là nhân vật chính trong các tác phẩm. Thông tin về đối tượng này khá mờ nhạt, giản đơn. Biên độ phản ánh hẹp này phản ánh mức độ hiểu biết của trẻ em về diễn biến của chiến tranh và bản chất của nó. Việc mô tả chiến tranh qua điểm nhìn của đối tượng không ở tuyến đầu hai cuộc kháng chiến như thế tất yếu ít nhiều ảnh hưởng đến thẩm quyền của sự thật.
Điều đáng nói là các tác phẩm văn học thiếu nhi không tràn ngập sự chết chóc và nỗi đau hiện sinh. Trẻ em không bị nhấn chìm trong sự khủng khiếp, tàn khốc, mờ mịt của chiến tranh. Ngay cả ở những tiểu thuyết mang tính chất tự truyện, mạch hồi tưởng của các tác giả vẫn là sự kết hợp giữa bình yên và biến cố, giữa hồn nhiên và lớn bổng, giữa đớn đau và cứu rỗi. Sự thay đổi của đời sống chính trị, văn hóa kéo theo sự thay đổi điểm nhìn của nhà văn dẫn đến bước chuyển của hình tượng trẻ em trong văn học. Tuy nhiên, đấy vẫn là những câu chuyện biết “kiềm chế”. Sự kinh hoàng, nỗi thống khổ vì bị xâm hại/ cưỡng hiếp, chiều sâu cảm xúc con người… cơ bản vẫn bị chôn vùi. Các tác giả đã điều chỉnh, thao túng phần nào tiếng nói của chiến tranh cho phù hợp bối cảnh sáng tác và đối tượng tiếp nhận. Các tác phẩm không kết thúc bằng nỗi buồn hay sự hủy diệt. Cái chết ở chiến khu, ở mặt trận, trên đường liên lạc…, nếu có, cũng là sự tái tạo địa vị của trẻ bởi các em đã chiến đấu bằng tinh thần tự hiến, đã dũng cảm vượt qua chính cả tuổi thơ ngây để chiến thắng kẻ thù.
Tính chất hàn gắn, thanh lọc của văn học thiếu nhi khi viết về đề tài chứa nhiều sự tổn thương, hủy diệt là điều dễ nhận thấy. Trong tác phẩm Chiếc lược ngà, chi tiết đứa trẻ hôn lên vết thẹo dài của ba thực sự xúc động. Hàng rào ngăn cách khủng khiếp mà chiến tranh tạo ra, phút giây này, hoàn toàn mất tác dụng. Tình cha con đã tạo nên những đợt sóng cảm xúc mạnh mẽ, nhấn chìm dấu tích của cuộc chiến tranh bạo lực. Bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt sáng tác năm 1963, lúc tác giả đang du học ở Liên Xô. Trong dòng ký ức nồng cay mùi, vị, ánh sáng của “bếp lửa”, tác giả không quên nhắc đến cuộc kháng chiến chống Pháp. Dù đó chỉ là một nhánh trong dòng hồi tưởng nhưng tác giả vẫn chạm đến những phần cốt lõi của hiện thực chiến tranh: làng mạc bị đốt cháy, người dân rời làng đi tản cư, trẻ con xa cách bố mẹ. May mắn là những tổn thương của chiến tranh không ảnh hưởng, chi phối nhiều đến con người. Ở hai ngưỡng đối lập của tuổi tác, thời gian sống và trải nghiệm, người già và trẻ con vẫn bình tĩnh sóng đôi đi qua cuộc chiến bằng tình yêu thương ấm áp. Trong mối quan hệ sóng đôi ấy, bà là điểm tựa, là người khơi lên những tia lửa sưởi ấm tuổi thơ và “nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”: “Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi/ Hàng xóm bốn bên trở về lầm lũi/ Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh/ Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh:/ Bố ở chiến khu bố còn việc bố/ Mày viết thư chớ kể này kể nọ/ Cứ bảo rằng nhà vẫn được bình yên!”.
Bài thơ này thể hiện khả năng sinh tồn mạnh mẽ của con người trong lửa đạn, trong đó có trẻ em. Chung mạch cảm hứng ấy, nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi ghi nhận sự trưởng thành đáng kinh ngạc của thế hệ măng non trong bão lửa. Chiến tranh mang đến cho trẻ sự mạnh mẽ. Các em đã thể hiện vai trò kiến tạo hòa bình qua cả những dự tính và giấc mơ dễ thương: “Muốn xin chiếc mũ tai bèo/ Làm cô giải phóng vượt đèo Trường Sơn” (Chú giải phóng quân - Cẩm Thơ); “Áo anh cả, em mặc dài ngang mắt cá/ Quần anh cả, em mặc lên tận cằm/ Giày anh cả, em đi lọt thỏm bàn chân/ Ba lô anh cả, em mang không nổi/ Nhưng em vẫn là bộ đội/ Đi đều bước!... Một hai… một hai!” (Em làm bộ đội - Hoàng Hiếu Nhân). Không xoáy sâu vào bạo lực, giết chóc, xung đột lịch sử, văn học thiếu nhi thực sự tươi trẻ trong niềm vui sống, trong khát vọng trở thành bộ đội cụ Hồ, trong sự mưu trí, dũng cảm, đức hi sinh của thiếu nhi và sức sống mãnh liệt của toàn dân tộc trước sự tàn phá của kẻ thù. Ước mơ làm bộ đội của trẻ em Việt Nam “là hiện tượng đánh dấu rõ nhất đặc điểm của thời kỳ lịch sử ta đang sống: chúng ta phải chiến đấu!” (Vân Thanh). Không dừng lại ở ước mơ, trẻ thơ đã tích cực đóng góp vào cuộc kháng chiến của dân tộc với vai trò dẫn đường, liên lạc, đưa thư, trực tiếp xuất hiện trên chiến lũy, tiếp đạn cho bộ đội, pháo binh (Em bé bên bờ sông Lai Vu - Vũ Cao; Lượm - Tố Hữu; Kim Đồng, Vừ A Dính - Tô Hoài; Tuổi thơ dữ dội - Phùng Quán...).
Văn học thiếu nhi thay vì tìm kiếm tiếng thở dài, chăm chú vào sự nản lòng nhụt chí, sự vụn vỡ của niềm tin và vết nứt rạn trong các mối quan hệ… đã hướng đến khẳng định những giá trị, phẩm tính mang tính thời đại. Các tác giả có xu hướng tập trung khai thác chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thế hệ măng non. Các tác phẩm viết cho thiếu nhi phát huy ý nghĩa nêu gương chiến đấu, nêu gương người tốt, việc tốt. Các nhà văn tập trung khắc họa nhiều nhân vật lý tưởng. Đó là những đứa trẻ, những tập thể thiếu niên mang giấc mơ và khí phách Phù Đổng ra trận, hoà mình vào khúc quân hành của toàn dân tộc. Đội Du kích thiếu niên Đình Bảng, Đội Thiếu niên trinh sát của Trung đoàn Trần Cao Vân, Đội Thiếu niên tiền phong mật Sa Kỳ... là tập hợp những đứa trẻ yêu nước, gan dạ, mưu trí. Đa (Mặt trời quê hương); Lâu, Hiệt, Hoài, Bình (Khúc hát mở đầu); Việt (Những đứa con trong gia đình); Nến (Từ giã tuổi thơ), Minh (Chiếc áo màu lửa), Vừ A Dính và Kim Đồng trong hai tác phẩm cùng tên của Tô Hoài... là những anh hùng không đợi tuổi, có chung sự gắn bó thiêng liêng với vận mệnh đất nước, chung một mối thù và lý tưởng cách mạng. Mặc dù vẫn có một số trẻ được đào tạo trước khi đủ tuổi ra chiến trường (Mãi mãi một thời thiếu sinh quân - Ma Văn Kháng) nhưng có thể khẳng định trẻ không bị lạm dụng để làm lính. Các em tự nguyện đến với cách mạng bằng rất nhiều lý do nhưng cơ bản là vì sự ràng buộc về huyết thống, cộng đồng. Chỉ cần giặc giết người thân, tấn công làng xóm thì các em không ngần ngại tham gia cách mạng để có thể trả thù nhà, nợ nước. Trong văn học thiếu nhi, trẻ là hiện thân của quá khứ và tương lai; là biểu tượng mạnh mẽ cho sức mạnh, ý chí, khát vọng của dân tộc. Với bài thơ Phút sinh ra những thần Phù Đổng (1967), Bằng Việt không chỉ “đi dọc những lối vào lịch sử” mà còn “đi ngang những cuộc đời thường”. Hình ảnh đứa trẻ sinh ra trong căn hầm đầy mùi bom bạn được nâng lên thành biểu tượng gắn liền với truyền thuyết dân gian: “Một bầu trời mênh mông/ Em bé lần đầu tiên mở mắt/ Trước những giọt lân tinh và màu xăng đặc/ Em bé lần mở mắt đầu tiên/ Trước quân thù cuồng dại bốn bên/ Trước những hình thù hoang sơ quái gở.../ Có gì đó trào dâng lên cổ/ Cô đỡ ôm em, nôn nóng trong lòng/ Đất bỗng sốt lên cơn sốt bừng bừng/ Những cơn chớp giật ùng oàng sáng chói/ Giữa mọi âm thanh không gì hiểu nổi/ Em bé nằm yên, chưa chút bận tâm/ Lạ lùng, bằng giọng rất trong/ Cất tiếng khóc đầu tiên, chào thế giới!”. Bài thơ đã gợi được không khí, tinh thần của người dân Vĩnh Linh - Quảng Trị trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Xuất hiện giữa căn hầm “oi khói” bom đạn, em bé là một thanh âm khác biệt; một mầm sống được phôi thai trên mảnh đất chết; một thanh âm trong trẻo, bình yên giữa “cơn sốt bừng bừng” của đất trời và sự cuồng dại của kẻ thù. Tiếng khóc đầu tiên vừa là lời chào thế giới vừa là dự báo về sự hiện diện của một thần Phù Đổng. Đó cũng là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của dân tộc, cho sự kế tục truyền thống giữ nước qua các thế hệ.
Có thể thấy khuôn mẫu hình tượng thiếu nhi anh hùng - người lính trẻ em chủ yếu tập trung vào trẻ nam. Quy ước văn học này có mối liên hệ với thái độ, lập trường của nhà văn nhưng đồng thời cũng phản ánh sự thật lịch sử. Sự hiện diện ít ỏi của trẻ gái trong văn học cách mạng không đồng nghĩa với việc bỏ qua, loại trừ trẻ gái, nhấn mạnh sự hiện diện và vai trò của trẻ nam, sự thống trị của nam giới. Thực tế, chiến tranh luôn đòi hỏi hành vi nam tính, đòi hỏi sức mạnh và sức chịu đựng nên trẻ gái không được khuyến khích ra mặt trận. Vẻ đẹp lấp lánh của hình tượng trẻ em trong văn học thiếu nhi về đề tài chiến tranh có mối quan hệ với hình ảnh trẻ em trong đời thực chứ không phải là giấc mơ hay “ảo mộng văn hóa” của người lớn. Những đứa trẻ trong trí tưởng tượng của nhà văn dù có màu sắc lãng mạn thì vẫn mang những mạch đập cuộc sống. Vừ A Dính, Kim Đồng (truyện Vừ A Dính, Kim Đồng - Tô Hoài), cu Theo (bài thơ Chuyện em Hòa - Tố Hữu)... là những nguyên mẫu của đời thực. Đối với mảnh đất có lịch sử bốn ngàn năm chống giặc ngoại xâm, trong thời điểm chiến tranh, hiện tượng trẻ em “hóa những anh hùng”, trở thành những Gavroche trên chiến trường Việt Nam là điều tất yếu. Có khác chăng là bởi văn học thiếu nhi đã thể hiện trọn vẹn hơn chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong tác phẩm Mặt trời quê hương của Xuân Sách, Đa là đứa trẻ có cha chết, mẹ chết, suốt ngày quẩn quanh với công việc của kẻ làm thuê: chăn trâu, cắt cỏ, bắt cua, xay lúa, giã gạo… Cô bé Thược chính là người đầu tiên khơi lên ánh lửa trong tối tăm cuộc đời đi ở đợ của cậu bé Đa. Tình bạn của Đa và Thược được đặt trong nguồn mạch của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Kết thúc tác phẩm vừa rạng rỡ vừa đớn đau. Bọn Tây, lính ngụy đã kéo đến cửa hầm; Thược và Đa ngồi trong hầm, cùng nói về vị thơm đặc biệt của quả chanh yên, về giấc ngủ trên lưng trâu của những ngày đi ở, về dự định đón trung thu với lễ hội bơi thuyền trên đầm… Những kỷ niệm quá khứ, những chuyện xa xôi vội rời khỏi tâm trí khi địch bắt đầu cuốc hầm. Đa nói như ra lệnh: “Nếu tôi phải lên thì mặc tôi, bạn cứ ngồi dưới này”, “Dù chết cũng không được khai”. Nhân vật đã lớn vụt lên với ý thức che chở cho bạn, người mà em hết sức quý mến. Đó vừa là phẩm chất cách mạng mà cuộc kháng chiến đã tôi luyện cho em vừa là những gì rất đỗi bình dị thuộc về phẩm tính người mà may mắn trẻ thơ còn giữ được cho mình. Đa đã cảm nhận được hơi ấm của người bạn ở phía sau, vì thế mà em có thêm sức mạnh để hét vào mặt kẻ thù: “Tao tiếc không giết được mày, nhưng mày không thoát được khỏi tay chúng tao đâu. Mày phải đền những tội ác mày đã gây ra”. Câu chuyện kết thúc với hình ảnh Đa lần cuối cùng thu vào mắt mình vầng mặt trời chói lọi của quê hương rồi ra đi vĩnh viễn. Nhưng người đọc sẽ không bao giờ quên được hình ảnh một đứa trẻ đã vững vàng lớn lên trong cô đơn, nghèo khó để đến với cách mạng, để sống nghĩa tình trong quan hệ đồng chí, đồng đội.
Xác nhận sự tồn tại của chiến tranh trong văn học thiếu nhi trong và sau kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ để thấy tác động của chiến tranh luôn sâu rộng và lâu dài dù nó chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian lịch sử nhất định. Sự độc đáo, riêng biệt của văn học thiếu nhi trong cách tiếp cận đề tài chiến tranh, những giới hạn và lợi thế của nó khi mà trải nghiệm bi thảm của cá nhân không phải là trung tâm của những câu chuyện mang tính tập thể, dân tộc, thay vào đó là xu hướng ngợi ca chủ nghĩa anh hùng dân tộc. Các tác phẩm văn học thiếu nhi là phương tiện diễn giải đặc biệt về thời thơ ấu với vết sẹo mang tên chiến tranh; là một phần quan trọng trong ký ức cộng đồng về lịch sử, giúp độc giả hôm nay có những trải nghiệm an toàn về chiến tranh để hiểu rõ hơn sự khủng khiếp của nó, đặc biệt là đời sống tâm hồn trẻ em trong bối cảnh chiến tranh, khi những người thân của chúng gánh vác thêm những trách nhiệm mới, thậm chí có những kết cục mới ngoài sự hình dung của chúng. Bằng những sáng tác của mình, các tác giả cho thấy tuổi thơ vẫn là một trạng thái cần được bảo vệ đặc biệt. Văn học thiếu nhi đã hỗ trợ/ bảo trợ quyền trẻ em trong cuộc chiến, góp phần nâng đỡ phần ấu thơ đẹp đẽ của đời người, như lời nguyện cầu của nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Cầu cho những đứa trẻ đừng bao giờ đánh mất những vì sao lung linh trên hai bàn tay, dù bàn chân có phải đi qua bao chặng đường gian khó”. Chưa nhìn thấy rõ những cá nhân khác biệt là hạn chế của văn học trong giai đoạn chiến tranh nhưng cũng là lợi thế của nó. Bởi nhờ vậy mà thiếu nhi các thế hệ có cơ hội kết nối với những người bạn đồng trang lứa, có sự định hướng rõ ràng về mục đích và lý tưởng sống: tất cả cho chiến thắng và độc lập dân tộc; đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần, làm việc theo sự phân công của tổ chức. Đấy cũng là đóng góp ý nghĩa của các tác phẩm văn học thiếu nhi viết về đề tài chiến tranh cách mạng.
Tài liệu tham khảo:
1. Mai Văn Hoan: “Đọc lại thơ Hoàng Hiếu Nhân”, https://toquoc.vn/doc-laitho-hoang-hieu-nhan-99134977.htm, 26/6/2015.
Chú thích:
1 Dẫn theo: Susanne Carter (1989): “Visions of Vietnam in Women’s Short Fiction, Vietnam Generation”, Vol. 1: No. 3, Article 8. Available at: http://digitalcommons.lasalle.edu/vietnam generation/vol1/iss3/8.
2 Richard C. Kagan (2000): “Disarming memories: Japanese, Korean, and American literature on the Vietnam war”, Bulletin of Concerned Asian Scholars, 32:4, 25-32, DOI: 10.1080/14672715.2000.10419541.
3 Dẫn theo: Vân Thanh (2006), Tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam, NXB Từ điển Bách khoa.