Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Hội An là một thành phố có nhiều khu phố cổ được xây từ thế kỷ XVI. Trong một số tài liệu cổ của phương Tây, Hội An được gọi Faifo1. Phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1999. Đến với Hội An, mọi người sẽ được chiêm ngưỡng những phong cảnh đẹp hòa mình vào bầu không khí “xưa cũ” để gợi nhớ lại những cột mốc của thành cổ với nhiều kỷ niệm xưa. Hội An còn nổi tiếng bởi vẻ đẹp kiến trúc truyền thống, hài hòa của những ngôi nhà, bức tường và cả những con đường quanh co. Cùng với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, phố cổ Hội An vẫn giữ nguyên những nét xưa cổ, trầm mặc rêu phong trong từng mái ngói, viên gạch, hàng cây… là một minh chứng lịch sử, một dấu ấn không thể nào quên trên hành trình phát triển của một vùng đất thơ mộng.
1. Kiến trúc phố cổ Hội An
Hội An bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ, những con đường phố hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ... Cảnh quan phố phường Hội An mang màu rêu phong cổ kính như một bức tranh sống động. Đây được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị. Ngoài những giá trị văn hoá qua kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ một nền tảng văn hoá phi vật thể khá đồ sộ. Cuộc sống thường nhật của người dân với những phong tục tập quán, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hoá đang được bảo tồn và phát huy cùng với cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, các làng nghề truyền thống, các món ăn đặc sản... làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trên toàn thế giới. Mái ngói đỏ là nguồn cảm hứng lớn lao của nhiều nhiếp ảnh gia và người yêu nghệ thuật. Dưới ánh nắng vàng, ngói toả ra một vẻ đẹp riêng biệt. Con đường hoàn hảo lát đá kết hợp với các con phố đá cung đình tạo nên một bức tranh đẹp. Những dãy nhà trải dài qua các con phố thu hẹp và ngõ ngách tạo nên một không gian thơ mộng…
Kiểu nhà ở phổ biến nhất ở Hội An là những ngôi nhà phố một hoặc hai tầng với đặc trưng chiều ngang hẹp, chiều sâu rất dài tạo nên kiểu nhà hình ống. Những vật liệu chính để xây dựng nhà đều có sức chịu lực và độ bền cao để chống lại đặc điểm khí hậu khắc nghiệt và bão lụt hàng năm của vùng này. Thông thường các ngôi nhà có kết cấu kiểu nhà khung gỗ, hai bên có tường gạch ngăn cách. Trung bình mỗi ngôi nhà có chiều ngang khoảng 4-8m, chiều sâu khoảng 10-40m, biến thiên theo từng tuyến phố. Bố cục mặt bằng phổ biến ở đây gồm: vỉa hè, hiên, nhà chính; nhà phụ, hiên; nhà cầu và sân trong; hiên, nhà sau ba gian, vườn sau2.
Mỗi ngôi nhà ở Hội An đều đảm bảo sự hài hòa giữa không gian sống và thiên nhiên. Phần sân trời được lát đá, trang trí bể nước, non bộ, cây cảnh, tạo nên một nét đẹp tổng thể. Với lối kiến trúc độc đáo, không gian nhà ở Hội An luôn thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng mặt trời3. Điều đó đem lại cảm giác tự do, thoải mái cho người dân và sự thích thú cho du khách.
2. Lịch sử mái ngói Hội An
2.1. Nguồn gốc ngói âm dương
Người ta không rõ mái ngói âm dương ra đời từ khi nào, họ chỉ biết rằng nó bắt nguồn từ Trung Quốc và đã có từ rất lâu. Từ xa xưa, con người sáng tạo ra ngói âm dương như một loại vật liệu không thể thiếu để làm cho ngôi nhà uy nghi và tạo nét đẹp độc đáo.
Ngoài ra còn có một số sự tích Trung Quốc kể rằng vào thời Đông Hán, Tào Tháo đã sai một thầy phong thủy xây cung điện sao cho độc lạ. Thầy phong thủy đã phải cất công suy nghĩ và vất vả mới có thể tạo ra những viên ngói đối cạnh nhau và gọi là ngói âm dương, một số vùng miền còn gọi là ngói lưu ly.
2.2. Mái ngói âm dương ở Hội An
Ngói âm dương Hội An thực chất là tên gọi của dòng ngói âm dương lợp các mái nhà san sát nhau ở Hội An. Mái ngói âm dương Hội An là một phần không thể thiếu của kiến trúc phố cổ nổi tiếng này, đánh dấu sự kết hợp tinh tế của nền văn hóa Việt Nam với văn hóa nước ngoài.
Mái ngói là một thành phần quan trọng của truyền thống kiến trúc Việt Nam. Tuy nhiên, mái ngói Hội An còn đặc biệt bởi sự kết hợp giữa kiến thức và kỹ thuật sản xuất gốm truyền thống của người Việt và nước ngoài bởi thương nhân và thuyền nhân nước ngoài đem đến qua các tuyến đường thương mại phát triển ở Hội An từ thế kỷ XV. Các nghệ nhân gốm ở Hội An đã biến nguyên liệu đất tự nhiên thành những viên gốm vuông hoặc chữ nhật thông qua quá trình nung nóng ở nhiệt độ cao. Kỹ thuật và sự khéo léo trong công việc tạo ra các viên gốm này là một phần quan trọng làm nên tính nghệ thuật của mái ngói Hội An. Nguồn gốc tự nhiên của đất sét đã tạo ra màu đỏ đậm hoặc nâu của mái ngói Hội An.
2.3. Phân loại ngói âm dương ở Hội An
Ngói âm dương là loại mái ngói đất nung gồm có ngói dương và ngói âm đan xen trong vì mái kèo. Ngói âm dương thường được sử dụng trong các công trình kiến trúc cổ mang đậm ý nghĩa phong thủy. Cũng chính nhờ sự kết hợp hài hòa, đẹp mắt và công năng phong thủy như vậy mà người ta gọi nó là ngói âm dương. Ngói âm dương được làm từ đất sét, sau quá trình nhào, nặn và nung, bề mặt sẽ được phủ một lớp men sáng không chỉ tăng tính thẩm mĩ mà còn tăng độ bền cho sản phẩm. Được biết, ngói âm dương còn được gọi là ngói lapis lazuli4.
Cấu tạo mái ngói âm dương gồm: ngói âm (ngói lớn) là loại viên ngói lớn được tráng men ở mặt lõm và nằm ngửa; ngói dương (ngói nhỏ) là loại ngói nhỏ được tráng men trên mặt lồi và đặt nằm úp xuống; diềm (gồm diềm âm và diềm dương) là phần đón mái có tác dụng trang trí phần viền mái nhà. Ngói âm dương là loại ngói cong hình trụ, khi lợp mái, các hàng ngói xếp ngược nhau (ngửa - úp), giúp nước mưa chảy xuống không tạt vào nhà. Kết cấu mái ngói xếp đan cài úp - ngửa ngược nhau giúp tạo khoảng trống để giữ gió và thông gió cho mái.
Ngói âm dương có các loại khác nhau:
Ngói âm dương tráng men là loại ngói có khả năng chống thấm, chống rêu mốc, tạo ra một vẻ đẹp hoàn hảo cho ngôi nhà. Đặc biệt, ngói âm dương tráng men có độ bền rất cao, không lo bị phai màu theo thời gian và không lo chịu tác động mạnh của thời tiết nắng mưa tại Hội An.
Ngói âm dương đất nung là loại ngói thường có màu đỏ, có khả năng hạn chế việc hấp thụ ánh sáng mặt trời rất tốt. Do vậy, để tiết kiệm một khoản chi phí cho điều hòa ngôi nhà trong mùa hè nóng bức, tạo không gian sống mát mẻ cùng với tính thẩm mĩ cho ngôi nhà thì việc dùng ngói âm dương ở Hội An là hiển nhiên.
3. Tính nghệ thuật của mái ngói Hội An
Mái ngói Hội An không chỉ có chức năng bảo vệ ngôi nhà khỏi mưa nắng mà còn là một sản phẩm nghệ thuật tinh tế.
3.1. Hình dạng và màu sắc
Mái ngói Hội An thường có hình dạng vuông hoặc chữ nhật, tạo nên một mặt đẹp và đều đặn trên mái nhà. Điều này tạo ra sự cân bằng, hài hòa trong thiết kế tổng thể của ngôi nhà. Màu sắc của mái ngói thường là màu đỏ đậm hoặc màu nâu tạo nên cảm giác ấm áp và truyền thống cho kiến trúc phố cổ Hội An. Màu sắc này phù hợp với môi trường xung quanh và phổ biến ở phố cổ. Mái ngói Hội An mang một vẻ đẹp thẩm mĩ độc đáo, nổi bật bởi kiểu dáng và màu sắc đặc trưng. Khi trải qua thời gian, màu sắc của ngói dần phong hóa, nhuốm màu rêu phong, tạo nên vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc. Kiểu ngói âm dương phổ biến với cách sắp xếp xen kẽ giữa ngói lõm và ngói lồi không chỉ giúp thoát nước mưa tốt mà còn tạo nên hình ảnh mang tính thẩm mĩ độc đáo, mềm mại. Thêm vào đó, những đầu ngói được chạm khắc tỉ mỉ với các họa tiết hoa văn truyền thống như hoa lá, rồng phượng, mang đến nét đẹp văn hóa đặc sắc. Mái ngói Hội An, với sự kết hợp hoàn hảo giữa màu sắc, chất liệu và họa tiết, đã trở thành một biểu tượng thẩm mĩ, góp phần tạo nên vẻ đẹp quyến rũ và độc đáo của phố cổ Hội An.
Hình ảnh mái ngói ở phố cổ Hội An.
3.2. Chi tiết thủ công
Mái ngói Hội An thường được làm thủ công và được chú ý đến từng chi tiết, ổn định kích thước và kiểu dáng và chúng được lắp bằng tay khéo léo để đảm bảo tính chất nghệ thuật và cấu trúc chắc chắn. Sự tỉ mỉ từng công đoạn, từ sản xuất đến lắp lợp là điểm mạnh của nghệ thuật làm mái ngói Hội An.
Những ngôi nhà ở Hội An hầu hết được làm theo dạng hai mái. Đa số nhà chính và nhà phụ không chung một mái mà là hai nếp mái kế tiếp nhau. Rất ít trường hợp mái nhà chính phủ lên cả phần nhà phụ. Đa số nhà cầu được lợp theo kiểu bốn mái. Trên mặt bằng tổng thể thì nhà trước, nhà cầu và nhà sau được lợp bằng những mái riêng biệt. Ngói ở Hội An là loại ngói làm từ đất, mỏng, nung thô, hình vuông, mỗi cạnh khoảng 22cm và có dạng hơi cong. Khi lợp, người ta xếp một hàng ngói ngửa lên và một hàng ngói úp xuống5. Cách lợp này được gọi là kiểu lợp ngói âm dương. Khi lợp xong mái, các viên ngói được cố định bằng vữa, tạo thành những dải ngói nhô lên dọc xuôi theo mái. Điều này khiến toàn bộ mái toát nên một vẻ cứng cáp, mạnh mẽ. Ở phần nóc mái được xây cao lên hình chữ nhật như một cái hộp, cũng có một số trường hợp hai bên tường hồi cũng được xây cao hẳn. Cách xây này làm cho toàn bộ tổng thể dường như bị mất cân đối nhưng lại gây ấn tượng mạnh và tạo ra nét rất riêng của Hội An.
3.3. Sự kết hợp giữa công năng và thẩm mĩ
Mái ngói Hội An không chỉ có tính nghệ thuật mà còn có giá trị công năng cao. Ngói âm dương có giá trị thẩm mĩ bởi sự kết hợp hài hoà của vẻ đẹp đất nung được tráng men với vẻ đẹp tinh tế của những nét chạm khắc. Điều này khiến cho ngôi nhà mang một vẻ đẹp sang trọng, uy nghi, cổ kính. Khi kết hợp tổng thể với kiến trúc của một ngôi nhà thì nó tạo ra những đường nét nhấp nhô, uốn lượn một cách uyển chuyển, đồng thời bảo vệ ngôi nhà khỏi thời tiết khắc nghiệt, tạo ra sự thoáng mát trong những ngày nắng oi bức. Sự kết hợp giữa tính năng và thẩm mĩ trong thiết kế mái ngói âm dương Hội An là một ví dụ về sự hoàn hảo trong truyền thống kiến trúc.
4. Bảo tồn và phát huy giá trị mái ngói Hội An
Công việc bảo tồn và duy trì mái ngói là một phần quan trọng của công việc bảo tồn văn hoá kiến trúc của Hội An. Các nghệ nhân và cơ quan chức năng đã nỗ lực bảo vệ và phục hồi mái ngói để giữ giá trị nghệ thuật và giá trị văn hóa của họ không bị mất đi. Với đề xuất phát triển du lịch bền vững, chúng ta nên nắm rõ xu hướng du lịch của giới trẻ về việc chụp hình, check-in tại Hội An với hình ảnh mái ngói, tận dụng cơ hội đó để quảng bá hình ảnh xinh đẹp của Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung ra thế giới, coi đó là tiền đề phát triển du lịch bền vững.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An, cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn hiệu quả phố cổ Hội An nhằm tìm ra định hướng và giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả khai thác sản phẩm du lịch văn hóa trong thời gian tới, đem lại nhiều lợi ích kinh tế, văn hoá, xã hội cho thành phố Hội An.
Mái ngói Hội An là một phần của kiến trúc phố cổ và là một phần không thể thiếu của trải nghiệm du lịch tại Hội An. Đây cũng là một trong những hình ảnh trên sản phẩm thủ công được du khách quốc tế yêu thích và mua làm kỷ niệm về Hội An. Mái ngói Hội An không chỉ là biểu tượng kiến trúc mà còn là linh hồn của một thành phố cổ, nơi những giá trị văn hóa và lịch sử được thấm đượm trong từng viên ngói cũ kỹ như những nếp gấp của thời gian. Mỗi lần bước chân vào phố cổ Hội An, du khách như được trở về quá khứ khi những mái ngói cong vút, đỏ thẫm phơi mình dưới nắng vàng gợi lên hình ảnh bình yên, sâu lắng của một Hội An trầm mặc nhưng không kém phần quyến rũ.
Hình ảnh một góc phố cổ Hội An.
Trong bối cảnh hiện đại và sự phát triển không ngừng của ngành du lịch, mái ngói Hội An vẫn giữ cho mình một chỗ đứng đặc biệt, không chỉ vì vẻ đẹp cổ kính mà còn bởi giá trị mĩ thuật và tinh hoa văn hoá mà nó mang lại. Kết hợp khéo léo giữa nét cổ điển của mái ngói và kiến trúc du lịch hiện đại, những công trình mới ra đời có thể mang theo hơi thở của lịch sử nhưng vẫn đảm bảo sự tiện nghi và sáng tạo của thời đại. Đó là sự hài hòa giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại.
Hình ảnh mái ngói nhuốm màu thời gian đan xen với không gian xanh mướt của các công trình du lịch bền vững như gửi gắm một thông điệp sâu sắc về mối quan hệ hòa quyện giữa con người và thiên nhiên, giữa quá khứ và tương lai. Những kiến trúc này không chỉ tạo ra sự khác biệt về mặt thẩm mĩ mà còn mang lại những trải nghiệm độc đáo, tinh tế cho du khách, giúp họ cảm nhận rõ ràng hơi thở của một nền văn hóa đậm đà bản sắc.
Trong ánh hoàng hôn, khi những tia nắng cuối cùng còn vương vấn trên các mái ngói cổ, Hội An hiện lên đẹp như một bức tranh trầm tư, nơi mỗi viên ngói như một câu chuyện chưa kể, đợi chờ người đến khám phá và cảm nhận. Cũng chính từ đây, những giá trị văn hóa, nghệ thuật của mái ngói Hội An sẽ được phát huy, lan tỏa, để mỗi du khách khi đến thăm sẽ mang về những ký ức, cảm xúc về một thành phố xinh đẹp, độc đáo.
5. Kết luận
Mái ngói Hội An là một biểu tượng của truyền thống kiến trúc nghệ thuật Việt Nam và là một phần quan trọng của di sản văn hóa Hội An. Tính nghệ thuật của ngói thể hiện dưới dạng hình dạng, màu sắc, chi tiết thủ công và sự kết hợp giữa thẩm mĩ và tính năng.
Bảo tồn và phát huy giá trị mái ngói Hội An là việc quan trọng để tôn vinh nghệ thuật kiến trúc truyền thống này. Mái ngói Hội An không chỉ là một phần của quá khứ mà còn là một phần quan trọng của hiện tại và tương lai của kiến trúc Việt Nam. Nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị văn hóa là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh phát triển du lịch và đô thị hóa. Để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, mỗi người dân cần hiểu rõ và trân trọng văn hóa địa phương, từ những yếu tố vật thể như kiến trúc, nghệ thuật cho đến những giá trị phi vật thể như lối sống, tập quán. Việc tổ chức các chương trình giáo dục cộng đồng, hội thảo và các chiến dịch truyền thông về di sản văn hóa là rất cần thiết. Đặc biệt, trong những địa phương giàu bản sắc như Hội An, việc người dân ý thức được giá trị của những mái ngói, con phố cổ và phong cách sống truyền thống sẽ thúc đẩy ý thức bảo tồn giá trị văn hoá nơi đây. Cộng đồng không chỉ trở thành những người gìn giữ mà còn là những người kể chuyện, truyền cảm hứng cho du khách và các thế hệ sau. Họ chính là nhịp cầu kết nối quá khứ với hiện tại, giúp văn hóa trở thành một phần sống động của đời sống thường nhật, từ đó tạo nên sự bền vững cho bản sắc địa phương.
Chú thích:
1 https://tourismdanang.com/gioi-thieu-ve-phoco-hoi-an/
2, 3 https://ihoctot.com/gioi-thieu-pho-co-hoi-anbang-tieng-trung/
4 https://glumic.com/ngoi-am-duong/ 5 https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BB%91_c %E1%BB%95_H%E1%BB%99i_An/