THỰC TRẠNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH CHO ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ PHÁT TRIỂN TÀI NĂNG TRẺ NGÀNH VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Bài viết phân tích, đánh giá và đưa ra những nhận định về thực trạng của cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và phát triển tài năng trẻ trong ngành văn hóa, nghệ thuật tại Việt Nam. Từ những thành tựu đã đạt được cũng như những hạn chế còn tồn tại, bài viết đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả của các chính sách, cơ chế hiện hành, hướng tới việc tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của tài năng trẻ.

   Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển không ngừng của xã hội, văn hóa, nghệ thuật giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần của con người. Để văn hóa, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và đổi mới, nguồn nhân lực trẻ tài năng là rất cần thiết. Họ không chỉ tiếp nối và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống mà còn thực hiện sứ mệnh đổi mới, sáng tạo, mang lại hơi thở mới cho nghệ thuật. Đầu tư vào đào tạo và phát triển tài năng trẻ sẽ tạo ra một đội ngũ nhân lực có năng lực và khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Điều này không chỉ nâng cao vị thế của nghệ thuật Việt Nam mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

   1. Vai trò của các tài năng trẻ ngành văn hóa, nghệ thuật

   Tài năng trẻ trong văn hóa, nghệ thuật là khái niệm dùng để chỉ những cá nhân, thường là thanh thiếu niên, có khả năng vượt trội trong lĩnh vực nghệ thuật. Những cá nhân này không chỉ có năng lực xuất sắc mà còn thể hiện đam mê và tâm huyết trong việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và có giá trị.

   Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa, nghệ thuật không chỉ là sản phẩm của lịch sử mà còn là kết quả của sự sáng tạo không ngừng nghỉ của con người. Những tài năng trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình và phát triển văn hóa, nghệ thuật, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của mỗi quốc gia. Bằng tài năng, tâm huyết và sự sáng tạo, họ đã tạo nên những tác phẩm có nội dung và phong cách thể hiện mới, đóng góp tiếng nói có giá trị vào quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội và hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành công nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở nước ta.

   Tài năng trẻ thường mang trong mình những ý tưởng mới mẻ, độc đáo và có khả năng phá vỡ những khuôn khổ truyền thống. Họ không ngừng tìm tòi, khám phá và áp dụng những phương pháp sáng tạo trong nghệ thuật, từ âm nhạc, hội họa đến múa, sân khấu... Sự đổi mới này không chỉ giúp văn hóa, nghệ thuật trở nên đa dạng mà còn giúp kết nối với thế hệ khán giả trẻ hơn, tạo ra những trải nghiệm mới lạ và hấp dẫn.

   Chính sự nhạy bén trong đổi mới này khiến những nghệ sĩ trẻ tạo ra cơ hội giao lưu và kết nối với các nghệ sĩ và nền văn hóa khác trên toàn cầu. Điều này không chỉ giúp họ học hỏi và tích lũy kinh nghiệm mà còn tạo ra những cơ hội hợp tác, từ đó thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật địa phương. Các hoạt động giao lưu văn hóa, festival nghệ thuật và các buổi biểu diễn kết hợp giữa nghệ sĩ trẻ trong nước và quốc tế ngày càng trở nên phổ biến, góp phần tạo nên một môi trường nghệ thuật phong phú và đa dạng.

   Bằng sự năng động và sáng tạo của mình, các tài năng trẻ thường có khả năng thu hút sự chú ý và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động nghệ thuật. Họ có thể tổ chức các buổi workshop, triển lãm hoặc sự kiện nghệ thuật, tạo cơ hội cho mọi người tham gia, giao lưu và trải nghiệm nghệ thuật. Điều này không chỉ giúp nâng cao tinh thần sáng tạo trong cộng đồng mà còn thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật địa phương.

   Hiện nay, các tài năng trẻ không chỉ là những người sáng tạo mà còn là những người truyền tải và bảo tồn các giá trị văn hóa. Qua các tác phẩm nghệ thuật của mình, họ có thể phản ánh hiện thực xã hội, bày tỏ những trăn trở và suy tư về cuộc sống, từ đó góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa và xã hội trong cộng đồng. Những tác phẩm nghệ thuật của họ có thể trở thành những tài liệu quý giá, lưu giữ lại những dấu ấn văn hóa của thời đại.

   Có thể nói, tài năng trẻ là những người đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và phát triển văn hóa, nghệ thuật. Họ mang đến sự đổi mới, kết nối văn hóa, định hình giá trị văn hóa và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng. Đầu tư và hỗ trợ những tài năng trẻ không chỉ là đầu tư cho tương lai của văn hóa, nghệ thuật mà còn là đầu tư cho sự phát triển bền vững của xã hội. Sự sáng tạo và nhiệt huyết của họ sẽ tiếp tục thổi hồn vào những giá trị văn hóa, tạo ra những trải nghiệm nghệ thuật phong phú và ý nghĩa cho thế hệ mai sau.

   2. Thực trạng cơ chế, chính sách cho đào tạo, bồi dưỡng và phát triển tài năng trẻ ngành văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay

   2.1. Các chính sách hiện hành

   Đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài là một trong những vấn đề quan trọng từ lâu đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, thực hiện; thể hiện thống nhất, xuyên suốt trong rất nhiều kỳ Đại hội. Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài”1.

   Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về chính sách đào tạo, sử dụng, thu hút và trọng dụng nhân tài. Trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008, tại Điều 6 quy định rõ: Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. Đến năm 2019, Luật này đã bổ sung thêm trường hợp: sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng có thể dự tuyển công chức thông qua hình thức xét tuyển tại Khoản 5, Điều 1.

   Chính phủ đã ra một số nghị định nhằm cụ thể hóa Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức: Nghị định 140/2017/NĐ-CP “Về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”; Nghị định số 138/2020/NĐ-CP về “Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức”. Các văn bản này đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo động lực cho việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng. Cốt lõi của các quy định pháp luật này có liên quan trực tiếp đến chế độ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và đãi ngộ đối với nhân tài.

   Riêng đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, ngày 8/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1341/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án này dành cho đối tượng là học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật trong cả nước có tài năng, năng khiếu vượt trội ở lĩnh vực đào tạo tài năng gồm: âm nhạc, mĩ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc và ngành sáng tác văn học, nhằm mục tiêu phát hiện, đào tạo học sinh, sinh viên có năng khiếu vượt trội để trở thành những nghệ sĩ tài năng trong biểu diễn, sáng tác, giảng dạy; tham gia biểu diễn, dự thi các chương trình, cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước và quốc tế; phát triển tài năng trẻ văn hóa, nghệ thuật có trình độ chuyên môn sâu, có đức, có tài, có khả năng sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao mang tầm quốc gia và quốc tế; trở thành lực lượng văn nghệ sĩ nòng cốt, chủ đạo trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật của đất nước. Hình thức đào tạo tập trung ở trong nước, trong đó có thời gian thực tập ngắn hạn ở nước ngoài và tham gia các cuộc thi, hội diễn, triển lãm, trại sáng tác theo ngành, chuyên ngành đào tạo ở trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó là liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo, đơn vị nghệ thuật có uy tín của nước ngoài.

   Ngày 31/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này nhấn mạnh việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và ban hành khung chính sách nhằm thu hút, trọng dụng nhân tài. Bên cạnh đó là các đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”, đề án “Đào tạo tài năng văn hóa, nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa, nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”...

   Các thành phố trực thuộc Trung ương như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng đều có các chính sách thu hút, đào tạo và đãi ngộ tài năng văn hóa, nghệ thuật theo cách riêng của mình. Hằng năm, Đảng, Nhà nước, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam… đều tổ chức sự kiện vinh danh các gương mặt tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

   Hiện cả nước có 40 trường trung cấp, cao đẳng, đại học đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; 3 viện nghiên cứu đào tạo tiến sĩ; khoảng 80 cơ sở đào tạo công lập và tư thục tham gia đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Chính sách đãi ngộ, hỗ trợ đội ngũ văn nghệ sĩ được ban hành và ngày càng hoàn thiện.

   Tổng quan chung, các cơ chế, chính sách cho đào tạo, bồi dưỡng và phát triển tài năng trẻ ngành văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay từ chính sách đào tạo và bồi dưỡng, hỗ trợ tài chính cho đến chính sách phát triển nghề nghiệp, giao lưu và hợp tác quốc tế, đã có nhiều cải thiện mang tính thiết thực trong quá trình thực hiện. Nhờ đó, các tài năng của ngành này đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Rất nhiều tài năng trẻ đã có nhiều hoạt động nhằm quảng bá các giá trị văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam ra thế giới, góp phần tạo ra môi trường thuận lợi cho việc phát huy tài năng trẻ, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

   2.2. Một số hạn chế

   Trong bối cảnh hiện tại, việc đào tạo, bồi dưỡng và phát triển tài năng trẻ trong ngành văn hóa, nghệ thuật tại Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức và khó khăn. Mặc dù đã có những nỗ lực từ phía Nhà nước và các tổ chức liên quan, nhưng thực trạng cho thấy nhiều hạn chế còn tồn tại, ảnh hưởng đến việc phát triển toàn diện của các tài năng trẻ.

   Thứ nhất, hạn chế về cơ sở vật chất và trang thiết bị: Một trong những thách thức lớn nhất là sự thiếu hụt về cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo. Nhiều trường học và trung tâm đào tạo nghệ thuật chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện hiện đại, cần thiết để phục vụ cho việc giảng dạy và thực hành. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo và khả năng phát triển kỹ năng của học viên.

   Thứ hai, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao: Đội ngũ giảng viên và huấn luyện viên trong ngành văn hóa, nghệ thuật còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Nhiều giảng viên chưa được đào tạo chuyên sâu và cập nhật kiến thức, kỹ năng mới, dẫn đến phương pháp giảng dạy còn lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu thực tế và xu hướng phát triển của ngành.

   Thứ ba, chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh: Mặc dù đã có một số chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước nhưng các chính sách này còn chưa đủ mạnh và chưa được triển khai đồng bộ. Nhiều chính sách thiếu tính khả thi và chưa thực sự đi vào cuộc sống. Sự hỗ trợ về tài chính, học bổng và các chương trình bồi dưỡng tài năng còn hạn chế, khiến nhiều tài năng trẻ gặp khó khăn trong việc theo đuổi đam mê và phát triển sự nghiệp.

   Thứ tư, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa đào tạo và thực tiễn: Một vấn đề khác là sự thiếu liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nhiều tài năng trẻ sau khi tốt nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội làm việc và phát triển sự nghiệp. Sự thiếu hụt các chương trình thực tập, trải nghiệm thực tế khiến cho khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn ngày càng lớn.

   3. Một số giải pháp, kiến nghị

   Có thể thấy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các tài năng trẻ trong ngành văn hóa, nghệ thuật Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng cao. Sự giao lưu và tiếp cận với nghệ thuật quốc tế mở ra nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn về tiêu chuẩn và chất lượng.

   Mặt khác, thực trạng của cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và phát triển tài năng trẻ trong ngành văn hóa, nghệ thuật tại Việt Nam còn nhiều bất cập và cần được cải thiện một cách toàn diện. Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức liên quan cần có những biện pháp cụ thể và hiệu quả hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các tài năng trẻ, góp phần nâng cao vị thế của ngành văn hóa, nghệ thuật Việt Nam trên bản đồ thế giới.

   Để cải thiện cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và phát triển tài năng trẻ trong ngành văn hóa, nghệ thuật tại Việt Nam, cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Dưới đây là một vài giải pháp, kiến nghị của tác giả:

   - Nâng cao chất lượng đào tạo:

   Cải tiến chương trình giảng dạy: Xây dựng và cập nhật các chương trình đào tạo nghệ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo tính hiện đại và phù hợp với xu hướng phát triển nghệ thuật toàn cầu.

   Tăng cường đào tạo giảng viên: Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên về các phương pháp giảng dạy mới, cập nhật kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Khuyến khích giảng viên tham gia các hội thảo, hội nghị quốc tế để nâng cao trình độ.

   - Đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị:

   Xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất: Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các trường nghệ thuật, trung tâm đào tạo với cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập và thực hành của học viên.

   Trang bị thiết bị hiện đại: Cung cấp các thiết bị, công cụ học tập, phòng thí nghiệm, phòng biểu diễn đạt chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên phát triển tài năng.

   - Tăng cường hỗ trợ tài chính:

   Mở rộng quỹ học bổng: Tăng cường các chương trình học bổng, trợ cấp học phí cho học viên có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo mọi tài năng trẻ đều có cơ hội phát triển.

   Hỗ trợ dự án khởi nghiệp nghệ thuật: Cung cấp vốn, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án khởi nghiệp của tài năng trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật.

   - Khuyến khích giao lưu và hợp tác quốc tế:

   Chương trình trao đổi quốc tế: Tổ chức các chương trình trao đổi học thuật và nghệ thuật với các quốc gia khác, giúp tài năng trẻ học hỏi và tiếp cận với nghệ thuật quốc tế.

   Tham gia các cuộc thi và festival quốc tế: Hỗ trợ tài năng trẻ tham gia các cuộc thi và festival nghệ thuật quốc tế, tạo cơ hội giao lưu và học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ sĩ hàng đầu thế giới.

   - Tăng cường liên kết giữa đào tạo và thực tiễn:

   Xây dựng mối liên kết chặt chẽ: Tạo mối liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các đơn vị hoạt động nghệ thuật, giúp học viên có cơ hội thực tập, trải nghiệm thực tế ngay trong quá trình học.

   Phát triển chương trình thực tập: Tổ chức chương trình thực tập tại các nhà hát, phòng tranh, xưởng phim, giúp học viên áp dụng kiến thức vào thực tiễn, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

   - Khuyến khích đổi mới sáng tạo:

   Hỗ trợ nghiên cứu và sáng tạo: Cung cấp các khoản tài trợ, giải thưởng cho các dự án nghiên cứu và sáng tạo nghệ thuật của tài năng trẻ, khuyến khích họ thử nghiệm và phát triển ý tưởng mới.

   Xây dựng không gian sáng tạo: Thiết lập các không gian sáng tạo, studio, phòng thí nghiệm nghệ thuật để tài năng trẻ có môi trường thuận lợi để làm việc và phát triển ý tưởng.

   - Đánh giá và điều chỉnh chính sách:

   Thiết lập cơ chế giám sát: Xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá hiệu quả của các chính sách, chương trình đào tạo và phát triển tài năng trẻ, đảm bảo các chính sách được thực hiện đúng mục tiêu và có hiệu quả.

   Điều chỉnh linh hoạt: Thường xuyên cập nhật, điều chỉnh các chính sách, chương trình theo tình hình thực tế và phản hồi từ các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

   4. Kết luận

   Việc đào tạo, bồi dưỡng và phát triển tài năng trẻ trong ngành văn hóa, nghệ thuật đóng vai trò vô cùng quan trọng và các chính sách hiện hành đã có những đóng góp nhất định đối với việc phát huy nguồn lực trẻ trong sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, thực trạng hiện tại cho thấy các cơ chế, chính sách nhằm phát huy nguồn lực tài năng trẻ ở Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Các vấn đề như thiếu hụt cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như sự thiếu đồng bộ và hiệu quả trong các chính sách hỗ trợ, đều cần được khắc phục.

   Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển không ngừng của xã hội, việc chú trọng đầu tư vào tài năng trẻ không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới, và hội nhập quốc tế. Điều này đòi hỏi sự cam kết và hành động cụ thể từ các cơ quan chức năng, tổ chức và toàn xã hội. Chỉ khi có một hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, hiệu quả và linh hoạt, chúng ta mới có thể tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của tài năng trẻ, góp phần nâng cao vị thế của ngành văn hóa, nghệ thuật Việt Nam trên bản đồ thế giới.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “Về tiếp tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”.
2. Nguyễn Thị Cẩm Ngọc: “Đào tạo và sử dụng đội ngũ tri thức tinh hoa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới: Những thành tựu và vấn đề đặt ra”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/ web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/ 2018/886902/dao-tao-va-su-dung-doi-ngutri-thuc-tinh-hoa-viet-nam-trong--thoiky-doi-moi--thanh-tuu-va-nhung-vande-dat-ra.aspx, ngày 06/2/2024.
3. Nguyễn Huy Phòng: “Phát triển nhân lực ngành văn hóa: Cần những đột phá mới”, Tạp chí Tuyên giáo, https://www. tuyengiao.vn/phat-trien-nhan-luc-nganhvan-hoa-can-nhung-dot-pha-moi-149289, ngày 29/5/2023.
4. Hoàng Anh Tuấn, Đoàn Việt Hải: “Đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Lý luận chính trị, https:// lyluanchinhtri.vn/dao-tao-su-dung-vathu-hut-nhan-tai-trong-linh-vuc-giaoduc-o-viet-nam-hien-nay-6167.html, ngày 23/6/2024.

Chú thích:
1 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 110.

Bình luận

    Chưa có bình luận