QUẢNG NINH: PHÁT TRIỀN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA DỰA TRÊN NỀN TẢNG CÔNG NGHIỆP SÁNG TẠO ĐƯỢC TỔ CHỨC SẢN XUẤT Ở TRÌNH ĐỘ CAO

Sáng 15/4, tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh đã diễn ra Lễ Khai mạc Lớp Bồi dưỡng lý luận, phê bình trẻ 2024, với chủ đề ''Văn học nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận – phê bình và quảng bá'' do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức. Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã đến dự và phát biểu chào mừng. lyluanphebinh.vn trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu

 

Hôm nay, tỉnh Quảng Ninh vinh dự được phối hợp với Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức Lớp bồi dưỡng “Văn học nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận – phê bình và quảng bá”.

Quảng Ninh là tỉnh ven biển, biên giới thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, có diện tích đất liền trên 6.100 km2 và diện tích biển tương đương đất liền với 2.077 hòn đảo đá, đất, 250 km bờ biển; điều kiện tự nhiên phong phú đa dạng; có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại; là tỉnh duy nhất có đường biên giới trên bộ, trên biển và trên không với Trung Quốc; dân số khoảng 1,35 triệu người với 22 dân tộc; 13 đơn vị hành chính cấp huyện (4 thành phố, 2 thị xã, 7 huyện); 177 xã, phường, thị trấn; 1.452 thôn, bản, khu phố.

Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tại lễ khai mạc Lớp Bồi dưỡng

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, nhất là giai đoạn hơn 10 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Ninh kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm, toàn diện, tăng trưởng xanh, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; lấy người dân làm trung tâm, với mục tiêu cao nhất là mang lại sự bình yên và ngày càng phồn vinh, hạnh phúc của Nhân dân; đổi mới tư duy, nhận thức, định vị lại giá trị địa phương, nhận diện đầy đủ lợi thế, thách thức, mâu thuẫn, “điểm nghẽn” để tìm cách hóa giải, tìm cơ hội trong khó khăn thách thức, định hình phương thức phát triển mới; chú trọng đổi mới tư duy phát triển, mạnh dạn thí điểm áp dụng thành công nhiều mô hình quản trị mới như phương châm “5 thật”, “6 dám”; “3 trước”, “4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở; nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; “Lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp; lấy thành thị dẫn dắt nông thôn”; phát triển tư duy mới về mô hình tổ chức không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều, các mũi đột phá, ba vùng động lực”, về quản trị phát triển bền vững địa phương, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới với 4 trụ cột: Kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, về “quy hoạch đi trước một bước” làm nền tảng phát triển bền vững.

Kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP trên 2 con số trong 9 năm liên tiếp (2015-2023); năm 2023, GRDP tăng trưởng đạt 11,03%, gấp đôi bình quân chung cả nước, đứng thứ 3 Việt Nam, đứng đầu trong vùng đồng bằng sông Hồng. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, đạt trên 315.800 tỷ đồng, đứng thứ 3 ở khu vực phía Bắc (chỉ sau Hà Nội, Hải Phòng), đóng góp 10,1% vào tổng quy mô nền kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng của Việt Nam. GRDP bình quân đầu người đạt trên 9.500 USD, cao nhất ở khu vực phía Bắc; Là một trong 18 tỉnh, thành phố đóng góp cho ngân sách quốc gia.

Tạo bứt phá về tốc độ phát triển các hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, với 176 km cao tốc. Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 69,46%.

Tạo bước chuyển lớn trong phát triển văn hoá - xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền; xây dựng và triển khai chuẩn nghèo mới của tỉnh gấp 1,4 lần so với Trung ương về tiêu chí thu nhập;

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 90,22%. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh luôn được đẩy mạnh; Quốc phòng, an ninh được giữ vững; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.

Quảng Ninh tiếp tục khẳng định vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Quảng Ninh Là một trong những cái nôi của người Việt cổ, nơi đây sớm được cư dân tiền sử chọn làm địa bàn tụ cư, sinh sống, sáng tạo nên Văn hóa Soi Nhụ và Văn hóa Hạ Long. Bản sắc, cốt cách Quảng Ninh khắc họa tính địa phương đậm nét, thể hiện ở nền văn hóa đặc sắc, con người hào sảng, thiên nhiên tươi đẹp, in dấu trên 600 di tích và danh thắng được xếp hạng.

Trên cơ sở nhận thức về những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, hòa quyện chặt chẽ giữa yếu tố địa - tự nhiên với các yếu tố địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - văn hóa... của tỉnh, hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh đã được xác định với các đặc trưng: Thiên nhiên tươi đẹp - văn hóa đặc sắc - xã hội văn minh - hành chính minh bạch - kinh tế phát triển - nhân dân hạnh phúc. Sự gắn bó mật thiết giữa di tích lịch sử - văn hóa, phong tục tập quán của người dân và các thắng cảnh nổi tiếng là một lợi thế của Quảng Ninh mà không phải tỉnh nào cũng có để tạo tiền đề cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mang thương hiệu Quảng Ninh.

Sau khi Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với các lợi thế của Quảng Ninh về: Biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; mua sắm; tham quan du lịch đêm; văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm; xây dựng Quảng Ninh trở thành một điểm đến sôi động, hấp dẫn, đặc sắc, tạo thêm các động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội,

Tỉnh chú trọng đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh hoàn thiện về số lượng cũng như chất lượng hoạt động. Cấp tỉnh có Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, Khu liên hợp Thể thao, Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi, Cung Văn hóa Lao động Việt Nhật. 13/13 huyện, thị xã, thành phố có cơ sở vật chất Trung tâm Văn hoá, thể thao; có 13/13 thư viện. Cấp xã có 71/177 nhà Văn hoá cấp xã, phường, thị trấn, cấp thôn có 1.449/1.452 thôn khu có nhà văn hóa thôn khu. Cùng với hệ thống thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút mạnh mẽ nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, kinh doanh các thiết chế văn hóa thể thao quy mô lớn, với hơn 500 công trình, tổng kinh phí đầu tư trên 10.000 tỷ đồng

Nhờ nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh nên thời gian qua những giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh Quảng Ninh đã được chọn lọc, sáng tạo hình thành nên ngành công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế đêm tại Quảng Ninh bước đầu đã có những kết quả đáng ghi nhận:

Du lịch văn hóa: Quảng Ninh hiện có 01 khu du lịch cấp quốc gia; 05 khu du lịch cấp tỉnh, 78 điểm du lịch. Các địa phương đã chủ động phát triển các sản phẩm dựa theo lợi thế, điều kiện của từng khu vực, do đó đã phát huy được hiệu quả của từng sản phẩm du lịch. du lịch tự nhiên và văn hoá, du lịch biển đảo; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch cộng đồng, sinh thái và du lịch biên giới. bước đầu đã xây dựng được thương hiệu hình ảnh du lịch của tỉnh, Năm 2023, tổng khách du lịch đạt 15,5 triệu lượt (tăng 11% so với năm 2019), trong đó khách quốc tế đạt 2,1 triệu lượt; đóng góp của du lịch vào GRDP của tỉnh đạt xấp xỉ 10%.

Điện ảnh: Quảng Ninh được tạo hóa ưu đãi ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có một không hai Thời gian qua, có nhiều đoàn phim trong và ngoài nước đã đến Quảng Ninh lấy bối cảnh và cốt chuyện văn hóa, con người, đời sống lao động sản xuất nơi đây làm tư liệu để sáng tạo ra các tác phẩm điện ảnh ở nhiều thể loại, như phim truyện, phim tư liệu, phim khoa học... Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của Vịnh Hạ Long xuất hiện trong các phim quốc tế nổi tiếng như Indochine (Đông Dương), 1992, được xem là tác phẩm kinh điển của Pháp, từng thắng giải Phim nước ngoài hay nhất tại Oscar 1993; Pan (2015); Đảo đầu lâu (Kong: Skull Island) năm 2017; bộ phim khoa học viễn tưởng The Creator (Kẻ kiến tạo) của Mĩ công chiếu trong năm 2023.

Nghệ thuật biểu diễn: Quảng Ninh đã sớm xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức các sự kiện, hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Một số hoạt động du lịch về đêm cũng đang được triển khai hiệu quả như: múa rối nước, Carnaval Hạ Long, chương trình nghệ thuật Hạ Long thần tiên”; các cuộc thi Hoa hậu, thi Người đẹp Hạ Long, các cuộc thi sắc đẹp của Việt Nam, Festival Áo dài và nhiều các sự kiện khác của tỉnh. Các chuỗi sự kiện, hoạt động này đã thu hút hàng vạn lượt du khách, người dân đến thưởng thức. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có những chương trình nghệ thuật góp phần tạo sản phẩm du lịch mới: các show âm nhạc, chương trình Phố đêm du thuyền với các chương trình biểu diễn nghệ thuật có các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng… thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến thưởng thức.

Mĩ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm: đã hình thành các gallery, các triển lãm của các tác giả như nhiếp ảnh gia Đỗ Kha, Đỗ Giang; họa sĩ Nguyễn Thị Thiển,... Các nghệ sĩ Quảng Ninh có nhiều tác phẩm tham gia trưng bày, đoạt các giải cao trong các cuộc thi về mĩ thuật, nhiếp ảnh của quốc gia, quốc tế. Quảng Ninh có công trình tiêu biểu về kiến trúc và mĩ thuật như: Bảo tàng - Thư viện tỉnh Quảng Ninh với kiến trúc độc đáo, không gian đẹp, nhiều hiện vật trưng bày có giá trị đang trở thành sản phẩm du lịch mới, mỗi năm thu hút trên 800 nghìn lượt du khách tới tham quan. Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh có kiến trúc độc đáo là nơi giới thiệu, triển lãm, quảng bá, tôn vinh thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và du lịch, đồng thời là nơi giao lưu văn hóa, tổ chức hội chợ, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế.

Thủ công mĩ nghệ, xúc tiến thương mại: Tỉnh Quảng Ninh có nhiều làng nghề, nghề thủ công truyền thống được công nhận và một số làng nghề khác, như: Gốm sứ, than đá mĩ nghệ, nuôi cấy ngọc trai, mây tre đan, thêu thổ cẩm,...). Một số sản phẩm thủ công mĩ nghệ của Quảng Ninh đã tạo được dấu ấn trên thị trường trong và ngoài nước. Doanh thu ngành thủ công mĩ nghệ: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mĩ nghệ năm 2023 đạt gần 8.160 tỷ đồng;

Ngày 30/10/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 17 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, với mục tiêu: Phát triển con người Quảng Ninh toàn diện cả về nhân cách, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tình yêu quê hương, đất nước với các đặc trưng “Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh” phù hợp với xu thế thời đại, thích ứng với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, phát triển nền văn hóa giàu bản sắc, gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, trên cơ sở kết hợp hài hoà các giá trị đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc”

Các khâu đột phá: (1) Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể - nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; (2) Xây dựng văn hóa trong kinh tế vì sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh, trọng tâm là phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và văn hóa doanh nhân; (3) Phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao.

Để phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp với từng nhóm ngành công nghiệp văn hoá: chính sách thuế thu hút, khuyến khích đầu tư, ưu đãi cho các sản phẩm văn hoá

Thứ hai, Nghiên cứu xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy phát triển thị trường công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh; thu hút đầu tư dàn dựng, tổ chức các chương trình sản xuất phim điện ảnh, âm nhạc, giải trí, biểu diễn thực cảnh gắn với văn hóa biển, đảo, văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Phát triển văn hóa ẩm thực Quảng Ninh thông qua việc lựa chọn, hoàn thiện các món ăn địa phương, nâng tầm thành nghệ thuật từ khâu sản xuất đến thưởng thức kết nối thành điểm đến của khách du lịch, hướng tới xuất khẩu ẩm thực truyền thống. Phát huy hơn nữa giá trị văn hóa của từng địa phương qua mô hình OCOP; xác định sản phẩm OCOP là sản phẩm văn hóa, phải quan tâm đầu tư nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp cho từng sản phẩm, mang đậm giá trị văn hóa bản địa.

Thứ ba, xây dựng thành phố Hạ Long nằm trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm hình thành và phát triển Khu công nghiệp văn hóa ứng dụng công nghệ cao tại thành phố Hạ Long nhằm tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại cho công nghiệp văn hóa phát triển; Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa Quảng Ninh nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường và doanh nghiệp, dự án về phát triển công nghiệp văn hóa, hướng tới xuất khẩu văn hóa. Đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch. Phát triển, nâng tầm quốc gia, quốc tế

Thứ tư, nghiên cứu xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch sáng tạo trên cơ sở các giá trị văn hóa như các show diễn, các chương trình biểu diễn thực cảnh quy mô lớn bên bờ vịnh Hạ Long hoặc vịnh Bái Tử Long, các lễ hội đương đại hay sự kiện văn hóa, thể thao, âm nhạc có quy mô thế giới, tiến tới định vị thương hiệu du lịch Quảng Ninh không chỉ là điểm đến của di sản mà còn là điểm đến của văn hóa, âm nhạc, lễ hội, ánh sáng và giải trí có thương hiệu quốc tế. Nghiên cứu phương án triển khai thực hiện nhằm sớm đưa ra được một sản phẩm công nghiệp văn hóa (tổ chức sản xuất phim, tác phẩm, ấn phẩm điện ảnh, âm nhạc, giải trí, biểu diễn thực cảnh,...) có khả năng tạo đà bứt phá cho hệ sinh thái công nghiệp văn hóa của tỉnh, gắn với thúc đẩy, quảng bá mạnh mẽ du lịch, phát huy cao giá trị của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, các địa danh lịch sử của tỉnh, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đậm đà bản sắc con người Quảng Ninh trong thời gian tới.

Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ là nơi diễn ra nhiều hoạt động sáng tác, trưng bày, triển lãm, các hội nghị, hội thảo, các hoạt động thực tiễn sinh động cho các văn nghệ sĩ; trở thành nguồn cảm hứng để sáng tác thật nhiều, thật đặc sắc các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, qua đó phản ảnh được, ghi lại được thành tựu của Đảng, của đất nước trong giai đoạn cách mạng của thời đại Hồ Chí Minh; trong giai đoạn xây dựng một Việt Nam giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận