Mặc dù ra đời sau 2 trường Đại học Mĩ thuật ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội nhưng dưới sự dẫn dắt của thầy giáo, hoạ sĩ Tôn Thất Đào, Trường Cao đẳng Mỹ thuật, Viện Đại học Huế (1957) - nay là Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế - đã tạo dấu ấn sắc nét trong công tác đào tạo mĩ thuật. Thầy Tôn Thất Đào – Giám đốc/ Hiệu trưởng đầu tiên của trường – đã đào tạo nên những sinh viên có tầm ảnh hưởng trong giới hội họa, có những tác phẩm sơn dầu, lụa, sơn mài, điêu khắc đưa ra thế giới. Nhiều sinh viên giỏi sau khi tốt nghiệp cũng là những giảng viên, họa sĩ từng gắn bó với thầy trong công tác đào tạo như: Tôn Thất Văn, Lê Hữu Nguyên (khóa 1: 1960-1961), Nguyễn Văn Liễu (Trịnh Cung, khóa 2: 1961-1962), Đinh Văn Cường (Đinh Cường, khóa 3: 1962-1963). Thầy và nhà trường có một đội ngũ giảng viên trong Ban Giảng huấn chuyên môn gồm có 22 giảng viên, họa sĩ như: Hồ Đắc Cáo, Hồ Hoàng Đài dạy môn Viễn cận, Trang trí, Hình họa; Thiềm Quốc Hùng dạy môn Thủy mặc; Phan Xuân Sanh dạy môn học Viễn cận, Lịch sử mĩ thuật, Trang trí nội thất; Lê Hữu Nguyên dạy môn Trang trí; các giảng viên giảng dạy môn Chất liệu sơn dầu như: Đinh Văn Cường (Đinh Cường, còn giảng dạy môn Hình họa), Dương Văn Đen, Nguyễn Văn Liễu (Trịnh Cung), Vĩnh Phối, Lâm Triết; các giảng viên dạy môn Chất liệu lụa như: Lê Văn Đệ, Phạm Đăng Trí, Hiếu Đệ, Tôn Thất Văn (còn giảng dạy môn Hình họa, Viễn cận); các giảng viên dạy môn Chất liệu sơn mài như: Đỗ Kỳ Hoàng, Nguyễn Hữu Sang, U Văn An; các giảng viên dạy môn Điêu khắc như: Lê Ngọc Huệ, Lê Thành Nhơn, Trương Đình Quế, Lê Văn Triết và Trương Đình Ý. Ngoài ra còn hơn 25 giáo sư, giảng viên thỉnh giảng trong và ngoài nước là những cộng tác viên với trường thời bấy giờ. Thầy Tôn Thất Đào còn mở rộng giao lưu học thuật và đã có thư mời những người bạn thân tình từ Thủ đô Hà Nội về Huế giảng dạy cho sinh viên như các họa sĩ: Nguyễn Đỗ Cung, Mai Trung Thứ (Mai Thứ), Nguyễn Gia Trí…
Trải qua chiều dài lịch sử, trường đã tổ chức 4 kỳ lễ kỷ niệm và luôn nhận được tình cảm quý mến của các cựu giáo chức, cựu sinh viên qua các thời kỳ. Họ luôn có nỗi lòng và trăn trở mỗi nhớ về ngôi trường xưa mà bản thân họ có nhiều kỷ niệm sâu sắc đối với các thầy cô giáo luôn tận tâm trao truyền kiến thức chuyên môn cho những cô cậu học trò trong sáng tác mĩ thuật và thật sự không thể thoát khỏi tâm thức của người học trò bởi đạo lý “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Kể từ đó, họ mong mỏi từng ngày về dấu ấn của thầy giáo Tôn Thất Đào được biểu hiện bằng tượng chân dung trong giai đoạn hiện nay.
Thầy giáo, hoạ sĩ Tôn Thất Đào (Giám đốc đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật, Viện Đại học Huế) sinh ngày 15/10/1910 tại phủ Ô Hồ, phường Phú Cát (nay là phường Gia Hội), Huế; mất ngày 02/9/1979, do tuổi già sức yếu và sự khó khăn của gia đình thời bấy giờ, hưởng thọ 69 tuổi, thầy giáo an nghỉ tại ngôi mộ gần chùa Sư Nữ, An Cựu, Huế. Thầy xuất thân trong gia đình Nho học có truyền thống là dòng dõi chúa Nguyễn Phúc Chu; cháu nội của đại thần Tôn Thất Loan – Binh bộ thượng thư kiêm hữu tôn khanh tôn nhơn phủ triều Nguyễn; thân phụ Tôn Thất Tu là quan chức Nam triều, tước Hồng Lê Tự Khanh dưới thời vua Thành Thái; thân mẫu Lê Thị Liên; hiền thê là bà Lê Khắc Ngọc Đại, em gái ruột ông Lê Khắc Tường là thân sinh của Giáo sư Lê Khắc Phò và Lê Khắc Cầm. Phủ thờ Tôn Thất và tư gia của thầy Tôn Thất Đào tại số 53 đường Mạc Đĩnh Chi, phường Gia Hội, thành phố Huế.
Thời thơ ấu, thầy đã có năng khiếu về hội họa, sau khi kết thúc Ban Trung học, thầy đã thi vào Trường Mỹ thuật Đông Dương do người Pháp khai sáng năm 1925 (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Thầy giáo, họa sĩ Tôn Thất Đào học tập và tốt nghiệp khóa 8 (1932-1937) Ban Hội họa, nặn tượng và trang trí. Thầy là học trò của các họa sư nổi tiếng lúc bấy giờ như: Victor Tardieu, Inguimberty, Nguyễn Nam Sơn, L. Roger, Defenix, George Khánh. Trong các chất liệu được sử dụng để sáng tác, thầy chuyên sâu chất liệu lụa, đây cũng một phần từ sự chịu ảnh hưởng tư tưởng khai thác, khám phá và nâng cao hiệu quả nghệ thuật của chất liệu truyền thống phương Đông mà danh họa Victor Tardieu đã nêu ra. Hoàn thành khóa học, thầy trở về dạy hội họa tại các trường: Trung học Khải Định, Nữ Trung học Đồng Khánh, Trường Quốc học, Trung học Kỹ thuật, Trung học Tín Đức và Trung học Kiều Mẫu Huế.
Năm 1957, Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục là ông Nguyễn Dương Đôn đã đề cử họa sĩ Tôn Thất Đào đảm nhận trọng trách người sáng lập và là Giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật - Viện Đại học Huế trong giai đoạn 1957-1961 và 1964-1965, nay là Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế. Ngoàira, thầy còn nhận nhiệm vụ Quản đốc Trung tâm Khuyếch trương tiểu công nghệ Huế (1964). Sau năm 1966, khi nghỉ hưu, thầy tiếp tục là Giáo sư Hội họa Trường Sư phạm Bổ túc Huế (1969). Năm 1967, thầy là Giám đốc Trung tâm Khuyếch trương tiểu công nghệ Sài Gòn và đã được mời vào Ban Giám đốc Học xưởng tiểu công nghệ Đại Nội Huế để sáng tác các kiểu mẫu sơn mài và các sản phẩm tiểu công nghệ. Khá nhiều sản phẩm do thầy tổ chức thiết kế đã được trưng bày ở các triển lãm mĩ nghệ quốc tế và trong nước.
Trong cuộc đời hoạt động mĩ thuật, thầy đã dành được khá nhiều thành tích đáng trân trọng. Có thể điểm một số thành tích được ghi nhận là: Huy chương Vàng cuộc đấu xảo Hội chợ Mỹ phẩm Huế (1938); Huy chương Long - Bội tinh (1942); Huy chương Kim Khánh (1943); Giấy khen về tác phẩm tranh lụa tại Vatican (1952); các văn bằng đặc biệt trong khi tham dự các cuộc triển lãm trong và ngoài nước như: Văn bằng đấu xảo Mỹ thuật Hà Nội (1938), Cao Miên (1939), Nhật Bản (1940), Sài Gòn (1945), Vatican (1950, 1952). Nhưng có lẽ một trong những công việc đặc biệt đáng nhớ đối với thầy trong hoạt động mĩ thuật là vào năm 1941, chính phủ Nam Triều (dưới thời Bảo Đại) đã đề cử thầy vào Đại Nội để dạy hội họa cho Thái Tử Bảo Long.
Tượng chân dung thầy giáo, họa sĩ Tôn Thất Đào có ý nghĩa rất quan trọng của Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế, kể từ khi thành lập 1957 cho đến nay. Thầy Tôn Thất Đào có công lao to lớn trong sự khai sáng ngôi trường mĩ thuật cho Huế nói riêng và Miền Trung - Tây Nguyên nói chung. Bên cạnh sự cống hiến trong công tác lãnh đạo, quản lý, thầy còn miệt mài chăm chỉ sáng tác những tác phẩm trong Đại Nội, sinh hoạt bến chợ, các bến sông Gia Hội trước cửa Đông Ba, trong đó những tác phẩm Ngự Bình, Đàn tranh về phong cảnh, con người, thiếu nữ thướt tha với chiếc áo dài Huế và điệu đàn dân tộc mang âm hưởng yêu quê hương, đất nước. Tác phẩm của thầy để đời cho các thế hệ sau thưởng ngoạn, với nhiều chất liệu tạo hình phong phú như lụa, sơn dầu, sơn mài tại tư gia. Thầy giáo Tôn Thất Đào còn in dấu trong trái tim các cựu giáo chức và cựu sinh viên. Họa sĩ Đinh Cường trong tập sách Đi vào cõi tạo hình với tựa đề Tôn Thất Đào, họa sĩ bậc thầy của Huế - Tranh đậm đà tính núi Ngự sông Hương đã bộc bạch: “Mong sao sẽ có một Viện Bảo tàng Mỹ thuật Huế và chắc chắn phần tranh Tôn Thất Đào sẽ chiếm một gian”1, cho thấy sự trăn trở của người học trò xa quê hương nhưng tâm hồn luôn hướng về bậc thầy khả kính, người thầy có một không hai đối với mảnh đất cố đô Huế và đối với Trường Cao đẳng Mỹ thuật, Viện Đại học Huế thời bấy giờ và nay là Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.
Từ những năm 2001-2004, thầy giáo, thạc sĩ, giảng viên chính, họa sĩ Trần Thanh Bình, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế đã đặt vấn đề với lãnh đạo trường về việc xây dựng tượng chân dung của thầy Giám đốc đầu tiên, tuy nhiên, do những điều kiện khách quan nên ý tưởng ấy không thể triển khai. Sau thời gian khá dài, mãi đến giữa năm 2019, tập thể nhà trường đã đề xuất ý tưởng và chính thức bàn luận. Sau khi nhận nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới (2019-2023), Tiến sĩ, họa sĩ Đỗ Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng Phụ trách trường, triển khai và tổ chức nhiều buổi họp bàn liên quan đến việc hình thành tượng chân dung của thầy Giám đốc đầu tiên trên quan điểm thống nhất ý kiến đóng góp của tập thể lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và trình lên Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu, xin chủ trương phác thảo tượng chân dung.
Ngay lập tức, Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế, đồng ý và thống nhất cao ý tưởng xây dựng tượng chân dung thầy giáo, họa sĩ Tôn Thất Đào đặt trong khuôn viên trường có cảnh quan và vị trí trang trọng. Trên cơ sở này, Ban Giám hiệu nhà trường đã có Tờ trình số 27/TTr-ĐHNT, ngày 04/10/2021, của Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế và Giám đốc Đại học Huế về việc xin phép đặt tượng thầy giáo, họa sĩ Tôn Thất Đào. Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế ra Quyết định số 162/QĐ-ĐHNT, ngày 04/10/2021, thành lập Hội đồng nghệ thuật góp ý, đánh giá tượng chân dung thầy Tôn Thất Đào – Giám đốc/ Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật (giai đoạn 1957-1961 và 1964- 1965), nay là Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế (1957-2022).
H.1: Xây dựng cốt tượng và đắp tượng (ảnh: Phan Thanh Quang, 2021)
Trường Cao đẳng Mỹ thuật - Viện Đại học Huế được thành lập năm 1957, có chức năng và nhiệm vụ đào tạo mĩ thuật 2 ngành Hội họa và Điêu khắc; nay là Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế, có mở đào tạo thêm 4 ngành: Thiết kế đồ họa, Nội thất, Thời trang và Sư phạm mĩ thuật. Trong đó, ngành Điêu khắc có bề dày lịch sử từ năm 1957 đến nay, vì vậy nhà trường giao nhiệm vụ cho tập thể Khoa Điêu khắc (nay là Khoa Mỹ thuật tạo hình thuộc ngành Điêu khắc) có trách nhiệm với nhà trường về việc sưu tập hình ảnh và phác thảo tượng chân dung thầy giáo, họa sĩ Tôn Thất Đào.
Trên tinh thần đó, trong nhiệm kỳ 2019- 2024, Lãnh đạo Khoa đã triển khai họp và đa số giảng viên thống nhất cao về việc giao trọng trách người đứng đầu Khoa là thầy giáo, Thạc sĩ, nhà điêu khắc Phan Thanh Quang xây dựng phác thảo tượng. Trong quá trình phác thảo, tác giả sử dụng rất nhiều tư liệu hình ảnh của thầy Tôn Thất Đào. Quy trình kỹ thuật được thực hiện nhiều bước như: xây dựng khuôn cốt bằng sắt thép, đắp dần đất sét để hình thành H.1: Xây dựng cốt tượng và đắp tượng (ảnh: Phan Thanh Quang, 2021) H.2: Phác thảo chất liệu đất sét (ảnh: Phan Thanh Quang, 2021) tượng (H.1), phác thảo tượng bằng chất liệu đất sét đến hoàn chỉnh (H.2), trong công đoạn này, tác giả rất cần sự hỗ trợ và cầu thị ý kiến đóng góp của giáo chức, cựu sinh viên và một số cụ ông có tuổi tại địa phương, mong muốn của tác giả cần có sự khách quan, có tiếng nói của các nhân tố lịch sử để nhận diện về đặc điểm, thần sắc về chân dung của thầy Tôn Thất Đào. Kể từ đó, tác giả yên tâm, tự tin thực hiện tiếp công đoạn đổ khuôn tượng chân dung (H.3), hoàn thành tượng bằng chất liệu thạch cao để tiến tới đổ nhựa composite và đúc đồng chính thức (H.4).
H.2: Phác thảo chất liệu đất sét (ảnh: Phan Thanh Quang, 2021)
Thời điểm này, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhận định là thời cơ và thuận lợi về vật lực, nhân lực để đạt được tham vọng và khát khao có được tượng chân dung của thầy Giám đốc khả kính đầu tiên nhằm đáp ứng nguyện vọng của tập thể cựu giáo chức, cựu sinh viên các thời kỳ để báo công và bày tỏ lòng tôn kính, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, tri ân người thầy đã có công to lớn trong sự nghiệp giáo dục đào tạo mĩ thuật trong suốt chiều di lịch sử xây dựng và phát triển của nhà trường.
H.3: Đổ khuôn tượng chân dung (ảnh: Phan Thanh Quang, 2021)
Hội đồng nghệ thuật thực hiện góp ý, đánh giá tượng chân dung thầy Giám đốc/ Hiệu trưởng đầu tiên. Ngày 20/10/2021, Chủ tịch Hội đồng thực hiện nhiệm vụ và cùng với các thành viên trong Hội đồng nghệ thuật (có 2/3 giáo chức có thâm niên công tác giảng dạy và được nhiều lần tiếp xúc với thầy Tôn Thất Đào) điều hành lần thứ 1. Hội đồng thống nhất cao về chủ trương của Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, tập thể cán bộ, viên chức quyết tâm đặt tượng chân dung thầy Tôn Thất Đào và khánh thành tượng trong thời gian kỷ niệm 65 năm thành lập trường (1957- 2022). Hội đồng đề nghị tác giả phác thảo lại tượng có tính nghệ thuật, có phong cách của một nhà giáo, họa sĩ của thời kỳ đó; phác thảo bằng chất liệu đất sét để Hội đồng nghệ thuật góp ý thuận lợi hơn, dễ dàng chỉnh sửa hơn và kích thước của tượng tròn từ 0,95m trở thành 1,20 m, tương xứng với không gian sân vườn của trường.
Hội đồng nghệ thuật tiếp tục đánh giá lần 2 vào ngày 20/11/2021, đúng ngày Nhà giáo Việt Nam. Phác thảo tượng lần này làm hài lòng hầu hết các thành viên trong hội đồng: so với phác thảo lần thứ 1, tượng giống thật đến 99%. Hội đồng quyết định giao cho tác giả chỉnh sửa các phần phụ của vai, áo với lối tả chất để đạt sự hài hòa và thống nhất tính thẩm mĩ của tượng. Hội đồng mong muốn được đúc đồng để có tính bền vững, lâu đời và đề nghị lãnh đạo nhà trường tiếp tục hoàn thành tượng chân dung để kịp thời kỷ niệm 65 năm thành lập trường.
Tượng chân dung thầy giáo, họa sĩ Tôn Thất Đào là dấu mốc quan trọng trong trái tim của cựu giáo chức, cựu sinh viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật, Viện Đại học Huế (giai đoạn 1957-1975), Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế (giai đoạn 1975 đến nay). Tượng chân dung thầy giáo được hình thành làm hài lòng biết bao thế hệ thầy trò; đặc biệt, cố họa sĩ Đinh Cường, cậu học trò và cũng là giảng viên thế hệ đầu tiên do thầy Tôn Thất Đào đào tạo, còn đau đáu trong lòng khi chưa làm được những gì mong đợi mà ông đã khẳng định trong tập sách Đi vào cõi tạo hình: “Họa sĩ Tôn Thất Đào, một tên tuổi trong bộ mặt văn hóa Huế cần được trân trọng”2, vì vậy tập thể lãnh đạo nhà trường ngày nay đã không phụ lời ân cần, cầu thị của họa sĩ nên nhà trường đã chuyển hóa lời thỉnh cầu ấy bằng hành động thiết thực đó là khởi dựng tượng chân dung thầy giáo tôn kính. Đáng nhớ hơn, trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 65 năm thành lập trường, buổi lễ khánh thành (năm 2022) và hình ảnh tượng thầy có dấu ấn độc đáo trong quá trình xây dựng và phát triển của trường.
H.4: Hoàn thành tượng chân dung thạch cao để tiến tới đổ nhựa composite và đúc đồng chính thức (ảnh: Phan Thanh Quang, 2021)
Trải qua thời gian lịch sử, ngày nay, tập thể cán bộ, viên chức nhà trường thật sự vui mừng và tự hào khi ngôi trường đào tạo tài năng mĩ thuật có được tượng chân dung Giám đốc đầu tiên; niềm vinh dự được nhân lên theo cấp số nhân khi nhà trường tổ chức các sự kiện kỷ niệm 65 năm (1957-2022) hay 70 năm (1957-2027) xây dựng và phát triển… Công trình tượng chân dung thầy Giám đốc/ Hiệu trưởng đầu tiên cùng cảnh quan khuôn viên trường rất có ý nghĩa đối với các hoạt động cộng đồng, hoạt động giáo dục và đào tạo của nhà trường.
Họa sĩ Tôn Thất Đào là tấm gương sáng ngời về tinh thần nhà giáo mẫu mực của một thời khai sáng Trường Cao đẳng Mỹ thuật trong công tác quản lý, giảng dạy và sáng tác mĩ thuật. Tượng chân dung thầy cũng là thành quả đúc kết từ tinh hoa của thầy giáo, họa sĩ Tôn Thất Đào. Thầy đã có công lao to lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo mĩ thuật cho sinh viên Miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Tượng chân dung thầy còn là sự thể hiện tấm lòng thành kính tri ân của các bậc tiền bối, các lãnh đạo quản lý, cựu giáo chức, cựu sinh viên qua các thời kỳ đối với thầy.
Tài liệu tham khảo:
1. Tờ trình số 27/TTr-ĐHNT, ngày 04/10/2021, của Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế, về việc xin phép lãnh đạo chính quyền các cấp được đặt tượng chân dung thầy giáo, họa sĩ Tôn Thất Đào.
2. Quyết định số 162/QĐ-ĐHNT, ngày 04/10/2021, của Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật,Đại học Huế,về việc Thành lập Hội đồng nghệ thuật góp ý, đánh giá tượng chân dung thầy Tôn Thất Đào.
Chú thích:
1, 2 Đinh Cường (2015), Đi vào cõi tạo hình, NXB Văn mới, California.