Nhà văn Đào Quốc Vịnh (bút danh Thuần Khang) là tác giả của bốn mẩu truyện thiếu nhi và một bài thơ được đưa vào sách giáo khoa như: Tấm bìa cát tông, Sang đường,… Ngoài là một nhà văn, ông Đào Quốc Vịnh hiện đang là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành và lớp mầm non tư thục Tô Hiến Thành (Hà Nội).
Gắn bó với nghề cầm phấn suốt 20 năm mang lại cho nhà văn những nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tác văn thơ cho thiếu nhi, đặc biệt với những tác phẩm trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, để có thể sáng tác được những tác phẩm phù hợp với thiếu nhi, nhà văn Đỗ Quốc Vịnh tự nhận đó là một quá trình nhiều khó khăn. “Ai cũng biết rằng, trẻ con tuyệt đối không phải là một người lớn thu nhỏ, có những suy nghĩ, mơ ước và khát vọng như người lớn. Ngược lại, chúng có một thế giới tâm hồn non nớt nhưng phong phú và đầy thú vị.
Khó khăn lớn nhất trong sáng tác cho thiếu nhi có lẽ là đề tài viết cho các em phải phù hợp, gần gũi với cuộc sống của các em, ngôn ngữ phải thật trẻ thơ”, nhà văn cho hay.
Nhà văn Đào Quốc Vịnh là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành và lớp mầm non tư thục Tô Hiến Thành (Ảnh: NVCC).
1. “Tìm lại” ngôn ngữ trẻ thơ ở độ tuổi 50
Trước khi trở thành một thầy giáo, nhà văn Đào Quốc Vịnh có thời gian công tác tại một cơ quan nhà nước, đã quen với việc sử dụng “ngôn ngữ của người trưởng thành”. Cho đến năm 2004, khi đã ở độ tuổi 50, trở thành hiệu trưởng của một trường tiểu học, thầy Vịnh đã phải dành nhiều thời gian trong những năm đầu đi dạy để “học lại từ đầu” những ngôn ngữ của trẻ thơ. “Ngôn từ của trẻ thơ rất ngắn gọn và trong sáng, không hề phức tạp như người lớn. Những điều đó, khi còn là trẻ con, ai trong chúng ta cũng biết nhưng khi lớn lên đã bỏ quên mất và tôi đã phải dành thời gian để học lại”, thầy Vịnh kể lại.
Mỗi sáng thứ hai hàng tuần, thầy Vịnh lại dành thời gian ngồi “học” từ các cô giáo tổng phụ trách, những người ít tuổi hơn thầy rất nhiều, sinh hoạt đầu tuần cùng các em học sinh.
“Tôi phải học từ các cô giáo tổng phụ trách cách nói chuyện làm sao khiến các em học sinh hứng thú, đồng thời cũng phải học cả ngôn ngữ của các em để hiểu học sinh của mình hơn”, nhà văn Đào Quốc Vịnh cho hay.
Thầy Vịnh trong một buổi tặng sách cho các em học sinh Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Ảnh: NVCC).
Trong suốt 20 năm đi dạy của mình, các em học sinh luôn mang lại cho thầy những nguồn cảm hứng văn thơ bất tận. Ngược lại, thầy Vịnh cũng luôn muốn truyền tới các em học sinh của mình niềm yêu thích văn chương qua việc giúp các em xây dựng văn hóa đọc sách.
Kết thúc kỳ một năm học 2018-2019, thầy Vịnh đã sáng tác một tập thơ mang tên “Ước mơ của em” để tặng riêng cho 400 em học sinh Trường Tiểu học Tô Hiến Thành của mình.
2. Lo lắng khi được đặt hàng viết truyện cho sách giáo khoa
Sau suốt hai thập kỷ gắn bó với trẻ em, nhà văn Đào Quốc Vịnh đã cho ra đời không ít những tác phẩm truyện ngắn, văn thơ về thiếu nhi, nhiều trong số đó được xuất bản và phát hành. Tuy nhiên, khi được GS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên của bộ sách “Cánh diều”, liên hệ “đặt hàng” sáng tác một câu chuyện viết về chiến sĩ công an nhân dân theo chủ điểm “Vì cuộc sống bình yên”, bên cạnh niềm vui sướng, nhà văn không kìm được những sự hoảng hốt, lo sợ. “Vui vì đó là cơ hội tốt để tôi thử sức mình. Nhưng tôi cũng lo sợ vì nếu không thành công thì sẽ không có cơ may lặp lại, thậm chí tôi có thể bị đánh giá về năng lực viết của mình trong khi mình mang danh hiệu nhà văn”, nhà văn chia sẻ.
Sau quá trình sáng tác và cùng GS Nguyễn Minh Thuyết luận bàn và chỉnh sửa, trải qua 3,4 vòng thẩm định kéo dài cả năm trời, nhà văn Đào Quốc Vịnh đã có 5 tác phẩm được đưa vào trong sách giáo khoa. Ông cho biết, để sáng tác một mẩu chuyện, ông chỉ mất dưới một tiếng để hoàn thành. Tuy nhiên, thời gian để chỉnh sửa, chắt lọc câu chữ tốn thời gian hơn như vậy rất nhiều. Cụ thể, dung lượng một câu chuyện khi đưa vào sách giáo khoa không được quá 350 chữ. Tuy nhiên, sau khi sáng tác tác phẩm đầu tiên, dung lượng câu chuyện đã lên đến 700 chữ, gấp đôi so với dung lượng tiêu chuẩn. Sau khi tham khảo ý kiến từ người thân trong gia đình, ông vẫn chỉ tinh gọn được câu chuyện xuống còn 370 chữ và phải nhờ đến sự hỗ trợ của GS Nguyễn Minh Thuyết.
Truyện ngắn “Sang đường” của nhà văn Đào Quốc Vịnh (Thuần Khang) trong sách tiếng Việt lớp 5 (Ảnh: Sách tiếng Việt lớp 5, bộ sách “Cánh diều”).
Qua trải nghiệm lần đầu tiên trong đời, nhà văn ấn tượng bởi sự tỉ mỉ, công bằng khi đưa một tác phẩm văn học vào trong sách giáo khoa. “Kết cấu và nội dung câu chuyện không tùy theo cảm hứng sáng tác của nhà văn, mà luôn đảm bảo tính giáo dục phù hợp với độ tuổi người học. Nội dung của các tác phẩm cũng phải phù hợp với thuần phong mĩ tục, mang đậm bẳn sắc văn hóa dân tộc, đúng với lịch sử dân tộc, phù hợp với tư tưởng của Đảng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục 2018”, nhà văn cho hay.