Sau sự thành công của các phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm đình đám của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là “Mắt biếc”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua”, đầu năm 2024, bộ truyện dài 54 tập “Kính vạn hoa” của nhà văn đã được nhà sản xuất công bố chuyển thể thành phim truyện điện ảnh, do Võ Thanh Hòa làm đạo diễn.
Bộ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh xoay quanh cuộc sống học đường đầy thú vị của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh. Quý Ròm thông minh, lém lỉnh nhưng hay khoác lác, Tiểu Long thật thà, giỏi võ và trượng nghĩa, cùng nhỏ Hạnh “quyển từ điển biết đi” điềm tĩnh và kiên nhẫn, 3 người bạn tưởng chừng rất khác biệt lại gắn bó với nhau nhờ tinh thần ưa phiêu lưu và tính cách ấm áp, luôn quan tâm, yêu thương mọi người xung quanh. Từ những câu chuyện học sinh hằng ngày tưởng như rất đỗi bình thường cho đến các cuộc phiêu lưu, khám phá đầy thú vị, cả 3 đã làm nên những ký ức không thể nào quên của tuổi học trò của mình và của hàng triệu độc giả Việt Nam trong nhiều năm qua.
Hình ảnh trong phim “Mắt biếc” đoạt giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 và đạt doanh thu gần 180 tỷ đồng. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp
Với “Kính vạn hoa”, năm 2004, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đã sản xuất phim truyền hình cùng tên, được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Trong đó phải kể đến hình ảnh của bộ ba Quý-Long-Hạnh được tái hiện sinh động qua phần thể hiện của các diễn viên: Ngọc Trai, Vũ Long và Anh Đào. Do đó, lần này chuyển thể từ 54 tập truyện sang bản phim truyện điện ảnh là thách thức không nhỏ với đạo diễn.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa chia sẻ: “Tôi từng làm nhiều phim nhưng chưa có dự án chuyển thể nào từ tác phẩm văn học. Khi được nhà sản xuất mời đạo diễn bản điện ảnh “Kính vạn hoa”, tôi xúc động lắm bởi đây là bộ truyện chữ đầu tiên tôi đọc trong đời. Phim “Kính vạn hoa” sẽ được làm theo thể loại phiêu lưu-học đường-hài hước, mang hơi thở thời đại hơn so với truyện gốc. Tôi mong có một phiên bản điện ảnh “Kính vạn hoa” thú vị, là cây cầu nối tiếp các thế hệ độc giả yêu truyện Nguyễn Nhật Ánh”.
Theo PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, không phải ngẫu nhiên mà các nhà làm phim lựa chọn một tác phẩm văn học dày hàng trăm trang để chuyển thể thành bộ phim điện ảnh chỉ vỏn vẹn vài giờ đồng hồ. Trước hết là sự hấp dẫn của câu chuyện được kể trong tác phẩm, mang đậm hơi thở cuộc sống, hơi thở thời đại với những bài học về ý nghĩa nhân sinh. Đó chính là cái gốc để ê kíp sáng tạo dựa vào và thực hiện những bộ phim có giá trị; là chất liệu quan trọng để biên kịch trau chuốt và “nhào nặn” nên những nhân vật, những tình huống thật đời.
Cùng với sự nổi tiếng trước đó của tác phẩm văn học, đây sẽ là một “điểm cộng” cho công tác quảng bá, đưa bộ phim đến gần hơn với công chúng. Điện ảnh lại có những thế mạnh riêng mà văn học không có, đó là khả năng “đánh mạnh” vào thị giác và thính giác người thưởng thức bằng ngôn ngữ của hình ảnh, âm thanh, dàn dựng, bối cảnh... Nếu ê kíp sản xuất phim làm tốt và biết cách khai thác hiệu quả, cùng với sự cộng hưởng của độc giả trước đó thì thành công là lẽ dĩ nhiên. Hơn thế nữa, văn học Việt Nam có rất nhiều tác phẩm hay, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
“Trong tình hình thiếu vắng ý tưởng kịch bản như hiện nay, thay vì “remake” (làm lại) những bộ phim của nước ngoài, việc chuyển thể đưa các tác phẩm văn học Việt, là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh về lứa tuổi học trò, lên màn ảnh rộng để dễ dàng tiếp cận hơn với giới trẻ và bảo lưu được những giá trị văn hóa truyền thống là điều rất đáng khích lệ”, PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú cho hay.
Nguồn: qdnd.vn