Tả quân Lê Văn Duyệt và thân quyến đều là những nhân vật lịch sử nổi danh của Triều Nguyễn. Bên cạnh những ghi chép từ chính sử Triều Nguyễn và nhiều nguồn sử liệu khác, gia đình Tả quân Lê Văn Duyệt còn để lại cho hôm nay một hệ thống di sản văn hóa vật thể chứa đựng rất nhiều giá trị, đó là di sản lăng mộ của ông và gia đình tại hai nơi: Thành phố Hồ Chí Minh và Tiền Giang. Nghiên cứu hệ thống lăng mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt cùng thân quyến về kiến trúc lăng mộ và di vật sẽ góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử - văn hóa, cung cấp thêm tư liệu để đánh giá giá trị của di sản, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản lăng mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt cùng thân quyến một cách tốt hơn.
1. Vài nét về gia đình Tả quân Lê Văn Duyệt
Gia đình Tả quân Lê Văn Duyệt, người gốc Quảng Ngãi. Sử liệu, gia phả và di sản lăng mộ ghi nhận ông nội của của Tả quân Lê Văn Duyệt là Lê Văn Hiếu là một trong những người thuộc nhóm di dân từ Mộ Đức - Quảng Ngãi vào Tiền Giang lập nghiệp, hiện dấu tích còn để lại là mộ và đền thờ ông tại ấp Hòa Quý, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Bia mộ Lê Văn Hiếu còn nguyên vẹn, nội dung bia khắc ở hàng ngang trên cùng: 越 故 (Việt Cố); hàng dọc chính giữa: 顯考贈光進 昭毅將軍該奇黎侯之墓 (Hiển khảo tặng Quang Tiến Chiêu Nghị Tướng quân Cai cơ Lê hầu chi mộ); hàng dọc bên trái: 歲 在甲戌仲夏月吉日 (Tuế tại Giáp Tuất trọng hạ nguyệt cát nhật); hàng dọc bên phải: 孝子欽差掌奇字檖立 (Hiếu tử Khâm sai Chưởng cơ tự Toại lập). Tạm dịch: Nước Việt xưa/ Người Việt quá cố1, mộ của cha là người họ Lê, được ban chức Cai cơ, tặng làm Quang Tiến Chiêu Nghị Tướng Quân. Bia lập ngày tốt, tháng 5 năm Giáp Tuất (căn cứ vào ghi chép về chức vụ được ban của người lập bia cho biết bia được dựng vào năm 1814). Người lập bia là con trai tên Toại, giữ chức Khâm sai Chưởng cơ.
Căn cứ vào gia phả, chức vụ và các sự kiện ghi chép về người khắc bia cho thấy người con của Cai cơ Lê Văn Hiếu chính là Lê Văn Toại (?-1820). Sử liệu, gia phả và bia mộ cho biết ông Lê Văn Toại kết hôn với bà Nguyễn Thị Lập (?-1813). Trong quá trình sinh sống tại Tiền Giang, gia đình ông tiếp tục di chuyển từ vùng đất Cái Bè sang vùng đất nay là xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, hai ông bà sinh được hai người con và cả hai sau này đã thành danh, trở thành những công thần quan trọng bậc nhất của triều Nguyễn, đó chính là Tả quân Lê Văn Duyệt và Đô Thống chế Thần sách Lê Văn Phong.
Theo lời kể lại của nhân dân cũng như nhiều nghiên cứu sau này cho biết, khoảng năm 1780, trong một đêm mưa to gió lớn, trên đường trốn chạy sự truy đuổi của quân Tây Sơn, thuyền của Nguyễn Phúc Ánh (Gia Long) bị chìm gần vàm Trà Lọt (Tiền Giang). Gia đình ông Lê Văn Toại phát hiện, chèo xuồng ra cứu thoát và đưa về nhà tá túc. Thưởng công cứu giá, Nguyễn Phúc Ánh nhận con trai trưởng của ông Toại và bà Nguyễn Thị Lập là Lê Văn Duyệt (17 tuổi) vào quân ngũ, sau phong chức Cai cơ coi sóc nội binh.
Lê Văn Duyệt và em là Lê Văn Phong đã theo phò Nguyễn Phúc Ánh Nam chinh Bắc chiến, lập nhiều công lao. Sau ngày chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, anh em Lê Văn Duyệt, Lê Văn Phong được phong tước hàm và giữ những vị trí quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn.
Với nhiều công lao đóng góp của gia đình cho triều đình, chính sử Triều Nguyễn đã có rất nhiều ghi chép về gia đình của những đại công thần này. Trong đó có cả những ghi chép quan trọng dành cho người cha là Lê Văn Toại, nội dung ghi chép tóm lược như sau: “Tháng 7 năm 1803, Cha Lê Văn Duyệt là Lê Văn Toại vào yết kiến. Vua Gia Long yên ủi và hỏi thăm… Nhân nói chuyện cũ giờ lâu, ban cho áo khan rồi cho về”2. “Năm 1819, Gia Long mất, người con kế nghiệp là Minh Mệnh thực hiện theo lời căn dặn trước lúc lâm chung, tiếp tục có những ưu ái dành cho gia đình Tả quân Lê Văn Duyệt. Tháng Giêng năm 1820, vua Minh Mệnh sai đem bạc, lụa, châu, rượu cho cha Lê Văn Duyệt là Lê Văn Toại và cho thư để khen ngợi ủy lạo”3. “Năm 1819, vua Gia Long băng hà, trong thời gian đất nước để tang vua Gia Long theo quy định nghiêm ngặt về tang chế của vua (các bậc quan lại đại thần từ Tam phẩm trở lên mặc áo sổ gấu, để tang vua 3 năm, trong đó có Lê Văn Duyệt và em trai là Lê Văn Phong)”4. Cùng thời gian này, Khâm sai Chưởng cơ Lê Văn Toại mất, vua Minh Mệnh đã đặc cách ưu ái đối với những công thần quan trọng bậc nhất của mình, cho phép anh em Tả quân Lê Văn Duyệt thực hiện tang lễ cha, trong khi cả triều đình vẫn đang thực hiện nghiêm theo quy định đối với tang lễ vua Gia Long. Sự kiện này được ghi rõ trong Đại Nam thực lục5.
Sau khi Lê Văn Phong qua đời (1824), và đặc biệt là khi Lê Văn Duyệt qua đời (1832), “quan lại địa phương ở Gia Định đã gièm pha, vạch tội của Duyệt dâng sớ đến triều đình, dẫn tới cuộc biến loạn của Lê Văn Khôi – con nuôi Lê Văn Duyệt. Cuối năm 1835, triều đình đem luận tội Lê Văn Duyệt với 7 đại tội và đã thực thi các luật định như: những cáo sắc tổ tiên ông bà cha mẹ của Duyệt khi trước được phong tặng đều thu hồi cả, đồng thời xem mồ mả cha ông có tiếm làm trái phép đều phá bỏ đi”6. Mãi đến tháng 3 năm 1850, hơn 30 mẫu ruộng khu lăng của Lê Văn Toại mà khi trước đã sung công được vua Tự Đức chỉ dụ cấp trả lại để cho con cháu thờ tự lâu dài. Nhờ đó mà khu di tích quan trọng này được lưu giữ, bảo tồn đến ngày nay7.
2. Kiến trúc lăng mộ song thân Tả quân Lê Văn Duyệt
Khu di tích lăng mộ song thân Tả quân Lê Văn Duyệt tọa lạc tại Đường Lăng, ấp Thạnh Hoà, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Tổng diện tích đất khu lăng mộ là 8500m2 , bao gồm hồ nước, các công trình kiến trúc: cổng, đền thờ, lăng song thân của Tả quân Lê Văn Duyệt là ông Lê Văn Toại và bà Nguyễn Thị Lập cùng với 8 ngôi mộ lớn, nhỏ khác chia làm 2 khu lăng lớn và lăng nhỏ. Trong đó, lăng mộ song thân Tả quân Lê Văn Duyệt nhìn về hướng Nam, lệch Đông khoảng 200.
Khu di tích lăng mộ song thân Tả quân Lê Văn Duyệt ở ấp Thạnh Hòa, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (Nguồn: Lương Chánh Tòng)
Hình ảnh và bản vẽ 3D phối cảnh kiến trúc lăng mộ Thống chế Lê Văn Toại (Nguồn: Lương Chánh Tòng)
2.1. Lăng mộ Lê Văn Toại (?-1820)
Quần thể kiến trúc xây bằng vật liệu hợp chất kết hợp với gạch, đá ong, có bình đồ hình chữ nhậtrộng ngang 24,6m; sâu 25,5m, xây dựng bao quanh bởi 2 vòng thành. Do đã bị phá huỷ vào năm 1835, ngoại trừ nhà mồ/ nấm mộ sau khi triều đình khép Lê Văn Duyệt vào tội phản nghịch và phá huỷ lăng mộ của ông cùng với lăng mộ gia đình ở quê hương, dấu tích hiện tại là của đợt trùng tu năm 2005. Tuy nhiên, căn cứ vào một số vết tích tường thành, trụ biểu, đặc biệt là tường thành tiếp giáp với khu bình phong hậu vẫn còn nguyên thuỷ, chúng ta có thể nhận diện được những yếu tố nguyên gốc của di tích.
Từ ngoài vào trong, cấu trúc khu lăng mộ như sau: cổng lăng, sân tế, cửa mộ, bình phong tiền, bia mộ, nhà mồ/ nấm mộ (hình nhà trúc cách hai mái, kích thước rộng ngang 2,75m; sâu 3,6m; cao 2,1m; nhà mồ không có dấu hiệu của vẽ hay đắp nổi hoa văn trang trí. Dạng cấu tạo kiến trúc này có hình dáng và kết cấu giống với phần nấm mộ của lăng Trương Tấn Bửu ở Phú Nhuận - Thành phố Hồ Chí Minh (và đặc biệt giống với kiểu thức lăng mộ của vua Gia Long ở Huế; tuy nhiên, quy mô, vật liệu, kiến trúc đơn giản hơn rất nhiều), bình phong hậu, bao xung quanh là hệ thống tường thành, trụ biểu ở các điểm góc.
Bia mộ Thống chế Lê Văn Toại – Phụ thân của Tả quân Lê Văn Duyệt và Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong (Nguồn: Lương Chánh Tòng)
Bia mộ có kích thước cao 145cm, rộng ngang 77cm, dày khoảng 18cm, chất liệu đá xanh có vân trắng. Trán bia có dạng hình chữ kim với đường viền uốn lượn, chạm nổi hình hoa lá hoá rồng tranh châu (lưỡng long chầu nhật/ nguyệt?), diềm bia chạm nổi hình hoa lá dây uốn lượn hình sin cách điệu. Bia được đặt trên một dạng sập chân quỳ rộng ngang 110cm; sâu 70cm; cao khoảng 40cm. Nội dung bia ở hàng ngang trên cùng đọc từ phải sang trái là hai chữ: Việt Cố; hàng dọc chính giữa một số chữ đã bị đục phá, còn lại một số chữ như sau: Hiển khảo... chi mộ. Tuy nhiên, do các nét đục phá không sâu và không hết nên vẫn còn đọc được nội dung toàn bộ như sau: Hiển khảo Vũ Huân tướng quân Khâm sai Chưởng cơ tặng Thống chế Lê Hầu chi mộ (Tạm dịch nội dung là: Mộ của cha họ Lê là Vũ Huân tướng quân, chức Khâm sai Chưởng cơ, tặng Thống chế, tước Hầu). Hàng dọc bên trái ghi ngày tháng lập bia với nội dung: Tuế tại Tân Tỵ trọng Xuân cát nhật (Bia lập ngày tốt tháng 2 năm Tân Tỵ - 1821). Hàng dọc bên phải mặc dù một số chữ cũng đã bị đục nhưng vẫn còn đọc được nội dung: Tự tử Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn Chưởng tả quân… Bình Tây đại tướng quân Quận công Lê Văn Duyệt bái giám (Tạm dịch: Người con nối dõi là Lê Văn Duyệt giữ chức Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn, Bình Tây đại tướng quân, tước Quận công xin được cúng lạy chứng giám).
2.2. Mộ bà Nguyễn Thị Lập (?-1813)
Tổng thể kiến trúc có cấu tạo và đặc điểm tương tự với lăng mộ của chồng bà là ông Lê Văn Toại, cách khu lăng mộ của ông khoảng 20m, lui về phía sau khoảng 6m. Quy mô kiến trúc có kích thước nhỏ hơn với lăng mộ ông: rộng ngang 13,3m; sâu 22,3m.
Bia mộ cũng có kích thước nhỏ hơn: cao 130cm; rộng 75cm, dày khoảng 15cm. Hàng ngang trên cùng cũng là 2 chữ: Việt Cố. Hàng dọc chính giữa tương tự như bia mộ ông, một số chữ đã bị đục phá nhưng vẫn đọc được với nội dung như sau: Hiển tỉ Khâm sai Chưởng cơ Lê hầu chính thất phu nhân chi mộ (Tạm dịch: Mộ của mẹ là vợ chính của người họ Lê giữ chức Khâm sai Chưởng cơ, tước Hầu). Hàng dọc bên trái ghi: Tuế tại Giáp Tuất trọng Hạ nguyệt cát nhật (Bia lập vào ngày tốt tháng 5 năm Giáp Tuất – 1814). Hàng dọc bên phải cũng đã bị đục mấy chữ nhưng vẫn đọc được nội dung: Hiếu tử Khâm sai Gia Định thành Tổng trấn Chưởng tả Bình Tây tướng quân Quận công Lê Văn Duyệt lập (Tạm dịch: Con là Lê Văn Duyệt giữ chức Khâm sai Tổng trấn thành Gia Định, Bình Tây tướng quân, tước Quận công lập bia mộ).
Hình và bản vẽ 3D kiến trúc lăng mộ bà Nguyễn Thị Lập – Thân mẫu Tả quân Lê Văn Duyệt
Bia mộ bà Nguyễn Thị Lập – Thân mẫu Tả quân Lê Văn Duyệt và Đô Thống chế Thần sách Lê Văn Phong (Nguồn: Lương Chánh Tòng)
3. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khu lăng mộ song thân Tả quân Lê Văn Duyệt
Căn cứ vào nhiều nguồn sử liệu, chúng ta biết rằng khu di tích lăng mộ song thân Tả quân Lê Văn Duyệt chính thức được Lê Văn Duyệt lựa chọn quy hoạch ở quê hương khi mà ông chính thức nhận chức Tổng trấn thành Gia Định. Sau khi lựa chọn nơi an táng của song thân, Lê Văn Duyệt đã cho xây dựng phần mộ của mẹ mình khi bà qua đời vào năm 1813 và sau đó xây dựng phần mộ cha mình vào năm 1821 với sự tham gia của triều đình nhà Nguyễn. Vì vụ án Lê Văn Khôi và việc tố giác Lê Văn Duyệt, triều đình đã cho phá bỏ những phần kiến trúc quy vào “tiếm lạm” với quy chuẩn về lăng mộ của triều đình. Tuy nhiên, do vết tích còn để lại, chúng ta vẫn có thể nhận thấy được gốc tích ban đầu của khu lăng mộ.
Nghiên cứu sâu về kiến trúc lăng mộ song thân Tả quân Lê Văn Duyệt sẽ cung cấp cho lịch sử rất nhiều tư liệu ẩn chứa đằng sau di tích về quy chế, quy thức lăng mộ thời Nguyễn cũng như những vấn đề liên quan đến Lê Văn Duyệt và Triều Nguyễn. Bởi sau cuộc biến loạn của Lê Văn Khôi – con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt, từ năm 1833-1835, vua Minh Mạng đã phải huy động khí tài và nhân vật lực của cả đất nước trong 3 năm mới dẹp yên. Sau đó, triều đình đã truy luận tội và san bằng lăng mộ Tả quân Lê Văn Duyệt, đồng thời đặt xiềng xích và bia “phục pháp xứ” trên bề mặt huyệt mộ kéo dài đến năm 1849, sau khi vua Tự Đức lên ngôi, thực hiện ân xá, xóa bỏ án cho ông, đồng thời cho phép người dân và thân quyến xây dựng lại phần mộ, qua nhiều đợt trùng tu tôn tạo để được như kiến trúc hiện nay. Vì thế, sử liệu và người dân không một ai biết được hình dáng, kiểu thức lăng mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt ra sao, mặc dù trong tâm thức, nhiều người cảm nhận lăng tả quân khi mới xây dựng lớn ngang tầm với lăng tẩm hoàng gia.
Đặc biệt, căn cứ vào hiện trạng và dấu tích nguyên thủy của kiến trúc lăng mộ song thân Tả quân Lê Văn Duyệt cũng như so sánh hệ thống lămg mộ các quan lại đại thần cùng thân quyến khác ở Nam Bộ cho thấy, sự kiện vua Minh Mệnh và triều đình truy luận tội Lê Văn Duyệt với tội danh cuối là tiếm gọi mộ cha (Lê Văn Toại) và em (Lê Văn Phong) là “lăng” – ngang bằng với tên gọi lăng mộ hoàng gia vào năm 1835 là không có cơ sở, đó chỉ là sự tức giận mang tính trả thù sự biến loạn một cách cực đoan. Bởi thực tế các lăng mộ của các quan đại thần thời Nguyễn ở Nam Bộ hiện thấy có quy mô rất lớn cả về mặt bằng kiến trúc và trang trí kiến trúc như khu lăng mộ Thống chế Thoại Ngọc Hầu (Châu Đốc -An Giang) xây dựng từ 1821 đến 1829 và khu lăng mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu (ở Thanh Bình, Vũng Liêm, Vĩnh Long) xây dựng 1827-1828; khu lăng mộ Thống chế Trần Công Lại ở Chợ Lách - Bến Tre; khu lăng mộ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức và thân sinh (Khánh Hậu, Tân An); lăng Trương Tấn Bủu, Võ Di Nguy ở Thành phố Hồ Chí Minh… cùng hàng chục khu lăng mộ khác cho thấy khu lăng mộ của thân quyến Tả quân Lê Văn Duyệt cũng rất phù hợp trong phân tầng địa vị xã hội. Hơn nữa, hiện cả hai bia mộ của song thân Tả quân Lê Văn Duyệt và Đô Thống chế Thần sách Lê Văn Phong là Thống chế Lê Văn Toại và phu nhân là bà Nguyễn Thị Lập cũng đều khắc ghi rõ: Chi mộ (之 墓), khác với chữ “lăng” – danh từ dùng cho các ngôi lăng mộ của hoàng gia đã cho thấy không có sự tiếm lạm của Tả quân Lê Văn Duyệt và thân quyến như lời luận tội của triều đình. Điều này cần được hậu thế nghiên cứu bổ sung tư liệu, giải mã để minh oan cho Tả quân Lê Văn Duyệt và gia đình.
Chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, hiện nay, mặc dù lăng song thân Tả quân Lê Văn Duyệt đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2009 nhưng nhiều cấu kiện kiến trúc của khu lăng xuống cấp, nghiêng đổ và hoang vắng, đang dần chìm vào quên lãng. Năm 2005, nhân dân trong vùng và hậu duệ đã trùng tu lại khu lăng, lợp tường gạch lỗ hiện đại kết hợp với xi măng xây phần bình phong tiền, tường thành và một số bộ phận khác, tạo ra hệ quả là khu lăng bị mất tính nguyên gốc của di tích.
Trong hệ thống di sản văn hoá ở Nam Bộ, di sản lăng mộ chiếm một vị trí vô cùng quan trọng, bởi đây là những dấu tích gắn liền với quá trình khai phá vùng đất Nam Bộ của người Việt và một số cộng đồng cư dân khác. Đặc biệt, chủ nhân của lăng mộ đa số là những người có công lao lớn đối với lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá lăng mộ, trong đó hệ thống di sản lăng mộ của song thân Tả quân Lê Văn Duyệt luôn cần nhận được sự quan tâm, nghiên cứu của chính quyền các cấp cũng như các cơ quan khoa học, góp phần ghi nhận thành tựu, nhìn nhận thực trạng và những vấn đề còn tồn tại để đề xuất phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản lăng mộ song thân Tả quân Lê Văn Duyệt nóiriêng và các giá trị di sản văn hoá Việt Nam nói chung.
Chú thích:
1 Nghĩa của hai từ “Việt Cố” hiện đang có nhiều tranh luận, có nhà nghiên cứu cho rằng đây là hai danh từ dùng để chỉ nước Việt xưa, có nghiên cứu cho rằng đây là hai từ dùng để chỉ người Việt đã mất, cùng nhiều cách giải nghĩa khác…, do khuôn khổ một bài viết, chúng tôi không đi sâu vào nghĩa của hai từ này.
2, 3, 4, 5, 6, 7 Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục (Bản dịch của Viện Sử học), NXB Giáo dục, tr. 567, 40, 1003, 90, 460, 161.