Đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, sự ra đời của nhiều tờ báo (cả công báo và báo chí tư nhân) trên khắp ba miền đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong đời sống tinh thần của công chúng và góp phần hình thành một tâm lý tiếp nhận mới. Giai đoạn này, nhiều thế hệ nhà văn cả tân cựu học cùng tham gia hoạt động báo chí và văn chương. Từ sau năm 1930, đời sống văn chương Việt Nam đặc biệt sôi động nhờ sự xuất hiện của nhiều nhóm phái văn học. Bên cạnh các nhóm Tự lực văn đoàn1, nhóm Tân Dân2, không thể không nhắc đến nhóm anh em nhà Dương Phú Thị. Tờ Văn học tạp chí (VHTC) do Dương Bá Trạc chủ bút và Dương Tụ Quán làm chủ nhiệm, tuy chỉ tồn tại trong bốn năm nhưng là một trong những tờ báo chuyên khảo cứu, bàn soạn, giảng giải về quốc văn, có nhiều đóng góp đáng ghi nhận đối với sự phát triển của báo chí và văn học Việt Nam hiện đại.
VHTC là tờ báo ít nhiều mang tính chất gia đình bởi vai trò chủ chốt của bốn anh em họ Dương từ việc chủ trương đến việc phụ trách nội dung những bài mục trọng yếu. Gia đình họ Dương nổi danh gia lễ thi thư ở làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, huyện Khoái Châu (nay là huyện Văn Giang), tỉnh Hưng Yên từ đời cụ nội Dương Duy Thanh (1804-1861) từng làm Đốc học Hà Nội, đến người cha Dương Trọng Phổ (1862-1927), một nhà Nho có tư tưởng tiến bộ. Cụ Dương Trọng Phổ sinh được 7 người con, trong đó nổi tiếng nhất là bốn người con trai: Dương Bá Trạc (1884-1944); Dương Quảng Hàm (1898-1946), Dương Tự Nguyên; Dương Tụ Quán (1902-1969). Các anh em nhà Dương Phú Thị ghi dấu trong lịch sử cận đại Việt Nam với tư cách yếu nhân của những hoạt động chính trị sôi nổi của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Hội Phật giáo Bắc Kỳ, Hội Dân ích; với vai trò lĩnh xướng của báo VHTC, Đông Tây báo, nhà in Đông Tây ấn quán; và là tác giả của nhiều công trình biên khảo lớn, nhiều tác phẩm văn thơ đặc sắc. VHTC ra đời năm 1932 trong bối cảnh phong trào cách mạng của các thân sĩ trí thức Nho học bị chính quyền thực dân Pháp đàn áp. Bản thân Dương Bá Trạc đã trải qua nhiều biến cố bị bắt giam, xét xử, tù ngục sáu năm cùng thân sinh – cụ Dương Trọng Phổ. Khác hẳn với một số sĩ phu tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục sau khi ở Côn Đảo về chỉ viết văn ẩn dật, Dương Bá Trạc từ năm 1917 vẫn hoạt động không ngừng nghỉ trên địa hạt văn hóa xã hội khi nhiệt tình viết xã thuyết cho Nam Phong tạp chí, Tri Tân, Trung Bắc tân văn; cùng biên soạn bộ Việt Nam từ điển và Việt Nam văn phạm cho Hội Khai trí Tiến Đức. Tờ VHTC do Dương Bá Trạc làm chủ bút và em trai ông - Dương Tụ Quán, làm chủ nhiệm ra mắt vào tháng 5 năm 1932 với danh xưng xuất hiện trên trang bìa ở tất cả 75 số báo là “cơ quan chuyên khảo cứu, bàn soạn và giảng giải về quốc văn”. Lực lượng cầm bút của VHTC ngoài bốn anh em họ Dương còn có sự cộng tác của nhiều trí thức như Vũ Ngọc Phan, Lê Tràng Kiều, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tiến Lãng, Nguyễn Lan Khai, Nguyễn Tường Phượng… Trong bối cảnh thoái trào của các phong trào cách mạng, giữa lúc những tờ báo như Phong Hóa của tầng lớp Tây học đang dần chiếm lĩnh địa vị chủ soái, sự tồn tại của một tờ báo khảo cứu văn chương như VHTC có nhiều đóng góp cho sự phát triển của văn học, báo chí giai đoạn này.
1. Văn học tạp chí với việc phổ biến quốc ngữ và phát triển nền quốc văn
Công cuộc truyền bá và phổ biến chữ quốc ngữ đến thời VHTC đã là một hành trình dài hơn nửa thế kỷ, khởi đầu từ Gia Định báo năm 1865 của Trương Vĩnh Ký. Đầu thế kỷ XX, các nhà Duy tân trong Đông Kinh Nghĩa Thục tiếp tục chủ trương “Người An Nam nên biết chữ An Nam” trên Đăng cổ tùng báo để cổ vũ việc học và sử dụng chữ quốc ngữ trong sinh hoạt hàng ngày. Đến giai đoạn Đông Dương tạp chí3 (1913) và Nam Phong tạp chí4 (1917) ra đời, công cuộc truyền bá, phổ biến và hoàn thiện chữ quốc ngữ của báo chí mới thực sự nở rộ. Những bài luận bàn về cách đánh vần, viết chính tả, cách phát âm chữ quốc ngữ trên Đông Dương tạp chí góp phần tích cực trong tiến trình cổ vũ, phổ biến và xác lập vị trí chủ đạo của chữ quốc ngữ trong xã hội Việt Nam. Nam Phong tạp chí ghi công lớn trong việc xây dựng, hệ thống hoá, chuẩn hoá kho từ vựng, bổ sung các thuật ngữ khoa học, kỹ thuật hiện đại. Từ đây, chữ quốc ngữ đã trở thành một thứ lợi khí thần diệu để truyền bá sự học trong quốc dân. Tiếp nối sứ mệnh từ các thế hệ Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, VHTC luôn kiên trì mục tiêu phổ biến chữ quốc ngữ và phát triển nền quốc văn, “muốn giữ cho cái quốc hồn của mình khỏi siêu lạc, cái quốc túy của mình khỏi tán thất, cái quốc hoa của mình ngày một thêm rực rỡ tốt tươi thì thế nào cũng phải có một thứ văn tự riêng để ghi chép thứ tiếng nói riêng của mình, lại phải trau dồi chải chuốt, sửa sang sắp đặt, gom góp chỉnh đốn thứ tiếng nói ấy cho thành văn thành vẻ, thành ra có phép tắc, có ý nhị, có tinh hoa, tức là phải có một nền văn học riêng hẳn là đặc sắc của dân tộc mình mới được” (VHTC số 1, tr.1-2). Trên VHTC số 3 (7/1932, tr.2), Dương Bá Trạc trình bày quan niệm về ngôn ngữ dân tộc – thứ tiếng, thứ chữ của tổ tiên “quốc hồn ở đấy, quốc túy ở đấy, quốc hoa cũng là đấy”. “Muốn giữ được cái quốc hồn quốc túy cho khỏi bỏ mất thì người trong nước phải học thứ tiếng thứ chữ của mình”. Ông kiến nghị chính phủ về chương trình sơ học yếu lược: cho 5 lớp sơ học được học hoàn toàn bằng quốc văn phỏng theo phép dạy của chữ Pháp, lập trường quốc văn sư phạm đào tạo thầy dạy (VHTC số 3, tr.2). Từ số 5 đến số 10 của VHTC, Dương Tự Nguyên đưa ra Một ý kiến về sự sửa đổi chữ quốc ngữ thành một thứ văn tự hoàn toàn. Dựa trên nền tảng kiến thức ngữ âm học phương Tây, tác giả đặt ra những vấn đề hạn chế của văn tự quốc ngữ hiện thời trong việc ghi âm tiếng Việt, những bất tiện khi dùng máy đánh chữ. Với mục đích giúp văn tự nước nhà thành một thứ chữ “hoàn toàn, đẹp mắt, dễ coi, khó nhầm lẫn” và gần nhất với cách phiên âm quốc tế, người viết đã đươc ra những đề xuất táo bạo trong việc đổi chữ có dấu thành chữ không dấu (dấu huyền – f, dấu ngã - w, dấu nặng – j, dấu hỏi – z, dấu sắc - q), thay đổi cách ghi 10 âm vần (ă, â, ê, ô, ơ, ư, ươ, iê, uâ, uô). Mấy điều thỉnh nguyện về việc bồi bổ cho nền văn học nước nhà là những điều “thích đáng” cùng tôn chỉ bản quán, được gửi lên Hoàng thượng về việc: sửa lại văn tự cho thích hợp, lập tòa hàn lâm để lo bồi bổ cho nền văn học nước nhà, lập các phần thưởng về văn học và khoa học (Dương Tự Nguyên, VHTC, số 5, tr.4). Anh em Dương Bá Trạc đã tự nhận lấy phần trách nhiệm trao đổi, sửa sang, sắp đặt, gom góp, chỉnh đốn thứ tiếng nói của mình, “cho cái tiếng nói ấy đặt vào thành văn có thể cách nhất định thế nào là phải, có cục thế nhất định thế nào là ổn, có phép sắp câu nhất định thế nào là gãy gọn, có phép dùng chữ nhất định thế nào là nhã tuần, cho cái văn chương quốc âm của mình ngày một thêm có phép tắc, có ý nhị, có tinh hoa ra” (tr.7). VHTC còn tổ chức một cuộc thi đặc biệt về vấn đề sửa đổi chữ quốc ngữ (số 18, 1/6/1933). Kết quả được thông báo sau đó năm tháng, trên số 27 (1/11/1933).
Từ chỗ xây dựng, sửa chữa chữ quốc ngữ đạt tới mức độ “hoàn toàn”, VHTC hướng tới bước tiếp theo là phát triển nền quốc văn, bắt đầu từ chỗ viết đúng, viết trúng cho đến phù hợp và hay với các lối văn khác nhau. Điều này đã được khẳng định trong bài Vấn đề viết quốc ngữ cho trúng (số 11, 15/1/1933, tr.61): “Nếu chữ A-lam mà còn chưa có định thể, thì văn A-lam mong hay bằng văn người ta sao được?”. Không chỉ đòi hỏi viết đúng, viết trúng, vấn đề lựa chọn lối văn phù hợp cũng được đặt ra. Để làm văn cho hay, không thể chỉ noi theo mấy cái mẹo luật trong văn chương mà “phải lo cho tự nhiên, cho thích hợp”, phải “có cảm”5. VHTC có những đánh giá tích cực về ảnh hưởng của Tây học đến quốc văn khi “các văn sĩ ta đã chịu ảnh hưởng Tây học khá sâu”, diện mạo của nền văn chương ta “thêm phần phong phú” với hình thức câu văn “giản dị, sáng suốt, rõ ràng”, cùng “những tư tưởng mới không theo khuôn sáo cũ”6. Kêu gọi sự đoàn kết trong văn giới, Lê Tràng Kiều ở số 38 (19/5/1934) trong bài Người và văn phản đối chuyện có dư luận cho rằng “anh em làng báo Miền Bắc đã chiếm quyền ngôn luận trong Nam” sau làn sóng Nam tiến của nhiều cây bút Bắc kỳ xuất sắc. Sự “chia rẽ” Nam Bắc trong làng văn như vậy đối với tác giả là chuyện “vô lý và điên rồ”. Theo đó, “một tờ báo muốn cho đứng đắn, phổ thông thì tất phải dùng lối văn ít có những thổ ngữ, thổ âm... người viết báo có lương tâm không những phải lo cho sự thống nhất văn chương nước nhà mà còn lo cổ động cho sự hữu ái của đồng bào Trung Nam Bắc”. VHTC khởi xướng nhiều ý tưởng trong nghiên cứu phê bình văn học cổ: kết hợp triết học phương Đông và chủ nghĩa lãng mạn, tượng trưng phương Tây trong bình giảng văn chương đưa đến nhiều góc nhìn mới về Truyện Kiều. Phác thảo của Tản Đà về phương thức và nội dung của bộ sách phong dao ngạn ngữ Việt Nam là những gợi dẫn gửi gắm cho thế hệ khảo cứu, biên soạn tương lai (Một thứ sách nên có trong quốc văn, Nguyễn Khắc Hiếu, VHTC số 48, 4/8/1934).
Tuy không bề thế như Nam Phong tạp chí, song VHTC với danh xưng một tờ báo chuyên khảo về văn chương đã làm khá tròn vai phận sự đối với sự phát triển của quốc ngữ và quốc văn. Những nội dung về ngôn ngữ văn tự, dịch thuật, từ điển, văn phạm nghiêm ngắn trên VHTC có giá trị tư liệu học thuật đáng tham khảo đối với những tạp chí chuyên ngành văn học sau này.
2. Văn học tạp chí với việc bảo tồn và phát triển tinh hoa văn hóa, văn học truyền thống
Chủ trương tồn cổ, bảo tồn Nho học là chiến lược thống nhất, xuyên suốt trên VHTC. Trước hết là việc tôn vinh giá trị, vẻ đẹp của những áng văn thơ kinh điển, những tài năng văn chương xuất chúng trong kho tàng “quốc hoa” dân tộc. Có thể điểm qua một vài bài khảo cứu văn chương cổ trên VHTC như: Lược khảo về văn học sử nước ta của Hải Lượng từ số 5 đến số 10, Ảnh hưởng của Lão giáo tới thi ca nước ta của Trần Khánh Giư (VHTC số 5, 15/10/1932), Thơ vịnh sử Nguyễn Cảnh Dị thời Trần (VHTC số 41, 09/6/1934), nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp văn học của các tác giả Cao Bá Quát, Cao Bá Nhạ (Thân thế và văn chương hai ông họ Cao, VHTC số 5, 15/10/1934), Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Công Trứ (VHTC số 6, 1/11/1932), Tôn Thọ Trường và Phan Văn Trị trong Hai nhà thi sĩ ở Nam Kỳ về đời Tự Đức (VHTC số 6, 1/11/1932), Thơ vịnh sử của ông Phạm Ngũ Lão (VHTC số 45, 7/7/1934), Cụ Nguyễn Huy Tự tác giả chuyện Hoa tiên (VHTC số 53, 08/9/1934), khảo cứu về Cụ Đào Duy Từ (VHTC số 54, 15/9/1934). Phụ trách mục Quốc văn bình giảng, Chú thích những áng văn cổ, Dương Bá Trạc và Dương Quảng Hàm dùng sở học của mình chú giải cho nhiều tác phẩm văn học trung đại như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, Tự tình của Cao Bá Nhạ. VHTC đã đăng lại tác phẩm và những giai thoại văn học của nhiều nhà thơ trung đại như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Đào Duy Từ, Cao Bá Quát, Phan Thanh Giản… Đối tượng của văn học hiện đại được VHTC ghi nhận cũng phải là những cây bút xuất thân Hán học thuần thục quốc văn như Nguyễn Bá Học, Tản Đà Nguyên Khắc Hiếu, hoặc là văn sĩ Tây học trân trọng truyền thống nho phong như Vũ Trọng Phụng.
VHTC lựa chọn tiểu thuyết lịch sử là thể loại trọng tâm, đăng dài kỳ trên hầu hết số báo. Hoa Lư kết nghĩa của Dương Bá Trạc đăng từ số 1 đến số 19, số 21-50, số 54, 58, 61, 65, 66. Cũng như Nguyễn Tử Siêu, Dương Bá Trạc đến với tiểu thuyết lịch sử một sự khích lệ, một niềm tin từ ký ức mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước đau thương mà kiêu hùng của dân tộc. Đọc Hoa Lư kết nghĩa có thể thấy lịch sử trong nhãn quan tác giả là dạng chính sử đã được mặc định. Người viết coi các diễn ngôn/tự sự lịch sử ra đời trước đó là điểm tựa duy nhất7. Nhân vật Đinh Bộ Lĩnh được xây dựng chân thực, gần gũi bằng bút pháp tả thực. Kể lại những câu chuyện lịch sử trong tình cảnh đất nước trở thành thuộc địa, vào thời điểm truyền thống văn hóa - lịch sử của dân tộc đang có nguy cơ bị lãng quên trước văn hóa ngoại lai, VHTC không chỉ nhằm tôn vinh lịch sử nước nhà mà còn muốn khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Ở một mức độ nhất định, đây là “hình thái mới của văn chương yêu nước”8.
Từ điểm nhìn Nho học, VHTC luôn nỗ lực gia cố cho nền tảng đạo đức truyền thống. Cảnh báo tác hại của tiểu thuyết lãng mạn: “cái bả của tiểu thuyết tình” là nguyên nhân của nạn thanh niên tự sát, phụ nữ ly dị, Dương Bá Trạc đặt câu hỏi cho “các nhà Pháp học, các nhà Nho học, các nhà viết sách nước ta” trong “cái cảnh huống giao thời của sách vở quốc văn”, thực trạng “thiếu sách giáo khoa, sách khảo cứu”, còn các sách “duyên, mộng, tình, sầu” ở nhà xuất bản lại lan tràn “in không hết”9, Dương Bá Trạc bày tỏ sự kì thị với các tác phẩm mà ông cho là “văn nhảm”, tức các cuốn sách “chiều theo cái thị dục xấu xa mà múa bút vẽ ra những câu văn khêu gợi dục tình, cổ động thói xấu”10, phê phán thứ văn chương giải trí, châm biếm của Phong Hóa, báo Loa là thứ “văn nhảm”, “xỏ xiên”, “lông bông”. Trước sự công kích trực diện của giới Tây học khi quyết liệt đả phá, bài xích Nho giáo và Khổng học, châm biếm “sự thất bại của phái trung dung” bằng tiếng cười trào phúng, đây là một cách phản ứng của giới trí thức Nho học trước hiện trạng văn hóa Tây phương đang hiện hữu ngày một sâu rộng trong đời sống và văn chương.
3. Văn học tạp chí với vai trò góp phần thay đổi định vị bản đồ báo chí văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX
Là một trong những đại diện cuối của tầng lớp Nho học trên hành trình hiện đại hóa báo chí văn chương Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, VHTC đã từng bước chuyển mình linh hoạt để thích ứng với thời cuộc. Sự đổi mới trước hết là về hình thức. Ban đầu VHTC là dạng báo sách giống Nam phong tạp chí với số trang khá dày, đánh số liên tiếp để tiện cho việc đóng sách sưu tập của độc giả. Bốn số đầu đều 120 trang với giá quốc nội 4$00/12 tháng, 2$10/6 tháng, sau đó giảm còn 60 trang dưới hình thức bán nguyệt san từ số 5 (10/1932) đến số 33 (01/3/1934) với giá lẻ 0$18. Sang năm thứ 3, từ số 34 (21/4/1934) cho đến cuối cùng số 75 (13&20/4/1935), VHTC đã rút ngắn xuống 20 trang với giá 4 xu, giá báo nửa năm 1$00, cả năm 2$00, xuất hiện với một hình thức gọn gàng, năng động hơn trước khá nhiều.
Sự đổi mới về nội dung thể hiện ở việc thêm nhiều đề mục mới. Phần Tin tức thế giới và việc trong nước nhằm cập nhật thời sự đến độc giả. Mục truyện cười, văn trào phúng đăng tải nhiều sáng tác kịch đặc sắc của Vũ Trọng Phụng như hài kịch Tài tử từ số 48 đến số 57, dân sinh bi kịch ba hồi Không một tiếng vang từ số 61 đến số 65. Mục phê bình văn học nước ngoài với chuyên khảo dài kỳ Văn học lãng mạn của Lê Tràng Kiều từ số 55 đến số 58 đã giới thiệu các trường văn học lãng mạn Pháp, khởi nguyên văn học lãng mạn, cùng các tác giả tác phẩm tiêu biểu của văn học lãng mạn Pháp. Phụ lục quảng cáo, bên cạnh giới thiệu các sách của Đông Tây ấn quán, số 38 còn quảng bá cho cả tạp chí Phụ nữ thời đàm.
VHTC đã tự chuyển biến, tự đổi mới để nới rộng khuôn khổ tư tưởng Nho gia vửa kéo gần khoảng cách với con đường canh tân của giới Tây học. Bài của Dương Bá Trạc trên VHTC số 35 xây dựng hình tượng Cô Thục Viên như một lời đối thoại khích lệ động viên với báo chí văn học nữ, thể hiện sự ủng hộ đối với phong trào phụ nữ (tr.17- 18): Thục Viên tân nữ sĩ vừa giỏi Hán văn vừa tinh thông Pháp ngữ, viết văn, làm báo “để giúp ích cho người đọc” hiểu về “bình quyền, giải phóng, tự do”, “nhiệt tâm cải cách... bạo dạn cắt tóc ngắn, không đeo hoa tai, không mặc yếm, sáng chế ra kiểu quần áo gọn gàng sinh sắn... bằng các loại lụa the nội hóa vừa vệ dưỡng thân thể, lại tiện lợi có ích, vẫn không mất đi vẻ đẹp”, đạp xe, cầm máy ô tô vẫn thanh lịch, khỏe khoắn, “chú trọng về chức nghiệp: nữ công, gia chánh tinh tường”, “ham thể thao... cùng đồng chí lập trường phụ nữ thể dục”, “chủ trương một tờ báo... lập hội phụ nữ chức nghiệp giúp chị em bạn gái”. Tác giả gửi gắm hi vọng vào tương lai của phong trào phụ nữ bởi “tin vào cái tài đức, cái kiến thức, cái nghị lực” của phụ nữ tân thời trong nước. VHTC bắt đầu quan tâm hơn đến vấn đề phụ nữ thể dục, đưa ra đánh giá những bộ môn đánh cầu, đá bóng đua xe đạp... chỉ phù hợp với “các bà các cô bậc phong lưu phú quý” nơi thành thị. Đối với phụ nữ bình dân hạng “trung gia sĩ hạ” không có điều kiện tập tành như các “bà đầm” thì chỉ cần hiểu được ý nghĩa của thể dục, áp dụng vào những công việc “giồng giọt, tơ tằm, canh cửi, xay xáo” hàng ngày để điều tiết làm có chừng mực, không lao lực quá, cũng không ngồi rỗi, với một tinh thần vui vẻ chứ không “tất bật”, “hì hục” như việc khổ sai11.
Bên cạnh việc xiển dương văn học cổ, trên VHTC từ năm thứ ba bắt đầu có những động thái ủng hộ những sáng tác văn chương theo lối mới. Số 45 (ngày 07/7/1934) đăng bài của Ngô Ngọc Kha: “Phê bình Nửa chừng xuân của Khái Hưng”. Với cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Tự lực văn đoàn, cũng là cuốn tiểu thuyết lãng mạn đầu tiên trong văn học hiện đại Việt Nam, nhà phê bình này khẳng định “Nửa chừng xuân là cuốn tiểu thuyết rất có giá trị về phương diện tư tưởng, cũng như về phương diện văn chương”, “ông Khái Hưng đã làm chọn [trọn] cái thiên chức ấy”, đó là thiên chức của “nhà giáo dục cũng như thiên chức của nhà làm văn. Với xu thế phát triển của thể loại phóng sự tiểu thuyết, VHTC cũng bày tỏ sự tán thưởng các nhà văn phóng sự tiểu thuyết: Tam Lang Vũ Đình Chí từ một nhà cổ văn đã “giở kịp ngay ngòi bút cho hợp thời” để viết nên thiên phóng sự “xuất sắc” Giọt lệ sông Hương về “đời phu xe và bọn giang hồ ở Huế”. Bài đăng của Ngô Quỳnh nhận xét phóng tự tiểu thuyết là “món hàng đương đắc dụng trong văn phẩm của ta” và “làng báo quốc dân cần phải có nhiều cây bút như Tam Lang, Việt Sinh, Vũ Trọng Phụng”12.
VHTC nhận thức khi “thời cuộc đã đổi thay”, đối tượng của sách báo không chỉ cho người học rộng mà phải “cung ích cho bình dân”, hướng đến “người nhà quê trong các làng và người thợ trong các xưởng”. Báo chí, văn chương không thể “nục nạc, nặng nề những điển tích, những chữ nho như xưa được nữa”, không thể “mũ cao áo dài, chĩnh chiện, bệ vệ như những ông quan lớn”, mà “phải mới, phải bạo, phải dễ hiểu, phải thực thà như một cô thợ hay một cô gái quê”, phải “giúp ích được cho sự phổ thông trí thức trong quần chúng”. So sánh khác biệt chứ không nói đến hơn kém giữa các sách trong bộ Nam Phong tùng thư với cuốn phê bình của Thiếu Sơn, tiểu thuyết của Khái Hưng, giữa thơ mới với văn vần của các thi sĩ từ Nguyễn Khắc Hiểu trở về trước có thể khẳng định một cách “quyết đoán” rằng “ta đã bước sang một thời kỳ văn học mới, thời kỳ này phải là thời kỳ của văn sĩ và thi sĩ thanh niên”13. Số VHTC ngày 20/4/1935 có đăng thông báo: từ ngày 18/5/1935 sẽ “hoàn toàn thay đổi về hình thức cũng như về tinh thần để sứng đáng là cơ quan hoạt động cho văn học ngày nay”, người phụ trách cũng có thay đổi, thêm “một bạn trẻ mới” cùng với ông D. T. Quán chủ trương”. Nhưng một ấn bản chuyên khảo văn chương hứa hẹn thể hiện được “quan niệm và su hướng của bọn trẻ mới chúng ta về văn học” đã không kịp ra đời bởi số 75 (20/4/1935) là số báo cuối cùng khép lại hành trình của VHTC.
Sự thất thế của VHTC có phải là một hiện tượng tất yếu trên tiến trình hiện đại hóa báo chí văn học ngôn ngữ? Bản thân những cây bút chủ trương VHTC cũng đã chua chát nhận thức thực tế khi thời của những tờ báo “đứng đắn, chuyên mặt khảo cứu học hành” như Nam phong, những cuộc luận chiến triết học sôi nổi thời Phan Khôi, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh “thu hút vài ba ngàn người đọc” trên Phụ nữ tân văn đều đã là dĩ vãng. Những loại sách khảo cứu như Nho giáo của Trần Trọng Kim thì “ế chẩy ra”, còn các tiểu thuyết ngôn tình, trinh thám thì “in ra bao nhiêu cũng hết”14. Trong thời buổi báo chí cạnh tranh, “dẫn dắt người đọc từ sự học đến sự giải trí”, VHTC dù có nỗ lực chuyển mình song vẫn không thể thay đổi được cục diện “kém độc giả”, dần đi đến ngày đình bản. Từ cuối năm thứ 3 (1934), bút trận giữa “phái thanh niên” và “phái lão thành” đi đến hồi chung cục với thắng lợi dành cho “những văn sĩ thanh niên được quốc dân yêu chuộng”. Lời khẳng định: “Trong văn học cũng như trong trường chính trị ngày nay, thanh niên đã chiếm được một địa vị quan trọng... đã gây nên được trong văn học sử nước nhà một trào lưu mới mẻ, rõ ràng” đăng trong bài Địa vị thanh niên trong văn học ngày nay trên VHTC số 62 (17/11/1934) thể hiện thái độ ngầm chấp nhận thực tại của một thế hệ Hán học đang đi những bước cuối cùng trước ngưỡng cửa hiện đại của báo chí văn học dân tộc.
Mô hình VHTC là cáo chung cho kiểu loại báo chí do các tri thức xuất thân Nho học lĩnh xướng, cũng là những nỗ lực cuối cùng của cả một thế hệ cựu học, khởi đầu từ việc dựng xây nền móng quốc văn của Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Ngô Đức Kế... đến anh em Dương Phú Thị, Nguyễn Tử Siêu, sau này là nhóm Tri Tân, Thanh Nghị. Dù đã cố gắng có những bước chuyển mình mạnh mẽ song song họ vẫn theo quán tính ý thức hệ truyền thống như một chấp niệm không bao giờ buông bỏ. VHTC thể hiện một cách ứng xử của giới Nho học trong tình thế thuộc địa, tuy có phần cực đoan song có thể thấy được sự kiên định, nhiệt huyết của cả một thế hệ trí thức.
Ngưỡng cửa hiện đại hóa của văn học báo chí quốc ngữ Việt Nam những năm 30 của thế kỷ XX ghi dấu ấn của cả hai tầng lớp trí thức Hán học và Tây học. Những thành kiến nặng nề từ cả hai phía đã tạo nên nhiều trận bút nảy lửa, thổi bùng lên cuộc xung đột của hai ý thức hệ khác biệt, không thể phân cao thấp, đúng sai. Nhìn lại vấn đề tranh luận trên báo giới giai đoạn này không khó nhận ra nhiều điểm gặp gỡ tương đồng giữa họ. Đó là chủ trương dùng tiếng Annam, chữ quốc ngữ làm lợi thế cho công cuộc giáo dục, chấn hưng quốc học, quốc ngữ, quốc văn. Đó còn là quan niệm “không cần công danh, chỉ cần sự nghiệp”15. Từ thời điểm bước theo con đường Đông Kinh Nghĩa Thục, Dương Bá Trạc và những anh em đồng chí của mình đã khước từ lối mòn công danh theo truyền thống Nho gia, dùng cả cuộc đời dấn thân, thực nghiệp không mệt mỏi cho lý tưởng, trong đó hoạt động báo chí văn chương chỉ là một trong nhiều phương thức để đóng góp tâm sức cho quốc gia, dân tộc.
Hành trình hiện đại hóa báo chí văn học dân tộc không phải là những bước một hai thẳng tắp mà công cuộc chuyển giao đầy trắc trở, quanh co, có sự do dự, ngập ngừng cùng quyết tâm đoạn tuyệt, có bước tiến có thụt lùi, có mâu thuẫn và hòa giải, có thành công có thất bại. Sự tồn tại của VHTC có ý nghĩa nhất định đối với sự phát triển của công cuộc phổ biến chữ quốc ngữ, phát triển nền quốc văn và bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. VHTC góp phần vào việc thay đổi định vị trên bản đồ báo chí, văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX: giới Nho học từ vị trí trung tâm dần lui bước ra vòng ngoại biên, nhường lối cho giới trí thức Tây học từ 1934 từng bước tiến vào vị trí trung tâm tạo nên một phong trào cách tân văn học, đồng thời là một phong trào cách tân văn hóa, cải cách xã hội Việt Nam hiện đại.
Tài liệu tham khảo:
1. Cao Việt Dũng (2011): “Báo chí văn chương đầu thế kỷ XX tại Việt Nam, nhìn nhận từ cấp độ mô hình”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7, tr. 74-91.
2. Đoàn Ánh Dương (2011): “Các nhà hoạt động văn hóa đầu thế kỷ 20: trường hợp Dương Bá Trạc”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 12, tr. 34-48.
3. Phạm Ngọc Lan (2000), “Dương Bá Trạc”, trong Từ điển văn học (bộ mới), NXB Thế giới, tr. 352-354.
4. Dương Tụ Quán (1945), Dương Bá Trạc tiểu sử và thơ văn, NXB Đông Tây.
5. Nguyễn Quyết Thắng và Nguyễn Bá Thế (2013), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (bộ mới), NXB Văn hóa thông tin.
6. Chương Thâu (2004), Dương Bá Trạc – con người và thơ văn, NXB Phụ nữ.
7. Huỳnh Văn Tòng (2000), Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
Chú thích
1 Tổ chức văn học do Nhất Linh Nguyễn Tường Tam khởi xướng vào năm 1932, chính thức trình diện ngày 2 tháng 3 năm 1934 (theo tuần báo Phong Hóa số 87). Những thành viên trụ cột của nhóm là Khái Hưng Trần Khánh Giư, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, Thạch Lam Nguyễn Tường Lân. Hoạt động của Tự lực văn đoàn gắn với tạp chí Phong Hóa, Ngày Nay và nhà xuất bản Đời Nay, cùng các ấn phẩm nổi bật như sách Lá Mạ, sách Hồng, Nắng Mới…
2 Nhóm này gắn liền với tên tuổi Vũ Đình Long (19/12/1896-14/8/1960) là kịch tác gia đầu tiên và là nhà hoạt động xuất bản, văn hóa lớn của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Hoạt động của nhóm Tân Dân gắn liền với tạp chí Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Ích Hữu, Truyền bá, Tao Đàn và hai tủ sách: Tủ sách những tác phẩm hay và Tủ sách Tao Đàn.
3 Đông Dương tạp chí do Nguyễn Văn Vĩnh điều hành, được sự tài trợ của chính quyền thuộc địa, mỗi tuần ra một số, có sự tham gia công tác của những cây bút xuất sắc nhất về Tây học lúc bấy giờ, như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn và những cây bút xuất sắc về Nho học, như Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục.
4 Nam Phong tạp chí ra đời vào năm 1917, do Louis Marty, thanh tra mật thám Đông Dương sáng lập. Trong đó, Phạm Quỳnh phụ trách về phần chữ Quốc ngữ, Nguyễn Bá Trác chịu trách nhiệm về phần chữ Hán. Tạp chí tập hợp được nhiều cây bút xuất sắc lúc bấy giờ, như Nguyễn Bá Học, Lê Dư, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Hữu Tiến…
5 Hoài Nam: “Ta nên làm văn lối nào?”, Văn học tạp chí số 11, ngày 15/1/1933, tr. 68.
6 Vũ Ngọc Phan: “Tây học đã ảnh hưởng đến quốc văn tới bực nào?”, Văn học tạp chí số 18, ngày 01/6/1933, tr. 473.
7 Trần Đình Sử: “Về tiểu thuyết lịch sử”, in trong Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ, tập 1, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2016, tr. 21-28.
8 Vũ Đình Liên, Đỗ Đức Hiểu, Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý, Trương Chính, Lê Thước, Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, tập 3, NXB Xây dựng, 1957, tr. 241.
9 Dương Bá Trạc: “Không có sách cũng tội , có sách cũng tội”, Văn học tạp chí số 37, ra ngày 12/5/1934.
10 Dương Bá Trạc: “Cái hại đọc văn nhảm”, Văn học tạp chí số 35, ra ngày 28/4/1934.
11 Dương Bá Trạc: “Cái vấn đề thể dục của đàn bà con gái ta bây giờ”, Văn học tạp chí số 51, ra ngày 25/8/1934.
12 Ngô Quỳnh: “Món hàng đương đắc dụng trong văn phẩm của ta - Văn phóng sự”, Văn học tạp chí số 62, 17/11/1934, tr. 4.
13 Tuyên Thanh: “Tường thuật cuộc nói chuyện của ông Lê Tràng Kiều về địa vị thanh niên trong văn học ngày nay”, Văn học tạp chí số 63, ra ngày 24/11/1934, tr. 3.
14 Tài Phúng: “Bộ máy tri thức ở xã hội ta”, Văn học tạp chí số 59, ngày 20/10/1934, tr. 6.
15 Hoàng Đạo (1976, in lại), Mười điều tâm niệm, NXB Xuân thu, tr. 64.