Nguyễn Đình Thi là người Hà Nội gốc chính hiệu, chính hiệu đến mức mất luôn quê, bởi cái làng quê gốc của ông nằm kề bên Hồ Gươm từ lâu đã mang tên… phố Bà Triệu! Người Hà Nội gốc ấy 40 năm trước đã trở thành bố dượng tôi. Hà Nội và bài hát Người Hà Nội đương nhiên được nhắc nhiều trong chuyện đời, chuyện nghề mà ông rủ rỉ kể mỗi khi hai bố con có dịp thả bộ trên đường phố Moskva trong những chuyến công du của ông, cũng vì mải chuyện mà không ít lần cứ loanh quanh con tiễn bố về khách sạn rồi bố lại tiễn con ngược về ký túc xá sinh viên. Lúc tốt nghiệp về nước còn hoang mang ngơ ngác chưa biết phải hành nghề thế nào trong cuộc sống bộn bề thời mở cửa, tôi hay theo bố lượn vòng quanh Hồ Tây. Hồ Tây của thập niên 80 vẫn mênh mang, nhiều chỗ còn hoang vu dân dã. Ngồi sau trên chiếc Peugeot già nua, tôi lại nghe bố kể chuyện đời, chuyện Hà Nội thời xa vắng. Đâu ngờ một đoạn đường ven hồ sau này mang tên ông - nhà văn Nguyễn Đình Thi. Cũng đâu ngờ những câu chuyện không đầu không đuôi ngày ấy lại là kỷ niệm quý giá về người cha có ảnh hưởng vô cùng lớn tới tôi. Lục tìm trong ký ức xa vời những gì liên quan đến Người Hà Nội, tôi nhớ nhất lời dặn về câu kết mà ông còn nhắc cho đến những ngày cuối đời: “Người Hà Nội không có từ “chiến thắng”, con nhớ nhé!”. Đó cũng là điều khiến tôi day dứt một khi ca khúc vẫn chưa được hát đúng với nguyên gốc như di nguyện của người đã khuất.
Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi
Một bài hát dài hơi đòi hỏi kỹ năng sáng tác nhất định ở người viết. Một trường ca đa sắc thái đòi hỏi bản lĩnh thể hiện và kỹ thuật thanh nhạc ở người hát. Song tác giả của nó lại chẳng bao giờ xưng danh nhạc sĩ mà chỉ tự nhận mình là một “tay ngang” sáng tác theo cảm xúc bản năng. Đã có lần tôi thử vặn hỏi ông về khúc thức nhưng ông vẫn không chia sẻ chút gì dính dáng đến học thuật để tôi có thể dựa dẫm cho bài viết này.
Muốn phân tích tác phẩm ư, chẳng còn cách nào khác là thả mình trôi theo dòng chảy giai điệu… Và rồi tôi cũng tự “chốt”: chia trường ca thành ba phần theo các chức năng mở bài - phát triển - kết bài, trong đó mỗi phần là một tổ hợp từ ba đoạn nhạc trở lên. Phần đầu miêu tả quá khứ linh thiêng, truyền thống hào hùng, nhịp sống sinh động, còn phần giữa và phần cuối là bức tranh chiến đấu trong hiện tại và chiến thắng trong tương lai. Hãy cùng hát lại giai điệu từng phần, từng đoạn nhạc để từ toàn cảnh Hà Nội thấy được bức tượng đài bằng âm thanh của người Hà Nội.
1. Phần đầu: quá khứ và thực tại
Đoạn 1- “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây” (8 nhịp): những tên sông, tên hồ đặc trưng Hà Nội được ngân nga trong các quãng 4 và 2 trên các âm d-e-g. Thắm thiết dịu dàng, giai điệu dâng lên âm khu cao hơn, rồi dàn trải trên các âm trì tục với các tên gọi xưa và nay của Thủ đô: “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”. Từ chùm tên gọi này hình thành một “motif lời ca” về sau còn xuất hiện trong không ít ca khúc của các nhạc sĩ khác. Có lẽ đây là lần đầu tiên địa danh “Hà Nội” được hát lên trong âm nhạc.
Đoạn 2- “Hà Nội cháy” (8 nhịp): không còn mặt nước sâu lắng long lanh. Hà Nội ngàn năm linh thiêng bỗng chìm trong khói lửa. Nhắc lại là thủ pháp đơn giản được tận dụng, ở đây lặp lại không chỉ một âm mà còn cả tiết nhạc (“Hà Nội vùng đứng lên”) để nhấn mạnh ý chí kiên cường của người Hà Nội. Xuất hiện các quãng nhảy rộng và những nốt ngân dài dành khoảng trống cho nhạc cụ diễn tấu. In sâu trong tâm trí tác giả là hình ảnh Thủ đô nhìn từ trên cầu Long Biên vào đêm 19/12/1946, khởi điểm cuộc kháng chiến trường kỳ: “Hà Nội hồng, ầm ầm rung”. “Chỗ này phối khí cần có tiếng ùng ùng đại bác con ạ” - bố tôi đã hình dung như thế ngay từ khi viết giai điệu, tư duy khí nhạc đấy chứ đâu!
Đoạn 3- “Hà Nội đẹp sao” (8 nhịp): một Hà Nội yên bình với giai điệu đằm thắm dịu dàng ở điệu thứ cùng tên (g moll). Trong màu sắc mới do pha trộn điệu tính thứ và trưởng, đoạn này vẫn duy trì cách lặp lại âm xen kẽ bước nhảy xa. Lại lần nữa giai điệu nổi lên mạnh hơn, cương quyết hơn với “ngàn nguồn sống tràn đầy dâng” để chuẩn bị cho tiết tấu rộn ràng ở đoạn sau.
Đoạn 4- “Hà Nội vui sao” (12 nhịp): nhắc lại nét nhạc đầu đoạn trước nhưng chuyển sang giọng trưởng cùng tên. Từ đoạn này, cấu trúc cân phương bắt đầu bị phá vỡ. Bên cạnh các âm trùng còn điểm thêm dấu lặng cắt rời tuyến giai điệu. Một Hà Nội khác, rất đời, sống động với hàng loạt tên cửa ô, tên chợ, tên phố: Ô Chợ Dừa, Đồng Xuân, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai…
Đoạn nối- “Ôi tha thiết” (5 nhịp): đặt “dấu chấm” kết trọn ở điệu tính chính (G dur) cho phần đầu. Lúc đầu bài hát chỉ viết tới đây, rồi kết thúc bằng nhắc lại mấy nhịp mở đầu. Phiên bản đầu tiên mang tên Bài hát của một người Hà Nội được in trên Báo Cứu quốc Tết 1947 để gửi tặng các chiến sĩ Trung đoàn Quyết tử của Thủ đô. Cuối năm 1947, bài hát được nối tiếp thêm hai phần còn lại, khởi đầu một hình thức quy mô lớn cho nền ca nhạc cách mạng.
2. Phần giữa: thực tại và tương lai
Đoạn 5 (9 nhịp) - “Một ngày thu”: hành khúc chiến thắng trở về có “trích dẫn” câu mở đầu Quốc ca: “Đoàn quân Việt Nam đi”, niềm tin vẫn mạnh mẽ trong lòng người Hà Nội.
Đoạn 6 (8 nhịp) - “Ngày ấy”: tiếp tục trào dâng cảm xúc ngợi ca, giai điệu mở rộng thành khúc khải hoàn cho ngày trở lại “soi bóng sông Hồng Hà”.
Đoạn 7 (10 nhịp) - “Hà Nội cháy”: để có được “ngày ấy” thì trời Hà Nội phải đỏ máu. Không còn những nốt ngân dài khi nhắc lại hình ảnh “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời, Hà Nội ầm ầm rung”, truyền thống quả cảm quyết bảo vệ mảnh đất thiêng đang được tiếp nối. Với tiếng gọi vùng lên, tiếng thét xung phong đầy kịch tính, giai điệu hành khúc được đẩy dần lên nốt cao nhất (g1), đó cũng là cao trào của toàn bài. Âm nhạc đã ghi lại sự kiện lịch sử còn nóng hổi năm 1946: Hà Nội trong những ngày quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Đoạn nối (8 nhịp) - “Bụi hè đường”: gồm hai câu nhắc lại có thay đổi để chuyển từ hình ảnh thời sự của phần giữa sang phần cuối vẽ tiếp giấc mơ “ngày mai sáng láng”. Chuyển đổi nhịp 4/4 sang 2/4 cũng là để chuẩn bị cho sự xuất hiện nhịp điệu mới của phần cuối.
3. Phần cuối: hoàn toàn hướng tới tương lai
Ba đoạn đơn tái hiện aba’ (8+8+13 nhịp)- “Này lớp lớp người đi”: hình thức độc lập, cấu trúc rành mạch, một vũ khúc uyển chuyển bay bổng trên nhịp 6/8 theo một âm hình tiết tấu chủ đạo. Ngay những ngày đầu kháng chiến mà người ra đi đã ca khúc khải hoàn cho “mai này”. “Bát ngát… mênh mang…”, giai điệu dịu dàng lâng lâng trong giấc mơ ngày vui trở về của người Hà Nội.
Bài hát phát triển liên tục như con sông chỉ chảy xuôi dòng qua các cảnh tượng khác nhau của Hà Nội và cảm xúc khác nhau của người Hà Nội. Tính ngẫu hứng tạo nên kết cấu tự do cho trường ca - một hình thức được yêu thích trong giai đoạn kháng chiến. Thủ pháp nhắc lại được tận dụng chỉ trong “nội tại” mỗi đoạn chứ không sử dụng vào chức năng tái hiện như thường thấy ở cấu trúc ba phần. Sự nhắc lại trong phần giữa vài nhịp của phần đầu (“Hà Nội cháy… ầm ầm rung”) mang ý nghĩa phát triển chứ không phải tái hiện. Thoái thác nhiệm vụ tái hiện, phần kết “tung” ra chất liệu hoàn toàn mới cả về nhịp điệu, đường nét giai điệu, tính chất âm nhạc. Có lẽ chỉ một yếu tố được “tái hiện”, đó là tính vuông cân của ba đoạn đầu bài lại được dùng cho hai đoạn (ab) của phần cuối.
Tính phát triển cao nhất đương nhiên thuộc phần giữa, nơi đa số các đoạn không còn giữ số nhịp vuông cân. Tính hành động ở đây mạnh hơn các phần còn lại chủ yếu nhờ nhịp điệu hành khúc và khoảng âm mở rộng tới đỉnh điểm. Tuy nhiên, màu sắc hòa thanh phần giữa lại khá ổn định với chủ âm xuất hiện nhiều ở đầu và cuối tiết nhạc hoặc câu nhạc, thậm chí đỉnh cao trào cũng ở chủ âm, dường như đó là cách củng cố cho niềm tin thêm vững chắc.
Với các đoạn nhạc khác nhau về nhịp điệu, tốc độ, điệu tính và tâm trạng, bức tranh Thủ đô thật đa sắc: có quá khứ linh thiêng của “hồn núi sông ngàn năm”, có thực tại đời thường “tíu tít gánh gồng”, rồi hào hùng theo tiết tấu hành khúc, để dâng lên cao trào “khói lửa ngút trời”. Và cuối cùng, có cả tương lai trong vũ điệu duyên dáng, trong cái kết mênh mang, đẹp như mơ của người vừa ra đi đã tiên tri ngày về…
Trong 3/4 thế kỷ có mặt trong nhiều chương trình ca nhạc lớn nhỏ, Người Hà Nội có nhiều phiên bản không chỉ phối khí cho phần đệm mà còn chuyển soạn cho nhạc không lời. Phiên bản đầu tiên cách đây 75 năm khá đặc biệt: bài hát hoàn thành chỉ phần đầu được thu âm tại đài phát thanh ẩn náu trong một cái hang gần chùa Trầm (Hà Đông) qua giọng hát của tác giả với phần đệm banjo, điểm thêm tiếng thìa gõ lên bàn của hai người Đức hàng binh. Người đầu tiên phối khí phần đệm dàn dây kiêm nhạc trưởng của buổi công diễn tại chiến khu năm 1948 là nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Năm 1951, Người Hà Nội “xuất ngoại” tham dự Festival Thanh niên thế giới tại Berlin và lần đầu được chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng, có lúc được dàn nhạc chơi như tác phẩm không lời, có lúc dàn nhạc đệm cho tác giả hát.
Phần đệm piano chỉn chu công phu của Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Hữu Tuấn được dịch chuyển cao lên nửa cung (As-dur) để phù hợp với giọng của Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ Bình - đây là nghệ sĩ hát Người Hà Nội được tác giả ưng ý nhất.
Ông cũng rất thích bản chuyển soạn cho độc tấu guitare của Văn Vượng. Lần đầu nghe Văn Vượng trình tấu, ông đã ôm nghệ sĩ, cầm tay nghệ sĩ khiếm thị đưa lên mắt mình để biết rằng ông đang khóc…
Còn nhiều phiên bản mà tác giả không kịp nghe: bản chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng của Gostev, hợp xướng bốn bè à capella của Nguyễn Lân Cường, bản phối khí cho giọng soprano và dàn nhạc hai quản của Trần Mạnh Hùng… và mới nhất (được công diễn cuối năm 2022) là bản song tấu violoncelle và dàn nhạc cũng của Trần Mạnh Hùng.
Xin có đôi lời trở lại cái kết. Sau gần 20 năm tác giả Người Hà Nội ra đi, tôi vẫn không thuyết phục được các nghệ sĩ hát như bản gốc. Nhiều người muốn kết bài hừng hực khí thế để khoe giọng, lại có người sợ bị coi là kém cỏi nếu âm cuối không dám “nhảy” lên đỉnh cao chót vót. Vẫn biết nghệ sĩ là người sáng tạo thứ hai, nhưng tránh được những thêm bớt không phù hợp với tinh thần tác phẩm và tính cách tác giả lại chẳng hơn ư? Còn nhớ Beethoven từng nói với một nghệ sĩ piano: “Tác phẩm của tôi được anh đàn rất hay, nhưng anh nên thông cảm cho tác giả vẫn muốn nghe tác phẩm của mình như nó được sinh ra”.
Cái kết bản gốc lãng mạn không khoa trương quả thực mới đúng với tính cách con người tác giả: nhẹ nhàng, nho nhã. Đây là thử thách không nhỏ cho người hát và người phối khí dàn dựng. Cần khoe kỹ thuật tốt thì đã có cao trào “Trời Hà Nội đỏ máu” rồi, và nên giữ đó là đỉnh điểm duy nhất trong toàn bài. Còn những nhịp cuối (ngân dài từ “về”) nên dành “đất” cho người phối khí. Với người bản lĩnh thì “kết lắng” còn sâu sắc, xúc động hơn kết rầm rộ, vẻ đẹp nội tâm còn mạnh mẽ hơn vẻ ngoài hoành tráng.
Để dễ so sánh, xin dẫn lại thí dụ mà tôi đã phải dẫn không ít lần:
Riêng tôi, khi đàn Người Hà Nội trên piano, sau nốt nhạc cuối “ngày về” (đương nhiên không có từ “chiến thắng” vút cao!), tôi luôn quay trở lại bốn nhịp mở đầu để kết bài. Mãi sau tôi mới biết mấy nhịp này cũng từng được tác giả nhắc lại cuối phần đầu trong phiên bản “sơ khai” trước khi viết thêm hai phần sau. Giai điệu mở đầu ấy quá đẹp, quá lung linh (đâu phải vô cớ mà câu mở đầu đã trở thành nhạc hiệu các đài phát thanh, truyền hình), nếu lại dùng làm câu kết cho toàn bộ tác phẩm thì hay biết bao! Như một dấu hiệu tái hiện, nét nhạc này có thể tạo thêm tính thống nhất cho một trường ca gồm nhiều đoạn khác nhau. Hơn nữa, mọi sự kiện thời sự qua đi, cái còn đọng lại mãi là hình ảnh một Hà Nội thiêng liêng, một vẻ đẹp vĩnh cửu: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm”. Tiếc là tôi chẳng kịp nói điều này với bố tôi…