Bằng giọng nhẹ nhàng, chậm rãi hồi tưởng: “… nghĩ đến mẹ, dằn mình kìm nén, ngón tay em (anh xưng em với tôi - người viết) kịp dừng lại ở khoảnh khắc cuối cùng không siết cò khi họng súng đã chĩa thẳng sát đầu thằng đàn em phản bội. Nếu không, em đã trở thành kẻ sát nhân”, anh nói. Xuống giọng, câu nói cuối của anh như chìm hẳn trong tiếng lanh canh của chiếc muỗng chạm thành ly cà phê đã nguội ngắt từ bao giờ. Tôi chợt nhận ra mình đang đối diện, trò chuyện với một con người từng có “số má” đầy mình với hơn hai chục năm lăn lộn trong bùn lầy tội lỗi từ khi anh mới mười tuổi. Vậy mà nay anh đã trở thành tay máy khá nổi tiếng với hơn chục cuộc triển lãm ảnh cá nhân về mẹ, về sen nhân dịp lễ Vu Lan báo hiếu hàng năm để quyên tiền làm từ thiện. Những cuộc ảnh triển lãm của anh như thay lời sám hối, lời tri ân người mẹ thân yêu cùng những người thầy đã tận tình dạy dỗ anh về nhiếp ảnh - những người đã vực anh dậy, trả anh về với lương thiện, với cuộc sống tốt đẹp an lành hôm nay. Anh là Thành Xuân Anh (tên thật là Nguyễn Phước Thành), tác giả cuộc triển lãm với đề tài Lòng mẹ với 66 tấm ảnh chụp về sen. Triển lãm được tổ chức cũng để kỷ niệm 66 năm cuộc đời và 30 năm ngày anh bắt đầu cầm máy đã khai mạc ngày 22/4/2022 vừa qua tại Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc triển lãm đẹp cả về ý nghĩa và chất lượng nghệ thuật thật đáng được trân trọng.
Đến với nhiếp ảnh, mỗi người một con đường. Với nhiều người, nhiếp ảnh xuất phát từ niềm đam mê cháy bỏng nhưng với không ít người, nhiếp ảnh là kế sinh nhai và đặc biệt hơn nữa, nhiếp ảnh lại chính là con đường để dẫn dắt ai đó trở về với cuộc sống lương thiện. Trong số rất ít đó có anh. Thành Xuân Anh bắt đầu đến với nhiếp ảnh khi anh đã 34 tuổi. Tuổi không còn trẻ, anh bắt đầu làm quen với nhiếp ảnh bằng cách nghiêm túc ngồi vào ghế theo học khóa 1 nhiếp ảnh tại Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh năm 1992 chỉ hai tháng sau khi rời… cánh cổng nhà tù. Trong lịch sử giới nhiếp ảnh nước ta, từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, trường hợp như anh có lẽ chỉ có một. Trong khi không ít người sau khi rời cánh cổng nhà tù trước những khó khăn phải vượt qua để hòa nhập cuộc sống để rồi “ngựa quen lối cũ” chỉ một thời gian ngắn sau lại quay trở lại nơi đó thì anh đã chọn nhiếp ảnh làm kế sinh nhai và cũng để hoàn lương vì anh nhận thấy nhiếp ảnh là công việc có thể giúp anh có thể sống được và trở thành người lương thiện. Khả năng đưa con người trở nên lương thiện của nhiếp ảnh không mấy ai nói đến nhưng Thành Xuân Anh đã nhận ra điều này để dấn thân theo đuổi đến hôm nay. Có lẽ sự đối diện của ống kính trước cuộc sống dễ làm cho người cầm máy phân biệt phải trái cũng như khả năng nhận diện, tìm tòi cái đẹp trong cuộc sống. Nhiếp ảnh có thể từng bước dẫn dắt con người xa rời cái xấu, cái ác để đến với cái tốt cái đẹp, đến với những giá trị chân-thiện-mĩ. Nhiếp ảnh thực tế đã sở hữu một “sức mạnh mềm” có khả năng thay đổi cả một con người.
Có lẽ với tuổi ngoài ba mươi, thời gian đã giúp anh chín chắn hơn khi chọn việc học làm đầu khi đến với nhiếp ảnh. Trong năm 1992 anh đã học đủ 3 khóa Kỹ thuật, Nghệ thuật và tính Tư tưởng trong nhiếp ảnh của Hội Nhiếp ảnh Thành phố. Theo học bài bản nên phương pháp sáng tác và định hướng sáng tác của anh đã sớm thể hiện rõ nét, đó là hướng tâm, hướng thiện và có định hướng rõ ràng. Để trở thành người cầm máy chụp được những tấm ảnh đẹp về kỹ thuật, hay về nghệ thuật người cầm máy chỉ cần học qua hai khóa là tạm đủ nhưng để từng tấm ảnh hay cả bộ ảnh có chủ đề mang tính tư tưởng với định hướng rõ ràng, người đó phải học thêm “tính tư tưởng trong nhiếp ảnh”. Người đứng lớp giảng dạy khóa này thời đó là cố nghệ sĩ Lâm Tấn Tài - nguyên Tổng Thư ký Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Có lẽ những kiến thức, những triết lý cuộc sống thể hiện trong nhiếp ảnh được cố nghệ sĩ truyền cho thế hệ sau đã liên tục đơm hoa kết trái mà một trong số đó có những cuộc triển lãm ảnh hôm nay về mẹ, về sen mang tính triết lý về cuộc sống của Thành Xuân Anh. Với những suy ngẫm cô đúc lại qua những năm tháng sống chung với tội lỗi, được nhiếp ảnh “hướng thiện”, lấy những búp sen, đài sen làm biểu tượng anh thể hiện tấm lòng tưởng nhớ biết ơn vô hạn đối với người mẹ thân yêu và cũng như quyết tâm vươn lên trong cuộc sống - anh tâm sự. Vậy nhưng để có được thành quả trong nhiếp ảnh hôm nay, “em phải biết ơn người vợ trước đã từ Mĩ gửi về chiếc máy ảnh cơ Nikon FM2 và tám trăm đô để đi học nhiếp ảnh” - anh chia sẻ. Thật vậy, với nhiếp ảnh, bạn không thể thành công chỉ với trí tuệ và sức lực, mà phải có công cụ. Đó là chiếc máy ảnh cùng bao nhiêu phí tổn khi tìm tòi sáng tác. “Sự hỗ trợ đúng lúc của người thân thật giá trị với em” - Xuân Anh nói.
Cái hay của Thành Xuân Anh là sau hơn ba mươi năm cầm máy, khi nhiếp ảnh không còn là phương tiện kiếm sống hay theo đuổi đam mê đơn thuần mà là cách để anh làm từ thiện. Hơn một chục cuộc triển lãm về mẹ, về sen của anh được tổ chức những năm vừa qua cũng vì một mục đích: từ thiện. Làm từ thiện với Xuân Anh như một cách chuộc lại phần nào lỗi lầm của mình, như một cách tu nhân tích đức, như một cách thể hiện sự biết ơn đối với cuộc sống. “Khi còn bé, em không nhận ra lầm lỗi của mình để rồi phải nhận những trận đòn roi dạy bảo của mẹ. Mẹ đã đánh em gãy cả hai chục chiếc roi mà em vẫn chứng nào tật nấy để rồi nay khi mẹ không còn nữa, nhớ đến mẹ, nay em chỉ còn cách chụp sen để dâng lên hương hồn mẹ và với mục đích làm từ thiện. Thật đau xót khi mẹ mất, em vẫn phải ngồi trong tù” - giọng trầm buồn, anh hồi tưởng.
Ý nghĩa và mục đích những cuộc triển lãm của Xuân Anh thật đẹp nhưng tài năng sử dụng ánh sáng trong những tấm ảnh chụp sen của anh đã làm sen trở nên lung linh hơn, huyền ảo hơn. Ngoài ý nghĩa, ngoài đời đã đẹp nhưng sen thật sự đẹp hơn trong những tấm ảnh do Xuân Anh chụp. Ngắm nhìn những tấm ảnh, có thể bạn sẽ thấy sen đẹp đến ngỡ ngàng. Thật ý nghĩa khi Xuân Anh lồng ý hay, nét đẹp của lòng mẹ, sen với Từ thiện. Mỗi cuộc triển lãm ảnh của anh đều gắn với một mục đích cụ thể và lần này, cuộc triển lãm ảnh gắn với nhiếp ảnh mà địa chỉ cụ thể là góp phần tạo dựng quỹ phát triển nhiếp ảnh.
Đã từ lâu, kể từ ngày gắn bó với nhiếp ảnh và trở lại với cuộc sống bình yên, Xuân Anh luôn nhớ tới những người thầy - các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã truyền lại kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm cũng như ý tưởng trong sáng tác để anh có được một cuộc sống an lành, lương thiện hôm nay. Đó là các thầy Lâm Tấn Tài, Nguyễn Đặng, Phạm Kỉnh… mà trong số đó đặc biệt có thầy Lâm Tấn Tài, cố Tổng Thư ký Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Đến với Hội lần này, Thành Xuân Anh đặc biệt xúc động khi thấy tượng đồng của thầy được Hội quyên góp đúc nên và đặt tại vị trí trang trọng. Hơn thế, khi được biết về ý tưởng lập quỹ Lâm Tấn Tài để hỗ trợ những dự án phát triển nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, anh đã lập tức đề xuất thực hiện triển lãm để bán đấu giá ảnh sen với chủ đề Lòng mẹ lấy tiền ủng hộ quỹ. Cuộc đấu giá năm tấm ảnh về đề tài mẹ và sen của anh chỉ diễn ra trong khoảng hơn một tiếng đồng hồ nhưng đã thu được hơn một trăm triệu đồng cho quỹ. Thêm một việc thiện làm được trong cuộc đời Xuân Anh.
Triển lãm lần này với đề tài Lòng mẹ, những tấm ảnh về sen anh chụp và những khoản tiền dù lớn hay nhỏ thu được qua đấu giá để góp vào quỹ Lâm Tấn Tài sẽ như một dấu son thêm vào trang sách cuộc đời Thành Xuân Anh - một người cầm máy không chuyên nhưng lấy việc ca ngợi nét đẹp cuộc sống và lấy việc thiện làm mục đích sáng tác nghệ thuật.