Nhắc đến văn học đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nhắc đến một vùng văn học giàu tiềm năng, có bề dày truyền thống với một số gương mặt tiêu biểu ở những thế hệ cầm bút nối tiếp nhau được ghi nhận trong tiến trình văn học sử; có sức hấp dẫn, thu hút của một vùng văn hóa đặc sắc; có môi trường thuận lợi và lực lượng sáng tác khá đông đảo. Thế nhưng, cho đến nay, văn học ĐBSCL vẫn chỉ có vị trí khá khiêm tốn của một vùng ngoại biên trong mặt bằng tổng thể của văn học Việt Nam đương đại. Nỗ lực không ngừng nghỉ ở mọi hoạt động nghiên cứu, sáng tác, phê bình và thành tựu của người viết ở ĐBSCL, trong chừng mực nhất định, vẫn chưa thực sự tạo được nhiều tiếng vang, tầm ảnh hưởng và chưa thực sự bắt kịp với nhịp độ, mức độ phát triển chung, trừ một số trường hợp đặc biệt. Dù vậy, bằng nhiệt huyết, niềm đam mê, tình yêu và ý thức trách nhiệm của người cầm bút, họ vẫn âm thầm, cần mẫn viết, in ấn tác phẩm, tham gia các trang báo, các cuộc thi, các sự kiện văn học...; vượt qua những định kiến, những cái khó, thiếu, hạn chế để tiếp tục sáng tác với mong muốn đóng góp tiếng nói của riêng mình vào mục đích định vị văn học ĐBSCL trong đời sống văn học sôi nổi của đất nước. Bởi lẽ, hơn ai hết, họ hiểu rằng nếu không dựa vào nội lực, không tự thân vận động để phát triển thì mọi chính sách, ngoại lực tác động, ảnh hưởng, hỗ trợ đều chỉ là vô nghĩa. Tuy nhiên, nhìn ở chiều ngược lại, nếu người quản lý ở tầm vĩ mô thực sự nắm bắt được những cái khó, thiếu, hạn chế trong thực tiễn phát triển của văn học ĐBSCL và đề xuất, xây dựng được những chính sách thiết thực, thích ứng để định hướng, tạo cú hích, tạo môi trường tích cực... thì chắc hẳn lực lượng sáng tác văn học ĐBSCL sẽ có thêm động lực, điều kiện thuận lợi để đóng góp nhiều hơn và tốt hơn nữa trên cơ sở phát huy tiềm lực đang có.
Vậy đâu là cái khó của văn học ĐBSCL? Xin trả lời cho câu hỏi này bằng một số ghi nhận xuất phát từ cái nhìn tổng thể.
Trước hết, văn học ĐBSCL đang phát triển trong hoàn cảnh thiếu sự liên kết thực chất giữa các địa phương ở vùng ĐBSCL và liên kết với các vùng miền, trung tâm của quốc gia; thiếu tiếng nói của những nhà văn ĐBSCL có uy tín và tâm huyết để đóng vai trò đầu tàu; thiếu những sự kiện lớn, những sân chơi chuyên nghiệp, những môi trường sáng tác có độ mở lớn... để quảng bá, thu hút sự chú ý, góp mặt của giới sáng tác cả nước. Hoạt động nghiên cứu, sáng tác, phê bình văn học ở ĐBSCL ít nhiều vẫn mang tính chất co cụm, nhỏ lẻ, khép kín trong phạm vi từng địa phương, từng người viết hơn là mở rộng, liên kết các địa phương ở cả chiều rộng và chiều sâu để huy động tối đa nội lực của cả vùng. Rải rác có một vài cuộc hội thảo mang tầm khu vực cũng từng đặt vấn đề phát triển liên kết mạnh và sâu để nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý, định hướng, tạo điều kiện phát huy tiềm năng của người viết ĐBSCL nhưng mọi giải pháp cũng chỉ dừng lại ở mức độ đề xuất, kiến nghị trên giấy. Những cuộc thi mang tầm khu vực cũng được tổ chức nhưng thực tế là chưa để lại nhiều dấu ấn, tiếng nói có uy tín về mặt chuyên môn trong giới sáng tác cả nước, chưa thực sự tạo được cú hích cho sự phát triển và vì thế cũng khó tạo được không khí sáng tác tích cực, đủ sức hấp dẫn để thu hút sự tham gia đông đảo của người viết ĐBSCL.
Trong hoàn cảnh đó, văn học ĐBSCL thực sự đang thiếu một đội ngũ sáng tác mang tính chuyên nghiệp, thiếu một lực lượng kế cận có những tác phẩm đủ sức gây tiếng vang sau khi những tên tuổi lớn của văn học ĐBSCL đã định hình được tầm vóc và vị trí trên văn đàn. Lực lượng sáng tác của văn học ĐBSCL khá đông đảo và có thừa nhiệt huyết nhưng những cây bút trẻ vẫn đang trên con đường tìm kiếm, định hình bút pháp, phong cách, sở trường...; các nhà văn lớn tuổi thì có xu hướng chững lại, sức sáng tác không còn dồi dào; số lượng tác phẩm tham gia các cuộc thi mang tầm quốc gia chưa nhiều và ít có giải cao. Người viết ĐBSCL ít nhiều vẫn mang tâm thế xem văn chương là một cuộc dạo chơi chữ nghĩa hơn là một công việc, một nghề nghiệp theo đuổi cả đời nên khó có được sự đầu tư tương xứng, sự nhạy bén và kiên trì tích lũy, bổ sung tri thức văn học để nâng tầm bút lực, sự tập trung cần thiết về thời gian và công sức vào mục tiêu sáng tác những tác phẩm dài hơi hay mở rộng biên độ hoạt động sang lĩnh vực nghiên cứu, phê bình.
Khách quan mà nói, chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm văn học ĐBSCL nhìn chung là còn khiêm tốn, ít có những cách tân đáng chú ý về thể loại, ngôn từ; thiếu sự đột phá, tìm kiếm những cách thể hiện mới... Thơ, truyện ngắn, tản văn, tùy bút... được đặc biệt chú ý, số lượng tác phẩm lớn nhưng thiếu chiều sâu, thiếu bứt phá. Tiểu thuyết ít có những thành tựu được ghi nhận, trong khi đây lại là thể loại chủ lực, thể loại rất cần phải được tạo điều kiện phát triển nếu muốn khẳng định tầm vóc của một nền văn học nói chung và một vùng văn học nói riêng. Lý luận, phê bình văn học ở ĐBSCL hiện nay đang trong tình trạng yếu, thiếu, manh mún, phân tán; chủ yếu chỉ dừng lại ở công việc giới thiệu tác phẩm, tác giả mang tính nhất thời, đơn lẻ, thiếu sự đầu tư dài hơi để có những tác phẩm tiểu luận phê bình mang tính chuyên nghiệp, có chất lượng cao hoặc những công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa đánh giá toàn diện, có hệ thống về những thành tựu và hạn chế hay ghi nhận những đóng góp của văn học ĐBSCL cho văn học cả nước, ít nhất là trong giai đoạn những thập niên đầu của thế kỷ XXI.
Từ góc nhìn tổng quan, văn học ĐBSCL hiện đang phát triển trong một tình trạng thiếu cân xứng với một số yếu tố kìm hãm khiến cho tiềm lực dồi dào và khả năng bứt tốc không thể phát huy. Thực trạng này đã được ghi nhận từ các cuộc hội thảo về văn học khu vực trong những năm gần đây bởi những tiếng nói đầy trăn trở của người trong cuộc. Thế nhưng từ chỗ nhận ra những điểm khuyết thiếu, hạn chế đến chỗ thực thi các giải pháp cụ thể vẫn còn một khoảng cách khá xa cùng những rào cản khó vượt.
Vậy văn học ĐBSCL cần gì để có sự phát triển không chỉ ở mặt phong trào bề nổi mà quan trọng hơn là ở chiều sâu, ở chất lượng nghệ thuật, ở tầm vóc và những đóng góp có giá trị cho diện mạo văn học Việt Nam đương đại? Xin có mấy đề xuất cụ thể sau đây trên cơ sở tinh thần Nghị quyết 23/NQ-TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới:
Một là, các cấp lãnh đạo, quản lý rất cần xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển dài hạn các lĩnh vực văn học, nghệ thuật cho ĐBSCL, căn cứ vào những điều kiện thực tiễn của vùng như tiềm lực phát triển, những thuận lợi và khó khăn, những mặt mạnh và mặt yếu, những thành tựu và hạn chế để từ đó rà soát, bổ sung và xây dựng các chế độ, chính sách phù hợp đối với hoạt động văn học, nghệ thuật.
Hai là, tăng cường liên kết vùng trong hoạt động sáng tác văn học để phát huy nội lực của từng địa phương và sức mạnh tổng thể của cả vùng. Khi liên kết vùng được thực hiện mạnh và sâu, ĐBSCL sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực để thực hiện kế hoạch phát triển văn học, nghệ thuật mang tầm chiến lược, bao gồm những định hướng, giải pháp mang tính chất tổng thể, lâu dài và những biện pháp cụ thể, ngắn hạn, cấp bách. Khi nguồn lực được huy động từ liên kết vùng đủ mạnh, các cơ quan quản lý mới có thể phát huy tốt chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật bằng cách vận động sự hỗ trợ kinh phí từ các doanh nghiệp tâm huyết; các hội thảo lớn; các cuộc thi mang tầm khu vực, quốc gia, các trại sáng tác được tổ chức ở ĐBSCL… mới có được uy tín, sức quảng bá lớn, mới thu hút sự chú ý, ủng hộ, tham gia của giới sáng tác cả nước; tác phẩm tham gia mới đạt được số lượng lớn và mặt bằng chất lượng nghệ thuật đương nhiên là được cải thiện đáng kể khi có phổ thu hút đủ rộng.
Ba là, cần có những hoạt động cụ thể xuất phát từ cái tâm, cái tầm, từ uy tín, năng lực của lãnh đạo các hội sáng tác địa phương và vùng để kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ các tài năng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, giúp họ có điều kiện tỏa sáng và đóng góp thiết thực bằng những tác phẩm có giá trị, chất lượng nghệ thuật cao. Sự đầu tư dành cho các tài năng cần mang tính chất tập trung, khách quan, nhất quán, lâu dài, tránh trường hợp đầu tư phân tán, dàn đều hoặc mang tính chủ quan, chỉ dành cho người quen biết, tình cảm. Chẳng hạn như hỗ trợ xuất bản cho tác phẩm nghiên cứu, phê bình, sáng tác được đánh giá là có chất lượng tốt, hỗ trợ quảng bá tác phẩm thông qua nhiều kênh thông tin đa dạng; khuyến khích tác giả gửi tác phẩm tham dự các cuộc thi sáng tác ở tầm quốc gia; khuyến khích, hỗ trợ in ấn, xuất bản cho giới lý luận, phê bình viết bài giới thiệu tác phẩm, tác giả, các công trình tiểu luận-phê bình có tính chuyên nghiệp và chất lượng cao; khuyến khích, thậm chí đặt hàng cụ thể để các trường, khoa, viện nghiên cứu… chọn tác giả, tác phẩm của văn học ĐBSCL làm đối tượng nghiên cứu khi thực hiện các đề tài luận văn tốt nghiệp đại học, cao học, luận án tiến sĩ...
Bốn là, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn với định hướng chú trọng đến chất lượng thực sự, cụ thể là chất lượng của chương trình, nội dung tập huấn, tài liệu phục vụ tập huấn, chất lượng, uy tín của báo cáo viên, năng lực và định hướng phát triển của người tham dự... để nâng cao trình độ chính trị, ý thức, năng lực nghề nghiệp, kiến thức về lý luận và thực tiễn sáng tác của người viết.
Năm là, có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ, thu hút sự chú ý, tạo động lực để giúp người viết ĐBSCL quan tâm hơn đến thể loại tiểu thuyết và mảng lý luận, phê bình, chẳng hạn như: định kỳ tổ chức cuộc thi sáng tác tiểu thuyết để phát hiện, ghi nhận và bồi dưỡng các tài năng viết tiểu thuyết trong tương lai; có chính sách hỗ trợ đặc biệt về mặt đặt hàng, in ấn, phát hành, quảng bá tác phẩm... để giúp người viết yên tâm đầu tư thời gian, công sức cho những tác phẩm dài hơi; chú trọng phát hiện, đào tạo, xây dựng đội ngũ người viết lý luận, phê bình ngày càng đông đảo, chuyên nghiệp hơn bằng cách quan tâm, huy động một nguồn lực rất quan trọng nhưng chưa được chú ý từ trước đến nay là lực lượng giảng viên thuộc các trường đại học, cao đẳng, giáo viên văn của các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở… ở ĐBSCL; xét chọn, tặng thưởng cho những tác phẩm lý luận, phê bình có giá trị, có ý nghĩa đối với sự phát triển của văn học ĐBSCL.
Sáu là, đề xuất Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Tạp chí Nghiên cứu văn học của Viện Văn học, Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam... có thể dành một vài số chuyên đề hằng năm để giới thiệu sự phát triển của văn học, nghệ thuật ở các vùng miền, trong đó có vùng ĐBSCL, hoặc khuyến khích giới thiệu, quảng bá cho các cuộc thi, triển lãm, hỗ trợ in ấn tác phẩm có chất lượng nghệ thuật tốt...
Bảy là, cần chấn chỉnh hoạt động xuất bản; có chính sách, cơ chế sàng lọc, thẩm định, ưu tiên, hỗ trợ in ấn, xuất bản đối với những tác phẩm tốt, có chất lượng nghệ thuật; mạnh dạn từ chối xuất bản những tác phẩm “nhảm, nhạt”, chất lượng nghệ thuật thấp hoặc có nội dung xấu, độc hại; có biện pháp chế tài nghiêm khắc với những trường hợp vi phạm để khắc phục tình trạng xuất bản thiếu kiểm soát như hiện nay. Việc in ấn tràn lan những tác phẩm kém chất lượng cũng là một trong những nguyên nhân khiến người đọc nghiêm túc dần mất niềm tin, dè dặt hơn khi muốn ủng hộ các sáng tác mới.
Một số đề xuất trên đây xuất phát từ mong muốn phát huy thế mạnh của văn học ĐBSCL – một môi trường sáng tác đầy tiềm năng nhưng chưa có được sự phát triển tương xứng để có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho văn học Việt Nam đương đại. Giải pháp thì có nhiều nhưng muốn thực hiện được thì phải cần đến vai trò chủ đạo của nhân tố con người, những người thực sự có tài năng, tâm huyết, thực sự gắn bó, khao khát đóng góp. Văn học ĐBSCL cần họ như cần từng hạt phù sa miệt mài bồi lắng, tôn cao mặt bằng thành tựu để trong một tương lai không xa sẽ không còn là một “vùng trũng” trong sáng tác văn học, nghệ thuật.