LÝ THUYẾT SUBALTERN VÀ VẤN ĐỀ TIẾNG NÓI NGƯỜI NÔNG DÂN

Bài viết giới thiệu khái niệm subaltern trong lý thuyết của A. Gramsci. Đặt trong bối cảnh xã hội Ấn Độ đương đại, lý thuyết này được nhóm nghiên cứu subaltern triển khai nhằm phản biện tình thế hậu thuộc địa, nhấn mạnh tính giai cấp trong khái niệm subaltern về phương diện lý thuyết, sự tiếp tục của câu hỏi dân chủ, tiếng nói người nông dân trong xã hội Ấn Độ đương đại.

   1. Xác định khái niệm “subaltern”

   1.1. “Subaltern” là bất kỳ cá nhân nào ở vị trí nhược tiểu

   Theo nghĩa rộng, khái niệm “subaltern” không chỉ liên quan đến một giai cấp cụ thể (giai cấp nông dân, tầng lớp lao động) trong một hệ thống xã hội cụ thể, nhất là ở Ấn Độ, mà còn mang hàm ý khái quát, chỉ mọi tầng lớp thấp trong một tổ chức xã hội. Nói cách khác, “subaltern” chỉ bất kỳ cá nhân hay nhóm người thuộc vị trí thấp (low rank) trong một xã hội cụ thể trên hầu hết các phương diện giới, kinh tế, xã hội, vùng miền; vị trí này đã tước đi vị trí, tiếng nói của họ trong sự kiến tạo lịch sử và văn hóa của cộng đồng. Có thể hiểu “subaltern” chỉ những nhóm thấp kém, phục tùng, bị thống trị, bị tước đoạt về kinh tế và bị đẩy ra bên lề, không có chủ thể, dù là ở phương diện giới, giai cấp, vị trí tuổi tác, chức vụ, đẳng cấp hay bất cứ phương diện nào khác. Theo cách đọc của Green Marcus, Guha định nghĩa các nhóm subaltern như là “nhân dân” (the people) hay “phi đặc tuyển” (nonelite). Nhóm đặc tuyển, theo quan điểm của Guha bao gồm 3 phạm trù: các nhóm thống trị người nước ngoài, các nhóm thống trị người bản địa, các nhóm khu vực và địa phương đại diện/ nhân danh 2 nhóm trên. Nhiệm vụ của người nghiên cứu là khảo sát, xác định và đo đạc bản chất cụ thể và mức độ đi lệch của những yếu tố này khỏi lý tưởng và đặt sự đi lệch đó trong một bối cảnh lịch sử1.

   1.2. Subaltern là giai cấp đối lập với giai cấp thống trị hay nhóm đặc tuyển

   Theo nghĩa hẹp, khái niệm subaltern gắn với một giai cấp cụ thể. Spivak phản đối việc sử dụng thuật ngữ “subaltern” để chỉ tất cả các nhóm người bị tước quyền hay bị tách rời trong phạm vi hệ thống diễn ngôn thống trị, tức là những người có thể lên tiếng, nhưng cảm thấy họ không được lên tiếng: “Nhiều người muốn tuyên bố về tính chất subalternity của mình. Đó là những người kém thú vị nhất và nguy hiểm nhất. Ý tôi là chỉ vì là một nhóm thiểu số bị phân biệt đối xử trong khuôn viên trường đại học thì họ chưa phải là “subaltern”… Họ nên xem cơ chế của sự phân biệt đối xử là gì. Họ nằm trong phạm vi diễn ngôn bá quyền muốn có một miếng bánh quyền lợi mà lại không được phép, vì vậy hãy để họ nói, sử dụng diễn ngôn bá quyền. Họ không nên tự gọi mình là subaltern”2. Tóm lại, Spivak không đồng tình với việc chiếm hữu thuật ngữ này của những nhóm ngoại biên khác mà không cụ thể hóa vào các nhóm subaltern nào.

   Nông dân là biểu hiện cho thấy tính giai cấp của khái niệm subaltern. Đây là nghĩa ban đầu của thuật ngữ này và do nhà hoạt động chính trị Marxist người Ý Antonio Gramsci (1891-1937) đặt nền tảng. Theo đó, subaltern có nghĩa là “vô sản”, những người không được lắng nghe tiếng nói, được viết ra một cách có cấu trúc từ câu chuyện của giai cấp tư sản tư bản. Cụ thể, trong Một số phương diện trong vấn đề Miền Nam (Some Aspects of the Southern Question, 1926), Gramsci dùng thuật ngữ “subalternity” để miêu tả tình trạng hay đặc tính của việc ở vị trí cấp dưới, phục tùng của những người nông dân ở Miền Nam nước Ý. Trong bài viết “Bên các lề của lịch sử: lịch sử các nhóm xã hội subaltern” thuộc series ghi chép về cuộc sống nhà tù Các ghi chép trong tù (Prison Notebooks) của ông (series này được viết trong khoảng thời gian 1929-1935 và được xuất bản lần đầu năm 1947), thuật ngữ “subaltern” được dùng để định danh giai cấp. Theo đó, giai cấp subaltern (“subaltern classes”) được nêu ra trong tương quan đối lập với “những giai cấp thống trị” (rulling classes), như thế, nó là giai cấp bị trị. Với Gramsci, giai cấp nông dân là một lực lượng xã hội, văn hóa và chính trị, có ý thức về vị trí, trạng thái nhược tiểu, dưới quyền, phụ thuộc của mình (subalternity). Gramsci tin rằng nghiên cứu ý thức và văn hóa của các giai cấp subaltern là cách làm cho tiếng nói của họ được nghe thấy chứ không dựa vào tự sự mang tính lịch sử về nhà nước vì tự sự này suy cho cùng là được viết bởi giai cấp thống trị. Nhiệm vụ cơ bản của những người trí thức là làm phát lộ những sự phức hợp của đời sống lịch sử và xã hội của người nông dân và chuyển hóa các yếu tố của sự phức hợp đó vào ngôn ngữ của trí thức, tìm kiếm các dấu hiệu của tính chủ động trong hành động của subaltern và tìm kiếm bản sắc giai cấp bước đầu của họ3.

   1.3. Nông dân (peasantry) như là một nhóm subaltern

   1.3.1. Gramsci và vấn đề nông dân

   Gramsci có mối quan tâm đặc biệt đối với giai cấp nông dân (peasantry) như là một nhóm subaltern cơ bản và họ cũng là lực lượng cách mạng. Mối quan tâm đó xuất phát từ xuất thân và sự liên quan của Gramsci đối với các phong trào cách mạng ở Ý và Nga đương thời. Sinh ra ở Sardinia vào năm 1891 trong một gia đình trung lưu nghèo, ông cũng lớn lên trong bối cảnh của những tranh luận về vấn đề nông dân Ý và về những người nông dân Miền Nam bị coi là lạc hậu nhất. Quãng thời gian này đã đem lại cho ông những trải nghiệm đầu tiên về cuộc sống của nông dân ở một trong những khu vực lạc hậu nhất nước Ý. Như miêu tả của Arnold, lúc đầu chàng thanh niên Gramsci chú ý đến phong trào ly khai Sardin nhưng sau đó khi trở thành sinh viên thì Gramsci chuyển sự chú ý của mình đến phong trào Turin, cuối cùng là ngày càng quan tâm đến tư tưởng Marxist và từ đó hiến thân cho những vấn đề của Miền Nam trong phạm vi một xã hội chủ nghĩa xã hội Ý. Ông xác định rõ sự yếu thế, sự phụ thuộc của những người nông dân ở Miền Nam trong sự tương ứng đối với các nhà công nghiệp, các ông chủ ngân hàng, các quan chức ở Miền Bắc và ông coi đó là vấn đề trung tâm không chỉ trong đời sống quốc gia Ý mà còn trong sự hình thành lý thuyết và chiến lược của Đảng Cộng sản Ý.

   Như miêu tả của Arnold (1984), những trải nghiệm của một nhà hoạt động chính trị và các sự kiện ở Ý và Nga đã nâng cao và mài sắc sự đề cao của ông đối với tầm quan trọng chính trị của tầng lớp nông dân. Cuộc cách mạng Nga năm 1917 gây ấn tượng cho Gramsci về sự cần thiết đối với sự ủng hộ của người nông dân trong tình huống nhà nước tư sản bị lật đổ. Hệ quả của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga cũng giúp ông ý thức được các vấn đề của sự chuyên chế vô sản (công nhân) trong một xã hội mà nông dân vẫn chiếm ưu thế về số lượng (giống như trường hợp ở Ý), đó là chủ nghĩa cộng sản ở Ý không thể thành công nếu như nó chỉ dựa vào giai cấp vô sản (làm việc cho các nhà máy) và lờ đi tầng lớp nông dân. Việc đọc lịch sử cũng cho Gramsci thấy rằng một phong trào cách mạng xuất phát từ các thành phố có thể có nguy cơ bị khu vực nông thôn xung quanh đó cô lập và phá vỡ như thế nào. Trong cuộc cách mạng tháng 8 năm 1917, những người lính nông dân ở quê hương Sardinia của ông đã góp phần giải quyết tình trạng bất ổn của giai cấp vô sản trong thành phố Turin. Không giống các nhà xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa ở Ý thời gian đó, Gramsci khẳng định sự tối cần thiết trong lãnh đạo chính trị là tìm hiểu điều kiện và khát vọng của giai cấp nông dân, đặc biệt là những người nông dân ở phía Nam. Sự lớn mạnh của nông dân Miền Nam như là một lực lượng mạnh mẽ, quả quyết trước Thế chiến I cũng khiến Gramsci nhận thấy sự quan trọng của việc ghi nhận vai trò của nông dân nếu chủ nghĩa tư bản muốn tồn tại như là một lực lượng chính trị năng động.

   Trong phần “Các vấn đề Lyons” viết vào tháng 1 năm 1926 trong tiểu luận Một số phương diện trong vấn đề Miền Nam (tác phẩm đã không thể hoàn thành vì Gramsci bị bắt vào tháng 11 năm đó) và nhất là trong cuốn Các ghi chép trong tù, Gramsci trở lại vấn đề cơ bản về vị trí của giai cấp nông dân trong trật tự chính trị ở Ý. Vấn đề lịch sử nào đã khiến cho những người nông dân ở vị trí phụ thuộc và thấp hơn so với các giai cấp thống trị? Tại sao họ lại thất bại trong việc lật đổ các nhà thống trị và thiết lập một chuyên chế của riêng họ? Bằng cách nào người nông dân có thể trở thành một phần của một phong trào cách mạng thắng lợi? Theo Arnold (1982), Gramsci không từ bỏ niềm tin của mình vào lực lượng vô sản công nghiệp như là giai cấp cách mạng lãnh đạo nhưng ông tin rằng giai cấp vô sản chỉ có thể đáp ứng vai trò đó khi họ tạo dựng thành công một hệ thống các liên minh giai cấp có khả năng huy động quần chúng nhân dân lao động chống lại chủ nghĩa tư bản và nhà nước tư sản. Điều đó có nghĩa là vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản chỉ hoàn thành khi họ đạt được sự đồng thuận của quần chúng nông dân rộng lớn. Một điều cần lưu ý là đối với Gramsci, liên kết giai cấp nông dân với cuộc cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo không chỉ là một xu hướng cơ hội về chính trị ngắn hạn, trong đó những người nông dân bị lừa gạt để hỗ trợ một cuộc cách mạng mà sau đó họ sẽ sớm trở thành nạn nhân. Người nông dân sẽ tình nguyện bước vào mối liên minh này khi nhận ra rằng họ và giai cấp công nhân có cùng kẻ thù là các nhà tư bản và các quan chức. Trong quá trình phối hợp để lật đổ nhà nước tư sản và chủ nghĩa tư bản phương Nam, giai cấp nông dân sẽ trở thành một giai cấp cách mạng thực sự. Đáng lưu ý, theo Gramsci, người nông dân bị giữ trong thế bị khuất phục do sự yếu kém từ bên trong và qua việc chấp nhận quyền dẫn dắt về chính trị, đạo đức và xã hội của các tầng lớp thống trị hay sự chuyên chế của các tầng lớp thống trị. Hiểu được bản chất sự yếu nhược đó của giai cấp nông dân, Gramsci tin rằng sự khuất phục đó có thể phá vỡ thông qua sự liên minh giữa công nhân và nông dân và qua sự phát triển của ý thức giai cấp giữa các nông dân. Gramsci không coi nông dân như là một giai cấp cần bị khinh thường và bị đóng đinh vào cái chết vĩnh cửu của lịch sử. Ông tin rằng họ có thể trở thành một giai cấp cách mạng thực sự. Do đó, nhiệm vụ của các nhà Marxist là tìm hiểu và phân tích tư tưởng và văn hóa subaltern để làm phát lộ những mặt tiêu cực cũng như giáo dục và phát huy các mặt tích cực của giai cấp này.

   Như vậy, theo nhận định của David Arnold (1984), Gramsci khắc họa giai cấp nông dân như một lực lượng sống cả về mặt chính trị cũng như về văn hóa và xã hội. Ông đặt ra yêu cầu về việc miêu tả tỉ mỉ và phân tích cẩn thận với sự chú ý đến tính cụ thể về mặt lịch sử và ý thức subaltern được tiết lộ thông qua các niềm tin phổ quát và văn hóa dân gian. Tuy nhiên, như đã chỉ ra, Gramsci không đặt ra vấn đề chuyên chế trong các phong trào nông dân vì giai cấp này không nắm được quyền lãnh đạo, không tạo ra được tổ chức của riêng mình và cũng không nói về các yêu cầu của mình một cách hiệu quả, đồng thời, họ cũng không thể phát triển thành một sự tấn công về mặt chính trị và tư tưởng có khả năng lật đổ sự thống trị và nền chuyên chế của giai cấp thống trị.

   1.3.2. Nhóm nghiên cứu subaltern Ấn Độ và vấn đề nông dân

   Quan điểm của Gramsci về nông dân đã ảnh hưởng đến tư tưởng và hoạt động chính trị về vấn đề nông dân (peasantry) ở Ấn Độ. Công trình đại diện cho quan điểm của nhóm nghiên cứu subaltern về vấn đề nông dân ở Ấn Độ là chuyên khảo Elementary Aspects of Peasant Insurgency in Colonial India (Các yếu tố cơ sở của cuộc khởi nghĩa nông dân ở Ấn Độ thời thuộc địa, 1999) của Guha. Guha và nhóm nghiên cứu subaltern của mình đã phát triển một lý thuyết về sự chuyên chế trong chính trị subaltern. Trong bài giới thiệu cho cuốn đầu tiên của series Nghiên cứu Subaltern, ông cho rằng trong giai đoạn thuộc địa, chính trị subaltern ở Ấn Độ tạo thành một “địa hạt tự trị” không bắt nguồn từ chính trị của nhóm đặc tuyển và không phụ thuộc vào chính trị của nhóm này4. Ông cho rằng địa hạt subaltern có gốc rễ từ thời tiền thực dân, tiếp tục vận hành mạnh mẽ dưới thời thực dân và phát triển những khuynh hướng nội dung, hình thức mới. Ông mường tượng ra địa hạt chính trị cụ thể, một là địa hạt chính trị của “nhân dân” hay “các tầng lớp” và các nhóm subaltern tạo thành quần chúng của nhân dân lao động, là giai tầng ở giữa thị trấn và nông thôn; một bên là địa hạt của giai cấp đặc tuyển, nó tương đương với giai cấp thống trị hay nắm quyền chuyên chính theo cách hiểu của Gramsci. Trong bối cảnh Ấn Độ, tầng lớp đặc tuyển bao gồm cả những nhà cầm quyền người châu Âu, các chủ đồn điền, các chúa đất lẫn các nhà truyền đạo và những ông trùm phong kiến người bản địa, những kẻ nắm giữ đất đai, các nhà buôn và các quan chức địa phương. Sự phân tầng trong một xã hội có sự phân chia thứ bậc như Ấn Độ thời thuộc địa khá phức tạp. Ví dụ, những người nông dân giàu có lại có vị trí subaltern trong mối quan hệ của họ với một nhóm tinh hoa có đất đai theo kiểu “zamindar” nhưng những người nông dân đó cũng là một nhóm tinh hoa trong mối quan hệ với những người thuộc tầng lớp lao động không có đất đai ở các vùng nông thôn hay nhóm thợ thủ công và nhóm phục dịch ở làng xã. Bất kỳ xã hội nào cũng có thể phân chia theo những cách khác nhau trong những tình huống khác nhau, nhưng phù hợp với lý thuyết của Gramsci, vấn đề trung tâm ở Ấn Độ nằm ở sự phân chia xã hội cơ bản và dai dẳng giữa các nhóm lao động nhược tiểu với các giai cấp thực hành sự thống trị về kinh tế và chính trị đối với họ5.

   2. Tiếng nói subaltern trong phê bình văn học

   Thuật ngữ “subalternity” trở thành trung tâm trong diễn ngôn hậu thuộc địa. Nghiên cứu subaltern đã trở thành một lĩnh vực phổ biến trong suốt hai thập niên cuối của thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI. Nhiều cuốn sách, nhiều bài tạp chí về hoạt động và lịch sử của các nhóm subaltern ở Ấn Độ được lấy cảm hứng từ các công trình của Gramsci. Được biết đến nhiều nhất và có ảnh hưởng nhất là các công trình của nhóm Nghiên cứu Subaltern do Ranajit Guha sáng lập và bài luận “Can the Subaltern Speak?” của Gayatri Chakravorty Spivak. Cả Guha và Spivak đều đề cập đến quan niệm của Gramsci về các nhóm subaltern khác nhau và dựa trên các phương pháp chuyên ngành khác nhau: Spivak là nhà nghiên cứu văn học và Guha là một nhà sử học.

   Như đã nói ở trên, Guha xác định phạm vi chính trị phụ thuộc bao gồm nhiều phương thức tư duy và hành động tự chủ nói chung, đặc biệt được thể hiện qua các cuộc nổi loạn, bạo loạn và phong trào quần chúng. Điều này ngụ ý, mặc dù không được giải thích trong bối cảnh cụ thể này, rằng đây là biểu hiện chính trị của một nền văn hóa và thế giới quan nông dân phụ thuộc, tự nó phần lớn độc lập với thế giới quan của giới tinh hoa. Phạm vi chính trị của giới tinh hoa bao gồm các lĩnh vực mà người Anh tạo ra thông qua luật pháp, cơ quan lập pháp và các thể chế xã hội chính trị khác của họ, các hoạt động và tổ chức của các đảng phái và phong trào chính trị chính thức, chủ yếu là Đại hội Quốc gia Ấn Độ. Dù hai phạm vi này đôi khi chồng chéo và tương tác nhưng chúng không bao giờ trở nên hoàn toàn hợp nhất, bởi vì giai cấp tư sản Ấn Độ không vượt qua được “sự phân đôi cấu trúc” cơ bản này, vì thế đã thiết lập được quyền bá chủ hiệu quả của mình đối với toàn bộ xã hội Ấn Độ. Theo Guha, khi hai lĩnh vực có một số yếu tố nào đó mà pha trộn và tương tác lẫn nhau thì đó thường là sự bùng nổ, khi “quần chúng vốn được giới tinh hoa huy động để đấu tranh cho mục tiêu của giới tinh hoa đã thoát khỏi sự kiểm soát của giới này và đưa dấu ấn đặc trưng của chính trị đại chúng vào các chiến dịch do tầng lớp thượng lưu khởi xướng”6.

   Với các nhà nghiên cứu subaltern, đặc trưng đó không phải là sự bị động và sự tự phát như trong quan niệm truyền thống mà họ có sự tự quyết và sự sáng tạo riêng của mình. Các nhà nghiên cứu subaltern đã tập trung tìm hiểu các phong trào nông dân và các cuộc nổi dậy của nông dân. Việc viết về các cuộc nổi dậy là một cơ hội để các nhà sử học bao gộp trong lịch sử đặc tuyển của họ các ghi chép về các hoạt động và các niềm tin của những người subaltern. Cuộc nổi dậy có khả năng tiết lộ bản chất của những bản sắc bên dưới và những mâu thuẫn ngầm ẩn hơn là những hoạt động bình thường của cuộc sống hằng ngày, trong đó các mối quan hệ không được thể nghiệm. Sự nổi dậy không đơn thuần chỉ là hành động dội lại mang tính tự động với những kích thích chính trị hay chính trị bên ngoài, nó là thực tiễn của người subaltern, một sự bộc lộ qua hành động có ý thức tập thể của giới subaltern.

   Ở lĩnh vực văn học, Spviak có quan điểm mở rộng khái niệm subaltern: “subaltern không chỉ là một từ ngữ cao sang để chỉ “những người bị áp bức” (oppressed), chỉ nhóm người Khác, chỉ người nào đó không hưởng lợi nhuận…”. Theo bà, thuật ngữ này nếu được diễn đạt mang tính hậu thuộc địa, mọi thứ bị hạn chế việc tiếp cận với chủ nghĩa đế quốc văn hóa là subaltern - một không gian của sự khác biệt (a space of difference). Như vậy, không phải subaltern chỉ bao gồm những người bị áp bức mà bao gồm tất cả những ai không được tiếp cận với chủ nghĩa đế quốc văn hóa7. Trong bài luận nổi tiếng của mình, Spviak phê bình sự thô tục trong tuyên bố của các thành viên nam da trắng của một quyền lực thực dân đế quốc rằng subaltern có thể nói cho họ. Khi làm như vậy, các thành viên da trắng đó đã bỏ qua một thực tế: được nghe là đã hoàn thành hoạt động nói. Mặt khác, bà cũng chỉ ra là nói cho những người subaltern theo cách thức mang tính biện hộ, đại diện cũng hàm ẩn cách thức quẳng họ ra khỏi ngôn ngữ riêng của họ. Vấn đề khó khăn này cũng xuất hiện trong công tác xã hội, sư phạm xã hội và giáo dục đặc biệt, trong đó những người được hướng tới không được biểu đạt theo hướng các quyền lợi của họ và do đó thuộc vào phạm trù các nhóm subaltern.

   Cũng dưới góc nhìn của lý thuyết hậu thuộc địa, thuật ngữ subaltern miêu tả những tầng lớp thấp và những nhóm xã hội ở bên lề xã hội: subaltern là người ở vị trí xã hội mà tiếng nói của họ không có chủ thể (agency). Nhưng theo Spivak, điều này không có nghĩa là các trí thức kêu gọi có ai đó ủng hộ để lên tiếng thay cho nhóm subaltern, có ai đó hành động để khẳng định hoặc bảo vệ subaltern theo quy định đặc biệt nào đó. Bà cho rằng “Liệu có ai muốn bảo vệ cái subalternity? Chỉ có những nhà bảo tàng nhân học hoài nghi một cách cực đoan. Không có nhà hoạt động nào muốn giữ nhóm subaltern trong không gian khác biệt… Để làm một điều gì đó, để lao động vì nhóm subaltern, nghĩa là làm cho nhóm đó lên tiếng… Bạn không cho subaltern lên tiếng. Bạn [người trí thức] làm việc vì người subaltern; bạn cũng chống lại người subaltern”8. Bà đã trích dẫn công trình của nhóm Nghiên cứu Subaltern như là những ví dụ về cách thức thực hành công việc quan trọng này, không phải là đưa lại tiếng nói cho nhóm subaltern, mà là dọn một không gian cho subaltern lên tiếng. Trong bài viết “Can the Subaltern Speak?: Speculations on Widow Sacrifice”, Spivak (1985) mô tả bối cảnh xung quanh vụ tự tử của một phụ nữ trẻ người Bengali, cho thấy sự thất bại trong những nỗ lực tự thể hiện bản thân. Do những nỗ lực “nói” của cô gái ở bên ngoài các kênh gia trưởng thông thường không được hiểu hoặc không được ủng hộ, Spivak kết luận rằng “người subaltern không thể nói”. Lập luận cực kỳ tinh tế của bà, những lập luận mà đôi khi cũng phải thừa nhận chúng khá rối rắm do phong cách viết khó hiểu của bà, đã khiến một số độc giả thiếu thận trọng cáo buộc bà đi theo thuyết duy dương vật luận, không nhận ra hoặc thậm chí không để người subaltern nói. Một số nhà phê bình không hiểu mà củng cố lập luận của mình với các bằng chứng mang tính giai thoại về những thông điệp mà người góa phụ kêu lên khi đang bị thiêu. Quan điểm của Spivak không phải là người subaltern không lên tiếng theo nhiều cách khác nhau mà sự lên tiếng đó là “một giao dịch giữa người nói và người nghe”9. Nói cách khác, lời nói của người subaltern không đạt đến mức độ đối thoại của lời nói.

   Có rất nhiều công trình - có thể nói là đồ sộ - nghiên cứu trong lịch sử và văn học đề xuất các cách đọc ra tính chủ thể, diện mạo và tiếng nói của nhóm subaltern, cụ thể là người tá điền, như là một cách để nhìn nhận lại những sự kiện lịch sử vốn bị cố định trong một ý nghĩa do quyền lực chiếm ưu thế quy định ở Ấn Độ hậu thuộc địa. Nói cách khác, tiếng nói của những người subaltern được khám phá như là một cách để dựng lên một sự thật đa chiều của một sự kiện, một giai đoạn lịch sử Ấn Độ. Tuy nhiên, hướng tiếp cận này chủ yếu được sử dụng trong việc tiếp cận các dữ liệu lịch sử. Ví dụ, trong công trình The Prose of Counter-Insurgency (Văn xuôi về sự phản-nổi dậy) nổi tiếng của mình, Ranajit Guha, người sáng lập nhóm Nghiên cứu Subaltern, phân tích cách viết sử về các phong trào nông dân ở Ấn Độ thuộc địa. Luận điểm của ông là các nhà viết sử về các phong trào này đã quên đi ý thức cụ thể của nông dân; họ hoặc là khái quát hóa cuộc nổi dậy như là một sự bùng nổ tự phát hoặc là chỉ nghiên cứu nguyên nhân xã hội và kinh tế của các phong trào nông dân. Ông phê phán rằng các nhà viết sử này đã viết về các phong trào đó như là một cái gì đó “bên ngoài ý thức người nông dân”10. Theo ông, nguyên nhân của điều này không chỉ là vì các nhà viết sử không có tinh phần phân tích và óc phản biện mà chỉ căn cứ vào các nguồn tư liệu chính thống và phóng chiếu sự chủ quan của họ vào đối tượng mà họ đang khai thác. Vì thế, tiếng nói của subaltern, ở đây chính là người nông dân, vắng bóng hoặc bị gạt ra bên lề trong lịch sử viết về chính nhóm người này. Guha cho rằng sử học không nên giải quyết vấn đề “nông dân nổi loạn” chỉ “như một cá nhân thực nghiệm hoặc thành viên của một giai cấp” mà biểu đạt về họ “như một thực thể” đã “tạo nên thực tiễn được gọi là nổi loạn” dựa trên “ý chí và lý trí” của họ. Mục tiêu của sử học viết từ góc nhìn subaltern là khôi phục những “nhân vật chưa phát triển này cho lịch sử”, công nhận nông dân là “một phần của hiện đại” và thiết lập “nông dân là người tạo nên bản sắc riêng của họ”11. Nghiên cứu subaltern can thiệp để “phục hồi mặt trái bị lãng quên của trải nghiệm con người” và đưa ra góc nhìn “đã mất” hoặc chưa được khai thác12. Trong bối cảnh Ấn Độ, các học giả theo xu hướng subaltern tham gia vào “lịch sử của những người không có đặc quyền và bị tước quyền” bao gồm “các quốc tịch thiểu số”, “các nhóm thiểu số trong tôn giáo, dân tộc và tình dục”, “người nghèo nông thôn” và “những người chiếm đất thành thị”, các cộng đồng bản địa bị tước quyền sở hữu và “những người lao động nhập cư” và nhiều người lao động khác13. Partha Chatterjee, một nhà sử học hậu thuộc địa người Ấn Độ, cho rằng phần lớn người Ấn Độ là nông dân (peasants), do đó cần thiết định hướng lại (reorient) hay “công thức lại” (reformuate) vấn đề viết lịch sử về “con người” trong một đất nước như Ấn Độ để bao gồm “các giai cấp subaltern”. Ông nhận ra khó khăn của việc viết lại sử bởi vì “rất khó để gặp được các bản ghi chép hay văn bản về cái nhìn, ý kiến và lời khai của subaltern. Những văn bản kiểu đó là hiếm bởi vì lưu trữ lịch sử tiêu chuẩn đơn giản là không có những dữ liệu đó. Do đó một trong những thứ mà chúng tôi đã cố gắng là dựa vào các miêu tả lịch sử, chính thống, tiêu chuẩn – những văn bản còn lại của các quan chức chính phủ, chúa đất, các nhóm đặc tuyển, v.v… và đọc trong sự đối lập lại chúng. Đó là, việc khám phá một văn bản được ẩn giấu chúng ta có thể đọc được như là tiếng nói người subaltern”14.

   Dipest Chakrabarty (2018) cho rằng sau Thế chiến II, lịch sử thiểu số được cho là cần thiết để xác định những khoảng trống trong việc viết lịch sử đang có: đó là lịch sử của những nhóm “trước đây bị bỏ qua” như giai cấp công nhân, phụ nữ, tù nhân và cựu nô lệ. Những năm 1970 và 1980, trẻ em, người bản địa, người già, các nhóm dân tộc, người đồng tính nam và đồng tính nữ được cho là thuộc nhóm subaltern. Người ta cho rằng một quốc gia không thể nói rằng là chỉ quan tâm đến các câu chuyện “vĩ đại” hoặc các câu chuyện chuẩn mực mà nó còn phụ thuộc vào “nhiều câu chuyện đối lập” để hoàn thiện câu chuyện của mình15. Do đó, lịch sử subaltern đấu tranh để bao gồm và thể hiện cho các bộ phận subaltern trước đây bị loại trừ và bỏ quên của xã hội. Sự bao gồm và bổ sung này làm thay đổi bộ mặt của lịch sử, mở rộng lịch sử đó, biến lịch sử đó thành một tổng thể16. Chakrabarty khuyến khích “ý tưởng về nhiều câu chuyện” có tính thách thức và hoài nghi tính xác thực của “bất kỳ siêu tự sự thống trị nào của một quốc gia”. Ông yêu cầu lắng nghe những nhóm người “chưa từng được nghe trước đây” bên cạnh “câu chuyện độc tôn” hay “đại tự sự của quốc gia”17.

   Bài viết này nhấn mạnh tính giai cấp trong khái niệm subaltern về phương diện lý thuyết. Mặc dù vấn đề nông dân và khái niệm subaltern là vấn đề trung tâm của Gramsci ngay khi ông sử dụng thuật ngữ này ở nửa đầu thế kỷ XX nhưng khả năng của việc đọc tác phẩm Amitav Ghosh từ vấn đề nông dân và subaltern cho thấy cảm quan phản biện đối với Ấn Độ hậu thuộc địa: dù đã độc lập vào năm 1947 nhưng sự bần cùng hóa nông dân và các tầng lớp thấp khác cũng như sự phân biệt hay khoảng cách giữa các giai cấp vẫn tồn tại khốc liệt trong xã hội Ấn Độ. Đồng thời, bài viết nhấn mạnh sự tiếp tục của câu hỏi dân chủ - người nghèo được đảm bảo các quyền lợi về vật chất, xóa bỏ khoảng cách vật chất giữa các giai cấp - trong xã hội Ấn Độ đương đại. Điều đó lại càng chứng minh sự tiếp tục có giá trị của lý thuyết subaltern đối với các vấn đề văn hóa, chính trị, xã hội Ấn Độ - như đã chứng minh từ những năm 1960 với các nhà Gramsci học và nhất là với sự thành lập và hoạt động hiệu quả của nhóm nghiên cứu subaltern.

 

 

 

Chú thích:
1 Green, Marcus (2002): “Gramsci Cannot Speak: Presentations and Interpretations of Gramsci’s Concept of the Subaltern”. Rethinking Marxism 14 (3): 1-24, p. 16.
2 Spivak, Gayatri C. (1990): “Theory in the Margin: Coetzee’s Foe Reading Defoe’s Crusoe/ Roxana”. English in Africa 17 (2): 1-23, p. 3.
3 Gramsci Antonio (1991, 1992, 1996, 2007, 2008, 2011), Prison Notebooks [Quaderni del Carcere], 3 volumes, Translated and edited by Joseph Anthony Buttigieg II, Columbia University Press.
4, 5, 6 Guha, Ranajit (1982), Writings on South Asian History (I), New York: Oxford University Press, p. 4, 8, 6.
7, 8 Spivak, dẫn theo De Kock Leon (1992): “An Interview with Gayatri Chakravorty Spivak”. ARIEL: A Review of International English Literature 23 (3), tr. 29-47, 46.
9 Landry & MacLean (1996), “Subaltern Talk”, The Spivak Reader, New York & London: Routledge.
10 Guha, Ranajit (1994), “The Prose of CounterInsurgency”, Culture/Power/History: A Reader in Contemporary Social Theory, edited by Nicholas B. Dirks, Geoff Eley and Sherry B. Ortner. Princeton: Princeton University Press, p. 3.
11, 12, 13 Pandey G (2006): “The Subaltern as Subaltern Citizen”. Economic and Political Weekly 41 (46): 4735-4741, p. 4736, 4736, 4738.
14 Chatterjee, Partha & Richard McGrail (2012): “Subaltern Studies: A Conversation with Partha Chatterjee”, https://journal.culanth.org/index.php/ ca/subaltern-studies-partha-chatterjee.
15, 16, 17 Chakrabarty, D. (2018), The Crises of Civilization: Exploring Global and Planetary Histories, New Delhi: Oxford University Press, p. 473.

Bình luận

    Chưa có bình luận