KIỂU NHÂN VẬT MANG “MẶC CẢM OEDIPUS” TRONG TIỂU THUYẾT NGƯỜI TÌNH CUỐI CÙNG VÀ NHỮNG CHUYỆN TÌNH THẾ KỶ MỚI CỦA TÀN TUYẾT

Bài viết phân tích kiểu nhân vật mang 'mặc cảm Oedipus' trong hai tiểu thuyết ''Người tình cuối cùng'' và ''Những chuyện tình thế kỷ mới'' của Tàn Tuyết. Qua đó cho thấy kiểu nhân vật này được thể hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau, góp phần không nhỏ vào việc tạo nên nét đặc sắc của tiểu thuyết Tàn Tuyết.

   Trong quá trình nghiên cứu thế giới vô thức, nhà tâm lý học người Áo Sigmund Freud (1856-1939) đã phát hiện trong cõi sâu thẳm của tâm hồn con người luôn tồn tại những mặc cảm. Trạng thái mặc cảm tồn tại một cách vô thức. Khi con người có sự tự ý thức thì trạng thái mặc cảm vẫn hiện hữu dưới hình thức này hay hình thức khác. Trong văn học hiện đại và hậu hiện đại, các nhà văn đặc biệt chú ý đến thế giới tinh thần con người với những góc khuất thẳm sâu, những hình thái tâm lý phức tạp. Văn học nhìn ra những mặc cảm trong tâm hồn con người, từ đó “hình tượng con người mang mặc cảm” được xây dựng và phát triển, trở thành một kiểu nhân vật. Có con người với mặc cảm bệnh tật, con người với mặc cảm thân phận, con người với mặc cảm giới tính…, những mặc cảm này đã tác động không nhỏ đến hành động, lối sống và cuộc đời của họ.

   Tàn Tuyết là tên tuổi nổi bật của văn đàn thế giới và Trung Hoa với lối viết tự nhiên theo dòng cảm xúc. Hệ thống nhân vật trong tác phẩm của bà đa dạng, gồm đủ mọi kiểu người thuộc nhiều lứa tuổi. Ẩn sâu nơi các nhân vật là thế giới tinh thần đa diện với những ẩn ức, đổ vỡ, lo sợ, bất an. Cũng vì thế mà kiểu nhân vật mang mặc cảm đã xuất hiện trong các tác phẩm của bà. Qua quá trình tìm hiểu, cụ thể qua việc khảo sát hai tiểu thuyết Người tình cuối cùngNhững chuyện tình thế kỷ mới, chúng tôi nhận thấy trong tác phẩm của Tàn Tuyết tồn tại kiểu nhân vật mang “mặc cảm Oedipus”. Những biểu hiện của “mặc cảm Oedipus” được thể hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau.

   1. Về thuật ngữ “mặc cảm Oedipus”

   Khái niệm “mặc cảm Oedipus” được nhà phân tâm học S. Freud đặt dựa theo tên của nhân vật Oedipus trong thần thoại Hy Lạp. Trong tác phẩm Bi kịch của Oedipus của Sophocles, vua thành Thebes nhận được lời sấm tiên đoán rằng con ông sẽ “giết cha, cưới mẹ” nên hoảng sợ, mang vứt bỏ đứa con trai của mình. Cậu bé được vua xứ Corintha cứu và đem về nuôi. Lớn lên, biết về lời sấm truyền nên chàng đã bỏ đi. Đến gần thành Thebes, gặp một ông già cản đường, Oedipus tức giận giết lão. Khi thành Thebes gặp tai họa lớn, xuất hiện một con nhân sư đặt ra câu hỏi oái oăm: “Con gì sáng đi bằng bốn chân, trưa đi bằng hai chân, tối đi bằng ba chân?”, và giết bất cứ ai không trả lời được, thì Oedipus đã giải được câu đố: “Là con người”. Nhân sư thua và chết. Vì giải thoát cho dân làng, chàng trở thành vua Thebes và lấy hoàng hậu làm vợ (hoàng hậu Jocasta chính là mẹ chàng, nhờ mang chiếc vòng thanh xuân nên vẫn giữ được sự trẻ trung và nhan sắc). Về sau, một hầu cận già của vua Laius cho biết Oedipus chính là kẻ giết vua cha. Hoàng hậu Jocasta tự kết liễu cuộc đời. Oedipus chọc mù mắt mình, đuổi các con rồi bỏ đi để tự trừng phạt. Oedipus sống trong đau khổ cho đến khi lìa đời.

   Từ câu chuyện bi kịch đó S. Freud đã phân tích, đưa ra lập luận về mối quan hệ tam giác giữa ba người trong gia đình: con, người cha và người mẹ. Trong đó, con trai thường có xu hướng đối nghịch với cha, gần gũi với mẹ. Từ đó, ông xây dựng nên thuật ngữ “mặc cảm Oedipus” để lý giải những xung đột tâm lý phức tạp trong giai đoạn phát triển tâm lý tính dục của đứa trẻ từ 3-6 tuổi có ở cả bé trai và bé gái. Về sau, C. Jung (1875-1961) – bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học người Thụy Sĩ cũng đưa ra khái niệm “mặc cảm Electra” (Electra là tên một nữ nhân vật Hy Lạp giết mẹ để trả thù cho cha mình là Agamemnon đã bị chính mẹ mình ám sát) để chỉ mặc cảm ở các bé gái. Nhìn chung, “mặc cảm Oedipus” và “mặc cảm Electra” được hiểu là cảm giác xa cách, thậm chí đối đầu của bé trai và bé gái đối với phụ huynh cùng giới với mình, và sự gần gũi, thân thiết đối với phụ huynh khác giới.

   Trong thần thoại Hy Lạp, chúng ta thấy rất nhiều cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa cha và con để chiếm tình cảm của mẹ. Ngày nay, có thể dễ dàng nhận thấy các bé trai thường có xu hướng quấn quýt mẹ, còn các bé gái lại hay được bố nuông chiều. Điều này cho thấy “mặc cảm Oedipus” và “mặc cảm Electra” có tồn tại trong tiềm thức của mỗi con người.

   Trong văn học, kiểu nhân vật mang “mặc cảm Odedipus” và “mặc cảm Electra” không hề hiếm gặp. Các nhân vật trong sáng tác của F. Kafka, G. Grass, H. Murakami… thường xuyên có sự xung đột giữa những người con với cha mẹ cùng giới của mình. Xung đột ấy có khi được đẩy lên mức độ rất cao, không thể hóa giải. Trong phần lớn các sáng tác của F. Kafka, hình ảnh người cha hiện lên thường là những ông bố khổng lồ, độc đoán, như những tên bạo chúa đại diện cho kẻ độc tài trong mắt đứa con trai. “Mặc cảm Oedipus” hay xung đột giữa người cha và con trai trong sáng tác của F. Kafka thực chất đã phản chiếu mối quan hệ mâu thuẫn giữa ông và cha mình ngoài đời thực. Hay trong tiểu thuyết Cái trống thiếc (ra đời năm 1959, dành giải Nobel văn học năm 1999) của nhà văn Đức G. Grass, nhân vật Oskar cũng mang “mặc cảm Oedipus” nặng nề. Trong mắt Oskar, người mẹ của mình là người phụ nữ xinh đẹp, khôn ngoan, đáng ngưỡng mộ khi chơi trò đuổi bắt với cả hai người đàn ông, khi bà ra đi, Oskar đã thực sự cảm thấy trống vắng. “Mặc cảm Oedipus” còn được đẩy lên đến đỉnh điểm khi Oskar ghen tuông với hai người cha của mình và gián tiếp giết chết họ. Về sau, Oskar lại tiếp tục yêu người trở thành mẹ kế của mình. Loạn luân, giết cha, giết con – sự rắc rối và quái đản trong các mối quan hệ trong Cái trống thiếc đã thể hiện sự suy đồi của các giá trị tốt đẹp; cho thấy sự dã man, phi lý và ti tiện của hiện thực đương thời những năm Chiến tranh thế giới II. G. Grass trăn trở về một thế giới cần phải tạo lập lại. Hoặc nhân vật Kafka Tamura trong Kafka bên bờ biển của H. Murakami – thiếu niên 15 tuổi bỏ nhà ra đi cũng để trốn chạy lời nguyền độc địa của người cha. Kafka sống một mình với cha là nhà điêu khắc lừng danh Koichi Tamura. Mẹ cậu đã bỏ đi, đem theo chị gái khi cậu được 4 tuổi. Ngay từ khi còn bé, cha cậu đã đưa ra lời tiên đoán: “Một ngày kia, mày sẽ giết cha mày, ngủ với mẹ và chị gái mày”. Lời tiên đoán được cha cậu lặp đi lặp lại, như “một cơ chế gá sẵn” bên trong Kafka. Kafka trên hành trình sống của mình đã cố gắng trốn chạy khỏi lời nguyền ấy. Hành trình đó như để chống lại một quan niệm cơ bản của bi kịch cổ đại Hy Lạp: “con người không lựa chọn số phận, mà số phận lựa chọn con người”.

   Khái niệm “mặc cảm Oedipus” có thể hiểu rộng ra, bao trùm cả ý nghĩa của khái niệm “mặc cảm Electra”. Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi chỉ sử dụng thuật ngữ “mặc cảm Oedipus” như một tên gọi chung cho trạng thái đối nghịch của các nhân vật với người cha/ người mẹ đồng giới và sự thân thiết đặc biệt với người cha/ người mẹ khác giới. “Mặc cảm Oedipus” còn được biểu hiện qua những hành động tự hủy (tương đồng với hành động tự chọc mù mắt mình của nhân vật Oedipus trong kịch Sophocles).

   2. Nhân vật dưới dạng thức đối nghịch với cha/ mẹ cùng giới, gần gũi với cha/ mẹ khác giới

   Tiểu thuyết Người tình cuối cùng của Tàn Tuyết từng lọt vào danh sách đề cử Giải thưởng Man Booker. Tác phẩm lấy mối quan hệ phức tạp giữa vợ - chồng, tình nhân - tình nhân làm đề tài chủ đạo. Tác phẩm có ba cặp đôi chính: Joe - Maria, Vincent - Lisa và Reagan - Edda, trong đó hai cặp đôi đầu tiên là hai cặp vợ chồng. Ba cặp nhân vật này là sợi dây xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Tàn Tuyết đã diễn giải những ham muốn sâu thẳm, đen tối trong tâm hồn mỗi nhân vật, từ đó đi sâu khám phá dục vọng của con người. Cuốn tiểu thuyết này ưu tiên thể hiện những suy ngẫm triết học về tình yêu hơn là chú tâm tới cốt truyện. Người đọc có thể bắt gặp ở đây một thế giới nhân vật phức hợp. Tàn Tuyết kể chuyện tình của họ đồng thời đặt ra vô vàn câu hỏi hóc búa nhuốm màu hiện sinh. Cuốn tiểu thuyết mang đậm hương vị giả tưởng và sắc màu huyền thoại, thế giới hiện sinh phi lý được phơi bày rõ nét. Tiểu thuyết Những chuyện tình thế kỷ mới kể về nhóm phụ nữ trong một nhà máy dệt. Họ là những con người mạnh mẽ, sống đầy bản năng, dốc lòng theo đuổi tự do và khát vọng tình yêu đôi lứa. Mỗi chương truyện xoay quanh một nhân vật, nhưng tất cả đều có mối liên kết với nhau. Họ có mối quan hệ là sếp - nhân viên, vợ - chồng hay khách hàng… và đời sống của họ giăng mắc với nhau bằng một sợi dây vô hình khó lý giải. Trong cả hai tác phẩm đều xuất hiện những nhân vật mang “mặc cảm Oedipus”.

   Dạng thức cơ bản nhất của “mặc cảm Oedipus” là dạng đối nghịch với cha/ mẹ cùng giới, gần gũi với cha/ mẹ khác giới. Trong Người tình cuối cùng xuất hiện cặp vợ chồng ngoài năm mươi tuổi Joe và Maria. Họ có một cậu con trai mười bảy tuổi là Daniel. Daniel có mối quan hệ đặc biệt thân thiết với mẹ và xa cách với cha. Ngay trong Chương 1, tác giả miêu tả cảnh trong một khoảnh đất rộng mà Maria trồng hoa hồng, nơi cô và chồng ngồi uống trà ngày xuân, chỉ qua đôi lời đối đáp của vợ và con trai, Joe đã “cảm thấy thực sự đây là một cặp mẹ con tâm đầu ý hợp”. Joe gần như không thể hiểu và không thể gia nhập vào thế giới của hai mẹ con họ. Dường như người ngồi uống trà và trò chuyện cùng Maria không phải là người chồng mà là cậu con trai Daniel. Dù cha và con trai thông thường có thể chia sẻ với nhau nhiều sở thích nhưng ở đây có thể nhận thấy ranh giới rõ rệt giữa thế giới của người cha và thế giới của người mẹ và con trai. Trong tác phẩm có rất nhiều chi tiết cho thấy có những điều mà người chồng và người vợ chưa bao giờ chia sẻ với nhau nhưng “khi Maria và Daniel ở cạnh nhau, hai mẹ con thích nói về những điều này”. Sự gắn kết đặc biệt của mẹ - con trai cho thấy họ như hai người bạn tâm giao, Maria biết mọi bí mật của con trai, Daniel cũng có thể chia sẻ cùng mẹ những sở thích kỳ lạ của mình. Song, trong thế giới của hai mẹ con không hề có sự hiện diện của người chồng, người cha Joe: “Daniel là con trai cô, từ ngày được hoài thai trong bụng mẹ, những ngọn gió thị trấn đã vuốt ve đôi má non tơ của cậu. Maria nhớ lại một sự việc xảy ra khi Daniel ba tuổi. Sáng sớm hôm đó, cậu bé trốn khỏi sự giám sát của cô, đi bộ sang vườn nhà hàng xóm và chui vào chuồng chó, ngồi xổm bất động. Maria lúc đó đã rất điên loạn, ôm đứa con trai của mình và khóc rất to. Maria biết rằng Daniel yêu cô, nhưng thứ tình yêu đó quá xám xịt, thậm chí cũ kỹ khiến cô thấy đau khổ. Cô không chắc liệu con trai mình có yêu cha nó hay không, và cô cảm thấy rằng mối quan hệ cha con giữa họ thật lạ”1. Người mẹ có sự quan tâm, lo lắng đặc biệt cho con trai, đau đớn, lo sợ khi không thấy con, âu đó cũng là lẽ thường tình. Nhưng ở đây Maria còn cảm nhận rất rõ tình yêu con trai dành cho mình và cũng cảm nhận được sự xa cách trong mối quan hệ giữa chồng và con trai. Về phía Daniel, cậu dường như không sợ cha giận, “cố tình duy trì mối quan hệ xa cách với Joe. Có lẽ cậu không muốn tiếp xúc quá nhiều hàng ngày với cha mình…”2. Xuyên suốt thiên truyện, người đọc không bắt gặp tình huống hai cha con nảy sinh sự cãi vã. Joe cũng chưa từng có hành động bạo lực với Daniel. Nhưng Daniel vẫn không thể gần gũi với cha mình. Cậu dường như đã ngầm phủ định hoàn toàn mối quan hệ về mặt tình cảm giữa mình và cha. Có lẽ đây chính là tâm lý nguyên thủy - ghen ghét với người cha đã được S. Freud gọi tên “mặc cảm Oedipus”. Dù mâu thuẫn giữa Joe và Daniel chưa bị đẩy lên mức độ cao theo motif “giết cha, cưới mẹ” nhưng sự xa cách giữa cha - con trai là điều dễ dàng nhận thấy. Qua “mặc cảm Oedipus” của các nhân vật, Tàn Tuyết như muốn đề cập đến một thực tại trong xã hội đương đại: con người với những sợi dây liên kết bị đứt gãy, kể cả những người ruột thịt sống chung dưới một mái nhà cũng không thể thấu hiểu lẫn nhau. Chính vì vậy mà các nhân vật như Joe chỉ có thể sống tự tin khi vùi đầu vào những cuốn sách; Maria chỉ tìm thấy niềm vui trong việc dệt những tấm thảm kỳ dị; Daniel mười bảy tuổi hoang mang khi tính dục trỗi dậy, chỉ có thể tìm quên với những cuộc truy hoan trong bụi hoa hồng cùng cô gái phương Đông A Mai.

   Mặc cảm Oedipus, bên cạnh dạng thức chung là xu hướng gần gũi với người cha/ mẹ đồng giới và xa cách với người cha/ mẹ khác giới, còn có dạng thức: yêu thích đặc biệt với người khác giới lớn tuổi. Dạng thức này thể hiện qua hai cặp nhân vật: Edda - Reagan và Lisa - Yassin. Reagan – ông chủ đồn điền cao su phải lòng cô công nhân trẻ tuổi đến từ châu Á – Edda. Ban đầu, trong mắt ông chủ, Edda xấu xí như “một con đười ươi” nhưng dần dần, ông nảy sinh tình cảm với cô gái kém mình gần ba mươi tuổi ấy. Tình cảm của Reagan dành cho Edda vốn xuất phát điểm là tình cha - con, sau trở thành tình yêu thật sự. Ban đầu Edda từ chối nhưng cuối cùng cô đã động lòng trước sự chăm sóc tận tình của người đàn ông lớn tuổi và trở thành người tình bí ẩn của ông. Tương tự, nhân vật nữ Lisa thời trẻ cũng có mối quan hệ đặc biệt với một người đàn ông đáng tuổi cha mình – thời cô còn là một hướng dẫn viên du lịch. Khi con tàu đến một hòn đảo nhiệt đới nhỏ, vào lúc nửa đêm, trên boong tàu, Lisa kể câu chuyện về cuộc trường chinh của mình cho ông già râu bạc trắng nghe. Ông già người Trung Đông tên là Yassin đã thì thầm vào tai cô: “Hãy đến với tôi, con gái, tôi là đích đến trong cuộc trường chinh của cô. Hãy nhìn về phía kia, một ngôi sao đã rơi, ngôi sao của hạnh phúc. Cơ thể ông ta tỏa ra mùi lưu huỳnh khiến Lisa bay bổng”3. Người đàn ông lớn tuổi gọi Lisa bằng “con gái” nhưng lại bày tỏ tình yêu với cô và Lisa cũng ngây ngất với những cảm xúc say đắm bên ông ta. Lisa chia sẻ với Yassin bí mật của mình và rơi vào trạng thái bay bổng. Đến khi đã ngoài sáu mươi tuổi, những hồi ức ấy vẫn nguyên vẹn trong lòng cô. Tình cảm của một cô gái với một người đàn ông lớn tuổi là biểu hiện rõ nét của “mặc cảm Oedipus”. Cô gái có sự yêu mến đối với người mang những dấu ấn của cha mình, người gợi cho cô cảm giác tin tưởng để có thể chia sẻ hết các bí mật và gắn kết lâu dài.

   Nhân vật A Ti trong tiểu thuyết Những chuyện tình thế kỷ mới cũng mang “mặc cảm Oedipus” khi cô từng “không kìm được, nắm lấy tay chủ quán và hôn lên nó. Nhìn ông ta với đôi mắt rưng rưng lệ, cô nói: “Sao tôi nhìn ông cứ thấy giống cha tôi vậy nhỉ!”. Nghe A Ti nói, chủ quán tỏ ra rất vui. Ông ta ngâm nga một giai điệu, rồi lảo đảo đi về phía quầy”4. Có lần “Cô tự nấu cho mình một bát mì, nhìn những sợi mì sôi sùng sục trong nồi và vui vẻ hát một bài hát thiếu nhi. Đó là bài hát cha đã dạy cô. Một hôm trước khi mất, ông vẫn cố gom chút hơi tàn, thều thào hát”5. Tình cảm đặc biệt của A Ti dành cho người cha là một minh chứng cho “mặc cảm Oedipus”. Cô có tình cảm sâu đậm với người cha đã mất nhưng lại không mặn mà gì với người mẹ còn sống. Trái ngược với hình ảnh người cha yêu thương con gái, mẹ A Ti được miêu tả là một bà già hung dữ. Sau khi cha A Ti mất, bà đã bỏ đi và sau đó không bao giờ liên lạc với con gái. Bởi vậy, trong cuộc sống của cô, bóng dáng người mẹ dường như không tồn tại. Sau đây là một đoạn hội thoại của hai nhân vật: Long Tư Hương - cô bạn gái và Vi Bá - người yêu cũ của A Ti:

   “Xuống địa ngục, anh có dám không? Em đang nói về nơi ở của mẹ A Ti, cách chúng ta hơi xa một chút, ở ngoại thành. Anh có muốn đi cùng em không?”

   “Tất nhiên là anh muốn. Anh chưa bao giờ nghe thấy cô ấy nói về mẹ mình. A Ti có biết bà ấy sống ở đó không? Chuyện này nghe thật hoang đường!”

   “Đúng là rất hoang đường. Cô ấy không biết mẹ mình sống ở đâu, nhưng em thì có”6.

   Đoạn hội thoại đã phần nào phác họa mối quan hệ mẹ - con kỳ lạ của A Ti. Nơi ở của người mẹ được định danh là “địa ngục” và cô con gái không hề biết đến nó. Mẹ A Ti được miêu tả: “thắt chiếc khăn hoa kiểu phụ nữ nông thôn trên đầu, cung cách giống hệt một người đàn bà nhà quê”; “không phải hạng đàn bà dễ trêu vào” và đang xem “một bộ phim đồi trụy”7. Hình ảnh người mẹ hiện lên khác những người mẹ hiền lành, dịu dàng. Mẹ thường là điểm tựa cho những đứa con. Tìm đến mẹ là tìm đến với yêu thương và bình yên. Nhưng người mẹ của A Ti lại gắn với “địa ngục”, với sự “đồi trụy”. Cũng như cái nhìn của A Ti với mẹ, người mẹ cũng có cái nhìn đầy ác cảm đối với con gái mình. Giữa hai người, không chút dấu hiệu của sự kết nối tình cảm mẹ - con.

   Nhân vật mang “mặc cảm Oedipus” trong sáng tác của Tàn Tuyết trước hết phản ánh thế giới tinh thần của người cầm bút. Trong hành trình sống của mình, có lẽ chính Tàn Tuyết cũng mang mặc cảm này. Đây là lý do giải thích vì sao hình tượng người mẹ trong các tác phẩm của bà thường hiện lên méo mó, xấu xí, tàn ác, khác với chuẩn mực nói chung về người mẹ. Tuy nhiên, nhân vật mang “mặc cảm Oedipus”, theo chúng tôi, không nên soi xét dưới góc độ đạo đức, bởi họ không phản ánh sự loạn luân, tội lỗi, trái với quy luật đạo đức thông thường, mà mang tính chất phản chiếu phần bản năng sâu thẳm trong thế giới tinh thần của con người. Đó là thứ đã tồn tại trong tâm hồn con người từ khi chào đời. Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên lý sáng tạo văn chương của Tàn Tuyết: đi sâu vào thế giới nội tâm, khám phá con người từ góc nhìn hiện sinh nhất.

   3. Nhân vật dưới dạng thức tự hủy

   Tự hủy là hành vi thường gặp ở những con người có biểu hiện thiếu tự tin hay mắc các chứng rối loạn tâm thần như: rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách, rối loạn ăn uống… Hành vi này được coi là công cụ giúp người thực hiện tự trừng phạt bản thân để có thể tìm kiếm sự quan tâm, chú ý của người khác hoặc có thể làm giảm bớt cảm giác tội lỗi, loại bỏ tạm thời các cảm xúc tiêu cực: lo lắng, buồn chán, căng thẳng, thất vọng… Đây cũng là hành vi của con người mang “mặc cảm Oedipus”. Theo kịch Sophocles, khi Oedipus phát hiện chính mình đã giết cha và cưới mẹ, liền chọc mù mắt mình như một sự tự trừng phạt. Vì vậy, có thể hiểu tự hủy là hành vi cố ý làm tổn thương thân thể của mình. Trong hai cuốn tiểu thuyết của Tàn Tuyết, so với dạng thức trên mà chúng tôi đã phân tích, thì dạng thức tự huỷ không nhiều.

   Chương bốn của cuốn Người tình cuối cùng có chi tiết nhân vật Joe một lần đến bãi chăn thả của ông chủ Kim đã chứng kiến những sự việc lạ lùng ở nơi đây. Do bị tác động mạnh, anh ta “cởi áo khoác và đứng dậy. Nhưng không có ai trong phòng, chỉ có những con ong đen bay xung quanh. Một lúc sau, mặt anh sưng tấy lên và anh bắt đầu cảm thấy chóng mặt”8. Hành động tự cởi áo để cho những con ong bắp cày bu kín đốt mình là một hành động mang dấu ấn tự hủy của “mặc cảm Oedipus”. Ong bắp cày vốn dĩ là loài ong mà nọc độc có khả năng giết người. May mắn thay, Joe chỉ phải chịu đựng những cơn đau nhức khó chịu chứ không hề bị mất đi tính mạng. Có điều kỳ lạ là những vết ong đốt ấy đã được xoa dịu bằng việc để những con mèo đen liếm láp. Đây là nét đặc trưng trong sáng tác của Tàn Tuyết. Bà luôn khiến độc giả bất ngờ bởi những hình ảnh kỳ dị, nằm ngoài mọi logic thông thường.

   Trong Những chuyện tình thế kỷ mới, nhân vật nữ A Ti cũng có hành động tự lao đầu vào máy cái và chịu một vết thương lớn ở đầu. Tại sao A Ti lại tự làm mình bị thương, bản thân cô cũng không lý giải được, “Cũng có thể cô muốn thử xem cơ thể mình làm bằng chất liệu gì? Năm ấy cha cô đã từng thử nghiệm như vậy. Cô còn nhớ khi đâm đầu vào cỗ máy lạnh như băng nọ, cô đã tự nhủ: “Mình phải làm, mình phải làm thế…””9. Hành động của A Ti dứt khoát, quyết liệt như được thôi thúc từ trong tiềm thức. Hành động ấy như mang dấu ấn hành động của người cha khi xưa. A Ti dường như đang mô phỏng lại việc cha mình từng làm. Dù phải chịu một vết thương khủng khiếp nhưng A Ti không hề cảm thấy đau. Hành động của cô chính là được thôi thúc bởi khát vọng muốn thoát khỏi nhà máy dệt – nơi chôn vùi tuổi thanh xuân của những cô gái trẻ như A Ti. A Ti đã thoát khỏi đó một lần, cô không chấp nhận được việc quay trở lại đó, sống quãng đời lặp lại lần thứ hai. Vốn là cô gái lanh lợi, xinh đẹp, cô công nhân nhà máy dệt A Ti được biết bao chàng trai theo đuổi. Lần thứ nhất rời nhà máy dệt, cô đã được giới thiệu đến khách sạn suối nước nóng hành nghề “buôn phấn bán hoa”. Sau đó, A Ti bị bắt đi cải tạo, rồi dưới sự tác động của Vi Bá, A Ti quay trở lại nhà máy dệt. Đây là lúc hành vi tự hủy xảy ra. Cô tự hủy hoại bản thân để có thể vùng lên sống cuộc đời mà cô mong muốn, để có thể theo đuổi giấc mộng tự do và tình yêu đích thực. Nhân vật trong các tác phẩm của Tàn Tuyết luôn trong trạng thái khủng hoảng tinh thần, dù bề mặt tưởng như vẫn sống tốt. A Ti thuộc kiểu nhân vật như vậy.

   Những chuyện tình thế kỷ mới là tác phẩm được xây dựng với bối cảnh là đất nước Trung Quốc trong những ngày đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nền công nghiệp mở rộng khiến các nhà máy, phân xưởng mọc lên ở khắp mọi nơi. Những cô gái đến từ nhiều vùng quê, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi hoàn cảnh đều trở thành những cô công nhân. Cuộc đời họ với cả nỗi khao khát và nỗi đau dần bị chôn vùi trong chốn quẩn quanh tăm tối của những xưởng dệt, xưởng xà bông, để rồi họ quyết tâm bỏ việc nhà máy để làm một công việc chẳng lấy gì vẻ vang: phục vụ những người đàn ông ở khách sạn suối nước nóng. Họ hi vọng thoát khỏi cái nơi tù túng để được giải phóng bản thể của mình và theo đuổi giấc mơ hạnh phúc. Nhưng rốt cuộc, họ vẫn phải quay trở về điểm xuất phát ban đầu. Quá trình chuyển đổi thân phận của những cô công nhân này được đánh đổi bằng việc chấp nhận rủi ro trên chính thân thể mình. Họ sẵn sàng tự hủy để được sống cho ra sống.

   Xét ở phương diện nhất định, chúng ta thấy Những chuyện tình thế kỷ mới của Tàn Tuyết rất giống với tiểu thuyết của F. Dostoyevsky và của một số nhà văn cổ điển khác ở cách tập trung vào việc làm thế nào để các cá nhân có thể đạt được sự thăng hoa của bản thân thông qua đau khổ. Thực tế là các nhân vật trong tác phẩm của Tàn Tuyết đều trải qua những nỗi đau (mất con, bị lừa dối, bị phản bội…) và nỗi đau tự hủy cũng nằm trong số đó. Đây là một biểu hiện của “mặc cảm Oedipus” nhưng nó không có ý nghĩa tự trừng phạt như hành động chọc mù mắt mình của Oedipus, mà nó mang ý nghĩa cao hơn, đó là tự giải phóng thể xác, sự đánh đổi để theo đuổi tình yêu, tự do, hạnh phúc.

   4. Kết luận

   Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, con người không chỉ làm chủ cuộc sống của mình mà còn từng bước chinh phục, chiếm hữu tự nhiên. Dù vậy, dấu ấn của những huyền thoại cổ xưa vẫn in sâu trong tâm trí con người hiện đại. Nó đã trở thành một nỗi ám ảnh, dần dà, nỗi ám ảnh ấy theo dấu con người đi vào văn chương. Văn học chính là một trong các phương tiện giúp ích hữu hiệu cho việc đi sâu khám phá thế giới tinh thần đầy bí ẩn của con người. Văn học đồng thời cũng đặt con người vào sự biến thiên của lịch sử và sự sống. Có thể thấy “mặc cảm Oedipus” là minh chứng rõ nhất cho những dấu vết cổ xưa trong văn học và cuộc sống của con người hiện đại. Nó đã được gọi tên như một phức cảm, một hiện tượng không hiếm gặp.

   Trong phạm vi bài viết, qua việc phân tích những đặc điểm của hệ thống nhân vật trong hai tiểu thuyết Người tình cuối cùng và Những chuyện tình thế kỷ mới, chúng tôi đã định danh được kiểu nhân vật mang “mặc cảm Oedipus” trong những sáng tác của nữ nhà văn Tàn Tuyết. Kiểu nhân vật này đã xuất hiện không ít lần trong các tác phẩm trước đó của bà. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phân tích khái quát những biểu hiện cơ bản của kiểu nhân vật này. Qua đó, hi vọng bài viết có thể giúp bạn đọc phần nào dễ dàng tiếp cận hơn với những sáng tác của Tàn Tuyết.

 

 

 

Chú thích:
1, 2, 3, 8 Tàn Tuyết (2016), Người tình cuối cùng, NXB Văn hóa Hồ Nam, Trung Quốc, tr. 97- 98, 96, 106, 83-84.
4, 5, 6, 7, 9 Tàn Tuyết (2022), Những chuyện tình thế kỷ mới (Thúy Hạnh dịch), NXB Phụ nữ Việt Nam, tr. 129, 134, 109, 110, 103.

Bình luận

    Chưa có bình luận