''ÔNG BỐ CHÂN DÀI'' VÀ ''KẺ THÙ YÊU DẤU'' TỪ GÓC NHÌN TỰ SỰ HỌC NỮ QUYỀN

Dựa vào nghiên cứu của S. Lanser về tự sự học nữ quyền, bài viết thực hành khảo sát truyện ''Ông bố chân dài'' và ''Kẻ thù yêu dấu'' từ góc độ truyện kể của một nhà văn nữ, lý giải cấu trúc truyện kể trên cơ sở cảm quan giới với những đặc điểm riêng trong lối viết phụ nữ. Từ đó phát hiện mối liên quan cấu trúc tự sự và đặc điểm căn tính nữ cùng lối viết phụ nữ thể hiện qua chiến lược tự sự và mô hình không gian của những truyện này.

   Tự sự học hậu kinh điển nới rộng mô hình của tự sự học kinh điển, hướng tới ngữ cảnh xã hội - lịch sử, các chủ đề, phương pháp luận, các tự sự liên ngành… Trong tự sự học kinh điển, giới chưa bao giờ được xem như một mã tự sự. Từ góc nhìn của tự sự học hậu kinh điển, sự can thiệp của giới vào các chiến lược diễn ngôn, đặc điểm thể loại cũng như vai trò căn tính tác giả trong cấu trúc tự sự đã làm cho việc diễn giải nghĩa có thêm những chiều kích mới. S. Lanser đã dựa trên một văn bản thư tín của phụ nữ được đăng với tư cách như là hành vi kể về hoàn cảnh riêng tư để kết nối tự sự học và vấn đề giới trong sáng tác văn học1  Tự sự là một hình thái giao tiếp, nhân tố giới trong giao tiếp, vấn đề “ai nói”, “nói với ai”, “nói như thế nào” trong những ngữ cảnh nhất định được xem như có tác động trực tiếp tới việc tạo lập diễn ngôn tự sự.

   Ông bố chân dàiKẻ thù yêu dấu được viết bởi Jean Webster (1876-1916), nữ nhà văn Mĩ, bắt đầu nổi danh vào đầu thế kỷ XX, thời điểm mà phong trào nữ quyền được dấy lên ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu đứng trên quan điểm về giới để khảo sát diễn ngôn tự sự trong những truyện này, ta sẽ có cơ hội nhận ra mối quan hệ giữa cảm quan nữ và những thực hành viết được cho là chịu chi phối của giới, từ đó thấy được con đường của tự sự học nữ quyền khi khảo sát văn bản cụ thể. Nghiên cứu này hướng đến chiến lược giao tiếp và ngữ cảnh tự sự ở truyện Ông bố chân dài Kẻ thù yêu dấu, là những yếu tố chịu chi phối bởi tính chất giới, theo tinh thần tự sự học nữ quyền.

   1. Chiến lược tâm tình

   Ông bố chân dài công bố năm 1912. Năm 1914, Kẻ thù yêu dấu ra đời như là sự tiếp nối của Ông bố chân dài. Cả hai truyện đều được viết dưới hình thức thư tín. Ông bố chân dài là tập hợp các bức thư mà nhân vật chính Jerusha Abbott, một cô bé mồ côi xuất thân từ Viện Cứu tế gửi cho người bảo trợ chưa biết mặt trong suốt khoảng thời gian cô học đại học. Kẻ thù yêu dấu là tập hợp các bức thư mà Sallie McBride, người được giao công việc cải tạo, phụ trách Viện Cứu tế, gửi cho Jerusha (Judy), chồng Jerusha là Jervis, Gordon, anh bác sĩ MacRae. Thư tín là hình thức có tính cá nhân, gửi cho người nhận xác định, trình bày ý kiến về các vấn đề tư tưởng, học thuật, xã hội, chính trị… Trong văn học, có các thể loại có hình thức thư như bút ký, nghị luận, truyện kể, thơ… Tiểu thuyết thư tín trở nên phổ biến từ thế kỷ XVIII, XIX. Bạn đọc đã biết đến những tiểu thuyết thư tín của Johann Wolfgang von Goethe, Montesquieu, J. Rousseau, Jane Austen, Balzac, Dostoevsky… Đến nay, nó vẫn là thể loại được sử dụng để chuyển tải những tư tưởng, cảm xúc, đặc biệt của những người yếu thế. Hiện tượng Ocean Vương với Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (On Earth We’re Briefly Gorgeous) là một ví dụ. Sử dụng hình thức thư tín chính là cách để Jean Webster tạo ra một kiểu tự sự bằng lời tâm sự, bộc bạch, giãi bày đầy tính chủ quan; mà hơn hết, đó là lời bộc bạch của các nhân vật nữ. Trường hợp Ông bố chân dài Kẻ thù yêu dấu, ta nhận ra tình thế của một nhà văn nữ, sáng tạo các nhân vật nữ, nói lên tiếng nói của người nữ qua những bức thư riêng tư gửi những người gần gũi, tin cậy, thân yêu. Mặt khác, những bức thư này được viết gần như hàng ngày, kể những việc liên quan trực tiếp đến bản thân người viết, theo trình tự thời gian. Ta có thể nhận ra ít nhiều truyện còn có tính chất nhật ký, ghi chép những việc vụn vặt xảy ra theo ngày tháng. Thêm nữa, chỉ có thư từ một phía, không có thư phản hồi nên truyện giống như một thứ nhật ký bằng thư.

   Nhiều ý kiến cho rằng trong truyền thống văn học phương Tây, hình thức trần thuật riêng như nhật ký, thư từ được các nhà văn nữ ưa dùng do nó hướng đến tính riêng tư hơn là tính công khai trong điều kiện phụ nữ ít được cất tiếng nói chính thống, sự riêng tư sẽ không đe dọa trật tự xã hội nam quyền. Trường hợp truyện Ông bố chân dài Kẻ thù yêu dấu, việc sử dụng hình thức thư từ, nhật ký trong bối cảnh những thập kỷ đầu thế kỷ XX có ý nghĩa như thế nào là điều nên quan tâm khi soi chiếu văn bản dưới cái nhìn tự sự học nữ quyền. Trước hết hãy bàn đến lối nói tâm tình thường thấy ở phụ nữ. Chính xu hướng phát ngôn kiểu chuyện trò, tâm sự, kể những chuyện vụn vặt hằng ngày trong những truyện này cho ta nhận ra dấu ấn của diễn ngôn phụ nữ. Truyện không có các tình tiết gay cấn, phát triển sự kiện đến cao trào, hầu như không có hoặc rất ít xung đột, kịch tính. Có thể nói đây là kiểu cốt truyện tĩnh. S. Lanser khi nghiên cứu về tự sự học nữ quyền đã đặt vấn đề phân biệt sự không tương hợp chuyện gốc với cách mà phụ nữ trình hiện câu chuyện. Nếu như đàn ông tiếp cận câu chuyện với một tiến trình phát triển, các sự kiện có khuynh hướng xảy ra liên tục hay đẩy đến cao trào thì trong cách kể của phụ nữ, câu chuyện nằm trong mô hình của “sự chờ đợi” hoặc có một cốt truyện khéo léo – cái được kể một cách công khai có khi lại không đồng nhất với những gì mà phụ nữ muốn bộc lộ2. Ở truyện Ông bố chân dàiKẻ thù yêu dấu, mọi việc được kể lại bằng cái nhìn, sự chiêm nghiệm chủ quan từ phía người kể chuyện: cô bé Jerusha Abbott kể những việc xảy ra với mình khi học đại học, chuyện học hành, các môn học, bạn bè, nghỉ hè, nghỉ lễ, những ký ức về Viện Cứu tế… (Ông bố chân dài) hay cô bạn Sallie McBride kể về việc mình đã tiếp nhận Viện Cứu tế như thế nào, những dự định xây dựng trại trẻ, những va chạm và hòa đồng với anh bác sĩ – người kề vai sát cánh cùng cô và các nhân viên trong trại, cuộc sống, tính cách, hoàn cảnh của những đứa trẻ mồ côi… (Kẻ thù yêu dấu). Thực ra truyện kể nào cũng cần có sự kiện, biến cố. Kiểu cốt truyện tĩnh vẫn có sự kiện. Sự kiện trong những truyện này là những biến cố “kiểu phụ nữ”, là những “chuyện không đâu”, có thể là “không đầu không cuối”. Mua đồ dùng mới, đến thăm nhà một người bạn, một người đến thăm trại trẻ mồ côi hay việc bọn trẻ không được uống dầu cá tuyết… cũng được coi là những “biến cố”, có thể bùng nổ những “giao tranh”. Chỉ một sự kiện xuất hiện ở phần cuối Kẻ thù yêu dấu là có vẻ có tính gay cấn, một “biến cố khủng khiếp”, đó là vụ cháy ở trại trẻ. Tuy nhiên, có vẻ như vụ cháy lại là một biến cố làm nên bước ngoặt nhận thức và tình cảm ở Sallie hơn là gây ra những thiệt hại về kinh tế. Vụ cháy là cơ hội để Sallie nhận ra tình cảm và sự chung tay chia sẻ của người dân địa phương với viện tế bần, nhất là cho cô cảm nhận sâu sắc tình yêu của mình đối với bác sĩ MacRae, từ đó dẫn đến quyết định gắn bó cuộc đời mình với “kẻ thù” (biệt danh cô đặt cho anh bác sĩ). Chính cô đã thừa nhận “vụ hỏa hoạn chính là điều kỳ diệu”, là biến cố “do một đấng siêu nhiên nào đó trên thiên đường, gửi lửa xuống”3.

   Mỗi bức thư là một mảng/ mảnh thực tế cuộc sống của nhân vật chính – người kể chuyện, người viết thư. Truyện kể cứ nhẩn nha như vậy, đi vào bộc lộ nội tâm là chính, trong quá trình tự bộc lộ, người kể gợi ra khung cảnh, phác thảo chân dung, thuật lại sự kiện… Người đọc tự kết nối các mảnh truyện kể để hình dung câu chuyện. Như vậy, từng bức thư như những mảnh ghép tạo thành mạch truyện. Kiểu kiến tạo truyện kể dựa vào những mảnh tâm sự tưởng như rời rạc, đầy ngẫu hứng, ngắt quãng, cần một người nghe chuyện thật sự kiên nhẫn, quan tâm, đồng cảm, chia sẻ mới hình dung được bức tranh đời sống mà người kể đang muốn tạo dựng. Đúng như S. Lanser đã chú ý vào sự trình hiện câu chuyện của phụ nữ, cốt truyện ở Ông bố chân dàiKẻ thù yêu dấu cứ thấp thoáng hiện ra sau rất nhiều những cà kê, trì hoãn, tạt ngang tạt dọc của người kể. Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng với người nghe chuyện không phải những sự kiện gì đã xảy ra mà là sự cảm hiểu một con người thông qua những buồn vui, mong đợi, ao ước, trách cứ, hứng khởi, cảm phục, yêu thương, quyết tâm… Qua những bức thư hiện lên con người sống với tất cả thế giới tinh thần, chân dung nội tâm sâu sắc, cái làm nên sự lôi cuốn ở các nhân vật nữ. Tôi là ai, tôi cảm thấy gì, tôi muốn gì… là những thông điệp mà người nữ muốn chia sẻ với những người xung quanh, khác với nam giới khi phần lớn trong số họ hướng tới việc khẳng định sức mạnh, sự lấn át, chinh phục, xác lập vị thế cá nhân và trật tự thế giới. Cốt truyện Ông bố chân dài Kẻ thù yêu dấu là hành trình người phụ nữ tìm kiếm bản thân, nhờ đó, tìm kiếm được hạnh phúc. Món quà mà họ nhận được chính là tình yêu. Lá thư cuối cùng là bức thư tình. Phải chăng Jean Webster với cảm quan phụ nữ, đích đến có ý nghĩa nhất trong cuộc sống của bà là tình yêu?!

   Với hình thức thư tín có dấu ấn của nhật ký, nhà văn đã chọn chiến lược giao tiếp kiểu tâm tình, theo quan hệ một - một, với thẩm quyền của người nói là giãi bày, thẩm quyền của người nghe là thấu hiểu, đồng thuận. Tuy nhiên, như trên đã nói, trong Ông bố chân dàiKẻ thù yêu dấu chỉ có lời của chủ thể bức thư, không có hồi đáp của người nhận thư. Đúng ra là ta thấy sự “phản hồi” của người nhận trong chính những bức thư tiếp theo được viết bởi nhân vật người kể chuyện. Lúc này xuất hiện tính chất nhiều giọng, đa thanh, đan xen lời người nhận trong lời người viết thư. Người nhận thư có vai trò là người đọc hàm ẩn, một vai trong hoạt động giao tiếp, không xuất hiện nhưng có dấu vết hiện diện ở lời chủ thể thư. Trong Ông bố chân dài, người nhận là “ông bố” bí ẩn đã bảo trợ cho Jerusha đi học đại học. Ngoài phần đầu xây dựng tình huống, tạo khung truyện kể, trong suốt tập truyện hoàn toàn là những bức thư Jerusha gửi “bố”. Đến Kẻ thù yêu dấu, người nhận đa dạng hơn, đó là cô bạn gái, chồng bạn gái – “ông bố chân dài”, người yêu, anh bác sĩ. Thực chất, toàn bộ truyện là lời của một chủ thể. Những người nhận thư (người nghe chuyện) đều không trực tiếp xuất hiện. Trong Ông bố chân dài, người nhận thư chỉ có một, người viết chỉ viết cho một người. Mô hình giao tiếp một - một duy trì suốt cả truyện. Lời kể tập trung vào một nhân vật, thể hiện quá trình trưởng thành của cô bé Jerusha (có thể xếp truyện này vào kiểu tiểu thuyết trưởng thành của các thiếu nữ thịnh hành vào cuối thế kỷ XIX). Ở Kẻ thù yêu dấu, vẫn là mô hình giao tiếp một - một (hình thức viết thư), song lại hình thành nhiều quan hệ một - một, tạo ra mạng lưới nhân vật xoay quanh nhân vật chính, tạo cơ hội để người phụ nữ bày tỏ những tiếng nói khác nhau của chính mình trong từng mối quan hệ. Ví dụ trong mối quan hệ với anh bác sĩ MacRae giai đoạn đầu hai người mới làm việc chung, Sallie khi viết cho Judy thì bộc lộ những nhận xét bộc trực, bất kỳ một điều gì làm cô khó chịu với tay bác sĩ đều được tràn ra trên trang thư nhưng khi viết cho chính anh ta thì giọng điệu lại điềm tĩnh, rành rọt. Như vậy, cái mà S. Lanser nói về sự khéo léo của phụ nữ, ở trường hợp này, phải chăng chính là sự vênh lệch giữa cái công khai (thư cho MacRae) và cái muốn bộc lộ (thư viết cho Judy)?

   Trong hai truyện này, chiến lược giao tiếp tâm tình được kết hợp với điểm nhìn nữ giới. Ta có thể dễ dàng nhận ra thiên hướng nữ, căn tính nữ trong cách nhìn, cách xử lý các vấn đề của truyện. Có lẽ cần thừa nhận rằng phụ nữ thích hợp với gia đình, là người của gia đình. Ở cả Ông bố chân dài cũng như Kẻ thù yêu dấu, khát vọng về gia đình là điều nổi bật. Trong Ông bố chân dài, Jerusha – một đứa trẻ mồ côi – luôn mong ước có một gia đình, có được ai đó là bố, anh, chị, là người thân của mình. Trong Kẻ thù yêu dấu, nhân vật chính luôn trăn trở làm sao tạo lập được một gia đình cho những đứa trẻ mồ côi. Cùng với khát vọng về gia đình, truyện thể hiện đậm nét bản năng người nữ, đó là sự yêu thương, chở che, chăm sóc… Nhân vật của Jean Webster là những con người luôn dễ mềm lòng và thường đi đến những quyết định trọng đại của cuộc đời mình trong tình huống chứng kiến người đàn ông thể trạng yếu ớt do ốm đau hay bị thương hoặc gặp những điều bất hạnh trong cuộc sống. Tình huống này thường được đặt ở phần kết của truyện. Ở Ông bố chân dài, lần đầu tiên Jerusha tới với “bố” sau mấy năm trời viết thư (thực ra “bố” chính là Jervid, cô đã từ chối tình cảm của Jervid vì sợ anh biết được quá khứ của cô), lúc đó “bố” đang ốm, kết cục là cô đã không thể rời xa con người này. Ở Kẻ thù yêu dấu, Sallie, khi chứng kiến bác sĩ MacRae bị thương khi cứu người trong vụ cháy, lại được biết những bi kịch gia đình mà anh phải chịu đựng, cô đã từ bỏ người mình đã đính hôn và đến với “kẻ thù”.

   Khi sử dụng điểm nhìn ý thức nữ, nhà văn đã có những trang viết thú vị, như thể phơi bày mọi điểm yếu của phụ nữ với tất cả vẻ đáng yêu của nó, ví dụ như tâm tính thất thường, chấp nhận vui với những điều nhỏ nhặt, hay để ý tiểu tiết, cách nói ngược, sự bướng bỉnh, cố chấp, đố kỵ… Những suy nghĩ “bất thường” đôi khi cũng trở thành điểm thu hút ở họ. Từ vụ cháy ở Viện Cứu tế, Sallie cho rằng “cứ hai nhăm năm một lần, mọi tổ chức cần phải bị đốt cháy, để loại bỏ những thứ lỗi thời và cả phong cách quản lý lạc hậu”4. Hay như cách Sallie lựa chọn người yêu: cô từ bỏ vị hôn phu làm chính trị gia, không muốn làm một mệnh phụ sang trọng, nổi tiếng, yêu anh chàng bác sĩ đã cùng cô tạo dựng và chăm chút trại trẻ mồ côi. Jerusha thì so sánh cuộc sống của đàn ông và phụ nữ một cách rất phụ nữ: “Bố có thấy cuộc sống của đàn ông tẻ nhạt và đơn điệu không. Với họ, vải the, thêu tay, đan móc Ai-len… chỉ là những thứ tào lao. Nhưng ngược lại, với phụ nữ, không biết họ có thực sự quan tâm đến chồng con, thơ nhạc, kẻ hầu người hạ, những hình bình hành, vườn cây, triết gia, hay những cây cầu, nhưng chắc chắn, họ luôn quan tâm đến quần áo”5. Có thể nói, Ông bố chân dài Kẻ thù yêu dấu mở ra một thế giới rất “đàn bà”, người đọc khi lạc vào thế giới đó sẽ hiểu và yêu họ! Những lời tâm sự của Jerusha với “bố” về hạnh phúc chính là sự thể hiện cách nhìn của phụ nữ về thế giới và về chính mình: “Con mới phát hiện ra bí mật của hạnh phúc. Nó không cứ phải là những gì to tát, lớn lao, mà chỉ cần gom góp những điều nhỏ nhặt. Nó cũng là đừng hối tiếc những gì đã xảy ra, không quá kỳ vọng vào tương lai, mà chỉ sống cho hiện tại, trân quý hiện tại. Nếu ví cuộc sống như làm nông nghiệp, có thâm canh, có quảng canh, thì con chọn thâm canh. Như vậy, con sẽ tận hưởng được từng giây của cuộc sống, và luôn nhắc mình đang có diễm phúc tận hưởng nó”6.

   Như vậy, thể loại thư từ, cùng với đó là chiến lược giao tiếp tâm tình, cách xác lập chức năng các vai giao tiếp (người viết - người nhận thư) và tính chất cốt truyện phi sự kiện được xâu chuỗi như là những căn cứ để truy tầm căn tính nữ của chủ thể sáng tạo. Hay ngược lại, có thể thấy sự phóng chiếu của căn tính nữ lên những yếu tố hình thức của truyện kể. Nếu S. Lanser nhấn mạnh vào sự khéo léo trong lối viết phụ nữ, tính chất của cốt truyện được tạo dựng bởi phụ nữ, thì khi khảo sát truyện của Jean Webster, có thể nhận thức sâu hơn sự chi phối của căn tính nữ trong các đơn vị tự sự cụ thể.

   2. Ngữ cảnh tự sự và mô hình Ngôi nhà trẻ thơ

   Chiến lược tâm tình trong ngữ cảnh tự sự cho phép ta nghĩ về sự khéo léo của phụ nữ (ở cấp độ bao quát hơn sự giao tiếp người kể chuyện - người đọc hàm ẩn, đó là sự giao tiếp của người kể chuyện - người đọc thực tế) trong lối viết như S. Lanser đã nói. S. Lanser còn chú ý vấn đề ngữ cảnh tự sự, vai trò tạo nghĩa của ngữ cảnh. Ở nước Mĩ đầu thế kỷ XX, tiếng nói của phụ nữ vẫn chưa được coi trọng trên chính trường, phong trào đòi quyền bầu cử của phụ nữ vẫn diễn ra mạnh mẽ (chỉ một số bang cho phép phụ nữ quyền đầu phiếu). Trong bối cảnh đó, phụ nữ cần có những chiến lược giao tiếp để nói lên tiếng nói của mình và có thể có tác động tới người nghe theo cách của mình. Đặt Ông bố chân dài Kẻ thù yêu dấu trong ngữ cảnh tự sự có thể cho ta phán đoán về mục đích của sự lựa chọn chiến lược giao tiếp tâm tình. Đây có lẽ là một cách để tránh việc đề cập trực diện những vấn đề xã hội như khẳng định vai trò nữ giới hay quyền nuôi dưỡng trẻ em, tránh cảm giác “tuyên chiến” với trật tự nam quyền. Tính riêng tư của hình thức thư từ dù sao cũng dễ chấp nhận hơn những bản văn kiện hay những cuộc vận động, nhất là những tuyên ngôn khiến nhà văn nghiêng hẳn sang nhà hoạt động chính trị. Đặt Ông bố chân dài Kẻ thù yêu dấu trong ngữ cảnh xã hội có thể thấy những bức thư riêng tư khi trở thành một cách kể câu chuyện của phụ nữ, cách phụ nữ khéo léo tuyên bố về vị thế, nhân cách và tư tưởng của mình giúp người đọc nhận ra trong bối cảnh đầu thế kỷ XX, vấn đề về bình đẳng giới và sự đấu tranh cho nó trong diễn ngôn của những nhà văn đồng thời là nhà hoạt động xã hội như Jean Webster vẫn chịu sự kiềm tỏa của những thiết chế xã hội nam quyền như thế nào.

   Như trên đã nói, Ông bố chân dàiKẻ thù yêu dấu sáng tác vào thời điểm mà làn sóng nữ quyền lần thứ nhất đang có ảnh hưởng lớn. Làn sóng nữ quyền lần thứ nhất nổ ra vào cuối thế kỷ XIX, kéo dài đến những thập kỷ đầu thế kỷ XX, với những cuộc đấu tranh mở đường để phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội, giáo dục, khẳng định năng lực và giá trị của bản thân. Bản thân những truyện này có lẽ cũng là một minh chứng cho tinh thần nữ quyền. Đọc Jean Webster, ta thấy những nhân vật phụ nữ hoàn toàn có khả năng làm chủ, biết tạo dựng lý tưởng sống, ý thức sâu sắc về trách nhiệm xã hội của cá nhân với tương lai của đất nước. Jerusha được đi học đại học và theo đuổi mục đích trở thành nhà văn. Sallie dấn thân vào thử thách là khôi phục, tạo dựng trại trẻ mồ côi. Trong quá trình đó, họ đã có những suy nghĩ nghiêm túc và đầy trách nhiệm với cộng đồng. Nhà văn đã xây dựng những nhân vật có ý thức tự chủ, tự lập, biết lựa chọn con đường riêng cho cuộc đời mình. Đồng thời, họ cũng chứng minh rằng trên con đường đó, để thực hiện mục đích đời mình, họ sẵn sàng bàn luận, đối thoại, hấp thụ những tư tưởng cấp tiến của thời đại như chủ nghĩa xã hội, thuyết di truyền, thuyết ưu sinh, các thuyết về giáo dục...

   Sáng tác của Jean Webster có bóng dáng của những quan điểm xã hội hiện đại đầu thế kỷ XX. Trong Ông bố chân dài, Jerusha tỏ ra hứng thú với tư tưởng chủ nghĩa xã hội ở chú Jervis7. Trong Kẻ thù yêu dấu, những quan điểm di truyền được áp dụng trong quá trình chăm sóc trẻ ở Viện Cứu tế; Sallie và MacRae trao đổi về những cuốn sách di truyền học của Henry Herbert Goddard… Nhưng với phụ nữ, từ đặc tính luôn hoài nghi của họ, những tư tưởng này cần được kiểm chứng qua những trải nghiệm thực. Từ hành động của các nhân vật trong truyện, chúng ta nhận ra thái độ nước đôi khi phụ nữ tiếp cận các học thuyết này. Về tư tưởng của chủ nghĩa xã hội, Jerusha tâm sự với “bố”: “Bố biết không, con nghĩ rằng con cũng theo chủ nghĩa xã hội […]. Họ khác hẳn những người vô chính phủ, và phản đối lối sống thừa mứa. Có lẽ con thuộc giai cấp vô sản. Con chưa xác định sẽ theo kiểu gì”8, “Con là người xã hội chủ nghĩa. Người xã hội chủ nghĩa luôn sẵn sàng chờ đợi […]. Chúng con muốn nó (cách mạng - LTM) đến từ từ, khi chúng con đã có sự chuẩn bị hợp lý và có khả năng chịu sốc. Trong khi đó, chúng ta phải sẵn sàng cải cách giáo dục, công nghiệp, Viện Cứu tế”9. Về thuyết di truyền, Sallie có vẻ nhiệt thành tin vào nó, đồng tình với bác sĩ MacRae trong việc xem xét hình phạt đối với đứa trẻ bị di truyền nhưng lại giãi bày trong một bức thư gửi Judy: “Thú thực, tớ chả tin con bé Loretta có liên quan đến di truyền. Mẹ, dì Ruth và chú Silas của nó đều mất trí, nhưng nó lại cực kỳ điềm tĩnh”10.

   Riêng quan điểm cải cách giáo dục, có vẻ như Jean Webster tìm thấy sự đồng thuận trong tư tưởng của Maria Montessori (1870-1952) – nhà cải cách giáo dục người Ý. Bằng trái tim người phụ nữ, Jean Webster có sự đồng cảm sâu sắc với các quan điểm giáo dục trẻ em. Bà đã biến các quan điểm giáo dục thành thế giới nghệ thuật sống động. Ta nhận ra bóng dáng quan điểm giáo dục của Maria Montessori trong tư duy sáng tạo của Jean Webster. Trong Kẻ thù yêu dấu, Jean Webster đã trực tiếp nhắc đến phương pháp Montessori11. Một trong những đề xuất của Montessori cho việc giáo dục trẻ em là mô hình Ngôi nhà trẻ thơ. Trong ngôi nhà này, trẻ em sẽ học về thế giới, học cách độc lập và tự tin. Đây là môi trường sống đặc biệt, tạo cho trẻ phát triển cả trí tuệ và thể chất, biết chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Tại đây, mọi đồ vật như tủ, bàn, ghế, các yếu tố âm thanh, màu sắc, kiến trúc đều được thiết kế phù hợp với trẻ em với thái độ và cách nhìn đặc thù của chúng. Trẻ sống và lớn lên trong môi trường như thế theo cách thức chịu trách nhiệm trong việc thực thi các nhiệm vụ giữ được ngôi nhà sạch sẽ, ngăn nắp, sẽ dần phát triển quá trình tự nhận thức và phát huy năng khiếu của bản thân12. Quá trình tự nhận thức của trẻ sẽ thông qua những hoạt động của bản thân trong Ngôi nhà trẻ thơ.

   Ngôi nhà trẻ thơ là hình tượng không gian bao trùm bộ truyện của Jean Webster. Không gian tự sự ở cả Ông bố chân dài Kẻ thù yêu dấu đều gắn với Viện Cứu tế – một mái nhà của trẻ em mồ côi. Nếu Ông bố chân dài là ký ức kinh hoàng của Jerusha về trại trẻ mồ côi thì Kẻ thù yêu dấu là quá trình thực hiện mô hình Ngôi nhà trẻ thơ, một mái ấm, một gia đình – Viện Cứu tế John Grier. Jerusha, từ những trải nghiệm khốn khổ ở trại tế bần, khi được đi học đại học, đã mơ ước một ngày nào đó mình sẽ làm chủ một viện cứu tế để tạo dựng nó thành nơi trẻ mồ côi được hạnh phúc trong môi trường mà mọi người đều làm mọi việc bằng tình yêu và cả trái tim mình. Sau khi kết hôn, chồng của cô đã tặng cho cô Viện Cứu tế, nơi cô đã từng sống, nơi chồng cô là một trong những người bảo trợ. Cô đã cậy nhờ bạn mình là Sallie khôi phục và tạo dựng nó thành một ngôi nhà đúng như cô mong ước. Nếu ở Ông bố chân dài, nhà văn nêu một phản đề về Ngôi nhà trẻ thơ với sự hà khắc, áp chế, điều kiện sống nheo nhóc, tệ hại khiến trẻ em kinh sợ, ám ảnh thì ở Kẻ thù yêu dấu, ngôi nhà ấy thực sự là nơi trẻ em được sống trong một thế giới lý tưởng. Những kế hoạch xây dựng, cải tạo trại trẻ của nhân vật Sallie khá tương đồng với ý tưởng về Ngôi nhà trẻ thơ của Montessori. Sallie cho rằng mô hình lý tưởng với bọn trẻ là những ngôi nhà nhỏ, bọn trẻ cần làm quen với cuộc sống gia đình; cô cải thiện trại trẻ từ phòng chơi, phòng tắm, quần áo, bữa ăn… đến chú ý cả màu sơn của tường, cách sắp đặt bàn ăn, kiến trúc. Cho đến tận bây giờ, chúng ta vẫn có thể học được ở sáng tác của Jean Webster những bài học về giáo dục trẻ em. Trong “ngôi nhà” bà đã tạo nên bằng ngôn từ, ta thấy đầy ắp tình thương yêu, tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó với trẻ em. Phải có một sự cảm hiểu về tâm lý trẻ em – điều trở thành một sự nhạy cảm có tính bản năng ở phụ nữ – thì mới có được những phương pháp dạy trẻ có hiệu quả như Jean Webster thiết kế trong sáng tác của mình: cho mỗi đứa trẻ chăm sóc một mảnh vườn, giáo dục bằng cách cho làm vườn; cho trẻ chăm sóc động vật để giáo dục tình thương và trách nhiệm; dạy trẻ cách sử dụng tiền; khuyến khích mỗi đứa trẻ có một hộp đồ chơi – nơi cất giữ kho báu của riêng mình; tổ chức các trò chơi đầy tính quậy phá như ném túi đậu trong phòng học, đánh nhau bằng gối; tổ chức các hoạt động để trẻ có nhu cầu đọc sách, tìm hiểu kiến thức; kích thích sự tò mò của trẻ… Ngay cả khi có đứa trẻ nào phạm lỗi thì hình phạt cũng là bằng tình yêu thương hoặc cần có một hình phạt phù hợp, quan trọng là tìm được những lý do trẻ phạm lỗi, thậm chí truy đến cả yếu tố di truyền trong cơ địa của trẻ. Có khi trẻ phạm lỗi mà không hề biết mình có lỗi (như trường hợp cô bé Hattie bị tố là ăn cắp khi cầm chiếc cốc bạc của nhà chủ và bày trong ngôi nhà búp bê của mình). Nếu không có sự thấu hiểu tâm lý trẻ thì sẽ quy kết và đẩy trẻ đến tình trạng tồi tệ. Sallie luôn trăn trở phải làm sao để mình có đủ tình thương yêu, sự ấm áp cho những tâm hồn bé bỏng13 vì cô hiểu rằng sự chăm sóc chu đáo ảnh hưởng lâu dài với cuộc sống của trẻ, tương lai của bọn trẻ là tương lai của nước Mĩ14.

   Có thể thấy, không gian tự sự của truyện Ông bố chân dài Kẻ thù yêu dấu là không gian có tính mô hình – mô hình giáo dục hiện đại – song nó không phải một mô hình khô cứng mà sống động, mang hơi thở cuộc sống. Ở đó có sự vui nhộn, hài hước; có những trò quậy phá; có những dỗi hờn, hiểu lầm, công kích; có sự thán phục, sự gắng gỏi, nhụt chí rồi lại quyết tâm…, đủ các sắc màu và cung bậc. Nó là một thế giới được tạo ra bằng trái tim phụ nữ, có thể đôi chỗ còn sơ lược, chưa tự nhiên, lộ vết tích sắp đặt nhưng là một thế giới cho con trẻ, an toàn, không đi xa hơn vòng tay người mẹ – một không gian đóng, có tính bao bọc. Người đọc không thấy sự nghiệt ngã, xô bồ, đầy thử thách khốc liệt và những biến cố tạo bước ngoặt lớn lao của cuộc sống thực tế. Cả hai truyện đều kết thúc có hậu như cái kết của những câu chuyện cổ tích. Ý nguyện đã thành, hạnh phúc đã đến. Từ những diễn giải này, chúng ta nhận thấy yếu tố không gian tự sự trong truyện kể chứa mã căn tính nữ. Sự cất tiếng nói mang tính nữ về điều mà phụ nữ coi là quan trọng nhất – giáo dục trẻ em, giáo dục con người trong một xã hội nam giới có tính áp chế là sự khẳng định vai trò của phụ nữ trong hành trình tạo ra con người cho nhân loại. 

   Montessori cho rằng: “Nếu có sự cứu rỗi thì điều đó sẽ bắt đầu với những đứa trẻ, vì đứa trẻ là người sáng tạo ra loài người. Đứa trẻ sẽ được phú cho những quyền lực chưa hề biết để đưa tới một tương lai tốt đẹp hơn. Nếu mục tiêu của loài người là tìm kiếm sự tiếp nối thực sự, thì nhiệm vụ của giáo dục phải là sự phát triển tiềm năng con người”15. Jean Webster đã bắt đầu với những đứa trẻ mồ côi trong Viện Cứu tế, bà đã tạo nên một thế giới mà những đứa trẻ bơ vơ, tội nghiệp có một thứ “quyền lực” làm cho những người lớn tìm thấy ý nghĩa cuộc đời, tìm kiếm được niềm vui, niềm hạnh phúc và tương lai của chính mình. Có thể coi Ông bố chân dài Kẻ thù yêu dấu là sự cứu rỗi tâm hồn người phụ nữ này khi cầm bút và cứu rỗi chúng ta khi cùng bà ý thức về trách nhiệm của mỗi người đối với trẻ em và xa hơn, với nhân loại.

   Như vậy, yếu tố thi pháp nội tại như không gian nghệ thuật khi được soi chiếu trong tương quan với tinh thần tự sự học nữ quyền (đặt trong ngữ cảnh tự sự và căn tính nữ) lại có khả năng tạo sinh nghĩa. Nếu coi kể chuyện cũng là một dạng quyền lực thì khi người nữ tạo dựng thế giới truyện kể mang đậm bản tính phụ nữ cũng là lúc họ tự cấp cho mình một quyền năng đưa thế giới vào trật tự bằng những ký hiệu riêng của mình. Giờ đây, khi nữ quyền luận đã có những bước phát triển mới, những gì thuộc căn tính nữ (mà ở làn sóng lần thứ nhất được coi như một yếu tố khẳng định năng lực phụ nữ trong sự bình đẳng với nam giới) lại được coi như là sự trở về với bản thể nữ, sự ý thức sâu sắc về giới, từ đó khẳng định sức mạnh phụ nữ. Có thể thấy trong những bối cảnh khác nhau, chúng ta nhận ra chiều sâu ý nghĩa của các câu chuyện mà phụ nữ đã kể.

   3. Kết luận

   Trường hợp tác phẩm của Jean Webster, từ việc phát hiện mối liên quan cấu trúc tự sự và đặc điểm căn tính nữ, lối viết phụ nữ thể hiện qua chiến lược tự sự và mô hình không gian, ta có thể có thêm căn cứ để nhận ra những ưu thế của hướng nghiên cứu tự sự học nữ quyền trên cơ sở đề xuất kết hợp tự sự học và giới như S. Lanser đã làm. Tự sự học nữ quyền, cũng như một số xu hướng tự sự học hậu kinh điển khác, quan tâm ý nghĩa của tự sự, nó là một cách đọc sâu vào cấu trúc nghĩa của văn bản. Khi khám phá cách phụ nữ thực hiện hành động viết, ta vừa nhận ra chức năng tự sự của cấu trúc hình thức vừa phát hiện những nghĩa phái sinh do ngữ cảnh đem lại cho văn bản. Các vấn đề lối viết phụ nữ hay truyền thống tính nữ được gợi ra từ truyện kể là những hướng nghiên cứu thú vị và có ý nghĩa. Mặt khác, khi kết hợp tự sự học và nữ quyền, mà cụ thể ở trường hợp nghiên cứu bộ truyện Ông bố chân dài Kẻ thù yêu dấu, là kết hợp cấu trúc nội tại với hệ chủ đề, ta sẽ nhìn sâu hơn vào chính con người, bởi xét đến cùng, “Tự sự học có thể giúp ta hiểu con người là gì” (Gerald Prince).

 

 

 

   Tài liệu tham khảo:
   1. Trần Đình Sử (Chủ biên, 2018), Tự sự học – Lý thuyết và ứng dụng, NXB Giáo dục Việt Nam.

   Chú thích:
   1, 2 Nhiều tác giả (Cao Kim Lan tổ chức biên soạn và dịch thuật, 2023), Tự sự học hậu kinh điển, NXB Khoa học xã hội.
   3, 4, 14 Jean Webster (Vũ Danh Tuấn dịch, 2024), Kẻ thù yêu dấu, tập 2, NXB Lao động, tr. 191, 179, 128.
   5, 6, 7, 8, 9 Jean Webster (Vũ Danh Tuấn dịch, 2022), Ông bố chân dài, NXB Lao động, tr. 156, 160, 159-161, 159, 161.
   10, 11, 13 Jean Webster (Vũ Danh Tuấn dịch, 2024), Kẻ thù yêu dấu, tập 1, NXB Lao động,tr. 158, 168, 32.
   12, 15 Văn phòng Giáo dục quốc tế - Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc UNESCO (2004), Chân dung những nhà cải cách giáo dục tiêu biểu trên thế giới, NXB Thế giới, tr. 226, 240.

Bình luận

    Chưa có bình luận