NƯỚC NGA TRONG THƠ CỦA VLADIMIR NABOKOV

Bài viết tái hiện nước Nga trong thơ Nabokov qua nỗi nhớ, sự cô độc của nhân vật trữ tình khi rời xa quê hương, dáng vẻ nước Nga văn hóa cổ xưa nhìn từ thiên nhiên, điền trang, những địa danh và nhân kiệt nổi tiếng của nước Nga. Từ đó, khẳng định vị trí không thể thay thế của nước Nga trong sáng tác của các nhà văn Nga, đặc biệt là các nhà văn Nga di cư.

   Các nhà văn Nga di cư đã tạo dựng được tên tuổi và vị thế của mình trong văn học thế giới phải kể đến: Ivan Bunin, Aleksandr Kuprin, Marina Tsvetaeva, Vladimir Nabokov, Aleksandr Solzhenitsyn, Joseph Brodsky… Đây cũng là bộ phận văn học đóng góp tới ba nhà văn dành giải Nobel văn chương của nước Nga: Ivan Bunin (Nobel 1933), Aleksandr Solzhenitsyn (Nobel 1970), Joseph Brodsky (Nobel 1987). Mỗi tác phẩm của các nhà văn Nga, đặc biệt của các nhà văn Nga di cư, đều là một thế giới riêng mời gọi sự khám phá. Tuy nhiên, trong sáng tác của họ, nước Nga vẫn là nơi chốn ám ảnh tâm hồn họ nhất, khiến họ day dứt khôn nguôi, kể cả các nhà văn được coi là “phương Tây nhất” trong số các nhà văn Nga như Vladimir Nabokov.

   1. Nabokov - nhà thơ

   Nabokov vốn được biết đến là một nhà văn xuất sắc, người có những tác phẩm làm khuynh đảo cả thế giới vì tư tưởng nghệ thuật và dấu ấn ngôn từ táo bạo, chẳng hạn như Lolita, Những thứ trong suốt, Mashenka, Tiếng cười trong bóng tối… Cũng giống như những cây bút vĩ đại khác của thế giới, Nabokov trước khi viết văn cũng làm thơ và mơ ước trở thành nhà thơ. Ông có thơ đăng báo năm 15 tuổi. Năm 1916 tập sách đầu tiên Стихи (Thơ) được in. Sau này, trong suốt quãng đời sáng tác văn học, cũng chính là quãng đời tha hương, Nabokov vẫn tiếp tục làm thơ, những bài thơ dù xuất hiện hiếm hoi trong mạch văn đồ sộ của ông vẫn có sức hút riêng, cho thấy một bản dạng khác, một cái tôi khác của ông.

   Nabokov là một cây bút độc đáo, ông sáng tác cả bằng tiếng Nga và tiếng Anh. Đặc biệt, nhiều tác phẩm có đến hai nguyên bản bởi nhà văn chủ động tự dịch sáng tác của mình sang một ngôn ngữ khác, cụ thể là tiếng Anh (với các sáng tác ban đầu là tiếng Nga) và ngược lại. Điều này không chỉ xảy ra với các tác phẩm văn xuôi nổi tiếng nhất của Nabokov như Lolita, Hãy nói đi, ký ức (bản tiếng Nga Những bờ bến khác - Другие берега, tên tiếng Anh: Speak, Memory) mà còn thấy ở những tác phẩm thơ của ông. Thao tác này một mặt giúp nhà văn đảm bảo tính chính xác cao nhất trong việc độc giả ở các quốc gia có thể hiểu đúng nhất tác phẩm của mình, mặt khác cũng giúp văn chương của Nabokov đến gần hơn với người đọc ở nhiều quốc gia khác nhau, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi mà di cư đã trở thành một hiện tượng đặc biệt quan trọng và bộ phận văn học của các nhà văn di cư thế giới đã có nhiều thành tựu. Thực tế, Nabokov viết rất nhiều thơ. Trong cuốn sách Nabokov - Thơ, nhà nghiên cứu Malikova đã khẳng định, thơ chính là “người đồng hành vĩnh cửu”1 của Nabokov. Trước khi in tiểu thuyết đầu tay Mashenka, ông đã xuất bản hơn 400 bài thơ (và viết khoảng 1000 bài thơ). Sau thời kỳ được coi là nổi tiếng nhất của Nabokov – thời kỳ “hậu Lolita”, Nabokov đã tự mình tập hợp tất cả những vần thơ trong cả cuộc đời sáng tác, từ những vần thơ sáng tác khi còn trẻ lẫn khi đã về già thành hai tập: Những bài thơ và những vấn đề (1970) và Thơ (1979)2. Nabokov đã sáng tác nhiều như, thậm chí nhiều hơn bất cứ nhà thơ đích thực nào. Chỉ riêng tuyển tập thơ do ông tự tuyển chọn được xuất bản năm 1979 (sau khi Nabokov qua đời, vợ ông Vera Nabokova viết lời tựa) đã lên đến 222 bài. Cuốn sách về thơ của Nabokov đầy đủ nhất là cuốn Nabokov - Thơ (xuất bản năm 2002). Trong cuốn sách này, các nhà nghiên cứu người Nga tập hợp tất cả các bài thơ do Nabokov sáng tác trong các giai đoạn của cuộc đời, thơ Nabokov viết xuất hiện rải rác trong các tiểu thuyết hoặc tiểu luận của ông, thơ do ông viết bằng các thứ tiếng Nga, Anh, Pháp, thơ do Nabokov dịch từ tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Nga hoặc từ tiếng Nga sang tiếng Pháp… Chỉ tính riêng dung lượng của những bài thơ ấy đã lên đến hơn 600 trang, tính cả chú thích của người làm sách và lời giới thiệu là 674 trang. Tổng số tất cả các ấn phẩm thơ cả dịch và viết là 596, trong đó có 55 bài thơ dịch, còn lại là thơ viết bằng tiếng Nga, Anh, Pháp (thơ tiếng Anh 9 bài, thơ tiếng Pháp 14 bài, thơ tiếng Nga 518 bài)3. Con số trên cho thấy năng lực sáng tác thơ vô cùng dồi dào của Nabokov, thế nhưng dường như mảng sáng tác này của ông rất ít được giới nghiên cứu nhắc đến. Nguyên nhân là bởi di sản văn xuôi của ông quá đồ sộ và độc đáo, đến mức người ta quên mất có một nhà thơ Nabokov thực sự. Chính vì thế, trong bài viết giới thiệu cho cuốn sách Nabokov - Thơ, nhà nghiên cứu M. Malikova đã gọi Nabokov là “nhà thơ bị lãng quên” (забытый поэт)4.

   Trong di sản thơ ca đồ sộ của mình, Nabokov viết nhiều chủ đề. Những chủ đề trong thơ của Nabokov có sự thay đổi theo thời gian. Năm 1917, ông có tổng kết và sắp xếp lại những bài thơ được sáng tác trong năm cuối cùng trước khi di cư (từ 6/1916 đến tháng 7/1917): trong tổng số 172 bài có 70 bài ông dành tặng cho những người tình của mình, 24 bài về các sự kiện thường ngày, 52 bài về thiên nhiên và 26 bài về chính bản thân mình5. Sau này, khi đã rời khỏi nước Nga, Nabokov càng viết thơ nhiều hơn, theo Malikova, có giai đoạn ông sáng tác 3 ngày một bài, thậm chí 2 ngày 1 bài6. Đây là giai đoạn ông bắt đầu cuộc sống ở Đức, sau đó là ở Anh. Nabokov thời gian này theo học văn học Nga và văn học Pháp tại Đại học Cambridge. Những vần thơ của ông giai đoạn này chất chứa nhiều tâm sự kín đáo của nhà văn, trong đó nổi bật là tâm sự của một kẻ cô độc, xa lạ với mọi thứ ở Cambridge. Nước Anh khiến ông thất vọng, bởi nó hoàn toàn khác biệt với nước Nga quê hương ông, đặc biệt là thành phố Saint Peterburg nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Mặc dù học văn học Pháp ở nước Anh, phải đồng thời sử dụng cả tiếng Anh và tiếng Pháp trong học tập, Nabokov vẫn luôn gìn giữ và tìm cách bảo vệ tiếng Nga – tiếng mẹ đẻ, thứ tiếng mà ông vô cùng yêu quý. Ông tránh mọi ảnh hưởng của tiếng Anh, sợ “làm bẩn” hoặc “quên” tiếng Nga, tìm mọi cách bảo vệ tiếng Nga của mình7. Trong tập hồi ký Nói đi, ký ức, ông đã viết về Cambridge và những tháng ngày ở Cambridge: “Tôi có cảm giác Cambridge và mọi đặc điểm nổi tiếng của nó – những cây du cổ kính, những cửa sổ trang hoàng bằng huy hiệu, những tháp đồng hồ lắm mồm – vốn bản thân chúng không có tầm quan trọng gì mà chỉ tồn tại và định hình để hỗ trợ cho nỗi nhớ quê hương dạt dào của tôi”8. Sự xa lạ với thành phố cổ kính của nước Anh cộng với khát vọng gìn giữ và bảo vệ tiếng Nga càng làm sâu đậm thêm nỗi nhớ quê hương, nhớ nước Nga mà ông đã rời xa. Theo Phillips Funke, Nabokov đặt tiêu đề cho album viết tay những bài thơ ở Cambridge của mình là Nỗi nhớ (Nostalgia)9, trong đó nhiều bài chưa được công bố mà chỉ tồn tại ở dạng bản thảo viết tay10.

   2. Thơ viết về nước Nga của Nabokov

  Trong thời gian ở Cambridge, Nabokov đã ra mắt hai bài thơ viết bằng tiếng Anh đầu tiên: RemembranceHome (cùng in tháng 11/1920). Sau này, nhà thơ vẫn tiếp tục sáng tác bằng tiếng Anh nhưng số lượng không nhiều (9 bài). Tuy nhiên trong số này có những bài rất quan trọng, thể hiện rõ tâm sự và những nỗi niềm của Nabokov – một nhà thơ di cư. Không thể không kể đến Home (11/1920) và The Russian Song (1923). Trong hai bài thơ này, nhân vật trữ tình bày tỏ nỗi nhớ quê hương qua những hình ảnh và dấu hiệu đặc trưng của nước Nga, một nước Nga văn hóa cổ xưa với không gian của những “tổ ấm quý tộc” nơi nhà thơ đã được sinh ra và lớn lên, được nuôi dưỡng và trưởng thành. Ở cả hai bài thơ tâm sự của nhân vật trữ tình/ nhà thơ đều được gửi gắm qua những giấc mơ, mà điểm đặc biệt là những giấc mơ ấy đều gắn với âm nhạc. Ở Home là giấc mơ về quê nhà được gợi lên từ âm thanh của tiếng gió. Âm thanh ấy xuất hiện ở một cuộc dạo chơi trong rừng của nhân vật trữ tình. Trong sự hòa âm của những tán cây dịu dàng, nhân vật trữ tình dường như đang mơ mộng và bước đi lang thang trong trạng thái mơ mộng ấy. Đó là cơn mơ về ngôi nhà và quê hương thân thương, mà tác giả dùng từ “home” trong nguyên bản (My home magnificent is but a word/ On a withered page in an old, dusty book): “Ngôi nhà tráng lệ của tôi chỉ là một từ/ Ở trên một trang giấy khô héo trong một cuốn sách cũ, đầy bụi/ Ôi, những cây bạch dương buồn bã! Tôi nhớ những ngày/ Của vẻ đẹp: những cây dương xỉ; một con ngựa cái trưởng thành tuyệt đẹp (xanh và vàng)/ Một cây nấm giống như một con bọ rùa khổng lồ/ Một con đường thần tiên/ cổ tích; những tiếng nhạc ngựa, những tiếng nhạc ngựa leng keng, và những tiếng thở dài/ Những con chim vàng anh (giọng hót) đầy âm sắc; những con bướm viền trắng/ Xòe những đôi cánh nhung trên thân cây nhung bạc…”11.

   Thiên nhiên được miêu tả qua cơn mơ trên hành trình lang thang trong rừng, qua đường phố ở Cambridge là thiên nhiên của nước Nga, thiên nhiên tươi sáng và đầy sức sống. Ngôi nhà, quê hương được ẩn dụ chỉ trong một từ trên một trang sách (home), nhưng một từ đơn giản ấy lại chứa đựng quá nhiều hình ảnh đẹp và trìu mến - những hình ảnh đã trở thành biểu tượng cho nhiều tác phẩm của Nabokov nói riêng và các nhà văn Nga nói chung: cây bạch dương, con đường thần tiên/ cổ tích, những con chim sắc màu, những con bướm. Nếu như “home” ở trong bài thơ sáng tác năm 1920 được gợi lên từ âm thanh của tiếng gió trong rừng thì ấn tượng về nước Nga ở nơi xa xứ với nhà thơ Nga di cư trong bài The Russian Song (lúc này Nabokov đã học xong và trở về Đức cùng gia đình) lại đến từ giấc mơ về một bài hát quen thuộc của những người xà ích Nga: “Tôi mơ những điều giản dị dịu dàng:/ Một con đường ngập ánh trăng và những tiếng nhạc ngựa/ Ôi chao, người xà ích hát điệu thê lương/ Nhưng nỗi buồn sầu vỡ òa trong cái đẹp/ Vỡ òa, và biến mất trong ánh trăng mờ…”12.

   Ánh trăng và tiếng nhạc ngựa, bài ca của người xà ích, nỗi sầu muộn trong bài thơ này gợi nhớ tới bài thơ đẹp và buồn – Con đường mùa đông của “mặt trời thi ca Nga” Pushkin. Trong bài thơ này, chỉ với một vài hình ảnh, người đọc như được sống lại trong xúc cảm thi ca cổ điển Nga, với ấn tượng về một thi phẩm đẹp và sống động về nước Nga thế kỷ XIX, nước Nga của những dấu ấn văn hóa cổ xưa đầy ấn tượng. Dáng vẻ người xà ích và tiếng nhạc ngựa gợi liên tưởng tới cỗ xe tam mã Nga băng qua cánh đồng tuyết ngập tràn ánh trăng. Hình ảnh và âm thanh cộng hưởng đẹp đến mức nhân vật trữ tình dường như vẫn nuối tiếc ký ức, chờ đợi ký ức tươi đẹp ấy quay trở lại: “Trên những vùng đất xa xôi, trên đồi và cánh đồng/ Theo cách đó tôi vẫn mơ, khi đêm dài bất tận/ - Và ký ức mang trở lại/ Lời thầm thì của bài hát đã mất từ lâu”13.

   Không chỉ có cỗ xe tam mã, những bài hát dân ca, những con đường ngập tràn ánh trăng, cây bạch dương hay đàn bướm, con côn trùng, những thảo mộc đầy màu sắc, nỗi nhớ nước Nga trong nhân vật trữ tình của Nabokov còn là hình ảnh của những điền trang Nga sung túc và đầm ấm, nơi nhân vật trữ tình đã gắn bó cả tuổi thơ của mình. Mở đầu bài thơ Về nhà (Домой, 1921) đã là một lời mời gọi và theo sau lời mời gọi ấy là cả một thế giới sinh động và sáng tươi, ấm áp của điền trang: “Về điền trang đi, các bạn thân mến ơi! Người xà ích/ sẽ xua đuổi đám ruồi trâu bằng dây cương/ và – với Chúa! Chim sơn ca đang ngất ngây/ trên bầu trời vang ngân, và bao la/ và thế giới tươi mới, sáng trong, được gột rửa/ bởi trận mưa rào gần đây: xin cảm tạ/ hương thơm: hãy đoán xem là cái gì?/ Tất cả mọi thứ đều rõ ràng, sáng rõ; mở cho tôi/ tất cả những bí mật của hạnh phúc; đó là:/ con đường ẩm ướt ánh lên màu hoa cà/ hai bên đường có những bụi cây trăn/ rồi liễu; lốm đốm xanh/ những nhà cửa vườn tược xa xôi, những cánh rừng nhỏ, những cánh đồng/ giữa những đám hoa ngô/ sườn núi xanh tươi; uể oải uốn lượn/ (quanh) dòng sông sình lầy quen thuộc”14.

   Bài thơ là một niềm tự hào và một tiếng reo vui không thể kiềm chế được, đến mức ở cuối bài thơ, nhân vật trữ tình đã thốt lên những lời nói và những giọt nước mắt hạnh phúc mà chính anh ta khẳng định là “không thể hiểu được”/ không thể diễn tả được15 xúc cảm do cụm từ về nhà (“домой”) mang lại, dù rằng cuộc về nhà ở đây chỉ trong tâm tưởng: “Và con tim đang đập, con tim muốn/ cất đôi cánh và bay qua những con tuấn mã/ Ôi, những thanh âm, đong đầy dĩ vãng!/ (Những cái) Cây của tôi, ngọn gió của tôi/ và những giọt nước mắt mầu nhiệm, và ngôn từ/ không thể diễn tả được: về nhà!”16.

   Chính vì nước Nga trong quá khứ luôn trở về trong diện mạo và hình hài đẹp đẽ nhất nên trong thơ Nabokov, ông luôn thừa nhận mình bị bao vây bởi nước Nga, không ngừng hướng về mảnh đất ấy mọi lúc mọi nơi, trong mọi suy nghĩ và tầm nhìn: “Niềm hạnh phúc bất diệt của chúng ta/ Đã mang cái tên nước Nga trong nhiều thế kỷ/ Chúng ta chưa thấy nơi nào đẹp hơn thế”, đến mức: “Nhưng bất cứ nơi nào con đường chạy qua/ Chúng ta cũng đều mơ thấy nước Nga”17.

   Trong hoàn cảnh di cư, khi tâm hồn bị bóp nghẹt và bản thân ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo, thì nước Nga, cụ thể hơn là “những lời cầu nguyện” (молитвы такие), những giấc mơ về nước Nga, “những nàng thơ kiêu hãnh của nước Nga” (гордые музы России) đã đi cùng nhân vật trữ tình một cách vô hình, giúp họ có thêm sức mạnh để vượt qua nỗi cô đơn và những khó khăn để sống tốt ở một đất nước xa lạ: “Ngôi nhà của chúng ta ở nơi xứ lạ/ Nơi giấc ngủ của kẻ lưu vong được bình yên/ Như ngọn gió, như mặt biển, như điều bí mật/ Luôn được bao bọc bởi nước Nga”18.

   Trong thơ Nabokov và nhiều nhà thơ, nhà văn khác như Ivan Bunin, nước Nga văn hóa cổ xưa, nước Nga của những “tổ ấm quý tộc” chính là đất nước trước thời điểm Cách mạng Tháng Mười - thời điểm họ rời nước Nga vì những lý do cá nhân lẫn chính trị: “Hậu quả của chiến tranh đã buộc tác giả rời khỏi quê hương, đất nước thân yêu của ông bất chấp tất cả […] Nhưng quê hương đã mất ấy lại sống lại thân thương gấp đôi trong ký ức của ông”19. Ở nước ngoài, nếu Bunin cho thấy tình yêu và sự trung thành với quê hương bằng việc chỉ viết tiếng Nga, chỉ viết về cảnh sắc và con người Nga một cách hết sức chân thực, tinh tế và rõ ràng đến mức trong Lời tuyên dương giải Nobel của ông Thư ký Viện Hàn lâm Thụy Điển đã khẳng định: “Nhưng ông vẫn luôn giữ mãi một thứ: tình yêu của ông với đất mẹ Nga. Ông chưa từng vẽ những bức tranh nông thôn tuyệt diệu với một thứ nghệ thuật tinh tế như trong những truyện ngắn của mình”20 thì ở Nabokov, cách nhà văn thể hiện tình yêu với nước Nga lại sâu xa hơn, kín đáo hơn, nhất là trong các tác phẩm văn xuôi. Theo nhà nghiên cứu Phạm Gia Lâm: “Thực tế, nước Nga của Nabokov không giống với nước Nga của các nhà văn Nga kiều khác như I. Bunin, A. Kuprin, I. Shmelev, B. Zaitxev”, “Nước Nga của V. Nabokov, nói đúng hơn là của V. Sirin21 – đó là hình ảnh tuổi thơ bị đánh cắp, cũng là hình ảnh về sự trong trắng và hài hòa”22. Nhà nghiên cứu Phạm Gia Lâm cũng cho rằng đặc điểm nổi bật trong những sáng tác thời kỳ đầu di cư của Nabokov là “hầu như vắng bóng không chỉ thiên nhiên Nga mà toàn bộ cuộc sống Nga với những mâu thuẫn phức tạp của nó”23, mà “thiên nhiên Nga được thay thế bằng điền trang, đời sống nhân dân Nga được thay thế bằng lối sống gia đình Nabokov”24. Tuy nhiên, theo chúng tôi, điều đó có thể chỉ đúng với những sáng tác tiểu thuyết của nhà văn, khi chất Nga hoặc hình ảnh nước Nga được biểu hiện một cách kín đáo, còn trong cuốn hồi ký Hãy nói đi, ký ức hay trong thơ của ông, hình ảnh nước Nga, đặc biệt là thiên nhiên Nga, trong đó có điền trang Nga, lại được hiện lên rất rõ (như chúng tôi đã phân tích ở trên). Sỡ dĩ có thể coi điền trang Nga cũng là một biểu hiện của nước Nga, đặc biệt là thiên nhiên và văn hóa Nga bởi: “Bản thân nhà cửa của điền trang là sự tiếp tục của thiên nhiên bao quanh. Nhà cửa của điền trang gắn chặt với những vườn cây lâu đời, với những ao cá có thác nước, với những dãy nhà ngang dùng làm bếp núc, kho chứa, với những chuồng ngựa chuồng chó. Nếp sống điền trang gắn chặt với thiên nhiên, với nghề làm ruộng, với việc săn bắn, với những tập tục dòng họ và với đời sống nông dân”25. Có thể nói, với người Nga, điền trang chính là sự nối tiếp của thiên nhiên Nga, một sự tái tạo thiên nhiên mang màu sắc văn hóa.

   Trong thơ của Nabokov, có những bài thơ ông kín đáo nói về sự kiện Cách mạng Tháng Mười và bộc bạch tâm sự của mình, cách nhìn của mình về nước Nga khi ấy. Cũng như nhiều trí thức Nga khác, sự kiện Cách mạng Tháng Mười được nhà thơ ví như một cơn bão tuyết khủng khiếp tràn đến nước Nga (Boris Pasternak trong tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago cũng ví Cách mạng Tháng Mười như một cơn bão tuyết ập đến qua cái nhìn của nhân vật chính Zhivago): “Đêm tai họa… Buồn chán trong nhà gỗ… / Sao khó ngủ thế này? Ta sợ gió hay sao?/ Nước Nga đấy, đâu phải là bão tuyết!/ Là nước Nga đen tối chuyển mình thôi!”26. Thậm chí, khi phải ra đi vì tuyệt vọng, nhà thơ đã từng có lúc nghĩ mình đã đánh mất quê hương: “Nơi ấy mơ màng những cây bạch dương/ Chim gõ kiến gõ đều trên chóp ngọn/ Anh để mất bạn bè trong trận đánh/ Và sau này đã mất cả quê hương”27.

   Nhưng rất may, tất cả chỉ là giấc mơ “Trong giấc mơ, với ảo ảnh mơ màng”28, còn thực tế, nước Nga vẫn là một tình yêu không phai nhạt trong Nabokov, nhất là khi quãng thời gian xa cách càng ngày càng dày thêm. Sâu thẳm trong con người Nabokov luôn có một tiếng gọi, tiếng gọi từ quê hương nước Nga làm điểm tựa tinh thần cho nhà thơ. Trong bức thư gửi mẹ viết ngày 24/4/1921, Nabokov hình tượng hóa, biểu trưng hóa tiếng gọi từ quê hương yêu dấu của mình qua hình ảnh chiếc điện thoại: “Một mình, trong bóng tối, đằng sau những bức tường vững chắc/ Tôi đã gọi cho em, mặc dù ở giữa chúng ta/ Là những thành phố, và dòng sông là những giấc mơ sống động/ Bên ngoài thảo nguyên có thảo nguyên, đằng sau cánh rừng có cánh rừng mờ sương/ - Chúng ta sẽ xa nhau bao lâu?/ Tôi hỏi, cảm thấy một nỗi buồn khôn tả”29. Thậm chí khi đã về già, nhà thơ từng bày tỏ niềm tiếc nuối bởi đã rời xa nước Nga. Vì thế cho nên trong những bài thơ sáng tác sau năm 1920, khi nhà thơ đã sống cuộc sống di cư một thời gian đủ dài, một trong những tâm trạng chủ đạo của nhân vật trữ tình trong thơ của Nabokov là nỗi cô đơn và niềm tiếc nuối: “Nhưng, ơi nước Nga, ta cô độc quá chừng!/ Người với ta giờ ngàn trùng cách trở!/ Vậy mà từng có những ngày quá khứ:/ Người cùng ta chia sẻ, bao dung!/ Ta cảm nhận nỗi đau êm dịu/ Niềm đam mê rất đỗi trẻ trung/ Khi từ cánh rừng xanh vọng lại/ Tiếng Người cười tựa nhạc ngân rung”30. Và cũng vì yêu nên dù cô đơn, tiếc nuối, nhân vật trữ tình vẫn khẳng định: “Ta chẳng ngợp trong giận hờn vô nghĩa/ Rủa nguyền, van vỉ cũng không/ Ta vẫn yêu Tổ quốc mình sau trước” hay: “Và vậy đó, ơi nước Nga của ta/ Ta đâu dám giận hờn, sầu tủi…”31.

   Tình yêu của Nabokov với nước Nga cũng giống như Bunin, chính là thứ tình yêu đối với một thực thể nước Nga mang đậm dấu ấn đặc trưng của thiên nhiên và văn hóa, hòa quyện trong một thứ “tổ ấm quý tộc” được định danh là “điền trang”. Các nhà nghiên cứu cũng đã nhấn mạnh điều này: “Những điền trang quý tộc không chỉ là những “tổ ấm”, nơi những tài năng Nga trưởng thành, mà còn là “chỗ dựa”, là “hệ thống gốc rễ” của toàn bộ văn hóa Nga nói chung”32. Thiên nhiên Nga, điền trang Nga, tổ ấm quý tộc Nga đã thực sự trở thành một thực thể tồn tại vĩnh cửu, bất biến trong tâm hồn những nhà văn Nga di cư. Nhất là khi những nhà văn ấy gắn bó cả thời hoa niên ở trong những “tổ ấm quý tộc” như thế. Trong thực tế, cả Nabokov và Bunin đều xuất thân quý tộc, bản thân họ là những người đã từng có những trải nghiệm tuổi thơ đầy ấn tượng ở điền trang Nga, nơi họ đã từng có một “thiên đường”. Điều này thực sự rất đúng với Nabokov và đã được ông ghi lại trong Hãy nói đi, ký ức. Không chỉ cụ thể hóa trong tác phẩm, khi trả lời phỏng vấn hay khi bộc bạch với người khác, ông cũng khẳng định: “Huyền thoại Nga của thời thơ ấu của tôi – Nabokov nói về quê hương của mình, đã trở thành huyền thoại trong tác phẩm của tôi”33. Thực tế, các nhà nghiên cứu về di cư cũng đã nói về tâm lý chung của những người di cư thế hệ thứ nhất, những người trực tiếp có mối quan hệ gắn bó với quê hương từ thời thơ ấu:

   “Họ lưu giữ kí ức chung, quan điểm hoặc huyền thoại về quê hương của họ - đặc tính địa phương và lưu giữ nó [...]. 

   “Họ lưu giữ kí ức chung, quan điểm hoặc huyền thoại về quê hương cHọ coi quê hương tổ tiên là “ngôi nhà” lý tưởng thực sự của họ và là nơi họ hoặc con cháu của họ cuối cùng sẽ (hoặc nên) trở về - khi có điều kiện thích hợp.a họ - đặc tính địa phương và lưu giữ nó [...].

   Họ tin rằng họ nên bảo tồn và phục hồi sự thịnh vượng và an toàn của quê hương nguyên bản của họ”34.

   Có thể thấy ở Nabokov tình cảm và sự gắn bó với quê hương thật sự sâu đậm, bởi thế hình ảnh quê hương trong thơ của ông bao giờ cũng là một quê hương nguyên bản trước khi ông cùng gia đình rời đi và Nabokov vẫn khát khao trở về, khát khao ấy kín đáo được bộc lộ qua niềm tiếc nuối vì đã rời xa. Khi nữ thi sĩ Bella Akhmadulina đến thăm Nabokov (lúc này ông đang ở Thụy Sĩ), nhà văn đã tâm sự: “Tôi tiếc là đã không ở lại nước Nga”. Lúc ấy vợ ông có phân trần là do hoàn cảnh, nhưng ông đã nói: “Ai biết được, có lẽ nếu ở lại tôi đã trở thành một tác giả hoàn toàn khác, có thể còn hay hơn nhiều”35. Đó thực sự là những chỉ dấu cho thấy sự gắn bó sâu sắc và vị thế của nước Nga trong sáng tác của một nhà văn Nga di cư đã có bước chuyển quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của mình: chuyển sang sáng tác bằng tiếng Anh và đã có những kiệt tác mà cả thế giới ngưỡng mộ được viết ra bằng thứ tiếng mà chính ông cho là “hạng hai ấy” (Nabokov)36.

   Trong mảng sáng tác thơ của Nabokov, bên cạnh 11 bài thơ được đặt nhan đề trực tiếp là nước Nga hoặc những danh từ thay thế như Tổ quốc, quê hương: Россия, Родина, К России, К родине có những bài thơ viết về những thành phố thân thương của nước Nga như Leningrad, đặc biệt là Peterburg quê hương ông. Đó cũng có thể là những bài thơ Nabokov nhắc đến các cây bút tài danh của nước Nga mà ông ngưỡng mộ: Pushkin, Lev Tolstoy, Dostoevsky, Blok, Gumiliev, Ivan Bunin… Chính trong những sáng tác như thế này, nước Nga lại một lần nữa hiện diện đầy yêu thương với những diện mạo khác trong thơ Nabokov.

   Trong bài thơ dài Peterburg (Петербург, 1921), Nabokov viết về thành phố quê hương ông với những nét đặc trưng không thể trộn lẫn: cuộc sống của những người nghèo ở những khu ổ chuột, những căn nhà xiêu vẹo, những đường phố mù sương và cả cuộc sống ở khu giàu sang với những cửa sổ và mái hiên lấp lánh sáng, những mái vòm nhà thờ lung linh trong bầu trời mùa xuân… Tất cả những điều này chính là ký ức, trở về trong giấc mơ lang thang và khiến người xa xứ đau đớn khi nhớ lại: “Thật vậy, ở nơi đất khách quê người, vào giờ vắng vẻ/ Thật đau đớn khi nhớ lại tất cả những điều này!/ Tôi lang thang trong những giấc mơ, những nơi tôi đã từng lang thang”37.

   Ở những vần thơ viết về các nhà thơ Nga, Nabokov vẽ ra trước mắt người đọc diện mạo con người, cuộc đời và đặc trưng sáng tác thi ca của họ, giúp người đọc thấy được tầm vóc và phần nào phong cách sáng tạo của những thi sĩ tài hoa Nga. Đó là A. Blok với Nàng Đẹp (Прекрасная Дама) – hình tượng thơ chủ đạo của ông, là “Pushkin - cầu vồng trên mặt đất”, là “Lermontov - dải ngân hà trên núi”, là “Tyutchev – mạch nước nguồn, chảy trong màn sương”, là “Fet – một tia sáng vàng rực trong thánh đường”38 cho đến Ivan Bunin với những câu thơ “vượt lên trên ảo ảnh hủy diệt của thời gian”39 và Dostoevsky như một “nhà tiên tri” của thời đại. Tất cả những tên tuổi mà Nabokov nêu ở trên đã làm nên một nước Nga văn hóa rực rỡ của thời đại Vàng (thế kỷ XIX) và thời đại Bạc (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX) – những dấu ấn không thể không nhắc tới khi nói đến nước Nga, văn học Nga. Người đọc dường như được hình dung về một đất nước có nền văn học đồ sộ, mang tầm vóc vĩ đại bởi chính những cây bút vĩ đại đáng tự hào. Thậm chí, trong một truyện ngắn của mình, Nabokov còn khẳng định sức mạnh diệu kỳ của văn hóa Nga, khi những người được sống trong bầu không khí ấy luôn nhớ về nó, coi nó là chuẩn mực đời sống văn hóa sau này của mình, ngay cả khi họ đã rời xa nó. Đó là hình ảnh của nhân vật Joséphine (tên tiếng Nga là Josefina Lvovna), người Thụy Sĩ từng làm gia sư cho một gia đình người Nga và gắn bó 12 năm ở nước Nga. Lúc ở Nga, bà nhớ về Thụy Sĩ và những người bạn, còn khi trở về Thụy Sĩ, bà lại sinh hoạt theo nếp sống của người Nga: “cuộc đời thật của bà – nghĩa là cái phần đời, lúc con người quyến luyến sâu sắc hơn cả với vạn vật và tha nhân – đã trôi qua nơi đó, ở Nga, đất nước mà bà hiểu và yêu một cách vô thức, cũng là nơi mà hiện nay chỉ có Chúa mới biết đang diễn ra những chuyện gì… Mà mai là lễ Phục sinh Chính Thống Giáo”40.

   Như vậy, có thể thấy dù được coi là nhà văn Mĩ gốc Nga, thậm chí nhà văn quốc tế, nhưng với Nabokov, tình yêu nước Nga vẫn là thứ tình yêu sâu sắc và mạnh mẽ nhất trong lòng ông. Dù ông giấu kín thứ tình yêu ấy trong những sáng tác văn xuôi, thì với thơ, Nabokov thỏa sức bày tỏ và tâm tình, cả bằng tiếng Nga mẹ đẻ, cả bằng tiếng Anh, tiếng Pháp mà ông buộc phải sử dụng trong những năm tha hương. Trong thơ ông, người đọc thấy những vần thơ hướng về nước Nga với những hồi tưởng và hoài niệm về nước Nga văn hóa của quá khứ, nước Nga thời chưa bị những sự kiện cách mạng làm biến đổi; thấy một nước Nga đẹp hài hòa và ấm cúng qua hình ảnh của những điền trang Nga; thấy được tình yêu và sự trân trọng của ông dành cho các nhà thơ, nhà văn Nga kiệt xuất; đặc biệt thấy được tình yêu và sự thủy chung của ông dành cho nước Nga qua những bài thơ thể hiện nỗi đau, sự cô độc nơi đất khách. Những bài thơ viết về nước Nga và những tâm sự của ông cho thấy Nabokov là người luôn hướng về nước Nga, dù sau khi di cư ông chưa một lần trở về; nước Nga trong ông là một vị thế không thể thay thế, dù ông thành danh bên ngoài nước Nga. Tựu trung lại, yếu tố làm nên Nabokov và danh tiếng văn chương của ông chính là chất Nga và sự hài hòa của chất Nga với chất phương Tây, hay nói cách khác là tính (chất) “thế giới” trong văn chương của ông.

 

 

 

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 9, 29 В. В. Набоков (2002), Стихотворения, А. С. Кушнер (главный редактор), К. М. Азадовский, М. Л. Гаспаров, А. Л. Зорин, А. В. Лавров, А. М. Панченко, И. Н. Сухих, Р. Д. Тименчик, М.Э.Маликова, Л. А. Николаева, Новая библиотека поэта, Гуманитарное агентство «Академический проект», Санкт-Петербург, с. 5, 5, 641-645,5, 11, 14, 15, 15, 16.
8 Vladimir Nabokov (2022), Nói đi, ký ức, Bách Việt - NXB Dân trí (Orkid dịch), tr. 369-370.
10 Sau này hai anh em TS Berg đã dày công sưu tầm và cho ra mắt Berg Collection. Đây là bộ sưu tập văn bản văn học Anh và Mĩ gồm các ấn bản xuất hiện lần đầu tiên, các sách quý hiếm, các bức thư có bút tích và các bản thảo của rất nhiều tác giả nổi tiếng cả Anh và Mĩ, nhấn mạnh vào thế kỷ XIX, XX. Bộ sưu tập này hiện có khoảng hơn 35.000 bản in và 115.000 bản thảo. Kho dữ liệu về Nabokov mới được bổ sung những năm gần đây. Theo http://web-static.nypl.org/exhibitions/nabokov/ fberg.htm, truy cập ngày 9/5/2024.
11 Bài thơ Quê nhà (Home, 1920) trong cuốn В. В. Набоков (2002), Стихотворения,…c. 410.
12, 13 Bài thơ Khúc ca Nga (The Russian Song, 1923) trong cuốn В. В. Набоков (2002), Стихотворения…, c. 411.
14, 15, 16 Bài thơ Về nhà (Домой) trong cuốn В. В. Набоков (2002), Стихотворения…, cc. 165-166.
17, 18 Bài thơ Quê nhà (Родина, 1927) trong cuốn В. В. Набоков (2002), Стихотворения…, c. 307, 308.
19, 20 Theo Hallström P.(1933), “Award ceremony speech”// http://www.nobelprize.org/nobel_prizes/ literature/laureates/1933/press.html, truy cập ngày 9/5/2024.
21 Sirin là bút danh của Nabokov giai đoạn sáng tác bằng tiếng Nga khi vẫn còn ở Đức, ông chỉ sử dụng bút danh này trong một số tác phẩm, trong đó có Mashenka. Ông dùng bút danh này đến cuối những năm 1930.
22, 23, 24 Phạm Gia Lâm (2015), Văn học Nga hải ngoại: Quá trình – Đặc điểm – tiếp nhận, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 270, 274, 276.
25, 32 Radughin A. A. (Chủ biên, 2004), Văn hóa học những bài giảng (Vũ Đình Phòng dịch, Từ Thị Loan hiệu đính), NXB Văn hóa thông tin, tr. 653, 652.
26 Bài thơ Bão tuyết (Вьюга, 1919), Nguyễn Quỳnh Hương dịch, https://www.thivien.net/VladimirNabokov/B%C3%A3o-tuy%E1%BA%BFt/poemr5kf1YaCTRswxDQR2rH3pA#google_vignette, truy cập ngày 9/5/2024.
27, 28 Bài thơ Em hãy giản đơn, hãy trong suốt hơn (Будь со мной прозрачнее и проще, 1919), Nguyễn Xuân Thư dịch, https://www.thivien.net/VladimirNabokov/Em-h%C3%A3y-gi%E1%BA%A3n-%C4%91%C6%A1n-h%C3%A3y-trongsu%E1%BB%91th%C6%A1n/poem-M1iZ7iImvL2XslxbaCK0Qg, truy cập ngày 9/5/2024.
30, 31 Bài thơ Gửi nước Nga (России, 1920), Tạ Phương dịch (Dẫn theo Phạm Gia Lâm (2015), Văn học Nga hải ngoại: Quá trình – Đặc điểm – tiếp nhận), tr. 276-277.
33 Dẫn theo Zinaida Shakhovskaia: Zhak Kruaze: “Nabokov hay là vết thương lưu vong, in trong La Revue des’Deux Mondes”, Paris, ngày 15/8/1959 (Zinaida Shakhovskaia dịch từ nguyên bản tiếng Pháp), Đỗ Thị Hường dịch từ tiếng Nga.
34 William Safran: “Diaspora in Modern Societies: Myths of Homeland and Return”, Diaspora 1(1)/1991, pp. 83-84.
35 Dẫn theo B. Akhmadulina, Nhiều tác giả (1999), Владимир Набоков: pro et contra, Издательство: РХГА, (Т.1).
36 Nguồn: Набоков (2002), О Набокове и прочем: Интервью, рецензии, эссе / Сост., коммент. Н.Г. Мельникова. М., 2002. 704 с.
37 Bài thơ Peterburg (Петербург, 1921) trong cuốn В. В. Набоков (2002), Стихотворения…, c. 241.
38 Bài thơ số 22-23 (1921), phần Гроздь, trong cuốn В. В. Набоков (2002), Стихотворения…, c. 66.
39 Bài thơ Gửi Ivan Bunin (Ивану Бунину, 1922), phần Гроздь, trong cuốn В. В. Набоков (2002), Стихотворения…, c. 68.
40 Vladimir Nabokov (2016), “Mưa Phục Sinh”, trong Mỹ nhân Nga (Thiên Lương dịch), Zen book - NXB Văn học, tr. 231.

Bình luận

    Chưa có bình luận