NỤ CƯỜI VÀ NƯỚC MẮT TRONG TRUYỆN NGẮN SEKHOV

Trên cơ sở giới thiệu ''Tuyển tập truyện ngắn Sekhov'', bài viết khái quát nội dung và phân tích giá trị một số truyện ngắn tiêu biểu của văn hào Sekhov. Qua đó khẳng định sự thành công của nhà văn trong việc tập trung khám phá số phận lớp người bình thường giữa cuộc sống hằng ngày với ''nụ cười và nước mắt''.

   Anton Pavlovich Sekhov (1860-1904) tuy qua đời sớm vì bệnh lao nhưng vẫn là một cây đại thụ của nền văn học Nga thế kỷ XIX, đã để lại một kho tàng truyện ngắn đồ sộ, hấp dẫn không chỉ với nhân dân Nga mà còn được giới văn nghệ châu Âu yêu mến. Vào năm 1954, tại Paris, nhân dịp UNESCO tổ chức Lễ kỷ niệm tưởng nhớ 50 năm ngày mất của Sekhov, J. Vercors – nhà văn lớn của Pháp đã bình luận: “Vị tất ngày nay chưa có nhà tiểu thuyết Pháp nào dám khẳng định rằng, mình không chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ Sekhov?”1. Bài viết này giới thiệu một số truyện ngắn tiêu biểu trong Tuyển tập truyện ngắn Sekhov (đã được dịch ra tiếng Việt) để thấy được tài năng của ông trong việc xây dựng hình tượng “con người nhỏ bé”.

   Thật ra, sự nghiệp văn chương của Sekhov, bên cạnh 800 truyện ngắn còn một số vở kịch nói xuất sắc đã được dịch ra tiếng Việt. Hơn nữa, các tác phẩm của Sekhov được dịch ra tiếng Pháp đã có mặt tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (ở Hà Nội) vào những năm 1936-1937. Có lẽ đã có một số nhà văn nước ta giỏi tiếng Pháp được tiếp xúc với các tác phẩm này. Chính ở Nga, số lượng truyện ngắn của Sekhov từng được tuyển lọc dần, từ 800 xuống 500 truyện và sau cùng tinh tuyển được 80 truyện hay nhất. Tiếc rằng nhà văn đã mất sớm, rời xa bạn đọc lúc còn quá trẻ! Thời bấy giờ, về các đề tài sáng tác, L. Tolstoy và Dostoyevsky thường chuyên viết sâu về những vấn đề lớn lao thuộc vận mệnh đất nước, về tôn giáo, về thiên đường, địa ngục, về lẽ sống chết cùng nhiều lĩnh vực chính trị lớn lao; ngược lại, Sekhov chú ý khám phá số phận lớp người bình thường giữa cuộc sống hằng ngày của người dân lao động mà ông thường gặp gỡ (văn nghệ Nga trước Cách mạng Tháng Mười (1917) gọi họ là “con người nhỏ bé”. Khát vọng cháy bỏng của nhà văn Sekhov là làm sao “nặn cho hết chất nô lệ” trong con người Nga để “trong tất cả con người Nga đều phải đẹp từ diện mạo, quần áo đến tâm hồn, tư tưởng”.

   Sau khi tốt nghiệp đại học y khoa, làm việc chữa bệnh giúp đỡ dân nghèo một thời gian ngắn, Sekhov giã từ nghề thầy thuốc bởi vì ông nhận thấy tình trạng xã hội đương thời không thể chỉ bốc thuốc chữa lành được bệnh cho một số người mà phải chữa bệnh tinh thần cho tất cả mọi người trên đất nước Nga phong kiến lạc hậu. Chính nhân vật Đưmov, phần nào có hình bóng tác giả, trong truyện ngắn Người đàn bà hay nhảy là bóng dáng của bác sĩ đã thầm oán thán tình trạng nghèo đói rồi thốt lên câu hỏi cháy bỏng: “Hãy chỉ cho tôi ngôi nhà nào mà ở đó người nông dân Nga không phải chịu đau khổ?”. Sekhov từng nói: “Người ta không lên Bắc Cực để đánh nhau với hải cẩu, người ta ở nhà đi làm, cãi nhau với vợ và ăn súp bắp cải”. Phải chăng đó là những câu chuyện đậm tiếng cười xót xa giữa đời thường, là đề tài phong phú mà “vặt vãnh” của nhà văn ngay từ lúc mới cầm bút, còn rất trẻ. Nhân vật người thuật truyện xuất hiện một cách điềm tĩnh, khách quan kể về “Cái chết của viên công chức” trong tác phẩm cùng tên (1883). Đó là nhân viên quèn tại một phòng quản trị bỗng nhiên một buổi tối nổi hứng vào nhà hát xem kịch, lại ngồi ở hàng ghế thứ hai, đang thích thú giương ống nhòm lên sân khấu, “bỗng dưng mặt gã nhăn nhó, mắt hoa lên, hơi thở nghẹn lại… rồi hơi cúi xuống và hắt xì hơi!”. Nào ngờ “gã nhìn thấy một người đã có tuổi ngồi hàng ghế đầu ngay trước gã đang lấy găng tay cẩn thận lau cổ và đầu hói của chính ông ta, mồm càu nhàu gì thì không rõ”. Serviakov nhận ra người có tuổi ấy là vị tướng Brigialov đương nhiệm tại Tổng cục Đường sắt: “Mình làm bắn nước bọt vào Ngài rồi! - Serviakov nghĩ: - Không phải thủ trưởng của mình […] nhưng dù sao thì vẫn không hay ho gì! Phải tạ lỗi mới được!”. Thế là gã đến xin lỗi, mặc dù vị tướng chẳng thèm để ý nhưng cứ mỗi lần gã đến gặp để xin lỗi thì vị “tai to mặt lớn” ấy lại càng cau có khó chịu bởi ông ta nghĩ gã này đang giễu cợt mình. Đến lần thứ năm, tức lần cuối cùng gã đến tận nhà riêng để xin lỗi thì ngay lập tức vị quan nổi khùng giẫm chân quát lớn: - Xéo ngay! Bỗng “trong bụng Serviakov như có cái gì vừa đứt ra. Không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì, gã đi giật lùi ra cửa, bước ra ngoài phố, rồi lê gót quay về... Đi về nhà như cái xác vô hồn, gã mặc nguyên bộ lễ phục, nằm xuống đi văng và tắt thở!”. Dù không muốn, song tiếng cười của người đọc vẫn cứ bật ra vừa xót xa vừa day dứt đối với “con người nhỏ bé” đáng thương ấy!

   Cùng motif như thế, ta lại gặp câu chuyện “Anh béo và anh gầy” trong tác phẩm cùng tên (1883) khá gần gũi với nhiều người. Họ vốn là bạn bè tuổi học trò, hồn nhiên mà chân thành, gần gũi mà xa cách, ai cũng tưởng sẽ vô tư như thế mãi. Nào ngờ, sau một thời gian gặp lại nhau trên sân ga, họ bỗng ngạc nhiên đến vô lý, mà chẳng vô nghĩa, bởi lẽ anh bạn Nikolai to béo “vừa ăn ở nhà ga xong, môi láng nhẫy bơ như quả đào chín. Người anh ta toát ra mùi rượu nho loại nặng, mùi nước hoa cam” và “Mình là viên chức bậc ba rồi… có hai mề đay của Nhà nước” (quan cao cấp - bậc 3/14) khiến cho người bạn gầy Porphiri đang “toát ra mùi thịt ướp, mùi bã cà phê” rất đỗi ngạc nhiên và bất ngờ, run sợ, rồi bỗng nhiên gập mình xuống đến lạ lùng đã tạo nên tiếng cười hài hước của bạn đọc. Chỉ cần đọc đoạn đối thoại ngắn giữa họ là có thể hiểu được ngòi bút phân tích tâm lý sắc sảo của tác giả: “- Dạ bẩm quan trên… tôi rất lấy làm hân hạnh ạ! Bạn nghĩa là bạn thân từ thuở nhỏ, thế rồi bỗng nhiên làm chức to thế! Hì, hì… hì…! - Thôi, cậu đừng nói thế – anh béo cau mặt. Sao cậu lại giở giọng quan cách thế! - Dạ, bẩm quan!... Quan lớn dạy gì ạ! – anh gầy cười hì hì…, người càng rúm ró hơn”. Rõ ràng là anh gầy cùng người vợ cao lêu đêu và con trai gầy còm đã tự phơi bày nếp sống nghèo hèn, tự ti đến thảm hại trước vị quan to, vốn dĩ là bạn thuở học trò, vừa hiện ra đột ngột. Tuy thế, lúc chia tay, “cả ba người đều sững sờ một cách đầy thú vị” vì đã có một bạn cũ làm quan to đến thế! Không nghi ngờ gì nữa, những hình tượng trên bộc lộ ý tưởng của tác giả là “muốn nặn cho hết chất nô lệ ở trong mỗi người Nga”.

   Chưa dừng lại ở đó, nước mắt pha lẫn tiếng cười còn được khắc họa đậm nét qua hình ảnh gã cảnh sát Otsumelov trong truyện Con kỳ nhông (1884, Nguyễn Tuân dịch ý là: Con lật đật). Gã này thay đổi màu sắc giống con kỳ nhông, luôn đổi màu thích nghi với môi trường ngoại cảnh để phù hợp với bộ máy cai trị, lấy việc nịnh trên nạt dưới thành lối ứng xử hằng ngày. Tính cách biến đổi lật đật chẳng còn giữ được bản chất của gã. Chẳng hạn, chỉ vì chuyện một con chó cảnh chạy rông ra đường mà khi ngỡ là con chó của vị tướng thì nghĩ đích thị là giống chó quý, còn khi là chó vô chủ thì chỉ việc đập chết tươi. Đến sáu lần gã thay đổi thái độ, tùy theo vị trí của các ông chủ. Rốt cuộc chỉ có anh thợ kim hoàn nhãi nhép bị chó cắn oan uổng, lại còn bị gã cảnh sát mắng mỏ, đe dọa; còn nhân vật Otsumelov gây nên tiếng cười tự nhiên đầy mai mỉa, khinh bỉ từ bao người đọc muôn nơi. Quả là “Không, không thể sống mãi như thế này”. Phải chăng đây là “nước mắt qua nụ cười”?

   Vẫn còn đó tiếng cười khi nhìn về chàng trai trẻ đầy háo danh trong Niềm vui sướng. Tác giả kể rằng có một chàng trai tên Kunderov đang nửa đêm vội vàng chạy về nhà đánh thức bố mẹ cùng cả nhà tỉnh dậy để báo tin mừng là “người ta đã viết về con rồi! Bây giờ thì khắp nước Nga đã biết đến con. Mẹ ạ, mẹ hãy cất số báo này để làm kỷ niệm. Nay mai rồi ta còn đọc nữa. Hãy xem đây này: - Hồi 11 giờ đêm có một người tên là Kunderov uống rượu say vừa rời quán đi ra thì bị ngã cạnh chiếc xe ngựa. Con ngựa hoảng sợ, vì đang chở người, vội lồng lên đập vào gáy nạn nhân. Nạn nhân đã được đưa vào đồn cảnh sát, thầy thuốc đã khám nghiệm và sự việc đã được lập biên bản”. Chỉ có thế thôi mà niềm vui sướng dâng trào khiến Kunđerov nhét vội tờ báo vào túi rồi vội chạy về nhà báo tin vui. Ở đây, cái khát vọng háo danh của chàng mu-gich - nhà quê ngờ nghệch đã tạo nên tiếng cười nhẹ nhõm nhưng cũng đáng buồn.

   Hãy đọc thêm Người trong bao kể về một giáo viên trung học chuyên dạy tiếng cổ Hy Lạp, tự biến mình thành con ốc ngồi đáy giếng trong vỏ kín, không dám nhìn mặt trời nên được mọi người gọi là “Người trong bao”. Gã sợ sệt mọi cái mới, sợ cả tiếng hát ồn ào của người mình yêu, thậm chí sợ cả cô ta cưỡi xe đạp dạo chơi: “Chẳng lẽ giáo viên và đàn bà con gái lại có thể cưỡi xe đạp, làm như thế coi sao tiện?”. Thậm chí cả vào lúc đẹp trời, gã cũng đi giày cao su, cầm ô và nhất thiết là mặc áo bành tô cốt bông và khi ngồi lên xe ngựa thì bao giờ cũng mang theo ô để trong bao và chiếc đồng hồ quả quýt cũng để trong bao bằng da hươu, khi rút chiếc dao nhỏ để gọt bút chì thì chiếc dao nhỏ cũng để trong bao, vì lúc nào gã cũng giấu vào mặt sau chiếc cổ áo bành tô bẻ đứng lên. Gã đeo kính râm và còn nhét bông vào tai. Sao mà vị giáo viên kỳ quặc đến vậy! Đúng là người cổ dạy tiếng Hy Lạp cổ lỗ!

   Xin mời bạn đọc câu chuyện Nỗi đau của bác Grigori, người có bàn tay thợ tài hoa, kiếm được khá nhiều tiền nhưng suốt ngày say xỉn, khi say thì đánh vợ vô tội vạ, chẳng hề xót thương. Mãi lúc về già, vợ ốm nặng, bác phải đưa vợ tới bệnh viện cấp cứu đúng vào lúc mưa tuyết dữ dội. Con ngựa cái già mượn được của người hàng xóm đuối sức lần dò từng bước. Cầm cương ngựa đưa vợ đi, Grigori cảm thấy hối hận nên hứa với vợ là từ đây sẽ không bao giờ đánh vợ nữa... Nhưng bỗng nhìn lại, bác ngạc nhiên: “Sao tuyết không tan trên mặt vợ nữa”, “Mà này, vợ tôi tắt nghỉ rồi. Chuyện chi lạ vậy?”. Thế rồi Grigori cũng tỉnh lại trong bệnh viện, nơi bác chưa kịp chở vợ tới đó, bởi hai bàn chân của bác đã chết cóng vì tuyết phủ, không sao cất bước được nữa! Thầy thuốc liền nói với bác: “Hai tay và hai chân của bác hỏng cả rồi! Bác đã bị tê cóng. Đành chịu thôi!... Sao bác lại khóc? Đội ơn Chúa, bác đã sống khá lâu rồi đấy! Hẳn chắc tuổi bác đã tới sáu mươi rồi!”. Ở đây, phía sau nỗi đau tột cùng của bác Grigori là niềm đồng cảm của người đọc, bởi làm sao có thể cầm nổi nước mắt khi nghĩ về thân phận lớp “người nhỏ bé” đó!

   Còn Người đàn bà hay nhảy (Người đàn bà phù phiếm, 1891) kể về nàng Olga xinh đẹp, tươi trẻ, duyên dáng, biết chơi đàn, biết vẽ tranh, nặn tượng, diễn kịch đậm nét tài hoa. Tuy thế, “không có lĩnh vực nào mà tài năng của nàng lại bộc lộ nhanh nhạy rõ nét như việc làm quen và chơi rất thân với những người nổi tiếng. Nàng luôn luôn đi tìm bạn mới. Sau khi gần gũi với họ, nàng tự nghĩ về chồng: “Đối với anh ấy, một con người bình thường, chẳng có gì đặc sắc, thì cái hạnh phúc mà chàng được hưởng cũng đã quá đủ!”. Thế rồi nàng lại tự cho mình “phải thử hết mọi cái. Trời ơi, thật là rùng rợn và cũng thật sung sướng!”. Nàng tự nghĩ: “Lẽ nào lại không đáng chán ngán khi phải làm một người bình thường không có gì nổi bật, không có tiếng tăm gì?”. Do đó, “Đám cưới Olga có đông đủ những người bạn thân, những người quen của nàng đến dự... Các bạn thử nhìn xem, có phải là ở anh ấy cũng có một cái gì đáng để ý đấy chứ?”. Nàng vừa nói với bạn bè của mình vừa đưa mắt về phía chồng như muốn phân trần rằng tại sao nàng lại lấy một người giản dị, rất bình thường, hoàn toàn không có gì nổi bật cả!”. Đoạn đối thoại của Olga được thể hiện như lời độc thoại tự an ủi mình. Nhưng rồi Olga đã phải trả giá đắt, mọi thứ nông nổi trôi qua thật nhanh chóng, bác sĩ Đưmov – chồng nàng bị đột quỵ vì bị nhiễm trùng, lây bệnh khi mổ tử thi. Ông là một nhà khoa học trẻ chân chính, cao thượng, đầy tài năng và hết lòng vì người bệnh, rất mực yêu thương, chiều chuộng vợ. Đến lúc đó, nàng mới nhận ra, rồi hối tiếc khóc lóc, song mọi thứ đã quá muộn màng và phù phiếm như chính lối sống của nàng. Mãi tới lúc bác sĩ Đưmov nằm trên giường bệnh “thập tử nhất sinh”, nàng mới cảm thấy hối hận và muốn nói với chồng: “Đưmov ôi! Olga gọi to lên Đưmov! Nàng muốn nói cho chàng biết rằng, đó chỉ là một lầm lỗi thôi, rằng không phải tất cả đều đã mất hết; cuộc đời còn có thể trở lại đẹp đẽ hạnh phúc như xưa. Olga muốn nói cho anh biết rằng, chàng là một người phi thường xuất chúng, một người vĩ đại, và rằng suốt đời nàng sẽ ngưỡng mộ chàng, cầu khẩn cho chàng, kính sợ chàng như người ta kính sợ các vị Thánh!”. Hình tượng Olga đã trở thành một nhân vật điển hình từ nửa cuối thế kỷ XIX, xuyên suốt thế kỷ XX, sống mãi đến thế kỷ XXI và vẫn còn sức lay động tâm hồn bao người đọc trên đất nước Nga. Câu chuyện này ít nhiều phảng phất nét tự truyện của tác giả, đã được dựng thành phim Người đàn bà hay nhảy – một trong nhiều bộ phim hấp dẫn của điện ảnh Xô viết những năm sáu mươi thế kỷ XX. Mặc dù dung lượng không dài nhưng truyện lại chứa đựng sức khái quát lớn, đậm màu sắc thời sự xã hội hiện đại.

   Dưới ngòi bút Sekhov, khuynh hướng hiện thực xuyên suốt truyện ngắn. Bên cạnh đó, người đọc còn cảm nhận chất trữ tình lãng mạn được thể hiện nổi bật trong Người đàn bà và con chó nhỏ (1899) của ông. Anh chàng Gurov vốn đẹp trai, hấp dẫn trước mắt phái đẹp nhưng lại nặng tính bông phèng vì chán cảnh sống vợ chồng do bố mẹ gán ghép lúc còn quá trẻ, người vợ lớn tuổi hơn và cũng lắm lời. Từ đó chàng coi những “mối tình bãi biển” thoắt đến thoắt đi trong các dịp nghỉ hè là niềm vui. Nào ngờ vào một buổi chiều buồn trên bãi biển, trong một quán trà, chàng gặp được nàng Anna đang dắt con chó nhỏ lang thang một mình bước vào quán, đó là người đàn bà có “đôi mát xám rất đẹp”. Song, ở nàng “có một cái gì đó tội nghiệp đáng thương”, buồn buồn. Dường như đồng bệnh tương liên, hai người cảm thông, trò chuyện bên nhau, rồi trở nên gần gũi, thân thiết. Tuy nàng đã có người chồng gốc Đức đang làm viên chức kha khá ở thành phố, song cũng lại là viên chức chỉ chăm lo cúi đầu xu nịnh vì muốn thăng quan tiến chức, mà nàng đang chờ tới cùng nghỉ. Không ngờ nàng lại nhận được tin chàng bận không đến! Trong nỗi cô quạnh ấy, nàng cảm nhận được ở Gurov nét đồng điệu và trở nên gắn bó. Thế là họ “có cảm giác chỉ một lát nữa thôi, không cần nhiều lắm, là lối thoát sẽ được tìm ra và một cuộc đời hoàn toàn mới đẹp đẽ sẽ đến. Nhưng cả hai người đều thấy rõ rằng còn xa lắm mới đến ngày kết cục và những gì rắc rối nhất, khó khăn nhất chỉ mới bắt đầu!”. Điều đáng quý ở câu chuyện này là nhà văn cho rằng chỉ có tình yêu chân thực mới có thể khơi dậy trong Gurov việc đổi thay tính tình nhanh chóng với niềm khao khát hạnh phúc tràn đầy như thế. Nhiều bạn đọc đánh giá đây là câu chuyện thuộc vào hàng hay nhất trong hệ thống truyện ngắn đồ sộ của Sekhov.

   Cùng loại motif như trên, hình ảnh “Người vợ chưa cưới” (Cô dâu tương lai, 1903) trong tác phẩm cùng tên dường như là hình ảnh nhà văn muốn nhắn gửi niềm ước mơ cháy bỏng của chính mình: “Tháng Năm đã về, tháng Năm thân yêu. Ta hít thở thật sâu và bỗng dưng ta nghi là không phải ở đây, mà ở đâu đó dưới bầu trời, trên các ngọn cây xa xa tận ngoại thành, trên các cánh đồng hay cả khu rừng lúc này, cuộc sống mùa xuân đang lan tỏa, cuộc sống huyền bí, đẹp đẽ, phong phú và thiêng liêng mà người yếu đuối không sao thấu hiểu, chẳng biết vì sao ta muốn khóc?”. Đoạn độc thoại của Nađia – cô dâu của tương lai – cũng là ý tưởng cao đẹp gắn liền với khát vọng cháy bỏng của chính nhà văn là “Vĩnh biệt cuộc sống cũ, chào đón cuộc sống mới”. Từ chối cuộc hứa hôn do gia đình sắp đặt tại chốn quê nhà, Nađia hăm hở lên đường tới thành phố Moskva theo tiếng gọi giục giã của chính lòng mình để tìm tự do trong tương lai. Đọc truyện của Sekhov, độc giả không nên chờ đợi một kết thúc có hậu, mà hãy hướng theo mong muốn của tác giả: “Khi tôi viết, tôi luôn luôn trông cậy vào bạn đọc, tôi cho rằng những yếu tố chủ quan còn thiếu trong truyện, bạn đọc sẽ tự mình thêm vào”, nghĩa là trở thành đồng tác giả cùng người thuật truyện. Đó chính là “mạch ngầm giữa dòng văn” khiến người đọc phải suy ngẫm, phải băn khoăn day dứt, rồi muốn đọc lại, đọc vào những chiều buồn như muốn tâm sự cùng người trong cuộc.

   Bài viết này chỉ giới thiệu một số truyện nhỏ, chắc chắn chưa thể đáp ứng được mong muốn của bạn đọc trước sự nghiệp vĩ đại của văn hào Sekhov. Với niềm say mê, nhà văn tự bạch: “Hãy viết cho đến khi các ngón tay rời rã ra mới thôi!”. Hàng trăm nhân vật lớn nhỏ xuất hiện đã tạo nên bức tranh đồ sộ muôn màu muôn vẻ con người và xã hội Nga, từ viên quan “tai to mặt lớn” trong biệt thự đến gã cảnh sát đứng đường, từ vị đại gia đến cô gái làng chơi chen chúc bên nhau đang diễn ra đúng như trong cuộc sống thường ngày… Phong cách độc đáo qua hàng trăm nhân vật được văn hào Dostoyevsky khẳng định rõ rằng: Ở Sekhov, “mỗi nhân vật là một tính cách”, nụ cười tủm tỉm của nhiều nhân vật không tách rời “nước mắt người đời không trông thấy!”. Trên đất nước Nga, bao lời ngợi ca không dứt: “Đối với những người viết truyện ngắn thì văn hào Sekhov là trường đại học đích thực”. Nhà văn Bunin (đoạt giải Nobel), người bạn chí thiết gần gũi bên cạnh Sekhov đến tận những ngày cuối cùng, từng nhận xét: “Sekhov là người rất chính xác trong mọi từ ngữ”, “không chỉ là một nghệ sĩ tuyệt diệu về ngôn từ, mà còn là một nhà văn không ai sánh nổi. Chỉ có điều không phải là ngày một ngày hai mà người ta giải đoán được văn chương tinh tế và trong sáng của ông, sức mạnh và sự dịu dàng của ông trong toàn bộ chiều sâu của nó”. Tác phẩm của Sekhov được dịch ra nhiều thứ tiếng, đặc biệt trên đất Pháp và Anh. Nhà văn Maugham (Anh) đã viết: “Các nhà văn xuất sắc ở Anh, Mĩ đều chịu ảnh hưởng từ Sekhov”. Tại Hoa Kỳ, cuối năm 1999, Tạp chí Raleigh and Observer News của Viện Sách Peter Jane đã tổ chức cuộc trưng cầu ý kiến về 125 tiểu thuyết gia trên thế giới để tìm chọn 10 tác phẩm hay nhất mọi thời đại thì cuốn số 1 là tiểu thuyết Anna Karenna của Tolstoy, sau đó đến cuốn Madame Bovary của Gustave Flaubert, bi kịch Hamlet của Shakespeare, Chiến tranh và hòa bình của Tolstoy, Tội lỗi và hình phạt của Dostoyevsky và Toàn tập truyện ngắn Sekhov cùng bốn tác phẩm khác… Nhà văn lớn Lỗ Tấn từng dịch nhiều truyện ngắn Sekhov đã hết lời ngợi ca, khâm phục tài năng của văn hào Nga. Chính Lỗ Tấn đã được giới văn nghệ bản địa mệnh danh là “Sekhov Trung Hoa”. Từ đất nước Belarus, nhà văn nữ hiện đại nổi tiếng Svetlana Aleksietz (đoạt giải Nobel) đã nêu nhận xét xác đáng: “Ở Sekhov, những “con người nhỏ bé” giải đáp những câu hỏi vĩ đại”.

   Ngày nay, nếu các bạn viết văn trẻ trên đất nước Việt Nam chúng ta tìm đọc Tuyển tập truyện ngắn Sekhov (có bản tiếng Việt), có thể sẽ tìm thấy những bài học kinh nghiệm quý giá từ văn hào Nga tài hoa này.

 

 

 

Chú thích:
1 Theo Tạp chí Europe, 1954.

Bình luận

    Chưa có bình luận