VƯỢT THOÁT CHỦNG TỘC VÀ QUÁ TRÌNH KIẾN TẠO CĂN TÍNH NGƯỜI DA ĐEN TRONG TIỂU THUYẾT ''NỬA KIA BIỆT TÍCH'' CỦA BRIT BENNETT

Bài viết vận dụng lý thuyết giao thoa, nữ quyền luận, lý thuyết bắt chước và mô hình liên tầng căn tính để phân tích, đánh giá quá trình vượt thoát chủng tộc và kiến tạo căn tính của người da đen trong tiểu thuyết ''Nửa kia biệt tích'' của Brit Bennett. Trên cơ sở đó, khẳng định khả năng bị phá vỡ của những quan điểm vốn mang đậm tính yếu tính luận như chủng tộc trong bối cảnh thế giới với sự xâm lấn ngày càng sâu sắc giữa nhiều nhóm, nhiều cộng đồng khác nhau.

   Trong suốt hơn bốn thế kỷ tính từ lần đầu tiên đặt chân tới tân thế giới, cộng đồng người da đen tại Hoa Kỳ đã luôn là nạn nhân của một hệ thống quyền lực mang nặng tính chất phân biệt đối xử dựa trên yếu tố sắc tộc. Quá trình phi nhân hoá, ngoại biên hóa người da đen tại đây không chỉ cô lập cộng đồng này khỏi nguồn chính mạch của bối cảnh lịch sử, chính trị, văn hóa Hoa Kỳ, chúng còn có khả năng hủy hoại hoàn toàn những khía cạnh mang tính vi mô, cá nhân và riêng tư hơn vốn đã từng thuộc về họ từ trước như nhân dạng hay danh tính. Trong bối cảnh này, một trong những chiến lược chủ đạo để người da đen có thể được công nhận như một công dân tự do, đáng buồn thay, lại chính là tự bản thân họ buộc phải tước bỏ căn tính sắc tộc của chính mình để sống như một người da trắng, thường được biết tới là việc vượt thoát chủng tộc (racial passing). Những lợi ích lẫn hệ quả mà chiến lược này mang lại đối với quá trình căn tính của người da đen Hoa Kỳ đã được Brit Bennett xem xét một cách vô cùng kỹ lưỡng trong cuốn tiểu thuyết Nửa kia biệt tích, kể về cuộc đời của hai chị em song sinh (Desiree và Stella), một người lựa chọn tôn vinh màu da của mình, người kia quyết định xóa bỏ căn tính da đen để sống như một người da trắng.

   Bằng cách đưa ra những nghịch lý phức tạp liên quan tới xung đột chủng tộc và các chiến lược vượt thoát khỏi sự phân tầng chủng tộc, Brit Bennett đã khắc họa một cách trần trụi số phận đơn độc của những người da đen Hoa Kỳ, đặc biệt là những người luôn phải trăn trở trong quá trình tìm kiếm căn tính, đặt trong bối cảnh xã hội Hoa Kỳ khoảng những năm 1940-1980 mà ở đó, sự vượt thoát chủng tộc được xem là một chiến lược sống còn để giải bỏ cấu trúc chủng tộc, xóa mờ thế nhị nguyên đen - trắng, đồng thời cũng được xem như một tác nhân khắc sâu thêm cho những mâu thuẫn sắc tộc vốn đã luôn tồn tại một cách đeo đẳng tại đây.

   2. Chủng tộc, vượt thoát chủng tộc và liên tầng căn tính: những gợi dẫn từ lý thuyết hậu cấu trúc

   2.1. Chủng tộc như là một cấu trúc xã hội

   Thế kỷ XXI là thế kỷ của sự tự do, cởi mở và giao thoa văn hóa, là buổi bình minh của quá trình “mờ hóa” các ranh giới phân định cá nhân với cá nhân, cộng đồng với cộng đồng. Điều đó không có nghĩa là những khái niệm thủ cựu đã được thành tạo và tồn tại bền vững từ trước đó như quốc gia, chủng tộc lại có thể dễ dàng bị giải bỏ. Mặt khác, sự thiếu minh định về mặt đường biên lại càng tiềm tàng nguy cơ tăng thêm những mối lo ngại, hồ nghi về bản chất chính trị, xã hội của những phạm trù vốn đã chứa đựng sẵn sự không khả tín này. Mối quan hệ có tính móc xích kể trên dần tạo nên một bầu không khí học thuật sôi động, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu hiện đại đối với những cách định nghĩa xác tín về vấn đề chủng tộc.

   Trong chuyên luận Race and Race Theory (tạm dịch: Chủng tộc và lý thuyết chủng tộc) (2000), bằng việc khảo sát biên niên phát triển của lịch sử loài người, Howard Winant cho rằng ở hình thái sơ đẳng nhất, khái niệm “chủng tộc” có thể được định nghĩa là “một khái niệm có tính biểu tượng hóa, điển hình hóa những lợi ích, xung đột chính trị dựa trên những sai khác về mặt đặc điểm trên cơ thể người. Dẫu cho quan niệm chủng tộc có cơ sở dựa trên các kiểu hình sinh học con người, việc chọn lọc những đặc điểm cụ thể (như màu da) để chỉ ra điểm khác luôn luôn và nhất thiết là một quá trình lịch sử, xã hội”1. Cũng theo tác giả, ý tưởng về việc phân nhóm chủng tộc cũng được hình thành trùng thời điểm với sự trỗi dậy của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là với quá trình phát kiến địa lý của các đế chế đường biển châu Âu cũng như sự tái sinh của chế độ buôn bán, sở hữu nô lệ. Việc chọn lọc và chỉ rõ các đặc điểm có thể nhìn thấy được về mặt ngoại hình, theo Winant, là một chiến lược để chỉ ra cả những khác biệt về thế chất, tình dục, tinh thần và văn hóa, từ đó kiến tạo nên các diễn ngôn tôn giáo, triết học, văn học/ nghệ thuật, chính trị, khoa học về một cái khác (the other) luôn trong tư thế thấp kém và không được đối xử một cái ngang hàng với chủ thể (self). Như vậy, nhìn từ quan điểm xã hội học chính trị (sociopolitical), Howard Winant khẳng định “chủng tộc”, bản chất là một cấu trúc được xã hội kiến tạo, nhằm phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, củng cố các diễn ngôn liên quan tới việc phân loại những nhóm cộng đồng khác nhau và bởi vậy, trong nhiều trường hợp, đây là một khái niệm “hoàn toàn tùy tiện” (completely arbitrary).

   Đồng ý với cách cắt nghĩa của Winant, Hardimon Michael trong The Ordinary Concept of Race (tạm dịch: Quan niệm thông thường về chủng tộc) (2003) thông qua quá trình khảo cứu những quan niệm thông thường về chủng tộc, đã cắt nghĩa khái niệm chủng tộc. Theo tác giả, khái niệm chủng tộc cũng sớm được ra đời như một “công cụ trực thuộc bộ phận phân chia cơ sở hạ tầng của loài người tinh khôn (homo-sapiens), được bắt đầu từ thời kỳ Khai sáng”2. Nhìn chung, dù có phạm vi khảo sát được thu hẹp, quan điểm của Hardimon cũng gặp gỡ với cách định nghĩa của Winant ở nhiều điểm giao, đặc biệt trong sự cắt nghĩa cụ thể, chi tiết quan niệm chủng tộc, sự phát triển về mặt lịch sử trong các quan niệm chủng tộc, đồng thời định vị được sự cần thiết của việc hiểu rõ khái niệm này xuyên suốt quá trình đọc, hiểu và giải quyết được vấn đề nổi cộm liên quan đến chủng tộc và phân biệt chủng tộc trong xã hội đương đại.

   Nhìn chung, có thể thấy, giới học thuật đều đi đến một kết luận thống nhất rằng về bản chất, khái niệm chủng tộc là một dạng cấu trúc được kiến tạo bởi các quá trình xã hội. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, khái niệm chủng tộc bao gồm các mối quan hệ giữa những cách ứng xử liên quan đến chủng tộc (racial attitude), hành vi chủng tộc (racial behavior) cũng như sự tác động/ thực hành của các yếu tố này đối với con người cá nhân và/ hoặc các nhóm xã hội, được thể hiện rõ rệt nhất trong một xã hội phân quyền, có nền tảng phát triển dựa trên định kiến, phân biệt đối xử, thậm chí xuất hiện các hành vi bạo lực dựa trên cơ sở chủng tộc.

   Về khái niệm “phân biệt chủng tộc”, theo Từ điển Oxford, phân biệt chủng tộc (racism) là một dạng “niềm tin” cho rằng “có một (hoặc nhiều) chủng tộc khác nhau với những đặc điểm khác nhau, một số chủng tộc tốt hơn những chủng tộc khác”. Dẫn theo Greg Howard, thuật ngữ này được tìm thấy sớm nhất trong ấn bản năm 1902 của Oxford “như một mô tả về chính sách của nước Mỹ đối với người Mỹ bản địa”(Howard, 2016). Miles Robert trong Racism (tạm dịch: Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc) khẳng định đây là một khái niệm “mang nghĩa” và được “sử dụng một cách thường nhật” trong khoảng năm mươi năm trở lại đây, theo đó, khái niệm này đã “dần trở thành một ý tưởng chủ đạo chi phối các hệ hình lý thuyết diễn ngôn cũng như được sử dụng trong các công công trình nghiên cứu xã hội học”3. Trong công trình này, Robert đề xuất ba cách hiểu về khái niệm phân biệt chủng tộc. Từ đó, Robert cũng đi tới một kết luận chung, cho rằng “phân biệt chủng tộc là một vấn đề chính trị, đạo đức phức tạp, đồng thời, sự giao thoa giữa các vấn đề này càng khiến cho khái niệm phân biệt chủng tộc trở nên “khó nắm bắt hơn bao giờ hết”4.

   Như vậy, nhìn chung, dù bóc tách khái niệm chủng tộc hay phân biệt chủng tộc ở bất kỳ góc độ nào, một trong những kết quả dễ dàng nhận thấy đó chính là ẩn dưới các tầng sâu diễn ngôn, khái niệm này được hiển lộ thuần túy là một khái niệm được xã hội cấu trúc, tức là, chủng tộc không hoàn toàn liên quan đến các đặc điểm sinh lý, di truyền. Sự kiến tạo nên khái niệm chủng tộc đơn thuần chỉ là một quá trình giả định, phục vụ các mục đích quyền lực, chính trị. Chính bởi lý do đó, dưới ánh sáng của hệ hình lý thuyết hậu cấu trúc, hậu thực dân, quan niệm này hoàn toàn có thể được giải bỏ.

   2.2. Vượt thoát như là một chiến lược giải cấu trúc quan niệm chủng tộc

   Chính bởi có nguồn gốc là một cấu trúc thiếu tính ổn định, trong bối cảnh ra đời của nhiều hệ hình lý thuyết mới, nối tiếp quan niệm của các nhà nghiên cứu, phê bình hậu cấu trúc, hậu thuộc địa, khái niệm phân biệt chủng tộc hoàn toàn có khả năng bị phân rã và giải bỏ. Theo kết luận của nhiều nhà nghiên cứu, một trong những chiến lược phổ biến, được sử dụng một cách có hiệu quả nhất đó chính là vượt thoát về mặt chủng tộc (racial passing).

   Đặt nền móng cho việc nghiên cứu sự vượt thoát chủng tộc, trong công trình Black Skin, White Masks (tạm dịch: Làn da đen, mặt nạ trắng) (1952), Frantz Fanon đã đi sâu khám phá tác động tâm lý của chế độ thuộc địa và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đối với danh tính và ý thức của người da đen. Trong một thế giới do người da trắng thống trị, Fanon đi sâu vào sự phức tạp của căn tính người da đen, đồng thời thảo luận về một sự kỳ thị chủng tộc nội hóa (internalized racism), tức quá trình những người Mĩ gốc Phi tự kỳ thị chính chủng tộc của mình, càng khắc sâu thêm những mặc cảm chủng tộc.

   Trong chuyên khảo nổi tiếng A Chosen Exile: A History of Racial Passing in American (tạm dịch: Một sự lưu đày thiên định: Lịch sử của quá trình vượt thoát chủng tộc trong đời sống người dân Hoa Kỳ), Allyson Vanessa Hobbs tiếp tục kế thừa và phát triển những luận đề mang tính nền tảng đã được Fanon đặt nền móng. Trong công trình này, Hobbs gọi sự vượt thoát chủng tộc là “một sự lưu đày” (exile)5. Cách hiểu này là chủ điểm xuyên suốt toàn bộ chuyên luận của bà, tạo cơ sở để Hobbs khám phá câu chuyện của những cá nhân chọn cách che giấu danh tính chủng tộc thực sự của mình để vượt qua các hệ thống phân cấp chủng tộc và định kiến của xã hội Mĩ. Theo Hobbs, white-passing, hay để vượt thoát trở thành một người da trắng (đối với chủ thể da đen), tức là “đưa ra một quyết định đầy mạo hiểm nhằm quay lưng lại với căn tính da đen và tuyên bố bản thân thuộc về một cộng đồng mà họ vốn không được coi trọng”6. Nó thường đòi hỏi “những cái giá quá đắt”, tuy nhiên, về mặt lịch sử, chiến lược vượt qua dường như cũng đóng vai trò là một “phương tiện để đảm bảo tự do cũng như một cách để tồn tại và phù hợp với các chuẩn mực quy định do xã hội đặt ra. Đặc biệt, [...] việc vượt qua còn là yếu tố sống còn để trốn thoát chế độ nô lệ, thành kiến chủng tộc hoặc các hình thức suy thoái chủng tộc khác”7.

   Như vậy, có thể thấy, theo quan điểm của Frantz Fanon và Allyson Hobbs, vượt thoát chủng tộc là quá trình một người thuộc chủng tộc này sử dụng ngôn ngữ, tiếng nói, thái độ, hành vi, cách ăn mặc... để trở thành một người thuộc chủng tộc khác, che lấp đi danh tính chủng tộc thực sự của họ. Đây là một quá trình mang tính chiến lược, xuất phát từ mục đích “tự vệ”, thể hiện quá trình thích nghi của những người thuộc cộng đồng yếu thế để sinh tồn, đặc biệt trong những bối cảnh lịch sử cụ thể tước đi ở họ quyền và khả năng được công nhận như một con người. Chiến lược này đồng thời cũng vô tình kiến tạo nên một dạng “căn tính kép” (double identity) với bản thân những người tham gia quá trình vượt thoát, từ đó làm hiển lộ bản chất lỏng lẻo, bất định của cấu trúc chủng tộc, biểu thị những mâu thuẫn, xung đột ngầm ẩn và không khó để giải bỏ ngay trong cấu trúc của chính nó.

   Dẫu vậy, sẽ là một thiếu sót nếu chỉ quan tâm tới sự tác động tích cực của quá trình vượt thoát chúng tộc mà bỏ qua những nguy cơ tiềm ẩn mà quá trình này có thể mang tới. Trong công trình Crossing the Line: Racial Passing in Twentieth-Century U.S. Literature and Culture (2000), Gayle Wald khảo sát hiện tượng vượt qua chủng tộc trong văn học và văn hóa Mĩ trong thế kỷ XX. Ở đó, Wald đi vào sự phức tạp của căn tính chủng tộc, làm sáng tỏ những thuận lợi và thách thức của việc trở thành một chủng tộc khác trong một xã hội được đánh dấu bằng sự phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc. Tác giả cũng xem xét một cách kỹ lưỡng cách các cá nhân (da màu) thực hiện quá trình vượt thoát để giải quyết triệt để vấn đề về danh tính hay thỏa mãn những khao khát được thuộc về, từ đó đưa ra kiến giải những áp lực và định kiến xã hội hình thành nên quyết định của những người da đen vượt thoát. Đặc biệt, trong công trình này, Wald còn quan tâm tới tình thế nhị phân (racial binarism) của các vấn đề chủng tộc tại Hoa Kỳ tới quá trình passing và ngược lại. Ở đây, Wald xem xét những diễn ngôn về chủng tộc tồn tại như một dạng quyền lực ngầm ẩn trong bối cảnh chính trị, văn hóa, lịch sử và xã hội Hoa Kỳ như là một xung lực khắc sâu thêm cho hai cực trên phổ nhị nguyên đen - trắng tại đây.

   Như vậy, có thể thấy, quá trình vượt thoát chủng tộc, một mặt đóng vai trò như một dạng thức “xuyên qua” (crossing), một chiến lược phản kháng lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và những chia cắt mang nặng tính phân loại chủng tộc, đồng thời cũng là một hành động có tác động củng cố hóa đối với hệ thống này, khi mà nó gia tăng số lượng của nhóm cộng đồng người da trắng có đặc quyền (dù phi chính thống). Trong nhóm này cũng liên tục xuất hiện nhiều khả năng tạo nên những hành động/ phát ngôn có tính thù ghét dựa trên cơ sở chủng tộc, càng khắc sâu thêm tình trạng nhị phân chủng tộc, điều sẽ được tiếp tục kiến giải dựa trên thực tiễn văn bản, thông qua lý thuyết bắt chước của Homi Bhabha ở những phần tiếp theo.

   2.3. Căn tính và sự kiến tạo căn tính đặt trong bối cảnh lý thuyết giao thoa

   Về khái niệm “căn tính”, trong công trình Identity theory and social identity theory (tạm dịch: Thuyết căn tính và thuyết căn tính xã hội), Jan E. Stets và Peter J. Burke cho rằng cái tôi (the self) là nền tảng cho sự hình thành căn tính. Theo quan điểm của Stets và Burke, căn tính của một cá nhân luôn bao gồm hệ thống những quan điểm về bản thân, có nguồn gốc từ các hoạt động tự phân loại, nó được gắn liền với các vai trò xã hội và chỉ được hình thành trong một xã hội có cấu trúc phân tầng8.

   Đồng ý với cách hiểu của Stets và Burke, theo Từ điển APA của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, khái niệm căn tính cũng được định nghĩa là “tập hợp những đặc điểm cá nhân thuộc về thể chất, tâm lý và cách tương tác với người khác”, đồng thời, căn tính còn là “tổng hòa các sở thuộc xã hội (ví dụ như dân tộc, tôn giáo) cùng các vai trò xã hội”9.

   Ở đây, có một sự thật nhìn thấy được rằng các nhà nghiên cứu tâm lý học, xã hội học đều có chung một quan điểm chung về căn tính. Căn tính, cũng giống như những ý niệm xã hội khác, không thể được tách rời khỏi chủ thể, đồng thời cũng phải luôn được nhìn nhận trong mối quan hệ bện xoắn đối với cấu trúc xã hội mà chính họ là một bộ phận thuộc về. Sự kiến tạo căn tính luôn là một quá trình thường xuyên, được sạt lở hay đắp bồi liên tục tùy thuộc vào những sự tương tác của cá nhân với cá nhân, cá nhân với cá nhân khác hoặc thậm chí là cá nhân với tổng thể cộng đồng, xã hội. Do vậy, khi đề cập tới khái niệm căn tính, con người luôn phải xem xét nó trong sự xung đột, hòa hợp với những hệ khái niệm, giá trị và niềm tin khác nhau, trong những chiều kích phức tạp, đa diện của thế giới và đặc biệt là trong dòng chảy bất định và lỏng lẻo của những vấn đề xã hội.

   Có nguồn gốc từ chủ nghĩa nữ quyền của người da đen (black feminism) và hệ hình lý thuyết phê bình chủng tộc (critical race theory), nghiên cứu liên tầng/ nghiên cứu giao thoa được xem như là một khuynh hướng nghiên cứu, một phương pháp khoa học, đồng thời cũng là một công cụ được sử dụng để suy nghiệm phân tích. Trong bài tiểu luận mang tính bước ngoặt Demarginalizing the Intersection of Race and Sex: A Black Feminist Critique of Anti-discrimination Doctrine, Feminist Theory and Antiracist Politics (tạm dịch: Xác định ranh giới giao thoa giữa chủng tộc và giới: Phê bình nữ quyền da đen về học thuyết chống phân biệt đối xử, lý thuyết nữ quyền và chính trị chống phân biệt chủng tộc) (1989), Kimberlé Williams Crenshaw đã lần đầu tiên đề xuất thuật ngữ “giao thoa/ liên tầng” để chỉ rõ hiện trạng phụ nữ da đen bị “lề hóa” (marginalized), tức bị gạt ra ngoài lề, không được dành cho sự quan tâm đúng mức, không chỉ trong đạo luật chống phân biệt đối xử mà còn trong lý thuyết và chính trị về nữ quyền hay chủ nghĩa phản phân biệt chủng tộc.

   Về sau, thuật ngữ liên tầng tiếp tục được giới nghiên cứu sử dụng rộng rãi, đặc biệt là trong các khoa khoa học liên ngành. Sự liên tầng quan tâm nhiều tới các vấn đề nổi cộm trong xã hội, đặc biệt là tại Hoa Kỳ như các lớp căn tính/ bản sắc/ nhân dạng của con người, những xung động để kiến tạo quyền lực, hệ thống chính trị, pháp luật và đặc biệt là các cấu trúc diễn ngôn. Trong một số công trình nghiên cứu khác của mình như Mapping the Margins: Intersectionality, Identity Politics, and Violence Against Women of Color (tạm dịch: Định vị đường biên: Sự giao thoa, chính trị phái tính và bạo lực chống lại phụ nữ da màu), Crenshaw tiếp tục chỉ ra những cách thức tinh vi mà luật pháp, chính trị Hoa Kỳ trong lịch sử đã vạch rõ những đường biên đầy nhập nhằng của sự phân biệt đối xử dựa trên yếu tố chủng tộc và giới tính, thông qua các đại diện có tính nguyên nguyên mẫu (prototypical representatives), tức là phụ nữ da trắng và đàn ông Mĩ gốc Phi. Kế đó, những cấu trúc tinh vi này luôn tìm cách thu hẹp sự tự nhận thức của những đại diện nguyên mẫu về hệ thống áp bức mà họ phải chịu đựng, đồng thời gia tăng quyền lực của chế độ phân biệt chủng tộc hoặc chế độ phân biệt giới tính bằng cách tăng cường, củng cố quyền lực cho một đại diện này đàn áp, phản kháng một đại diện khác, cùng lúc, cả hai đại diện đều chịu sự đàn áp của một cấu trúc vĩ mô hơn. Cuối cùng, Kimbérle cũng sử dụng lý thuyết liên tầng để làm sáng tỏ những cách thức tổ chức phong trào xã hội xoay quanh vấn đề bạo lực nhắm tới phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ da màu cũng như những cộng đồng nhập cư hoặc có hoàn cảnh khó khăn về mặt xã hội.

   Nhìn ở góc độ này, có thể thấy được rằng với Nửa kia biệt tích, lý thuyết về tính liên tầng có khả năng cung cấp một công cụ định vị được tình thế “lề hóa”, chịu sự liên tầng định kiến của các nhân vật, đặc biệt là những nhân vật người nữ da màu ở trong cuốn tiểu thuyết kể trên.

   3. Vượt thoát chủng tộc: nguồn cơn của sự thành tạo và hủy hoại căn tính trong Nửa kia biệt tích của Brit Bennett

   3.1. Sự liên tầng căn tính chủng tộc như là một bộ khung tham chiếu để giải mã hiện tượng vượt thoát chủng tộc

   Khi khảo sát đối tượng nghiên cứu là tiểu thuyết Nửa kia biệt tích, có thể vạch ra hai tầng liên tầng căn tính của những người da đen trong tác phẩm này, đó là sự liên tầng căn tính chủng tộc - giới và sự liên tầng căn tính chủng tộc - giai tầng.

   Thứ nhất, sự liên tầng căn tính chủng tộc – giới hàm chứa nhu cầu vượt thoát chủng tộc. Trong Nửa kia biệt tích, người đọc cũng dễ dàng nhìn ra một dạng cấu trúc quyền lực có sự phân lớp, được thành tạo ngay trong chính cộng đồng người da đen, đó là quyền lực giữa những người đàn ông và những người phụ nữ da màu. Ở một xã hội nam trị, nơi mà cơ thể người phụ nữ là thứ dễ dàng bị vật hóa, hẳn nhiên, vẻ đẹp hay những đặc điểm nổi bật về hình thể của hai chị em sẽ luôn là điều bị cánh đàn ông trong thị trấn đem ra bàn tán. Đồng thời, cũng chính bởi sở hữu nhan sắc xinh đẹp, hai chị em cũng vô tình trở thành nạn nhân của vấn nạn quấy rối tình dục và bạo hành gia đình. Stella bị xâm hại bởi người đàn ông chủ gia đình nơi cô nhận việc làm thuê, “người theo cô vào kho thực phẩm, đóng cửa lại, rồi luồn tay vào váy cô”10, còn Desiree thì bị người chồng của mình đánh đập vô cùng dã man, tới cuối cùng, cô phải bỏ trốn cùng Jude, đứa con gái để tìm kiếm một nơi ẩn náu ngay chính quê hương Mallard mà cô đã từng thề rằng sẽ không bao giờ quay trở lại.

   Ở đây, điều đáng nói không đơn thuần chỉ là ở việc Stella hay Desiree bị bạo hành/ xâm hại bởi một người đàn ông, mà điều đáng lo ngại hơn là đó đều là những người đàn ông da màu, cùng chịu sự đàn áp của một cấu trúc quyền lực có tính hệ thống. Dẫu vậy, những kẻ đàn áp (đàn ông da màu) vẫn tìm cách để thể hiện quyền lực, không phải để phản kháng lại cấu trúc quyền lực đó mà dường như càng khắc sâu hơn cho những sự phân tầng này. Hiện trạng đáng buồn này được đúc rút qua chính lời kết luận của Adele Vignes, mẹ của hai cô gái sinh đôi: “Một thằng da tối màu sẽ chà đạp vẻ đẹp của nó [Desiree]. Hắn sẽ say mê nó lúc ban đầu, nhưng cũng như bất kỳ điều gì hắn mong muốn mà không thể đạt được, hắn sẽ mau chóng trở nên cay cú”11. Lời tuyên bố này phản ánh nghiên cứu của Crenshaw khi bà cho rằng, đối với phần lớn phụ nữ da đen khi phải trải qua các trải nghiệm chấn thương như bị bạo hành hay quấy rối bởi những người cùng chủng tộc, họ dễ dàng rơi vào trạng thái mặc cảm hay cảm thấy khiên cưỡng, bởi hành động này dường như cũng có thể được nhìn nhận như một hành động mời gọi sự phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng của họ, bao gồm cả việc thúc đẩy những định kiến về tính bạo lực của người da đen.

   Thứ hai, sự liên tầng căn tính chủng tộc – giai tầng cũng là một khía cạnh hàm chứa khao khát vượt thoát chủng tộc. Tiểu thuyết Nửa kia biệt tích được đặt bối cảnh trong một xã hội tư bản thượng tôn da trắng có sự phân cấp giai tầng cũng như quyền lợi kinh tế, do đó, cộng đồng người da đen trong thiên tiểu thuyết cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của hệ thống phân cấp này. Ở đỉnh cực, người da trắng là những kẻ làm chủ, người da màu là những kẻ lao động làm thuê phải chịu đựng một mức đãi ngộ ít ỏi và một nhóm công việc cụ thể được chỉ định dựa trên màu da, như phải dọn dẹp nhà cửa tới độ “một ngày nào đó ngón tay sẽ trở nên ú nu và sần sùi vì chà xát quần áo của dân da trắng”12. Trong khi cuộc sống của những người da trắng được khắc họa đầy vương giả, với những “đèn chùm kim cương trên trần cao” hay những “căn bếp rộng với những thiết bị hiện đại”13, cuộc sống tại thị trấn Mallard, quê hương của hai chị em lại được hiện lên đầy xác xơ và nhớp nhúa.

   Trong một xã hội bị phân tầng, điều dễ dàng nhìn thấy đó chính là sự đối nghịch giữa đời sống của những người da đen và đời sống của những người da trắng. Ở đây, dường như quyền lực cũng được đi kèm với điền sản, trở thành một người da trắng có nghĩa là một người được trao cho nhiều cơ hội hơn để trở nên giàu có hơn. Sự phân chia quyền lực tạo nên sự phân tầng về giai cấp. Sự phân tầng về giai cấp lại tiếp tục khắc sâu thêm những mâu thuẫn về mặt chủng tộc. Do đó, cũng giống như kết luận của Kimbérle Crenshaw, hẳn sẽ là điều không tưởng nếu coi các vấn đề xâm hại hay bạo lực hướng tới phụ nữ da đen mà bỏ qua căn tính chủng tộc hay các trục phân biệt đối xử khác. Từ đó, khi bàn về chiến lược vượt thoát chủng tộc, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục dựa vào lý thuyết của Crenshaw về tính liên tầng để giải quyết một cách tường tận những mục đích, động lực của Stella, một nhân vật nữ da đen nghèo khó đã lựa chọn chiến lược vượt thoát chủng tộc để đối kháng với những liên tầng định kiến kể trên.

   3.2. Sự vượt thoát chủng tộc: hệ quả của những sang chấn thời ấu thơ và tác động tiêu cực từ một xã hội phân quyền

   Để có thể giải mã được những xung lực tạo nên quyết định vượt thoát chủng tộc của những nhân vật trong Nửa kia biệt tích, một trong những thao tác không thể bỏ qua đó chính là khám phá những sang chấn tâm lý được hình thành từ thời thơ ấu cũng như mối quan hệ của chúng đối với tiến trình thành tạo một dạng căn tính kép bên trong các nhân vật. Thiên tiểu thuyết là một dạng lịch sử gia đình với trung tâm là cặp song sinh da sáng màu Desiree và Stella Vignes, cùng với hai cô con gái của họ, Jude Winston và Kennedy Sanders. Dù được sinh ra và lớn lên ở một cộng đồng biệt lập, nơi chỉ tồn tại những người da màu có nước da sáng, nhưng không có nghĩa là điều đó có thể đảm bảo cho hai cô gái da màu một tuổi thơ bình yên, không phải nếm trải sự phân biệt đối xử.

   Trong quá khứ, vào khoảng những năm 1940, hai chị em đã buộc phải vô tình trực tiếp chứng kiến người cha đẻ của mình, Leon Vignes, một người thợ mộc, bị năm người đàn ông da trắng sát hại tại chính căn nhà của họ. Trong lịch sử, người da đen đã và luôn là một đối trọng kinh tế của người da trắng, khiến cho những người da trắng luôn phải ở trong thế bất an trước tiến bộ kinh tế của những người thuộc một cộng đồng xa lạ này. Trước những sợ hãi mơ hồ có tính chính trị đó, việc hành hình (lynching), một hình thức bạo lực đám đông, thậm chí có khả năng dẫn tới hành vi ngộ sát không qua xét xử tại các cơ quan hành pháp đã được người da trắng sử dụng như một công cụ để “loại bỏ những người da đen có quyền lực kinh tế, có khả năng tích lũy của cải” và từ đó, khiến cho chủng tộc này “bị khủng bố và giữ chân”. Không chỉ có vậy, người da trắng còn có khả năng kiến tạo và “gợi lên một cách có hệ thống” những huyền thoại về những kẻ hiếp dâm da đen (the myth of black rapist), đặc biệt đặt trong bối cảnh “các làn sóng bạo lực và khủng bố tái diễn chống lại cộng đồng người da đen nổi lên liên tục”, như một công cụ “kích động các hành động phân biệt chủng tộc”14.

   Việc cha của cặp song sinh bị hành hình phản ánh những mục tiêu này. Với mong muốn đảm bảo quyền lực cũng như ưu thế vượt trội của mình đối với người Mĩ gốc Phi, những người đàn ông da trắng tấn công Leon một cách thô bạo, đồng thời cáo buộc anh ta quấy rối một phụ nữ da trắng, kéo dài huyền thoại về một kẻ hiếp dâm da đen, từ đó củng cố ưu thế vượt trội của người da trắng. Trớ trêu thay, do hậu quả của sự phân biệt đối xử trong lịch sử nền giáo dục Hoa Kỳ, người Mĩ gốc Phi không được đến trường để học đọc hay học viết, Leon lại là một người đàn ông mù chữ. Hiện thực chứa đựng đầy nghịch lý này đã khẳng định tính bất nhân của chế độ phân biệt chủng tộc, phân biệt màu da, cho hệ hình quyền lực đen - trắng đã sớm được hình thành và dần trở nên phổ biến trong lịch sử xã hội Hoa Kỳ, đồng thời, trở thành một trải nghiệm gây chấn thương đối với tuổi thơ của hai chị em song sinh, là động lực đẩy Stella đi tới quyết định vượt thoát chủng tộc để có thể trốn chạy khỏi hiện thực đầy nghịch lý kể trên.

   Nếu những huyền thoại về một kẻ hiếp dâm da đen do người da trắng thêu dệt có tác động cô lập cộng động người da đen và củng cố quyền lực của người da trắng, thì những huyền thoại khác về những người vượt thoát chủng tộc thành công cũng tiếp tục được tôn vinh như một liệu pháp để có thể kháng cự lại hệ thống này. Tại Mallard, một cộng đồng thượng tôn da trắng, với những chuẩn độc hại về sự trắng, những người vượt thoát thành công được hiện lên như những khuôn mẫu cho hành vi chống đối lại hệ hình quyền lực thượng tôn da trắng.

   “Tại Mallard, người ta lớn lên với những câu chuyện kể về nhóm người giả trang làm dân da trắng”15.

   Rõ ràng, khi sở hữu cho mình một nước da sáng, việc vượt thoát để trở thành một chủng tộc khác hoàn toàn không phải là một hành động bất khả thi. Do vậy, Stella Vignes đã tìm ra cách để thực hiện thành công hành động này một cách hết sức trót lọt.

   Sau cuộc hành hình của người cha đẻ mà thủ phạm không ai khác chính là những kẻ da trắng, gián tiếp dẫn tới sự suy thoái chức năng kinh tế trong chính gia đình của cô, buộc hai chị em sinh đôi phải nghỉ học, Desiree lẫn Stella Vignes không còn lựa chọn nào khác ngoài đến đảm nhận việc giặt là cho gia đình nhà Dupont. Cũng chính tại nơi này, Stella đã bị ông chủ da trắng lạm dụng. Ở đây, Stella Vignes, với vị thế là một hậu duệ sống trong cộng đồng người da đen tự do nhưng vẫn có thể cảm thấy được tính thiếu chắc chắn trong sự tự do của chính bản thân cô và rộng hơn là cả cộng đồng của mình. Phải đi tới đâu để những người da đen mới thực sự được xem là những công dân tự do? Phải làm thế nào để những người da đen có thể đảm bảo được quyền tự chủ về số phận và cơ thể của chính bản thân mình? Dường như câu trả lời duy nhất mà Stella có thể nghĩ tới, đó chính là xóa bỏ căn tính da đen và trở thành một người da trắng.

   Chính vì vậy, một đêm nọ, khi thị trấn đang say sưa trong buổi dạ vũ, hai chị em song sinh đã bí mật ra đi, chạy trốn tới New Orleans. Tại nơi ở mới, Desiree xin được một công việc làm giám định vân tay tại một cơ quan pháp lý, còn Stella quyết định vượt thoát thành một người da trắng để đảm nhận công việc thư ký cho ông chủ da trắng của mình, Blake Sanders. Trước đây, Stella đã từng một lần thử trở thành một người da trắng, khi cô “tới Bảo tàng Nghệ thuật Nam Louisiana vào một buổi sáng thứ Bảy bình thường, không phải ngày dành cho người da đen và đi thẳng tới cửa chính, không phải cửa phụ nơi dân da đen xếp hàng dài trong ngõ hẻm”16.

   Có thể thấy, để giả dạng một người da trắng đối với Stella là không hề khó, đặc biệt là khi cô sở hữu một nước da sáng cùng với một thái độ tự tin. Đồng thời, quá trình giả dạng này còn kích thích ở Stella một dạng ý thức mới mẻ về việc được trực tiếp thừa hưởng những đặc quyền da trắng (white-privilege). Bởi vậy, động lực để thực hiện quá trình vượt thoát chủng tộc đối với Stella dường như lại càng trở nên mạnh mẽ hơn. Để thực hiện được quá trình này, Stella buộc phải tham gia vào quá trình diễn xuất, vào một loại hình nghệ thuật sân khấu luôn luôn có khán giả - đồng thời cũng được xem như là một quá trình kiến tạo căn tính.

   3.3. Diễn xuất và sân khấu như là một công cụ kiến tạo và hủy hoại căn tính

   Trong công trình Identity as Theatre?: Appiah, Goffman, and The Dramaturgy of Self (2020), Yussef Al Tamimi khám phá căn tính qua lăng kính của nghệ thuật sân khấu. Tamimi nhận thấy rằng ý tưởng xem xét căn tính là một màn trình diễn trong một vở kịch sân khấu tinh vi đã “sớm ăn sâu vào văn chương và ngôn ngữ”17. Theo tác giả, “nguồn gốc của từ “người” (person) được khởi nguồn từ từ “persona”, tức “mặt nạ” trong tiếng Latin”. Tức là, ở một góc độ nào đó, khi mỗi cá nhân đảm nhiệm một vai trò cụ thể, chúng ta sẽ có xu hướng sử dụng những lớp mặt nạ khác nhau, chồng xếp những lớp căn tính khác nhau để tạo nên những “kịch bản” khác nhau sao cho phù hợp với yêu cầu của vở diễn. Do đó, nhân dạng, tính cách và vai trò của mỗi người không đơn thuần chỉ tùy thuộc vào nội tại chính bản thân họ mà còn nằm ở việc họ ở đâu và họ ở cùng với ai.

   Khi áp dụng góc nhìn của Tamimi vào việc lý giải quá trình kiến tạo căn tính của những người da đen trong tiểu thuyết Nửa kia biệt tích, có thể nhận thấy được rằng nếu như những sang chấn thời ấu thơ, sự tự kỳ thị nội hóa từ cộng đồng cộng hưởng cùng với những chấn động từ xã hội được xem là động lực chính để họ bắt đầu sử dụng chiến lược vượt thoát thì diễn xuất và sân khấu đối với họ lại là một công cụ hoàn hảo để có thể tiến hành một cách thuận lợi quá trình vượt thoát. Đối với Stella Vignes, tiến trình sân khấu được cô sử dụng để có thể vượt thoát thành một người da trắng đã sớm được bắt đầu từ khi cô còn bé. Ngày đó, sau cuộc hành hình nhắm tới người cha, Stella buộc phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Trong một lần “ủ rũ đứng sau quầy thu ngân, thất vọng vì không thể được đến trường nữ sinh Spelman như cô hằng mơ ước”18, một người hàng xóm đã đưa cô tới cửa hàng trang sức Darlene, một nơi chỉ dành cho dân da trắng. Tại đây, Stella đã thực hiện quá trình vượt thoát lần đầu tiên trong đời, hành động này khiến cô không khỏi thích thú.

   “Như vậy không phải buồn cười sao ạ? [...] Dân da trắng thật dễ qua mặt! Đúng như mọi người vẫn kể”19.

   Ngày đó, việc vượt qua với Stella đơn thuần chỉ là một trò chơi vô hại. Cô chưa có ý thức sâu sắc về chủng tộc, những ý tưởng về sự chênh lệch quyền lực hay những đặc quyền mà chủng tộc nằm ở đỉnh đối cực kia sở hữu. Dẫu vậy, dường như trong ý thức của cô bé ngày đó, đặc biệt là sau khi chứng kiến tận mắt cái chết thảm khốc của cha mình, trong cô đã bắt đầu hình thành một sự tự thức non nớt trong vấn đề chủng tộc, rằng việc thoát không hề khó và rằng chỉ khi vượt thoát, những người mang căn tính da đen như cộng đồng cô mới có thể sở hữu cho mình những điều kiện căn bản thuộc về một cuộc sống bình thường, như là việc được đặt chân vào một cửa tiệm trang sức. Chính bởi vậy, về sau này, ở sự kiện ở viện bảo tàng, động cơ để Stella vượt thoát đã trở nên rõ ràng hơn, đây đồng thời cũng là dấu mốc đánh dấu cho sự bắt đầu của màn trình diễn của Stella. Không chỉ Stella mà cả chị gái của cô, Desiree cũng có thể thực hiện chiến lược vượt thoát, dù mục đích của hai người là hoàn toàn khác nhau. Trong quá trình tìm kiếm Stella với bạn đồng hành là Early, một người đàn ông da đen chuyên giải quyết những vụ mất tích bí ẩn, Desiree Vignes đã lần đầu tiên biết tới cảm giác được trở thành một người đàn bà da trắng. Tại văn phòng cũ nơi ngày xưa Stella đã làm việc, Desiree bắt đầu quá trình vượt thoát của mình bằng việc “bước vào cửa hàng bách hóa”, “ngửi thử vài mùi hương” và phớt lờ “một nhân viên da màu vận hành thang máy cúi nhìn xuống khi cô bước tới”20. Tại đây, Desiree không còn sống cuộc đời của cô với tấm căn cước là một người da đen nghèo khó với vô vàn những trở lực về mặt kinh tế và quyền lực, Desiree có thể bước vào tòa nhà sang trọng vốn chỉ dành cho những lao động da trắng mà không hề gây ra bất kỳ mối nghi ngờ nào. Thậm chí, việc phớt lờ người đàn ông da màu cũng là một chiến lược sân khấu, thể hiện được sự chênh lệch quyền lực thông thường mà một người da trắng có thể có chống lại người da đen. Tức là, để vượt thoát chủng tộc một cách có chiến lược, người da màu không đơn thuần chỉ cần giả cách về cách ăn mặc, cách ăn nói, ngay cả thái độ ứng xử và nhãn quan chủng tộc cũng bắt buộc phải thay đổi theo. Theo đó, thông qua những vở kịch trình diễn này, Bennett cũng đã biểu thị một hiện trạng có thật trong cộng đồng người vượt thoát da trắng, đó chính là tình trạng tự nhại (mimicry) theo như lý thuyết của Homi Bhabha.

   Trong công trình The Location of Culture (tạm dịch: Vị trí của văn hóa) (2012) của Homi Bhabha, một lý thuyết gia hậu thuộc địa, ông đã phát triển khái niệm bắt chước như một khía cạnh trung tâm trong lý thuyết của mình. Bhabha cho rằng tính bắt chước luôn được đi chung với tính mâu thuẫn sâu sắc, nó tạo ra một dạng “căn tính lai”, trong đó chủ thể thuộc địa tiếp nhận và điều chỉnh văn hóa của người thực dân nhưng cũng giữ lại các yếu tố bản sắc văn hóa của riêng họ. Không chỉ có vậy, sự bắt chước còn tạo khả năng cho những người thuộc địa có khả năng bắt chước những kẻ thực dân, từ đó làm phơi lộ sự mong manh và bất ổn của chính quyền thuộc địa, làm suy yếu quyền lực và sự kiểm soát của kẻ thực dân.

   Khi soi chiếu những nghiên cứu của Bhabha về “căn tính lai” hay sự nhại lại văn hóa của người thực dân, không khó để thấy rằng Stella Vignes, dù có xuất thân là một người có căn tính da đen, nhưng quá trình vượt thoát chủng tộc đã khiến trong cô xuất hiện thêm một căn tính da trắng thứ hai, dần dần thay thế cho căn tính thứ nhất, buộc Stella soi chiếu hiện thực quanh mình thông qua nhãn quan thực dân, bất chấp cho việc về bản chất, cô là một người da đen. Xét dưới góc độ lý thuyết về tính bắt chước của Homi Bhabha, khi mà sự tự nhại có thể cho phép người thuộc địa lặp lại một số hành vi, cách cư xử của chính quyền thuộc địa để tự ngẫm và giải cấu trúc quyền lực của chính quyền thực dân, mặt khác, nó cũng có hệ quả khiến cho những người thuộc địa tiếp thu một cách mù quáng những hệ giá trị thủ cựu của chính quyền thực dân21, từ đó làm suy mòn căn tính da đen của họ, đồng thời củng cố cho các cấu trúc quyền lực bá quyền và làm rạn nứt, căng thẳng hóa các mối quan hệ liên quan tới những sự phân cực chủng tộc.

   Trước hết, đối với những người hàng xóm da đen, Stella một mực bày tỏ thái độ phản đối. Khi gia đình nhà Walker, một gia đình người Mĩ gốc Phi, muốn chuyển đến khu dân cư da trắng của Stella, đe dọa đến cuộc sống da trắng của cô sau khi trải qua quá trình vượt thoát, cô cũng đóng vai trò là một người phản đối nhiệt thành nhất, khiến cho chính người chồng của cô không khỏi bất ngờ. Hành động này của Stella chứng tỏ căn tính, vị thế xã hội của Stella bây giờ đã thuộc về một nhóm đa số sở hữu đặc quyền, thể hiện nỗ lực trong việc củng cố sự chia tách giữa các khu dân cư da đen và da trắng, đồng thời, thể hiện nỗi sợ trong việc một người da màu có thể lột tẩy được “vở diễn” của mình nhưng nhiều hơn là thể hiện cho một sự tự kỳ thị nội hóa đầy hung hiểm.

   Thứ hai, khi mà quá trình phản đối của Stella và nhóm dân cư tại đây trở nên thất bại, Stella đã chuyển sang chiến lược thứ hai, đó chính là tự cô lập gia đình mình và chính bản thân cô khỏi những người da đen mới tới, nhằm tiếp tục tạo điều kiện để “vở diễn” da trắng được diễn ra trót lọt. Điều này dẫn tới một hệ quả thứ ba, đó chính là cô còn truyền thụ những tư tưởng độc hại về sự phân cấp quyền lực dựa trên chủng tộc, những lý thuyết về chủ nghĩa thượng tôn da trắng cho chính gia đình mình, đặc biệt là con gái của bà, Kennedy.

   Khi gia đình da đen chuyển tới, dù chỉ cách một con đường, Stella cũng không hề có ý định cho phép hai đứa trẻ được chơi chung với nhau. Khi Stella bắt gặp các cô gái đang chơi búp bê cùng nhau, cô đã “xông qua đường và nắm lấy cánh tay con gái cô, cả hai cô gái há hốc mồm khi cô kéo Kennedy trở vào nhà”22. Khi vào trong, Stella thậm chí còn sử dụng cụm từ “mọi đen”, một từ ngữ cấm kỵ mang đậm tính chất phân biệt chủng tộc để giải thích cho đứa con gái tại sao việc hai đứa trẻ không được chơi cùng nhau là điều hoàn toàn hợp lý.

   Đặc biệt, ở phần cuối câu chuyện, sau khi Jude, con gái của Desiree tìm thấy Stella và chất vấn về thân phận thực sự của chính cô, trong cuộc hội thoại với con gái, Stella đã miêu tả Jude, một cô gái da sẫm màu bằng những tính từ mang nghĩa phân biệt chủng tộc như “đứa con gái da đen lẩn khuất trong bóng tối”23 cũng như một dạng củng cố hóa các định kiến, kiểu mẫu (stereotype) nhắm tới người Mĩ gốc Phi. Những từ này thể hiện niềm tin của Stella vào những định kiến phân biệt chủng tộc về người Mĩ gốc Phi, đặc biệt trong việc những người da đen luôn có âm mưu bất chính đối với tài sản của người da trắng. Thậm chí, không chỉ có Stella, sau này, chính con gái cô, Kennedy, cũng tiếp tục có hành động củng cố những định kiến này, khi Kennedy gọi bạn trai của Jude là “đám bạn của cậu” và mặc định họ “chỉ thích những cô gái có làn da sáng hơn”24, phớt lờ đi sự thật chính Kennedy cũng sở hữu trong mình dòng máu da đen và việc gọi Jude như vậy sẽ khởi phát một tiến trình “ngoại tộc hóa” (từ dùng của Toni Morrison), kích động Jude nói ra sự thật mà chỉ mỗi bản thân cô biết về thân phận thực sự của Stella.

   Như vậy, mặc dù Stella bắt đầu quá trình diễn xuất sân khấu để đảm bảo sự thành công cho tiến trình vượt thoát chủng tộc, giải bỏ hệ hình quyền lực nhị phân đen - trắng, nhưng xuyên suốt tiến trình này, cô cũng vô tình kiến tạo nên các định kiến mang tính quy chất luận về bản chất của những người da đen, khắc sâu thêm những định kiến, những thái độ phân biệt đối xử dựa trên nền tảng chủng tộc, tệ hơn, tiếp tục truyền phát những diễn ngôn quyền lực, gia tăng những mối nghi ngại về mặt chủng tộc cho các thế hệ tiếp theo.

   Ở đây, bằng việc xem xét quá trình vượt thoát chủng tộc lẫn căn tính da trắng của Stella (thậm chí là cả Desiree) như một dạng nghệ thuật sân khấu có tính trình diễn (performative), như một thứ có thể kiến tạo được chứ không phải một khái niệm tự thân, Brit Bennett đã xóa mờ lằn ranh đen - trắng trên phổ nhị nguyên chủng tộc, đồng thời cho thấy được hệ quả của tiến trình sân khấu này đối với việc củng cố định kiến chủng tộc của những người da đen. Rõ ràng, việc sống dưới một nhân dạng mới cho Stella nhiều thứ hơn những thứ mà cô vốn có, đó là một cuộc đời bình yên không đính kèm với những sang chấn thời ấu thơ, không có những vụ bạo lực hay quấy rối tình dục mà cô bị dồn vào thế câm lặng. Cô được hưởng những đặc quyền hiển nhiên của một người da trắng và do đó, sự diễn này đã đem lại cho Stella một căn tính mới, một căn tính da trắng rõ ràng không gì có thể chối bỏ được. Đối lại, chính Stella cũng buộc phải rơi vào hoàn cảnh đơn độc, khi người khán giả duy nhất có thể chứng kiến tài năng diễn xuất thiên bẩm của cô, Desiree, đã xem em gái mình không khác gì “đã chết”25.

   Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết Nửa kia biệt tích, có thể thấy bên cạnh việc trở thành một công cụ đắc lực để các nhân vật da đen trong truyện kiến tạo nên một dạng căn tính mới, cùng song song đồng hiện với quá trình thực hành sân khấu, diễn xuất còn hiện diện như một xung lực dẫn tới sự khủng hoảng căn tính, điều này được thể hiện rõ nhất thông qua nhân vật Kennedy Sanders, con gái của Stella Vignes cùng với một người đàn ông da trắng.

   Xét về nguồn gốc, Kennedy là một người da trắng/ người da đen mang trong mình một căn tính kép, được lai tạo giữa hai chủng tộc da đen và da trắng, nhưng vì bởi người mẹ đang thực hành sân khấu và vượt thoát trong tư cách của một người phụ nữ da trắng, Kennedy hoàn toàn không có ý thức về một dạng căn tính/ bản dạng thật sự của mình. Đối với cô, cuộc đời “ngày trước” của mẹ mình là một dạng điểm mờ mà thậm chí cả gia đình cô cũng không thể khám phá nổi. Ngay từ ngày Kennedy còn bé, Stella đã phải liên tục nói dối về nguồn gốc của mình, nhằm che giấu căn tính thật sự. Trong tấm màn sân khấu, giả hiệu một người đàn bà mồ côi nghèo khó với số phận bất hạnh, Stella đã đánh lừa cả chồng và con gái, phản bội tín điều thiêng liêng nhất của gia đình đó chính là sự trung thực. Vì vậy, mỉa mai thay, chính con gái của cô lại quyết định bỏ học để theo đuổi nghiệp diễn xuất, một hành động mà cô kịch liệt phản đối.

   Khi bắt đầu quá trình trở thành một diễn viên toàn thời gian, Kennedy Sanders đồng thời cũng đảm nhiệm hai vai trò: một mặt, cô vô tình trở thành khán giả giấu mặt trong vở kịch trọn đời của mẹ mình nhằm che giấu danh tính và ngược lại, trên sân khấu, cô lại để danh tính của mình bị bóc trần, phơi lộ, đồng thời cùng chung sống với vô vàn những danh tính khác do những vai diễn của cô kiến tạo nên, mà không hoàn toàn thực sự gắn bó với một danh tính nào. Trong những năm 1990, khi Kennedy ngày càng trượt dài trên lĩnh vực nghệ thuật sân khấu, cô đã buộc phải đổi qua lĩnh vực diễn xuất phim truyền hình. Trong vai Charity Harris, một nhân vật phụ trong một bộ phim truyền hình dài tập, nhân vật hư cấu này dường như dần trở thành thứ gần nhất với căn tính thật sự của Kennedy. Suốt quá trình quay phim, “đoàn làm phim và các diễn viên gọi cô là Charity, không bao giờ dùng tên thật của cô”26, thậm chí, đạo diễn còn đề nghị đổi tên cô thành Charity, bởi khi nghe tên cô, ông ta chỉ “nghĩ tới một người đàn ông bị bắn vào đầu”27. Ở đây, đoàn làm phim hợp nhất vai diễn của Kennedy với chính cuộc sống thực của cô, đồng thời song song xóa nhòa danh tính thật sự mà cô có. Trên thực tế, ngay cả chính mẹ cô, Stella cũng “hợp nhất Kennedy và Charity như những người khác trong đoàn”28. Điều này vừa có thể được xem như một lời khen, nhưng đồng thời cũng chẳng khác mấy nếu so sánh nó với một lời nguyền, khi mà lời ca tụng sáng chói nhất mà một nữ diễn viên có thể nhận được lại là việc cô ấy đã hoàn toàn hòa lẫn với một người mà cô không hề quen biết.

   “Diễn xuất không phải để cho người ta nhìn thấy. [...] Diễn xuất chân thực nghĩa là trở nên vô hình để nhân vật tỏa sáng thông qua ta”29.

   Ở đây, Bennett một lần nữa đề xuất khái niệm “vô hình”, nhằm ám chỉ sự biến mất hoàn toàn của một căn tính mờ nhạt đã được Kennedy sở hữu trước đó, đặt trong tư thế đối sánh với chính mẹ đẻ của cô, một diễn viên với căn tính mới thành tạo trở nên vững chắc hơn bao giờ hết, người mà Desiree đã từng gọi là kẻ “bị tách thành hai nửa”30. Có thế thấy, cùng là diễn xuất, nhưng đối với Stella, diễn xuất là một dạng bản năng sinh tồn, được kích hoạt để cô sống sót trong một xã hội bị phân cấp về quyền lực thì đối với Kennedy, diễn xuất lại là một dạng xung lực dẫn tới quá trình khủng hoảng và sụp đổ căn tính, đặc biệt được đặt trong bối cảnh thiếu thốn hình mẫu về người mẹ (mother figure) và trống vắng những sự lành mạnh trong giao tiếp. Cũng chính bởi lý do đó, suốt cả cuộc đời mình, Kennedy luôn buộc phải liên tục “kiến tạo cuộc sống của mình”31. Tới cuối cùng, sau vô vàn những năm tháng bị mờ nhòe căn tính, Kennedy/ Charity đã chọn được cho mình một vai diễn cuối cùng, đó là trở thành một nhân viên bất động sản, dàn dựng bản thân và những ngôi nhà đẹp như tranh vẽ, dàn dựng cuộc sống của những người xa lạ giống như cách mẹ cô đã dàn dựng cuộc đời họ.

   “Nếu suy nghĩ kỹ, một ngôi nhà mẫu đâu có khác mấy so với trường quay. Lần nào cũng vậy, cô lại đứng sau cánh cửa, cúi đầu. [...] Thế rồi, cô nở nụ cười Charity Harris thật tươi ra mở cửa. Cô biến mất vào trong chính mình, trong những ngôi nhà trống vắng kia, nơi chẳng có ai thật sự sinh sống”32.

   Có thể thấy, tới cuối đời, Kennedy vẫn bị mắc kẹt trong một vai diễn, bị tù hãm trong quá trình khẳng định căn cước cá nhân. Hình ảnh “những ngôi nhà trống vắng” như một ẩn dụ đáng buồn cho chính cuộc đời của cô, khi mà dù được sinh ra với tấm căn cước của một công dân da trắng giàu có, sở hữu nhiều đặc quyền, đứng ở đỉnh chóp của hệ hình quyền lực đen - trắng, Kennedy lại không thực sự sở hữu thứ gì cả vì rốt cuộc, cả cuộc đời cô đều là một sự dối trá, một màn kịch được trình diễn bởi người mẹ da đen của mình và được đạo diễn bởi những nhà soạn kịch đại tài là những hệ thống phân tầng chủng tộc, những cấu trúc quyền lực lỗi thời có khả năng bó ép căn tính của con người đi đến sự đổ vỡ.

   4. Kết luận

   Có thể thấy, đối với quá trình căn tính của những người da đen trong tiểu thuyết Nửa kia biệt tích, chiến lược vượt thoát được xem như là một công cụ có tính sống còn. Bằng việc tiếp tục khai thác lý thuyết giao thoa, đặc biệt quan tâm tới quan điểm của nhà nữ quyền luận Kimbérle Crenshaw và đề xuất hai mô hình liên tầng căn tính là liên tầng căn tính chủng tộc - giới và liên tầng căn tính chủng tộc - giai cấp, chúng tôi xem xét thuyết giao thoa như một bộ khung tham chiếu để đối sánh với những quyết định vượt thoát chủng tộc của các nhân vật, đặc biệt là các nhân vật nữ da đen như Desiree Vignes và Stella Vignes.

   Đặc biệt, chúng tôi còn cho rằng vượt thoát như là một dạng thức biểu diễn sân khấu và diễn xuất, từ đó giúp kiến tạo nên căn tính cũng như tô đậm thêm cho tính linh hoạt và phức tạp của quá trình kiến tạo căn tính. Ở đó, diễn xuất và sân khấu có tác động như là một công cụ thúc đẩy sự ra đời của một căn tính mới, phục vụ cho chiến lược sinh tồn của những người da đen thực hiện quá trình vượt thoát chủng tộc, mặt khác, nó cũng có tác động như một dạng xung lực dẫn tới sự khủng hoảng và sụp đổ toàn diện về căn tính của người da đen. Ở đây, chúng tôi cũng sử dụng lý thuyết tự nhại/ bắt chước của nhà lý thuyết hậu thuộc địa Homi Bhabha để soi chiếu, làm sáng rõ quyết định, hành động của các nhân vật, từ đó đi tới kết luận rằng quá trình vượt thoát vừa là một chiến lược thông minh để giải bỏ hệ hình quyền lực nhị nguyên đen - trắng hay các quan niệm lỗi thời về chủng tộc, vừa là một tác nhân hai mặt có khả năng khắc sâu thêm những tổn thương, rạn nứt liên quan mật thiết tới vấn đề này. Trong bối cảnh thế giới với sự xâm lấn ngày càng sâu sắc giữa nhiều nhóm, nhiều cộng đồng khác nhau, những quan điểm vốn mang đậm tính yếu tính luận như chủng tộc đang ngày một bị phá vỡ. Khi nhìn thấy được sự vỡ đổ của các khái niệm này, con người, theo đó, cũng được khai nhãn nhiều vấn đề mới mẻ hơn về chính bản thân mình và về cả những người xung quanh.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Bennett, B. (2022), Nửa kia biệt tích, NXB Phụ nữ.
2. Bhabha, H. K. (2012), The Location of Culture, Taylor & Francis.
3. Crenshaw, K. (1995), “The Intersection of Race and Gender”, In N. Gotanda (Ed.), Critical Race Theory: The Key Writings that Formed the Movement, New Press.
4. Davis, A. (1978), “Rape, Racism and The Capitalist Setting”, Blacks & Sexual Revolution, 9(7), 24-30.
5. Hobbs, A. (2014), A Chosen Exile: A History of Racial Passing in American Life, Harvard University Press.
6. Michael, H. O. (2003), “The Ordinary Concept of Race”,The Journal of Philosophy, 100(9), 437-455.
7. Morrison, T. (2017), The Origin of Others, Harvard University Press.
8. VandenBos, G. (2015), APA Dictionary of Psychology, American Psychological Association.
9. Wald, G. (2000), Crossing the Line: Racial Passing in Twentieth-Century U.S. Literature and Culture, Duke University Press.
10. Winant, H. (2000), “Race and Race Theory”, Annual Review of Sociology, 26(1), 169-185.

Chú thích:
1 Winant, H. (2000), “Race and Race Theory”, Annual Review of Sociology, 26(1), 169-185, tr. 172.
2 Michael, H. O. (2003), “The Ordinary Concept of Race”, The Journal of Philosophy, 100(9), 437-455, tr. 439.
3, 4 Miles Robert (2003), Racism (Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc), Routledge, tr. 4, 15.
5, 6, 7 Hobbs, A. (2014), A Chosen Exile: A History of Racial Passing in American Life, Harvard University Press, tr. 4, 6, 7.
8 Jan E. Stets, Peter J. Burke (2014), Identity theory and social identity theory (Thuyết căn tính và thuyết căn tính xã hội), Social Psychology Quarterly, Vol. 63, No. 3 (Sep., 2000), pp. 224-237, tr. 225.
9 VandenBos, G. (2015), APA Dictionary of Psychology, American Psychological Association, tr. 519.
10, 11, 12, 13, 15, 16, 18, 19, 20, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32 Bennett, B. (2022), Nửa kia biệt tích, NXB Phụ nữ, tr. 221, 55, 19, 21, 103, 261, 102, 102, 112, 307, 361, 381, 383, 383, 382, 430, 433.
14 Davis, A. (1978), “Rape, Racism and The Capitalist Setting”, Blacks & Sexual Revolution, 9(7), 24-30, tr. 26,
17 Yussef Al Tamimi (2020), Identity as Theatre?: Appiah, Goffman, and The Dramaturgy of Self (2020), tr. 5.
21 Bhabha, H. K. (2012), The Location of Culture, Taylor & Francis.

Bình luận

    Chưa có bình luận