Thường thì hiện thực nào nghệ thuật ấy nhưng nghệ thuật phản ánh hiện thực không giống như chiếc gương soi “viết tô” đời sống mà thông qua lăng kính chủ quan của nghệ sĩ. Nghệ sĩ thực hiện “nhào nặn”, khái quát hoá, điển hình hoá nội dung vấn đề hiện thực được phản ánh theo cảm thức, suy cảm, hưng phấn thẩm mĩ từ những quan điểm của mình. Nói cách khác, nghệ sĩ phản ánh hiện thực bởi thi pháp nghệ thuật của mình. Sáng tác kịch của Alfrêd Đờ Muyxê không ngoài những vấn đề có tính lý luận chung này. Song, điều đáng nói, đó là cái riêng “tính dự báo” trong thi pháp nghệ thuật kịch của ông.
Khuynh hướng tưtưởng và cảm thức - suy cảm nghệ sĩ của Alfrêd Đờ Muyxê (1810-1857) được bộc lộ tại những “tình trạng” cụ thể sau: ông sinh trưởng vào thời kỳ Pháp đã qua rồi những chiến công hiển hách của Napôlêông và xã hội Pháp đang chìm vào cái ánh ngày xám xịt của nền quân chủ hèn kém, phản động thời Trùng hưng. Ở xã hội đó chỉ còn mở ra một con đường tiến thân duy nhất cho con em các nhà quý tộc là khoác chiếc áo choàng đen của thầy tu. Bản thân ông sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Paris, có truyền thống văn học vững vàng. Bản thân ông là người vô cùng nhạy cảm với thời cuộc và có năng khiếu về hội hoạ, âm nhạc, thơ và sân khấu. Năm 18 tuổi, ông đã tham gia “tao đàn” lãng mạn của Víchto Huygô và Saclơ Nôđiê. Tập thơ đầu của ông có nhan đề là Chuyện Tây Ban Nha và Ý (1829) rất được người đương thời hoan nghênh và cũng được chính nhà thơ vĩ đại người Nga Puskin khen ngợi. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, Alfrêd Đờ Muyxê đã rời xa “tao đàn” và lên tiếng công kích những người lãng mạn chủ nghĩa; tuy nhiên, ông vẫn là một người tiêu biểu của trường phái lãng mạn tiến bộ thời bấy giờ. Về khuynh hướng tư tưởng, ở Muyxê đầy mâu thuẫn, ông viết: “Con người sống ở trần gian này là để sử dụng những giác quan của nó; nó có nhiều hay ít những mảnh kim loại vàng hay trắng, nhờ cái đó nó được tôn trọng nhiều hay ít. Ăn, uống và ngủ, đó là sống. Còn về những liên hệ tồn tại giữa những con người thì tình bạn là để cho vay tiền… Tình máu mủ là để chia gia tài; tình yêu là một sự vận động xác thịt; thú vui tinh thần duy nhất là hư danh”. Chàng thanh niên Muyxê cay đắng, căm ghét cái xã hội tư sản, “những muốn biện hộ cho cái di sản văn hoá của thời quân chủ cổ kính xa xưa mà không làm được, là vì mọi tín ngưỡng tư tưởng tôn giáo đều đã suy sụp, tình trạng này nhà thơ đổ lỗi tại Vônte. Với tâm trạng chán nản, vỡ mộng ấy, chàng trai Muyxê lại toàn gặp những chuyện không may về tình duyên. Ngay từ mối tình đầu năm mười bảy, mười tám tuổi, Muyxê đã bị phụ bạc, và cho đến sau này, quan hệ yêu đương nổi tiếng giữa Muyxê và nữ văn sĩ Gioocgiơ Xăng (1833-1834) cũng chỉ để lại cho nhà thơ những niềm cay đắng khôn nguôi”1.
Đặc điểm thứ hai là chính thực tế đời sống và xã hội ấy đã tạo nên một con người Muyxê có tư tưởng và một tâm hồn đầy mâu thuẫn, phức tạp, luôn luôn bừng lên những dòng xoáy thể nghiệm của con người hai mặt; tính thể nghiệm này được phản ánh và quán triệt sâu sắc trong các tác phẩm văn, thơ của ông, đặc biệt là ở những con người – nhân vật trong kịch. Một mặt là con người hưởng lạc chủ nghĩa, phóng đãng, chán chường đến ghê tởm cuộc sống, hoài nghi tình yêu và hận thù phụ nữ; “nhưng mặt khác lại là con người lý tưởng nuối tiếc cái thanh cao đã mất, khát vọng một cuộc sống lành mạnh, trong sạch, một niềm hạnh phúc giản dị, một tình yêu chung thuỷ và trọn vẹn, đề cao tiết hạnh của người phụ nữ và đạo đức gia đình”. Song, Muyxê cảm thấy khát vọng đó thật mong manh trong hoàn cảnh xã hội đương thời và rút cục cả hai mặt ở con người Muyxê đều lâm vào cảnh đời tuyệt vọng, cô đơn; nó cũng là hiện thân cho số phận chung của nhiều nhân vật trong sáng tác văn học của ông. Chẳng hạn, nhà thơ đã thể hiện hai mặt xung động của con người mình trong tác phẩm, có khi thành hai nhân vật khác nhau mà cũng gắn bó với nhau như trường hợp của Ốctavơ và Cêliô trong vở kịch Những chuyện ỡm ờ của Marian (1833); nhưng có khi lại tập trung cả hai mặt trong một nhân vật như trường hợp Lôrenzô trong vở kịch Lôrenzăcciô (1834).
Trong sáng tác văn học, nghệ thuật, Muyxê cũng có quan điểm tư tưởng phức tạp đầy mâu thuẫn với nhau như vậy. Một mặt, ông chủ trương bàng quan với mọi vấn đề chính trị, xã hội; ông sáng tác văn chương theo kiểu “tài tử”, tuỳ hứng theo ý thích cá nhân. Nhưng mặt khác, ông lại có suy tưởng trái ngược lại. Trong lời Đề tặng vở kịch Cốc và Môi (La coupe et les lèvres), ông viết: “Nghệ sĩ là một con người, họ viết cho những con người. Họ có tự do làm giáo sĩ, vũ trụ làm diễn đàn, cuộc sống làm nhân tố, tình yêu và hài hoà làm hương hoa, trái tim làm vật hi sinh, chân lý làm thượng đế…” (tr. 7). Ở một chỗ khác trong vở kịch cùng tên, ông đã để cho nhân vật hoạ sĩ Andrê Del Xactô tha thiết kêu gọi: “Hãy cố gắng đứng ở thời đại của chúng ta cho tới khi người ta chôn cất chúng ta”.
Thực tế, trong khi Muyxê đả kích nghệ thuật trừu tượng của phái cổ điển mới, một số tác phẩm của ông, trong đó có những tác phẩm lớn, đã đề cập đến những vấn đề thời sự chính trị nóng hổi trước mắt như trong những vở kịch: Fantaziô, Lôrenzăcciô, hoặc đã phản ánh sâu sắc tình trạng và tâm lý xã hội đương thời; đồng thời, vạch trần tính chất đồi truỵ, thối nát, tha hoá của xã hội quý tộc-tư sản đã tạo nên những thanh niên yếu hèn, sa đoạ, tuyệt vọng, thiếu lòng tin, không lý tưởng sống.
Đặc điểm thứ ba là, không chỉ lãng mạn tiến bộ, phê phán sự dung tục, thoái hoá, biến chất của đời sống xã hội quý tộc-tư sản mà còn nổi trội lên quan điểm lấn lướt cái bi kịch là tinh thần lạc quan của cái hài kịch, sóng đôi và tác động lẫn nhau. Sự quần tụ nhau giữa cái bi và cái hài cũng tạo nên những cơn “bão lòng” đầy tính thể nghiệm. Chính nó không chỉ tạo cơ sở cho cách thức phản ánh mang tính đối nghịch trong đời sống nội tâm, tính cách, tình huống… của nhân vật kịch mà còn gợi ra tính dự báo trong việc phá bỏ những “công thức” của chủ nghĩa cổ điển mới; đồng thời, đặt ra một nguyên tắc mới trong việc xây dựng thể tài bi-hài kịch cho kịch lãng mạn mà không lẫn với thể tài chính kịch tư sản đương thời.
Một đặc điểm nữa được Alfrêd Đờ Muyxê nhấn mạnh là vấn đề cảm xúc chân thành trong sáng tác văn học, nghệ thuật. Trong lời Đề tặng đã nói trên, ông viết: “Khi (nhà thơ) làm việc, mỗi dây thần kinh, mỗi thớ trong con người run rẩy như một cây đàn (luth) vừa lên dây. Người ta không viết một chữ mà toàn thân không rung lên. Và, hơn ở đâu hết, chính là trong toàn bộ sáng tác của Alfrêd Đờ Muyxê đã rung lên sôi nổi những xáo động chân thành của nhà thơ” (tr. 7).
Như trên, bài viết đã chỉ ra những đặc điểm căn cốt về khuynh hướng tư tưởng và cảm thức - suy cảm nghệ sĩ là hai phẩm chất tạo nên thi pháp kịch của Alfrêd Đờ Muyxê. Vấn đề quan trọng còn lại là những cách thức xây dựng các vở kịch, đặc biệt là nhân vật trung tâm trong các vở kịch lớn của ông. Trong cuộc hoạt động văn học của Alfrêd Đờ Muyxê, nổi trội nhất là thơ; song, bộ phận không nhỏ, không kém phần quan trọng và đặc sắc, đó là khoảng hai mươi bốn vở kịch dài và ngắn của ông. Từ năm 1827, ông từng bộc lộ với bạn thân của mình là Pôn Fusê rằng “ông không muốn viết, trừ khi viết được như Sêchxpia hay Sile”. Và hơn ai hết, cũng chính ông đã biết đánh giá sâu sắc và chính xác hài kịch của Môlie trong hai câu thơ bất hủ: “Cái vui cường tráng rất mực buồn rầu và sâu sắc ấy/ Đến nỗi vừa buông tiếng cười người ta tưởng đâu muốn khóc”.
Đương thời người ta “biết đến ít hơn, hay nói cho đúng, biết đến chậm hơn” đối với các vở kịch của Alfrêd Đờ Muyxê. Tháng Chạp năm 1830, vở kịch đầu tay Đêm Vơniz được công diễn nhưng đã bị công chúng la ó, phản đối… Vở diễn “thất bại”. Cũng đêm ấy, Muyxê phẫn nộ và tuyên bố từ bỏ sân khấu.
Nói là từ bỏ sân khấu nhưng con người đã mang trong máu mình những phẩm chất kịch (làm thơ đầy tính kịch và viết kịch đầy chất thơ) có lẽ nào không chịu viết kịch nữa! Thế là trong hai mươi năm, ông đã viết hơn 20 vở kịch, ví dụ khoảng thời gian từ 1820 đến 1835, không có một kịch gia Pháp nào đạt được nhiều buổi diễn với nhiều vở khác nhau bằng Alfrêd Đờ Muyxê. “Thực tế, trong lịch sử văn học Pháp, sự nghiệp kịch của Muyxê ngày nay được liệt vào hàng ngũ không nhiều những sự nghiệp lớn trong toàn bộ nghệ thuật sân khấu Pháp” (tr. 13). Như vậy, về cả chuẩn mực và giá trị, có thể nói cái hoài bão của Muyxê trở thành một Sêchxpia hay một Sile không phải là đã có phần không thực hiện được.
Người ta cho rằng trong cái “rủi” có cái “may”. Nếu kịch của Muyxê được hoan nghênh ngay từ buổi đầu thì biết đâu ông đã không tránh khỏi lối mòn thúc bách của thời thượng như bao người khác. Thoát khỏi những “khẩu vị” nhất thời, những tập quán hủ lậu, Muyxê đã có thể vùng vẫy trong niềm tự do sáng tạo bằng những cách thức của riêng mình; ông đã có thể đi trước thời đại của ông “và hoàn toàn thanh thoát đem lại cho những vở kịch của ông cái khinh khoái, phóng khoáng của tưởng tượng cũng như cái sâu sắc, đúng đắn của quan sát mà công chúng hiện đại đòi hỏi” (tr. 14).
Song, điểm đặc biệt trong thi pháp kịch của thiên tài sân khấu Alfrêd Đờ Muyxê là ở chỗ ông đã kết hợp nhuần nhuyễn cái tế nhị, hóm hỉnh mà trang trọng trong truyền thống sân khấu Pháp của những Racin, Molie, Bomacse, Marivô với cái thanh xuân, vui tươi, thắm thiết, đầy bão lòng của cuộc sống đương thời mà Sêchxpia vĩ đại đã hiện hữu.
Mặt khác, Muyxê đã kết hợp được một cách hài hoà những thành tựu của hài kịch Pháp những thế kỷ trước với những thành tựu của kịch drame (chính kịch) đương thời, “và, nổi bật lên trên hết, là cái tính chất trữ tình nồng nàn, sôi động và cái hài hoà nhịp điệu riêng của nhà thơ Alfrêd Đờ Muyxê”.
Trong thi pháp kịch của Muyxê, nổi lên khá rõ một cách thức “rất Đờ Muyxê”, đó là tính hai mặt xung đột lẫn nhau trong đời sống nội tâm, tính cách mỗi con người - nhân vật, luôn bừng sáng một cách ẩn dụ xung động những đợt sóng ngầm, sóng thần (thể nghiệm bằng những xoáy lốc - những cơn bão lòng). Và điều đặc sắc ở Muyxê là ông đã vạch ra trong cùng một tính cách cả những nét bi đát lẫn những nét khôi hài, hai mặt đó mâu thuẫn với nhau, đồng thời, lại cũng gắn bó mật thiết với nhau, giằng giữ, thôi miên-hút đẩy nhau, bổ sung, ảnh hưởng lẫn nhau nhưng kết hợp với nhau một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn. Song, cái hai mặt của một con người, đó cũng chính là cái hai mặt của xã hội đương thời, của thời đại Muyxê, không những chúng in dấu trong nhiều tác phẩm văn học của ông mà còn đậm nét trong những vở kịch như: Fantaziô, Lôrenzăcciô… Tuy mang tính chất lịch sử nhưng lại đề cập đến những vấn đề thời sự chính trị trước mắt, và ngoài nhân vật chính phản ánh bản thân nhà thơ, có nhiều nhân vật khác phản ánh sinh động những con người với những tính cách khá điển hình của xã hội đương thời.
Một nét tính cách trong các nhân vật kịch của Muyxê cũng cần phải được nhắc tới, đó là sự cô đơn và hoài nghi, nhất là tình yêu và lòng tin đối với phụ nữ. Sự thất bại trong tình yêu chính là sự đổ vỡ niềm tin. Dường như xã hội đương thời không có tình yêu thật sự. Mọi sự hoài nghi đã dẫn đến đổ vỡ niềm tin, khiến người ta cô đơn và chỉ còn lại sự bơ vơ giữa đời sống, bằng sự tưởng tượng ra những thiên đường lãng mạn “có thật” để tự an ủi lòng mình trong những cuộc xung đột nội tâm bất tận.
Phần lớn kịch bản của Alfrêd Đờ Muyxê được viết bằng văn xuôi, được tính cách hoá triệt để. Lời kịch ngắn gọn, giàu tính hành động, chất thơ, tính triết học, tính trữ tình trong kịch tính; không có lời kể (tự sự), lời giải thích và sự “giả định”, mà chúng đều là những “lời hành động” giao tiếp ứng xử - đối nhân xử thế cần thiết nhất của mỗi con người - nhân vật trong hoàn cảnh điển hình lịch sử cụ thể của chúng. Mỗi vở kịch được kết cấu theo sự phát triển của xung đột chủ đề và số phận của nhân vật trung tâm. “Đỉnh cao trong sáng tác kịch của Alfrêd Đờ Muyxê chính là vở Lôrenzăcciô (1834). Thiên tài kịch của Muyxê ở đây thật sựđã đạttớitầm vóc của Sêchxpia. Thế nhưng, phải đợi tới hơn một trăm năm sau, khoảng 1945-1952, Lôrenzăcciô mới được công chúng Pháp chào đón trong số những kiệt tác chân chính nhất của nền sân khấu Pháp” (tr. 15). Chủ đề vở kịch là vấn đề thuộc về thành Flôrăngx nước Ý thế kỷ XVI nhưng tấn bi kịch chính trị ấy chẳng ai nghi ngờ rằng nó không phải là bi kịch của châu Âu và của nước Pháp hiện thời. Chẳng vậy mà vở kịch đã bị kiểm duyệt cấm diễn với lý do: “Việc tranh luận về quyền hành thích một ông vua mà những tội ác và những bất công đòi hỏi báo thù, bản thân việc hạ sát một hoàng thân do bàn tay một thân nhân ông hoàng, điển hình của truỵ lạc và u mê, dường như là một màn kịch nguy hiểm nếu đưa ra trước công chúng” (tr. 16).
Rồi vở Fantaziô là hình ảnh vỡ mộng, chán chường, truỵ lạc, trác táng, đơn độc, nhìn cuộc đời bằng con mắt bi quan, hài hước, giễu cợt. Elxbét - một cô gái ngoan ngoãn, ngây thơ, trong trắng, đồng thời cũng sắc sảo, tế nhị, là một trong hàng loạt những thiếu nữ duyên dáng, thắm tươi được Muyxê đưa lên một vị trí đặc biệt trên sân khấu Pháp. Tất cả họ có bóng dáng những thiếu nữ của Sêchxia và Marivô. Rồi vở Không đùa với tình yêu (1834), tính chất thời sự chính trị và tính chất hiện thực gắn bó với đời sống, bộc lộ rất rõ, do nghệ thuật phân tích tâm lý tinh vi, sâu sắc của Muyxê và cũng do phong cách viết kịch khinh khoái, trong sáng, hài hoà đầy chất thơ, tính triết học và tính lãng mạn trong thi pháp kịch của ông.
Kịch của Muyxê không đi vào bất cứ một “lối mòn” nào, thật ra cũng chẳng có lối mòn nào để đi. Hiện thực đương thời khiến ông thất vọng. Tất cả những sự kiện được nêu ra trong các vở kịch của ông đã thật sự có tiếng vang, có giá trị dự báo, tiên đoán: “Một số lời lẽ của nhân vật kịch không khỏi vang dội sâu sắc trong tâm tư những người đương thời. Chẳng hạn khi một lãnh tụ cộng hoà la lên:
- Dân chúng tội nghiệp! Họ đã biến người thành kẻ rồi nghề hóng chuyện.
- Cộng hoà, chúng ta cần cái tiếng đó. Cho dẫu chỉ là một tiếng, thì cũng là đáng kể, vì nhân dân các nước đứng lên khi nó xuyên qua không khí.
- Vua nước Pháp che chở cho nền tự do của nước Ý thì khác nào một tên ăn cướp che chở cho một người đàn bà đẹp trên đường chống một kẻ ăn cướp khác. Che chở cho đến khi nó hiếp được người đó. Và:
- Hãy đến xem những giấc mơ của đời người tiến bước dưới mặt trời. Tự do đã chín muồi…
Những lời lẽ như thế, phải chăng ngay đối với thời đại chúng ta ngày nay vẫn còn mang tính chất thời sự của nó ?” (tr. 16-17). Không chỉ lời lẽ mà có thể xác định trong toàn bộ thi pháp kịch, Muyxê đã thoát khỏi những nguyên tắc của sân khấu chủ nghĩa cổ điển Pháp, đồng thời mang theo dấu ấn của hiện thực-lãng mạn tiến bộ trong thi pháp kịch của mình.
Chú thích:
1 Alfrêd Đờ Muyxê (1975), Tuyển tập kịch, NXB Văn học, tr. 6.
Từ đây, xin được ghi chú trực tiếp nguồn trang (tr. ) sau những trích dẫn trong sách này.