TÌNH CẢM CỦA NHÂN DÂN TRUNG QUỐC DÀNH CHO CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH QUA VĂN THƠ

Bài viết phân tích những tác phẩm thơ văn của các tác giả Trung Quốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm hiện lên hình ảnh, phẩm chất, nhân cách, tác phong, đạo đức của Người. Qua đó thấy rõ tình cảm thân thiết, sự ngợi ca của nhân dân Trung Quốc dành cho Hồ Chủ tịch kính yêu.

   Đất nước Trung Quốc là một trong những nơi Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta dừng lại hoạt động lâu nhất, có tới trên dưới 10 năm. Trong khoảng thời gian trên dưới 10 năm ấy, Hồ Chủ tịch khi thì với tên Lý Thuỵ, đồng chí Vương, khi thì với tên là Tống Văn Sơ, Hồ Quang…; khi thì làm nghề báo, bán thuốc lá, khi thì viết báo, làm phiên dịch để che mắt địch mà hoạt động.

   Bác Hồ không những là biểu tượng cho khối đoàn kết của Đảng ta, của dân tộc ta mà còn là hiện thân của chân lý “bốn phương vô sản đều là anh em”. Riêng đối với Trung Quốc, nước láng giềng thân thiết, người anh em ruột thịt cùng chung hoạn nạn, Bác Hồ đã viết những câu thơ đầy tình nghĩa:

   “Trăm ơn, vạn nghĩa, vạn tình
   Tinh thần hữu nghị quang vinh đời đời”.
   “Mối tình hữu nghị Việt - Hoa
   Vừa là đồng chí vừa là anh em”.

   Năm 1955, sau khi chiến thắng thực dân Pháp, Hồ Chủ tịch dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta chính thức sang thăm Trung Quốc. Chuyến đi thăm ấy của Hồ Chủ tịch được nhà thơ Trung Quốc Trương Vĩnh Mai tả lại trong một bài thơ rất hay Câu chuyện mục Nam Quan:

   “Mỗi bước đi mỗi bước ngẩng đầu
   Những núi cao vạn trượng hai bên
   Người vẫy núi, núi cúi đầu chào lại
   Hoan nghênh Người, người đồng chí
                                               mến thân
   Mỗi bước đi mỗi bước đường khen ngợi
   Hoa cỏ, cây xưa, Người vịnh, Người ca
   Kính chào Người, người cha già đã tới
   Lá cành xanh hôn mái tóc trắng hoa”.

   Con người núi đón hoa chào ấy huyền ảo như một nhân vật huyền thoại lại ăn mặc rất giản dị, bình thường:

   “Người đội chiếc mũ cát
   Người mặc áo màu lam
   Chân đi dép kháng chiến
   Tay cầm một chiếc can”.

   Ở Trung Quốc có chừng 10 cuốn sách nói về tiểu sử, quê hương và đạo đức Hồ Chủ tịch. Những bài thơ, bài ký và bài bình luận về Bác và thơ Bác có đến vài ba chục bài. Có lẽ Bác Hồ kính yêu của chúng ta rất nặng nghĩa nặng tình với cách mạng Trung Quốc nên hình ảnh Hồ Chủ tịch không những xuất hiện trong thơ văn của quần chúng, của văn nghệ sĩ Trung Quốc mà còn xuất hiện cả trong thơ của các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc nữa. Đồng chí Diệp Kiếm Anh, năm 1960, nhân dịp sang thăm nước ta, có làm bài thơ chúc thọ Hồ Chủ tịch 70 tuổi, đồng chí Diệp Kiếm Anh chúc Hồ Chủ tịch sống lâu như dải sông Hồng cuồn cuộn phù sa:

   “Xin lấy “muôn năm” cao tiếng chúc
   Sông Hồng cuồn cuộn thọ mênh mông”.

   Ở Trung Quốc có chừng 10 cuốn sách nói về tiểu sử, quê hương và đạo đức Hồ Chủ tịch. Những Năm 1961, đồng chí Diệp Kiếm Anh qua thăm Kim Liên, quê hương Hồ Chủ tịch, đồng chí đã ghi vào cuốn sổ vàng di tích lịch sử này bốn câu thơ: ài thơ, bài ký và bài bình luận về Bác và thơ Bác có đến vài ba chục bài. Có lẽ Bác Hồ kính yêu của chúng ta rất nặng nghĩa nặng tình với cách mạng Trung Quốc nên hình ảnh Hồ Chủ tịch không những xuất hiện trong thơ văn của quần chúng, của văn nghệ sĩ Trung Quốc mà còn xuất hiện cả trong thơ của các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc nữa. Đồng chí Diệp Kiếm Anh, năm 1960, nhân dịp sang thăm nước ta, có làm bài thơ chúc thọ Hồ Chủ tịch 70 tuổi, đồng chí Diệp Kiếm Anh chúc Hồ Chủ tịch sống lâu như dải sông Hồng cuồn cuộn phù sa:

   “Bẩy mươi năm xưa một tia lửa nhỏ
   Mà ngày nay rực cháy cả cánh đồng
   Thôn bên cạnh, nhà nhà ơn ánh đuốc
   Ánh đèn pha, đêm tối sáng mênh mông”.

   Bốn câu thơ ngắn đánh giá cao ánh sáng trí tuệ kỳ diệu của con người ở đất Nghệ An, một trong những nơi đã giương cao lá cờ đầu của phong trào chống thực dân Pháp xâm lược.

   Nguyên soái Trần Nghị cũng có bài thơ mừng thọ Hồ Chủ tịch 70 tuổi:

   “Lão thành quốc tế không còn mấy
   Nhân vật phong lưu đầu Nam Á”.

   Thiết tưởng cũng nên nói đôi điều về từ “nhân vật phong lưu”. Trong thơ Tô Đông Pha và Mao Trạch Đông đã từng thấy xuất hiện từ này. Mao Trạch Đông viết:

   “Xưa đã khuất
   Nhìn thời nay hẳn thấy
   Nhân vật phong lưu”.
                                 (Tuyết)

   “Phong lưu” ở đây không có nghĩa là giàu có, dư dật như ta hiểu lâu nay mà cũng không phải là “phong nhã”. “Phong lưu” là lưu động của gió, “Nhân vật phong lưu” là nhân vật đã tác động mạnh mẽ đến thời đại. Hồ Chủ tịch là biểu tượng cho các dân tộc bị áp bức đứng dậy lật đổ ách thống trị của đế quốc. Người đã cắt một trong hai chiếc vòi của chủ nghĩa thực dân. Đồng chí Trần Nghị hiểu sâu sắc vì sao Hồ Chủ tịch lại có uy tín lớn trong quảng đại quần chúng:

   “Phục vụ nhân dân lòng sắt đá
   Quần chúng tin yêu tựa thánh hiền”.

   Suốt đời phục vụ nhân dân là một ham muốn tột bậc của Bác. Ở đây, đồng chí Trần Nghị dùng từ “Thánh hiền” cũng như nữ thi sĩ Ấn Độ Amrita Pritem dùng từ “Thánh nhân”, hay nhà thơ Brazin Ixmaen Gométbraga dùng “Vị thánh sống của nghìn thánh sống” để nói lên lòng sùng kính đối với đức độ cao cả của Bác.

   Mặc dù Bác Hồ là lãnh tụ cao cả của một dân tộc anh hùng, là Chủ tịch của một nước nhưng bất cứ ai, không kể khách nước ngoài hay người trong nước, hễ có dịp được gặp Người, đều cảm thấy Người vô cùng thân thiết như người nhà vậy. Nhà sử học Pháp Charles Fourniau viết: “Con người… mà sự có mặt phi thường như choán hết cả gian phòng, có thể nói làm xoá nhoà sự có mặt của những người khác, nhưng sự săn sóc, thái độ ân cần hết sức lịch thiệp và hoà nhã của Người đối với khách làm cho người ta trong những phút đầu thấy đôi chút lúng túng; nhưng sau đó lại tạo ra một bầu không khí thân mật, thoải mái ngay”.

   Có thể nói cảm giác trên của nhà sử học Pháp cũng là cảm giác chung của mọi người. Năm 1955, trong một lá thư gửi thiếu nhi Trung Quốc, nhà thơ Viên Ưng đã kể lại cuộc gặp gỡ của mình với Bác: “Bác đợi các chú ngồi rồi mới bắt đầu hỏi các chú: “Các đồng chí có khoẻ không?”. Bác nói tiếng phổ thông hơi pha giọng Quảng Đông. Nhờ thế, các chú có thể trực tiếp nói chuyện với Bác mà không cần phiên dịch. Các chú biết Bác rất thông cảm với các chú. Bác biết do chỗ ngôn ngữ bất đồng nên công việc sang thăm Việt Nam của các chú phải tính trừ hao. Người nói: “Nếu các đồng chí sang thăm Việt Nam đã hơn một tháng, nhưng thật ra chỉ nửa tháng, ngoài ra là giờ phiên dịch, có phải không?”. Bác hỏi như thế làm các chú đều cười và Bác cũng cười. Tiếng cười đã làm tiêu tan hết hồi hộp suốt từ sáng đến giờ… Nỗi hồi hộp của các chú đã bay lên chín tầng mây. Các chú như đang bàn chuyện gia đình một cách thân mật, nhẹ nhàng với các bậc cha chú hiền hậu, như ngồi cạnh bếp lửa đêm đông nghe cha già kể chuyện lý thú, mặc dù giờ đây không phải là đêm đông mà là buổi sáng mùa thu sáng sủa”1.

   Nhà thơ Quách Mạt Nhược, Viện trưởng Viện Khoa học Trung Quốc, cũng cảm thấy như vậy. Như chúng ta đã biết, Quách Mạt Nhược là nhà thơ lãng mạn. Đọc thơ ông, ta thường bắt gặp những hình tượng kỳ vĩ, những chi tiết phóng đại, những ngôn từ ngoa dụ… Nhưng khi gặp Bác Hồ, một người vĩ đại mà bình thường, bắt buộc nhà thơ phải dùng những lời thơ mộc mạc không tô vẽ để nói về Người. Nhà thơ được Hồ Chủ tịch mời vào thăm chỗ ở của Người, Bác dẫn nhà thơ đi thăm vườn, thăm ao cá rồi lên nhà:

   “Lên thềm nắm tay dắt
   Vào nhà vui liên hoan
   Rượu ngon trong chén ngọc
   Ba chén một hơi tròn
   Rằng gặp người tri kỷ
   Ngàn chén chẳng từ nan”.
                                 (Bài thơ Trang Nghiêm)

   Suốt cuộc gặp gỡ, lúc nào nhà thơ cũng cảm thấy “Thân quá, không văn vẻ” bởi khi đi thì Người “vai kề bên”, mà lên thềm thì “nắm dắt tay” và lúc ngồi thì trò chuyện cởi mở: “Bạn Mác - Lê chân thực/ Tình như tay với chân”. Quách Mạt Nhược cảm thấy Hồ Chủ tịch là tri kỷ, tri âm bởi vì cách cư xử của Người đối với nhà thơ là thái độ của người bạn thân đối với nhau.

   Các bạn Trung Quốc thường kinh ngạc về trí nhớ của Bác Hồ. Trí nhớ của Bác bắt nguồn từ sự quan tâm, săn sóc người khác. Nhà thơ Tố Hữu nói đúng, Bác thường “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Nhà văn Đới Hoàng ghi lại ấn tượng buổi gặp Bác ở trong rừng Việt Bắc sau chiến thắng Điện Biên Phủ:

   “Người cười với mọi người, Người vừa đi vừa bắt tay lần lượt và bảo mọi người cứ ngồi xuống, không phải vỗ tay, và cũng không cần phải làm gì khác. Mọi người đều cảm thấy ngay rằng: Lãnh tụ cách mạng bao giờ cũng khiêm tốn và trang trọng. Người dùng tiếng Pháp, tiếng Nga hỏi thăm tình hình sinh hoạt của mọi người: ăn ở, khí hậu trong rừng nhiệt đới, đường sá lầy lội thế nào… Người hỏi rất tỉ mỉ khiến ai cũng chóng quen ngay. Khi giới thiệu đến tôi, Người dùng tiếng Trung Quốc thân thiết hỏi:

   - Ở Điện Biên Phủ, làm sao đồng chí lại ngã ngựa thế? Giờ đã khỏi chưa?

   Khi nghe hỏi thế, tôi không hề ngạc nhiên bởi vì Người cũng có tấm lòng như một người mẹ hiền. Nhưng tôi không khỏi không cảm động; một câu chuyện nhỏ thế làm sao mà cũng lọt đến tai Người, và Người lại nhớ lâu thế”2.

   Bác Hồ là nhà cách mạng với những ước mơ cao đẹp nhưng đồng thời là người không bao giờ thiếu sót, bỏ quên những việc nhỏ. Bác là con người có ý chí sắt đá nhưng cũng là người rất thông cảm và dịu hiền vô hạn trong những quan hệ giữa người với người. Trong cuốn sách đã dẫn, Đới Hoàng còn chú ý đến sự quan tâm của Bác đối với hạnh phúc lứa đôi: “Trong thời kỳ kháng chiến, hễ trong khu vực Người công tác, có một đám cưới nào, Người đều bớt thời gian đến chúc mừng hoặc nhờ người khác đem tặng phẩm đến tặng chúc đôi nam nữ mạnh khoẻ, vui vẻ sống đến lúc đầu bạc răng long”.

   Đối với những việc nhỏ của cá nhân đã vậy, còn đối với những sự kiện của nước bạn, Người nhớ như khắc trong dạ. Nhà thơ Ưng Viên kể lại cho thiếu nhi Trung Quốc nghe rằng khi Hồ Chủ tịch biết trong đoàn nhà báo Trung Quốc có người quê ở Liễu Châu – nơi Người từng bị tù ở đó – Người hỏi: “- Liễu Châu bây giờ xây dựng ra sao? Chiếc cầu lớn trên sông Miễu đã sửa xong chưa? Người qua sông có phải trả tiền nữa không”. Nhà thơ Ưng Viên kể tiếp: “Người nói rằng khi Người còn ở Liễu Châu thì chưa có cầu, ai đi qua cái cầu phao cũng đều phải trả tiền. Các chú ngạc nhiên sao Người nhớ lâu như vậy, ngay một việc lặt vặt từ trước đây mười mấy năm mà Người còn nhớ rành rọt như thế”3.

   Đới Hoàng kể lại trong dịp “du xuân” với Bác Hồ năm 1956: “Người nói rất nhiều chuyện vui, từ đồng thoại Đan Mạch, thần thoại Hy Lạp đến núi Thiên Mục và Tây Hồ của nước ta. Sau đó Người lại nói đến công cuộc kiến thiết của nước ta, khiến mọi người phải kinh ngạc là Chủ tịch nhớ rấtrõ một số con số trong công cuộc xây dựng nước ta”. Đới Hoàng giải thích về trí nhớ của Bác: “Chỉ có những người khổng lồ khắc khổ học tập siêu phàm mới có đủ tri thức uyên bác mà không có điều gì không thống suốt ấy và mới có thể có được trí nhớ thiên tài như vậy”4. Và tất nhiên, lòng yêu mến nhân dân Trung Quốc cũng là một nguyên nhân tạo nên sự ghi nhớ đó của Người.

   Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Hồ Chủ tịch là người lão thực” (nghĩa là rất chân thực). Tính chân thực này bắt nguồn từ tình cảm gắn bó, thương yêu nhân dân lao động. Bác là hiện thân của những người lao khổ của nhân dân Việt Nam. Chính vì thế, nhà thơ Liên Xô Antoconsky viết:

   “Người tá điền, anh bồi bếp, bác phu xe
   Na ná giống Người trong Sài Gòn đêm tối”.

   Người “na ná” giống người lao khổ Việt Nam vì Người đã đi tận cùng của sự đau khổ của dân tộc. Kỳ diệu thay, ta còn thấy Bác Hồ có thể hoá thân, hoà mình với những người lao động Trung Quốc, Bác sang Trung Quốc:

   “Những nơi chân Người dừng bước
   Gặp ai cũng chuyện tâm tình
   Người nông dân gặp Bác
   Đoán bác là nông dân
   Qua Trung Quốc để mua trâu cày
   Anh công nhân đường sắt
   Tưởng Bác là công nhân
   Đến bàn chuyện vác khuân
   Khi nói chuyện đường sắt
   Người biết từ chiếc đinh vít biết đi
   Bà già ngắm đi ngắm lại
   Đích rồi, thầy thuốc Việt Nam
   Mang nhiều thuốc tiên thì phải
   Có không, thuốc quý sa nhân?”.

   Bác bình dị đến mức Người đã đi xa rồi, mọi người mới biết đó là lãnh tụ Việt Nam:

   “Người là ai? Người là ai?
   Mà sao lại bình thường quá
   Người đã xa mấy dặm đường
   Đấy là lãnh tụ Việt Nam!”.
                             (Câu chuyện Mục Nam Quan, Trương Vĩnh Mai)

   Bác giản dị, thoát khỏi sự ràng buộc tầm thường của cuộc sống. Đới Hoàng viết về chỗ ở của Người trong thời kỳ kháng chiến: “Trong thời kỳ kháng chiến, Người ở trong một nhà sàn lợp bằng gianh, một chiếc chiếu, một tấm chăn cũ, một chiếc bàn thấp và một chiếc máy chữ. Đó là toàn bộ tài sản của Người. Ngủ cũng ở chiếc chiếu đó, viết cũng ở chiếc chiếu đó. Một chiếc khăn mặt Người dùng rất lâu, các đồng chí cảnh vệ yêu cầu, Người mới chịu thay cái khác. Cho đến việc ăn uống, Người thường ăn cơm với rau xanh, mà phần lớn là do Người tự trồng ra”.

   Và đây là nơi ở của Người trong thời kỳ hoà bình dưới con mắt của nhà thơ Quách Mạt Nhược:

   “Bác mời vào nơi ở
   Nơi ở như cảnh chiền
   Tự tay Bác vẽ kiểu
   Vẽ am xưa còn in
   Am xưa bằng tre nứa
   Thời cách mạng nương thân
   Giờ tuy thay bằng gỗ
   Vẫn mộc mạc bình dân…
   Bác mời tôi lên gác
   Cởi giầy để ngoài hiên
   Buồng ngủ mà sạch sẽ
   Phòng văn nhã, rộng hơn
   Vào phòng ngồi xếp gối
   Ngồi ngay xuống dưới sàn
   Trơn tru không trạm trổ
   Bốn mặt có lan can”...
              (Bài thơ Trang Nghiêm)

   Ấn tượng sâu sắc đối với Quách Mạt Nhược là nơi ở của Người “Vẫn mộc mạc bình dân”, “Trơn tru không trạm trổ”. Bác luôn sống thật giản dị như nếp sống quen thuộc, không thể và không cần thay đổi. Chỗ ở của Người bây giờ cũng giống như ngày xưa luôn luôn có “Gió mát vui bay đến/ Chim kêu như sáo đàn”. Hai câu thơ trên khiến ta nhớ lại những câu thơ của Bác: “Xem sách, chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi”. Hai câu thơ của Quách Mạt Nhược, nhìn bề ngoài tưởng như tả cảnh nhưng thực ra là tả hồn thơ của Bác: bao giờ cũng rộng cửa đón những ngọn gió lành tứ phương, Bác là ông già nhân từ đến nỗi chim chóc cũng mạnh dạn quấn quýt bên Người, đàn hát cho Người nghe.

   Cũng nói về đức tính giản dị của Bác, nhà văn Triệu Phác Sơ lại nắm bắt được những chi tiết điển hình trong tính cách của Bác: “Tính khiêm tốn, và thanh thản của Người, cũng như đức tính của Người ghét mọi đặc quyền, đã in sâu trong trí nhớ của tôi. Một buổi sáng, lúc tôi vừa tỉnh dậy, tôi nghe có người báo tin: “Chủ tịch đã đến”. Tôi vội vàng khoác chiếc áo ngoài thì Người vừa bước vào phòng. Người bảo tôi: “Chớ chớ! Đừng có lễ nghi làm gì. Đồng chí thấy đấy, tôi cũng có khoác áo ngoài đâu”. Thế rồi, Người bắt đầu nói chuyện như với một người thân trong gia đình”5.

   Các bạn Trung Quốc cũng như các bạn nước ngoài khác đều thấy cái giản dị của Bác là cái vĩ đại của Bác. Bác không thích người ta đúc tượng đồng cho mình nhưng “nhân dân đã đúc cho Bác hàng triệu tượng ở trong trái tim rồi”6. Nhà thơ Viên Ưng gọi Bác Hồ là bậc đại trí, đại dũng, đại nhân. Quách Mạt Nhược gọi “Chủ tịch Hồ Chí Minh là Đại tướng anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam”7. Nhà thơ Tiêu Tam cũng nói cái ý đấy trong bài thơ Mừng thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh 70 tuổi:

   “Xưa nay bẩy chục dễ bao người
   Đức vọng lớn thay Hồ Chủ tịch
   Lãnh đạo toàn dân quét giặc thù
   Thoát vòng nước lửa đời êm đẹp
   Giương ngọn cờ hồng vững chắc tay
   Phạt quang gai góc ai bì được
   Hoàn thành cách mạng Người hướng theo
   Rồi nửa trời kia liền giải ngọc”.

   Thượng tướng Tiêu Hướng Vinh nói đến phẩm chất cao đẹp của Người:

   “Chí bền rèn chống giặc
   Tuổi trẻ quyết vì dân
   Giúp đời đi cứu nước
   Vượt khó nguyện quên thân”.

   Đại nhân là lòng thương người. Bác là vô tận của yêu thương. Nhưng lòng thương của Bác là lòng thương yêu giai cấp chứ không phải là tình thương chung chung của nhà Phật. Quách Mạt Nhược đọc Nhật ký trong tù thấy Hồ Chủ tịch là người gang thép, rất lạc quan, nhưng Người cũng đã khóc trong thơ, ông viết: “Đó là giọt lệ anh hùng, giọt lệ của người chiến sĩ. Giọt lệ đó không chảy vì riêng mình mà chảy vì hàng vạn người đau khổ”8.

   “Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau/ Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu” (Tố Hữu). Trong “nỗi đau dân nước” của Bác có một tình cảm sâu nặng nhất, đó là tình cảm hướng về Miền Nam đau thương anh dũng “đi trước về sau”. Miền Nam luôn luôn ở trong tim Bác. Hiểu được tấm lòng đó của Bác đối với Miền Nam, nhà thơ Viên Ưng đã khéo dựa vào câu nói nổi tiếng của Bác nói với cán bộ tập kết trong dịp quốc khánh để sáng tạo được một ý thơ độc đáo. Hôm ấy, một đoàn cán bộ và nhân dân Miền Nam tập kết ra Bắc diễu qua lễ đài, nhìn thấy Hồ Chủ tịch, đoàn người bèn dừng lại hoan hô. Sợ ảnh hưởng đến đoàn người đi sau, Hồ Chủ tịch nói: “Sao lại dừng lại! Đi mau đi chứ!”, Viên Ưng viết:

   “Đi nhanh hơn nữa! Đi nhanh hơn nữa!”
   Ngang đài hoa, Hồ Chủ tịch mỉm cười.
   “Đừng dừng lại, đừng dừng lại”
   Chan hoà nắng sớm thênh thang đường dài…
   Giữa Quảng trường Ba Đình
   Từng lời lãnh tụ nổi sóng
   Từ Mục Nam Quan thẳng tới Cà Mau
   Trăm vạn tấm lòng rung động”.

   Câu nói rất đơn sơ bình dị của Bác, càng nghĩ càng thấy sâu sắc và không những bây giờ mà sau này vẫn còn vang vọng mãi. Tình cảm của Bác đối với Miền Nam cũng là tình cảm của nhân dân Miền Bắc đối với Miền Nam. Đó là động lực thúc đẩy “Nam Bắc hai miền đều đánh giỏi” để đi đến ngày thống nhất.

   Bác Hồ không những là nhà chính trị lỗi lạc mà còn là “nhà thơ lớn”9. Đó là điều vinh dự cho dân tộc ta, cũng là điều khá đặc biệt trong lịch sử cổ, kim, Đông, Tây. Các bạn Trung Quốc đều cho tập thơ Nhật ký trong tù là “của báu của nền văn học hiện đại. Tác phẩm ấy không những thuộc về nhân dân Việt Nam, mà còn thuộc về nhân dân Trung Quốc”10. Điều đó không phải chỉ vì Nhật ký trong tù được viết bằng Trung văn mà chủ yếu vì nó “ghi lại một phần bộ mặt xã hội Trung Quốc cũ khoảng 1942-1943”11. Quách Mạt Nhược viết: “Chúng ta cảm ơn pho tượng sử bằng thơ của Hồ Chủ tịch đã giữ lại cho chúng ta một số nét về bộ mặt của thời đại cũ đáng cho chúng ta hồi tưởng”, “Bộ mặt sinh hoạt trong nhà tù được miêu tả rất chân thực, đối với thiếu niên nhi đồng ngày nay có thể coi là đang đọc truyện Một nghìn một đêm lẻ”. Chính vì vậy ông gọi tập Nhật ký trong tù không những là tự truyện bằng thơ mà còn là một bộ “sử thi” của nhà cách mạng.

   “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Chất thép trong những lời thơ của Bác tác động sâu sắc đối với các bạn ở trời Âu cũng như trời Á. Đó là điểm gặp gỡ, nhất trí của bạn đọc Trung Quốc. Quách Mạt Nhược viết: “Nếu chúng ta đọc kỹ thì hầu như bài nào cũng có thép, câu nào cũng có thép. Vì sao vậy? Bởi vì Người làm thơ có tinh thần thép rất rắn chắc, có tinh thần xung phong hãm trận”. Triệu Phác Sơ viết: ““Nay ở trong thơ nên có thép”, đó là quan niệm mà những người lao động văn học, nghệ thuật cách mạng cần phải noi theo. Những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự vũ trang bằng thép, và cũng bất diệt như trời đất”. Quách Mạt Nhược cho thơ Bác là sự kết hợp giữa “căm giận” và “xót xa”, nghĩa là sự kết hợp của chất thép và chất trữ tình. Triệu Phác Sơ thấy trong thơ Bác có “một mối cảm tình và lòng ưu ái chân thật đối với những người cùng cảnh ngộ lao tù”.

   Ai đọc thơ Bác cũng thấy một nỗi buồn man mác nhưng ngay những bài thơ buồn cũng vẫn vang lên âm điệu lạc quan. Triệu Phác Sơ viết: “Tinh thần lạc quan cách mạng ấy – can đảm trong chiến tranh, bình tĩnh và kiên định trước kẻ thù – toát lên một cách mạnh mẽ trong các bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một lãnh tụ vĩ đại sinh ra từ một dân tộc vĩ đại, vì tinh thần cao quý của lãnh tụ lại là một nguồn cảm hứng lớn lao cho dân tộc. Một dân tộc như thế được một lãnh tụ như thế dẫn đường thì sẽ không ai có thể dọa nạt hoặc đánh bại được”. Nhà thơ Viên Ưng viết: “Khi tôi đọc Nhật ký trong tù, lòng tôi xúc động vô cùng. Tôi cảm thấy như trái tim vĩ đại đó đang toả ra ánh sáng chói ngời trong một hoàn cảnh tối tăm, trong những ngày tháng tối tăm, Bác Hồ là nhà thơ lớn”.

   Tóm lại, các bạn đọc Trung Quốc thấy tinh thần, cốt cách, đức độ, tình cảm của Bác được thể hiện rất rõ ràng ở trong Nhật ký trong tù. Quách Mạt Nhược viết: “Một trăm bài thơ, hầu như mỗi bài đều thể hiện một cách sống, một con người – đồng chí Hồ Chí Minh, một vị lão thành cách mạng lịch duyệt, thông thái, ung dung, chất phác mà kiên nghị. Quả thật thơ chính là Người”.

   Trái tim vĩ đại của Bác Hồ ngừng đập vào năm thứ 79. Trong khi đồng bào cả nước thương khóc Người thì nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc, đều hướng về Hà Nội, tỏ lòng thương tiếc trước sự ra đi đầy vinh quang của Người. Theo tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, được tin Hồ Chủ tịch mất, từ chiều 6/9 đến 10/9/1969 có 10 vạn người ở Thủ đô Bắc Kinh đến đại sứ quán ta để viếng Người. Những người bạn Trung Quốc từng quen biết Người hoặc được gặp Người đều khóc nức nở kể lại một vài kỷ niệm của Người. Được gặp Bác Hồ là niềm mơ ước của nhiều bạn Trung Quốc. Anh nhạc sĩ trẻ Hoàng Khắc Bằng (Thượng Hải) đã làm bản nhạc tỏ nỗi thương xót và nuối tiếc từ nay không còn được gặp Bác nữa:

   “Tôi nén chặt đau thương đang cuồn cuộn trong lòng
    Nước mắt rưng rưng ngước nhìn chân dung Người
   Tôi không còn được gặp Người nữa
   Tôi cũng chưa hề được gặp Người
   Nhưng tên tuổi Người khắc sâu mãi mãi trong lòng tôi
   Lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam
   Người bạn chiến đấu thân thiết của chúng ta
   Đời đời bất diệt Lưu tiếng nghìn thu”.

   Bác Hồ mất rồi nhưng đức độ của Người vẫn còn xanh mãi như cây thanh tùng và chí khí của Người như chim ưng vẫn vỗ cánh giữa bầu trời nhân loại:

   “Cây thanh tùng cao tận mây xanh
   Chim hùng ưng vỗ cánh bay nhanh
   Bác Hồ Chí Minh muôn vàn yêu kính
   Trong lòng tôi, Người sống muôn năm”.
                                          (Lương Đại Bình)

   Tìm hiểu những vần thơ, những bài hát ca ngợi Bác Hồ của các bạn Trung Quốc cũng như bầu bạn trên thế giới, chúng ta càng tự hào về Bác – một con người toàn vẹn mà “Bất cứ về phương diện nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều là tấm gương sinh động cho thế hệ trẻ” (Đới Hoàng). Bác đã tô điểm cho non sông gấm vóc của Tổ quốc ta thêm rạng rỡ. Tìm đọc những lời của các bạn nước ngoài nói về Bác, chúng ta càng kính yêu Bác, một con người mà các bạn Trung Quốc đều “Cảm thấy tự hào vì nhân dân Việt Nam anh em có lãnh tụ lỗi lạc như thế” (Quách Mạt Nhược).

   Cảm ơn các bạn Trung Quốc đã có những lời tốt đẹp về lãnh tụ, về dân tộc chúng ta. Qua những lời bạn nói về Bác, ta càng hiểu thêm bạn vì tin tưởng mối tình hữu nghị của hai dân tộc Việt - Trung mà Bác Hồ đã gieo mầm vun đắp sẽ mãi mãi xanh tươi.

 

 

 

Chú thích:
1 Viên Ưng (1958), Bác Hồ hỏi thăm các cháu đấy, NXB Thiếu niên nhi đồng Trung Quốc, tr. 88 - 90.
2, 3, 4 Đới Hoàng (1956), Ấn tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Thông tục độc vật Bắc Kinh, tr. 2, 90, 27.
5 Xem Triệu Phác Sơ: “Bút ký nhân đọc thơ trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Tạp chí Văn học, nghệ thuật (Việt Nam), số 32, tháng 8/1973, tr. 5.
6 Xuân Diệu (1971), Và cây đời mãi mãi xanh tươi, NXB Văn học, tr. 73.
7, 8 Xem bài thơ “Tiễn Mao Chủ Tịch lên máy bay đi Trùng Khánh” của Tiêu Tam trong tập thơ Ca ngợi Mao Chủ tịch, NXB Văn học Nhân dân Bắc Kinh, 1959, tr. 74, 74.
9 Viên Ưng: “Bác Hồ, một nhà thơ lớn”, Tạp chí Văn nghệ (Trung Quốc), số 5/1960.
10 Triệu Phác Sơ: “Bút ký nhân đọc thơ trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Tạp chí Văn học, nghệ thuật (Trung Quốc), số 32, tháng 8/1973.
11 Quách Mạt Nhược: “Nay ở trong thơ nên có thép”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học (Việt Nam), tháng 12/1960.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận